Nghiên cứu lý luận

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và sự vận dụng hiện nay

05/05/2025 10:17

(LLCT) - Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Cùng với việc quan tâm giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, Người luôn nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên cần phải tránh xa những thói hư tật xấu, những tiêu cực, trong đó có bệnh lãng phí. Bài viết làm rõ nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và ý nghĩa đối với công tác phòng, chống lãng phí ở Việt Nam hiện nay.

ThS ĐÀO THU HUYỀN
Trường Đại học Công đoàn

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì họp Phiên thứ 27 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực_Ảnh: tapchicongsan.org.vn

1. Mở đầu

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Người luôn nhắc nhở, cán bộ là đầy tớ của dân, không được phung phí tiền bạc, công sức của dân, của nước, phải gương mẫu thực hành tiết kiệm và vận động, giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tư tưởng của Người có ý nghĩa to lớn đối với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiện nay.

2. Nội dung

2.1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được hình thành từ rất sớm, được thể hiện rõ qua nhiều bài nói, bài viết của Người. Ngay trong phần mở đầu của tác phẩm Đường Kách mệnh (năm 1927), Người nhấn mạnh tư cách của người cách mệnh: “Tự mình phải cần, kiệm”. Cần, kiệm phải là đức tính đầu tiên của người cách mạng. “Tiết kiệm” được Hồ Chí Minh định nghĩa ngắn gọn “là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”(1). Theo định nghĩa đó, tiết kiệm là sử dụng hợp lý và hiệu quả các nguồn lực để gia tăng sức mạnh toàn diện của đất nước. Người tiết kiệm phải biết cân đối, tính toán các nguồn lực để chi phí bỏ ra nhỏ nhất mà lại đạt được mục tiêu cao nhất theo phương châm “1 giờ làm xong việc của 2, 3 giờ. 1 người làm bằng 2, 3 người. 1 đồng dùng bằng 2, 3 đồng”(2). Người cũng luôn nhấn mạnh vai trò của tiết kiệm đối với sự phát triển của đất nước: “một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh và tiến bộ”(3).

Theo Hồ Chí Minh, tiết kiệm là không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi. Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, mà những việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của cũng vui lòng. Tiết kiệm là tích cực. Tiết kiệm không phải là ép bộ đội, cán bộ và nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc. Trái lại, tiết kiệm cốt để giúp vào tăng gia sản xuất, mà tăng gia sản xuất là để dần dần nâng cao mức sống của bộ đội, cán bộ và nhân dân. Nói theo lối khoa học, thì tiết kiệm là tích cực, chứ không phải là tiêu cực.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, tiết kiệm bao gồm nhiều nội dung như tiết kiệm thời gian của mình và của người khác vì theo Người, “thời giờ tức là tiền bạc”; tiết kiệm tiền của của Nhà nước, của nhân dân và của chính mình; tiết kiệm sức lao động, sức dân và “phải biết quý trọng sức người là vốn quý nhất của ta. Chúng ta cần hết lòng chăm sóc sức khỏe và sử dụng thật hợp lý sức lao động của nhân dân ta”. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, tiết kiệm là trách nhiệm của tất cả mọi người, đặc biệt là các cơ quan, đơn vị, bộ đội, xí nghiệp, cán bộ và đảng viên. Tiết kiệm phải được thực hiện cụ thể, thiết thực thông qua những hành động thực tiễn tại từng cơ quan, đơn vị và vị trí công tác. Tùy theo đặc thù công việc, mỗi cá nhân và tổ chức cần áp dụng các biện pháp tiết kiệm phù hợp.

Đồng thời, Người cũng yêu cầu toàn dân phải tích cực chống lãng phí, bởi lãng phí có thể xuất hiện ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào. Do đó, công tác phòng, chống lãng phí cần được thực hiện thường xuyên, triệt để, có kế hoạch, tổ chức chặt chẽ, phương pháp hiệu quả. Tuyệt đối không nên phát động phong trào mang tính hình thức, thiếu tính bền vững, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi” dẫn đến sự mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Chính phủ.

Trong quan điểm Hồ Chí Minh, trái với tiết kiệm là lãng phí. Trong bài viết “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu” (năm 1952), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn lời của Xtalin để căn dặn cán bộ một mặt phải biết tiết kiệm nhưng mặt khác phải có ý thức chống lãng phí: “Đồng chí Xtalin dạy chúng ta: “Phải tiết kiệm tiền bạc, lại phải chi tiêu tiền bạc ấy cho hợp lý. Không được phí phạm một đồng xu nào của dân. Phải dùng toàn bộ tiền bạc ấy vào công nghệ của nước ta. Không như vậy thì chúng ta sẽ vấp phải cái nguy hiểm lãng phí, cái nguy hiểm dùng tiền vào những việc không cần kíp cho sự phát triển công nghệ, cho sự bồi bổ kinh tế của nhân dân. Khéo tính toán, chi tiêu tiền bạc cho hợp lý - Đó là một nghệ thuật quan trọng. Nghệ thuật ấy không phải là dễ. Các cơ quan ta chưa thông thạo nghệ thuật ấy. Chúng ta còn rất kém về nghệ thuật ấy”(4).

