Diễn đàn

Thực hiện trách nhiệm giải trình của cán bộ diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý hiện nay

17/07/2025 15:34

(LLCT) - Thực hiện trách nhiệm giải trình của cán bộ diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý có vai trò đặc biệt quan trọng, không chỉ giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành mà còn góp phần tăng cường niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước, đồng thời phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Bài viết làm rõ khái niệm, nội dung, phương thức thực hiện trách nhiệm giải trình và vai trò của thực hiện trách nhiệm giải trình của cán bộ diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý hiện nay.

TS NGUYỄN THỊ PHƯƠNG CHI
Viện Xây dựng Đảng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Hội nghị kiểm điểm Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An năm 2024_Ảnh minh họa:nghean.dcs.vn

1. Mở đầu

Trách nhiệm giải trình được coi là một trong “bốn trụ cột” của hoạt động quản lý nhà nước, bao gồm: trách nhiệm giải trình, tính minh bạch, tính dự đoán được và sự tham gia. Trong bốn trụ cột, trách nhiệm giải trình được coi là vấn đề then chốt. Thực hiện trách nhiệm giải trình có vai trò quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giúp tăng cường tính minh bạch, công khai và hiệu quả trong hoạt động công vụ, đồng thời tạo điều kiện cho sự giám sát của người dân và các cơ quan chức năng. Việc thực hiện tốt trách nhiệm giải trình của cán bộ nói chung và cán bộ diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý nói riêng sẽ góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với hoạt động của cấp ủy, chính quyền và thúc đẩy sự tham gia tích cực của người dân vào công tác xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

2. Nội dung

2.1. Khái niệm “trách nhiệm giải trình” và “thực hiện trách nhiệm giải trình của cán bộ diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý”

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vấn đề “tinh thần trách nhiệm” của cán bộ. Người chỉ rõ: “Tinh thần trách nhiệm là gì? Là khi Đảng, Chính phủ, hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy, v.v. là không có tinh thần trách nhiệm”(1).

Đại từ điển tiếng Việt nêu định nghĩa: “Trách nhiệm: điều phải làm, điều phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình” (2).

“Sách tra cứu các mục từ về tổ chức” nêu khái niệm: “Trách nhiệm: sự tự giác (theo ý thức đạo đức, nghĩa vụ công dân) hoặc sự bắt buộc (theo quy định của pháp luật, của quy chế tổ chức) đối với tổ chức, cá nhân phải làm những công việc, phải thực hiện những nghĩa vụ đã cam kết và ý thức đầy đủ phận sự của mình”(3). Cuốn sách đã nêu rõ: “Ý thức đạo đức và ý thức pháp luật thể hiện đặc trưng của nhân cách trong việc thực hiện nghĩa vụ của cá nhân đối với cộng đồng xã hội. Nghĩa vụ, trách nhiệm đặt ra cho con người phải nhận thức và thực hiện những yêu cầu của xã hội, phải phấn đấu hoàn thành đến mức cao nhất những yêu cầu ấy. Trách nhiệm là hệ quả của tự do và ý chí của con người, là đặc trưng cho hoạt động có ý thức của con người. Khi con người lớn lên thì trách nhiệm của con người đối với hành vi của mình cũng lớn lên. Con người ngày càng nhận thức được quy luật khách quan của tự nhiên và xã hội. Về mặt pháp lý, việc xem xét trách nhiệm cá nhân cần phải xuất phát từ sự thống nhất giữa quyền và nghĩa vụ, quyền càng rộng thì trách nhiệm càng lớn và ngược lại”.

Tại khoản 8, Điều 2, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định: “Giải trình là việc cơ quan, cá nhân hữu quan giải thích, làm rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo yêu cầu của chủ thể giám sát quy định tại Luật này”. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, tại khoản 5, Điều 3 quy định: “Trách nhiệm giải trình là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền làm rõ thông tin, giải thích kịp thời, đầy đủ về quyết định, hành vi của mình trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao”.

Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ rõ: “Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải tăng cường trách nhiệm giải trình thực hiện nghiêm quy định của Đảng, Nhà nước về tiếp, đối thoại với công dân”(4). Do đó, trong giai đoạn cách mạng mới, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp càng cần phải nêu gương, đi đầu thực hiện các nhiệm vụ chính trị nêu trên, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng.

