(LLCT) - Quảng bá hình ảnh quốc gia thông qua danh nhân văn hóa là chiến lược ngoại giao văn hóa được nhiều nước thực hiện và càng trở nên quan trọng trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Danh nhân văn hóa không chỉ đại diện cho di sản văn hóa dân tộc mà còn kết nối các nền văn hóa, giúp nâng cao sức mạnh mềm quốc gia. Bài viết làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn về quảng bá hình ảnh quốc gia thông qua danh nhân văn hóa (nghiên cứu trường hợp ba danh nhân văn hóa tiêu biểu được UNESCO vinh danh), từ đó đúc rút một số bài học kinh nghiệm.
TS VŨ TUẤN ANH
Học viện Ngoại giao
1. Mở đầu
Quảng bá hình ảnh quốc gia là một khái niệm quan trọng trong lĩnh vực quan hệ quốc tế và quảng bá văn hóa, phản ánh cách thức mà một quốc gia xây dựng và truyền đạt hình ảnh của mình đến với bạn bè quốc tế trong và ngoài nước. Anholt(1) cho rằng, quảng bá hình ảnh quốc gia không chỉ là một chiến lược truyền thông mà còn là một công cụ để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, du lịch, đầu tư và ngoại giao. Điều này có nghĩa là, việc quản lý hình ảnh quốc gia có thể tạo ra những tác động tích cực đến lòng tin và sự quan tâm của công chúng đối với một quốc gia.
Hình ảnh quốc gia được cấu thành từ nhiều yếu tố, bao gồm văn hóa, chính trị, kinh tế và môi trường. Văn hóa, với các giá trị, truyền thống và nghệ thuật đặc trưng, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh. Chính trị ổn định cùng với các chính sách đối ngoại có ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách mà quốc gia đó được nhìn nhận. Thêm vào đó, sự phát triển kinh tế và môi trường tự nhiên cũng là các yếu tố quyết định trong việc tạo dựng hình ảnh tích cực cho quốc gia.
Danh nhân văn hóa có vai trò đặc biệt trong hình ảnh quốc gia. Họ không chỉ đại diện cho tài năng và trí tuệ của dân tộc mà còn là những biểu tượng gắn liền với lịch sử và văn hóa. Theo Hankinson(2), trong các chiến dịch quảng bá danh nhân văn hóa có thể tạo ra một hình ảnh sâu sắc và tích cực trong tâm trí công chúng. Bằng cách tổ chức các sự kiện văn hóa, sử dụng truyền thông đại chúng và hợp tác quốc tế, các quốc gia có thể khai thác tối đa di sản của danh nhân văn hóa để nâng cao hình ảnh của mình trên trường quốc tế.
2. Nội dung
2.1. Một số vấn đề cơ bản về quảng bá hình ảnh quốc gia
Quảng bá là một hoạt động truyền thông, tiếp thị nhằm giới thiệu, lan tỏa thông tin và thuyết phục công chúng về giá trị của một sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu, hoặc ý tưởng. Quảng bá thường được sử dụng trong các chiến lược truyền thông để tăng nhận thức, tạo sự quan tâm và thúc đẩy hành động từ đối tượng mục tiêu. Theo Philip Kotler: “Quảng bá là quá trình sử dụng các phương tiện truyền thông để giao tiếp và truyền đạt giá trị, thông tin hoặc ý tưởng với mục tiêu tạo dựng nhận thức, kích thích nhu cầu và duy trì lòng trung thành của khách hàng”(3).
Thuật ngữ thương hiệu quốc gia (nation brand) được hiểu theo nhiều cách giải nghĩa khác nhau. Có ba cách tiếp cận chính về thương hiệu quốc gia: tiếp cận ở góc độ kinh tế - kỹ thuật; tiếp cận ở góc độ văn hóa, và tiếp cận ở góc độ chính trị - đối ngoại, trong đó cách tiếp cận từ góc độ chính trị và đối ngoại ngày càng trở nên phổ biến hơn(4).
