(LLCT) - Trong những năm qua, Đoàn Thanh niên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã có những cống hiến, thành tích nổi bật trong công tác đoàn và phong trào thanh niên, đóng góp vào thành tích chung của Học viện. Bài viết nêu lên những kết quả, đồng thời chỉ rõ một số vấn đề đặt ra trong công tác đoàn và phong trào thanh niên Học viện thời gian qua, từ đó đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn Thanh niên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong thời gian tới.
TS NGUYỄN THỊ THU HUYỀN
Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
1. Mở đầu
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (gọi tắt là Đoàn Thanh niên Học viện) trực thuộc Đoàn Khối các cơ quan Trung ương, là tổ chức đoàn có số lượng đoàn viên lớn nhất trong Đoàn Khối các cơ quan Trung ương, với hơn 9.000 đoàn viên là cán bộ tại trung tâm Học viện, các Học viện trực thuộc và sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Xác định tổ chức đoàn là “trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên”, là “đội dự bị tin cậy của Đảng Cộng sản Việt Nam”, trong những năm qua, Đoàn Thanh niên Học viện đã có những cống hiến, thành tích nổi bật trong công tác đoàn và phong trào thanh niên, đóng góp vào thành tích chung của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
2. Kết quả công tác đoàn và phong trào thanh niên của Đoàn Thanh niên Học viện thời gian qua
Trên cơ sở quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác thanh niên, đặc biệt là Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và giai đoạn 2021-2030, Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII nhiệm kỳ 2022-2027, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, thời gian qua, công tác đoàn và phong trào thanh niên của Đoàn Thanh niên Học viện đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Hoạt động của Đoàn ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, gắn với chức năng, nhiệm vụ của Học viện; xây dựng được lực lượng cán bộ đoàn ngày càng chuyên nghiệp, có bản lĩnh, có trách nhiệm; đóng góp vào sự phát triển Học viện; tạo tính kết nối hệ thống, lan tỏa với các đoàn bạn ngày càng sâu rộng; nội dung và hình thức hoạt động được nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Cụ thể là:
Một là, Đoàn Thanh niên Học viện luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng ủy Học viện nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ đáp ứng yêu cầu phát triển Học viện.
Đảng ủy Học viện thường xuyên gặp mặt đối thoại, chỉ đạo, định hướng các hoạt động của tổ chức đoàn và phong trào thanh niên gắn với đặc điểm và phương châm hành động hằng năm của Học viện. Đảng ủy Học viện luôn tạo điều kiện cho cán bộ trẻ tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, phân bổ nguồn ngân sách cho các hoạt động khoa học của thanh niên và các hoạt động thực tiễn của công tác đoàn…
Từ năm 2017 đến 6 tháng đầu năm 2024, Đoàn Thanh niên Học viện đã triển khai gần 15 hội thảo và tọa đàm khoa học; tổ chức ít nhất 04 buổi thao giảng/ năm cho đoàn viên là cán bộ nghiên cứu, giảng dạy. Đoàn Thanh niên Học viện tổ chức 02 buổi tình nguyện thực tế/ năm thăm các di tích lịch sử cách mạng tại nhiều tỉnh; thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng; thăm và dâng hương tại nghĩa trang liệt sĩ; tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa; tổ chức chương trình giao lưu; tích cực khuyến khích và tổ chức cho đoàn viên, thanh niên tham gia viết bài và truyên tuyền các bài viết đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm thù địch, sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đã giúp định hướng tư tưởng chính trị của đoàn viên, thanh niên trong hệ thống Học viện… Đặc biệt, các cơ sở đoàn đã tổ chức các diễn đàn, tọa đàm tham gia xây dựng, góp ý các chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến thanh niên và công tác thanh niên; tham gia góp ý Luật Thanh niên (sửa đổi) năm 2020. Đoàn viên, thanh niên Học viện tích cực tham gia các cuộc thi tìm hiểu pháp luật như Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân”, Cuộc thi trực tuyến toàn quốc “Tìm hiểu Luật Cảnh sát biển Việt Nam”… Các chương trình này đã tạo cơ hội để các cán bộ trẻ Học viện lắng nghe ý kiến của chuyên gia, đồng thời trao đổi và chia sẻ những quan điểm, đánh giá của bản thân về những chủ đề quan tâm… Nội dung của các chương trình thông tin khoa học đều bám sát những chủ đề có tính thời sự, thu hút được sự quan tâm của các cán bộ trẻ. Đây là những cơ hội tốt để cán bộ trẻ, đoàn viên, thanh niên Học viện rèn luyện và ngày càng trưởng thành cả về chuyên môn và phong trào đoàn.
