(LLCT) - Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, đã để lại một di sản tư tưởng nhân văn sâu sắc, trong đó nổi bật là quan điểm về lao động. Người khẳng định, lao động là trách nhiệm thiêng liêng của mỗi cá nhân, đồng thời là hành trình rèn luyện nhân cách, khẳng định giá trị bản thân và cống hiến cho sự phát triển của xã hội. Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế và văn hóa lớn nhất cả nước, hiện đang là điểm sáng của các phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Việc vận dụng quan điểm của Hồ Chí Minh giúp thanh niên xác định mục tiêu về lao động, tạo động lực để kiến tạo những giá trị lâu dài, đóng góp tích cực cho xã hội.
BÙI VĂN NHƯ
Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh
1. Quan điểm của Hồ Chí Minh về lao động
Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh vai trò và giá trị của lao động đối với sự phát triển của con người và xã hội. Quan điểm về lao động của Người chứa đựng triết lý nhân văn sâu sắc, nhấn mạnh vai trò của lao động trong việc xây dựng nhân cách, thúc đẩy sự tiến bộ xã hội và phát triển quốc gia. Quan điểm của Hồ Chí Minh được xây dựng trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng thời gắn liền với thực tiễn cách mạng Việt Nam, trở thành kim chỉ nam trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Quan điểm của Hồ Chí Minh về lao động được thể hiện qua những luận điểm sau:
Thứ nhất, lao động là thiêng liêng, là nguồn sống và hạnh phúc của con người
Trong quan niệm của Hồ Chí Minh, lao động giữ vai trò duy trì cuộc sống con người, do vậy lao động là yêu cầu tự thân mỗi người và là trách nhiệm xã hội. Người viết: “Lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn hạnh phúc của chúng ta”(1). Lao động là phương thức để mỗi cá nhân khẳng định giá trị bản thân và cống hiến cho cộng đồng, xã hội. Với quan niệm này của Người, lao động không giới hạn ở chức năng sản xuất đơn thuần, mà còn được nâng tầm thành một yếu tố thiết yếu, phản ánh ý nghĩa toàn diện trong cuộc sống và sự phát triển xã hội.
Lao động được coi là nghĩa vụ thiêng liêng vì nó thể hiện trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cộng đồng và khẳng định giá trị con người. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Mỗi người chúng ta phải nhận rõ: Lao động là một nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người công dân đối với Tổ quốc”(2). Người cho rằng: “Không có nghề nào thấp kém, chỉ những kẻ lười biếng, ỷ lại mới đáng xấu hổ”(3). Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của lao động, bất kể tính chất hay vị trí công việc gì hữu ích, và thể hiện tinh thần bình đẳng trong lao động. Qua lao động, con người vừa cải thiện đời sống vật chất của bản thân vừa đóng góp tích cực vào sự phát triển xã hội, tạo nên ý nghĩa sâu sắc trong hành trình sống và cống hiến. Hồ Chí Minh nhận định: “Lao động… là vẻ vang, đáng quý. Chúng ta phải chống tư tưởng xem khinh lao động”(4).
Hồ Chí Minh cho rằng lao động là trách nhiệm và nền tảng của sự sống. Qua lao động, con người tạo ra của cải vật chất, đáp ứng các nhu cầu thiết yếu như ăn, mặc, ở và đi lại, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống. Người nhấn mạnh rằng, để sống mỗi người cần bảo đảm những nhu cầu thiết yếu. Để đạt được những điều đó, con người buộc phải lao động. Tuy nhiên, ý nghĩa của lao động không dừng lại ở việc duy trì sự sống, mà còn thúc đẩy khả năng sáng tạo và phát triển không ngừng. Thông qua lao động, con người khám phá tiềm năng của bản thân, rèn luyện kỹ năng và tạo nên những giá trị mới cho cộng đồng. Chính những yếu tố này đã làm cho lao động trở thành một phần không thể thiếu trong sự phát triển toàn diện của con người và xã hội.