Theo Hồ Chí Minh, nguyên nhân sâu xa và bao trùm của tệ lãng phí chính là chủ nghĩa cá nhân. Trong bài viết “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” ngày 03-02-1969, Người nhấn mạnh: “Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa”(5). Bên cạnh đó, lãng phí còn xuất phát từ trình độ yếu kém, thiếu chuyên môn, nghiệp vụ, cũng như sự độc đoán trong quản lý, dẫn đến những quyết định sai lầm, gây tổn thất không đáng có: “Lãng phí có nhiều nguyên nhân. Hoặc vì lập kế hoạch không chu đáo. Hoặc vì trong khi thực hiện kế hoạch tính toán không cẩn thận. Hoặc vì bệnh hình thức, xa xỉ, phô trương. Hoặc vì thiếu tinh thần bảo vệ của công. Nói tóm lại là vì thiếu ý thức trách nhiệm, thiếu ý thức quý trọng sức của, sức người của Nhà nước và của nhân dân”(6).

Lãng phí là một trong những tệ nạn gây tổn thất lớn về công sức và tài sản của nhân dân. Chính vì vậy, Hồ Chí Minh đã ví lãng phí như một “kẻ thù” của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ, cần phải kiên quyết loại trừ. Người nhiều lần nhấn mạnh cần phải “kiên quyết chống nạn lãng phí ở các cơ quan và trong sinh hoạt của chúng ta. Chống cách tiêu dùng bừa bãi tiền của của nhân dân và vốn liếng của Chính phủ. Hiện nay có những cuộc khai hội, những lễ kỷ niệm, những đám yến tiệc tốn hàng vạn, hàng chục vạn cần phải chấm dứt nạn phô trương ấy, lãng phí ấy…”(7).

Lãng phí không chỉ gây tiêu tốn tiền bạc, công sức của nhân dân mà còn nguy hại hơn khi kết hợp với tham ô và quan liêu, trở thành “giặc nội xâm” nguy hiểm. Hồ Chí Minh cảnh báo, những tệ nạn này có thể làm tha hóa, suy thoái đạo đức cách mạng, phá hoại tinh thần trong sạch, ý chí vượt khó của cán bộ, đảng viên. Nghiêm trọng hơn, chúng còn là nguy cơ trực tiếp đe dọa đến an ninh quốc gia và sự tồn vong của chế độ. Do đó, theo Người, “chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận. Đây là mặt trận tư tưởng và chính trị. Cũng như ở các mặt trận khác, muốn thắng ở mặt trận này, ắt phải có chuẩn bị, kế hoạch, tổ chức, ắt phải có lãnh đạo và trung kiên”(8).

Không chỉ đề ra chủ trương thực hành tiết kiệm và chống lãng phí, Hồ Chí Minh còn là một tấm gương mẫu mực trong thực hành những điều đó. Tư tưởng của Người về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thể hiện năng lực tư duy khoa học, sáng tạo và phẩm chất đạo đức, phong cách sống thanh cao, giản dị của một danh nhân văn hóa kiệt xuất nhưng lại rất gần gũi với cuộc sống, công việc hàng ngày, ai cũng có thể học tập, làm theo.

Người nhấn mạnh, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí không chỉ là một thói quen tốt mà còn là một phẩm chất đạo đức cần thiết của người cách mạng. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải được thực hiện ở mọi lúc, mọi nơi, trong mọi công việc và trong sinh hoạt hàng ngày. Người thực hành tiết kiệm trong đời sống cá nhân để sử dụng những cái tiết kiệm được phục vụ tổ chức, đoàn thể, cách mạng.

Dù giữ cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn thực hành lối sống giản dị, tiết kiệm, dù ở chiến khu Việt Bắc hay khi về Thủ đô Hà Nội. Sự giản dị, tiết kiệm ấy mãi mãi là tấm gương sáng ngời cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân noi theo. Có rất nhiều câu chuyện cảm động về tấm gương mẫu mực của Người, từ những việc nhỏ như sử dụng lại chiếc phong bì, đi đôi dép lốp đã cũ, mặc chiếc áo sờn vai, cho đến việc sử dụng xe ô tô và ngôi nhà sàn đơn sơ.

