Thực tiễn

Những khó khăn, rào cản và định hướng chính sách phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ ở vùng Tây Bắc hiện nay

17/02/2025 15:14

(LLCT) - Vùng Tây Bắc với địa hình phức tạp và văn hóa đa dạng đã mang đến nhiều thuận lợi song cũng đặt ra không ít khó khăn trong hoạt động của các doanh nghiệp. Các khó khăn về hạ tầng giao thông, về tiếp cận tín dụng hạn chế, về chi phí vận chuyển cao, cùng những khó khăn trong tiếp cận công nghệ hiện đại và thị trường tiêu thụ đã ảnh hưởng nghiêm trọng sự phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bài viết phân tích các khó khăn tác động đến sự phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ ở vùng Tây Bắc hiện nay; từ đó, đề xuất các định hướng chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp này thời gian tới.

ThS HOÀNG NGUYỄN QUỐC THÀNH
Trường Quản trị và Kinh doanh
Đại học Quốc gia Hà Nội

Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm nông sản địa phương - Sơn La
Xưởng sản xuất, chế biến chè của Công ty TNHH Trà và đặc sản Tây Bắc, xã Tà Xùa, Bắc Yên, Sơn La_Ảnh:baosonla.org.vn

1. Mở đầu

Vùng Tây Bắc có tỷ lệ người dân tộc thiểu số khá cao trong dân số, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp và các ngành khai thác tài nguyên thiên nhiên. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) đóng vai trò quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và cải thiện chất lượng cuộc sống cho cộng đồng địa phương.

Theo một số nghiên cứu, SME thường chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu doanh nghiệp, đóng góp đáng kể vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và là nguồn tạo việc làm chính, nhất là ở các khu vực có tỷ lệ thất nghiệp cao. Tại Việt Nam, SME chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp, thu hút gần 60% lao động và đóng góp hơn 40% vào GDP cả nước(1). Tuy nhiên, tại vùng Tây Bắc, tỷ lệ này còn ở mức thấp do những hạn chế về điều kiện địa lý, hạ tầng cơ sở và năng lực kinh doanh. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (năm 2021), vùng Tây Bắc có số lượng doanh nghiệp thấp nhất cả nước, chiếm 2,1% tổng số doanh nghiệp cả nước(2). Trên thực tế, các SME ở Tây Bắc chịu tác động lớn từ chi phí vận chuyển cao, thị trường tiêu thụ và hạn chế khả năng tiếp cận chính sách hỗ trợ. Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) (năm 2018) cho thấy, các quốc gia và vùng có hoạt động chi phí vận chuyển hiệu quả thường đạt tăng trưởng GDP cao hơn 1% và tăng trưởng thương mại cao hơn 2% so với các nước có thu nhập bình quân đầu người ở mức tương tự(3). Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm chi phí vận chuyển và cải thiện dịch vụ hậu cần để tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp. Đồng thời, sự thiếu hụt về công nghệ và kỹ năng quản lý là những yếu tố cản trở khả năng cạnh tranh của SME trong các ngành sản xuất, dịch vụ và bán lẻ. Vì vậy, việc nhận diện rõ những rào cản, khó khăn, thách thức của SME; từ đó, đề xuất các định hướng chính sách phù hợp hỗ trợ SME vùng Tây Bắc không chỉ có ý nghĩa thực tiễn trong việc phát triển kinh tế vùng mà còn mang giá trị lý luận về phát triển bền vững và hội nhập kinh tế trong giai đoạn hiện nay.