Ngày 30-12-2021, Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/ĐU “Về đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên trẻ của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên trẻ là nhiệm vụ quan trọng của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị, các tổ chức đoàn thể trực thuộc Học viện, nhằm hướng tới xây dựng đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học, cán bộ quản lý tài năng, bản lĩnh, lập trường tư tưởng vững vàng, đạo đức trong sáng, được đào tạo về cả lý luận, phương pháp sư phạm, phong cách làm việc và kỹ năng hoạt động thực tiễn đáp ứng yêu cầu “vì sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị” của Học viện.
Để nâng cao trình độ và năng lực cho đội ngũ cán bộ trẻ, đoàn viên, thanh niên, trong những năm qua, Đảng ủy Học viện đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc luôn quan tâm, chăm lo, tạo điều kiện học tập, nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ trẻ và đoàn viên, thanh niên. Hằng năm, lãnh đạo các đơn vị đã lựa chọn và cử cán bộ, giảng viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ trẻ đi đào tạo, bồi dưỡng bằng nhiều hình thức, cả trong và ngoài Học viện, trong nước và ngoài nước; tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn hạn, như Lớp bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Lớp bồi dưỡng kiến thức an ninh, quốc phòng, Lớp Đại học tiếng Anh, Lớp bồi dưỡng kiến thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng… để từng bước nâng cao trình độ và năng lực cho đội ngũ cán bộ trẻ và đoàn viên, thanh niên.
Sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy đảng, lãnh đạo các đơn vị còn ở việc phân công cán bộ, giảng viên có kinh nghiệm, có trình độ chuyên môn cao, nghiệp vụ tốt trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ cán bộ trẻ trong công tác nghiên cứu, giảng dạy cũng như thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; định kỳ tổ chức gặp gỡ, trao đổi trực tiếp để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, thanh niên, giúp cho đoàn viên và cán bộ trẻ trong hệ thống Học viện được đề đạt nguyện vọng chính đáng cũng như đóng góp những ý tưởng hay, cách làm sáng tạo trong công tác đoàn và phong trào thanh niên với Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện…
Hai là, trong từng nhiệm kỳ, tổ chức bộ máy của Đoàn Thanh niên Học viện, như: Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cán bộ khoa học trẻ… được xây dựng, hoàn thiện đồng bộ và luôn được coi là một trong những mặt quan trọng, đi đầu trong việc xây dựng tổ chức Đoàn Học viện ngày càng vững mạnh.
Sau mỗi kỳ đại hội Đoàn, nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy Học viện, Đoàn Học viện đã nhanh chóng kiện toàn tổ chức bộ máy, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đoàn Thanh niên Học viện và tiến hành xây dựng, ban hành quy chế làm việc toàn khóa, chương trình làm việc toàn khóa, phân công nhiệm vụ các ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Ban Thường vụ; xây dựng kế hoạch tuyên truyền và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết; xây dựng và ban hành chương trình thực hiện Nghị quyết. Nhờ vậy, công tác chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đoàn Thanh niên Học viện được thực hiện hiệu quả, Nghị quyết Đại hội sớm triển khai trong thực tiễn.