Khi đi thăm các địa phương, Người dặn anh em phục vụ chuẩn bị cơm mang theo, hễ lúc nào thuận tiện thì dừng lại ăn. Theo Người, xuống thăm các địa phương, đơn vị là để nắm tình hình thực tế và góp ý, nhắc nhở về các công việc, chứ không phải xuống dự tiệc tùng, gây tốn kém. Người còn nói vui: ở tỉnh chiêu đãi thì họ cho mình ăn một nhưng sẽ hết cả con bò. Nếu Bác đến thăm bốn tỉnh như vậy thì kinh tế sẽ lạm phát.

Khi đến dự các hội nghị, thăm lớp học… Người luôn đến đúng giờ để mọi người không phải chờ đợi, tiết kiệm thời gian cho cán bộ, nhân dân. Trước lúc đi xa, Người căn dặn Đảng, Chính phủ và đồng bào cả nước: Sau khi tôi qua đời chớ nên tổ chức phúng biếu linh đình, để khỏi lãng phí thời giờ và tiền bạc của nhân dân. Tấm gương đạo đức trong sạch, lối sống giản dị, tiết kiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là chuẩn mực để mọi người Việt Nam noi theo, mà còn được báo chí quốc tế và bạn bè năm châu nhiều lần nhắc đến với sự trân trọng và ngưỡng mộ. Ở Hồ Chí Minh, “tri hành hợp nhất”, tư tưởng về tiết kiệm, chống lãng phí và thực hành vấn đề này có sự thống nhất với nhau, tạo nên nét đặc sắc riêng có ở Hồ Chí Minh mà không phải nhà tư tưởng, nhà hoạt động chính trị nào cũng có được.

2.2. Ý nghĩa tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với Việt Nam hiện nay

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong những năm gần đây, Đảng, Nhà nước ta đã luôn coi trọng nhiệm vụ này. Hội nghị Trung ương 3 khóa X, đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 21-8-2006 “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”; ngày 21-12-2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 21- CT/TW về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ngày 25-12-2023, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 27-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Quốc hội ban hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2005 và 2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2544/QĐ-TTg về ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2020 và ban hành hàng loạt các văn bản pháp quy về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; ngày 23-01-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 166/QĐ-TTg ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… Đó là sự vận dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm và chống lãng phí ở Việt Nam.

Đáng chú ý, trong thời gian gần đây, khi đánh giá những kết quả của đất nước sau gần 40 năm đổi mới, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ, Việt Nam đã tích lũy được các điều kiện cần thiết để chuẩn bị bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Để thực hiện được các mục tiêu trong kỷ nguyên phát triển mới, Tổng Bí thư đã đưa ra 07 định hướng chiến lược, trong đó có một định hướng quan trọng là chống lãng phí.

Trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị bước vào kỷ nguyên phát triển mới, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một trong những giải pháp rất quan trọng để sử dụng và phát huy hiệu quả các nguồn lực; đồng thời củng cố sức mạnh toàn dân tộc, gia tăng niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng trong việc vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới.

Ngày 13-10-2024, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết “Chống lãng phí”, trong đó chỉ rõ, những năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và đạt được nhiều kết quả nổi bật: “Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã góp phần đưa công cuộc đổi mới đạt những thành tựu vĩ đại; đạt và vượt hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội qua các nhiệm kỳ, kể cả trong bối cảnh có những thách thức chưa từng có tiền lệ như dịch bệnh, thiên tai; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của đất nước”(9).

Tuy nhiên, tình trạng lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển. Đó là “gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo”, “gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước”(10).

Tổng Bí thư đã chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, trong đó có nguyên nhân chính là chưa tạo được phong trào thi đua rộng khắp về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng như dư luận xã hội mạnh mẽ để phê phán, lên án những hành vi gây lãng phí. Việc xây dựng văn hóa tiết kiệm, không lãng phí trong xã hội chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi cơ quan, tổ chức cần ra sức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội phải khắc phục khuyết điểm, tức là phải tăng gia sản xuất, tiết kiệm, chống lãng phí, bảo vệ của công”(11).

Bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Tô Lâm là một thông điệp mạnh mẽ, mang tính thức tỉnh sâu sắc, khuyến khích mọi người nhìn nhận lại cách sử dụng và quản lý các nguồn lực trong xã hội. Từ đó, kêu gọi toàn hệ thống chính trị và từng người dân nâng cao ý thức tiết kiệm, chống lãng phí, vì lợi ích quốc gia, lợi ích của bản thân, gia đình và xã hội và vì trách nhiệm với các thế hệ tương lai. Thông điệp này càng trở nên quan trọng trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn về nguồn lực, đòi hỏi phải sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc.

