Đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống

Vấn đề xây dựng văn hóa liêm chính của cán bộ, đảng viên trong cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

19/07/2024 10:09

(LLCT) - Văn hóa liêm chính là nền tảng, gốc rễ của mỗi cán bộ, đảng viên. Bài viết góp phần làm rõ quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng văn hóa liêm chính đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, được thể hiện trong tác phẩm Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.

ThS NGUYỄN VĂN PHƯƠNG
Trường Sĩ quan Lục quân 2, Bộ Quốc phòng

Văn hóa liêm chính là nền tảng, gốc rễ của mỗi cán bộ, đảng viên_ Ảnh:moha.gov.vn

1. Mở đầu

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết một năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tháng 6-2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “phải tiếp tục chỉ đạo nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cấp ủy Đảng, tính tiền phong, gương mẫu, kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính của cán bộ, đảng viên”(1)­. Đây là nội dung được đề cập xuyên suốt trong tác phẩm Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Trong tác phẩm, Tổng Bí thư thể hiện rất rõ quan điểm xây dựng văn hóa liêm chính của cán bộ, đảng viên là nhiệm vụ cấp bách; là vấn đề sống còn liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của chế độ, niềm tin của nhân dân vào năng lực lãnh đạo và khả năng cầm quyền của Đảng.

2. Văn hóa liêm chính là giá trị nền tảng đạo đức của con người, yếu tố quan trọng quyết định đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị

Văn hóa liêm chính là nền tảng, gốc rễ của mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, những người nắm giữ vị trí lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan, đơn vị, địa phương; chịu trách nhiệm chính trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Văn hóa liêm chính là giá trị truyền thống tốt đẹp của Đảng được các thế hệ cán bộ, đảng viên dày công gây dựng, vun đắp, trở thành niềm tin, lẽ sống, định hướng suy nghĩ, hành động của mỗi cán bộ, đảng viên. Văn hóa liêm chính là “hồn cốt” của người cách mạng chân chính, góp phần tạo dựng, xây đắp nên văn hóa chính trị của Đảng.

Trong tác phẩm Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Tổng Bí thư đề cập nhiều đến việc giáo dục, rèn luyện văn hóa liêm chính của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ các cấp. Bởi, “Liêm: Là thanh liêm, giữ liêm sỉ, danh dự, trong sạch, trong sáng. Chính: Là chính trực, ngay thẳng, khẳng khái, không quỵ lụy cúi luồn, giữ sĩ khí của một người quân tử, chính khách”(2). Là Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng chí luôn trăn trở về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Một trong những nội dung, biện pháp quan trọng hàng đầu được Tổng Bí thư nhắc đi nhắc lại nhiều lần là “Phải kiên trì giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về đức tính liêm khiết, chính trực; xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực”(3).

Cán bộ lãnh đạo các cấp là những người đã trải qua nhiều cương vị khác nhau, có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức, lối sống được tôi luyện qua thực tiễn công tác, là hình ảnh, tấm gương để nhân dân học tập, noi theo. Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết công tác Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, tháng 11-2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã dẫn câu nổi tiếng của nhà văn Liên Xô Nhicôlai Axtơrốpxki: “Thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh, lúc đó thép trở nên cứng rắn và không hề biết sợ”(4)­. Đó là thông điệp mà Tổng Bí thư gửi đến đội ngũ cán bộ các cấp của Đảng phải luôn nêu cao bản lĩnh, dũng khí của người cán bộ cách mạng, phải “kiên trì rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức… trọng liêm sỉ, danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, lãng phí”(5).

Xây dựng văn hóa liêm chính, theo Tổng Bí thư là để ngăn ngừa, tiến tới đẩy lùi những hiện tượng tiêu cực, thoái hóa biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ các cấp. Đây còn là một trong những giải pháp quan trọng để cán bộ “không muốn” tham nhũng, tiêu cực. Qua đó, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng của nhân dân.

Vấn đề xây dựng văn hóa liêm chính trong cán bộ, đảng viên được Tổng Bí thư đề cập đầy đủ, toàn diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Theo Tổng Bí thư, phải tiến hành đồng bộ nhiều nội dung, biện pháp về chính trị tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, pháp luật, kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng, ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, tiêu cực; phải tiến hành bài bản theo kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, việc xây dựng văn hóa liêm chính của cán bộ, đảng viên được tiến hành bài bản, nghiêm túc, chặt chẽ ở tất cả các khâu, các bước, đạt nhiều kết quả quan trọng: “Từ năm 2012 đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cơ quan tham mưu, giúp việc của Trung ương đã ban hành hơn 250 văn bản về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”(6)…; “Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và toàn xã hội”(7). Nhiều cán bộ, đảng viên luôn tỏ rõ lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, thậm chí chấp nhận hy sinh tính mạng vì cuộc sống bình yên của nhân dân; sẵn sàng lao mình, dấn thân vào thiên tai, bão lũ, hiểm nguy để chỉ đạo, điều hành, sát cánh, đồng hành cùng nhân dân.

