Thực tiễn

Vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phát triển kinh tế - xã hội (qua thực tiễn tỉnh Hà Tĩnh)

26/07/2024 16:48

(LLCT) - Trong những năm qua, việc phát triển và phát huy vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Hà Tĩnh đã góp phần giải phóng, phát triển sức sản xuất và phát huy nội lực vào phát triển kinh tế - xã hội; góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách và tham gia giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội và giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội trên địa bàn. Mặc dù vậy, việc phát triển và phát huy vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hà Tĩnh vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập; do đó cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy trong thời gian tới.

TS BÙI PHƯƠNG ĐÌNH
TS ĐỖ VĂN QUÂN

Viện Xã hội học và Phát triển
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Gần 98% người trong độ tuổi lao động ở Hà Tĩnh có việc làm
Doanh nghiệp may trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh _ Ảnh: Báo Hà Tĩnh

1. Quan điểm của Đảng ta về phát huy vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phát triển kinh tế - xã hội

Trong gần 40 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn kiên định và nhất quán đường lối phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Quan điểm của Đảng ta về doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chủ yếu được thể hiện trong chủ trương phát triển kinh tế tư nhân nói chung, coi thành phần kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế(1); “Kinh tế tư nhân được phát triển trong tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Phát huy phong trào khởi nghiệp sáng tạo; nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNVV”(2).

Cụ thể hóa quan điểm của Đảng ta về phát triển kinh tế tư nhân nói chung và phát triển DNNVV nói riêng, Quốc hội đã xây dựng và ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV(3), Chính phủ ban hành Nghị định số 39(4) quy định chi tiết một số điều trong Luật Hỗ trợ DNNVV. Năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định 80(5) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV. Chương trình Hành động của Chính phủ nêu rõ mục tiêu tổng quát: “Phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, nâng cao tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế” và mục tiêu cụ thể là “Phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó 600.000 đến 700.000 doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn; đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp. Hình thành và phát triển nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế”(6).

2. Vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh

Tỉnh Hà Tĩnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ, đang trong quá trình vươn lên về phát triển kinh tế - xã hội. Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu phát triển kinh tế địa phương: “đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, trên cơ sở khoa học - công nghệ, ứng dụng thành tựu Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển kinh tế số, “kinh tế xanh”, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ sau thép, dịch vụ cảng biển và lôgíctic; ... tập trung chuyển dịch cơ cấu, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động”(7). Phấn đấu đạt mục tiêu: “Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trên 10%, phấn đấu giai đoạn 2021-2030 đạt 9,7%/năm; GRDP bình quân đầu người trên 110 triệu đồng, phấn đấu đến 2030 đạt trên 220 triệu đồng/năm”. Cụ thể hóa mục tiêu của Đảng bộ tỉnh, Ủy ban nhân dân Tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 3444/QĐ-UBND ngày 21-10-2019 về Chương trình hỗ trợ pháp lý cho DNNVV trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2019 - 2024 và những năm tiếp theo(8). Sau đó, Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU về đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp đến năm 2025 và những năm tiếp theo, trong đó đặt mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, mỗi năm thành lập mới trên 1.000 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả; hằng năm, giải quyết việc làm mới trên 20.000 lao động; phấn đấu đến năm 2025, trên 80% DNNVV tham gia chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số trong điều hành, quản lý, sản xuất và kinh doanh trên sàn thương mại điện tử(9).

