Đào tạo - Bồi dưỡng

Yêu cầu và giải pháp nhằm nâng cao thái độ học tập các môn lý luận chính trị của người học tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng hiện nay

21/01/2025 15:42

(LLCT) - Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng và kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng. Hiện nay, các môn lý luận chính trị được giảng dạy ở tất cả các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, sức hấp dẫn của các học phần này chưa cao, thái độ học tập của người học chưa thực sự tích cực, hào hứng. Dựa trên sự phân tích thực trạng đội ngũ giảng viên, phương pháp dạy - học, kiểm tra đánh giá, hình thức tổ chức dạy học các môn lý luận chính trị, bài viết chỉ ra các yêu cầu và đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy thái độ học tập tích cực của người học đối với các môn này tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ở Việt Nam hiện nay.

TS NGUYỄN THỊ NHƯ HUẾ
Học viện Báo chí và Tuyên truyền

TỔ CHỨC KHAI GIẢNG LỚP TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ KHÓA TC12, HỆ ...
Các Học viên dự Lễ Khai giảng lớp Trung cấp Lý luận Chính trị năm học 2024 - 2025 tại Tỉnh Đoàn Tây Ninh_Ảnh: truongchinhtri.tayninh.gov.vn

1. Mở đầu

Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động. Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) đã đưa ra quan điểm chỉ đạo: “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội….. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động” (1).

Việc giảng dạy và học tập các môn lý luận chính trị (LLCT), đặc biệt là ý thức, thái độ học tập các môn học này tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ở Việt Nam cũng như thực tiễn của công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng và bảo vệ đất nước đặt ra những yêu cầu cấp thiết nâng cao chất lượng dạy - học các môn LLCT, phải thúc đẩy thái độ tích cực của người học đối với các môn LLCT.

2. Các môn lý luận chính trị cung cấp những tri thức khoa học nhằm hình thành, phát triển thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cách mạng, phương pháp nghiên cứu khoa học

Các môn LLCT cung cấp những tri thức khoa học nhằm hình thành, phát triển thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cách mạng, phương pháp luận cho người học, cung cấp cho những nhà lãnh đạo, quản lý tham gia vào quá trình xây dựng và hoạch định chính sách một tư duy sắc bén để nhận thức đúng đắn điều kiện, hoàn cảnh khách quan, dự báo được quy luật vận động của xã hội để từ đó có chủ trương, chính sách đúng cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Giảng dạy các môn LLCT sẽ định hướng, củng cố niềm tin cho người học vào đường lối, chủ trương của Đảng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng, năng lực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nhận diện, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Tuy nhiên, một số người học khi được hỏi cảm nhận của họ về các môn LLCT đều nhận được sự phản hồi đây là môn học khô, khó, trừu tượng và chưa thực sự hiểu hết giá trị, ý nghĩa của môn học trong chương trình đào tạo. Họ coi đây không phải là môn chính trong chương trình đào tạo, thường là học chỉ để biết một cách đại cương, khái lược. Trong quá trình học tập còn tồn tại thái độ lơ là, chưa chú trọng và đầu tư thời gian, trí tuệ cho các môn học này.

Để thay đổi thái độ của người học đối với các môn LLCT, làm cho các môn LLCT được dạy - học tích cực hơn, hiệu quả và hấp dẫn hơn, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cần đáp ứng các yêu cầu về đội ngũ giảng viên, về phương pháp dạy - học, kiểm tra đánh giá... nhằm nâng cao thái độ của người học.

Thứ nhất, yêu cầu về bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn của đội ngũ giảng viên

Bản lĩnh chính trị của người giảng viên LLCT thể hiện ở sự nhạy cảm về tình hình chính trị, sắc sảo trong phân tích khoa học, đánh giá đúng bản chất những hiện tượng chính trị - xã hội mới xuất hiện ở trong và ngoài nước, từ đó có định hướng cho bản thân mình trong đấu tranh chống kẻ thù trên mặt trận tư tưởng hiện nay. Trong giảng dạy phải kết hợp nhuần nhuyễn LLCT với tình hình kinh tế, chính trị, xã hội sinh động ở trong nước và quốc tế.

