Quốc tế

Sự điều chỉnh chiến lược của Ấn Độ với châu Phi dưới thời Thủ tướng Modi

11/07/2025 17:13

(LLCT) - Quan hệ Ấn Độ và các nước châu Phi gắn liền với lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước. Các nhà lãnh đạo Ấn Độ như Mahatma Gandhi, Jawaharlal Nehru, Indira Gandhi và Rajiv Gandhi đã được nhiều quốc gia châu Phi trao tặng huân chương vì công cuộc giải phóng châu lục này. Trải qua thời gian, dưới tác động của bối cảnh quốc tế và trong nước, Ấn Độ đã có những thay đổi trong tiếp cận châu Phi, từ “hỗ trợ” thành “hợp tác phát triển”. Đặc biệt, từ khi Thủ tướng Narendra Modi lên nắm quyền, cam kết chiến lược của Ấn Độ với các nước châu Phi gắn liền với mục tiêu trở thành cường quốc thế giới của nước này. Thông qua phân tích chính sách và đánh giá tác động, bài viết làm rõ sự thay đổi trong cách tiếp cận châu Phi của Ấn Độ, những cam kết chiến lược trong các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, quân sự và văn hóa, minh chứng cho sự trỗi dậy của Ấn Độ gắn chặt chẽ với sự thành công trong quan hệ với các nước châu Phi.

TS KIỀU THANH NGA
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

TS QUÁCH THỊ HUỆ

Viện Chính trị và Quan hệ quốc tế,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Ghana John Dramani Maham tại Accra, ngày 3-7-2025. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Ấn Độ tới quốc gia châu Phi trong 30 năm qua_Ảnh: newindianexpress.com

1. Mở đầu

Cục diện thế giới hiện nay đang có những biến động sâu sắc và toàn diện từ chính trị, kinh tế đến an ninh. Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu điều chỉnh chiến lược đối với các nước lớn. Trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ, các nước châu Phi chiếm một vị trí rất quan trọng, đặc biệt là khi thủ tướng Narendra Modi lên nắm quyền với những quyết sách mạnh mẽ, thiên về hành động và gắn liền với điều kiện thực tế của khu vực, thế giới và mục tiêu phát triển của Ấn Độ. Những thay đổi trong cách tiếp cận châu Phi và những ưu tiên của Ấn Độ thời kỳ này được đặt trên nền tảng quan hệ lịch sử, lâu đời và tốt đẹp giữa Ấn Độ và khu vực, sự tương đồng mục tiêu, lợi ích và điều kiện hợp tác giữa các bên. Mặc dù còn một số rào cản nhất định, nhưng quan hệ Ấn Độ và các nước châu Phi đã đạt được nhiều thành tựu và đang được Ấn Độ quan tâm thúc đẩy trên cả phương diện song phương và đa phương.

2. Nội dung

2. 1. Những thay đổi trong các tiếp cận châu Phi của Ấn Độ trước thời thủ tướng Narendra Modi

Ấn Độ và châu Phi có mối quan hệ lịch sử gắn với sự ủng hộ của Ấn Độ cho phong trào giải phóng, chống thực dân ở các nước châu Phi và sự hợp tác chặt chẽ trong Phong trào Không liên kết và G77 là một liên minh gồm 135 quốc gia đang phát triển, được thành lập để thúc đẩy lợi ích kinh tế chung của các thành viên và tăng cường khả năng đàm phán tập thể tại Liên hợp quốc. Vị anh hùng dân tộc Ấn Độ, Mahatma Gandhi đã ở Nam Phi từ năm 1893 đến 1914, được coi là nguồn cảm hứng cho phong trào giải phóng châu Phi trong những năm 1950 và 1960(1).