Ba là, đoàn viên, thanh niên Học viện đã có nhiều biện pháp tổ chức và tích cực tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Ngày 28-02-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ Học viện đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/ĐU về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, trong đó xác định, thanh niên là lực lượng nòng cốt, xung kích trong tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch thông qua các hoạt động giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học; tổ chức, duy trì hoạt động các câu lạc bộ (Câu lạc bộ Cán bộ khoa học trẻ, Câu lạc bộ Khoa học lý luận, Câu lạc bộ Lý luận trẻ…) có chất lượng, hiệu quả; tổ chức các buổi tập huấn, các hoạt động ngoại khóa nhằm bồi dưỡng kỹ năng đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cho học viên, sinh viên; tổ chức tốt các buổi tọa đàm, hội thảo khoa học, thông tin khoa học về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng và nội dung, hình thức, phương pháp đấu tranh.
Trong cuộc thi viết chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ nhất năm 2021, Đoàn Thanh niên Học viện đã có trên 4.600 đoàn viên, thanh niên tham gia viết bài, trong đó có nhiều bài đạt giải cao, giải triển vọng của cuộc thi.
Đoàn Thanh niên Học viện đã tích cực tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thông qua các hội thảo, tọa đàm khoa học. Năm 2019, Đoàn Thanh niên Học viện đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; phối hợp với một số tỉnh thành đoàn ở khu vực phía Nam tổ chức Hội thảo Vai trò của tổ chức đoàn trong việc bảo vệ nền tảng lý luận của Đảng; tổ chức chương trình Tọa đàm Giải pháp tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng cho đoàn viên, thanh niên trong giai đoạn hiện nay. Năm 2022, Đoàn Thanh niên Học viện phối hợp với Trung ương Đoàn tổ chức Hội thảo Vai trò của tổ chức đoàn trong việc phòng chống thông tin giả, xấu, độc trên không gian mạng hiện nay. Năm 2023, phối hợp với Tỉnh đoàn Nam Định tổ chức Hội thảo Đổi mới hoạt động tuyên truyền trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đối với đoàn viên, thanh niên hiện nay... Các hội thảo, tọa đàm đã góp phần tăng cường hiệu quả giáo dục chính trị, tư tưởng và công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng cho đoàn viên, thanh niên Học viện và đoàn viên các cơ quan tổ chức phối hợp.
3. Một số vấn đề đặt ra trong công tác đoàn hiện nay
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đoàn và phong trào thanh niên ở Học viện đang đặt ra một số vấn đề cơ bản sau:
Môt là, trình độ, năng lực của một bộ phận đoàn viên, thanh niên còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu
Đội ngũ đoàn viên, thanh niên Học viện là lực lượng cán bộ, giảng viên trẻ, là những người được kỳ vọng sẽ kế tục sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu của Học viện trong hiện tại và tương lai. Do đó, năng lực nghiên cứu, giảng dạy và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đoàn viên, thanh niên và cán bộ trẻ là yếu tố quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Học viện. Muốn thực hiện tốt những nhiệm vụ chính trị đó, đòi hỏi mỗi đoàn viên, thanh niên và cán bộ trẻ Học viện phải không ngừng trau dồi, nâng cao trình độ và năng lực chuyên môn.
Tuy nhiên, hiện nay, một số cán bộ trẻ còn thụ động trong quá trình tự đào tạo, tự học hỏi, chưa ý thức được sự cần thiết phải tự hoàn thiện bản thân. Đến đầu năm 2024, toàn hệ thống Học viện có 26 cán bộ trẻ có trình độ tiến sĩ (trên tổng số hơn 350 cán bộ Học viện là đoàn viên thanh niên, chiếm 7,4%) và 237 cán bộ trẻ có trình độ thạc sĩ (chiếm 67,7%). Một bộ phận đoàn viên, thanh niên, nhất là đoàn viên sinh viên còn thiếu và yếu về trình độ, kỹ năng, vẫn còn tình trạng lười học tập, nghiên cứu khoa học, ý thức tổ chức kỷ luật, nhận thức chính trị còn hạn chế.
