Đào tạo - Bồi dưỡng

Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị trong các cơ sở giáo dục đại học hiện nay

10/12/2024 14:00

(LLCT)- Nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị là tăng cường trang bị cho sinh viên tri thức khoa học, niềm tin chính trị, tình cảm trong sáng, lý tưởng cách mạng, lòng tự tôn, niềm tự hào dân tộc, bồi đắp lòng yêu nước, trách nhiệm với Tổ quốc và nhân dân. Bài viết phân tích các tiêu chí đánh giá chất lượng giảng dạy lý luận chính trị, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị trong các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam.

TS TRẦN THỊ THU HẰNG
Học viện Hành chính Quốc gia

Lớp học các bài Lý luận chính trị cho đoàn viên do Đoàn Trường Đại học Kinh tế - Luật tổ chức năm 2023_ Ảnh: youth.uel.edu.vn/tin-tu

1. Đặt vấn đề:

Bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước hiện nay tác động mạnh mẽ đến việc giảng dạy các học phần lý luận chính trị (LLCT). Để đáp ứng yêu cầu đổi mới trong giáo dục, vấn đề đặt ra đối với các cơ sở giáo dục đại học là phải xây dựng chiến lược phát triển, tập trung đổi mới nội dung, chương trình, kế hoạch đào tạo, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, mục tiêu, chuẩn đầu ra của các ngành đào tạo. Từ đó, nâng cao chất lượng giảng dạy các học phần LLCT theo định hướng của Kết luận số 94-KL/TW ngày 28-3-2014 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới việc học tập LLCT trong hệ thống giáo dục quốc dân: “Đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân nhằm tạo bước tiến mới, có kết quả, chất lượng cao hơn, góp phần làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng giữ vai trò chủ đạo trong đời sống xã hội”(1).

LLCT là hệ thống tri thức rút ra từ tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học và được khái quát hóa bằng các phương pháp khoa học, làm cơ sở lý luận, khoa học cho các hoạt động của Đảng, Nhà nước.Trong phạm vi bài viết, LLCT được giới hạn trong các môn học ở các cơ sở giáo dục đại học: Triết học Mác - Lênin, Kinh tế chính trị Mác - Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Giảng dạy LLCT là một bộ phận quan trọng của giáo dục và đào tạo. Các học phần môn LLCT thuộc khối kiến thức đại cương, bắt buộc trong các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam.

Xuất phát từ quan điểm “Chất lượng giảng dạy đại học là sự phù hợp với mục tiêu giảng dạy đại học”, bài viết tiếp cận khái niệm: “Chất lượng giảng dạy lý luận chính trị là sự phù hợp với mục tiêu đặt ra đối với mục tiêu giảng dạy các học phần lý luận chính trị trong các cơ sở giáo dục đại học”.

2. Tiêu chí đánh giá chất lượng giảng dạy lý luận chính trị trong các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay

Thứ nhất, chủ thể dạy học lý luận chính trị. Chủ thể tham gia vào quá trình giảng dạy LLCT cho sinh viên ở các cơ sở giáo dục đại học ở nước ta hiện nay gồm ba nhóm đó là nhóm chủ thể lãnh đạo, quản lý, nhóm chủ thể truyền đạt kiến thức LLCT và nhóm chủ thể hỗ trợ trong hoạt động giảng dạy LLCT.

Bảng 1. Tiêu chí đánh giá chất lượng chủ thể giảng dạy LLCT

STT
Nội dung tiêu chí
1
Tiêu chí đánh giá chất lượng đội ngũ lãnh đạo, quản lý
1.1
Nhận thức đúng, đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng giảng dạy LLCT
1.2
Phẩm chất chính trị, đạo đức tốt
1.3
Năng lực chuyên môn tốt
1.4
Năng lực lãnh đạo, quản lý, tổ chức triển khai và thực hiện giảng dạy LLCT tốt
2
Tiêu chí đánh giá chất lượng đội ngũ giảng viên
2.1
Nhận thức đúng, đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng giảng dạy LLCT cho sinh viên
2.2
Bảo đảm đầy đủ cơ cấu giảng viên giảng dạy lý luận chính trị
2.3
Phẩm chất chính trị, đạo đức tốt
2.4
Năng lực chuyên môn và năng lực nghiên cứu khoa học tốt
2.5
Năng lực giảng dạy lý luận chính trị tốt
3
Tiêu chí đánh giá chất lượng đội ngũ hỗ trợ
3.1
Nhận thức đúng, đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của giảng dạy LLCT
3.2
Thái độ phục vụ sinh viên tận tình của cán bộ, nhân viên hỗ trợ, phục vụ giảng dạy lý luận chính trị của các khoa, phòng, ban.
3.3
Phẩm chất chính trị, đạo đức tốt
3.4
Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ tốt