Để thay đổi thái độ của người học đối với các môn LLCT, làm cho các môn LLCT được dạy - học tích cực hơn, hiệu quả và hấp dẫn hơn, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cần đáp ứng các yêu cầu về đội ngũ giảng viên, về phương pháp dạy - học, kiểm tra đánh giá... nhằm nâng cao thái độ của người học.

Bất cứ giảng viên môn học nào cũng đòi hỏi yêu cầu chuyên môn tốt, đặc biệt là giảng viên các môn LLCT. Một trong những đặc điểm của các môn này là tính trừu tượng cao, bởi vậy người giảng viên trước khi dạy cho người học hiểu thì bản thân họ phải hiểu sâu vấn đề, trên cơ sở đó mới có thể diễn đạt cho người khác hiểu và cao hơn nữa là làm cho người học thấy hấp dẫn với bài giảng của mình.

Thực tế là, có một bộ phận nhỏ giảng viên chưa thực sự hiểu thấu đáo vấn đề chuyên môn nên gặp nhiều khó khăn trong giảng dạy, họ khó diễn giải, lập luận và chứng minh cho người học hiểu và hệ quả là làm cho người học cảm thấy học các môn lý luận chính trị khô khan, khó hiểu. Điều này dẫn đến việc ít thu hút được sự hứng thú học tập, dẫn đến thái độ thờ ơ, không tích cực học tập các môn học này của người học.

Trên thực tế, giảng viên lý luận chính trị các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng đang có xu hướng trẻ hóa. Giảng viên trẻ có ưu thế về sức khỏe, sự nhiệt tình, sáng tạo và có trình độ ngoại ngữ, tin học song lại hạn chế về kinh nghiệm giảng dạy, trình độ chuyên môn, nhất là vốn hiểu biết thực tế.

Về độ tuổi, kết quả khảo sát cho thấy trẻ hóa không phải xu hướng chiếm ưu thế tại hầu hết các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng. Số lượng giảng viên LLCT ở nhóm tuổi từ 31 đến 50 là cao nhất, trung bình có 5,75 giảng viên từ 31 đến 40 tuổi và hơn 6 giảng viên trong độ tuổi 41 đến 50, số này gấp khoảng 2 lần so với số giảng viên trên 50 tuổi, trung bình có 3,18 giảng viên; trong khi đó, số lượng thầy/cô trẻ tuổi, thuộc thế hệ thanh niên dưới 31 tuổi chỉ có trung bình chưa đến 2 giảng viên lý luận tại 33 cơ sở nói chung (2) (xem bảng 1).

Bảng 1: Số lượng trung bình GVLLCT theo độ tuổi

Đơn vị: người

Giảng viên trẻ một mặt có nhiều thuận lợi trong công tác giảng dạy khi thích ứng nhanh với thời đại công nghệ số, có tính sáng tạo cao, có trình độ và khả năng sử dụng ngoại ngữ và tin học…; mặt khác còn những hạn chế nhất định như thiếu kinh nghiệm giảng dạy, trình độ chuyên môn chưa sâu, trải nghiệm, vốn thực tiễn còn ít, chưa có nhiều thời gian rèn luyện, bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng.

Hiện nay, theo Quyết định số 52/2008/QĐ-BGDĐT tích hợp 5 học phần LLCT khiến việc dạy không đúng ngành được đào tạo, giảng viên được đào tạo sâu ngành này nhưng lại dạy các môn khác là rất phổ biến ở các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng hiện nay. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy các môn lý luận chính trị, đặc biệt để tạo hứng thú cho người học, để có bài giảng hấp dẫn, thuyết phục thì trước hết giảng viên LLCT phải có kiến thức chuyên môn vững, phải được đào tạo bài bản về môn học mình đảm nhận. Theo Công văn số 3056/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 19-7-2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu về bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên, theo đó đội ngũ giảng viên LLCT cũng cần được bồi dưỡng và thực hiện giảng dạy theo đúng chuyên môn và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên LLCT.

Chính vì vậy, đội ngũ giảng viên các môn LLCT phải được xây dựng, phát triển cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy, kỹ năng sư phạm, phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động giảng dạy có tính đặc thù này.

