Thực tiễn

Phát triển kinh tế số thúc đẩy chuyển đổi xanh ở các đô thị biển Việt Nam

06/05/2025 14:42

(LLCT) - Hiện nay, kinh tế số và chuyển đổi xanh trên thế giới đang phát triển song hành, hướng tới một nền kinh tế phát triển bền vững và thân thiện với môi trường; tạo cơ hội cho đổi mới, tăng cường hiệu quả và giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường. Bài viết tập trung phân tích vai trò của kinh tế số trong việc thúc đẩy chuyển đổi xanh ở các đô thị biển Việt Nam (khảo sát tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh và thành phố Đà Nẵng); đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế số, thúc đẩy chuyển đổi xanh tại các đô thị biển Việt Nam đến năm 2030.

TS TRẦN QUANG PHÚ
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Kinh tế số đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy chuyển đổi xanh tại các đô thị biển, góp phần quan trọng vào phát triển bền vững và tăng trưởng kinh tế_Ảnh: Một góc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh (IT)

1. Mở đầu

Kinh tế số là nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, có vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả và đổi mới trong các ngành kinh doanh và đời sống. Ứng dụng công nghệ tiên tiến trí như tuệ nhân tạo, blockchain, internet vạn vật ở các đô thị biển có thể giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường; việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế giúp quản lý tài nguyên hiệu quả hơn, thúc đẩy phát triển bền vững và tăng cường trải nghiệm khách hàng. Ứng dụng công nghệ số thúc chuyển đổi xanh cũng trở nên cấp thiết nhằm đạt được sự phát triển bền vững và tạo ra cơ hội kinh tế mới cho các đô thị biển. Để thực hiện được các vấn đề này, Chính phủ cần thực thi các chính sách và biện pháp đồng bộ để phát triển hạ tầng công nghệ thông tin trong việc theo dõi và quản lý tài nguyên môi trường, giám sát ô nhiễm và quản lý năng lượng(1). Ứng dụng công nghệ số trong quản lý nước biển và đất liền để theo dõi và quản lý nguồn nước, giảm thiểu rủi ro thiên tai và bảo vệ hệ sinh thái biển(2). Phát triển kinh tế số trong ngành du lịch biển để tối ưu hóa hoạt động du lịch, giảm thiểu tác động môi trường và nâng cao trải nghiệm của khách du lịch(3).

2. Khái niệm, đặc điểm và các tiêu chí xác định kinh tế số thúc đẩy chuyển đổi xanh của các đô thị biển

Khái niệm

Gần đây thuật ngữ kinh tế số được chính thức đề cập trong các văn kiện của Đảng. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã xác định: “...thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trọng tâm là phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số”(4). Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế”(5). Quyết định số 411/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nêu rõ: “Kinh tế số là hoạt động kinh tế sử dụng công nghệ số và dữ liệu số làm yếu tố đầu vào chính, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động chính, sử dụng công nghệ thông tin - viễn thông để tăng năng suất lao động, đổi mới mô hình kinh doanh và tối ưu hóa cấu trúc nền kinh tế”(6).

Chuyển đổi xanh (Green transformation) là quá trình chuyển đổi cách thức sản xuất và cung cấp dịch vụ, thói quen sinh hoạt và tiêu dùng nhằm đạt được một tương lai bền vững và thân thiện với môi trường. Mục tiêu của chuyển đổi xanh là bảo đảm tăng trưởng xanh của các thành phố, các vùng, các quốc gia cũng như từng cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và gia đình nhằm sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm lượng khí thải carbon, thúc đẩy sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; bảo vệ sức khỏe hệ sinh thái với sự tham gia của cả cộng đồng xã hội. Lợi ích của chuyển đổi xanh là bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ hệ sinh thái và giảm ô nhiễm môi trường, đồng thời tạo ra các cơ hội kinh tế mới trong các ngành công nghiệp và dịch vụ xanh như: năng lượng tái tạo, công nghệ sạch và quản lý tài nguyên hiệu quả. Với các lợi ích đó, chuyển đổi xanh đã được xem như một biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, khắc phục tình trạng cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và các thách thức do ô nhiễm môi trường gây nên.