Để tiếp tục vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh và thực hiện tốt những quan điểm chỉ đạo của Đảng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cần chú trọng thực hiện các giải pháp cơ bản sau:

Một là, cần thống nhất nhận thức, đấu tranh chống lãng phí có vị trí ngang hàng với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng Đảng ta vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”. Do đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là vai trò nêu gương của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Việc này phải được thể hiện cụ thể thông qua các cam kết, kế hoạch hành động với chỉ tiêu rõ ràng, thực hiện thường xuyên và gắn với từng nhiệm vụ cụ thể. Đồng thời, cần triển khai các phong trào thi đua, cuộc vận động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí một cách thiết thực, tạo không khí thi đua sôi nổi trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Kịp thời biểu dương, khen thưởng và nhân rộng những tấm gương điển hình nhằm tạo động lực lan tỏa mạnh mẽ, góp phần xây dựng phong trào thực hành tiết kiệm sâu rộng và hiệu quả.

Hai là, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cần xây dựng ý thức tự giác chấp hành và thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tiết kiệm, chống lãng phí, hướng tới hình thành văn hóa tiết kiệm trong toàn xã hội. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu cần coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần được gắn chặt với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng Đảng, Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cùng với Quy định về những điều đảng viên không được làm. Điều này phải trở thành nhiệm vụ thường xuyên, điều kiện bắt buộc để cán bộ, đảng viên tự giác thực hiện.

Bên cạnh đó, cần bảo đảm thực hiện công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác và đấu tranh chống lãng phí, tiêu cực. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cần chủ động ban hành các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đồng thời nêu gương trong thực hiện, sâu sát trong quản lý và xử lý nghiêm các vi phạm để bảo đảm hiệu quả, thực chất, tránh hình thức.

Ba là, hoàn thiện và triển khai có hiệu quả thể chế chống lãng phí, bảo đảm tính nghiêm minh trong xử lý các cá nhân, tập thể có hành vi gây thất thoát, lãng phí tài sản công. Cần ban hành hướng dẫn cụ thể của Đảng về nhận diện những biểu hiện lãng phí trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, đồng thời xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu trong công tác phòng, chống lãng phí. Xây dựng và thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí, tạo nền tảng vững chắc để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực. Tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi các quy định pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo hướng bảo đảm cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ, tăng cường giám sát, kiểm tra và có chế tài xử lý nghiêm khắc. Đồng thời, cần thiết lập cơ chế giám sát hiệu quả với sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi lãng phí. Đẩy mạnh xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm gây thất thoát lớn tài sản công theo tinh thần “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”, bảo đảm tính răn đe và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật.

Bốn là, xây dựng văn hóa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”. Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan, tổ chức là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, tạo thói quen quý trọng tài sản công, công sức của nhân dân, sự đóng góp của tập thể và mỗi cá nhân. Cần khuyến khích toàn dân thực hành tiết kiệm trong đời sống và công việc, coi đây là nhiệm vụ hằng ngày, gắn liền với đạo đức xã hội và trách nhiệm cá nhân. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng văn hóa tiết kiệm, bao gồm nâng cao ý thức tiết kiệm, tránh lãng phí trong mọi hoạt động; xây dựng tư duy làm việc khoa học, nâng cao hiệu quả quản lý thời gian và sử dụng nguồn lực; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, bảo đảm thực hành tiết kiệm gắn liền với trách nhiệm xã hội.

3. Kết luận

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được Đảng ta vận dụng và trở thành “kim chỉ nam” để đưa ra những quan điểm chỉ đạo trong những năm gần đây. Trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị bước vào kỷ nguyên phát triển mới, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một trong những giải pháp rất quan trọng để sử dụng và phát huy hiệu quả các nguồn lực; đồng thời củng cố sức mạnh toàn dân tộc, gia tăng niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng trong việc vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới, trong đó có tư tưởng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần được thực hiện ở tất cả các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và ở mỗi cán bộ, đảng viên và cần thiết phải trở thành văn hóa, lối sống đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hành.

_________________

Ngày nhận bài: 17-3-2025; Ngày bình duyệt: 25-3-2025; Ngày duyệt đăng: 3-5-2025.

Email tác giả: huyendt@dhcd.edu.vn

(1), (2), (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.122, 124, 128.

(4), (6), (7), (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Sđd, tr.365, 371, 372, 373.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Sđd, tr.547.

(9), (10) GS, TS Tô Lâm: Chống lãng phí, https://www.tapchicongsan.org.vn/, ngày 13-10-2024.

(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Sđd, tr.110.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và sự vận dụng hiện nay
    POWERED BY