2. Những khó khăn tác động đến sự phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ vùng Tây Bắc

Khó khăn về tiếp cận nguồn vốn quy trình tín dụng phức tạp

Hạn chế về tiếp cận nguồn vốn là yếu tố đầu tiên, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh và mở rộng quy mô của SME vùng Tây Bắc. Hạn chế về nguồn vốn chủ yếu do thiếu tài sản thế chấp khi nhiều doanh nghiệp không có đủ nguồn tài sản bảo đảm để vay vốn từ các tổ chức tín dụng. Tại Việt Nam, SME còn khó khăn trong tiếp cận vốn vay từ các tổ chức tín dụng do thiếu hoặc không có tài sản thế chấp. Theo Báo cáo đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021, 47% doanh nghiệp còn gặp trở ngại trong việc tiếp cận tín dụng, trong đó yêu cầu về tài sản bảo đảm là rào cản chính(4). Một số nhà nghiên cứu cũng đưa ra nhận định rằng, các ngân hàng tại Việt Nam thường yêu cầu tài sản thế chấp dưới dạng bất động sản và ít chấp nhận các loại tài sản khác như hàng “tồn kho” hay các khoản phải thu(5) Nhiều SME có năng lực tài chính hạn chế và thiếu tài sản đảm bảo dẫn đến khó khăn trong việc đáp ứng điều kiện vay vốn từ ngân hàng.

Quy trình tín dụng là hoạt động mà ngân hàng bắt buộc phải thực hiện đối với khách hàng doanh nghiệp, kể từ lúc tiếp nhận hồ sơ vay vốn cho đến khi thanh lý hợp đồng. Trên thực tế, thủ tục vay vốn phức tạp khiến chi phí giao dịch tăng cao, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vốn đã hạn chế về nguồn lực tài chính và nhân sự. Quá trình chuẩn bị hồ sơ như báo cáo tài chính, kế hoạch kinh doanh và tài sản thế chấp thường kéo dài, tốn kém dẫn đến việc doanh nghiệp phải tăng chi phí và đầu tư thêm thời gian(6). Điều này không chỉ gây áp lực tài chính mà còn làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh thị trường biến động và nhu cầu vốn ngày càng tăng cao.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã phải từ bỏ kế hoạch vay vốn hoặc chủ động tìm đến các nguồn vay phi chính thức với lãi suất cao. Tình trạng này cho thấy, sự bất cập trong hệ thống tín dụng với các thủ tục rườm rà và yêu cầu nghiêm ngặt đã hạn chế đáng kể khả năng tiếp cận nguồn vốn của các SME.

Ngoài ra, việc các ngân hàng yêu cầu tài sản thế chấp dưới dạng bất động sản hoặc tài sản có giá trị cao cũng tạo ra rào cản lớn khi mà phần lớn doanh nghiệp vùng Tây Bắc chủ yếu dựa vào tài nguyên địa phương hoặc sản xuất thủ công. Theo Vneconomy, chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam đáp ứng được các điều kiện tín dụng cơ bản, trong đó phần lớn gặp khó khăn ở khâu thẩm định tài sản và đánh giá tính khả thi của dự án kinh doanh(7). Mặt khác, chi phí phát sinh trong việc hoàn thiện thủ tục vay vốn, đặc biệt tại các vùng miền núi như Tây Bắc còn làm tăng thêm áp lực tài chính cho doanh nghiệp.

Rào cản về vấn đề thiếu thông tin và hỗ trợ

Những khó khăn trong điều kiện vay vốn rõ rệt hơn khi thiếu thông tin về các gói tín dụng ưu đãi. Sự thiếu rõ ràng trong các chính sách tín dụng đã làm giảm khả năng tham gia của SME vào các chương trình tài chính.

Thống kê cho thấy, hơn 57% trong tổng số các SME gặp khó khăn về tiếp cận vốn(8). Một mặt, thực tế này xuất phát từ sự thiếu tư vấn và hỗ trợ của ngân hàng, khiến nhiều doanh nghiệp gặp không ít khó khăn trong hoàn thiện hồ sơ vay vốn; mặt khác, tâm lý “e ngại” của các doanh nghiệp cũng là nhân tố ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng.

Rào cản về hạ tầng và thị trường

Một là, rào cản về hạ tầng và chi phí vận chuyển cao.

