Đào tạo - Bồi dưỡng

Đóng góp của Học viện Báo chí và Tuyên truyền vào sự phát triển của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong thời kỳ mới

24/09/2024 9:08

(LLCT) - Trải qua hơn 62 năm xây dựng và phát triển, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, Học viện Báo chí và Tuyên truyền ngày càng phát triển vững mạnh, khẳng định vị thế, vai trò trong hệ thống Trường Đảng và hệ thống giáo dục đại học trong nước, khu vực và thế giới. Học viện có đóng góp phần mình vào sự phát triển của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Trường Đảng Trung ương, trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, nghiên cứu lý luận chính trị, tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong hoạch định chủ trương, chính sách.

PGS, TS PHẠM MINH SƠN
Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Trao giấy chứng nhận
GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và TS Trần Đình Quang, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Đại học Vinh trao Giấy chứng nhận Kiểm định chất lượng chương trình đào tạo trình độ đại học của 07 khoa có chương trình kiểm định ngày 03-3-2023

1. Mở đầu

Giữa những tháng ngày miền Bắc khẩn trương xây dựng xã hội chủ nghĩa và làm hậu phương lớn chi viện miền Nam, quân và dân miền Nam đang căng mình kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Trường Tuyên giáo Trung ương được thành lập trên cơ sở hợp nhất ba trường: Trường Nguyễn Ái Quốc phân hiệu II, Trường Tuyên giáo và Đại học Nhân dân, theo Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 16-01-1962 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa III, do Ban Tuyên giáo Trung ương phụ trách.

Do tầm quan trọng của Trường trong hệ thống cơ quan trung ương Đảng, nên các đồng chí Giám đốc của Trường đều do Ban Bí thư trực tiếp phân công, như: đồng chí Trần Quang Huy - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng khóa III, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí Đào Duy Tùng - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.

Để hiện thực hóa chủ trương của Ban Bí thư là xây dựng đội ngũ giảng dạy mạnh, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, trình độ lý luận chính trị cao, có phương pháp sư phạm..., Trường đẩy mạnh việc tuyển cán bộ, đảng viên lý luận tại các cơ quan về để bồi dưỡng, đồng thời, mời các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và ngành tuyên giáo làm giảng viên kiêm chức, báo cáo viên.

Những giảng viên từng giảng dạy ở Trường thời kỳ đầu có các đồng chí: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Tố Hữu, Xuân Thủy, Hoàng Tùng, Vũ Oanh, Lê Khắc, Nguyễn Vịnh, Nguyễn Minh Vĩ, Lưu Quý Kỳ, Lê Quang Đạo, Đào Duy Tùng, Trần Quỳnh,... Đặc biệt, năm 1967, đồng chí Lê Duẩn Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương trực tiếp tham gia giảng bài cho lớp bồi dưỡng bí thư, chủ tịch huyện.

Qua nhiều lần đổi tên, đến năm 2005, Trường chính thức có tên gọi Học viện Báo chí và Tuyên truyền trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế và trên cơ sở Chiến lược phát triển của Học viện Báo chí và Tuyên truyền đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Học viện đã tiến hành đổi mới toàn diện trên các lĩnh vực: đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, công tác cán bộ và xây dựng cơ sở vật chất.

Với những thành tựu đã đạt được, tháng 6-2015, Thủ tướng Chính phủ đã bổ sung Học viện Báo chí và Tuyên truyền vào danh sách các Trường đại học trọng điểm của mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Năm 2018, Trường được công nhận là Trường đại học đạt chuẩn quốc gia về chất lượng giáo dục.

Trải qua 62 năm xây dựng và phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền luôn giữ vững bản sắc, vị thế của một Trường Đảng, Trường đại học trọng điểm, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, báo chí truyền thông; tham mưu, tư vấn chính sách; tham gia tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xứng đáng là một trong những ngọn cờ đầu của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

2. Đóng góp của Học viện Báo chí và Tuyên truyền vào sự phát triển của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Đóng góp của Học viện Báo chí và Tuyên truyền vào Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nổi bật trên các mặt:

Thứ nhất, đóng góp trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng

Thời kỳ đầu thành lập, Trường Tuyên giáo Trung ương có 5 khoa, 3 hệ và 4 phòng. Với 43 giảng viên trong tổng số 172 cán bộ, công nhân viên chức. Khóa bồi dưỡng dài hạn đầu tiên 2 năm rưỡi. Trường đã đào tạo 365 cán bộ nòng cốt, làm công tác tư tưởng, phục vụ nhiệm vụ kháng chiến, xây dựng đất nước. Ở thời điểm đó, Trường Tuyên giáo Trung ương là cơ sở duy nhất mở riêng các lớp để bồi dưỡng kiến thức có hệ thống cho phóng viên, biên tập viên các báo trung ương và địa phương trên cả nước.

