Quốc tế

Nâng cao chất lượng công tác tư tưởng của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào trong tình hình mới

17/07/2024 17:33

(LLCT) - Công tác tư tưởng có vai trò quan trọng trong công tác xây dựng Đảng; nâng cao chất lượng công tác tư tưởng của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào là tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động, củng cố niềm tin và tính cách mạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân các bộ tộc Lào dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhằm tạo động lực thực hiện sự nghiệp “bảo vệ và xây dựng, phát triển Tổ quốc” theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

KEOSAY MANIVÔNG
NCS Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Nhân dân Cách mạng Lào lần thứ XI_Ảnh: TTXVN

1. Mở đầu

Công tác tư tưởng (CTTT) là một phần trọng yếu trong toàn bộ hoạt động cách mạng của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ, trong thực hiện vai trò lãnh đạo của Đảng. Từ khi ra đời, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào luôn xác định CTTT là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Đảng. Đảng khẳng định: “Công tác tư tưởng là nhiệm vụ cơ bản, là việc gốc, là việc phải làm trước, làm thường xuyên và đan xen với mọi lĩnh vực công việc của Đảng, Nhà nước và của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, là yếu tố bảo đảm cho sự thắng lợi của cách mạng”(1).

2. Tình hình công tác tư tưởng của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào

CTTT là nhiệm vụ thường xuyên của cấp ủy đảng các cấp, từ xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm và tổ chức các hoạt động của công tác, giải quyết những vấn đề đặt ra về mặt lý luận và tình hình tư tưởng trong từng giai đoạn. Trong những năm qua, CTTT của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã đạt được những kết quả quan trọng:

Một là, chủ trương, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về CTTT đúng đắn, kịp thời, sát với thực tế từng giai đoạn

Đảng Nhân dân Cách mạng Lào coi CTTT là nhiệm vụ hàng đầu, phải thực hiện thường xuyên và kịp thời. Vì vậy, các kỳ đại hội Đảng đều xác định phương hướng quan trọng để dẫn dắt CTTT như: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa IV (năm 1989), về CTTT trong tình hình mới; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10 khóa V (năm 1991), đưa ra quan điểm, phương hướng CTTT trong tình hình mới; tại Đại hội XI của Đảng (năm 2021), nhấn mạnh: “Đảng phải tăng cường hoạt động CTTT trong nội bộ đảng các cấp liên quan sinh hoạt đảng thường xuyên và chống lại tư duy truyền thống, quan điểm sai trái, phong cách làm việc không phù hợp trong đội ngũ đảng viên toàn quốc”(2). Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI tiếp tục nhấn mạnh, cấp ủy đảng các cấp phải: “Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo CTTT trong cấp ủy đảng, đảng viên, cán bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân các bộ tộc Lào vượt qua những khó khăn về kinh tế, tài chính; tuyệt đối không để xảy ra mất ổn định chính trị trong tổ chức Đảng, Nhà nước và trong xã hội”(3).

Bộ Chính trị đã ban hành một số nghị quyết về CTTT: Nghị quyết số 13, ngày 31-3-1995 của Bộ Chính trị về CTTT; Nghị quyết số 60, ngày 4-7-2003 của Bộ Chính trị về phương hướng, chức năng chủ yếu và biện pháp chung của CTTT trong tình hình mới. Hiện nay, toàn Đảng đang thực hiện Nghị quyết số 206, ngày 7-12-2020 của Bộ Chính trị về nâng cao chất lượng CTTT trong giai đoạn hiện nay.

Trên cơ sở chủ trương, đường lối đúng đắn, phù hợp với thực tế đất nước, công tác tư tưởng góp phần làm cho Đảng ngày càng lớn mạnh, đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ trong các thời kỳ cách mạng.

Hai là, công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn được chỉ đạo và tiến hành tích cực

Đảng Nhân dân Cách mạng Lào coi công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn là công tác quan trọng, nhằm bổ sung nội dung đường lối của Đảng ngày càng hoàn thiện và tiếp tục phát triển đường lối của Đảng. Đại hội IX, X, XI của Đảng chỉ đạo Hội đồng Lý luận Trung ương làm trung tâm, kết hợp với các ban ngành, nghiên cứu các chuyên đề quan trọng cấp quốc gia. Trong đó, nổi bật là việc triển khai Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị, ngày 13-12-2018 về nghiên cứu tư tưởng Cay xỏn Phôm vi hản được hoàn thành và xuất bản.