Tuy nhiên phải thẳn thắng nhìn nhận, tiền tài, địa vị, danh vọng, chức quyền đã che mờ lý trí, làm choáng ngợp một bộ phận cán bộ. Đứng trước những cám dỗ ấy, họ đã không giữ được mình, từ bỏ mục tiêu, lý tưởng, phụ sự tin tưởng của Đảng, kỳ vọng của nhân dân để chạy theo chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, bất chấp liêm sỉ. Lòng tham và sự ích kỷ đã khiến họ kéo bè, kéo cánh, liên kết với nhau để tham nhũng, bất chấp kỷ luật đảng, pháp luật của Nhà nước, danh dự, uy tín của bản thân. Đảng ta chỉ rõ: Vì không giữ được sự liêm chính, nghiêm minh trong thực thi công vụ, nhiều cán bộ, đảng viên đã vi phạm Điều lệ Đảng, vi phạm những điều đảng viên không được làm. Vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý hình sự(8).

Trong tác phẩm, Tổng Bí thư nêu: “không ít cán bộ, đảng viên, nhất là người có chức, có quyền, làm việc ở những ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực vẫn thiếu tu dưỡng và rèn luyện, vẫn sa vào chủ nghĩa cá nhân, vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bị xử lý kỷ luật của Đảng và xử lý hình sự”(9). Người sai phạm đã phải nhận những mức án nghiêm minh, thích đáng của pháp luật, nhưng các vụ việc đã để lại hậu quả nặng nề, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào đội ngũ cán bộ, đảng viên. Do vậy, xây dựng văn hóa liêm chính trong cán bộ, đảng viên theo tinh thần và sự chỉ đạo của Tổng Bí thư là vấn đề có ý nghĩa cấp bách, liên quan đến sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, trước mục tiêu, nhiệm vụ đến năm 2045 - kỷ niệm 100 năm thành lập, nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng XHCN, trước tác động tiêu cực của mặt trái cơ chế thị trường, cùng với đó là sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước…, đòi hỏi Đảng ta phải không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu để thực sự “là đạo đức, là văn minh”, xứng đáng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Muốn vậy, phải “kiên trì giáo dục, rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí, trước hết trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức”(10).

3. Giải pháp xây dựng văn hóa liêm chính trong cán bộ, đảng viên

Một là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của xây dựng văn hóa liêm chính

Tổng Bí thư nhiều lần nhấn mạnh cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Để xây dựng văn hóa liêm chính, cán bộ, đảng viên cần nhận thức sâu sắc, đầy đủ tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đang đặt ra ngày càng cao. Trên cơ sở đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động trong thực hiện nhiệm vụ. Tổng Bí thư chỉ rõ: “Đây là nhiệm vụ không mới nhưng rất quan trọng. Bởi giáo dục là biện pháp căn bản để nâng cao đạo đức, xây dựng liêm chính, chống tha hóa, biến chất”(11).

Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “kiên trì giáo dục, rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí, trước hết trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức”(12). Theo đó, cán bộ, đảng viên cần quán triệt các văn bản liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung và xây dựng văn hóa liêm chính nói riêng, như: Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Kết luận 21 của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Quy định 08-QĐ/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Quy định 114-QĐ/TW ngày 11-7-2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Tổng Bí thư nêu rõ: “Kiên trì rèn luyện đức tính liêm khiết của người cán bộ, công chức, xây dựng và tuân thủ nghiêm túc quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức công vụ. Phải dấy lên trong dư luận xã hội phê phán nghiêm khắc đối với hành vi tham nhũng, giáo dục tinh thần biết trọng liêm sỉ, danh dự”(13). Đó là biện pháp quan trọng hàng đầu để cán bộ, đảng viên tự mình điều chỉnh thái độ, hành vi ứng xử đúng với quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc, góp phần đưa nghị quyết của Đảng vào thực tiễn cuộc sống.