Thứ hai, yêu cầu về xây dựng chương trình đào tạo giảng viên lý luận chính trị

Chương trình đào tạo giảng viên LLCT nói chung và các môn khoa học Mác - Lênin nói riêng phải được xây dựng trên cơ sở khảo sát ý kiến các bên liên quan, xuất phát từ yêu cầu của thời đại, của thực tiễn bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; Chuẩn đầu ra chương trình đào tạo, bồi dưỡng giảng viên LLCT phải đạt về kiến thức, kỹ năng, năng lực tự chủ và trách nhiệm(3). Giảng viên LLCT là nhà giáo, nhà khoa học, đồng thời là chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng - lý luận của Đảng.

Để có bài giảng LLCT thuyết phục, tạo hứng thú cho sinh viên thì giảng viên không những phải vững vàng về chuyên môn, nhuần nhuyễn về lý luận, am hiểu thực tiễn mà còn phải có kỹ năng về nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị vững vàng… Để đạt được các chuẩn đầu ra này thì trong các chương trình đào tạo giảng viên LLCT phải xác định hình thức tổ chức dạy học, phương pháp, phương tiện dạy - học phù hợp. Bên cạnh đó, cần xác định rõ hình thức kiểm tra, đánh giá để đánh giá mức độ đạt được chuẩn đầu ra, từ đó sửa đổi, phát triển chương trình đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về đội ngũ giảng viên LLCT - đội ngũ trực tiếp làm thay đổi thái độ của người học đối với các môn LLCT.

Thứ ba, yêu cầu về phương pháp, kỹ năng giảng dạy của đội ngũ giảng viên

Một trong những nguyên nhân đưa đến việc người học không hứng thú đối với các môn LLCT là giảng viên chưa sử dụng hiệu quả các phương pháp dạy - học tích cực, phương tiện hiện đại để cuốn hút người học vào bài giảng của mình. Mặc dù, giảng viên có kiến thức sâu rộng, uyên bác nhưng do phương pháp giảng dạy nhàm chán, buồn tẻ, hầu hết chỉ sử dụng phương pháp thuyết trình, thậm chí sử dụng phương pháp thuyết trình không hiệu quả nên bài giảng chưa thu hút, chưa tạo không khí học tập sôi nổi, tích cực trong giờ giảng LLCT.

Trong quá trình giảng dạy cần có sự tương tác giữa thầy và trò, vận dụng linh hoạt giữa lý thuyết và thực hành, thực tế, giữa lý luận và thực tiễn, giữa phương pháp truyền thống và phương pháp tích cực. Trong một buổi lên lớp, tùy từng đối tượng người học mà giảng viên cần kết hợp linh hoạt các phương pháp khác nhau nhằm tăng sức hấp dẫn, hiệu quả của bài giảng, thu hút người học vào hoạt động học tập, cũng như phát huy được những tri thức mà người học đã tự nghiên cứu trước đó, như: Phương pháp thuyết trình, phương pháp đàm thoại, phương pháp phỏng vấn nhanh, hỏi đáp, ghi ý kiến lên bảng, hỏi ý kiến chuyên gia, neo chốt kiến thức, thảo luận nhóm, tự nghiên cứu, làm bài tập nghiên cứu, thực tế môn học… Việc kết hợp các phương pháp khác nhau giúp phát huy các ưu điểm của phương pháp và hạn chế các nhược điểm của mỗi phương pháp riêng rẽ. Từ đó, tích cực hóa việc học tập các môn LLCT của người học, tạo không khí sôi nổi, sự hứng thú, thái độ tích cực đối với người học, giúp họ hiểu rõ và hiểu đúng về vai trò của các môn LLCT.

Trong năm 2022 - 2023, qua khảo sát tại một số cơ sở đào tạo ở Việt Nam (Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Đại học Tài nguyên và Môi trường; Đại học Sư phạm Thái Nguyên; Đại học kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh; Học viện Cán bộ thành phố Hồ Chí Minh; Đại học Xây dựng Hà Nội; Đại học Điện lực Hà Nội), cho thấy các phương pháp giảng dạy LLCT đã có sự chuyển biến tích cực, đặc biệt quan điểm lấy người học làm trung tâm được chú trọng khi giảng viên dần chuyển từ vai trò đơn thuần phát đi thông tin, truyền thụ kiến thức sang mối quan hệ hai chiều, giữ vai trò của người định hướng, cố vấn và đồng hành cùng người học.