Bên cạnh đó, Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, niềm vui của con người không dừng lại ở thành quả đạt được, mà còn đến từ chính quá trình làm việc. Khi con người làm việc với tinh thần trách nhiệm và cống hiến, họ vừa rèn luyện phẩm chất cá nhân, vừa cảm nhận được ý nghĩa của sự đóng góp cho xã hội. Đó là nguồn hạnh phúc lớn lao. Niềm hạnh phúc ấy xuất phát từ ý thức rằng mỗi nỗ lực đều có giá trị, rằng công sức của mình mang lại lợi ích cho cộng đồng. Lao động, vì thế, vừa cải thiện đời sống vật chất, vừa giúp con người sống ý nghĩa hơn, phong phú hơn về tinh thần.
Thứ hai, lao động là động lực phát triển xã hội và xây dựng đất nước
Về vai trò của lao động, Người nhấn mạnh rằng, lao động không đơn thuần là phương tiện tạo ra của cải vật chất, mà còn là yếu tố cốt lõi thúc đẩy sự tiến bộ trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Hồ Chí Minh yêu cầu: “Ai cũng phải tùy khả năng của mình mà tự nguyên, tự giác tham gia lao động, góp phần xây dựng nước nhà”(5), qua đó nhấn mạnh trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc góp phần vào sự phát triển của đất nước.
Theo Hồ Chí Minh, lao động là nền tảng xây dựng một xã hội công bằng, độc lập và tự chủ. Nếu không có nỗ lực trong lao động, đất nước sẽ không thể vượt qua cảnh nghèo nàn, lạc hậu hay sự phụ thuộc. Lao động là con đường để mỗi cá nhân cải thiện đời sống của chính mình, đồng thời đóng góp vào việc tạo dựng nền tảng kinh tế - xã hội bền vững. Với Hồ Chí Minh, sự tham gia vào lao động cần được thực hiện ở mọi tầng lớp, từ người giữ vai trò lãnh đạo đến quần chúng nhân dân. Người khẳng định: “Bất kỳ lao động nào ích nước, lợi dân cũng đều vẻ vang cả”(6).
Theo Hồ Chí Minh, lao động là một phương thức trực tiếp để con người đóng góp vào sự phát triển toàn diện của xã hội. Ngoài việc mang lại giá trị kinh tế, lao động còn là động lực thúc đẩy sự tiến bộ trên các lĩnh vực giáo dục, văn hóa và y tế. Thông qua lao động, chất lượng sống của mỗi cá nhân và cộng đồng được cải thiện, đồng thời các giá trị văn hóa, tri thức được sáng tạo và duy trì. Bởi vậy, lao động góp phần xây dựng đất nước và thúc đẩy xã hội phát triển.
Thứ ba, lao động là con đường rèn luyện phẩm chất và nhân cách
Hồ Chí Minh khẳng định rằng lao động không đơn thuần là hoạt động sản xuất tạo ra sản phẩm vật chất, mà còn là con đường để con người tự rèn luyện và hoàn thiện nhân cách. Người nhấn mạnh rằng, lao động vừa là nhiệm vụ, vừa là phương pháp thiết thực để mỗi cá nhân trau dồi đạo đức, tư duy và kỹ năng. Trong quá trình lao động, con người hình thành và phát triển các phẩm chất quan trọng như sự kiên trì, tinh thần trách nhiệm, ý thức kỷ luật – những yếu tố cần thiết để xây dựng nhân cách toàn diện. Thực tế cho thấy, chính những thử thách trong công việc giúp con người trưởng thành hơn, nhận ra tiềm năng của bản thân và vượt qua giới hạn cá nhân. Đồng thời, lao động cũng là cơ hội để mỗi người đóng góp cho gia đình và xã hội. Hồ Chí Minh từng nói: “Tuy năng lực và công việc của mỗi người khác nhau, người làm việc to, người làm việc nhỏ; nhưng ai giữ được đạo đức đều là người cao thượng”(7). Luận điểm này nhấn mạnh giá trị cốt lõi của lao động là ở tinh thần đạo đức và ý nghĩa đóng góp, thay vì vị trí hay quy mô công việc.