Thuật ngữ Thương hiệu quốc gia được Simon Anholt đưa ra lần đầu trong thập kỷ 1990. Theo Simon Anholt, thương hiệu quốc gia được hiểu là việc một quốc gia vận dụng các chiến lược về thương hiệu của doanh nghiệp trong quan hệ với một hay một nhóm quốc gia khác nhằm tác động tới quan hệ ngoại giao và các mối tương tác quốc tế. Simon Anholt cho rằng, thương hiệu quốc gia thường liên quan đến sáu lĩnh vực chủ yếu bao gồm du lịch, xuất khẩu, quản trị, con người, văn hóa và di sản, đầu tư và di cư, sáu lĩnh vực này cơ bản đều xuất phát từ động cơ kinh tế(5).
Theo Craig Haiden, thương hiệu quốc gia có thể được xem là một sản phẩm liên quan đến nhận thức, một biến số phụ thuộc vào cách một quốc gia được nhìn nhận trên thế giới(6). Tương tự, theo Lee Hudson Teslik, thương hiệu quốc gia tập trung vào việc xây dựng một hình ảnh tích cực, hấp dẫn nhằm tăng cường sự hiện diện và ảnh hưởng của quốc gia trên trường quốc tế(7).
Một cách giải nghĩa khác về thương hiệu quốc gia đó là tập trung vào lĩnh vực kinh tế. Theo đó, thương hiệu quốc gia được hiểu là thương hiệu gán chung cho các sản phẩm, hàng hóa của một quốc gia, là tên, các khẩu hiệu, ký hiệu, biểu tượng được thiết kế hay tổng hợp những yếu tố trên với mục đích xác định hàng hóa và dịch vụ được tạo ra từ một quốc gia nhằm phân biệt hàng hóa và dịch vụ của quốc gia này với những quốc gia khác(8).
Quảng bá hình ảnh quốc gia là một quá trình chiến lược nhằm giới thiệu và cải thiện nhận thức toàn cầu về các đặc trưng văn hóa, giá trị, sản phẩm, dịch vụ và con người của một quốc gia. Mục tiêu là xây dựng một hình ảnh tích cực và bền vững, qua đó thúc đẩy lợi ích kinh tế, chính trị và văn hóa trên trường quốc tế.
Việt Nam là quốc gia giàu truyền thống văn hóa. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm việc phát huy sức mạnh của văn hóa trong đó có các danh nhân văn hóa để quảng bá hình ảnh đất nước trên trường quốc tế. Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất do UNESCO công nhận, là biểu tượng của tinh thần yêu nước, hòa bình và sự kiên định vì độc lập dân tộc. Tên tuổi của Hồ Chí Minh không chỉ được vinh danh trong các công trình nghiên cứu mà đã lan tỏa qua các sự kiện quốc tế như triển lãm, hội thảo về tư tưởng và di sản.
Bên cạnh đó, Nguyễn Trãi và Nguyễn Du, hai Nhà văn hóa kiệt xuất, với những tác phẩm như Bình Ngô đại cáo và Truyện Kiều, đã trở thành cầu nối để giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới. Những giá trị nhân văn sâu sắc trong các tác phẩm của các danh nhân được khai thác qua các chương trình giao lưu văn hóa, dịch thuật, và triển lãm quốc tế. Việc quảng bá hình ảnh quốc gia qua danh nhân không chỉ tôn vinh di sản văn hóa Việt mà còn khẳng định sự đóng góp của đất nước Việt Nam vào nền văn minh nhân loại, góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam hiện đại, thân thiện và có bề dày văn hóa độc đáo.
Trong số các nhân vật tiêu biểu, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu và Lê Hữu Trác là những biểu tượng không chỉ của văn hóa Việt Nam mà còn mang giá trị nhân văn có thể hội nhập sâu rộng với thế giới. Bài nghiên cứu này tập trung vào ba danh nhân văn hóa được UNESCO công nhận trong thời gian gần đây (từ năm 2020 đến 2024).
2.2. Quảng bá hình ảnh Việt Nam thông qua danh nhân văn hóa
Một là, Hồ Xuân Hương - Nữ sĩ phá cách và bản sắc nữ quyền
Hồ Xuân Hương (1772-1822), được mệnh danh là “Bà Chúa thơ Nôm”, là một biểu tượng văn học độc đáo của Việt Nam với phong cách thơ sắc sảo, táo bạo và tư tưởng vượt thời đại. Bà không chỉ là một nhà thơ tài hoa mà còn là một biểu tượng văn hóa đại diện cho tiếng nói nữ quyền và phản kháng xã hội phong kiến. Với những giá trị độc đáo đó, Hồ Xuân Hương trở thành nguồn cảm hứng lớn trong chiến lược quảng bá thương hiệu quốc gia Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.