Hiện nay, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đang thực hiện dự án nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn các chuyên đề cấp quốc gia theo Nghị quyết số 108, ngày 5-9-2012 của Ban Bí thư về xác nhận chuyên đề dự án nghiên cứu khoa học cấp quốc gia (9 chuyên đề); nghiên cứu và tổng kết thực tiễn về xây dựng các yếu tố sơ cấp (9 yếu tố sơ cấp) thực hiện mục tiêu XHCN và được thông qua tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XI; nghiên cứu khoa học về bồi dưỡng lý luận chính trị 3 cấp: sơ cấp, trung cấp, cao cấp. Các công tác này được thực hiện đồng bộ.

Thông qua nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã đạt được nhiều thành tựu to lớn: về mặt tư duy lý luận, có một nhận thức mới trong hệ thống lý luận cơ bản về con đường đi lên CNXH, xây dựng Nhà nước pháp quyền... tư tưởng Cay xỏn Phôm vi hản đã được nghiên cứu, làm rõ, đáp ứng yêu cầu củng cố nền tảng nhận thức về lý luận và thực tiễn.

Ba là, công tác giáo dục lý luận chính trị, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao

Công tác giáo dục lý luận chính trị là nhiệm vụ chủ yếu, là trách nhiệm trực tiếp của mỗi cấp ủy đảng, nhằm tạo nền tảng lý luận và nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân các bộ tộc Lào về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, lý luận là ngọn đuốc soi đường, không có lý luận thì như người mù đi trong đêm tối, lần mãi không thấy đường ra. Người viết: “Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”, “Có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt sáng, một mắt mờ”(4). Chủ tịch Cay xỏn Phôm vi hản cho rằng: “... dù đường lối đúng đắn và phù hợp với tình hình thực tế của nước Lào, nhưng không đi tổ chức giáo dục, truyền bá hiểu biết sâu sắc, đúng đắn thì không thể triển khai thành hiện thực”(5). Bộ Chính trị đã ban hành ra Nghị quyết số 72, ngày 14-5-2019 về chế độ giáo dục lý luận chính trị; Nghị quyết số 73, ngày 14-5-2019 về xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo - quản lý; Chỉ thị số 03, ngày 15-5-2019 của Ban Bí thư về cải thiện quá trình giảng dạy lý luận chính trị trong hệ thống Trường Đảng và hệ thống giáo dục quốc gia.

Hiện nay, công tác giáo dục lý luận chính trị được thực hiện thành nền nếp và đạt hiệu quả. Các khoa giảng dạy lý luận chính trị - hành chính trong hệ thống Trường Đảng và chuyên môn về chính trị - xã hội hệ thống các cơ sở giáo dục đã nghiên cứu và biên soạn chương trình phù hợp với điều kiện thực tế; đội ngũ cán bộ, giảng viên giảng dạy lý luận chính trị tại các trường được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn và trình độ lý luận chính trị ở trong nước và nước ngoài.

Năm 2023, cả nước có 518 giảng viên giảng dạy lý luận chính trị; trong đó có: 37 tiến sĩ, chiếm 7,14%; 210 thạc sĩ, chiếm 40,54%; 271 cử nhân, chiếm 52,32%. Đã có 15.985 cán bộ chủ chốt trên cả nước được nâng cao kiến thức về lý luận chính trị cấp cao tại Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Lào.

Các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được tổ chức nghiên cứu, quán triệt rộng rãi, giúp việc thực hiện được nâng cao, tạo chuyển biến tích cực, phù hợp với điều kiện và tình hình đất nước.

Bốn là, công tác tuyên truyền, cổ động hoạt động thường xuyên; bộ máy cơ quan chuyên trách, kỹ thuật phục vụ CTTT được nâng cao

Công tác tuyên truyền, cổ động giúp nhân dân nhận thức, hiểu biết thêm truyền thống cách mạng, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong từng giai đoạn. Đồng thời, tuyên truyền thành tựu của sự nghiệp “bảo vệ và xây dựng, phát triển Tổ quốc”, chú trọng nghiên cứu, phổ biến tình hình nổi bật trong nước và quốc tế cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao hiểu biết.