Ngoài ra, Hồ Chí Minh còn chỉ rõ lao động là biểu hiện rõ nét của tinh thần tự lực, tự cường và ý thức trách nhiệm đối với Tổ quốc. Ai cũng phải tuỳ khả năng mình mà tự nguyện tự giác tham gia lao động, góp phần xây dựng nước nhà. Với quan điểm này, Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng lao động vừa là trách nhiệm, vừa là hành động thiết thực thể hiện lòng yêu nước. Người kêu gọi tất cả mọi người, bất kể tầng lớp hay vị trí xã hội, cần tham gia lao động một cách tự giác và tích cực. Đây là nền tảng quan trọng để tạo ra sức mạnh tập thể, thúc đẩy sự phát triển bền vững của quốc gia.
Thứ tư, lao động phải sáng tạo và gắn liền với trách nhiệm của mỗi người với bản thân và xã hội
Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh rằng sáng tạo trong lao động là yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả công việc, tối ưu hóa nguồn lực và thúc đẩy sự phát triển toàn diện của đất nước. Người từng nói: “Phải luôn luôn phát huy sáng kiến, tăng năng suất lao động, tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu, giữ gìn máy móc, dụng cụ, v.v.. Như vậy là chi tiêu ít mà sản xuất nhiều”(8). Sáng tạo bắt nguồn từ những cải tiến nhỏ trong công việc hàng ngày, như: Tiết kiệm nguyên liệu, bảo quản máy móc hay tìm ra những phương pháp mới để tối ưu hóa quy trình lao động. Đây là cách để nâng cao hiệu quả công việc, khai thác tối đa tiềm năng, giảm lãng phí và gia tăng giá trị sản phẩm. Sáng tạo trong lao động còn phản ánh tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với tập thể. Mỗi sáng kiến, dù nhỏ, đều là bước tiến quan trọng góp phần xây dựng một đất nước giàu mạnh và hiện đại. Người kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân, từ lãnh đạo đến người lao động phổ thông, luôn học hỏi, đổi mới, kết hợp lý thuyết với thực hành để đạt hiệu quả cao nhất trong công việc.
Hồ Chí Minh coi lao động là phương tiện tạo ra của cải vật chất và nhấn mạnh rằng mỗi cá nhân cần ý thức rõ mối liên hệ giữa công việc của mình và sự phát triển chung của xã hội. Lao động không đơn thuần phục vụ lợi ích cá nhân, mà còn phải hướng đến lợi ích của cộng đồng. Người viết “Cái gì lợi cho nhà máy là ích lợi cho mình, cái gì hại cho nhà máy là hại cho nhà mình”(9). Người cũng luôn đề cao tinh thần trách nhiệm trong lao động: “Tất cả mọi người phải lao động. Có lao động thì mới có ăn. Không lao động thì không có ăn”(10). Người khuyến khích mỗi cá nhân nhận thức rõ rằng lao động chính là cách để góp phần vào sự thịnh vượng chung của đất nước. Thông qua các phong trào lao động tự giác, sáng tạo như “Thanh niên xung phong” và “Cải tiến kỹ thuật”, không chỉ nhằm nâng cao năng suất lao động mà còn để thúc đẩy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cộng đồng và sáng tạo.
Tóm lại, quan điểm của Hồ Chí Minh về lao động là sự tôn vinh giá trị lao động, đồng thời là triết lý sống, kim chỉ nam cho sự phát triển của con người và xã hội. Từ ý nghĩa vật chất đến giá trị nhân văn, từ trách nhiệm cá nhân đến đóng góp cộng đồng, quan điểm của Người về lao động đã trở thành tư tưởng quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Trong bối cảnh hiện nay, việc tiếp tục phát huy tinh thần lao động theo quan điểm Hồ Chí Minh là cách để mỗi cá nhân và xã hội phát triển bền vững.
2. Vận dụng quan điểm của Hồ Chí Minh về lao động vào việc vận động thanh niên khởi nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay
Thành phố Hồ Chí Minh, với hơn 2,9 triệu thanh niên, chiếm khoảng 1/3 dân số, đã trở thành trung tâm sôi động của phong trào khởi nghiệp trên cả nước. Việc triển khai các chương trình lớn như “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” theo Quyết định số 844/QĐ-TTg (năm 2016) và “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2022 - 2030 theo Quyết định số 897/QĐ-TTg (năm 2022) đã tạo cơ sở pháp lý và nguồn lực quan trọng, mở đường cho tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh phát triển mạnh mẽ các hoạt động khởi nghiệp.