Đến năm 1969, Trường bắt đầu mở khóa đào tạo chính quy 4 năm các ngành lý luận và nghiệp vụ. Đây là Khóa 1 của trường.

Ngày 02-01-1983, Ban Bí thư ban hành Quyết định số 15-QĐ/TW về công tác các trường Đảng để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Hệ thống các trường Đảng trực thuộc Trung ương được sắp xếp lại thành: Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, ba trường Đảng khu vực và hai trường tuyên huấn.

Theo đó, Trường Tuyên huấn Trung ương được hợp nhất với Trường Nguyễn Ái Quốc V trở thành Trường Tuyên huấn Trung ương I và là một trong hai trường tuyên huấn trực thuộc Trung ương. Trường Tuyên huấn Trung ương I tiếp tục tiến hành hai nhiệm vụ trọng tâm: Đào tạo cán bộ giảng dạy chính trị, tư tưởng Mác - Lênin cho hệ thống trường Đảng và hệ thống giáo dục quốc dân; đào tạo cán bộ báo chí, truyền thông.

Ngày 20-11-1990, Trường được bổ sung chức năng của trường đại học và có tên gọi mới: Trường Đại học Tuyên giáo. Đây là sự kiện lớn, đánh dấu mốc trong lịch sử phát triển của Nhà trường. Năm 1991 ghi dấu ấn lịch sử Nhà trường với việc chính thức tuyển sinh đối tượng là học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông.

Cùng với quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, đội ngũ cán bộ không ngừng được tăng cường, phát triển. Đến nay, Học viện có đội ngũ cán bộ, giảng viên, lao động gần 400 người. Cùng với đội ngũ cán bộ cơ hữu, Học viện có hàng trăm chuyên gia, nhà khoa học, nhà báo uy tín, nhà chuyên môn thuộc các lĩnh vực lý luận chính trị, báo chí - truyền thông và các ngành khoa học xã hội và nhân văn khác ở Trung ương và địa phương là thành viên Hội đồng trường, cố vấn chuyên môn, giảng viên kiêm chức, thỉnh giảng...

Hiện nay, Học viện đào tạo 32 chương trình cử nhân, 15 chương trình thạc sĩ, 7 chương trình tiến sĩ và 1 chương trình liên kết quốc tế. Trong đó, có những ngành, chuyên ngành đào tạo đã trở thành thế mạnh truyền thống. Cùng với đào tạo đại học, Học viện thực hiện nhiều loại hình lớp cập nhật kiến thức, bồi dưỡng theo chức danh, cấp chứng chỉ chuyên môn, nghiệp vụ về công tác tuyên giáo, báo chí, xuất bản, quan hệ công chúng và quảng cáo, ngoại ngữ, tin học,... với hàng chục nghìn lượt học viên hằng năm.

Học viện có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng giảng viên lý luận chính trị, cán bộ làm công tác tuyên giáo, công tác xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước; đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ ngành báo chí, tuyên truyền, truyền thông và một số ngành khoa học xã hội và nhân văn khác. Bên cạnh đó, Học viện đang thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đương chức và quy hoạch các chức danh là trưởng, phó trưởng phòng và tương đương trở lên của các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông; bồi dưỡng kiến thức mới và kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác báo chí, truyền thông, lý luận chính trị,...

Rất nhiều học viên của Học viện sau khi ra trường đã đảm nhiệm các vị trí quan trọng trong các cơ quan đảng và nhà nước, trong các cơ quan làm công tác tư tưởng văn hóa, báo chí, xuất bản, các trường chính trị tỉnh, thành phố, trung tâm chính trị cấp huyện… Điều đó khẳng định trên thực tế hiệu quả, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng; Học viện được Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tin cậy, giao thêm những trọng trách nặng nề nhưng rất vinh quang.