Qua kết quả khảo sát (xem bảng 2), ba phương pháp được các giảng viên LLCT ứng dụng thường xuyên nhất lần lượt là “phương pháp giảng dạy có sự tương tác”, “phương pháp giảng dạy nêu vấn đề, định hướng sinh viên tự tìm hiểu, khai thác tài liệu” và “phương pháp thuyết trình”, tương ứng đạt từ 8,4 điểm trung bình trở lên. Tuy nhiên, các phương pháp trực quan hoá, sử dụng video, nghiên cứu thực tế chỉ đạt thang điểm 7 trên tổng số 10 điểm: “phương pháp sử dụng các video, đóng vai,…”, “phương pháp cho người học đi nghiên cứu thực tiễn/ thực tế”. Điều này cho thấy, việc sử dụng phương pháp dạy - học truyền thống vẫn còn khá cao, việc gắn lý luận với nghiên cứu thực tế chưa phổ biến trong giảng dạy LLCT hiện nay và cần được tăng cường nhằm tạo hứng thú, độ hấp dẫn của bài giảng LLCT đối với người học.

Bảng 2. Điểm trung bình đánh giá mức độ thường xuyên ứng dụng các phương pháp giảng dạy của giảng viên lý luận chính trị

(đơn vị: điểm/ tổng 10 điểm)

Theo kết quả khảo sát người học ở một số cơ sở giáo dục đã học xong môn triết học - một trong các môn LLCT cho thấy yêu cầu về đổi mới phương pháp giảng dạy, cụ thể: Qua khảo sát 412 người học đã học học phần triết học cho thấy các phương pháp giảng viên thường dùng trong quá trình giảng dạy triết học là các phương pháp thuyết trình, hỏi đáp, trực quan hóa, neo chốt kiến thức. Các phương pháp này được dùng ở mức độ thường xuyên từ 8,14 đến 8,42/10. Mức độ sử dụng thấp hơn, gần đạt mức 8/10 là phương pháp thảo luận nhóm: 7,95, sinh viên viên thuyết trình: 7,98. Còn lại các phương pháp khác ít được dùng như là hỏi ý kiến chuyên gia, trải nghiệm thực tế, đóng vai, dạy học bằng tình huống, chỉ đạt mức dưới 6,0 (xem bảng 3).

Bảng 3. Đánh giá của người học về các phương pháp giảng dạy triết học
chia theo năm học (Điểm trung bình: 10 điểm). Nguồn: Khảo sát năm 2024
Phương pháp
Năm thứ 2
Năm thứ 3
Năm thứ 4
Tổng
Giảng viên thuyết trình
8.67*
8.26*
8.13*
8.42
Sinh viên thuyết trình, làm bài tập nhóm
7.99
7.95
7.99
7.98
Phỏng vấn nhanh
6.95*
6.26*
6.12*
6.56
Hỏi - đáp
8.59*
8.05*
7.88*
8.27
Thảo luận nhóm
8.08
7.77
7.85
7.95
Trải nghiệm thực tế
5.98
5.57
5.43
5.74
Đóng vai, dạy học bằng tình huống
5.90*
5.40*
5.11*
5.57
Hỏi ý kiến chuyên gia
5.78
5.35
5.39
5.58
Ghi ý kiến lên bảng
7.16
6.91
6.86
7.02
Neo chốt kiến thức
8.34
7.99
7.89
8.14
Sử dụng hình ảnh, video minh họa (Trực quan hóa)
8.69*
7.88*
7.62*
8.20

Những số liệu khảo sát này cho thấy, giảng viên cần sử dụng đa dạng và thường xuyên hơn các phương pháp trong giảng dạy LLCT nhằm nâng cao hiệu quả giờ giảng, tạo hứng thú cho người học.