Trong thời gian qua, Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã nhanh chóng cụ thể hóa các chủ trương của trung ương thông qua những đề án và kế hoạch mang tính thực tiễn cao. Nổi bật là Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 672/QĐ-UBND ngày 01-3-2021 và Kế hoạch số 468/KH-UBND ngày 16-02-2022, nhằm xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp toàn diện. Những nỗ lực này không chỉ hỗ trợ tài chính mà còn chú trọng khuyến khích sáng tạo, đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, phong trào thi đua “Thanh niên Thành phố khởi nghiệp - lập nghiệp, đổi mới sáng tạo” giai đoạn 2023 - 2027 đã tạo động lực mạnh mẽ, thúc đẩy thanh niên ứng dụng công nghệ vào các mô hình kinh doanh, nâng cao khả năng đổi mới.
Nhờ các chính sách đồng bộ và sự hỗ trợ hiệu quả, phong trào khởi nghiệp của thanh niên ở Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Từ năm 2020 đến tháng 6-2024, đã có 45.230 lượt thanh niên được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức khởi nghiệp, giúp nâng cao năng lực và tư duy sáng tạo. Số lượt thanh niên được hỗ trợ vay vốn khởi nghiệp cũng đạt 23.946 lượt, với tổng kinh phí hỗ trợ lên đến 442 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp và Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh(11). Ngoài ra, sự sáng tạo của thanh niên được thể hiện qua 747.216 ý tưởng đóng góp trên cổng thông tin Ý tưởng Sáng tạo Trẻ Thành phố và 9.960 dự án khởi nghiệp tham gia cuộc thi “Startup Wheel”(12). Những số liệu này cho thấy phong trào khởi nghiệp không chỉ phát triển về quy mô mà còn tạo động lực thúc đẩy tinh thần đổi mới trong thanh niên. Những kết quả đạt được là minh chứng rõ ràng cho sự hiệu quả của các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của thanh niên trong lao động, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào khởi nghiệp của thanh niên ở Thành phố Hồ Chí Minh vẫn tồn tại những mặt hạn chế. Một bộ phận thanh niên, đặc biệt là lao động phổ thông và người từ nơi khác đến, thiếu nhận thức đầy đủ về giá trị lao động và khởi nghiệp, dẫn đến sự thụ động và thiếu định hướng. Theo báo cáo khảo sát của Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2021, 52,2% thanh niên bày tỏ mối quan tâm lớn đối với các vấn đề sức khỏe và môi trường sống, trong khi 58,3% thanh niên tập trung vào tài chính và xây dựng sự nghiệp(13). Điều này phản ánh rằng các mô hình khởi nghiệp chưa thực sự đáp ứng đầy đủ các ưu tiên và kỳ vọng của thanh niên hiện nay, đặc biệt là những lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống.
Ngoài ra, tinh thần lao động tập thể vẫn chưa được phát huy hiệu quả. Nhiều nhóm khởi nghiệp hoạt động thiếu sự phối hợp và kết nối chặt chẽ, dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn lực và giảm hiệu quả triển khai. Thực trạng này cho thấy sự cần thiết phải xây dựng các cơ chế hỗ trợ, khuyến khích tinh thần lao động hợp tác và chia sẻ giữa các nhóm thanh niên khởi nghiệp, nhằm tối ưu hóa nguồn lực và nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh này, việc vận dụng quan điểm của Hồ Chí Minh về lao động chính là chìa khóa quan trọng để định hướng và thúc đẩy phong trào khởi nghiệp của thanh niên trở nên toàn diện hơn ở Thành phố Hồ Chí Minh. Một số giải pháp trọng tâm cần được tập trung thực hiện bao gồm:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò và giá trị của lao động trong thanh niên
Tuyên truyền là một phần quan trọng của công tác tư tưởng, giữ vai trò then chốt trong việc định hướng nhận thức và hành động của quần chúng, đặc biệt là thế hệ thanh niên. Theo đó, Thành ủy, Ủy ban nhân dân, nòng cốt là Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh cần chú trọng công tác tuyên truyền để thanh niên hiểu rõ rằng lao động không chỉ là phương tiện để mưu sinh, mà còn là con đường để khẳng định giá trị bản thân và đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Điều này càng trở nên quan trọng trong bối cảnh phong trào khởi nghiệp, nơi lao động gắn liền với việc tạo ra sản phẩm và thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng cũng như tương lai của đất nước. Do đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền để thanh niên hiểu sâu sắc tư tưởng: “Lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn hạnh phúc của chúng ta”. Như Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: Tất cả mọi người phải lao động. Có lao động thì mới có ăn. Không lao động thì không có ăn. Những lời dạy này khẳng định giá trị thiết yếu của lao động và là kim chỉ nam cho phong trào khởi nghiệp đầy ý nghĩa và trách nhiệm.
