Tin tức

Tọa đàm khoa học “Sự tham gia của người dân trong thực hiện dân chủ cơ sở”

03/08/2024 13:34

(LLCT)- Sáng ngày 2-8-2024, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm khoa học: “Sự tham gia của người dân trong thực hiện dân chủ cơ sở”, PGS, TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện dự và chủ trì Tọa đàm.

NGUYỄN THỊ LAN

Quang cảnh Tọa đàm _ Ảnh: HCMA

Đồng chủ trì Tọa đàm có ông Christian Timo Rinke, Trưởng đại diện Viện FES tại Việt Nam, PGS, TS Hoàng Văn Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế; PGS, TS Lê Văn Chiến, Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Tham dự Tọa đàm có đại diện lãnh đạo Thành ủy Hà Nội, Tỉnh ủy Bắc Ninh cùng đông đảo các nhà khoa học, cán bộ, giảng viên trong và ngoài hệ thống Học viện.

Phát biểu khai mạc và đề dẫn Tọa đàm, PGS, TS Dương Trung Ý nhấn mạnh: dân chủ là mục tiêu, giá trị phổ quát của nhân loại cũng như các hình thức chính thể tiến bộ ngày nay. Trong thế giới đương đại, nhân loại đã và đang nỗ lực, phấn đấu và đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng, to lớn, toàn diện về dân chủ. Tuy vậy, bảo đảm dân chủ để “mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và các quyền” ở nhiều quốc gia nói chung, Việt Nam nói riêng hiện vẫn là hành trình gian nan. Các cuộc khủng hoảng, rủi ro có tính khu vực, toàn cầu như đại dịch Covid-19, xung đột vũ trang, chiến sự, khủng hoảng di cư, nghèo đói, phân cực xã hội, phát triển công nghệ số hiện đại, v.v. khiến việc bảo đảm dân chủ cho người dân, nhất là các nhóm yếu thế (nữ giới, người cao tuổi, người nghèo, người dân tộc thiểu số, v.v.) ở nhiều quốc gia trên thế giới còn nhiều thách thức hơn bao giờ hết.

Ở Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam luôn kiên định mục tiêu xây dựng một Nhà nước dân chủ, của dân, do dân và vì dân. Thực hiện mục tiêu đó, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Với phương châm, Nhà nước luôn tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta khẳng định: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực”. Tại Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; đồng thời nhấn mạnh “thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở” .

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để thực thi dân chủ trên thực tế. Năm 1998, Chính phủ ban hành Quy chế dân chủ ở xã; năm 2007, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban Hành Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Điều 3 Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam ghi rõ: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân”. Năm 2022 Quốc hội đã ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng: nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân ngày càng được nâng lên. Qua đó huy động và phát huy được tiềm năng, sức sáng tạo, đóng góp ý kiến của nhân dân vào quá trình hoạch định, thực thi và giám sát, đánh giá các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước; bầu không khí dân chủ trong Đảng, trong xã hội được mở rộng hơn.

Tuy nhiên, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở vẫn còn gặp một số khó khăn, thách thức. Chính sách về thực hiện dân chủ ở cơ sở ngày càng hoàn thiện nhưng triển khai chưa hiệu quả như mong đợi, có lúc, có nơi còn hình thức, máy móc; quyền làm chủ của người dân một số nơi chưa được tôn trọng một cách thỏa đáng. Việc giải quyết mối quan hệ giữa bảo đảm, phát huy dân chủ với lắng nghe ý kiến, tư duy khác biệt và giữ vững kỷ luật, kỷ cương còn bất cập. Phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng” ở cơ sở khi triển khai còn lúng túng. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đã và đang đẩy mạnh thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thực hiện Chiến lược quốc gia về chuyển đổi số đến năm 2030, v.v. việc thi hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, huy động sự tham gia của người dân vào quá trình quản trị xã hội ngày càng trở nên cấp thiết.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về xây dựng nền dân chủ xã hội giữa các quốc gia với nhau là điều cần thiết. Việc này không chỉ giúp mở rộng tầm nhìn, nâng cao kiến thức mà còn giúp chúng ta tìm ra những mô hình, giải pháp phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Tọa đàm khoa học “Sự tham gia của người dân trong thực hiện dân chủ cơ sở” được tổ chức bởi sự phối hợp giữa nhóm chuyên gia, giảng viên, nhà nghiên cứu của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trực tiếp là Viện Lãnh đạo học và Chính sách công cùng sự hỗ trợ tích cực của FES tại Việt Nam. Các trao đổi tại Tọa đàm về các kết quả nghiên cứu sự tham gia của người dân trong thực hiện dân chủ cơ sở tại Thành phố Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh có ý nghĩa quan trọng trong gợi mở các cơ hội và biện pháp thúc đẩy sự tham gia của người dân trong thực hiện dân chủ cơ sở tại các địa phương hiện nay.