Thứ hai, chương trình và nội dung giảng dạy lý luận chính trị. Chương trình, nội dung giảng dạy LLCT ở các trường theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay gồm 02 chương trình: Thứ nhất, chương trình, giáo trình sử dụng chung các môn LLCT đối với trình độ đại học các ngành chuyên về LLCT gồm: Triết học Mác - Lênin (04 tín chỉ), Kinh tế chính trị Mác - Lênin (03 tín chỉ), Chủ nghĩa xã hội khoa học (02 tín chỉ), Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (03 tín chỉ), Tư tưởng Hồ Chí Minh (02 tín chỉ). Thứ hai, chương trình, giáo trình sử dụng chung các môn LLCT đối với trình độ đại học không chuyên về LLCT gồm: Triết học Mác - Lênin (03 tín chỉ), Kinh tế chính trị Mác - Lênin (02 tín chỉ), Chủ nghĩa xã hội khoa học (02 tín chỉ), Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (02 tín chỉ), Tư tưởng Hồ Chí Minh (02 tín chỉ).

Bảng 2. Tiêu chí đánh giá chất lượng của chương trình và nội dung LLCT

STT
Nội dung tiêu chí
1
Nội dung, chương trình giảng dạy LLCT phù hợp với mục tiêu và chuẩn đầu ra
2
Nội dung chương trình giảng dạy LLCT phải bảo đảm tính hệ thống, tính khoa học, tính lý luận - tính thực tiễn, tính cập nhật và tính tích hợp.
3
Nội dung, chương trình giảng dạy LLCT cần cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác cho sinh viên bằng các định dạng khác nhau, có khả năng tương thích với nhiều loại thiết bị, sinh viên dễ dàng tiếp cận, sử dụng ở mọi lúc, mọi nơi
4
Nội dung, chương trình giảng dạy LLCT được thiết kế theo cấu trúc phân đoạn, thuận tiện để xem qua màn hình máy tính, thiết bị di động hay công cụ giao tiếp từ xa
5
Nội dung, chương trình giảng dạy LLCT có thông tin rõ ràng về quyền sở hữu trí tuệ

Thứ ba, phương thức giảng dạy lý luận chính trị. Phương thức giảng dạy LLCT là hệ thống cách thức tổ chức, điều khiển mang tính sư phạm của chủ thể giáo dục đối với việc học tập các học phần LLCT của đối tượng giáo dục dựa trên việc sử dụng các phương tiện điện tử, công nghệ thông tin và truyền thông nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng chính trị cho đối tượng giáo dục.

Bảng 3. Tiêu chí đánh giá chất lượng của phương thức giảng dạy LLCT

STT
Nội dung tiêu chí
1
Phương pháp giảng dạy LLCT hấp dẫn, đa dạng, linh hoạt, kết hợp các phương pháp truyền thống với các phương pháp hiện đại khác dựa trên nền tảng công nghệ thông tin và hỗ trợ của các phương tiện, thiết bị thông minh
2
Phương pháp giảng dạy LLCT phù hợp với nội dung và phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của sinh viên
3
Phương pháp học tập của sinh viên khoa học, phù hợp, tích cực, chủ động, sáng tạo
4
Phương pháp kiểm tra, đánh giá lý luận chính trị trực tuyến đảm bảo chính xác, khách quan, công bằng, phản ánh đúng năng lực và trình độ của sinh viên dựa trên nền tảng các phần mềm và công nghệ
5
Hình thức tổ chức giảng dạy LLCT đa dạng, phong phú, kết hợp các hình thức giảng dạy LLCT khác nhau, dựa trên nền tảng công nghệ thông tin và hỗ trợ của các phương tiện, thiết bị thông minh
6
Hình thức giảng dạy LLCT phù hợp với nội dung và phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của sinh viên