Cán bộ chuyên trách làm CTTT được nâng cao trình độ lý luận và chuyên môn. Năm 2023, tổng số cán bộ tại các ban tuyên huấn trên cả nước là 1.597 đồng chí; về trình độ chuyên môn, có: 05 tiến sĩ, 79 thạc sĩ, 801 cử nhân; về trình độ lý luận chính trị, có: 293 đồng chí có trình độ cao cấp, 206 đồng chí có trình độ trung cấp, 156 đồng chí có trình độ sơ cấp, 132 đồng chí được bồi dưỡng 45 ngày và 810 đồng chí chưa có bằng lý luận chính trị(6). Tổng số cán bộ ngành thông tin - văn hóa và du lịch trên cả nước có 4.272 đồng chí; trong đó, về trình độ chuyên môn, có: 11 tiến sĩ, 366 thạc sĩ, 2.069 cử nhân(7).

Phương tiện kỹ thuật phục vụ CTTT tăng cường, tạo thuận lợi trong chuyển tải tin tức và tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho nhân dân ở trong và ngoài nước một cách nhanh chóng và rộng rãi. Cơ sở vật chất, kỹ thuật của hệ thống báo chí được phát triển, cung cấp thông tin nhanh chóng và kịp thời. Hiện nay, cả nước có 163 đài phát thanh, trong đó các địa phương có 75 đài phát thanh; 37 đài truyền hình, trong đó ở các địa phương có 29 đài; có 99 các ấn phẩm (báo và tạp chí)(8).

Năm là, tăng cường đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch

Thực hiện Chỉ thị số 04, ngày 10-7-2017 về tăng cường công tác theo dõi, nắm bắt tình hình tư tưởng - dư luận xã hội trong giai đoạn mới, CTTT đã chú trọng ngăn ngừa, đấu tranh với những biểu hiện tư tưởng và hành động trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cán bộ, đảng viên và nhân dân phần lớn có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đồng thuận cao với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và sự nghiệp đổi mới của Đảng; trung thành với Đảng và chế độ, tăng cường sự đoàn kết trong Đảng, trong xã hội, ủng hộ và thực hiện chủ trương của Đảng. Cán bộ chủ chốt luôn giữ vững được phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng, không dao động trước hoàn cảnh, phân biệt được bạn, thù, góp phần chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”. Nhân dân các bộ tộc Lào đều thực hiện đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước cũng như xây dựng và phát triển địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, CTTT của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào còn một số hạn chế:

Một là, đường lối, chính sách của Đảng trong từng thời kỳ của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào là đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế, tuy nhiên, việc quán triệt thực hiện chưa được chú trọng đúng mức và triển khai thực hiện chưa đúng quy trình; công tác quán triệt, tuyên truyền còn chậm, chưa thường xuyên. Trách nhiệm, quyền làm chủ, tư duy sáng tạo trong lãnh đạo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia của đội ngũ cán bộ, đảng viên ở nhiều lĩnh vực chưa cao; nhiều cán bộ còn tâm lý chờ đợi, ỷ lại cấp trên; tinh thần phấn đấu, tự giác chưa cao; việc giải quyết các vấn đề bức xúc trong xã hội chậm trễ.

Hai là, công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn nhiều khó khăn, nhiều vấn đề bức xúc chưa được nghiên cứu làm rõ; chưa cung cấp kịp thời luận cứ, cơ sở khoa học để xác định và thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chưa tham mưu các giải pháp phù hợp để giải quyết các vấn đề nảy sinh trong từng giai đoạn.

Ba là, công tác giáo dục lý luận chính trị là công việc lâu dài, thường xuyên đối với mỗi cán bộ, đảng viên, tuy nhiên công tác này hiện nay chưa phủ rộng đến tất cả đối tượng; một số học viên tham gia học lý luận chính trị còn thiếu tinh thần tự giác, chưa nghiêm túc trong học tập nên chưa đạt kết quả tốt. Phương pháp giảng dạy của một số giảng viên còn chậm đổi mới; nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục chưa phong phú, chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Bốn là, công tác tuyên truyền, cổ động chưa sắc nét, đa dạng, nặng về hình thức, thiếu nội dung hấp dẫn; nội dung tuyên truyền còn nặng về lý thuyết, chưa tiếp cận yêu cầu thực tế của các đối tượng và chưa cập nhật các sự kiện mới, do đó chưa đạt hiệu quả cao trong việc giải quyết nhu cầu thực tế.