Thực tế cho thấy, hoạt động của các đoàn cơ sở chưa có nhiều đột phá. Một số hoạt động chuyên môn có chiều sâu đã được triển khai song nội dung, hình thức chưa phong phú, đa dạng nên không thu hút được đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia(1). Đối với các hoạt động nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và giảng dạy cho cán bộ trẻ như các hội thảo, tọa đàm khoa học, thông tin thời sự, thao giảng… sự tham gia của cán bộ trẻ còn mờ nhạt, chưa thể hiện được năng lực, sức trẻ hoặc tham gia một cách hình thức, thụ động…
Trong bối cảnh hiện nay, các thế lực thù địch tiếp tục gia tăng các hoạt động chống phá, xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng, đồng thời lôi kéo, chia rẽ thanh niên. Điều này đặt ra yêu cầu nâng cao nhận thức, rèn luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao trình độ chuyên môn… đối với các đoàn viên, thanh niên Học viện để ngày càng trưởng thành về chuyên môn cũng như bản lĩnh chính trị, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Học viện.
Hai là, nhiệm vụ đổi mới công tác đoàn ngày càng nhiều, yêu cầu ngày càng cao, trong khi số lượng đoàn viên, thanh niên giảm
Hiện nay, số lượng đoàn viên đến tuổi trưởng thành đoàn ngày càng tăng, trong khi số lượng cán bộ trẻ trong độ tuổi sinh hoạt đoàn được tuyển mới vào Học viện ngày càng giảm và hạn chế. Năm 2015, Đoàn Thanh niên Học viện Chính trị khu vực IV có 40 đoàn viên, Đoàn khối Nghiên cứu - Giảng dạy có hơn 100 đoàn viên, đến đầu năm 2024 còn lại lần lượt là 22 đoàn viên và 52 đoàn viên. Số lượng đoàn viên, thanh niên giảm đặt ra yêu cầu đổi mới công tác đoàn và phong trào thanh niên của Đoàn Thanh niên Học viện.
Ba là, sự kết nối của các tổ chức đoàn trong hệ thống Học viện còn hạn chế.
Đoàn Thanh niên Học viện là một trong 57 tổ chức đoàn trực thuộc Đoàn Khối các cơ quan Trung ương, đồng thời là cơ sở đoàn có quy mô lớn với sự tham gia của đông đảo các đoàn viên, thanh niên tại Học viện Trung tâm, các Học viện khu vực và Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Hiện nay, với sự quan tâm chỉ đạo từ Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, công tác đoàn và phong trào thanh niên Học viện đang phát triển theo hướng ngày càng kết nối trong và ngoài hệ thống Học viện.
Tuy nhiên, việc kết nối, gắn kết các cơ sở đoàn trong và ngoài hệ thống Học viện còn nhiều hạn chế do sự khác biệt trong lĩnh vực hoạt động, công tác giữa Đoàn Thanh niên Học viện với các tổ chức đoàn bạn trực thuộc Đoàn Khối các cơ quan Trung ương nên việc tổ chức những hoạt động, phong trào chung tạo sự kết nối gặp khó khăn.
Do khoảng cách địa lý nên các hoạt động đoàn và phong trào thanh niên gặp khó khăn trong việc huy động đoàn viên thanh niên của các Học viện trực thuộc.
Đối với các cơ sở đoàn tại trung tâm Học viện, bao gồm Đoàn khối Nghiên cứu - giảng dạy, Đoàn khối các đơn vị chức năng, Đoàn khối văn phòng, chi đoàn Viện Thông tin khoa học, Chi đoàn Nhà xuất bản Lý luận chính trị cũng có sự khác biệt về hoạt động chuyên môn. Do đó, việc tổ chức những hoạt động đoàn và phong trào thanh niên để mỗi cơ sở đoàn phát huy được thế mạnh của mình, cùng nhau đóng góp vào hoạt động chung, tạo sự liên kết và gắn bó trong công tác đoàn và phong trào thanh niên của Đoàn Thanh niên Học viện là một vấn đề cần được quan tâm.
4. Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn Thanh niên Học viện
Một là, quán triệt sâu sắc sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Học viện, hướng mọi hoạt động vào góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của Học viện
Lãnh đạo công tác đoàn và phong trào thanh niên là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của công tác xây dựng Đảng. Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Đảng ủy Học viện và cấp ủy các cấp là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho sự thành công, hiệu quả hoạt động của công tác đoàn và phong trào thanh niên tại Học viện.