Ở vùng Tây Bắc, tầng cơ sở không bảo đảm và chi phí vận chuyển cao làm tăng giá thành sản phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh của các SME. Trên thực tế, các SME thường phụ thuộc vào các tuyến đường bộ, vốn bị hạn chế về năng lực vận chuyển và thường xuyên bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết. Điều này không chỉ có thể làm gián đoạn hoạt động vận chuyển mà còn gây thiệt hại lớn về tài sản, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp kinh doanh nông sản cần bảo đảm về thời gian và điều kiện bảo quản. Ngoài ra, chi phí vận chuyển cao dẫn đến tình trạng các SME không cạnh tranh được với các doanh nghiệp lớn hoặc các sản phẩm nhập khẩu giá rẻ, được hỗ trợ bởi hệ thống vận chuyển hiện đại.

Bên cạnh đó, sự thiếu kết nối với hệ thống cảng biển lớn khiến các SME vùng Tây Bắc gặp nhiều khó khăn khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Một số doanh nghiệp phải vận chuyển hàng qua nhiều khâu trung gian để có thể tiếp cận thị trường xuất khẩu; từ đó, làm tăng chi phí vận chuyển và giảm tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, vốn là thế mạnh của vùng Tây Bắc cũng gặp không ít khó khăn trong việc bảo đảm giá trị gia tăng vì phần lớn lợi ích bị các khâu trung gian “chiếm dụng”. Hệ quả là, nhiều SME phải giới hạn hoạt động kinh doanh ở quy mô nhỏ và chỉ tập trung vào thị trường địa phương, nơi sức mua thấp và nhu cầu không ổn định. Điều này tạo ra một vòng luẩn quẩn, khi mà chi phí cao cản trở khả năng mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, trong khi quy mô nhỏ lại làm tăng chi phí cố định trên mỗi đơn vị sản phẩm.

Hai là, khó khăn trong tiếp cận công nghệ hiện đạinguồn nhân lực vận hành.

Ở vùng Tây Bắc, khả năng tiếp cận công nghệ hiện đại chịu tác động bởi sự thiếu kết nối giữa SME với các tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo và các trung tâm nghiên cứu, đào tạo công nghệ. Điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp không chỉ gặp khó khăn trong cập nhật xu hướng công nghệ mới mà còn thiếu hướng dẫn cụ thể để áp dụng vào mô hình kinh doanh. Trên thực tế, việc thiếu mạng lưới hỗ trợ đổi mới sáng tạo là một trong những nhân tố cản trở các SME nhận được những lợi ích từ các chương trình chuyển giao công nghệ và đào tạo. Ngoài ra, chi phí đầu tư ban đầu để áp dụng công nghệ thường vượt quá khả năng tài chính của SME. Do đó, các doanh nghiệp này thường không đủ khả năng tiếp cận để triển khai các giải pháp công nghệ số hóa như phần mềm quản lý chuỗi cung ứng, tự động hóa sản xuất và công cụ tiếp thị số.

Hạn chế về hạ tầng viễn thông, internet gây không ít thách thức trong việc triển khai các giải pháp công nghệ hiện đại. Trên thực tế, tỷ lệ phủ sóng internet và chất lượng kết nối ở nhiều khu vực vùng Tây Bắc chưa đạt chuẩn; từ đó, gây khó khăn cho các doanh nghiệp triển khai hệ thống quản lý trực tuyến, thương mại điện tử hoặc tích hợp dữ liệu trong hoạt động sản xuất và kinh doanh. Mặt khác, sự thiếu hụt về đội ngũ nhân sự có kỹ năng công nghệ cũng làm trầm trọng thêm vấn đề này. Nhiều doanh nghiệp không có khả năng thu hút hoặc giữ chân lao động có trình độ cao do mức thu nhập thấp và môi trường làm việc thiếu điều kiện để phát triển. Hơn nữa, các chương trình đào tạo tại địa phương chủ yếu tập trung vào kỹ năng lao động truyền thống mà chưa chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc vận dụng hiệu quả các công nghệ hiện đại.

Ba là, rào cản về thị trường tiêu thụ nhỏ và thiếu liên kết.

Ở vùng Tây Bắc, hạn chế về thị trường tiêu thụ không chỉ là vấn đề của từng địa phương mà còn phản ánh những khó khăn mang tính hệ thống của các SME. Với mật độ dân cư thưa và thu nhập ở mức trung bình thấp, các SME phải đối mặt với nhu cầu tiêu thụ nhỏ lẻ và không ổn định. Thực tế này khiến các SME phải duy trì quy mô sản xuất nhỏ, làm giảm khả năng đầu tư và mở rộng hoạt động kinh doanh.