Đặc điểm

Một là, kinh tế số giúp quản lý tài nguyên hiệu quả hơn. Các công nghệ nền tảng của kinh tế số như: trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (Blockchain), internet vạn vật (IoT) giúp tối ưu hóa quản lý tài nguyên, giảm thiểu lãng phí và cải thiện hiệu quả kinh tế tại các đô thị biển(7). AI phân tích dữ liệu lớn từ các hệ thống giám sát biển như: thời tiết, dòng chảy và lưu lượng tàu thuyền, giúp dự báo chính xác hơn về thời tiết và tình trạng biển. Nhờ đó, hoạt động logistics cảng biển và khai thác hải sản được tối ưu hóa, giảm thiểu lãng phí nhiên liệu và thời gian. Blockchain bảo đảm tính minh bạch và an toàn trong chuỗi cung ứng hàng hải bằng cách ghi chép mọi giao dịch và vận chuyển hàng hóa một cách không thể thay đổi. Điều này giảm thiểu gian lận, tối ưu hóa quản lý hàng tồn kho và nâng cao hiệu quả thương mại điện tử tại các cảng biển. IoT sử dụng cảm biến để giám sát chất lượng nước, mức độ ô nhiễm và lưu lượng giao thông đường biển theo thời gian thực. Dữ liệu này giúp quản lý tài nguyên biển hiệu quả, bảo vệ môi trường và nâng cao an toàn hàng hải.

Hai là, kinh tế số thúc đẩy đổi mới công nghệ xanh qua việc đưa ra các giải pháp tối ưu hóa quy trình sản xuất, tiêu thụ năng lượng và quản lý tài nguyên, góp phần phát triển đô thị bền vững. AI và dữ liệu lớn (Big Data) giúp phân tích tiêu thụ năng lượng, tối ưu hóa hệ thống điện thông minh và phát triển năng lượng tái tạo. IoT giám sát chất lượng môi trường theo thời gian thực, điều chỉnh hệ thống chiếu sáng và điều hòa thông minh. Blockchain bảo đảm minh bạch trong chuỗi cung ứng xanh, trong khi thương mại điện tử xanh khuyến khích tiêu dùng bền vững, thúc đẩy phát triển đô thị xanh và hiệu quả kinh tế(8).

Ba là, kinh tế số thúc đẩy quản lý đô thị theo hướng thông minh bằng cách cung cấp dữ liệu thời gian thực, giúp ra quyết định và phân bổ tài nguyên hiệu quả hơn tại các đô thị biển. Các nền tảng số sử dụng AI và IoT để giám sát lưu lượng giao thông, chất lượng môi trường và mức tiêu thụ năng lượng, từ đó tối ưu hóa hạ tầng giao thông, hệ thống điện và nước. Nhờ dữ liệu chính xác và kịp thời, chính quyền đô thị có thể dự báo nhu cầu, giảm thiểu lãng phí và nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy phát triển đô thị biển bền vững(9).

Tiêu chí đánh giá về chuyển đổi xanh tại đô thị biển

Một là, tiêu chí về tiêu thụ năng lượng tái tạo gồm: 1) Tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo. Đánh giá tỷ lệ phần trăm năng lượng tái tạo (mặt trời, gió, thủy triều) trong tổng năng lượng tiêu thụ tại đô thị biển; 2) Hạ tầng cơ sở năng lượng xanh: Sự phát triển của các nhà máy điện mặt trời, điện gió và hệ thống lưu trữ năng lượng thông minh; 3) Chính sách khuyến khích: Chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo, như ưu đãi thuế và trợ giá.

Hai là, tiêu chí quản lý tài nguyên nước dựa trên hiệu quả sử dụng nước (đo lường lượng nước tiêu thụ trên đầu người và hiệu suất sử dụng nước trong sản xuất, sinh hoạt). Tái chế và tái sử dụng nước (khả năng tái sử dụng nước thải sau khi xử lý, đặc biệt là trong nông nghiệp và công nghiệp); bảo vệ hệ sinh thái biển (đánh giá ảnh hưởng của các hoạt động đô thị đến hệ sinh thái biển và các biện pháp bảo vệ).