Thứ tư, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ và phương tiện giảng dạy lý luận chính trị. Cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ và phương tiện phục vụ cho công tác giảng dạy LLCT nói chung bao gồm: Hệ thống phòng học đa năng, phòng chuyên môn, phòng thực hành, với đầy đủ trang thiết bị, phương tiện hiện đại, thư viện số, hệ thống các phương tiện hỗ trợ giảng dạy,… Đặc biệt là, giáo trình và đề cương bài giảng, tài liệu tham khảo, sách điện tử chuyên ngành, hệ thống học liệu điện tử,...

Bảng 4. Tiêu chí đánh giá chất lượng của cơ sở vật chất, hạ tầng

STT
Nội dung tiêu chí
1
Kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin và hệ thống hiện đại, đồng bộ
2
Hệ thống phòng học đa năng, phòng chuyên môn, phòng thực hành... với đầy đủ trang thiết bị, phương tiện hiện đại, phù hợp và được cập nhật
3
Thư viện điện tử bảo đảm đủ nguồn tài liệu đáp ứng được yêu cầu chuyên môn của nội dung, chương trình LLCT và nguồn tài nguyên khác đa dạng, phong phú, cập nhật tài liệu mới, dễ dàng truy cập, bảo đảm tính bản quyền
4
Học liệu điện tử được xây dựng phù hợp với chuẩn đầu ra và mục tiêu, phải bảo đảm đầy đủ các học phần của chương trình giảng dạy LLCT và được cung cấp đầy đủ đến sinh viên
5
Học liệu điện tử được lưu trữ đầy đủ, khoa học và thường xuyên được cập nhật, bổ sung những nội dung mới, có tính thời sự
6
Phương tiện hỗ trợ giảng dạy LLCT được trang bị đầy đủ, hiện đại, đồng bộ, dễ tiếp cận, dễ sử dụng, dễ truy cập, phải cân đối, hài hòa và phù hợp với nội dung kỹ thuật, công nghệ và phương tiện giảng dạy LLCT

Thứ năm, kết quả giảng dạy lý luận chính trị. Kết quả mọi hoạt động giáo dục được đánh giá ở đối tượng người học. Kết quả giảng dạy LLCT thể hiện ở sự hứng thú khi tham gia học tập LLCT của sinh viên, sự tương tác thường xuyên, tích cực, chủ động trong và ngoài giờ học, sự tích cực chuẩn bị bài học, phát biểu, thảo luận, hoàn thành bài tập đầy đủ và được thể hiện cụ thể ở kết quả kiểm tra thi, kiểm tra các học phần LLCT của sinh viên.

Bảng 5. Tiêu chí đánh giá kết quả giảng dạy lý luận chính trị

STT
Nội dung tiêu chí
1
Sinh viên nhận thức đúng và đầy đủ về vị trí, vai trò của giảng dạy LLCT
2
Sinh viên cảm thấy thích, hứng thú khi học LLCT
3
Sinh viên tương tác thường xuyên, tích cực, chủ động trong và ngoài giờ học LLCT với giảng viên và các sinh viên khác trong lớp
4
Sinh viên thường xuyên chuẩn bị bài trước giờ học, hoàn thành các bài tập đầy đủ và đúng hạn sau giờ học LLCT
5
Kết quả học tập LLCT của sinh viên đạt loại khá, giỏi, xuất sắc
6
Kết quả nghiên cứu khoa học chính trị của sinh viên đạt loại tốt
7
Sinh viên có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, tích cực tham gia hoạt động chính trị - xã hội

3. Giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị cho sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học ở nước ta hiện nay

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và nâng cao chất lượng giảng dạy các học phần LLCT. Rà soát, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các quy định về đổi mới và nâng cao chất lượng giảng dạy các học phần LLCT; quy định về tiêu chuẩn giảng viên giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học. Có cơ chế, chính sách ưu tiên, khuyến khích, đãi ngộ, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp đối với đội ngũ giảng viên giảng dạy LLCT.