Thơ của Hồ Xuân Hương là sự kết hợp hài hòa giữa ngôn ngữ Nôm độc đáo và tư duy nghệ thuật sâu sắc, thể hiện qua những bài thơ nổi tiếng như Bánh trôi nước, Đánh đu hay Đèo Ba Dội. Trong các tác phẩm của bà, hình ảnh người phụ nữ hiện lên vừa kiên cường vừa đầy tinh tế, phản ánh khát vọng tự do, bình đẳng và sự thách thức với những định kiến của xã hội phong kiến. Đây là các giá trị có sức lan tỏa mạnh mẽ và kết nối chặt chẽ với phong trào bình đẳng giới toàn cầu, làm cho Hồ Xuân Hương không chỉ là di sản văn hóa Việt Nam mà còn là một biểu tượng văn hóa có ý nghĩa nhân loại.
Năm 2021, UNESCO đã công nhận Hồ Xuân Hương là danh nhân văn hóa thế giới nhân dịp kỷ niệm 250 năm ngày sinh và 200 năm ngày mất của bà. Sự kiện này đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc đưa hình ảnh và di sản của bà đến với cộng đồng quốc tế. Những hoạt động kỷ niệm, như triển lãm thơ, hội thảo quốc tế, và các chương trình quảng bá, đã góp phần khẳng định vai trò của Hồ Xuân Hương trong việc thể hiện bản sắc văn hóa Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam kết nối văn hóa với các giá trị toàn cầu, đặc biệt là trong các lĩnh vực văn học, bình đẳng giới và sáng tạo nghệ thuật.
Trong việc quảng bá thương hiệu quốc gia, Hồ Xuân Hương mang lại nhiều lợi thế đặc biệt. Bà đại diện cho sức mạnh của ngôn ngữ Nôm, một di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam, đồng thời là tiếng nói tiên phong trong việc đấu tranh cho quyền bình đẳng và giải phóng phụ nữ. Điều này không chỉ góp phần xây dựng hình ảnh một Việt Nam nhân văn, sáng tạo mà còn tạo cơ hội kết nối với các phong trào quốc tế về bình đẳng giới và bảo tồn di sản văn hóa.
Việc khai thác sâu sắc các giá trị trong thơ ca của Hồ Xuân Hương là một yếu tố quan trọng khác trong chiến lược quảng bá. Hình ảnh của bà có thể được quảng bá qua phân tích về sự phong phú và đặc sắc của ngôn ngữ tiếng Việt mà bà thể hiện trong thơ, vốn giàu hình ảnh và nhạc điệu. Ngoài ra, phong cách nghệ thuật độc đáo của Hồ Xuân Hương, đặc biệt trong việc khéo léo lồng ghép các yếu tố “tục” để truyền tải thông điệp “thanh”, cần được làm nổi bật. Những yếu tố này thể hiện tinh thần phóng khoáng, dung dị trong văn hóa Việt Nam, đồng thời khắc họa bức tranh xã hội và tư tưởng vượt thời đại, đại diện cho hệ giá trị và chiều sâu tư tưởng của con người Việt Nam.
Để thực hiện hiệu quả việc quảng bá hình ảnh quốc gia thông qua danh nhân Hồ Xuân Hương, cần kết nối hình tượng và tư tưởng của bà với các giá trị cốt lõi của Việt Nam. Tinh thần phản kháng và khát vọng tự do của Hồ Xuân Hương có thể gắn liền với hình ảnh đất nước kiên cường, bất khuất, trong khi việc bà đề cao nữ quyền phản ánh hình ảnh một Việt Nam tiến bộ và bình đẳng. Những giá trị này có thể được lồng ghép trong các chiến dịch quảng bá thương hiệu quốc gia thông qua việc sử dụng thơ ca của bà trong các tài liệu quảng bá văn hóa, du lịch và các sự kiện quốc tế; từ đó nâng cao sức mạnh mềm, hình ảnh và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Hai là, Nguyễn Đình Chiểu - Biểu tượng văn chương yêu nước
Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) là một nhà thơ, nhà văn hóa lớn của Việt Nam, nổi bật với tinh thần yêu nước, đạo đức nhân văn, và sự kiên cường vượt lên nghịch cảnh. Ông là biểu tượng của ý chí và lòng tự hào dân tộc, đồng thời là tấm gương sáng về giá trị văn hóa Việt Nam. Việc quảng bá hình ảnh của Nguyễn Đình Chiểu không chỉ góp phần bảo tồn di sản văn hóa mà còn có vai trò quan trọng trong xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia.