Ba là, tiêu chí về chất lượng môi trường gồm: Chất lượng không khí (đo lường các chỉ số ô nhiễm không khí (PM2.5, CO2, NO2) và các biện pháp kiểm soát ô nhiễm); chất lượng nước biển và nước ngầm (giám sát ô nhiễm hóa chất, vi sinh trong nước biển và nước ngầm); giám sát thời gian thực (sử dụng công nghệ IoT để giám sát môi trường liên tục, cảnh báo sớm về ô nhiễm).

Bốn là, tiêu chí về hạ tầng giao thông xanh gồm: Giao thông công cộng thông minh (phát triển hệ thống giao thông công cộng sử dụng năng lượng sạch như xe điện, xe buýt hydrogen); phương tiện giao thông xanh (khuyến khích sử dụng xe điện, xe đạp và phương tiện không phát thải); hạ tầng đi bộ và xe đạp (thiết kế đô thị thân thiện với người đi bộ và xe đạp, giảm thiểu phương tiện cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch).

Năm là, tiêu chí về quản lý chất thải: Tái chế và tái sử dụng (tỷ lệ tái chế rác thải nhựa, kim loại, giấy và rác thải hữu cơ); giảm thiểu rác thải đại dương (các biện pháp ngăn chặn rác thải nhựa và hóa chất chảy ra biển); công nghệ xử lý chất thải thông minh (sử dụng AI và IoT để tối ưu hóa việc thu gom và xử lý chất thải).

Sáu là, tiêu chí về công trình xanh gồm: Thiết kế tiết kiệm năng lượng (các công trình sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, thiết kế thông gió và ánh sáng tự nhiên); công nghệ xây dựng thông minh: Sử dụng công nghệ số để tối ưu hóa vận hành, bảo trì và tiêu thụ năng lượng của tòa nhà; chứng nhận công trình xanh (tỷ lệ công trình đạt chứng nhận LEED, EDGE hoặc các tiêu chuẩn xanh quốc tế).

Bảy là, tiêu chí về chất lượng cuộc sống gồm: Không gian xanh và tiện ích công cộng (tỷ lệ cây xanh trên đầu người, công viên và không gian công cộng xanh. Sức khỏe cộng đồng (chỉ số sức khỏe cộng đồng, tuổi thọ trung bình và mức độ hài lòng về môi trường sống); giáo dục và nhận thức môi trường (các chương trình giáo dục cộng đồng về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững).

3. Thực trạng phát triển kinh tế số thúc đẩy chuyển đổi xanh tại các đô thị biển của Việt Nam

Tại Việt Nam, phát triển kinh tế số đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy chuyển đổi xanh tại các đô thị biển. Việc ứng dụng công nghệ số như: AI, IoT và Big Data giúp quản lý hiệu quả tài nguyên, giám sát môi trường và tối ưu hóa hạ tầng đô thị. Các nền tảng số cung cấp dữ liệu thời gian thực, hỗ trợ ra quyết định và phân bổ tài nguyên hợp lý, góp phần giảm thiểu lãng phí và bảo vệ môi trường. Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy chuyển đổi số và tăng trưởng xanh. Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Hiện nay, Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) được Bộ Thông tin và Truyền thông sử dụng để đánh giá mức độ chuyển đổi số của các địa phương, phản ánh khả năng áp dụng công nghệ vào các hoạt động sản xuất, quản lý và đời sống xã hội. Chỉ số này đánh giá hạ tầng công nghệ, mức độ sẵn sàng của chính quyền, doanh nghiệp và người dân trong việc tiếp cận và sử dụng các công nghệ số(10). Đặc biệt, chỉ số DTI có tác động lớn đến khả năng phát triển kinh tế số và các ngành nghề sử dụng công nghệ trong việc phát triển kinh tế số và chuyển đổi xanh tại các đô thị, trong đó có các đô thị biển. Trong các chỉ số DTI của các hoạt động kinh tế số cấp tỉnh được thể hiện ở 12 chỉ tiêu trong bảng 1(11).