Đến trước năm 1991, chính sách châu Phi của Ấn Độ ưu tiên cho hỗ trợ các phong trào giải phóng, chống thực dân và chống lại chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi, Namibia; cộng đồng người Ấn Độ ở châu Phi. Do theo đuổi mô hình phát triển hướng nội nên trong giai đoạn này, hợp tác kinh tế Ấn Độ - các nước châu Phi chưa được quan tâm. Công cụ chính sách đối ngoại quan trọng giữa Ấn Độ và các nước châu Phi trong giai đoạn này là hợp tác Nam - Nam thông qua chương trình Hợp tác kinh tế và kỹ thuật (ITEC) được lập từ năm 1964. Bên cạnh đó, Ấn Độ hỗ trợ các phong trào giải phóng châu Phi thông qua Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết và Khối thịnh vượng chung, đồng thời hợp tác chặt chẽ với Tổ chức Thống nhất châu Phi (OAU) ngay từ khi mới thành lập vào năm 1963.

Bước vào thập niên 1990, chính sách phát triển kinh tế trong nước cho thấy nhiều bất cập cùng với đó là sự sụp đổ của Liên Xô - đối tác thương mại quan trọng nhất của Ấn Độ, đã dẫn đến một cuộc cải cách kinh tế toàn diện ở Ấn Độ. Rời bỏ mô hình phát triển hướng nội, thay vào đó, Ấn Độ tập trung thu hút FDI, chuyển giao công nghệ, đẩy mạnh xuất khẩu và hội nhập mạnh mẽ hơn vào thị trường thế giới, điều này cũng làm thay đổi chính sách đối với châu Phi(2).

Với sáng kiến của Thủ tướng Manmohan Singh, năm 2008, Diễn đàn Thượng đỉnh Ấn Độ - châu Phi lần đầu tiên được tổ chức tại New Delhi (IAFS-I) với sự tham dự của 14 nhà lãnh đạo châu Phi, tạo nền tảng đối thoại chính thức giữa Ấn Độ và các nước châu Phi. IAFS được coi là công cụ thể chế hóa, tăng cường quan hệ Ấn Độ và các nước châu Phi trên các lĩnh vực: Hỗ trợ phát triển; Hợp tác kinh tế; Phát triển nguồn nhân lực; Hợp tác Nam - Nam.

Bảng 1. Tổng quan về các Diễn đàn Thượng đỉnh Ấn Độ - châu Phi

Thời gian/ địa điểm
Chủ đề
Kết quả nổi bật
IAFS-I (2008)
New Delhi
(Ấn Độ)
Đối tác đang tiến triển: Hướng tới phát triển bền vững và toàn diện
- Dự án mạng lưới điện tử toàn châu Phi (The Pan-African e-Network Project), đã chuyển đổi khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục ở châu Phi.
- Tín dụng ưu đãi cho các dự án chuyển đổi trong lĩnh vực nông nghiệp và cơ sở hạ tầng
- Cung cấp hơn 22.000 học bổng cho sinh viên châu Phi.
IAFS-II (2011) Addis Ababa (Ethiopia)
Quan hệ đối tác nâng cao: Tầm nhìn chung
- Cam kết 5 tỷ USD trong tín dụng ưu đãi (LoC) trong ba năm.
- Thành lập các tổ chức chuyên ngành như Viện Ngoại thương Ấn Độ - châu Phi, các trung tâm đào tạo nghề và công viên công nghệ.
IAFS-III (2015)
New Delhi
(Ấn Độ)
Đối tác đang tiến triển: Hướng tới chương trình nghị sự phát triển năng động và chuyển đổi
- Cam kết 10 tỷ USD trong LoC và 600 triệu USD viện trợ.
- Cung cấp 50.000 học bổng để trao quyền cho thanh niên châu Phi.
- Tập trung vào năng lượng tái tạo thông qua Liên minh năng lượng mặt trời quốc tế (ISA).
- Mở rộng mạng lưới điện tử toàn châu Phi nhằm thu hẹp khoảng cách về chăm sóc sức khỏe và giáo dục.