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh, các DNNNV trên địa bàn đã có nhiều đóng góp quan trọng, thể hiện cụ thể trên các phương diện sau:

Một là, số lượng và quy mô nguồn vốn của DNNVV trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục gia tăng (năm 2023 tăng 29,68% so với năm 2017). Bình quân giai đoạn 2011-2015, số lượng DNNVV ở tỉnh Hà Tĩnh là 2.477 doanh nghiệp, thì những năm sau đó, số lượng DNNVV đã tăng lên 4.509 doanh nghiệp (năm 2022(10) và tăng lên 4.815 doanh nghiệp (năm 2023(11). Bên cạnh đó, quy mô nguồn vốn của DNNVV tỉnh Hà Tĩnh cũng liên tục tăng. Bình quân giai đoạn 2011-2015, quy mô nguồn vốn đầu tư cho DNNVV của tỉnh Hà Tĩnh là 27.067 tỷ đồng, đến giai đoạn sau, quy mô nguồn vốn đầu tư đã tăng lên 44.150 tỷ đồng (năm 2017), và tăng lên 96.286 tỷ đồng (năm 2023).

Nhìn tổng thể, tổng số nguồn vốn đầu tư vào DNNVV năm 2023 tăng 118,09% so với năm 2017, đây là mức gia tăng quy mô nguồn vốn khá cao trong giai đoạn này khi nền kinh tế cả nước nói chung và Hà Tĩnh nói riêng chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Hơn nữa, mức gia tăng này còn ấn tượng hơn khi mức độ gia tăng vốn của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạt 50,81%(12).

Việc phát triển và phát huy vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Hà Tĩnh đã góp phần giải phóng, phát triển sức sản xuất và phát huy nội lực vào phát triển kinh tế - xã hội; góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội và giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội trên địa bàn

Hai là, sự phát triển DNNVV trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Sự gia tăng về số lượng và loại hình hoạt động của DNNVV là yếu tố thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế theo xu hướng hiện đại. Năng lực kinh doanh của DNNVV thể hiện qua sự gia tăng về quy mô vốn, số lượng lao động, trình độ lao động từng bước được cải thiện, hiệu quả sản xuất, kinh doanh được nâng cao,...

Phát triển DNNVV có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế, là một bộ phận chủ yếu tạo ra tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. DNNVV là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến sự chuyển dịch các cơ cấu lớn của nền kinh tế quốc dân, như: Cơ cấu nhiều thành phần kinh tế, cơ cấu ngành kinh tế, cơ cấu kinh tế giữa các vùng, địa phương. DNNVV phát triển, là nhân tố bảo đảm cho việc thực hiện các mục tiêu của công nghiệp hóa - hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế, giữ vững ổn định và tạo thế mạnh hơn về năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong quá trình hội nhập của đất nước nói chung, tỉnh Hà Tĩnh nói riêng.

Ba là, DNNVV tăng nhanh về số lượng, đa dạng về loại hình hoạt động kinh doanh, loại hình sở hữu, nhờ đó đóng góp ngày càng lớn cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành trên địa bàn tỉnh. DNNVV được phân bố rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh Hà Tĩnh, nhờ đó đã góp phần khai thác được các nguồn lực phân tán từ mọi thành phần trong xã hội, thành phần kinh tế tại từng địa phương để phục vụ nhu cầu toàn xã hội, đồng thời góp phần tạo ra việc làm, thu nhập cho lao động địa phương.

Thành tựu quan trọng là nhiều DNNVV phát triển ở các huyện miền núi và các huyện mới thành lập còn nhiều khó khăn đã tạo việc làm cho lao động địa phương, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Bốn là, sự phát triển của DNNVV trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã góp phần tăng thu ngân sách, tạo ra chuỗi giá trị liên kết giữa các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo kết quả khảo sát cho thấy, 92,9% số doanh nhân và cán bộ được hỏi đều cho rằng mức đóng của DNNVV vào ngân sách của Hà Tĩnh từ “bình thường đến tốt và rất tốt”. Điều này khẳng định rõ vai trò to lớn của DNNVV đối với sự phát triển của tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian qua.

Hơn nữa, với số lượng lớn DNNVV trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, đã và đang nuôi dưỡng tốt nguồn thu nhân sách cho tỉnh. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, có 91% cán bộ trong tổng số người được khảo sát đánh giá mức đóng góp của DNNVV vào tạo thêm nguồn thu ngân sách cho tỉnh Hà Tĩnh từ bình thường đến tốt và rất tốt(13).