Bảng 1: Các tiêu chí thể hiện hoạt động kinh tế số cấp tỉnh
1
Tỷ trọng kinh tế số trong tổng giá trị sản phẩm và dịch vụ cuối cùng được sản xuất trong phạm vi một khu vực (thành phố, tỉnh, hoặc vùng) trong một quốc gia (GRDP)
2
Số doanh nghiệp công nghệ số (số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông - CNTT)
3
Số lượng doanh nghiệp nền tảng số
4
Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận, tham gia chương trình SMEdx
5
Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số
6
Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử
7
Tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử
8
Số điểm phục vụ của mạng bưu chính công cộng có kết nối internet băng rộng cố định
9
Số lượng giao dịch trên sàn thương mại điện tử Vỏ sò và Postmart
10
Số lượng tên miền .vn
11
Tổng kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước cho kinh tế số
12
Tổng kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cho kinh tế số

Hai khảo sát dưới đây tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh và thành phố Đà Nẵng cho thấy rõ hơn kết quả thực tiễn trong việc thực hiện quá trình phát triển kinh tế số thúc đẩy chuyển đổi xanh tại hai đô thị biển này trong giai đoạn vừa qua và gợi mở một số vấn đề cần tiếp tục triển khai trong giai đoạn tới.

Thành phố Hạ Long, Quảng Ninh

Hạ Long là thành phố du lịch biển nổi tiếng của tỉnh Quảng Ninh, với Vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận. Với vị trí chiến lược, Hạ Long có tiềm năng phát triển mạnh mẽ về du lịch và đang chuyển mình để đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế xanh, bền vững và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số trong quản lý và phát triển. Thành phố Hạ Long đang đặt ra mục tiêu phát triển bền vững, kết hợp giữa phát triển kinh tế số và chuyển đổi xanh. Hạ Long hiện đang có nhiều cơ hội lớn để phát triển kinh tế xanh nhờ vào những lợi thế tự nhiên và chiến lược phát triển bền vững. Vịnh Hạ Long - di sản thiên nhiên thế giới, đóng vai trò trung tâm trong chiến lược kinh tế xanh của thành phố. Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản này được kết hợp với phát triển du lịch sinh thái và các khu đô thị xanh, tạo ra môi trường sống chất lượng cao và thu hút du khách quốc tế. Hạ Long hướng đến mô hình đô thị sinh thái đa cực với Vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối. Thành phố đặt trọng tâm vào đầu tư phát triển các ngành công nghiệp xanh, nông nghiệp công nghệ cao và hạ tầng giao thông thông minh để trở thành Trung tâm logistics và dịch vụ hiện đại của khu vực.

Để phát triển kinh tế số, Hạ Long đặt mục tiêu trở thành địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số toàn diện vào năm 2025. Thành phố đã triển khai mạng viễn thông 5G, hệ thống camera giao thông và các điểm wifi miễn phí tại các khu vực công cộng và điểm du lịch(12). Đây là nền tảng quan trọng để thúc đẩy các dịch vụ công nghệ số đối với thành phố Hạ Long - đô thị biển, hằng năm thu hút một lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước đổ về rất cao hằng năm. Về thương mại điện tử và thanh toán số, Hạ Long đã áp dụng mô hình “Chợ 4.0” với hơn 80% hộ kinh doanh sử dụng thanh toán không tiền mặt(13). Các sản phẩm OCOP (mỗi xã/phường một sản phẩm) địa phương cũng đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử Voso và Postmart, giúp kết nối sản phẩm với thị trường lớn hơn tại Việt Nam, Trung Quốc và các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Về dịch vụ công trực tuyến, thành phố đạt tỷ lệ cao trong việc áp dụng dịch vụ công cấp xã và thành phố. Trong việc thúc đẩy phát triển du lịch xanh, thành phố đang triển khai các giải pháp số hóa, giúp du khách dễ dàng truy cập thông tin, đặt vé và đánh giá dịch vụ, xây dựng các mô hình du lịch thông minh và thân thiện với khách nước ngoài.