Nguồn: Rashmi Rani Anand, 2024(3)

Sự chuyển đổi mạnh mẽ trong tư duy hành động và bản chất quan hệ Ấn Độ - các nước châu Phi được thể hiện qua từng hội nghị. Về sự tham gia, nếu ở IAFS-I và IAFS-II số lượng quốc gia châu Phi tham gia vẫn còn hạn chế thì đến IAFS-III có sự tham gia của đại diện tất cả 54 quốc gia châu Phi, trong đó có 40 nguyên thủ quốc gia(4), cho thấy quan hệ hợp tác sâu sắc và toàn diện hơn. Về nội dung hợp tác, hội nghị đầu tiên nhấn mạnh vào hỗ trợ phát triển của Ấn Độ cho châu Phi thông qua các khoản vay và học bổng, đến hội nghị lần 3 đã hướng tới hợp tác toàn diện, chuyển dịch hướng tới sự đổi mới và bền vững (tăng trưởng nông nghiệp, tiếp cận năng lượng, nền kinh tế xanh, giáo dục, nâng cao kỹ năng và an ninh hòa bình). Hội nghị nhấn mạnh hai bên cùng nhau hợp tác hướng tới tăng trưởng kinh tế toàn diện để xóa đói giảm nghèo và phân bổ nguồn lực cho phát triển bền vững theo Chương trình nghị sự 2063 của châu Phi và các ưu tiên phát triển của Ấn Độ.

2.2 Sự điều chỉnh chính sách đối ngoại với châu Phi dưới thời Thủ tướng Modi

Chính sách châu Phi của Ấn Độ đã có sự điều chỉnh từ Thủ tướng Singh sang Thủ tướng Modi (từ tháng 5-2014). Từ khi là thủ hiến bang Gujarat, Modi đã khởi xướng các hoạt động hợp tác với các quốc gia châu Phi và điều này đã được hiện thực hóa trong thời gian ông làm Thủ tướng. Nếu như chính sách của Thủ tướng Manmohan Singh với châu Phi đứng từ phía Ấn Độ là một quốc gia có vị thế, có thể cung cấp viện trợ và chia sẻ với châu Phi thì Thủ tướng Modi có cách tiếp cận khác. Ông ca ngợi sự tiến bộ của các nước châu Phi với các sáng kiến ​​khu vực nhằm tăng cường sự ổn định, thịnh vượng và phát triển kinh tế, cho rằng châu Phi là lục địa có thể đóng góp vào sự phát triển của Ấn Độ, nhấn mạnh vai trò châu Phi trong cung cấp năng lượng cho các ngành công nghiệp của Ấn Độ, nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác và trao đổi nhiều hơn trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi.

Ngoài ra, ông Modi đã chỉ ra những thách thức chung mà châu Phi và Ấn Độ phải trải qua, đó là những thách thức mang tính toàn cầu. Do đó, Ấn Độ không chỉ là đối tác phát triển của châu Phi mà còn là đối tác về các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh, nông nghiệp và chống chủ nghĩa cực đoan, bạo lực. Tại IAFS-III, Thủ tướng Modi khẳng định, Ấn Độ vinh dự trở thành đối tác phát triển của châu Phi(5).

Cách tiếp cận đối tác phát triển của Ấn Độ với châu Phi dưới thời Thủ tướng Modi được thể hiện qua bốn trụ cột chính là: (i) Xây dựng năng lực và đào tạo trong khuôn khổ Hợp tác Kỹ thuật và Kinh tế Ấn Độ (ITEC); (ii) Tín dụng (LoC) hoặc các khoản vay ưu đãi và viện trợ không hoàn lại; (iii) Thương mại; và (iv) Đầu tư(6).

Có thể thấy, sự thay đổi trong tiếp cận châu Phi của Ấn Độ từ hỗ trợ phong trào giải phóng dân tộc và chống phân biệt chủng tộc đến hợp tác phát triển trên nhiều lĩnh vực. Theo Sanjay Singh, trong khi Gandhi đặt nền tảng triết lý cho sự đoàn kết Ấn Độ - châu Phi, Modi đã biến tầm nhìn đó thành các chính sách có thể hành động và có tác động, biến nó thành nền tảng cho chiến lược toàn cầu của Ấn Độ(7).