Thứ , yêu cầu về năng lực nghiên cứu khoa học, sử dụng ngoại ngữ, công nghệ, tin học đối với giảng viên các môn lý luận chính trị

Ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy các môn LLCT là một trong những công cụ rất hữu ích và cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Giảng viên LLCT cần được trang bị kiến thức và kỹ năng về công nghệ thông tin và chuyển đổi số, để áp dụng các công nghệ mới trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu. Các công cụ trí tuệ nhân tạo như ChatGPT của OpenAI cũng có thể đóng góp vào quá trình nâng cao hiệu quả công việc của giảng viên LLCT. Công nghệ ChatGPT có thể hỗ trợ giảng viên trong việc soạn thảo giáo án, giúp tiết kiệm thời gian và công sức so với việc thực hiện thủ công nhưng cũng đặt ra những thách thức, như: sự tiếp cận thông tin một chiều, sự lười suy nghĩ, việc sao chép và lạm dụng thông tin trên mạng có thể ảnh hưởng đến khả năng học tập; thái độ học đối phó và đạo văn của người học. Điều này đòi hỏi vai trò của giảng viên LLCT trong việc sàng lọc, định hướng thông tin cho người học, góp phần vào việc thay đổi thái độ của người học đối với các môn LLCT (xem bảng 4).

Bảng 4. Điểm trung bình đánh giá khả năng đáp ứng hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học khác

(đơn vị: điểm/ tổng 10 điểm)

Qua trên cho thấy, việc sử dụng công nghệ và xử lý các tình huống sư phạm mặc dù tốt hơn việc sử dụng ngoại ngữ, được người trả lời cho rằng bản thân đáp ứng tương đối tốt, với 8,39 và 8,36 điểm trên tổng số 10 điểm trung bình nhưng vẫn cần bồi dưỡng thêm.

Ngoại ngữ được coi là chìa khóa để giảng viên tiếp cận với tri thức mở của thế giới, để học tập các phương pháp giảng dạy hiện đại của nước ngoài, để tiếp cận với các mô hình tổ chức lớp học khác nhau, nhưng hiện nay một trong những điểm yếu của giảng viên LLCT ở Việt Nam là năng lực sử dụng ngoại ngữ. Qua khảo sát, cho thấy năng lực sử dụng ngoại ngữ của giảng viên LLCT rất đáng báo động, chỉ đạt 6,48 trên 10 điểm.

Như vậy, bên cạnh nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp giảng dạy thì giảng viên LLCT cần trau dồi, tăng cường năng lực về ngoại ngữ, tin học cũng như nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm khác.

3. Một số giải pháp nhằm thúc đẩy thái độ học tập tích cực của người học đối với các môn lý luận chính trị tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ở Việt Nam trong thời gian tới

Thứ nhất, tiếp tục xây dựng hoàn thiện các quy chế, quy định về chế độ đặc thù đối với giảng viên lý luận chính trị

Lãnh đạo các nhà trường phải nhận thức đúng về vai trò các môn LLCT trong chương trình đào tạo, từ đó xây dựng quy chế về việc giảng dạy, học tập các môn LLCT một cách nghiêm túc, hiệu quả trong đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng giảng viên các môn LLCT và kinh phí đầu tư cần tăng cường để thúc đẩy nâng cao chất lượng đào tạo, cần có những chính sách khuyến khích phát triển cho ngành LLCT. Điều này sẽ làm giảng viên tăng động lực, sự sáng tạo, tâm huyết với nghề, từ đó nâng cao hiệu quả giảng dạy và thay đổi thái độ của người học.

Trên cơ sở quy định phụ cấp đối với nhà giáo của Nhà nước, các cơ sở đào tạo, tùy theo điều kiện thực tế của nhà trường, ban hành mức thưởng và phụ cấp riêng đối với giảng viên giảng dạy LLCT. Hàng năm, tổ chức cho giảng viên đi nghiên cứu thực tế trong và ngoài nước, tham gia các hội thảo, hội thi, diễn đàn, các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ hoặc kỹ năng soạn giáo án, nhất là giáo án điện tử, kỹ năng lên lớp, kỹ năng sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại trong giảng dạy, kỹ năng mềm…

Thứ hai, tăng cường áp dụng nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong giảng dạy lý luận chính trị, coi trọng nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, tăng cường các hoạt động đi nghiên cứu thực tế, biệt phái