Năm là, việc phản bác những phát ngôn xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước của các thế lực thù địch thông qua mạng xã hội còn ít và chưa kịp thời. Bản lĩnh chính trị của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa vững vàng, thiếu tinh thần cách mạng, nản lòng trước những trở ngại, thách thức, chạy theo xu hướng, những giá trị sai lệch. Đặc biệt là, người dân ở vùng sâu, vùng xa dễ bị lôi kéo, tin vào những luận điệu sai trái; còn tồn tại các phong tục tập quán lạc hậu.

3. Giải pháp nâng cao chất lượng công tác tư tưởng của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào trong tình hình mới

Một là, bộ các cấp của Đảng phải coi CTTT là nhiệm vụ trọng yếu, thường cuyên, cần thường xuyên phổ biến, truyền bá hệ tư tưởng cách mạng qua mọi hoạt động của Đảng, của Nhà nước, của các tổ chức chính trị - xã hội; đến mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ làm CTTT nhằm đẩy mạnh hoạt động. Đảng bộ các cấp chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, làm CTTT đủ số lượng và bảo đảm về chất lượng, xây dựng đội ngũ cán bộ có lập trường chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức cách mạng, có kiến thức về chủ nghĩa Mác - Lênin và nắm bắt sâu về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Chủ tịch Cay xỏn Phôm vi hản chỉ dẫn: “Người làm CTTT phải là người vững vàng, không cho phép người không nắm sâu về đường lối của Đảng đi quán triệt, truyền bá đường lối của Đảng; không cho phép người suy thoái, biến chất về đạo đức cách mạng đi giáo dục người khác”(9). Đồng thời, phải có năng lực triển khai đường lối của Đảng trong từng giai đoạn, có kế hoạch công việc của mình, giỏi về chuyên môn công tác giáo dục chính trị - tư tưởng.

Hai là, đẩy mạnh tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận, vừa làm cơ sở tiến hành CTTT, vừa phục vụ việc củng cố đường lối của Đảng cũng như giải quyết các vấn đề trong thực tế đời sống xã hội, như: xây dựng các yếu tố cơ bản tiến lên CNXH; vận dụng sáng tạo lý luận Mác - Lênin và phát triển tư tưởng Cay xỏn Phôm vi hản vào mọi lĩnh vực công tác. Công tác nghiên cứu lý luận phải được thực hiện song hành với công tác tổng kết thực tiễn; kết quả nghiên cứu lý luận phải gắn với thực tiễn.

Tổng kết công tác lãnh đạo của Đảng để phát triển và đấu tranh sửa đổi tư duy, quan điểm sai trái, phong cách làm việc không phù hợp của đội ngũ cán bộ, đảng viên; qua đó, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng và tấm gương tích cực của cán bộ, đảng viên; chống chiến lược “diễn biến hòa bình” của thế lực thù địch và biểu hiện “tự diễn biến” trong nội bộ.

Ba là, nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị, đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục theo hướng lấy người học làm trung tâm. Xây dựng và cải thiện giáo trình, sách giáo khoa theo chuyên đề cụ thể, phù hợp đối tượng người học. Ngoài việc bám sát nội dung kiến thức trong khung chương trình, đội ngũ giảng viên cần tích cực, chủ động, kịp thời cập nhật, bổ sung các kiến thức mới về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, những kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, những vấn đề thực tiễn đang đặt ra tại các địa phương, đơn vị, nhằm giúp cán bộ, đảng viên có lập trường chính trị vững vàng, trung thành và tin tưởng vào Đảng và Nhà nước.

Tăng cường giáo dục chính trị - tư tưởng cho thế hệ trẻ về nền tảng văn hóa, tư tưởng của dân tộc, của Đảng nhằm nâng cao lòng yêu nước, tự hào là người Lào, có hành động đúng đắn theo đường lối của Đảng, đoàn kết, biết ơn, tiết kiệm, cần cù, có năng lực, chịu khó, ham học hỏi kiến thức để tạo dựng sự nghiệp ổn định, tích cực nghiên cứu, có tính sáng tạo và tìm kiếm sự tiến bộ khoa học công nghệ, là lực lượng bảo vệ và xây dựng, phát triển Tổ quốc Lào.