Hai là, cụ thể hóa các quy định của Đảng về xây dựng văn hóa liêm chính của cán bộ, đảng viên phù hợp với đặc điểm, tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương

Trong tác phẩm, Tổng Bí thư truyền thông điệp rất tâm huyết, trách nhiệm về việc cụ thể hóa nghị quyết của Đảng vào thực tiễn cuộc sống: “Cái cần nhất lúc này là sự tự giác, sự thống nhất cao về ý chí và hành động, là tổ chức thực hiện”(14). Theo đó, lãnh đạo các cấp cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, họp bàn thống nhất trong cấp ủy, tổ chức đảng để xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực, phù hợp với đặc điểm, tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra; xác định khâu yếu, mặt yếu trong từng lĩnh vực, hoạt động, ở từng cơ quan, ban, ngành để đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát hợp; thường xuyên theo dõi, bám sát cơ sở để phát hiện những mâu thuẫn, bất ổn và giải quyết kịp thời, không để tích tụ, kéo dài gây mất ổn định trong cơ quan, đơn vị, địa phương.

Hằng năm, tổ chức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức kê khai tài sản, thu nhập cá nhân công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan. Cán bộ chủ chốt gương mẫu đi đầu trong kê khai tài sản, không giấu giếm tài sản cá nhân, Lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt hoạt động công tác của cơ quan, đơn vị, địa phương. Khi có thông tin phản ánh về cấp dưới nhũng nhiễu, quan liêu, hách dịch, có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực, cần thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra xác minh thông tin và xử lý kịp thời; tuyệt đối không dung túng, bao che, tiếp tay cho sai phạm. Tổng Bí thư yêu cầu: “Ở nơi nào, cơ quan nào nếu tự kiểm tra, giám sát không phát hiện tham nhũng, tiêu cực, mà đoàn kiểm tra của Trung ương phát hiện tham nhũng, tiêu cực, thì người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương đó phải chịu trách nhiệm và phải có hình thức kỷ luật nghiêm khắc”(15).

Trên tinh thần đó, lãnh đạo các cấp chủ động theo dõi, đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương mình gắn với trách nhiệm của các đồng chí trong cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đã được phân công, giao nhiệm vụ, phụ trách từng lĩnh vực, hoạt động của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương; có căn cứ để xếp loại, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hằng năm. Có các hình thức, biện pháp khen thưởng, nhắc nhở, xử lý phù hợp, tạo sự đồng thuận, thống nhất về nhận thức, hành động từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài.

Tổng Bí thư yêu cầu, người lãnh đạo “chủ động xử lý khi có xung đột lợi ích; xây dựng và thực hiện tốt các quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp; phê phán, lên án, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực”(16).

Ba là, cán bộ, đảng viên phải nêu gương sáng về đạo đức, là hạt nhân đoàn kết, chỗ dựa cho quần chúng nhân dân trong công việc, cuộc sống

Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Đảng viên tự giác nêu gương để khẳng định vị trí lãnh đạo, vai trò tiên phong, gương mẫu, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy các phong trào cách mạng”(17). Với tinh thần này, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải thật sự là tấm gương mẫu mực, tiêu biểu về lời nói và hành động, là trung tâm, hạt nhân đoàn kết của cơ quan, đơn vị, địa phương; tiêu biểu cho lương tâm, danh dự, trí tuệ, có năng lực, trình độ, phương pháp, tác phong công tác; trong sạch về đạo đức, lối sống, không tham nhũng, tiêu cực; tuyệt đối không để gia đình, người thân lợi dụng chức vụ, uy tín, ảnh hưởng của bản thân để trục lợi.

Liêm chính trước hết phải thể hiện ở sự nghiêm khắc với chính bản thân, không để lý trí lấn át tình cảm, có sự phân định rạch ròi, rõ ràng giữa việc công và việc tư, luôn đặt lợi ích của đất nước, lợi ích chung lên trên hết, trước hết. Trong công việc phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cấp dưới, xây dựng môi trường văn hóa công sở nhân văn, đoàn kết, yêu thương gắn bó, chia sẻ; giải quyết hài hòa các mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới, giữa cán bộ với nhân dân; luôn lắng nghe ý kiến phản hồi, kịp thời tự soi, tự sửa, nêu cao tính tự phê bình và phê bình, cầu thị và khiêm tốn.

Trong cuộc sống, phải luôn chân thành, giản dị, biết quan tâm, chăm lo đời sống của nhân dân; rèn luyện tác phong gần dân, hiểu dân, học dân, biết lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, những trăn trở, bức xúc của nhân dân; có tình thương và trách nhiệm, biết chia sẻ, đồng cảm với những nỗi đau, những hoàn cảnh khó khăn của người dân. Tuyệt đối tránh thái độ thờ ơ, vô cảm, bàng quan, coi thường nhân dân; thấy việc có lợi cho dân không dám làm, việc có hại cho dân vẫn làm ngơ, không giải quyết hoặc đùn đẩy trách nhiệm. Những điều đó hoàn toàn trái ngược với tiêu chí, chuẩn mực đạo đức của người cán bộ cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân, “chỉ biết lo cho mình, không quan tâm đến nhân dân, đến đồng chí”(18) để phòng ngừa căn nguyên sinh ra những căn bệnh nguy hại cho cách mạng. Người cũng chỉ rõ: “bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí”(19).