Sự kiện được coi là tuyên bố về tầm nhìn của Ấn Độ đối với châu Phi là bài phát biểu của Thủ tướng Modi vào tháng 7-2018 trước Quốc hội Uganda. Bài phát biểu nêu ra 10 nguyên tắc chỉ đạo trong chiến lược châu Phi của Ấn Độ, thể hiện một chiến lược châu Phi mạnh mẽ của Thủ tướng Modi. Các nguyên tắc này nhấn mạnh châu Phi sẽ đứng đầu trong các ưu tiên của Ấn Độ, bao gồm thị trường mở, thương mại mở, phát triển nền kinh tế kỹ thuật và cải thiện nông nghiệp châu Phi, cuộc chiến chống khủng bố và giải quyết những thách thức chung, đấu tranh cho sự công bằng hơn của các nước đang phát triển trong các tổ chức quốc tế, đặc biệt, bảo đảm cho châu Phi không một lần nữa trở thành địa bàn cạnh tranh vì tham vọng của các nước khác(8).

Để triển khai chiến lược châu Phi, trong giai đoạn 2018 - 2021, Chính phủ Ấn Độ đã mở thêm 18 cơ quan đại diện ngoại giao mới tại các quốc gia: Burkina Faso, Cameroon, Cape Verde, Chad, Cộng hòa Congo, Djibouti, Guinea Xích đạo, Eritrea, Guinea, Guinea Bissau, Liberia, Mauritania, Rwanda, Sao Tome và Principe, Sierra Leone, Somalia, Swaziland và Togo, nâng lên 47 cơ quan đại diện ngoại giao Ấn Độ tại châu Phi(9).

Từ năm 2015 đã có hơn 30 chuyến công du của lãnh đạo Ấn Độ từ cấp bộ trưởng trở lên tới các nước châu Phi. Trong khi đó, Ấn Độ đã tiếp đón gần 100 lượt các nhà lãnh đạo châu Phi, bao gồm cả các nhà lãnh đạo tham gia Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Ấn Độ - châu Phi lần thứ ba (IAFS-III) tổ chức tại Ấn Độ năm 2015(10).

Vào tháng 11-2024, thủ tướng Modi đã tới Nigeria, là chuyến thăm châu Phi đầu tiên của Modi trong nhiệm thứ ba của ông. Tổng thống Nigeria Bola Ahmed Tinubu đã trao tặng Huân chương Đại tư lệnh của Niger cho thủ tướng Modi với những công lao của ông đối với châu Phi, với các nước phía Nam cũng như vị thế toàn cầu của Ấn Độ ngày càng gia tăng(11). Đặc biệt, Thủ tướng Modi đã tạo dấu ấn trong chiến lược châu Phi của Ấn Độ khi Liên minh châu Phi (AU) được đưa vào làm thành viên chính thức của G20 tại Hội nghị thượng đỉnh New Delhi tháng 9-2023.

Với vai trò là Chủ tịch G20 năm 2023, Ấn Độ đã hoạt động vận động hành lang mạnh mẽ để AU trở thành thành viên thường trực của G20, tạo cột mốc cho châu lục này trong việc tham gia vào diễn đàn toàn cầu và thúc đẩy các quan hệ đối tác mới với thế giới. Điều này là minh chứng cho việc luôn đặt châu Phi ở vị trí ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ, đồng thời hiện thực hóa chiến lược châu Phi trong nhiều lĩnh vực.

Trong thương mại, kim ngạch thương mại Ấn Độ - các nước châu Phi tăng từ 68,5 tỷ USD trong hai năm 2011 - 2012 lên 83,34 tỷ USD trong hai năm 2023 - 2024, đưa Ấn Độ trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của châu Phi sau Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc(12). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ sang châu Phi là 45 tỷ USD với các mặt hàng chủ yếu là nhiên liệu khoáng sản, thực phẩm và dược phẩm; thị trường xuất khẩu hàng đầu của Ấn Độ là Nam Phi, Nigeria, Ai Cập, Togo và Kenya. Kim ngạch nhập khẩu từ châu Phi về Ấn Độ là 38 tỷ USD với dầu thô và kim cương là chủ yếu, trong đó khoảng 3/4 là dầu thô nhập khẩu từ các quốc gia như Nigeria, Guinea Xích đạo, Angola, Congo, Ai Cập, Algeria, Sudan và Ghana(13). Ấn Độ phải tìm kiếm các thị trường bên ngoài để nhập khẩu dầu và khí đốt ròng, bảo đảm nguồn năng lượng cần thiết để duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh trong nước.