Thứ hai, đóng góp trong hoạt động nghiên cứu khoa học

Hoạt động nghiên cứu khoa học của Học viện Báo chí và Tuyên truyền trong những năm qua đã đạt được những kết quả to lớn, góp phần quan trọng vào việc tạo dựng hình ảnh Nhà trường với bề dày truyền thống và luôn luôn phát triển. Học viện luôn xác định hoạt động nghiên cứu khoa học là một nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm, xuyên suốt, nhằm nâng cao chất lượng uy tín, vị thế học thuật của một cơ sở đào tạo, góp phần cung cấp luận cứ khoa học phục vụ phát triển đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trên lĩnh vực lý luận chính trị, công tác tư tưởng - văn hóa, báo chí - truyền thông và các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn khác. Trong nhiều năm qua, Học viện đã tổ chức nhiều hội thảo quốc tế với những chủ đề thời sự, cập nhật tình hình chính trị và chuyên môn với sự tham gia của nhiều chính trị gia, nhà khoa học, chuyên gia quốc tế đến từ các nước như: Mỹ, Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Áo, Đức, Thụy Điển, Malaixia...

Thành tựu nghiên cứu khoa học cũng là nhân tố quan trọng khẳng định vị thế và tầm vóc của Học viện, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững, có định hướng của Nhà trường. Đến nay, Học viện đã triển khai nghiên cứu hàng nghìn đề tài khoa học các cấp. Số lượng đề tài của giảng viên, sinh viên tăng dần qua các năm, thiết thực phục vụ các mục tiêu như tham gia tổng kết thực tiễn, góp phần phát triển lý luận về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Nhà trường; nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường, biên soạn giáo trình, tài liệu nghiên cứu, học tập.

Cán bộ nghiên cứu và giảng dạy của Học viện đã công bố hàng nghìn bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học có uy tín trong và ngoài nước, trong đó không ít bài có giá trị cao về lý luận và thực tiễn.

Học viện duy trì và phát triển Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông với 5 ấn phẩm bằng tiếng Việt và tiếng Anh, Cổng thông tin điện tử, các ấn phẩm khoa học, tài liệu phục vụ cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học… tạo được uy tín trong cả nước.

Thứ ba, đóng góp trong lĩnh vực hợp tác quốc tế

Học viện Báo chí và Tuyên truyền luôn chú trọng phát triển lĩnh vực hợp tác quốc tế. Từ năm 1991, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về tăng cường hợp tác quốc tế trên mọi lĩnh vực, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, Học viện đã từng bước thiết lập quan hệ với các đối tác quốc tế. Năm 1992 đánh dấu điểm mở đầu công tác đào tạo đại học giúp nước bạn Lào với khóa sinh viên Lào đầu tiên được đào tạo đại học tại Trường. Các thế hệ sinh viên, học viên Lào sau khi được học tập, rèn luyện tại Trường trở về nước và trở thành lãnh đạo các cơ quan báo chí và văn hóa tư tưởng.

Hợp tác quốc tế thời kỳ đầu đổi mới đã có nhiều thành tựu nổi bật trong quan hệ với các trường đại học của Ôxtrâylia, như Đại học Công nghệ Sydney, Đại học Monash. Từ năm 1997, Nhà trường liên tục cử cán bộ đi đào tạo các bậc sau đại học tại Ôxtrâylia, đồng thời mời các giáo sư Ôxtrâylia sang thỉnh giảng tại Trường. Học viện đã và đang đào tạo hàng trăm học viên, đóng góp không nhỏ vào đội ngũ cán bộ lý luận chính trị và tư tưởng văn hóa của Campuchia.

Năm 2016, Học viện và Đại học Middlesex (Vương quốc Anh) đã chính thức hợp tác triển khai chương trình cử nhân quốc tế quảng cáo, quan hệ công chúng (PR) và Truyền thông tại Việt Nam theo phương thức nhượng quyền. Đại học Middlesex cung cấp chương trình, bảo đảm chất lượng và cấp bằng cho sinh viên tốt nghiệp. Học viện Báo chí và Tuyên truyền tuyển sinh, cung cấp cơ sở vật chất và tổ chức giảng dạy. Từ đó đến nay, chương trình liên kết đào tạo “Cử nhân Quốc tế Quảng cáo, Quan hệ Công chúng và Thương hiệu” giữa Đại học Middlesex (Anh) với Học viện theo phương thức nhượng quyền đã đạt nhiều kết quả.

Từ năm 2008 đến nay, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã tổ chức gần 200 đoàn cán bộ, giảng viên đi công tác, bồi dưỡng, giảng dạy, tham dự hội thảo tại nhiều nước. Cùng với duy trì các đối tác truyền thống, Học viện từng bước mở rộng đối tác và lĩnh vực hợp tác về nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị, báo chí, truyền thông.