Thống nhất giữa lý luận với thực tiễn là nguyên tắc không thể thiếu trong giảng dạy LLCT. Thực hiện nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn sẽ làm rõ vai trò quyết định của thực tiễn đối với lý luận và ngược lại, thực tiễn được giải thích còn lý luận được chứng minh và sẽ tránh được bệnh kinh nghiệm và bệnh giáo điều trong giảng dạy triết học. Bởi vậy, trong mỗi bài giảng, giảng viên đều phải nghiên cứu thực tiễn, vận dụng các kiến thức thực tiễn, các tin tức trong nước và quốc tế để đưa vào bài giảng minh họa cho lý luận. Nghiên cứu, tổng kết thực tiễn cũng giúp cho giảng viên LLCT giải thích, bổ sung LLCT phù hợp với sự vận động, phát triển thường xuyên của thực tiễn. Giảng viên vận dụng nguyên tắc này hiệu quả sẽ làm cho người học hứng thú, nhận thức được giá trị thực tiễn của các môn LLCT, các môn LLCT không còn là mớ lý thuyết đồ sộ, trừu tượng, từ đó thay đổi thái độ học tập của người học các môn LLCT tích cực hơn.

Tăng cường cử giảng viên đi nghiên cứu thực tế tại địa phương, bộ, ngành nhằm tăng cường tự bồi dưỡng kiến thức thực tiễn để nâng cao năng lực của đội ngũ giảng viên LLCT. Hoạt động đi thực tế, biệt phái cần được thực hiện trong thời gian khoảng từ 6 tháng đến 2 năm để có thể học hỏi, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn trong giải quyết các tình huống nảy sinh trong thực tế và lồng ghép vào trong nội dung các môn học, các chuyên đề.

Thứ ba, tăng cường năng lực sử dụng ngoại ngữ, công nghệ, khuyến khích giảng viên LLCT nghiên cứu khoa học

Tập trung cho giảng viên trẻ nâng cao khả năng công nghệ, ngoại ngữ để ứng dụng vào đổi mới nội dung, phương pháp dạy - học các môn LLCT; cử giảng viên LLCT tham gia học các lớp bồi dưỡng dành cho giảng viên về công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ vào giảng dạy, về ngoại ngữ. Các cơ sở đào tạo xây dựng các quy định tối thiểu về ngoại ngữ, công nghệ đối với giảng viên LLCT, tạo điều kiện giúp giảng viên chủ động tích lũy kiến thức, nâng cao năng lực nhằm vận dụng vào giảng dạy LLCT hiệu quả, hấp dẫn hơn.

Nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ cơ bản của giảng viên LLCT và sản phẩm nghiên cứu khoa học bổ trợ nhiều cho giảng dạy. Tuy nhiên, việc được tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học khó khăn, đặc biệt những giảng viên trẻ ít có cơ hội được tham gia vào các đề tài nghiên cứu khoa học hoặc kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học chưa thỏa đáng.

Lãnh đạo nhà trường và lãnh đạo các khoa cần chú trọng và tạo điều kiện cho giảng viên các môn LLCT được hỗ trợ kinh phí và tham gia nghiên cứu khoa học, giảm bớt công việc hành chính để giảng viên có thời gian dành cho nhiệm vụ chính là giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Các cơ sở đào tạo tiếp tục xây dựng chính sách và tăng cường cử giảng viên LLCT đi đào tạo trong và ngoài nước, bồi dưỡng năng lực nghiên cứu để thúc đẩy hoạt động khoa học, đặc biệt là việc đăng bài báo khoa học trên tạp chí.

Thứ tư, bồi dưỡng kỹ năng nhận diện, phản biện, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cho đội ngũ giảng viên lý luận chính trị nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ của mỗi giảng viên LLCT cần được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như: quán triệt, triển khai nhiệm vụ tại các buổi họp đảng bộ, chi bộ, sinh họat chuyên môn; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền theo hướng gắn chặt lý luận với thực tiễn; gắn hoạt động nghiên cứu chuyên sâu như đề tài, hội nghị, hội thảo với tổng kết thực tiễn để giảng viên LLCT có cơ hội hiểu toàn diện, thấu đáo các nội dung, phương thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Trong bối cảnh hiện nay, các thế lực thù địch lợi dụng sự phát triển của Internet và mạng xã hội để phát tán, lan truyền những bài viết, hình ảnh, video với các nội dung phê phán, phủ nhận bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đội ngũ giảng viên lý luận chính trị cần quán triệt đúng tinh thần: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không phải là việc riêng của Đảng mà còn là việc chung, là trách nhiệm chung của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân”(4).