Theo Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19-12-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phân cấp quản lý và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, ban thường vụ tỉnh ủy điều hành, quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của cán bộ diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý là cán bộ chủ chốt của tổ chức, cơ quan, đơn vị; chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của từng chức danh cán bộ gắn liền với chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, cơ quan, đơn vị do Đảng, Nhà nước quy định cụ thể. Song, chức trách, nhiệm vụ chung của cán bộ diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý là lãnh đạo, quản lý mọi hoạt động của tổ chức, cơ quan đơn vị, nơi cán bộ làm việc; cùng tập thể lãnh đạo, quản lý chịu trách nhiệm cao nhất về chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức, cơ quan đơn vị, trách nhiệm về thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, cơ quan đơn vị; cán bộ diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý là người đứng đầu chịu trách nhiệm trước hết và cao nhất về chất lượng, hiệu quả hoạt động và về thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, cơ quan đơn vị đó; cán bộ diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý có quyền hạn theo quy định của Đảng, Nhà nước trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, cơ quan đơn vị, nơi cán bộ làm việc.

Từ những nội dung nêu trên có thể nêu khái niệm: Trách nhiệm giải trình của cán bộ diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý là việc cán bộ phải cung cấp, giải thích, làm rõ các thông tin về việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước; chấp hành điều lệ, các quy định của tổ chức chính trị - xã hội, mà cán bộ là đoàn viên, hội viên; các quy định ở nơi cư trú; thực hiện nghĩa vụ công dân trước tổ chức, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu giải trình và trước nhân dân địa phương, cán bộ, công chức, viên chức nơi cán bộ làm việc theo quy định của Đảng, Nhà nước.

Theo Đại từ điển tiếng Việt: “Thực hiện: làm cho trở thành cái có thật bằng hoạt động cụ thể; làm theo trình tự, thao tác nhất định” (5). Trong thực tiễn “thực hiện” nhiều trường hợp thường được gọi là “hiện thực hóa”, nghĩa là làm cho thành hiện thực hay bằng hoạt động cụ thể của tập thể, cá nhân làm cho ý tưởng, lý thuyết, chủ trương, nghị quyết, quyết định, công việc phải làm của tổ chức, ý tưởng, nguyện vọng, việc phải làm của cá nhân thành hiện thực.

Từ khái niệm “Trách nhiệm giải trình của cán bộ diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý và khái niệm “Thực hiện” có thể nêu khái niệm: Thực hiện trách nhiệm giải trình của cán bộ diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý là việc cán bộ diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý tiến hành - trực tiếp, hoặc bằng văn bản, niêm yết thông tin tại trụ sở cơ quan - giải thích, làm rõ thông tin và xác định trách nhiệm về những quyết định, hành vi của cá nhân và tổ chức mà mình là đại diện trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, nguồn gốc tài sản của cá nhân và gia đình khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền và theo các quy định của Đảng, Nhà nước.

2.2. Nội dung, phương thức thực hiện trách nhiệm giải trình của cán bộ diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý

Điều 15 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 về trách nhiệm giải trình nêu rõ: “1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm giải trình về quyết định, hành vi của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tác động trực tiếp bởi quyết định, hành vi đó... 2. Trường hợp báo chí đăng tải thông tin về vi phạm pháp luật và có yêu cầu trả lời các vấn đề liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao thì cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền phải giải trình và công khai nội dung giải trình trên báo chí theo quy định của pháp luật. 3. Việc giải trình khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giám sát hoặc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền khác được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan...” (6). Đối tượng cán bộ diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý phải thực hiện trách nhiệm giải trình: Cán bộ phải giải trình với ban thường vụ tỉnh ủy, cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên nơi cán bộ sinh hoạt và hoạt động; giải trình với cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên cấp dưới; giải trình trước nhân dân địa phương, công chức, viên chức ở cơ quan, đơn vị, nơi cán bộ làm việc…

Như vậy, nội dung và phương thức thực hiện trách nhiệm giải trình của cán bộ diện ban thường vụ quản lý cụ thể như sau:

Về nội dung thực hiện trách nhiệm giải trình của cán bộ diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý

Nội dung thực hiện trách nhiệm giải trình của cán bộ diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý là những thông tin hoặc vấn đề cụ thể mà các chủ thể có trách nhiệm giải trình phải chuẩn bị và trả lời với cơ quan quyền lực, cơ quan quản lý cấp trên hoặc với các đối tượng quản lý có liên quan (tổ chức, công dân). Hay nói cách khác, nội dung thực hiện trách nhiệm giải trình của cán bộ diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý là các thông tin có liên quan đến quyết định, hành vi của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao mà theo quy định của pháp luật phải giải trình hoặc khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tác động trực tiếp bởi quyết định, hành vi đó. Đối với những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền giải quyết, quản lý. Xác định nội dung, thực hiện trách nhiệm giải trình của cán bộ diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý cần phải căn cứ vào quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm cơ quan đó và của đội ngũ cán bộ, công chức.

