(LLCT) - Viện Lãnh đạo học và Chính sách công được thành lập tháng 10-2011. Qua 13 năm xây dựng và phát triển, với sự nỗ lực rất lớn của tập cán bộ, viên chức, Viện đã đạt được nhiều thành tích nổi bật trong nghiên cứu, giảng dạy, góp phần xứng đáng vào sự phát triển của Học viện, từng bước khẳng định vị thế của khoa học lãnh đạo và chính sách công trong xã hội.
PGS, TS LÊ VĂN CHIẾN
Viện Lãnh đạo học và Chính sách công,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
1. Quá trình hình thành và phát triển Viện Lãnh đạo học và Chính sách công
Viện Lãnh đạo học và Chính sách công (tiền thân là Trung tâm Lãnh đạo học và Nghiên cứu chính sách) được thành lập ngày 26-10-2011 theo Quyết định số 3302/QĐ-HVCT-HCQG của Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Sự ra đời của Trung tâm Lãnh đạo học và Nghiên cứu chính sách là kết quả của 02 dự án hợp tác nghiên cứu giữa Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh với các đối tác nước ngoài: Đại học Porland (Mỹ) với dự án Nghiên cứu lãnh đạo và Viện nghiên cứu xã hội quốc tế (Hà Lan) với dự án Nghiên cứu chính sách dựa trên bằng chứng. Năm 2018, thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức, bộ máy, Giám đốc Học viện quyết định chuyển Trung tâm Nghiên cứu Giới và lãnh đạo nữ về Viện.
Tại thời điểm thành lập, Trung tâm Lãnh đạo học và Nghiên cứu chính sách có 9 giảng viên, nghiên cứu viên, trong đó có 8 tiến sỹ và 1 thạc sỹ được chuyển về từ các viện: Chính trị học, Xã hội học, Kinh tế, Triết học của Học viện. Đến năm 2024, Viện có 23 thành viên, trong đó có 5 phó giáo sư, 11 tiến sỹ, 6 thạc sỹ và 1 cử nhân. Hiện nay, Viện có 2 thạc sỹ đang làm nghiên cứu sinh tại các cơ sở đào tạo trong nước.
Nhìn chung, đội ngũ giảng viên của Viện có trình độ chuyên môn cao, năng lực nghiên cứu, giảng dạy tốt. Nhiều cán bộ, giảng viên được đào tạo tại nước ngoài, có khả năng sử dụng ngoại ngữ tốt trong giảng dạy và nghiên cứu.
Cùng với sự tăng lên về nhân sự, thời gian qua, Chi bộ Viện Lãnh đạo học và Chính sách công kết nạp được 6 quần chúng ưu tú vào Đảng. Như vậy, so với thời điểm mới thành lập, nhân lực của Viện đã có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng (Hình 1).
Hình 1: Nhân lực của Viện năm 2011 và năm 2014
Theo Quyết định số 6582-QĐ/HVCTQG ngày 1-11-2018 của Giám đốc Học viện, Viện Lãnh đạo học và Chính sách công có chức năng nghiên cứu, giảng dạy về lãnh đạo học, chính sách công và các vấn đề về phụ nữ trong chính trị thuộc các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Học viện; góp phần vào việc hoạch định đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.
2. Những thành tựu đạt được
Là đơn vị chuyên ngành mới được thành lập, song với sự nỗ lực không ngừng của các thế hệ lãnh đạo, giảng viên, nhân viên, Viện đã có những bước phát triển, hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học.
Hiện nay, Viện đảm nhận 2 học phần trong chương trình cao cấp lý luận chính trị (học phần Khoa học Lãnh đạo và học phần Giới trong lãnh đạo, quản lý); 2 chuyên ngành đào tạo thạc sỹ (thạc sỹ Chính sách công và thạc sỹ Lãnh đạo học); đang xây dựng 2 chương trình đào tạo tiến sỹ. Viện tham gia tích cực vào các lớp bồi dưỡng theo chức danh, như: lớp cán bộ dự nguồn chiến lược tổ chức tại Học viện, lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch thuộc diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý, do các địa phương tổ chức… Đồng thời, tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, tổ chức các hội thảo trong nước và quốc tế. Những kết quả đạt được đã tạo dấu ấn quan trọng, đóng góp vào sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học của Học viện.
Những thành tựu nổi bật của Viện thể hiện qua các mặt công tác sau:
Thứ nhất, về xây dựng giáo trình và giảng dạy
Ngay sau khi được chuyển từ trung tâm thành Viện, Viện đã được Giám đốc Học viện giao phụ trách biên soạn tập bài giảng về lãnh đạo, quản lý cho lớp cán bộ nguồn chiến lược khóa XII, đồng thời một số giảng viên của Viện đã tham gia giảng dạy, trợ giảng, chủ trì thảo luận cho các lớp cán bộ nguồn chiến lược khóa XII và XIII được tổ chức tại Học viện.