Đến nay, Học viện đã thiết lập quan hệ hợp tác với Trường Đảng Thành ủy Thiên Tân, Trường Đảng Trùng Khánh; Đại học Liên Ninh (Trung Quốc); Đại học Middlesex (Anh); Đại học Catholic (Mỹ); Đại học Tổng hợp Hamburg (Đức); Đại học Viên (Áo), Đại học Minh Trị (Nhật Bản), Đại học Seoul (Hàn Quốc), Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam, Tổ chức Quốc tế lao động việc làm (ILO), Viện FES (Đức), Hiệp hội bảo vệ động vật hoang dã (WCS), Tổ chức Oxfam tại Việt Nam,...

Thứ tư, về cơ sở vật chất của Học viện

Được sự quan tâm tạo điều kiện của Ban Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cơ sở vật chất của Học viện Báo chí và Tuyên truyền không ngừng được đầu tư xây dựng khang trang, phục vụ tốt hoạt động học tập và giảng dạy của sinh viên, cán bộ, giảng viên.

Tổng diện tích của Học viện là gần 60.000m2. Hệ thống các phòng làm việc có đầy đủ điều kiện của một cơ sở đào tạo đại học hiện đại. Hệ thống quản lý, điều hành được hiện đại hóa, tin học hóa, góp phần nâng cao hiệu quả quản trị nhà trường. Khu nhà hành chính, giảng đường, phòng thực hành, thư viện, ký túc xá sinh viên và khuôn viên, vườn hoa, cây xanh… rộng rãi, tươi đẹp, hiện đại.

Khu vực học tập, thực hành, tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ, tin học, giáo dục kiến thức quốc phòng - an ninh được đầu tư bảo đảm các quy chuẩn của đơn vị tự chủ đào tạo, bồi dưỡng cấp chứng chỉ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng...

Hệ thống hội trường, phòng học thực hành hiện đại cho phép sinh viên, đặc biệt sinh viên của các ngành báo chí, xuất bản, quan hệ công chúng, quảng cáo… có thể thực hành sáng tạo các sản phẩm báo chí - truyền thông chuyên nghiệp. Trung tâm Thông tin khoa học của Học viện được đầu tư ngày càng hiện đại, có thể phục vụ cùng lúc hàng trăm độc giả; đồng thời, được số hóa, kết nối với hệ thống thư viện quốc gia và một số thư viện của các trường đại học trên thế giới.

Ký túc xá Học viện có các khu nhà ở khép kín, hiện đại, có sân thể thao, nhà ăn... đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí của hàng nghìn sinh viên nội trú, trong đó có hàng trăm lưu học sinh Lào. Khuôn viên của Nhà trường nhiều không gian cho sinh viên nghỉ ngơi, ôn bài, gặp gỡ, giao lưu... Tất cả tạo nên một môi trường thân thiện, rộng mở đón chào sự sáng tạo và tài năng. Đó cũng là lý do mà sinh viên, học viên theo học tại Trường, sau khi tốt nghiệp, luôn nhận được những phản hồi tích cực từ các cơ quan, đơn vị.

Với những thành tích đã đạt được, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã đạt được nhiều danh hiệu: Huân chương Độc lập hạng Nhì (năm 1992); Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2001); Huân chương Hồ Chí Minh (năm 2007); Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2021) và hàng chục huân, huy chương và bằng khen các cấp tặng cho các tập thể, cá nhân trong nhà trường.

Bên cạnh đó, hàng trăm lượt cán bộ, giảng viên của Học viện cũng được nhận những danh hiệu cao quý do Đảng, Nhà nước trao tặng: các huân chương, huy chương, kỷ niệm chương, các danh hiệu ghi nhận sự hy sinh và cống hiến.

3. Những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Học viện trong thời kỳ mới

Trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền vinh dự là trường Đảng duy nhất trong hệ thống các trường đại học Việt Nam. Đảng ủy, Hội đồng trường và Ban Giám đốc cũng như toàn thể cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền luôn ý thức rất rõ niềm vinh dự, tự hào cũng như trách nhiệm của mình là góp phần vào Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh hoàn thành vẻ vang mọi trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao.