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư đặt ra yêu cầu rất cao cho cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, phấn đấu, rèn luyện về mọi mặt, từ đó mới xây dựng được văn hóa liêm chính, giữ được mình, góp phần đẩy lùi thói hư, tật xấu, xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Hiện nay, do tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường làm cho một bộ phận cán bộ không giữ được mình, tham muốn tiền tài, địa vị, danh vọng, đến mức bất chấp uy tín, danh dự của người cán bộ cách mạng, truyền thống gia đình, lương tri, phẩm giá của bản thân. Vì vậy, Tổng Bí thư yêu cầu cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân; tích cực, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng; gương mẫu đi đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện và chấp hành tốt các quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đó là “liều thuốc đặc trị” để xây dựng văn hóa liêm chính của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp hiện nay. Người cán bộ, đảng viên không tự giác, không nêu gương sáng về đạo đức, không biết hổ thẹn trước Đảng, nhân dân khi làm những điều xấu thì sớm hay muộn cũng sẽ “nhúng chàm”. Khi đó, tất yếu sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định Đảng, pháp luật của Nhà nước, bị loại ra khỏi bộ máy công quyền và bị nhân dân lên án.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu có chỗ ẩn nấp”(20). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, cần đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; không chạy theo thành tích, phong trào, hô hào khẩu hiệu, phải đi vào thực tiễn cuộc sống, có cách nghĩ, cách làm phù hợp, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của quần chúng nhân dân.

Bốn là, tăng cường kiểm tra, giám sát của các cơ quan, ban, ngành từ trung ương đến địa phương đối với xây dựng văn hóa liêm chính

Trong tác phẩm, Tổng Bí thư chỉ ra rằng cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp với tăng cường kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các cơ quan tham mưu giúp việc của Đảng từ trung ương đến địa phương.

Đối với cơ quan kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ được phân công cần thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát, lắng nghe dư luận xã hội về những tập thể, cá nhân đang có dấu hiệu liên quan tham nhũng, tiêu cực, vi phạm đạo đức, lối sống để kiểm tra, giám sát. Mỗi cơ quan, ban, ngành, nhất là người đứng đầu phải hành động mạnh mẽ, quyết liệt vì sự phát triển của đất nước và sự ổn định, bền vững của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương nói riêng; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, chạy chức, chạy quyền; xử lý đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với cán bộ vi phạm.

4. Kết luận

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, phải thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”(21). Lời di huấn của Người căn dặn cán bộ, đảng viên phải giữ gìn đạo đức cách mạng, trong sáng, vô tư.

Trong tác phẩm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc nhiều lần thông điệp lịch sử mang tầm triết lý của nhà văn Liên Xô Nhicôlai Axtơrốpxki: Cái quý nhất của con người là cuộc sống, đời người chỉ sống có một lần. Đó chính là lời nhắn nhủ tới cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp không được mang chủ nghĩa cá nhân, phải sống và làm việc, cống hiến cho Đảng, cho Tổ quốc và nhân dân. Có như vậy sẽ xây dựng được con người mới XHCN, có tư tưởng XHCN, trọng liêm sỉ, phát triển văn hóa liêm chính, khước từ tham nhũng, tiêu cực để xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, hùng cường, thịnh vượng.

_________________

Ngày nhận bài: 22-4-2024; Ngày bình duyệt: 5-5-2024; Ngày duyệt đăng: 17-7-2024.

(1) Hiền Hòa, Phạm Cường: Xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực, https://dangcongsan.vn, ngày 19-6-2023.

(2), (3), (5), (7), (9), (10), (11), (13), (14), (15), (16) Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr.401, 44, 80, 34, 447, 435, 60, 60, 31, 44, 45.

(4) Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị cán bộ toàn quốc tổng kết công tác tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, https://nhandan.vn/, ngày 19-11-2020.

(6) Bộ Chính trị: Báo cáo số 06-BC/TW ngày 23-7-2022 về tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022.

(8) Xem: Báo cáo những nội dung chủ yếu kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; Quy định về những điều đảng viên không được làm, tại Hội nghị cán bộ toàn quốc về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Hà Nội, tháng 12-2021.

(12), (17) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.194, 184.

(18) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.433.

(19) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Sđd, tr.357.

(20) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.13, Sđd, tr.479.

(21) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Sđd, tr.611.

Xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực, https://dangcongsan.vn, ngày 19-6-2023.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vấn đề xây dựng văn hóa liêm chính của cán bộ, đảng viên trong cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
    POWERED BY