Để phục vụ công tác giảng dạy, Viện đã xây dựng và đưa vào giảng dạy 02 giáo trình dành cho chương trình cao cấp lý luận chính trị. Với chương trình thạc sỹ Chính sách công, từ năm 2015 đến nay, đã tuyển sinh, đào tạo hơn 20 lớp (bao gồm đã tốt nghiệp và đang học) tại Học viện; tại các Học viện Chính trị khu vực và một số tỉnh, thành phố trong cả nước cũng đã đào tạo được hàng trăm học viên cao học. Với thạc sỹ chuyên ngành Lãnh đạo học, đào tạo từ năm 2019, đã tuyển sinh được 4 lớp với hơn 100 học viên theo học.
Viện đã tham gia biên soạn đề cương giáo trình cử nhân lý luận chính trị, chuyên ngành: Tôn giáo, Xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước, giáo trình trung cấp lý luận chính trị.
Hình 2: Số học viên cao học tốt nghiệp qua các năm
Những năm qua, nhiều giảng viên của Viện đã tham gia giảng dạy các lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; các lớp bồi dưỡng cán bộ nguồn (đối tượng 3) ở một số tỉnh; lớp bồi dưỡng chức danh bí thư huyện và tương đương; lớp dành cho cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng; các lớp hệ cử nhân, trung cấp lý luận chính trị…
Thứ hai, về nghiên cứu khoa học
Viện đã có nhiều nỗ lực trong nghiên cứu khoa học về lãnh đạo học và chính sách công - những bộ môn khoa học còn mới ở nước ta. Bám sát vai trò, mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ của Viện và các vấn đề thực tiễn đặt ra, cán bộ, giảng viên của Viện đã chủ trì, tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, cũng như của các cơ quan của Chính phủ và các tổ chức quốc tế. Nhiều đề tài được đánh giá có chất lượng cao, đóng góp đáng kể vào hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng dạy của Học viện.
Hiện nay, Viện đang chủ trì 01 đề tài cấp nhà nước, thực hiện được 15 đề tài cấp bộ và tương đương, 67 đề tài cấp cơ sở. Cán bộ, giảng viên của Viện đã đăng tải hàng trăm bài báo trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế; biên soạn 22 đầu sách tham khảo, chuyên khảo. Các đề tài tập trung vào những vấn đề về khoa học lãnh đạo và chính sách công, như: nghiên cứu về phong cách lãnh đạo; vai trò của lãnh đạo; nghiên cứu, đánh giá các chiến lược, chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương; nghiên cứu các vấn đề về lãnh đạo nữ và thúc đẩy bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý...
Dưới sự chỉ đạo của Giám đốc Học viện, Viện đã tích cực tham gia đề xuất, kiến nghị chính sách phục vụ việc xây dựng văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng; tổ chức hội thảo và tham gia viết bài về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Các thành viên của Viện đã đạt 02 giải C, 01 giải khuyến khích trong các cuộc thi viết chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phòng, chống các quan điểm sai trái thù địch.
Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học là thế mạnh của Viện. Thời gian qua, Viện đã tổ chức và tham gia nhiều hội thảo khoa học với các đối tác nước ngoài về các chủ đề liên quan đến lãnh đạo học và chính sách công; hợp tác với Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) tổ chức Diễn đàn lãnh đạo và chính sách. Diễn đàn được tổ chức 02 năm một lần thông qua phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế tại Học viện. Đến nay, đã có 03 hội thảo được tổ chức: “Lãnh đạo và đổi mới chính sách trong kỷ nguyên số” (năm 2018); “Quản trị phát triển bền vững trong bối cảnh đại dịch Covid-19” (năm 2021); “Động lực đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi số: Từ tầm nhìn đến thực tế” (năm 2023).
Trung tâm Nghiên cứu Giới và Lãnh đạo nữ của Viện hợp tác hợp với Đại sứ quán Ôxtrâylia và Đại học New South Wales tổ chức Hội thảo “Cách tiếp cận thể chế nữ quyền đối với sự tham gia lãnh đạo, quản lý của nữ giới trong Chính trị và Hành chính công ở Việt Nam” (năm 2019)…. Cán bộ của Viện tham gia tích cực vào hợp tác nghiên cứu với các đối tác nước ngoài, cũng như tư vấn chiến lược về chính sách phát triển các tỉnh, thành phố. Các đối tác quốc tế truyền thống có nhiều hoạt động chung với Viện, như: Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Đại học New South Wales, Đại học Flinders, Đại học Curtin, Quỹ Hỗ trợ cựu sinh viên Ôxtrâylia (Aus4skills), Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE).