Thứ hai, lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học thực hiện tốt việc quản lý và nâng cao chất lượng giảng dạy các học phần LLCT. Lãnh đạo, nhất là người đứng đầu đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sớm ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị thuộc cấp bộ môn. Ngoài ra, đầu tư nâng cấp hệ thống phần mềm, quản trị mạng, máy chủ, đường truyền Internet đáp ứng nhu cầu đăng ký học của sinh viên. Bám sát thực tiễn, định kỳ tiến hành sơ kết, tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến trong giảng dạy, học tập của giảng viên và sinh viên.

Thứ ba, phát huy dân chủ trong tổ chức, quản lý, giảng dạy, học tập, đánh giá các học phần LLCT. Tôn trọng tính sáng tạo và nâng cao ý thức trách nhiệm của giảng viên, sinh viên, ban cán sự lớp, ban chấp hành chi đoàn, hội sinh viên. Tăng cường trao đổi, đối thoại sinh viên trong giảng dạy, học tập, đánh giá, nghiên cứu lý luận, vận dụng kiến thức LLCT vào thực tiễn. Nâng cao chất lượng tuyển dụng giảng viên, tuyển sinh sinh viên. Rà soát, bổ sung, sửa đổi chức năng, nhiệm vụ các khoa chuyên môn, đặc biệt đánh giá cao tầm quan trọng của các bộ môn trong giảng dạy trực tiếp LLCT. Đổi mới hình thức kiểm tra điều kiện, đánh giá thực chất kết quả điểm chuyên cần, học tập các học phần LLCT. Thực hiện nghiêm nội quy, quy chế đào tạo tín chỉ.

Thứ tư, tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, định hướng nghiên cứu, cập nhật kiến thức LLCT, thực hiện việc quản lý và nâng cao chất lượng giảng dạy các học phần. Cần chú trọng đổi mới việc xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện kế hoạch bảo đảm đúng nội dung chương trình, giáo trình, đổi mới, áp dụng phương pháp giảng dạy hiện đại chuyển đổi số trong giáo dục. Nội dung chương trình, giáo trình cần phù hợp đối tượng thuộc các ngành, chuyên ngành của các cơ sở đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân nhằm phát huy tính chủ động của giảng viên và sinh viên trong giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học, hướng dẫn sinh hoạt, hoạt động ngoại khóa.

Thứ năm, quy định cụ thể tiêu chuẩn giảng viên giảng dạy LLCT. Giảng viên giảng dạy các học phần LLCT phải có học vị thạc sĩ trở lên, được đào tạo đúng chuyên ngành, được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ sư phạm, là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, có bằng trung cấp LLCT trở lên, thực sự tâm huyết với giảng dạy LLCT. Giảng viên giảng dạy LLCT phải chú trọng việc tự học tập, tự nghiên cứu, cập nhật kiến thức, nắm bắt tình hình chính trị thế giới, khu vực, trong nước để nâng cao kiến thức chuyên môn, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, nâng cao năng lực và đổi mới phương pháp, thực hiện chuyển đổi số trong giảng dạy LLCT. Thường xuyên tự phê bình và phê bình, lắng nghe ý kiến phản hồi của sinh viên và đồng nghiệp, cần bổ sung những kiến thức LLCT thực tiễn mới, đặc biệt phải nắm chắc và tiên phong trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thứ sáu, khoa chuyên môn và bộ môn LLCT định hướng quản lý và nâng cao chất lượng giảng dạy các học phần LLCT. Khoa chuyên môn, trước hết là trưởng khoa, các phó trưởng khoa phải thường xuyên và kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên, giảng viên, sinh viên và quần chúng đối với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Chủ động trao đổi, lắng nghe ý kiến, thường xuyên cập nhật, điều chỉnh đề cương, xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, quản lý và nâng cao chất lượng giảng dạy các học phần LLCT. Bộ môn LLCT chú trọng định hướng quản lý và nâng cao chất lượng giảng dạy các học phần LLCT.