Giáo dục giá trị lao động cần đi đôi với thực tiễn, thông qua các chương trình học tập kết hợp trải nghiệm. Các chuyên đề về tư tưởng Hồ Chí Minh cần được lồng ghép vào hoạt động giáo dục kỹ năng sống và khởi nghiệp. Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên Thành phố nên tận dụng mạng xã hội như TikTok, Facebook để truyền tải thông điệp gần gũi, dễ tiếp cận, giúp thanh niên nhận thức rằng lao động không chỉ là cách kiếm sống mà còn là con đường khẳng định giá trị bản thân.
Phong trào khởi nghiệp cần tạo ra các môi trường, cơ chế khuyến khích sự kết nối giữa các nhóm thanh niên, như các diễn đàn, hội thảo, hoặc các không gian làm việc chung. Tinh thần hợp tác và chia sẻ không chỉ giúp tối ưu hóa nguồn lực, mà còn nâng cao khả năng đổi mới và hiệu quả triển khai các dự án.
Hai là, thúc đẩy tinh thần lao động sáng tạo và tập thể trong thanh niên
Khởi nghiệp không đơn thuần là quá trình kinh doanh mà còn là cơ hội để người trẻ thể hiện trách nhiệm xã hội thông qua lao động sáng tạo. Khi thanh niên hiểu rằng mỗi công việc không chỉ phục vụ lợi ích cá nhân mà còn đóng góp vào sự phát triển chung, họ sẽ có động lực theo đuổi những mô hình kinh doanh mang tính sáng tạo, bền vững và nhân văn. Các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, năng lượng tái tạo và giáo dục cần được tổ chức thường xuyên. Đồng thời, việc tôn vinh các tấm gương khởi nghiệp xuất sắc cũng nên được đẩy mạnh, nhằm khuyến khích thanh niên học hỏi và phát triển.
Lao động tập thể là phương thức nâng cao hiệu quả công việc, đồng thời giúp thanh niên trau dồi kỹ năng làm việc nhóm. Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên Thành phố cần thúc đẩy việc thành lập các nhóm khởi nghiệp đa ngành, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng như công nghệ, y tế và môi trường. Bên cạnh đó, các buổi tập huấn về kỹ năng làm việc nhóm và quản lý dự án cần được tổ chức thường xuyên để hỗ trợ thanh niên xây dựng năng lực toàn diện.
Ba là, định hướng cho thanh niên khởi nghiệp bền vững
Định hướng cho thanh niên khởi nghiệp bền vững là một nhiệm vụ quan trọng nhằm bảo đảm sự phát triển kinh tế đi đôi với trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường. Khởi nghiệp là quá trình tạo ra lợi nhuận và cần gắn liền với các mục tiêu phát triển bền vững. Thành ủy, Ủy ban Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội Thành phố Hồ Chí Minh nên khuyến khích các mô hình kinh doanh thân thiện với môi trường, tận dụng năng lượng tái tạo và áp dụng công nghệ sạch, qua đó giảm thiểu tác động tiêu cực đến hệ sinh thái.
Giáo dục về phát triển bền vững là nền tảng để thanh niên hiểu rõ trách nhiệm xã hội khi lập nghiệp. Các chương trình đào tạo kỹ năng sống và nhận thức về môi trường cần được tích hợp trong hệ thống giáo dục, giúp thanh niên hình thành tư duy khởi nghiệp bền vững ngay từ ban đầu.