Mặc dù có sự gia tăng trong hoạt động giao thương, song Ấn Độ và châu Phi đều chiếm thị phần tương đối nhỏ trong thương mại toàn cầu, chỉ với 2,8% cho Ấn Độ và 3% cho châu Phi. Mặc dù là một trong ba đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi, nhưng khoảng cách giữa Ấn Độ với các đối tác của châu Phi còn khá xa, chẳng hạn như với Trung Quốc, các sản phẩm của Ấn Độ chỉ chiếm 6,3% tổng lượng nhập khẩu của châu Phi so với 18,3% của Trung Quốc(14). Vì vậy, Ấn Độ và châu Phi cần hướng tới đàm phán và ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) hoặc Hiệp định Thương mại ưu đãi nhằm thúc đẩy thương mại cũng như tăng thị phần của mỗi bên trên thị trường toàn cầu.

Trong lĩnh vực đầu tư cũng ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể. Tính đến năm 2022, đầu tư của Ấn Độ vào châu Phi đạt khoảng 74 tỷ USD, trở thành nhà đầu tư lớn thứ tư ở châu Phi. Riêng năm 2022, các công ty Ấn Độ đã công bố mức đầu tư trực tiếp nước ngoài kỷ lục là 22,2 tỷ USD vào châu Phi và mục tiêu vào năm 2030 là 150 tỷ USD(15). Ấn Độ đã đầu tư vào Mauritius, Mozambique, Sudan, Nam Phi và Ai Cập, các lĩnh vực: dầu khí và than đá, năng lượng mặt trời, dược phẩm, khách sạn, thép, lĩnh vực công nghệ thông tin và hàng tiêu dùng. Châu Phi cũng là nguồn đầu tư quan trọng ở Ấn Độ, trong đó, Mauritius là nhà đầu tư hàng đầu. Trong giai đoạn 2000 - 2019, Mauritius đầu tư 141 tỷ USD vào Ấn Độ (31% tổng số đầu tư được thực hiện ở Ấn Độ), Nam Phi (khoảng 500 triệu USD), Seychelles (213 triệu USD), Morocco (140 triệu USD), Nigeria, Liberia, Mozambique (khoảng 15 triệu USD mỗi nước) và Ai Cập (10 triệu USD)(16).

Nhu cầu về dầu mỏ ngày càng gia tăng nên lĩnh vực này vẫn là ưu tiên cho các khoản đầu tư của Ấn Độ ra nước ngoài, vì vậy, năng lượng chiếm phần lớn trong hợp tác đầu tư Ấn Độ - châu Phi. Trong những năm gần đây, các dự án đầu tư của Ấn Độ vào châu Phi tăng trưởng mạnh mẽ, đưa Ấn Độ trở thành một đối tác chiến lược cho sự phát triển của châu Phi. Tuy nhiên, do sự tách biệt giữa khu vực công và khu vực tư nhân trong đầu tư ra nước ngoài của Ấn Độ, thiếu sự hỗ trợ của Chính phủ đối với chương trình đầu tư ra nước ngoài của các công ty nên thiếu động lực trong thúc đẩy đầu tư và bắt kịp với các đối thủ trong khu vực.

Trong hợp tác phát triển, Ấn Độ thúc đẩy quan hệ đối tác phát triển với châu Phi thông qua Hợp tác Nam - Nam. Trong thập kỷ qua, Ấn Độ đã đầu tư hơn 12,37 tỷ USD và hoàn thành 206 dự án phát triển tại 43 quốc gia châu Phi, gần 40.000 người châu Phi đã được đào tạo tại Ấn Độ thông qua chương trình Hợp tác Kỹ thuật và Kinh tế Ấn Độ (ITEC). Ấn Độ cũng đã triển khai giai đoạn thứ hai của dự án giáo dục và y tế từ xa, và kể từ năm 2019 hơn 15.000 thanh thiếu niên từ 22 quốc gia châu Phi đã nhận được học bổng cho nhiều khóa học cấp bằng và chứng chỉ kỹ thuật khác nhau(17).