Trong chiều dài hơn 62 năm xây dựng và phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã có một nửa chặng đường lịch sử đã qua trực thuộc Trường Đảng mang tên Bác (31 năm, từ năm 1993 đến nay), góp phần không nhỏ vào những thành tựu to lớn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và khẳng định vị thế của mình trong hệ thống Trường Đảng. Đúng như nhận định của GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương trong dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Học viện Báo chí và Tuyên truyền: “60 năm qua, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã luôn luôn hoàn thành tốt sứ mệnh của mình, có những đóng góp rất quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển, cũng như công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước. Những đóng góp của Học viện Báo chí và Tuyên truyền là, cung cấp cho Đảng và hệ thống chính trị một đội ngũ những người làm báo, một đội ngũ những người làm công tác tư tưởng văn hóa và thực sự đây là một lực lượng rất quan trọng để tuyên truyền, lan tỏa và đặc biệt là khẳng định những thành tựu của Đảng và Nhà nước ta trong sự nghiệp xây dựng CNXH cũng như bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Học viện Báo chí và Tuyên truyền có quyền tự hào về những đóng góp của mình”.

Có thể khẳng định, từ những ngày đầu thực hiện nhiệm vụ của Ban Bí thư Trung ương Đảng giao khi thành lập, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Tuyên giáo Trung ương và sau này, khi trở thành bộ phận cấu thành của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên của Học viện luôn đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đưa Học viện trở thành ngôi trường có uy tín cao trong đào tạo nguồn nhân lực lý luận chính trị, báo chí truyền thông trong nước và quốc tế. Học viện đã đạt được nhiều thành tựu, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển chung của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, bên cạnh thời cơ, cũng có nhiều thách thức, đòi hỏi Học viện phải vượt qua để bứt phá, vươn lên những tầm cao mới.

Trong thời gian tới, Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền tập trung vào thực hiện Chiến lược phát triển Học viện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các năm tiếp theo. Học viện tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các quy chế, quy định theo đúng tinh thần của Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 và Nghị định 99 của Chính phủ; phát triển các giá trị truyền thống của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, góp phần phát huy vị trí, vai trò của một trường đại học trọng điểm, Trường Đảng có bề dày truyền thống.

Học viện tiếp tục tập trung vào thực hiện những nhiệm vụ cơ bản. Trước hết là tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức, ổn định chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, trình độ lý luận chính trị cao, đáp ứng các yêu cầu của quá trình đào tạo hiện nay. Thứ hai, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện các chương trình đào tạo, để phấn đấu đưa các chương trình đào tạo này theo các chuẩn mực cao nhất hiện nay và kiểm định các chương trình đào tạo. Thứ ba, đầu tư cho các hoạt động khoa học, trong đó tập trung xây dựng hệ thống giáo trình hệ đại học, sau đại học. Thứ tư, tăng cường mở rộng hợp tác, liên kết với các đối tác ngoài Học viện, các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế. Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất của nhà trường, đẩy mạnh việc đơn giản hóa và tin học hóa các thủ tục hành chính.

Các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, sinh viên, học viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền luôn ý thức sâu sắc về trách nhiệm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Trường Đảng, vận dụng sáng tạo, phát triển và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban Giám đốc, đội ngũ giảng viên luôn quán triệt phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện để trở thành những người thấm nhuần tính đảng, tính chiến đấu, thể hiện phẩm chất chính trị, trung thành, tận tụy phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và của nhân dân, có tư duy lý luận sắc bén, nhuần nhuyễn lý luận với thực tiễn, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định bảo vệ, phát triển nền tảng tư tưởng lý luận của Đảng.

4. Kết luận

Công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới đang đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ hết sức nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang cho Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nói chung và Học viện Báo chí và Tuyên truyền nói riêng. Là ngôi trường có bề dày lịch sử phát triển, là Trường Đảng - trường đại học duy nhất trong hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, với truyền thống đoàn kết thống nhất, với thế và lực đã có, cùng với quyết tâm cao của Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban Giám đốc, toàn thể đội ngũ cán bộ, giảng viên, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh giao.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã, đang và sẽ luôn xứng đáng với sứ mệnh mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao, góp phần tích cực vào sự phát triển của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với truyền thống vẻ vang 75 năm xây dựng và phát triển.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 559 (9-2024)

Ngày nhận bài: 20-8-2024; Ngày bình duyệt: 29-8-2024; Ngày duyệt đăng: 05-9-2024.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đóng góp của Học viện Báo chí và Tuyên truyền vào sự phát triển của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong thời kỳ mới
    POWERED BY