Nguồn vốn là yếu tố then chốt để thúc đẩy khởi nghiệp. Thành phố cần mở rộng các quỹ vay vốn, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tăng cường tuyên truyền về chính sách hỗ trợ hiện có. Đồng thời, tổ chức các diễn đàn khởi nghiệp sẽ tạo cơ hội để thanh niên trình bày ý tưởng, kết nối với nhà đầu tư và nhận được cố vấn chiến lược. Những giải pháp này giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Bốn là, tận dụng công nghệ và mạng xã hội trong lao động khởi nghiệp
Công nghệ hiện đại đang trở thành công cụ đắc lực để lan tỏa quan điểm của Hồ Chí Minh về lao động trong đời sống thanh niên. Những câu chuyện thực tế về các tấm gương lao động sáng tạo hay mô hình khởi nghiệp thành công cần được khai thác và chuyển hóa thành nội dung truyền cảm hứng, như video, bài viết, hoặc podcast. Các nền tảng mạng xã hội là kênh truyền thông hiệu quả, giúp tiếp cận đông đảo thanh niên và khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo. Những câu chuyện này không chỉ mang ý nghĩa giáo dục mà còn truyền tải thông điệp tích cực, thúc đẩy ý chí lập nghiệp và đóng góp cho xã hội trong giới trẻ.
Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên Thành phố nên tận dụng sức mạnh của công nghệ để phát triển các ứng dụng hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Các ứng dụng này có thể cung cấp thông tin về chính sách hỗ trợ, hướng dẫn tiếp cận nguồn vốn, tổ chức các khóa học kỹ năng và kết nối với cố vấn chiến lược. Việc tích hợp các nguồn lực này vào nền tảng trực tuyến sẽ giúp thanh niên dễ dàng tiếp cận, từ đó rút ngắn khoảng cách giữa ý tưởng và hiện thực hóa dự án.
Đồng thời, cần tổ chức các diễn đàn khởi nghiệp trực tuyến, nơi thanh niên có thể trình bày ý tưởng, nhận phản hồi từ chuyên gia và tìm kiếm sự hỗ trợ từ nhà đầu tư. Những giải pháp này không chỉ giúp xây dựng một thế hệ thanh niên sáng tạo mà còn góp phần thúc đẩy phát triển bền vững cho Thành phố Hồ Chí Minh và đất nước.
3. Kết luận
Quan điểm của Hồ Chí Minh về lao động nhấn mạnh giá trị nhân văn và vai trò của lao động trong việc xây dựng nhân cách, thúc đẩy tiến bộ xã hội và phát triển đất nước. Hồ Chí Minh coi lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là con đường để mỗi người khẳng định giá trị bản thân và đóng góp cho cộng đồng. Người đề cao sáng tạo trong lao động như yếu tố quan trọng nâng cao hiệu quả, tối ưu hóa nguồn lực và phát triển bền vững. Đồng thời, lao động còn giúp rèn luyện nhân cách, phát triển phẩm chất như trách nhiệm, kiên trì và tinh thần tự lực.
Vận dụng quan điểm này vào phong trào khởi nghiệp của thanh niên ở Thành phố Hồ Chí Minh đòi hỏi thúc đẩy tinh thần lao động sáng tạo, bền vững và trách nhiệm xã hội. Các giải pháp cần tập trung vào giáo dục giá trị lao động gắn với tư tưởng Hồ Chí Minh, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn, khuyến khích lao động tập thể, định hướng các mô hình kinh doanh bền vững và sử dụng công nghệ để tăng cường kết nối. Đây là nền tảng quan trọng để thanh niên vượt qua khó khăn, xây dựng các mô hình kinh doanh hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới một đất nước văn minh và thịnh vượng.
_________________
Ngày nhận bài: 27-11-1014; Ngày bình duyệt: 29-11-2024; Ngày duyệt đăng: 4-12-2024.
Email tác giả: buivannhu@iuh.edu.vn
(1) (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.13, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.69, 69.
(2) (4) (5) (9) (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Sđd, tr.545, 545, 545, 534, 534.
(6) (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Sđd, tr.11, 465.
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.9, Sđd, tr.508.
(11) (12) Hội Liên Hiệp Thanh niên Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh: Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024 - 2029, tr.119-120, 119.
(13) Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh: Báo cáo đề tài khảo sát xã hội “Những nhân tố tác động đến sự tham gia tổ chức Đoàn - Hội của thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay”, 2021, tr.7.