Nguyễn Đình Chiểu được biết đến nhiều nhất qua các tác phẩm như Lục Vân Tiên và Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. Những tác phẩm này không chỉ là kiệt tác văn học mà còn chứa đựng thông điệp về lòng nhân ái, chính nghĩa và tinh thần yêu nước bất khuất. Đây là những giá trị phổ quát, dễ dàng kết nối với cộng đồng quốc tế. Lục Vân Tiên, với câu chuyện về lòng trung hiếu và đức tính chính trực, đã trở thành biểu tượng văn hóa của lòng nhân đạo, thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu và độc giả toàn cầu khi được dịch ra nhiều ngôn ngữ. Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, một áng văn bi tráng, thể hiện tinh thần yêu nước mạnh mẽ, góp phần khẳng định ý chí độc lập và tự do của dân tộc Việt Nam.
UNESCO đã vinh danh Nguyễn Đình Chiểu vào năm 2022 nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông. Sự kiện này là cơ hội để Việt Nam quảng bá hình ảnh văn hóa dân tộc thông qua các hoạt động kỷ niệm, hội thảo quốc tế và triển lãm văn hóa. Những sự kiện này không chỉ thu hút sự quan tâm của công chúng trong nước mà còn tạo tiếng vang lớn trên trường quốc tế, góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam giàu truyền thống văn hóa và nhân văn.
Nguyễn Đình Chiểu không chỉ là một nhân vật lịch sử mà còn là một biểu tượng văn hóa. Hình ảnh của ông gắn liền với các giá trị mà Việt Nam muốn truyền tải ra thế giới: Lòng yêu nước, đạo đức, và tinh thần nhân văn. Việc khai thác hình ảnh Nguyễn Đình Chiểu có thể mở ra nhiều hướng đi trong chiến lược ngoại giao văn hóa, như tổ chức các cuộc thi sáng tác văn học lấy cảm hứng từ ông, phát hành sách và tài liệu đa ngôn ngữ, xây dựng các tour du lịch văn hóa tại quê hương Bến Tre.
Ngoài ra, giá trị đạo đức trong các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu có thể được tích hợp vào các chiến dịch quảng bá giáo dục, văn hóa và truyền thông đại chúng, đặc biệt trong thời đại toàn cầu hóa khi các giá trị nhân văn được đề cao. Điều này không chỉ giúp Việt Nam bảo tồn và phát huy di sản văn hóa mà còn tạo nên sức hút độc đáo, đóng góp vào xây dựng thương hiệu quốc gia với tư cách là một đất nước có nền văn hóa giàu bản sắc và sức mạnh mềm đầy tiềm năng.
Ba là, Lê Hữu Trác - Người thầy y học và triết lý sống
Lê Hữu Trác (1724-1791), được biết đến với danh hiệu Hải Thượng Lãn Ông, là một danh y, nhà văn và triết gia lỗi lạc của Việt Nam. Ông không chỉ đặt nền móng cho nền y học cổ truyền Việt Nam mà còn để lại di sản tri thức quý giá về y học, triết lý sống và đạo đức nghề y. Với những đóng góp to lớn cho y học và văn hóa dân tộc, Lê Hữu Trác là một nhân vật tiêu biểu trong việc quảng bá thương hiệu quốc gia, thể hiện hình ảnh một Việt Nam giàu truyền thống nhân văn và sáng tạo.
Tác phẩm nổi tiếng nhất của Lê Hữu Trác, Hải Thượng y tông tâm lĩnh, là một công trình đồ sộ gồm 28 tập, chứa đựng không chỉ các kiến thức y học cổ truyền mà còn các giá trị triết học sâu sắc. Tác phẩm này không chỉ là cẩm nang về chữa bệnh mà còn nhấn mạnh triết lý y học gắn liền với thiên nhiên, cân bằng âm dương, và tôn trọng con người. Những giá trị này phù hợp với xu hướng toàn cầu hiện nay về y học bền vững, chăm sóc sức khỏe toàn diện và y học tích hợp. Bên cạnh đó, tinh thần nhân đạo và đạo đức nghề y của ông được truyền tải qua các câu chuyện, lời dạy và cách ông đối xử với bệnh nhân, làm nổi bật giá trị nhân văn trong y học cổ truyền Việt Nam.