Luật Cán bộ, công chức đưa ra những quy định chung nhất về nhiệm vụ, công vụ cũng như những nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong việc thực thi nhiệm vụ, công vụ. Trên cơ sở những quy định chung đó, trong từng lĩnh vực sẽ có những quy định cụ thể trong nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị về nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức trong từng vị trí, chức danh cụ thể. Cụ thể, nội dung thực hiện trách nhiệm giải trình của cán bộ diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý gồm:

Một là, cán bộ tiến hành những hoạt động cung cấp, giải thích, làm rõ các thông tin về thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của của cán bộ.

Hai là, cán bộ tiến hành những hoạt động cung cấp, giải thích, làm rõ các thông tin về thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước.

Ba là, cán bộ tiến hành những hoạt động cung cấp, giải thích, làm rõ các thông tin về nguồn gốc tài sản của mình và gia đình mình.

Bốn là, cán bộ tiến hành những hoạt động cung cấp, giải thích, làm rõ các thông tin về chấp hành điều lệ, các quy định của tổ chức chính trị - xã hội mà cán bộ là đoàn viên, hội viên; về thực hiện các quy định ở nơi cư trú.

Năm là, cán bộ tiến hành những hoạt động cung cấp, giải thích, làm rõ các thông tin về thực hiện nghĩa vụ công dân của mình.

Sáu là, cán bộ tiến hành những hoạt động cung cấp, giải thích, làm rõ các thông tin về việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ dưới quyền trong cơ quan mình, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

Về phương thức thực hiện trách nhiệm giải trình của cán bộ diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý

Thứ nhất, giải trình định kỳ theo quy định của Đảng

Cán bộ diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý thực hiện trách nhiệm giải trình định kỳ theo quy định của Đảng, thường thực hiện vào cuối hằng năm khi chuẩn bị đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, đảng viên; vào thời điểm giữa nhiệm kỳ và cuối nhiệm kỳ, gồm:

Cán bộ diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý thực hiện trách nhiệm giải trình trực tiếp. Phương thức này được thực hiện phổ biến, gồm các phương thức cụ thể:

(1) Giải trình tại các hội nghị ban thường vụ tỉnh ủy, hội nghị tỉnh ủy, cán bộ trực tiếp chuẩn bị văn bản cung cấp, giải thích, làm rõ các thông tin về những nội dung trách nhiệm giải trình theo yêu cầu của hội nghị để trình bày tại hội nghị, không trình bày khi không chuẩn bị văn bản.

Ban thường vụ tỉnh ủy họp, quyết định nội dung phải giải trình đối với từng cán bộ diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý, phó bí thư thường trực tỉnh ủy thông báo nội dung phải giải trình cho từng cán bộ để chuẩn bị bằng văn bản; thường trực tỉnh ủy cho ý kiến về bản giải trình; cán bộ tiếp thu ý kiến góp ý, chỉnh sửa tiếp tục xin ý kiến thường trực tỉnh ủy, chỉnh sửa, bổ sung, khi đạt yêu cầu để giải trình trong hội nghị.

(2) Giải trình trong hội nghị ban thường vụ, cấp ủy ở địa phương, cơ quan, đơn vị nơi cán bộ làm việc

Ban thường vụ tỉnh ủy, trực tiếp là phó bí thư thường trực tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo và giám sát việc chuẩn bị văn bản giải trình và việc giải trình tại hội nghị ban thường vụ, cấp ủy ở địa phương, cơ quan, đơn vị nơi cán bộ làm việc.

(3) Cán bộ giải trình ở hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và hội nghị các đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương, cơ quan, đơn vị những nội dung liên quan trực tiếp đến cán bộ, công chức, viên chức và hội đồng nhân dân địa phương. Cấp ủy nơi cán bộ sinh hoạt, hoạt động và ban thường vụ tỉnh ủy, nhất là ban thường vụ tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo, giám sát cán bộ diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý.

Cán bộ diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý thực hiện trách nhiệm giải trình bằng văn bản gửi đến ban thường vụ tỉnh ủy và các tổ chức cơ quan có thẩm quyền theo vấn đề yêu cầu giải trình.

Thứ hai, giải trình đột xuất theo nội dung cụ thể

Trong quá trình cán bộ diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, có thể xuất hiện những vấn đề mà ban thường vụ tỉnh ủy nhận thấy cán bộ phải thực hiện trách nhiệm giải trình, ban thường vụ tỉnh ủy yêu cầu cán bộ thực hiện trách nhiệm giải trình đột xuất theo chuyên đề. Cách tiến hành tương tự việc cán bộ giải trình tại các hội nghị ban thường vụ tỉnh ủy, hội nghị tỉnh ủy.

