TS NGÔ NGÂN HÀ
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
(LLCT) - Để có đủ năng lực thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cần không ngừng được đào tạo, bồi dưỡng về mọi mặt. Bài viết phân tích sự cần thiết và đề xuất các giải pháp tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của Học viện đủ năng lực thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng.
Cán bộ Học viện tham dự Hội nghị quán triệt, tuyên truyền nội dung cuốn sách "Cả nước đồng lòng, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Ảnh: HCMA
1. Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ thường xuyên của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, góp phần thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng
Theo Quyết định số 145-QĐ/TW ngày 08-8-2018 của Bộ Chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh “là cơ quan trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư”; “là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội; là trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiên cứu đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, nghiên cứu khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý phục vụ giảng dạy, học tập, góp phần cung cấp luận cứ khoa học trong việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước”.
Phần lớn học viên được đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đương chức hoặc trong diện quy hoạch, có bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ chuyên môn và có kinh nghiệm thực tiễn phong phú. Điều này, đòi hỏi đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học của Học viện phải được đào tạo cơ bản lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; am hiểu đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; thực sự có trình độ, bản lĩnh, tư duy, tầm nhìn và khát vọng cống hiến. Cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học của Học viện phải đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu lý luận chính trị, nâng cao khả năng nhận thức, thẩm thấu và thực hiện đúng đắn nhất các nội dung nghị quyết của Trung ương và của Đảng ủy Học viện, đồng thời phải nêu gương về đạo đức cách mạng, tiêu biểu về ứng xử văn hóa trường Đảng.
Có như vậy, đội ngũ cán bộ, giảng viên mới thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh quan trọng trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội; là lực lượng xung kích trong hoạt động giáo dục, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.
Trong nội bộ Học viện, đội ngũ này là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò quan trọng trong việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng, của Đảng ủy và chủ trương công tác của Giám đốc Học viện, thể hiện ở các nội dung sau:
Một là, phổ biến, quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức hiểu rõ đường lối, chủ trương của Đảng; tạo sự chuyển biến về nhận thức, thống nhất ý chí và hành động trong đơn vị; đồng thời hướng dẫn quần chúng trong đơn vị ý thức được đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, giúp cho việc triển khai nghị quyết của Đảng bảo đảm sâu rộng, thông suốt.
Hai là, trực tiếp cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng tại Học viện. Tùy theo chức năng, nhiệm vụ và đặc điểm của từng đơn vị, cán bộ lãnh đạo, quản lý xây dựng, đề ra các phương án và cách thức tổ chức phù hợp để phát huy vai trò của các chủ thể; sử dụng hợp lý các nguồn lực cơ sở vật chất, các phương tiện kỹ thuật và các điều kiện bảo đảm triển khai thực hiện nghị quyết có hiệu quả cao nhất.
Ba là, tạo lập sự phối hợp giữa lãnh đạo đơn vị với cấp ủy, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng nhằm hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được Đảng ủy và Giám đốc Học viện giao. Lãnh đạo đơn vị thực hiện nhiệm vụ theo chế độ thủ trưởng tổ chức thực hiện các nghị quyết của cấp ủy, chi bộ trên các lĩnh vực công tác. Chi bộ thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo nguyên tắc tập trung dân chủ, bảo đảm và tạo điều kiện để lãnh đạo đơn vị thực hiện chức trách, nhiệm vụ và quyền hạn được giao.
2. Thực trạng năng lực của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học các đơn vị thuộc Học viện trong cụ thể hóa, thực hiện các nghị quyết của Đảng
Những năm qua, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; với tinh thần tích cực, chủ động, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học của Học viện đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, xác định rõ nhiệm vụ thường xuyên, cụ thể phù hợp với tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị; chú trọng triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết Hội nghị Trung ương khóa XIII, các nghị quyết của Bộ Chính trị, Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương và của Đảng bộ Học viện. Các tổ chức đảng trực thuộc tăng cường xây dựng các nghị quyết chuyên đề, cụ thể hóa nội dung nghị quyết của Trung ương, của Học viện gắn với đặc điểm, yêu cầu của Học viện theo phương châm: “Chủ động - Đồng bộ - Đột phá - Kỷ cương - Chất lượng - Hiệu quả”.
Ngay sau Đại hội XIII của Đảng, Học viện đã tích cực triển khai Chỉ thị số 01-CT/TW ngày 09-3-2021 của Bộ Chính trị “về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”; Kết luận số 01-KL/TW ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị gắn với Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kịp thời sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương và Đảng ủy Học viện.