Để khẳng định vị thế và tiếng nói khoa học của đơn vị, tháng 5-2023, Viện Lãnh đạo học và Chính sách công đã ra số đầu Tạp chí Lãnh đạo và Chính sách. Đến tháng 9-2024, Tạp chí đã xuất bản 5 số. Sự ra đời của Tạp chí đánh dấu bước phát triển mới của Viện.
3. Định hướng và giải pháp phát triển
Nghị quyết Đại hội Chi bộ Viện Lãnh đạo học và Chính sách công nhiệm kỳ 2021 - 2025 xác định phương hướng: Phấn đấu đưa Viện trở thành một trong những đơn vị đi đầu trong nghiên cứu lãnh đạo học; tiếp tục duy trì tinh thần đoàn kết, thống nhất, gắn bó trong đơn vị; nâng cao chất lượng nghiên cứu và giảng dạy khoa học về lãnh đạo và chính sách công trong Học viện và cả nước; tăng cường tính chủ động cho các tổ chuyên môn trong sinh hoạt chuyên môn và giám sát việc nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Để thực hiện phương hướng trên, Viện triển khai những giải pháp sau:
Một là, tập thể lãnh đạo và cán bộ, giảng viên của Viện nỗ lực triển khai đầy đủ, nhất quán trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của mình các nhiệm vụ cấp thiết và lâu dài được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2021-2025, chủ động và sáng tạo, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Thứ hai, phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên của Viện đến năm 2030: năng động, đủ năng lực khoa học, bản lĩnh chính trị, nhạy bén với thời cuộc, 100% giảng viên lên lớp có học vị tiến sỹ. Tập trung xây dựng một số chuyên gia, các nhóm nghiên cứu có uy tín khoa học, đạo đức nghề nghiệp, phẩm chất chính trị, có khả năng thực hiện và tham gia các nghiên cứu lớn trong và ngoài nước. Tiếp tục đào tạo tại chỗ và cử cán bộ tham gia các chương trình đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ, bồi dưỡng chuyên môn ngắn hạn trong và ngoài nước; chú trọng bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học trẻ, kết hợp với bổ sung cán bộ giảng dạy, nghiên cứu có kinh nghiệm thực tiễn về lãnh đạo và chính sách.
Thứ ba, đẩy mạnh đổi mới, xây dựng và hoàn thiện giáo trình, giáo án, sử dụng phương pháp giảng dạy tích cực theo định hướng của Học viện cũng như xu hướng đổi mới chung của đất nước và thế giới; tăng cường các tình huống giảng dạy trên lớp; thường xuyên cập nhật các vấn đề lý luận và thực tiễn trong và ngoài nước vào các chuyên đề về khoa học lãnh đạo, chính sách công, bình đẳng giới; trở thành địa chỉ chất lượng và uy tín trong đào tạo, giảng dạy về khoa học lãnh đạo và chính sách công của cả nước.
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh hướng nghiên cứu kiến nghị chính sách, góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tư vấn chính sách cấp địa phương ở các tỉnh, thành phố; gắn kết nghiên cứu, giảng dạy lãnh đạo học, chính sách công, bình đẳng giới với đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; tăng cường công bố công trình khoa học trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế có uy tín; phối hợp với các nhà khoa học, các tổ chức khoa học trong nước và quốc tế trong tham vấn, thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu về khoa học lãnh đạo, chính sách công và bình đẳng giới.
Thứ năm, chủ động phối hợp với Trung tâm chia sẻ tri thức quốc tế và Vụ Hợp tác quốc tế của Học viện để triển khai, mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng và trao đổi học thuật, hợp tác nghiên cứu các đề tài khoa học, tổ chức hội thảo trong nước, ngoài nước nhằm tiếp cận tri thức hiện đại về khoa học lãnh đạo, chính sách công và giới trong lãnh đạo, quản lý.
4. Kết luận
Trải qua chặng đường 13 năm xây dựng và phát triển, Viện Lãnh đạo học và Chính sách công đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp vào sự nghiệp phát triển của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Trong bối cảnh tình hình thế giới và đất nước có nhiều thay đổi, đòi hỏi cao hơn về chất lượng nghiên cứu, giảng dạy hiện nay, Viện Lãnh đạo học và Chính sách công tiếp tục nỗ lực phấn đấu, với những giải pháp đồng bộ, toàn diện, cùng sự đoàn kết, nhất trí, quyết tâm của tập thể cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên và nhân viên, Viện Lãnh đạo học và Chính sách công chắc chắn phát triển, đóng góp hơn nữa vào sự phát triển của Học viện trong những giai đoạn tới.
_________________
Ngày nhận bài: 22-8-2024; Ngày bình duyệt: 26-8-2024; Ngày duyệt đăng: 30-8-2024.