2.3. Vai trò của việc thực hiện trách nhiệm giải trình của cán bộ diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý

Một là, thực hiện trách nhiệm giải trình của cán bộ diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý

Thực hiện trách nhiệm giải trình, cán bộ diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý tự nhận thấy những hạn chế, khuyết điểm của mình, được cấp ủy, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, chỉ ra những hạn chế, yếu kém, nhất là những sai sót, khuyết điểm để sửa chữa, khắc phục, hoàn thiện bản thân.

Hai là, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi

Việc thực hiện trách nhiệm giải trình của cán bộ thuộc diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý, đặc biệt là đối với những vụ việc cụ thể liên quan đến chức trách, nhiệm vụ, là rất quan trọng. Nó giúp cán bộ nhìn nhận, kiểm điểm sâu sắc về những hạn chế, sai sót, từ đó có biện pháp khắc phục, tránh để những vấn đề này tái diễn và trở nên nghiêm trọng hơn. Điều này đòi hỏi cán bộ phải trung thực, thẳng thắn nhìn nhận những thiếu sót của mình, không né tránh hay đổ lỗi. Thay vì chỉ đưa ra những đánh giá chung chung, việc giải trình cần tập trung vào những tình huống, quyết định cụ thể mà cán bộ đã thực hiện, từ đó làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm.

Ba là, thực hiện trách nhiệm giải trình là công cụ hữu hiệu để phòng chống tham nhũng, lãng phí đạt hiệu quả.

Thực hiện trách nhiệm giải trình của cán bộ diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch, trách nhiệm của cán bộ trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Từ đó, cảnh tỉnh, răn đe cán bộ có ý đồ thực hiện các hành vi tham nhũng, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, lãng phí.

Bốn là, góp phần tăng cường công tác giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với cán bộ trong mọi hoạt động, nhất là trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và giữ gìn, rèn luyện đạo đức, lối sống.

Cán bộ diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý thực hiện trách nhiệm giải trình mọi mặt, trong đó có những vấn đề từ sự giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân. Qua đó, thể hiện rõ vai trò, tác dụng của việc giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân, góp phần cổ vũ, động viên các tổ chức này và nhân dân tăng cường, nâng cao chất lượng công tác giám sát, hạn chế tố cáo.

Năm là, tăng cường sự hiểu biết của nhân dân đối với cán bộ, góp phần xây dựng, tăng cường mối quan hệ giữa nhân dân, công chức, viên chức với cán bộ

Cán bộ diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý thực hiện tốt trách nhiệm giải trình, nhất là giải trình trực tiếp, góp phần quan trọng tăng cường sự đối thoại giữa cán bộ với nhân dân địa phương, cán bộ, công chức, viên chức ở cơ quan, đơn vị. Qua đó, tăng cường sự hiểu biết của nhân dân, công chức, viên chức đối với cán bộ diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý, sự thân thiện, cởi mở giữa nhân dân, công chức, viên chức với cán bộ lãnh đạo quản lý, tạo thuận lợi cho cán bộ thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

3. Kết luận

Trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, trong đó trách nhiệm giải trình cần được coi là một nội dung quan trọng của quy tắc ứng xử trong đạo đức công vụ của cán bộ, công chức nói chung và cán bộ ban thường vụ tỉnh ủy quản lý nói riêng. Việc thực hiện trách nhiệm giải trình của cán bộ thuộc diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, việc đánh giá cán bộ chưa thực chất, chưa gắn với kết quả công việc và chưa có cơ chế sàng lọc hiệu quả. Do đó, việc nghiên cứu làm rõ khái niệm, nội dung, phương thức, vai trò thực hiện trách nhiệm giải trình của cán bộ diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý nhằm thống nhất về nhận thức, góp phần tăng cường trách nhiệm giải trình, thực hiện nghiêm quy định của Đảng, Nhà nước và đạt hiệu quả trong thực thi công vụ.

_________________

Ngày nhận bài: 21-2-2025; Ngày bình duyệt: 30-2-2025; Ngày duyệt đăng: 18-7-2025.

Email tác giả: nguyenchi283@gmail.com

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 248.

(2) Nguyễn Như Ý (Chủ biên), Đại từ điển tiếng Việt, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 1998, tr.1678b.

(3) Sách tra cứu các mục từ về tổ chức, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 674

(4) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.106.

(5) Nguyễn Như Ý (Chủ biên): Đại từ điển tiếng Việt, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 1998, tr. 1615.

(6) Quốc hội: Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thực hiện trách nhiệm giải trình của cán bộ diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý hiện nay
    POWERED BY