Lê Hữu Trác được UNESCO vinh danh nhân dịp kỷ niệm 300 năm ngày sinh vào năm 2024. Sự kiện này là cơ hội để Việt Nam giới thiệu với thế giới một nhân vật vừa mang tính biểu tượng văn hóa vừa có đóng góp thực tiễn cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn cầu. Những hoạt động như hội thảo quốc tế, triển lãm về y học cổ truyền và các chương trình hợp tác nghiên cứu đã góp phần khẳng định giá trị di sản của ông trong việc xây dựng hình ảnh Việt Nam như một quốc gia coi trọng sức khỏe và đời sống con người.
Thông qua các nhân vật tiêu biểu như Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu, Lê Hữu Trác, Việt Nam không chỉ tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống mà còn tạo dựng cầu nối với các xu hướng toàn cầu như bình đẳng giới, y học bền vững và tinh thần yêu nước.
Trong chiến lược quảng bá thương hiệu quốc gia, Lê Hữu Trác có vai trò quan trọng thể hiện trên hai khía cạnh: y học cổ truyền và triết lý sống nhân văn. Các giá trị mà ông để lại có thể được khai thác thông qua việc thúc đẩy nghiên cứu y học cổ truyền, xuất bản các tác phẩm dịch thuật về Hải Thượng y tông tâm lĩnh, và xây dựng các chương trình đào tạo quốc tế dựa trên nền tảng y học cổ truyền Việt Nam. Đồng thời, việc kết hợp di sản của Lê Hữu Trác vào ngành du lịch y tế, với các sản phẩm trải nghiệm chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe dựa trên liệu pháp cổ truyền, cũng là một hướng đi hiệu quả để phát triển thương hiệu quốc gia.
Hình ảnh Lê Hữu Trác không chỉ tôn vinh truyền thống y học cổ truyền của Việt Nam mà còn mang lại cơ hội kết nối với các giá trị toàn cầu về y học tự nhiên và chăm sóc sức khỏe bền vững. Những nguyên lý y học của ông như “đạo làm thầy thuốc” hay “tinh thần y đức” không chỉ là tài sản văn hóa mà còn là thông điệp mạnh mẽ về trách nhiệm xã hội, góp phần định vị Việt Nam như một quốc gia có nền văn hóa nhân văn sâu sắc.
Việc quảng bá hình ảnh Lê Hữu Trác sẽ góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam với tư cách là một đất nước giàu tri thức y học, đậm đà bản sắc văn hóa và hướng tới sự phát triển bền vững, cân bằng giữa truyền thống và hiện đại.
2.3. Bài học kinh nghiệm trong việc quảng bá hình ảnh quốc gia thông qua danh nhân văn hóa
Nghiên cứu việc quảng bá hình ảnh quốc gia thông qua ba danh nhân văn hóa Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu và Lê Hữu Trác mang lại những bài học quan trọng về quảng bá hình ảnh quốc gia.
Một là, cần chọn lọc các biểu tượng văn hóa đại diện cho những giá trị phổ quát và bền vững, như tinh thần nhân văn, bình đẳng, và sáng tạo. Các danh nhân này không chỉ thể hiện bản sắc dân tộc mà còn kết nối với những vấn đề toàn cầu, như bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe bền vững và đạo đức nhân văn.
Hai là, việc vinh danh và quảng bá di sản của họ cần được thực hiện thông qua các kênh quốc tế, như sự công nhận từ UNESCO, các sự kiện giao lưu văn hóa, và dịch thuật tác phẩm sang nhiều ngôn ngữ. Điều này giúp định vị quốc gia như một đất nước giàu văn hóa và sức mạnh mềm, góp phần xây dựng hình ảnh tích cực trên trường quốc tế.