Những sản phẩm truyền thống nổi tiếng mang thương hiệu đặc trưng của vùng Tây Bắc như: Chè, dược liệu và đồ thủ công mỹ nghệ (thổ cẩm, đồ gỗ) vốn có tiềm năng lớn song chưa có chiến lược quảng bá hiệu quả để tiếp cận thị trường lớn. Thay vì được quảng bá dưới dạng sản phẩm có giá trị, nhiều nông sản và sản phẩm thủ công vùng Tây Bắc chỉ được tiêu thụ ở dạng thô hoặc qua các kênh bán hàng truyền thống, mang lại giá trị kinh tế thấp.

Hơn nữa, sự thiếu liên kết với các doanh nghiệp lớn hoặc chuỗi cung ứng toàn cầu là một trong những rào cản lớn đối với các SME tại khu vực này. Các SME không đủ nguồn lực để tiếp cận hệ thống tiêu chuẩn chất lượng quốc tế hoặc đáp ứng yêu cầu kỹ thuật khắt khe về truy xuất nguồn gốc sản phẩm hoặc chứng nhận xuất khẩu. Điều này dẫn đến hệ quả các SME mất đi cơ hội đưa sản phẩm vào thị trường nước ngoài hoặc các kênh phân phối hiện đại, vốn có thể mang lại lợi nhuận cao hơn. Mặt khác, sự thiếu hụt về nền tảng thương mại điện tử hoặc công nghệ hỗ trợ bán hàng trực tuyến là một trong những rào cản lớn để các SME tiếp cận thị trường. Trong khi các SME ở khu vực đô thị đã tận dụng lợi thế của công nghệ số để mở rộng thị trường, thì nhiều SME tại vùng Tây Bắc vẫn chưa tiếp cận được các công cụ này do hạn chế về hạ tầng và kỹ năng sử dụng công nghệ.

Hệ quả là, các SME vùng Tây Bắc không thể khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của mình trong việc đóng góp vào nền kinh tế vùng và quốc gia. Hạn chế về thị trường tiêu thụ cùng với sự thiếu hụt về chiến lược tiếp cận thị trường hiệu quả khiến các SME không thể mở rộng quy mô, tăng năng suất hoặc đổi mới sản phẩm. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách về việc xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển thị trường tiêu thụ, thúc đẩy kết nối chuỗi cung ứng và tăng cường quảng bá giá trị văn hóa của các sản phẩm truyền thống vùng Tây Bắc.

3. Định hướng chính sách cho sự phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ vùng Tây Bắc thời gian tới

Thứ nhất, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn và tín dụng

Khả năng tiếp cận nguồn vốn từ lâu đã được coi là trở ngại lớn đối với quá trình phát triển của các SME trên toàn cầu. Các quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ tài chính hiệu quả nhằm giải quyết thách thức này. Tại Hoa Kỳ, Cơ quan quản lý doanh nghiệp nhỏ (SBA) không chỉ triển khai chương trình bảo lãnh tín dụng nhằm chia sẻ rủi ro với ngân hàng khi cấp vốn cho các SME, mà còn thiết lập quỹ đầu tư mạo hiểm cho những doanh nghiệp công nghệ cao trong giai đoạn khởi nghiệp; từ đó, tạo động lực mạnh mẽ trong hoạt động đổi mới sáng tạo. Trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và các tổ chức tín dụng, thiết lập quỹ đầu tư mạo hiểm hướng tới doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Đồng thời, áp dụng chính sách “tín dụng mềm” và thuế ưu đãi phù hợp với bối cảnh đặc thù, đặc biệt ở vùng Tây Bắc.