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Christian Timo Rinke, Trưởng đại diện Viện FES tại Việt Nam nhấn mạnh, Tọa đàm là dịp để trao đổi về các nguyên tắc trong thực hiện dân chủ cơ sở, từ đó hướng tới đạt được các kết quả thực hiện dân chủ cơ sở tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Hoạt động nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng trong đánh giá nhằm bảo đảm thực hiện dân chủ cơ sở của Việt Nam hiện nay. Tọa đàm là cơ hội chia sẻ các kết quả nghiên cứu về sự tham gia của người dân đối với việc thực hiện dân chủ cơ sở ở Thành phố Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh, qua đó thúc đẩy hoàn thiện các kết quả nghiên cứu, góp phần cải thiện các quyết sách của Đảng và Nhà nước trên nhiều phương diện. Từ phương pháp luận và các hoạt động nghiên cứu, khảo sát triển khai trong thực tiễn, các kết quả nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng mang lại các giá trị cốt lõi thúc đẩy thực hiện dân chủ cơ sở tại Việt Nam hiện nay.

Tọa đàm nhận được hơn 20 tham luận và các ý kiến phát biểu tập trung phân tích làm rõ thực trạng sự tham gia của người dân vào quá trình thực hiện dân chủ cơ sở trên các phương diện “dân biết”, “dân bàn”, “dân quyết định”, “dân kiểm tra giám sát” theo Luật định; vai trò và năng lực của hệ thống chính trị cấp cơ sở, của các tổ chức tự quản quần chúng như thôn, tổ dân phố trong việc thực hiện dân chủ cơ sở tại địa phương; các yếu tố tác động đến sự tham gia của người dân vào quá trình thực hiện dân chủ cơ sở, đồng thời đề xuất các nhóm giải pháp, khuyến nghị khả thi trong việc thúc đẩy sự tham gia của người dân vào các hoạt động thực hiện dân chủ cơ sở.

Trình bày tham luận ”Sự cần thiết của thực hiện dân chủ cơ sở và chủ trương, chính sách của Việt Nam trong thực hiện dân chủ cơ sở”, TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Viện Chính trị học phân tích làm rõ những vấn đề lý luận về dân chủ cơ sở, qua đó vận dụng các lý thuyết trong nghiên cứu về dân chủ cơ sở trong các bối cảnh xã hội. Dân chủ có nhiều cách tiếp cận nhưng đều có chung giá trị phổ biến là hướng tới sự hạnh phúc của người dân. Trong xã hội hiện đại, dân chủ đại diện là hình thức phổ biến trong các hoạt động chính trị của các quốc gia. Tuy nhiên, hình thức này có hạn chế trong việc truyền tải thông tin giữa nhà nước và người dân, dẫn đến những nhìn nhận không đồng nhất giữa nhà nước và người dân. Do đó sự biểu đạt ý kiến của người dân là nguồn thông tin quan trọng, có ý nghĩa đối với các quyết sách của nhà nước.

Nhận thức rõ ý nghĩa của thực hiện dân chủ cơ sở trong việc cụ thể hóa chủ trương của Đảng, xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, thời gian qua Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng tạo dựng hành lang pháp lý, bảo đảm thực hiện rộng rãi dân chủ cơ sở trong mọi hoạt động công quyền. Tiêu biểu là Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20-4-2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được Quốc hội ban hành ngày 11-12-2022. Qua đó từng bước xây dựng và hoàn thiện các quy định về thực hiện dân chủ cơ sở phù hợp với thực tiễn, như: nguyên tắc thực hiện dân chủ cơ sở; quyền, nghĩa vụ của công dân và những điều nghiêm cấm trong thực hiện dân chủ cơ sở; nội dung, hình thức và thời điểm công khai thông tin; nội dung, hình thức dân bàn và quyết định cùng hiệu lực quyết định của cộng đồng dân cư; trách nhiệm của người dân trong tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định …