Trụ cột trong hợp tác phát triển của Ấn Độ là: (i) Giáo dục và đào tạo trong các lĩnh vực như tài chính và kế toán, công nghệ thông tin, xúc tiến của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngôn ngữ, phát triển nông thôn, môi trường và năng lượng tái tạo; và (ii) cho vay và trợ cấp cho các nước đang phát triển bởi Ngân hàng Xuất nhập khẩu Ấn Độ (Exim Bank)(18). Trong đó, giáo dục và đào tạo là ưu tiên đầu tiên trong hợp tác phát triển của Ấn Độ, trong đó có châu Phi.

Ở trụ cột thứ nhất, giáo dục và đào tạo, các chương trình chủ yếu nhằm vào các công chức cấp cao, nhà khoa học, chính trị gia và quân nhân từ các nước đang phát triển, nhằm chia sẻ kinh nghiệm và củng cố Hợp tác Nam - Nam. Hàng năm, Hội đồng Quan hệ Văn hóa Ấn Độ (ICCR) cung cấp 3.365 học bổng với tổng số 24 chương trình, trong đó khoảng 900 được dành cho châu Phi. Đã có 13 tổng thống đương nhiệm hoặc cựu tổng thống, thủ tướng và phó tổng thống từ châu Phi đã tham gia vào các chương trình đào tạo ở Ấn Độ(19). Các chương trình nâng cao năng lực cho châu Phi đã được thực hiện trong khuôn khổ ITEC. Ấn Độ đã xây dựng mạng lưới điện tử toàn châu Phi với Dự án e-VidhyaBharati và e-ArogyaBharati Network Project (E-VBAB). Dự án nhằm cung cấp chương trình giáo dục từ xa miễn phí trong 5 năm cho 4000 sinh viên, giáo dục y tế miễn phí cho 1.000 bác sĩ, y tá và nhân viên y tế cũng như tư vấn y tế miễn phí(20).

Ở trụ cột thứ hai, cho vay và trợ cấp bởi Exim Bank cho các lĩnh vực nông nghiệp, dược phẩm, công nghệ thông tin, tài chính, dệt may, năng lượng và lĩnh vực ô tô. Hiện nay, tất cả các công ty lớn của Ấn Độ như ArcelorMittal, Vedanta Resources, Tata Group và Airtel đều có đại diện ở châu Phi. Ngoài ra, hỗ trợ cũng được mở rộng theo các dự án hỗ trợ không hoàn lại, bao gồm xây dựng Trung tâm Hội nghị Mahatma Gandhi ở 9 quốc gia châu Phi; Trung tâm công nghệ thông tin ở Nam Phi, Ai Cập, Morocco, Lesotho, Ghana, Namibia và Tanzania; Trung tâm dạy nghề tại Ethiopia, Rwanda, Burundi, Burkina Faso, Gambia, Zimbabwe và Ai Cập(21).

Để thúc đẩy hợp tác phát triển với châu Phi, Ấn Độ cũng tăng cường hợp tác ba bên với các đối tác khác ở châu Phi. Hợp tác với Nhật Bản trong Hành lang tăng trưởng Á - Phi (AAGC) thông qua hợp tác phát triển các dự án cơ sở hạ tầng và kết nối thể chế, như một sự đối trọng với Vành đai và con đường (BRI) của Trung Quốc. Hợp tác với Mỹ trong các dự án nông nghiệp ở Botswana, Cộng hòa Congo, Ghana, Kenya, Liberia, Malawi, Mozambique, Rwanda, Sudan, Tanzania, Uganda và Zambia. Ngoài ra, hợp tác ba bên với các đối tác EU cũng đang được Ấn Độ hướng tới cho hợp tác phát triển ở châu Phi(22).

Lĩnh vực quốc phòng và an ninh, được coi như một trụ cột quan trọng trong quan hệ Ấn Độ - châu Phi, tập trung ở các nội dung:

(1) Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là truyền thống trong quan hệ quốc phòng và an ninh giữa Ấn Độ và châu Phi. ITEC cung cấp các khóa đào tạo quốc phòng cho các quốc gia châu Phi trong các lĩnh vực quản lý quốc phòng, nghiên cứu chiến lược, hậu cần, kỹ thuật hàng hải và hàng không. Ấn Độ đã hỗ trợ thành lập các học viện đào tạo quốc phòng tại một số nước châu Phi như Học viện Quân sự Harar (Ethiopia), Học viện Quốc phòng Nigeria (NDA), Cao đẳng Chỉ huy và Tham mưu Nigeria, Cao đẳng Chỉ huy và Tham mưu Tanzania;