Các điển hình tiên tiến, cách làm hay, sáng tạo được tuyên truyền rộng rãi trong cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động. Bên cạnh đó, thông qua các buổi giao ban hằng tháng, hằng quý, sơ kết, tổng kết hằng năm; các buổi sinh hoạt chính trị, các văn bản hướng dẫn qua hệ thống văn bản điện tử V-office…, Đảng ủy Học viện đã chỉ đạo các cấp ủy tiếp tục tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật; chủ động ngăn chặn và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”…
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học của Học viện được đẩy mạnh theo các chương trình, kế hoạch phù hợp. Kết quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Học viện đã góp phần xây dựng và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học đủ năng lực để tổ chức quán triệt sâu rộng các nghị quyết, chỉ thị của Đảng đến các đối tượng học viên. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học của Học viện đã nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn trách nhiệm, nghĩa vụ học tập lý luận chính trị, từ đó chủ động, tích cực học tập, nâng cao trình độ, nghiệp vụ và năng lực công tác.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, khả năng vận dụng, cụ thể hóa, tổ chức thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước của một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học còn có những hạn chế nhất định. Tính chủ động trong nghiên cứu và thực hiện nghị quyết; hệ thống văn bản hướng dẫn chưa sát với nhiệm vụ chuyên môn, thiếu tính đồng bộ, toàn diện, có lúc chưa kịp thời. Việc lãnh đạo, chỉ đạo các đảng bộ, chi bộ trực thuộc trong công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy chế, kết luận của Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện chưa thường xuyên, kịp thời. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học chưa thực sự chủ động, tích cực trong việc tự đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn bản thân. Học viện chưa xây dựng được các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên biệt dành cho đội ngũ này.
3. Giải pháp tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh để thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng
Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ những hạn chế: “chỉ đạo và tổ chức thực hiện vẫn là một khâu yếu, chậm được khắc phục; năng lực cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương, nghị quyết còn hạn chế, năng lực tổ chức thực hiện của cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, làm cho pháp luật, nghị quyết chậm được thực hiện và hiệu quả thấp”(1). Để Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thực hiện tốt vai trò là trung tâm quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cần chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học của Học viện bằng nhiều giải pháp.
Một là, tăng cường, phát huy vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của cấp ủy, tổ chức đảng và lãnh đạo chuyên môn các cấp trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có trình độ, bản lĩnh, tâm huyết, tầm nhìn và khát vọng cống hiến để cụ thể hóa và thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng
Ngày 26-5-2014, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 32-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó đã đề ra quan điểm chỉ đạo: “Đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý là nhiệm vụ quan trọng của Đảng. Mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý phải thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập suốt đời, học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn, gắn học tập với rèn luyện phẩm chất đạo đức, tư cách người cách mạng”. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng yêu cầu: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết”(2). Đây là những chủ trương, định hướng cơ bản của Đảng cần quán triệt đầy đủ, sâu sắc để phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, năng lực và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học Học viện trong việc học tập, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn.
Các cấp ủy, tổ chức đảng và lãnh đạo chuyên môn các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chiến lược, kế hoạch, nguồn lực cho đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học theo đúng tinh thần chiến lược phát triển của Học viện đến năm 2030: tập trung lãnh đạo xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Cấp ủy, tổ chức đảng và lãnh đạo chuyên môn các cấp cần tăng cường giáo dục, nâng cao ý thức tu dưỡng về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và ý thức tự học tập, tự rèn luyện của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học của đơn vị; chuyển hóa nhận thức đó thành những chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học có đủ năng lực cụ thể hóa và lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.
Hai là, tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa phương thức, chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học
Để nâng cao chất lượng thực hiện các nghị quyết, kết luận của Đảng, Nhà nước, Đảng ủy, Giám đốc Học viện xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học của Học viện là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Tuy nhiên, cần đổi mới nội dung, phương thức đào tạo, bồi dưỡng theo hướng chuyển mạnh từ việc trang bị kiến thức lý luận sang phát triển năng lực tư duy, tầm nhìn và gắn với thực tiễn. Theo đó, cùng với việc thường xuyên cập nhật, bồi dưỡng kiến thức lý luận chính trị, cần xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng tăng cường khả năng xử lý tình huống; tăng thời gian trao đổi, thảo luận, thực hành, nghiên cứu thực tế… để tăng thêm vốn hiểu biết thực tiễn cho đội ngũ cán bộ.
Đổi mới quy trình xây dựng nghị quyết của Đảng ủy Học viện và các cấp ủy trực thuộc bảo đảm tính khoa học, thực tiễn, khả thi. Các nghị quyết quan trọng của Đảng ủy Học viện cần được xây dựng trên cơ sở các nghiên cứu khoa học dưới dạng đề án tổng kết thực tiễn, huy động các cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học có trình độ cao, năng lực chuyên môn giỏi, có kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý tham gia.
Ba là, tăng cường nguồn lực giảng viên chất lượng cao; đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo theo hướng thông minh, hiện đại
Chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên có đủ phẩm chất, trình độ chuyên môn, am hiểu thực tiễn; đội ngũ báo cáo viên, giảng viên thỉnh giảng là cán bộ lãnh đạo, quản lý, chuyên gia đầu ngành trong nhiều lĩnh vực tham gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học của Học viện. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trong đó tập trung triển khai dự án “Xây dựng mô hình quản trị thông minh tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh”; “Trung tâm chia sẻ tri thức toàn cầu” - cơ chế tổ chức mềm thuộc Học viện, nhằm trao đổi, chia sẻ tri thức, chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói chung và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học của Học viện nói riêng.
Bốn là, phát huy tốt vai trò của các đơn vị tham mưu; tăng cường công tác quản lý, coi trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát
Tiếp tục phát huy vai trò của các cơ quan tham mưu thanh tra về quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học, tổ chức - cán bộ… trong việc xây dựng các chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học của Học viện. Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra; tổ chức đánh giá sau đào tạo, bồi dưỡng để điều chỉnh nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng giảng dạy nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học của Học viện có bản lĩnh, trình độ, năng lực chuyên môn cao để đảm nhận việc cụ thể hóa và thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng.
_________________
(1), (2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.94, 187.