Phân tích thực trạng nhận thức và thực hành dân chủ cơ sở của người dân ở Thành phố Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh, PGS, TS Đặng Thị Ánh Tuyết, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học cho biết: qua đánh giá của cán bộ, công chức cấp xã, phường về nhận thức, mức độ quan tâm và thực thi dân chủ cơ sở của người dân nhận thấy, người dân có nhận thức tốt về dân chủ cơ sở cũng như có sự quan tâm, có tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện dân chủ cơ sở đối với các hoạt động chính trị họ được tham gia. Tại Bắc Ninh, có 88,25% người dân trong tổng số phiếu được khảo sát lựa chọn “hình thức bầu chọn trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố” là “do người dân tại địa bàn dân cư bầu chọn”. Tại Hà Nội, tỷ lệ lựa chọn này cũng khá cao (79,11%). Tuy nhiên, qua khảo sát cũng cho thấy, việc tổ chức thực hiện dân chủ cơ sở đối với người dân cũng còn hạn chế: mức độ thực hành dân chủ cơ sở của người dân đối với một số nội dung công việc công khai tại địa phương còn thấp (chỉ 47,79% cho rằng bản thân họ hoặc người đại diện gia đình đã đi bầu trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố vào kỳ bầu cử gần nhất; 50,99% người dân được khảo sát “không biết, hoặc “không nhớ” ai đã đi bầu cử các chức danh này vào kỳ bầu cử gần nhất; tỷ lệ người dân ở Thành phố Hà Nội đi bầu đại biểu HĐND cấp xã thấp (43,57%)). Qua khảo sát ở Bắc Ninh và Hà Nội, nghiên cứu nhận thấy các yếu tố tác động hình thành nhận thức và tham gia thực hành dân chủ cơ sở của người dân tại địa bàn gồm: vai trò, năng lực tổ chức của hệ thống chính trị đối với việc thực hiện dân chủ cơ sở, nhận thức của các cấp chính quyền và người dân về thực hiện dân chủ cơ sở; các điều kiện tiếp cận thông tin tại địa phương…

Phát biểu tại Tọa đàm, PGS, TS Lê Văn Chiến, Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công nêu rõ vai trò của hệ thống chính trị cấp cơ sở trong việc thực hiện dân chủ cơ sở. Đối với việc thực hiện dân chủ cơ sở, hệ thống chính trị cấp cơ sở có vai trò chủ đạo trong xây dựng nghị quyết, chương trình, kế hoạch; tổ chức triển khai các hoạt động thực hiện dân chủ cơ sở, vận động nhân dân thực hiện dân chủ cơ sở; kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện dân chủ cơ sở tại địa phương. Các kết quả khảo sát tại Thành phố Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh cho thấy, hệ thống chính trị tại 2 địa phương về cơ bản đã thực hiện tốt vai trò trong thực hiện dân chủ cơ sở đối với người dân. Có 68,5% ý kiến được hỏi đánh giá mức “tốt”, “rất tốt” đối với các hoạt động lãnh đạo, quản lý thực hiện dân chủ cơ sở tại các địa phương; 74% ý kiến đánh giá mức “tốt”, “rất tốt” đối với việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ liên quan đến bảo đảm dân chủ cơ sở của các cơ quan công quyền tại địa phương. Tuy nhiên, hạn chế trong thực hiện, phát huy vai trò của hệ thống chính trị đối với việc thực hiện dân chủ cơ sở tại địa phương là vấn đề nguồn lực.

Tại Tọa đàm, nhiều đại biểu thảo luận, gợi mở các cách thức vận dụng hệ thống lý luận trong đánh giá việc thực hiện dân chủ cơ sở hiện nay, đặc biệt là đối với các vùng dân tộc thiểu số, các đối tượng yếu thế trong xã hội; đồng thời đề xuất một số kiến nghị đối với các cơ quan chức năng ban hành văn bản pháp lý nhằm bảo đảm việc thực hiện dân chủ cơ sở phù hợp, thực chất hơn trong các hoạt động chính trị của các địa phương hiện nay.

Bế mạc Tọa đàm, PGS, TS Dương Trung Ý đánh giá cao các tham luận gửi đến và ý kiến phát biểu tại Tọa đàm, đã phân tích làm rõ quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước Việt Nam về thực hiện dân chủ cơ sở với cơ chế “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; phân tích làm rõ thực trạng sự tham gia của người dân trong thực hiện dân chủ cơ sở tại Thành phố Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh, những kết quả đạt được trong thực hiện dân chủ cơ sở ở 2 địa phương, đặc biệt là việc áp dụng công nghệ thông tin trong quá trình thực hiện; đề xuất các giải pháp thiết thực, khả thi trong nâng cao hiệu quả thực hiện dân chủ cơ sở hiện nay.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tọa đàm khoa học “Sự tham gia của người dân trong thực hiện dân chủ cơ sở”
    POWERED BY