Bốn là, đổi mới nội dung, biện pháp và hình thức tuyên truyền, cổ động cho phù hợp với từng nhóm đối tượng. Công tác tuyên truyền, cổ động phải sử dụng nhiều phương pháp, phương tiện, bảo đảm tính đảng, tính khoa học và tính thống nhất giữa lý luận với thực tiễn; có sự kết hợp giữa cơ quan chuyên môn tư tưởng với các bộ và địa phương để tiến hành giáo dục các đối tượng, phù hợp với ngành, địa phương để công tác tuyên truyền, cổ động trở thành vũ khí sắc bén trong việc tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cần nâng cao hơn nữa cơ sở vật chất cho hoạt động CTTT. Trong giai đoạn hiện nay, cách mạng khoa học công nghệ đã tạo điều kiện cho việc áp dụng công nghệ vào mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội trong đó có CTTT.

Năm là, tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động của các thế lực thù địch để có biện pháp phòng, chống kịp thời, đồng thời tuyên truyền cho cán bộ và nhân dân các bộ tộc Lào thấy rõ âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”. Tăng cường tính tự giác với biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, cụ thể: đề cao lợi ích cá nhân, lạm dụng chức vụ, tham nhũng…; tăng cường nắm bắt tình hình tư tưởng - dư luận xã hội để chỉ đạo kịp thời; lắng nghe, giải quyết các kiến nghị của nhân dân trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, để ngày càng hoàn thiện và sát với thực tế. Trên cơ sở phát huy những mặt tích cực, tiến bộ, chấn chỉnh những mặt tiêu cực, lạc hậu, xây dựng các văn bản lãnh đạo CTTT phù hợp với từng đối tượng và nắm bắt, giải quyết kịp thời dư luận xã hội quan tâm.

4. Kết luận

Trong thời gian qua, CTTT của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã được thực hiện thường xuyên, giúp công tác xây dựng Đảng đạt hiệu quả cao và góp phần to lớn vào thắng lợi chung của cách mạng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Lào. Tuy nhiên, trước yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các thế lực thù địch đang đẩy mạnh âm mưu “diễn biến hòa bình” chống phá sự nghiệp đổi mới của đất nước hiện nay, việc nâng cao chất lượng CTTT là nhiệm vụ cấp bách của toàn Đảng và là mặt trận quan trọng mà cán bộ, đảng viên và nhân dân các bộ tộc Lào phải tham gia thực hiện. Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, ban, ngành, tổ chức quần chúng, đơn vị cơ sở phải coi CTTT là công việc hàng đầu và phải làm một cách thường xuyên, liên tục, chủ động, kết hợp chặt chẽ với việc tổ chức thực hiện chính sách và công tác kiểm tra. Có tư tưởng đúng mới có hành động đúng, có hành động đúng sẽ giúp cho việc củng cố tư tưởng vững chắc hơn, tạo sự thống nhất trong tư tưởng và hành động, tăng cường xây dựng niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân các bộ tộc Lào đối với sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.

_________________

Ngày nhận bài: 21-3-2024; Ngày bình duyệt: 10-7-2024; Ngày duyệt đăng: 15-7-2024.

(1) Nghị quyết số 206, ngày 27-12-2020 của Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng Lào về nâng cao chất lượng công tác tư tưởng trong giai đoạn mới.

(2) Văn kiện Đại hội Đảng Nhân dân Cách mạng Lào lần thứ XI, 2021, tr.84.

(3) Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào lần thứ 5 khoá XI, tr.10.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, 1995, Hà Nội, tr.274.

(5) Cay xỏn Phôm vi hản: Toàn tập, T.5, Nxb Nhà nước, Viêng Chăn, 2005, tr. 397.

(6) Thống kê của Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Cục Tổ chức - cán bộ, 2023, tr.10.

(7) Thống kê của Bộ Thông tin - Văn hoá và Du lịch, Cục Tổ chức và cán bộ, 2023, tr.3.

(8) Hội nghị công tác tư tưởng của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào toàn quốc lần thứ V, từ ngày 17 đến ngày 18-11-2022, tr. 27.

(9) Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng: Giáo trình huấn luyện cán bộ tuyên huấn, 2003, tr.5.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng cao chất lượng công tác tư tưởng của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào trong tình hình mới
    POWERED BY