Năm là, hằng năm, các DNNVV trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh thu hút lượng lớn lao động. Năm 2017, các DNNVV đã thu hút 46.543 lao động, chiếm 63,90% tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp ở tỉnh và tăng lên 88.854 lao động (vào năm 2023), chiếm 94,18% tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp ở tỉnh. Điều này cho thấy, tỷ lệ lao động làm việc trong các DNNVV có xu hướng tăng lên ngày càng rõ rệt. So với năm 2017, số lượng lao động năm 2023 làm việc trong doanh nghiệp siêu nhỏ đã tăng 230,33%; doanh nghiệp nhỏ tăng 33,2%, doanh nghiệp vừa tăng 126,31% và xét cả DNNVV tăng 90,91%, trong khi đó mức gia tăng lao động của tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 29,53%(14). Điều này càng có ý nghĩa hơn khi lực lượng lao động có việc làm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đang có xu hướng giảm rõ rệt.

Sáu là, với sự phát triển nhanh về số lượng, tham gia vào nhiều loại hình, lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh và mô hình sản xuất, các DNNVV trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã tham gia tích cực vào giải quyết việc làm, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu lao động địa phương; từ đó góp phần vào nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Một số DNNVV đi đầu trong đầu tư sản xuất sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh, tham gia chuỗi liên kết, áp dụng công nghệ mới, công nghệ hiện đại, đầu tư mô hình sản xuất quy mô lớn gắn với chế biến, mang lại hiệu quả kinh tế cao; góp phần tích cực tái cơ cấu nông nghiệp, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Các DNNVV trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã và đang thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường. Theo kết quả khảo sát có đến 73,3% số chủ DNNVV và cán bộ được hỏi, đã khẳng định “không gây ô nhiễm môi trường”. Điều này cho thấy, trách nhiệm bảo vệ môi trường của DNNVV trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh luôn được đề cao; các chủ doanh nghiệp luôn ý thức trong việc chấp hành tốt các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Bảy là, để góp phần hỗ trợ các cá nhân thuộc nhóm dễ bị tổn thương, “không ai bị bỏ lại phía sau” trong tiến trình phát triển, các DNNVV trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có nhiều hoạt động thiện nguyện thiết thực, như: xây nhà tình nghĩa; ủng hộ quỹ khuyến học; hỗ trợ, tặng quà, tặng công trình nông thôn mới...

Các DNNVV đã có nhiều hoạt động thiết thực trong việc giải quyết các vấn đề xã hội. Bên cạnh việc tạo việc làm, thu nhập cho người dân trên địa bàn, các doanh nghiệp tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện nhân đạo, giúp đỡ người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người già, gia đình neo đơn, gia đình chính sách, nạn nhân chất độc màu da cam... Kết quả khảo sát cho thấy, có đến 89,5% số doanh nhân và cán bộ được hỏi đã khẳng định: các DNNVV tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, từ thiện nhân đạo, giúp đỡ những người yếu thế trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, từ mức "bình thường đến tốt và rất tốt"(15).

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tiến trình phát triển và phát huy vai trò của DNNVV trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh theo định hướng bền vững vẫn còn không ít bất cập, hạn chế:

Một là, số lượng DNNVV trong những năm qua tăng nhanh nhưng hiệu quả hoạt động còn thấp, quy mô nhỏ lẻ về vốn và lao động (DNNVV chiếm 98%, số doanh nghiệp có phát sinh thuế chỉ chiếm 24%)(16). Bên cạnh đó, có hiện tượng một số doanh nghiệp thành lập theo phong trào để đạt chỉ tiêu nông thôn mới nên hoạt động hình thức, không hiệu quả, mang tính hộ gia đình.