(2) Ấn Độ tham gia sâu rộng vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc trong các cuộc xung đột ở châu Phi. Ấn Độ là một trong những quốc gia đóng góp lớn nhất cho hoạt động gìn giữ hòa bình tại châu Phi và có lực lượng đáng kể tại Cộng hòa Dân chủ Congo, Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, Tây Sahara và Somalia;

(3) Hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố và các vấn đề an ninh hàng hải. Do sự gia tăng các thách thức về khủng bố và an ninh trên biển, Hải quân Ấn Độ đã tăng cường các chuyến thăm đến các quốc gia châu Phi, thực hiện các cuộc tập trận hải quân song phương và đa phương với các quốc gia châu Phi. Trong đó, triển khai cuộc tập trận ba bên Ấn Độ - Mozambique - Tanzania đầu tiên tại Dar es Salaam (Tanzania) vào tháng 10-2022 nhằm giải quyết các mối đe dọa chung và tăng cường khả năng tương tác;

(4) Hợp tác trong tập trận, huấn luyện quân sự. Vào tháng 3-2019, cuộc tập trận huấn luyện thực địa đầu tiên giữa Ấn Độ và 17 quốc gia châu Phi được phát động tại căn cứ quân sự Aundh (Ấn Độ) nhằm mục tiêu tăng cường phối hợp trong các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và các hoạt động rà phá bom mìn nhân đạo. Trong lần tập trận thứ hai vào năm 2023, có 25 quốc gia châu Phi tham gia;

(5) Xuất khẩu thiết bị quốc phòng của Ấn Độ sang châu Phi. Trong thập kỷ qua, Ấn Độ đã cung cấp tàu tuần tra và tàu đánh chặn cho Mauritius, Seychelles và Mozambique. Tuy nhiên, chỉ có 10% xuất khẩu quốc phòng của Ấn Độ được hướng tới châu Phi, con số cũng rất khiêm tốn so với vũ khí xuất khẩu của Nga, Trung Quốc, các nước châu Âu sang châu Phi(23). Vì vậy, Ấn Độ đã và đang thúc đẩy việc phát triển hợp tác song phương về quân sự với mỗi quốc gia châu Phi. Các đối tác chính của Ấn Độ trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh là Nam Phi, Kenya, Nigeria, Rwanda, Madagascar, Mauritius, Mozambique, Seychelles, Tanzania và Zambia. Tầm quan trọng của việc hợp tác quốc phòng và an ninh với châu Phi đã được xác định và được thể hiện với tần suất ngày càng tăng trong các phát biểu của Ấn Độ. Hội nghị Tham mưu trưởng lục quân Ấn Độ - châu Phi, Đối thoại quốc phòng Ấn Độ - châu Phi (IADD) thường niên,… là những minh chứng cho hợp tác quốc phòng và an ninh giữa Ấn Độ và châu Phi ngày càng được mở rộng.

Sự thay đổi tiếp cận châu Phi của Ấn Độ đã được cụ thể hóa bằng chiến lược ưu tiên hàng đầu đối với châu Phi, đặc biệt trong hai nhiệm kỳ đầu của Thủ tướng Modi. Bằng việc mở rộng quan hệ ngoại giao, tăng cường thương mại, sử dụng các khoản đầu tư, hợp tác phát triển mạnh mẽ và thúc đẩy quan hệ đối tác quân sự chiến lược với châu Phi, Ấn Độ đã có được chỗ đứng đáng kể trên lục địa này như một phần của chiến lược toàn cầu của mình.

Ấn Độ với cách tiếp cận quyền lực mềm, sử dụng chiến lược ngoại giao trong truyền tải nguyện vọng của châu Phi trên trường quốc tế, hợp tác phát triển đa dạng. Vì vậy, mặc dù quy mô hoạt động nhỏ hơn các cường quốc nhưng Ấn Độ luôn được coi là đồng minh đáng tin cậy ở châu Phi.