Thứ bảy, nâng cao chất lượng nghiên cứu LLCT phục vụ công tác dạy học trong bối cảnh hiện nay. Việc lựa chọn những nội dung, vấn đề nghiên cứu phải phù hợp, vừa sức với trình độ, năng lực, công việc, điều kiện cụ thể, bảo đảm cấp thiết, tính thời sự, tính ứng dụng và gắn với công việc của người nghiên cứu. Tri thức là vô hạn, nhưng trình độ, năng lực, khả năng nghiên cứu, khả năng thích ứng, điều kiện của mỗi giảng viên là có hạn. Do đó, việc lựa chọn nội dung nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu, giới hạn nghiên cứu giữ vai trò quyết định đến mức độ hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu. Chú trọng lựa chọn, xử lý thông tin nghiên cứu khoa học, bảo đảm tính đảng giữ vai trò định hướng quá trình nghiên cứu của chủ nhiệm đề tài.

Thứ tám, tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ thông tin và hỗ trợ giảng dạy LLCT. Cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật và phương tiện, công nghệ phục vụ giảng dạy LLCT là một trong những yếu tố cơ bản ảnh hưởng trực tiếp và đáng kể đến quá trình giảng dạy LLCT. Nếu không có thành tố này thì hoạt động giảng dạy LLCT không thể diễn ra thuận lợi và đạt kết quả cao. Trước sự phát triển của khoa học, công nghệ trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nếu không được trang bị, đổi mới thì cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật và phương tiện giảng dạy LLCT sẽ trở nên lạc hậu, không cập nhật. Vì vậy, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật và phương tiện, công nghệ hiện đại phục vụ giảng dạy LLCT là một trong những giải pháp có vai trò then chốt, bảo đảm việc giảng dạy LLCT phát huy được ưu thế trong kỷ nguyên công nghệ số và góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy LLCT cho sinh viên trong tình hình mới.

Thứ chín, nâng cao nhận thức và phát huy tính tích cực, chủ động, tự giác, sáng tạo của sinh viên. Để nâng cao chất lượng giảng dạy LLCT, nhận thức của sinh viên về hoạt động giảng dạy LLCT là yếu tố quan trọng bởi sinh viên đóng vai trò là trung tâm, chủ thể của quá trình học LLCT. Điều này làm cho quá trình giảng dạy LLCT diễn ra thuận lợi hơn nếu có được sự đồng thuận, chủ động tiếp nhận từ phía sinh viên. Bên cạnh đó, phát huy tính tích cực, chủ động, tự giác, sáng tạo của sinh viên trong quá trình học tập LLCT cũng là một yếu tố quan trọng. Bởi vì, chất lượng giảng dạy LLCT chính là sự tiếp nhận, lĩnh hội tri thức LLCT; những tri thức LLCT tác động đến việc định hình tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lý tưởng cách mạng, niềm tin chính trị và sự vận dụng tri thức LLCT vào hoạt động chính trị, xã hội của sinh viên.

4. Kết luận

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức giảng dạy LLCT, chất lượng giảng dạy LLCT đã được nâng lên. Điều đó thể hiện nhận thức ngày càng đúng, đầy đủ của đội ngũ lãnh đạo, quản lý và đội ngũ giảng viên giảng dạy trực tiếp LLCT về tầm quan trọng của các học phần LLCT; sự chủ động, tích cực của đội ngũ hỗ trợ, bảo đảm cơ sở vật chất giảng đường, thư viện, hạ tầng, phương tiện dạy học,đáp ứng ngày càng tốt điều kiện giảng dạy của giảng viên và nhu cầu học tập của sinh viên. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy LLCT trong các cơ sở giáo dục đại học ở nước ta hiện nay, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm góp phần xây dựng ý thức chính trị, trách nhiệm công dân; kỹ năng cần thiết cho mỗi sinh viên, giúp họ hoàn thiện tri thức, nhân cách để trở thành những chủ nhân góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh.

_________________

Ngày nhận bài: 18-11-2024; Ngày bình duyệt: 28-11-2024; Ngày duyệt đăng: 10-12-2024.

E-mail: tranthithuhang.napa@gmail.com

(1) Ban Bí thư: Kết luận số 94-KL/TW ngày 28-3-2014 về việc tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị trong các cơ sở giáo dục đại học hiện nay
    POWERED BY