Hai là, DNNVV trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh phần lớn vẫn tập trung vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ bán lẻ và vận tải; các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác chưa phát triển. Bên cạnh đó, việc phát triển DNNVV vẫn tập trung chủ yếu tại các trung tâm, đô thị lớn của tỉnh Hà Tĩnh (thị xã Kỳ Anh và thành phố Hà Tĩnh).

Ba là, hiệu quả hoạt động của DNNVV được thể hiện thông qua các chỉ tiêu như: doanh thu, lợi nhuận, tỷ suất sinh lời, năng suất lao động còn thấp, khó khăn trong việc mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, mức đóng góp vào ngân sách của tỉnh còn thấp. Việc tạo thêm việc làm, thu nhập cho lao động của địa phương, cũng như đóng góp vào GRDP hằng năm nhưng việc tạo thêm việc làm, thu nhập và đóng góp vào GRDP của tỉnh còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của DNNVV. Mức thu nhập của người lao động trong các DNNVV còn thấp, chưa đủ hấp dẫn. Mức thu nhập người lao động của DNNVV bình quân giai đoạn 2011-2015 là 3.845 nghìn đồng/tháng, chỉ bằng 89,7% mức thu nhập chung của người lao động trong các doanh nghiệp), đến giai đoạn 2016-2020, thu nhập người lao động của DNNVV bình quân là 5.362 nghìn đồng/tháng (tăng so với giai đoạn trước là 139,4%), chỉ bằng 81,5% mức thu nhập chung của người lao động trong các doanh nghiệp(17).

Bốn là, trong thời gian qua, lợi nhuận của nhiều DNNVV trước thuế luôn âm, điều này ảnh hưởng lớn đến nguồn thu thuế của tỉnh Hà Tĩnh. Ngoài ra, số DNNVV nợ, chậm đóng thuế vẫn chiếm tỷ lệ nhất định. Kết quả khảo sát cho thấy, có đến 27,6% doanh nghiệp được hỏi cho rằng còn nợ thuế và chậm đóng thuế so với quy định. Bên cạnh đó, vẫn còn hiện tượng một số DNNVV vi phạm pháp luật: như xả nước thải vượt quy chuẩn ra môi trường, gian lẫn thương mại và nghĩa vụ thuế... Kết quả khảo sát cho thấy, có 24,8% số doanh nghiệp và cán bộ được hỏi cho rằng các DNNVV trên địa bàn Hà Tĩnh gây ô nhiễm môi trường từ "mức ít nghiêm trọng đến mức nghiêm trọng"(18). Qua đó cho thấy, trách nhiệm bảo vệ môi trường của các DNNVV trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh chưa tốt, sau sự cố Formosa, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường.

3. Giải pháp thúc đẩy phát huy vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong phát triển kinh tế - xã hội

Một là, đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng và ban hành các chương trình/chính sách đặc thù để hỗ trợ DNNVV của tỉnh Hà Tĩnh trên cơ sở các quy định, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Tiếp tục ban hành các văn bản của địa phương để triển khai thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn. Tích cực thực hiện các nghiên cứu về tiềm năng, thế mạnh cũng như hạn, chế khó khăn trong việc bảo đảm các điều kiện thuận lợi các DNNVV phát triển trên địa bàn. Tiếp tục đẩy nhanh việc rà soát, đánh giá, bổ sung/điều chỉnh và xây dựng mới, có tính đột phá các chính sách, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp và ưu đãi đầu tư phù hợp với nhu cầu và điều kiện của địa phương, đặc biệt chú trọng khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và ươm tạo.

Hai là, cải thiện hạ tầng phục vụ DNNVV, như: hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế để tạo điều kiện cho DNNVV tiếp cận hạ tầng sản xuất, ưu tiên các ngành công nghiệp chế biến; đầu tư hệ thống giao thông cho các vùng nguyên liệu trọng điểm cụ thể và thiết thực hơn; kiến nghị Trung ương chú trọng đầu tư xây dựng mới và nâng cấp các công trình giao thông trọng điểm phục vụ doanh nghiệp; tiếp tục duy trì đầu tư cho các công trình điện nước phục vụ các cơ sở sản xuất - kinh doanh; tạo các điều kiện pháp lý để doanh nghiệp có thể tiếp cận, được sử dụng ổn định mặt bằng sản xuất - kinh doanh.