Tuy nhiên, thành phố Hạ Long đang đối mặt với những khó khăn, thách thức trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển kinh tế số gắn với chuyển đổi xanh. Cụ thể, hạ tầng công nghệ tại các khu vực vùng sâu vùng xa của thành phố vẫn chưa có băng thông đủ mạnh để thúc đẩy việc triển khai dịch vụ số toàn diện cho tất cả người dân và doanh nghiệp. Nhận thức và kỹ năng chuyển đổi số của người dân còn hạn chế, chưa thích ứng với các dịch vụ số, từ thanh toán không dùng tiền mặt. Doanh nghiệp truyền thống, các doanh nghiệp quy mô gia đình về du lịch, nuôi trồng thủy sản, tiểu thủ công nghiệp gặp khó khăn trong việc áp dụng công nghệ số do thiếu kinh nghiệm và vốn đầu tư. Việc đồng bộ hóa dữ liệu giữa các hệ thống và bảo đảm an toàn thông tin, đặc biệt trong bối cảnh số hóa nhanh các dịch vụ hành chính công và kinh doanh có nhiều khó khăn.

Thành phố Đà Nẵng

Đà Nẵng nằm ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, có đường bờ biển dài khoảng 92km(14). Trong nhiều năm qua, Đà Nẵng đã đạt được nhiều kết quả trong phát triển kinh tế số thúc đẩy chuyển đổi xanh, hướng tới đô thị sinh thái có nền tảng công nghệ hiện đại gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Các lĩnh vực được thành phố tập trung gồm phát triển du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; phát triển cảng biển, hàng không gắn với logistics; phát triển sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp. Trong các năm 2020-2022, Đà Nẵng luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số với chỉ số DTI cao nhất trong 63 tỉnh, thành phố(15). Đà Nẵng thực hiện chuyển đổi số theo ba trục: hạ tầng - dữ liệu - thông minh; trong đó: hạ tầng, dữ liệu làm nền tảng, nền móng; ứng dụng thông minh lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để đánh giá hiệu quả.

Thành phố chủ trương phát triển kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, carbon thấp; đẩy nhanh đa dạng hóa các loại hình phương tiện công cộng; đi tiên phong trong cả nước áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với các loại xe; khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất. Xây dựng, quản lý, vận hành, ứng dụng chuyển đổi số đối với hệ thống giám sát, đánh giá, cơ sở dữ liệu tăng trưởng xanh địa phương trên cơ sở sử dụng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia; tích hợp truyền thông về vai trò, ý nghĩa tăng trưởng xanh; phổ biến những quy định, chính sách thúc đẩy tăng trưởng xanh và trách nhiệm của xã hội; khuyến khích những hành động thiết thực về lối sống, tiêu dùng xanh hài hòa với thiên nhiên gắn với các giá trị văn hóa truyền thống, chống chịu với biến đổi khí hậu và thiên tai trong các kênh truyền thông của địa phương. Thành phố đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản trị điều hành về tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số đối với đội ngũ cán bộ quản trị công (tập trung vào cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ làm công tác hoạch định chính sách). Đặc biệt, thành phố ưu tiên sử dụng nguồn lực từ ngân sách cho các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ về tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh; ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin vào hệ thống quản lý, quản trị, vận hành các nhiệm vụ, hoạt động tăng trưởng xanh.