Thứ năm, rà soát sửa đổi chương trình đào tạo, hình thức tổ chức dạy học, phương pháp giảng dạy, hình thức kiểm tra, đánh giá các môn LLCT

Việc rà soát, sửa đổi chương trình đào tạo phải được rà soát theo định kỳ ít nhất 1 lần trong 5 năm(6). Rà soát, sửa đổi chương trình đào tạo phải dựa trên các căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn để sửa đổi, xây dựng theo đúng quy định và đáp ứng được yêu cầu về nguồn nhân lực của các bên liên quan.

Phương pháp giảng dạy, hình thức tổ chức lớp học, hình thức kiểm tra đánh giá cũng cần được lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo khoa và bản thân giảng viên LLCT đồng thuận đổi mới để tạo hứng thú cho sinh viên. Bởi vậy, hàng năm các cơ sở đào tạo cử và yêu cầu giảng viên LLCT tham gia các khóa bồi dưỡng phương pháp giảng dạy tích cực, hiện đại để tăng hiệu quả trong quá trình dạy - học.

Về hình thức tổ chức dạy - học: không chỉ học lý thuyết trên lớp mà còn sử dụng nhiều hình thức học như thực hành, thực địa, thực tế ngoài trường, tự học; không chỉ thuyết giảng mà sinh viên có thể học theo mô hình lớp học đảo ngược, người học được thuyết trình, đưa ra quan điểm của mình về vấn đề học tập trước giảng viên, trước sinh viên, học viên để cùng thảo luận và soi chiếu vào thực tiễn;

Về hình thức kiểm tra, đánh giá: không chỉ làm bài thi tự luận mà thay đổi hình thức kiểm tra đánh giá như tiểu luận, trắc nghiệm, vấn đáp, thuyết trình, làm dự án, xây dựng video clip, đóng vai vào các nhà quản lý, các nhà hoạch định, xây dựng chủ trương, chính sách… Thêm vào đó, bản thân giảng viên LLCT thông qua bài giảng của mình phải chỉ ra vai trò của các môn LLCT trong đời sống thực tiễn, từ đó tăng thêm sự hấp dẫn và tính thuyết phục đối với người học.

4. Kết luận

Các môn LLCT là hệ thống tri thức lý luận, cung cấp tư duy lý luận, phương pháp luận khoa học và thế giới quan cách mạng. Ph.Ăngghen đã chỉ rõ vai trò to lớn của lý luận trong tác phẩm Biện chứng của tự nhiên: “Một dân tộc muốn đứng trên đỉnh cao của khoa học thì không thể không có tư duy lý luận”(5). Tuy nhiên, việc giảng dạy các môn LLCT chưa thực sự tạo được sự hấp dẫn, hứng thú cho người học do nhiều nguyên nhân khác nhau. Việc thay đổi thái độ người học đối với các môn LLCT luôn là chủ đề thời sự, cấp thiết. Việc thực hiện các yêu cầu và một số giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy thái độ tích cực của ngưởi học các môn LLCT, là góp phần để chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam, là nền tảng tư tưởng cho Đảng Cộng sản Việt Nam và xã hội trong mọi hoạt động.

_________________

Ngày nhận bài: 2-12-2024; Ngày bình duyệt: 10 -1-2025; Ngày duyệt đăng: 20 -1-2025

Email tác giả: nhuhue1310@gmail.com

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.33.

(2) Trần Thanh Giang (chủ nhiệm): Dự án khảo sát thực trạng, nhu cầu sử dụng giảng viên lý luận chính trị trong các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ở Việt Nam, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, 2023.

(3), (6) Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT ngày 22-6-2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, 2021.

(4) Phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị tổng kết công tác Tuyên giáo năm 2019, Báo Quân đội nhân dân, ngày 30 -12 - 2019, tr.1.

(5) C. Mác và Ph. Ănghen: Toàn tập, t.20, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Yêu cầu và giải pháp nhằm nâng cao thái độ học tập các môn lý luận chính trị của người học tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng hiện nay
    POWERED BY