Ba là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính hướng đến phát triển, phát huy vai trò của DNNVV trên địa bàn. Thay đổi phương pháp và công khai minh bạch hóa quá trình hoạch định chính sách, mở rộng việc tham vấn và tham gia ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp và các DNNVV.

Tiếp tục nâng cấp, mở rộng hạ tầng kỹ thuật triển khai chính quyền điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cấp cổng thông tin điện tử của tỉnh để mở rộng danh mục dịch vụ trực tuyến và dịch vụ công của tỉnh.

Tích cực thực hiện cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động bộ phận “một cửa” tại trung tâm hành chính công của tỉnh nhằm giảm thời gian và các loại chi phí của doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp ưu tiên; công khai, minh bạch các tài liệu quy hoạch/ kế hoạch, chính sách về kinh tế - xã hội, môi trường…

Thành lập, kiện toàn “đơn vị đầu mối thu thập và cung cấp thông tin cho doanh nghiệp”; các thông tin được thu thập và cập nhật, cung cấp có chủ đích đến doanh nghiệp; xây dựng và cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin hỗ trợ phục vụ phát triển doanh nghiệp, các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, thông tin liên kết cung cầu, tiếp cận thị trường...

Bốn là, tăng cường kết nối các chủ thể liên quan, phát huy vai trò của DNNVV trên địa bàn. Nâng cao tính năng động và linh hoạt của chính quyền các cấp trong việc đề ra các chính sách đối với doanh nghiệp. Củng cố và cải thiện hoạt động các kết nối giữa các ban, ngành, chính quyền tỉnh với các đơn vị chức năng hỗ trợ doanh nghiệp của các bộ, hiệp hội ngành hàng trong và ngoài nước. Thực hiện các cuộc đối thoại định kỳ giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nhân, tọa đàm để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Thực hiện kết nối với các cơ sở khoa học để chuyển giao và tư vấn cải tiến hoặc nâng cao kỹ thuật công nghệ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Hỗ trợ về tài chính để nâng cao công nghệ sản xuất, hoạt động này hiện vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Hướng dẫn và hỗ trợ tổ chức hoạt động nghiên cứu và phát triển trong doanh nghiệp nhằm thúc đẩy hoạt động này trong doanh nghiệp.

Năm là, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức hướng đến phát triển, phát huy vai trò của DNNVV của tỉnh Hà Tĩnh. Tăng cường năng lực cho cán bộ, công chức trong bộ máy quản lý nhà nước thông qua thực hiện tiêu chuẩn công việc ở mỗi vị trí. Cải thiện năng lực điều phối liên ngành, năng lực hỗ trợ phát triển DNNVV của các cơ quan, đơn vị và của cán bộ, công chức.

Sáu là, UBND tỉnh Hà Tĩnh cần thí điểm xây dựng vườn ươm doanh nghiệp trong một số lĩnh vực ưu tiên, tập trung vào đổi mới sáng tạo, phát triển sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao, có tính cạnh tranh cao và thân thiện với môi trường. Sự hỗ trợ của UBND tỉnh đối với đổi mới công nghệ tại các cụm, vườn ươm này là vô cùng quan trọng. Vì vậy, cần có hệ thống chính sách thúc đẩy thành lập doanh nghiệp mới và khả năng làm chủ doanh nghiệp trong các lĩnh vực này bao gồm tài trợ, nhân sự, thông tin và các dịch vụ hỗ trợ để thành lập DNNVV trên địa bàn.