Thành phố Đà Nẵng đã và đang ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất về và thu gom xử lý nước thải, rác thải để đạt tiêu chí kết cấu hạ tầng đô thị (giao thông, môi trường) tạo nền tảng phát triển một thành phố đáng sống, bền vững và trường tồn. Thành phố đã dành nguồn lực đầu tư lớn cho các công trình thu gom và xử lý nước thải, xử lý nước rỉ rác, trạm trung chuyển rác sinh hoạt..., và đưa vào vận hành. Nhờ vậy, công tác bảo vệ môi trường của thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thúc đẩy phát triển kinh tế số, chuyển đổi xanh ở thành phố Đà Nẵng vẫn còn không ít hạn chế, bất cập. Thứ nhất, hạ tầng công nghệ thông tin của thành phố chưa đồng bộ và hiện đại, gây khó khăn trong việc triển khai các giải pháp số hóa và quản lý dữ liệu hiệu quả. Thứ hai, nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ số còn thiếu, ảnh hưởng đến khả năng nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ tiên tiến. Thứ ba, nhận thức của doanh nghiệp và người dân về kinh tế số và chuyển đổi xanh chưa sâu sắc, dẫn đến sự chậm trễ trong việc áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn và sản xuất xanh

4. Giải pháp phát triển kinh tế số, thúc đẩy chuyển đổi xanh tại các đô thị biển Việt Nam đến năm 2030

Thứ nhất, hoàn thiện có trọng tâm, trọng điểm các chính sách hỗ trợ kinh tế số và chuyển đổi xanh tại các đô thị biển. Đẩy mạnh truyền thông để người dân hiểu rõ vai trò của kinh tế số như là động lực chính cho chuyển đổi xanh để giúp các đô thị biển tại Việt Nam phát triển bền vững. Yêu cầu sự tham gia tích cực, có trách nhiệm từ doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là trong các dự án hợp tác công - tư (PPP) hướng tới tăng trưởng xanh. Đồng thời, cần thúc đẩy các mô hình sản xuất và kinh doanh xanh, tạo ra chuỗi giá trị và ngành nghề mới thông qua các quy trình “xanh hóa” trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ du lịch, cùng với khuyến khích tiêu dùng xanh và lối sống bền vững dựa trên các nền tảng công nghệ số.

Thứ hai, phát triển hạ tầng số và công nghệ xanh, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Nâng cấp hạ tầng và phát triển giao thông xanh tại các đô thị biển. Việc đầu tư vào hạ tầng giao thông công cộng và khuyến khích phát triển giao thông xanh như: xe điện, xe đạp và các phương tiện sử dụng năng lượng tái tạo sẽ thúc đẩy lối sống xanh, thân thiện với môi trường tại các đô thị. Điều này sẽ góp phần tạo lập một hình ảnh thân thiện, gần gũi với môi trường.

Phát triển hạ tầng đô thị thông minh, tối ưu hóa việc quản lý nguồn nước, năng lượng và chất thải nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Áp dụng công nghệ xử lý rác thải thông minh, sử dụng các giải pháp số hóa để quản lý phân loại, thu gom và tái chế rác thải hiệu quả, thúc đẩy ứng dụng kinh tế tuần hoàn, số hóa các mô hình chia sẻ tài nguyên, tái sử dụng vật liệu và giảm thiểu rác thải nhựa.

Quản lý môi trường thông minh qua các ứng dụng công nghệ IoT và AI. Triển khai hệ thống giám sát môi trường tự động để theo dõi chất lượng không khí, nước và mức độ rác thải tại các vùng biển xung quanh đô thị. Dữ liệu thời gian thực có thể giúp chính quyền và doanh nghiệp phản ứng nhanh với các vấn đề môi trường. Sử dụng Big Data để phân tích xu hướng ô nhiễm, dòng khách du lịch, và hoạt động kinh tế để tối ưu hóa các chính sách bảo vệ môi trường.

Chuyển đổi số trong quản lý giao thông: Áp dụng hệ thống định vị GPS và phần mềm quản lý tuyến đường cho tàu du lịch, bảo đảm các tuyến đường không xâm hại khu vực bảo tồn sinh thái, tích hợp các công nghệ giảm phát thải carbon vào tàu du lịch và khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo. Áp dụng quản lý năng lượng thông minh, tích hợp công nghệ số vào quản lý tiêu thụ năng lượng trong các khu vực đô thị và du lịch, có kế hoạch ưu tiên các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và gió, khuyến khích tàu du lịch sử dụng nhiên liệu sạch hoặc năng lượng điện, giám sát hành trình để giảm phát thải carbon.