Ba là, tăng cường truyền thông và quảng bá quốc tế thông qua việc sử dụng hình ảnh của các danh nhân trong các chiến dịch truyền thông đa nền tảng, từ phim tài liệu, triển lãm, đến các chương trình truyền hình và mạng xã hội. Tổ chức các sự kiện quốc tế, như hội thảo văn học, y học cổ truyền hoặc trưng bày nghệ thuật, để giới thiệu các giá trị mà họ đại diện.
Bốn là, phát triển sản phẩm du lịch và văn hóa sáng tạo. Xây dựng các điểm đến du lịch gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của các danh nhân, như: quê hương của Hồ Xuân Hương ở Nghệ An, khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu ở Bến Tre, các di tích liên quan đến Lê Hữu Trác. Phát triển các sản phẩm văn hóa sáng tạo như sách, phim, hoặc các bộ sưu tập nghệ thuật lấy cảm hứng từ tác phẩm của họ để tạo giá trị kinh tế và gắn kết thương hiệu quốc gia với các lĩnh vực văn hóa.
Năm là, ứng dụng công nghệ trong quảng bá danh nhân văn hóa. Tận dụng công nghệ số để số hóa các tác phẩm và di sản của ba danh nhân, xây dựng các nền tảng trực tuyến như thư viện số hoặc bảo tàng ảo. Phát triển các ứng dụng và trò chơi giáo dục dựa trên câu chuyện và tư tưởng của họ, tạo sự tiếp cận dễ dàng hơn cho công chúng trẻ.
Sáu là, cần kết hợp di sản văn hóa vào các lĩnh vực kinh tế, du lịch và giáo dục, tạo giá trị thương mại và xã hội bền vững. Bằng cách này, thương hiệu quốc gia không chỉ là di sản mà còn là động lực phát triển hiện đại.
3. Kết luận
Việc quảng bá hình ảnh quốc gia thông qua danh nhân văn hóa là một chiến lược hiệu quả nhằm khẳng định bản sắc dân tộc, nâng cao sức mạnh mềm và tạo dựng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Thông qua các nhân vật tiêu biểu như Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu, Lê Hữu Trác, Việt Nam không chỉ tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống mà còn tạo dựng cầu nối với các xu hướng toàn cầu như bình đẳng giới, y học bền vững và tinh thần yêu nước.
Việc UNESCO vinh danh các danh nhân này là cơ hội quan trọng để Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, từ hội thảo quốc tế, triển lãm văn hóa, đến việc số hóa di sản và ứng dụng công nghệ vào truyền thông. Đồng thời, sự kết hợp giữa văn hóa với các ngành kinh tế sáng tạo, du lịch và giáo dục sẽ giúp gia tăng giá trị thực tiễn của di sản văn hóa, biến nó thành nguồn lực phát triển bền vững.
Để chiến lược quảng bá danh nhân văn hóa thực sự hiệu quả, Việt Nam cần tiếp tục mở rộng các kênh truyền thông quốc tế, xây dựng nội dung sáng tạo và tận dụng công nghệ số, qua đó khẳng định hình ảnh một đất nước giàu truyền thống, nhân văn và sáng tạo trong thời đại hội nhập.
_________________
Ngày nhận bài: 20-12-2024; Ngày bình duyệt: 22-02-2025; Ngày duyệt đăng: 24-02-2025.
Email tác giả: vutuananh@dav.edu.vn
(1) Anholt, S. (2007). Competitive Identity: The New Brand Management for Nations, Cities and Regions. Palgrave Macmillan.
(2) Hankinson, G. (2004). Relational network brands: The role of the brand in building a national identity. Journal of Brand Management, 11(5), 323-342.
(3) Kotler, P. (2016). Marketing Management. Pearson Education.
(4) Nadia Kaneva, “Branding the Nation: Toward An Agenda for Critical Research”, International Journal of Communication 5, 2011.
(5) Simon Anholt, Public Diplomacy Blog, U.S. Center on Public Diplomacy, 2007.
(6) Đặng Cẩm Tú, Vũ Lê Thái Hoàng: Xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia: Tiếp cận từ góc độ chiến lược đối ngoại, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, https://nghiencuuquocte.org, ngày 6-12-2021.
(7) Lee Hudson Teslik, Nation Branding Explained, Council on Foreign Relations, 2007.
(8) Nguyễn Anh Tuấn: Thương hiệu quốc gia, Báo Nhân Dân điện tử, https://nhandan.vn, ngày 29-4-2006.