Bảy là, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, cung cấp các dịch vụ cho các DNNVV trên địa bàn như dịch vụ tìm kiếm thông tin thị trường; dịch vụ tư vấn về pháp luật; dịch vụ tìm kiếm đối tác kinh doanh; dịch vụ xúc tiến thương mại; dịch vụ đào tạo về kế toán, tài chính phục vụ DNNVV. Tăng cường các hoạt động tư vấn, hỗ trợ đăng ký doanh nghiệp, chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp.

Tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ thuế, kế toán, pháp lý, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn của các tổ chức tín dụng, nhất là các doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh, DNNVV, các dự án khởi nghiệp. Các doanh nghiệp có tài sản sở hữu trí tuệ cần khẩn trương đăng ký để được bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, tên doanh nghiệp, kiểu dáng công nghiệp hoặc chỉ dẫn địa lý…

Tám là, phát huy vai trò chức năng của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Các quỹ này bảo lãnh không chỉ phục vụ lợi ích của các DNNVV mà còn tạo điều kiện để các ngân hàng, các tổ chức tín dụng hoạt động tốt hơn trong lĩnh vực cung cấp tài chính vì họ được chia sẻ rủi ro.

Chín là, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hà Tĩnh cần tích cực hơn trong việc đóng vai trò kết nối, đào tạo, bồi dưỡng; cũng như xây dựng, vận hành trang thông tin điện tử về hỗ trợ pháp lý, tiếp cận thị trường, khoa học - công nghệ, vốn... cho doanh nghiệp; trong đó cần cập nhật đầy đủ các chính sách hỗ trợ cho DNNVV, đặc biệt là chính sách, chương trình hỗ trợ chuyển đổi số; cải cách hành chính; gia nhập thị trường; kế toán, thuế; hỗ trợ tiếp cận tín dụng, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cho doanh nghiệp; thông tin, tư vấn; phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ pháp lý; chuyển đổi DNNVV từ hộ kinh doanh, thành lập mới; khởi nghiệp sáng tạo và tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị...

Mười là, các DNNVV cần xây dựng các phương án sản xuất kinh doanh mang tính khả thi cao làm cơ sở vay vốn ngân hàng. Thường xuyên bồi dưỡng, đào tạo, tuyển dụng, nâng cao trình độ của đội ngũ quản lý. Tăng cường nhận thức, hiểu biết và chấp hành pháp luật và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ và nhân viên của DNNVV. Tích cực tham gia đóng góp vào việc xây dựng các chính sách của địa phương. Các doanh nghiệp cần không ngừng nâng cao năng lực quản lý cũng như có kế hoạch kinh doanh thích hợp để khai thác tốt những thuận lợi của môi trường kinh doanh, chú trọng việc xây dựng văn hóa kinh doanh cho doanh nghiệp, ngày càng khẳng định vai trò của mình trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, địa phương nói riêng.

_________________

Ngày nhận bài: 27- 6-2024; Ngày bình duyệt: 30 -6- 2024; Ngày duyệt đăng: 25-7-2024.

(1), (2) Ban Chấp hành Trung ương: Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3-6-2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

(3) Quốc hội: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, năm 2017.

(4) Chính phủ: Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11-3-2018 Quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

(5), (6) Chính phủ: Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26-8-2021 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

(7) Tỉnh ủy Hà Tĩnh: Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.

(8), (9) UBND tỉnh Hà Tĩnh: Quyết định số 5224/QĐ-UBND về việc ban hành đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025, ngày 31-12-2019.

(10), (11), (12) Cục Thống kê tỉnh Hà Tĩnh: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh năm 2022, https://hatinh.gov.vn, ngày 30-12-2022

(13), (14), (15), (16), (17), (18) Bùi Phương Đình: Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, Đề tài khoa học xã hội và nhân văn cấp tỉnh, Hà Tĩnh, 2024.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phát triển kinh tế - xã hội (qua thực tiễn tỉnh Hà Tĩnh)
    POWERED BY