Thứ ba, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực số và nâng cao nhận thức cộng đồng. Ứng dụng công nghệ giáo dục số trong tổ chức các khóa học trực tuyến về bảo vệ môi trường và lợi ích của chuyển đổi xanh cho người dân, doanh nghiệp và du khách, sử dụng mạng xã hội để quảng bá các sáng kiến xanh và huy động cộng đồng tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường thông qua các nền tảng trực tuyến.

5. Kết luận

Kinh tế số đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy chuyển đổi xanh tại các đô thị biển, góp phần quan trọng vào phát triển bền vững và tăng trưởng kinh tế. Việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến như AI, Blockchain và IoT giúp cải thiện hiệu quả quản lý tài nguyên, giảm thiểu lãng phí và tối ưu hóa hệ thống hạ tầng đô thị. Các đô thị biển như Đà Nẵng và Hạ Long đang tiên phong trong chuyển đổi số và phát triển đô thị xanh, đạt được những kết quả tích cực trong cải thiện chất lượng sống và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức về hạ tầng công nghệ chưa đồng bộ, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao và nhận thức chưa đầy đủ của cộng đồng về kinh tế số và chuyển đổi xanh. Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, cần hoàn thiện chính sách hỗ trợ, đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng số, đào tạo nhân lực và tăng cường hợp tác công - tư. Sự thành công của quá trình này sẽ là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của các đô thị biển Việt Nam trong tương lai.

_________________

Ngày nhận bài: 7-01-2025; Ngày bình duyệt: 18-3-2025; Ngày duyệt đăng: 20-4-2025.

Email tác giả: tranquangphu.mr@gmail.com

(1) Xem: Lê Anh Tú, Lương Thanh Hải: Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cho phát triển bền vững, https://vioit.org.vn, ngày 20-5-2024.

(2) Xem: Văn Chương và cộng sự: Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và hành trình Việt Nam hướng tới Netzero 2050, https://kinhtemoitruong.vn, ngày 29-10-2024.

(3) Xem: Vũ Lê: Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh song song để thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, https://kinhte.congthuong.vn, ngày 20-11-2024.

(4) Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

(5) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.46.

(6) Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

(7) Xem: Shabur, M.A: Analyzing the challenges and opportunities in developing a sustainable digital economy, Discover Applied Sciences; https://doi.org/10.1007/s42452-024-06298-y

(8) Xem: Jin X, Li M and Lei X: The impact of digitalization on the green development of the marine economy: evidence from China’s coastal regions,Original Research Article; https://doi.org/10.3389/fmars.2024.1457678

(9) Xem: Li, Y., Xu, Y. & Wen: C. Digital pathways to sustainability: the impact of digital infrastructure in the coordinated development of environment, economy and society. Environ Dev Sustain, https://doi.org/10.1007/s10668-024-05842-5

(10), (11) Xem: Quyết định số 922/QĐ-BTTTT ngày 20-5-2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt Đề án “Xác định bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của quốc gia”.

(12) Xem: Trần Thọ Đạt: Phát triển kinh tế số và xanh tại thành phố Hạ Long, một số định hướng và giải pháp, Hội thảo khoa học Thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản của thành phố Hạ Long trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, 2024, tr.14 -25.

(13) Xem: Ngọc Trâm: Thành phố Hạ Long “phủ sóng” thanh toán không dùng tiền mặt, https://baoquangninh.vn, ngày 25-3-2024.

(14) Xem: Cổng TTĐTTP tổng hợp: Vị trí địa lý và quan hệ vùng, https://www.vietnam.vn, ngày 23-6-2023.

(15) Xem: Ngô Anh Văn: Công cuộc chuyển đổi số của Đà Nẵng vẫn còn nhiều rào cản, vướng mắc, https://vneconomy.vn, ngày 27-5-2023.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát triển kinh tế số thúc đẩy chuyển đổi xanh ở các đô thị biển Việt Nam
    POWERED BY