3. Kết luận

Quan hệ Ấn Độ - các nước châu Phi đã không ngừng được thúc đẩy và có nhiều thành tựu nhưng vẫn còn hạn chế. Thực tế cho thấy, chiến lược châu Phi của Ấn Độ vẫn cần phải giải quyết những rào cản và thách thức, trong đó có chiến lược chưa rõ ràng, công cụ hợp tác phát triển chưa đồng bộ, cơ chế đối thoại IAFS từ năm 2015 đến nay chưa được nối lại và nguồn lực còn hạn chế so với các cường quốc đang đẩy mạnh cuộc cạnh tranh ở châu Phi. Để quan hệ Ấn Độ - châu Phi phát triển tốt đẹp và cùng có lợi thì cả Ấn Độ và châu Phi cần phải giải quyết những rào cản hợp tác, theo đó vượt qua thử thách này cũng là bước tiến xa hơn của Ấn Độ trong hành trình trở thành cường quốc thế giới.

_________________

Ngày nhận bài:3-2-2025; Ngày bình duyệt: 8- 7-2025; Ngày duyệt đăng: 11-7-2025.

Email tác giả: quachhue9688@gmail.com

(1), (2), (18), (19) Christian Wagner: India’s Africa Policy, Stiftung Wissenschaft und Politik German Institute for International and Security, Affairs, SWP Research Paper 9, 7-2019, Berlin.

(3) Rashmi Rani Anand: India-Africa Forum Summit: A partnership of vision and mutual growth, the Times of India, 30-12-2024, https://timesofindia.indiatimes.com/blogs/rashmi-anands-perspectives/india-africa-forum-summit-a-partnership-of-vision-and-mutual-growth/.

(4), (5) Ruchita Beri: Third India Africa Forum Summit: Key Outcomes, Manohar Parrikar Institute for Defence Studies and Analyses, 12-2015, https://idsa.demosl-03.rvsolutions.in/publisher/third-india-africa-forum-summit-key-outcomes/.

(6), (8) HHS Viswanathan & Abhishek Mishra: The Ten Guiding Principles for India-Africa Engagement: Finding Coherence in India’s Africa Policy, Observer Research Foundation, ORF Occasional Paper, 6-2019 .

(7), (11), (17) Sanjay Singh: How PM Modi Transformed India-Africa Engagement, https://www.ndtv.com/opinion/how-pm-modi-transformed-india-africa-engagement-7045413, 18-11-2024.

(9) Ministry of External Affairs Government of India: India approves 18 African missions, https://indbiz.gov.in/cabinet-approves-18-new-missions-in-africa/, 21-3-2018.

(10) Paul Nantulya: Africa-India Cooperation Sets Benchmark for Partnership, https://africacenter.org/spotlight/africa-india-cooperation-benchmark-partnership/, 12-12-2024

(12), (13) Government of India: Pathways for Shared Progress: India-Africa Economic Cooperation, Indian - Africa Business Conclave, 20-22 August 2024, New Delhi, India, https://www.cii.in/International_ResearchPDF/Pathways%20for%20Shared%20Progress%20India_Africa%20Economic%20Cooperation.pdf, truy cập ngày 18-11-2024.

(14) Ronak Gopaldas: India eyes Africa in its quest for superpower status, https://issafrica.org/iss-today/india-eyes-africa-in-its-quest-for-superpower-status, truy cập ngày 09-01-2025.

(15) FDI Intelligence: India's ambitions for Africa trigger mounting FDI wave, https://www.fdiintelligence.com/content/news/indias-ambitions-for-africa-trigger-mounting-fdi-wave-82958, truy cập ngày 18-12-2024

(16), (20), (21), (22) Gulshan Sachdeva: India-Africa Development Partnership Dynamics, Forum for Indian Development Cooperation, FIDC Discussion Paper 3, 12-2020.

(23) Ruchita Beri: India Africa Defence Engagement Towards New Avenues, https://www.vifindia.org/article/2024/august/29/India-Africa-Defence-Engagement-Towards-New-Avenues, truy cập ngày 29-12-2024

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sự điều chỉnh chiến lược của Ấn Độ với châu Phi dưới thời Thủ tướng Modi
    POWERED BY