Trước hết, cần tiếp tục tăng cường quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ của đoàn viên, thanh niên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị ngày càng lớn của Học viện. Bên cạnh việc tiếp tục tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, đoàn viên tham gia các khóa đào tạo dài hạn (thạc sĩ, tiến sĩ) trong và ngoài nước, cần tổ chức, triển khai các hoạt động phát triển chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng như: các khóa đào tạo, tập huấn ngắn hạn, các buổi hội thảo, tọa đàm. Cần quan tâm đến việc sử dụng đội ngũ cán bộ trẻ; quan tâm công tác phát triển đảng viên từ nguồn đoàn viên; đề bạt cán bộ trẻ có phẩm chất và năng lực tham gia cấp ủy, giữ các chức vụ quản lý trong các cơ quan, đơn vị. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ kinh phí và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức đoàn hoạt động. Tin tưởng giao những việc mới phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đoàn, gắn liền với nhiệm vụ chính trị của Học viện, để đoàn viên có cơ hội rèn luyện, thử thách.
Đảng ủy cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện để Đoàn Thanh niên Học viện thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng và tham gia quản lý việc thực hiện các chủ trương, chương trình, kế hoạch liên quan đến cán bộ trẻ, thanh niên. Đoàn Thanh niên nâng cao chất lượng công tác giám sát góp phần xây dựng và thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; các chương trình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp; phát hiện, phổ biến những nhân tố mới, những mặt tích cực; phát huy quyền làm chủ của cán bộ, viên chức, bao gồm cán bộ trẻ. Đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo Đoàn Thanh niên tham gia phản biện xã hội thông qua tham gia đóng góp các dự thảo văn bản về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội của Đảng, Nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng của đoàn viên, cán bộ trẻ; các dự thảo nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện; nắm bắt tình hình dư luận xã hội, tâm tư nguyện vọng của đoàn viên, thanh niên để kịp thời phản ánh, đề xuất đến Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện.
Thường xuyên tổ chức trao đổi, đối thoại với đoàn viên, cán bộ trẻ để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác đoàn và phong trào thanh niên.
Hai là, chú trọng công tác thi đua, khen thưởng kịp thời ghi nhận, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có đóng góp trong công tác đoàn và phong trào thanh niên của Học viện.
Đoàn Thanh niên cần kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp, nỗ lực xung kích trong thực hiện công tác đoàn và phong trào thanh niên. Xây dựng cơ chế khuyến khích, động viên các đoàn viên có sáng kiến trong việc thực hiện công tác đoàn cũng như nhiệm vụ chuyên môn; tổ chức đánh giá và biểu dương, khen thưởng các sáng kiến chất lượng, có tính thực tiễn cao.
Khuyến khích đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia Cuộc thi viết chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đây là hoạt động thể hiện ý thức chính trị, trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên Học viện trong việc thực hiện Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị; đồng thời, cuộc thi là hoạt động thiết thực, ý nghĩa trong việc nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn của cán bộ trẻ.
5. Kết luận
Đoàn Thanh niên Học viện đã không ngừng nỗ lực, cố gắng triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, tạo được môi trường thuận lợi cho đoàn viên, thanh niên rèn luyện, phát triển cả về chuyên môn, đạo đức, bản lĩnh chính trị. Phát huy truyền thống vẻ vang 75 năm của Học viện, tổ chức Đoàn cần tiếp tục bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, lãnh đạo Học viện và các đơn vị, đẩy mạnh tinh thần xung kích, đoàn kết, sáng tạo, hiệu quả trong tổ chức các hoạt động, góp phần xứng đáng vào xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ của Học viện nói riêng, đóng góp vào quá trình phát triển của Học viện nói chung.
_________________
Ngày nhận: 19-8-2024; Ngày bình duyệt: 12-9-2024; Ngày duyệt đăng: 16-9-2024.
(1) Đảng bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025 và các văn bản chỉ đạo, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2021, tr.23