Bên cạnh đó, để các SME dễ dàng tiếp cận nguồn vốn và tín dụng cần chú trọng xây dựng cơ chế kết nối doanh nghiệp và tổ chức tài chính B2B. Doanh nghiệp cần khai báo về nhu cầu cấp vốn cho dự án và hoạt động sản xuất. Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEDF) đóng vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp và tổ chức tài chính cần xây dựng kế hoạch phân bổ ngân sách cho các loại hình doanh nghiệp khác nhau. Mặt khác, nên phân vùng cho các khu vực miền núi và trung du Bắc Bộ theo loại hình doanh nghiệp, đặc biệt là các tổ chức phi lợi nhuận vì cộng đồng. Đẩy mạnh xây dựng kế hoạch, chương trình, khóa học tham vấn phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp. Trên thực tế, nhu cầu tham vấn có sự khác biệt giữa doanh nghiệp vừa và doanh nghiệp nhỏ; vì vậy, khi kết nối chuyên gia tư vấn và doanh nghiệp cần phụ thuộc vào quy mô, loại hình doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu.

Cần đa dạng hóa phương pháp hỗ trợ tài chính. Thay vì tập trung chủ yếu vào phương pháp hỗ trợ trực tiếp, SMEDF nên tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp gián tiếp, bao gồm tìm kiếm và đề xuất các dự án của Chính phủ dựa trên từng lĩnh vực, loại hình và quy mô của doanh nghiệp. Các gói hỗ trợ của Chính phủ không chỉ giúp các SME nói chung và SME vùng Tây Bắc nói riêng vượt qua khó khăn tài chính mà còn ổn định tình hình tài chính trong bối cảnh hiện nay.

Thứ hai, đẩy mạnh kết nối thị trường và xuất khẩu cho các SME, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất.

Trong bối cảnh hiện nay, nền tảng thương mại điện tử đã và đang mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiếp cận thị trường quốc tế. Năm 2023, giá trị xuất khẩu thương mại điện tử B2C ở Việt Nam đạt 86 nghìn tỷ đồng, trong đó các SME đóng góp 26%. Tuy nhiên, 93% SME cho rằng, họ không thể xuất khẩu nếu không có nền tảng thương mại điện tử(9). Do đó, việc hỗ trợ SME tham gia các sàn thương mại điện tử quốc tế, cung cấp thông tin về quy định nhập khẩu của các nước và đào tạo kỹ năng số là yêu cầu cần thiết để nâng cao năng lực xuất khẩu. Vì vậy, việc xây dựng chương trình hỗ trợ nên tập trung vào hướng dẫn và hỗ trợ các SME tham gia vào các sàn thương mại điện tử lớn, quy mô quốc tế như Shopee, Amazon, Alibaba hay eBay.

Nghiên cứu, hoàn thiện chính sách nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tạo lập và vận hành gian hàng trực tuyến, từ khâu thiết lập tài khoản, đăng tải thông tin sản phẩm đến tối ưu hóa quy trình bán hàng để bảo đảm hiệu quả kinh doanh. Bên cạnh đó, SME cần được cung cấp thông tin chi tiết và cập nhật về các quy định nhập khẩu của từng thị trường mà họ hướng tới. Điều này bao gồm hướng dẫn về tiêu chuẩn chất lượng, nhãn mác, thuế suất cũng như các quy trình thủ tục liên quan. Những thông tin này sẽ giúp các doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt hơn nhằm đáp ứng các yêu cầu của thị trường quốc tế và giảm thiểu rủi ro khi xuất khẩu.

Thứ ba, chú trọng tiếp cận công nghệ hiện đạinguồn nhân lực vận hành ở các SME

Việc tiếp cận công nghệ hiện đại và đội ngũ nhân lực vận hành bảo đảm chất lượng là yếu tố cốt lõi giúp các SME nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh kinh tế số và toàn cầu hóa. Để đạt được mục tiêu này, các giải pháp hỗ trợ cần được triển khai theo hướng toàn diện và bám sát thực tiễn. Trước tiên, các SME cần được hỗ trợ tiếp cận công nghệ hiện đại, bao gồm công nghệ sản xuất tiên tiến, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI) và phần mềm quản lý doanh nghiệp. Những chương trình này bao gồm việc cung cấp thông tin về: 1) Các công nghệ phù hợp với ngành nghề của từng loại hình doanh nghiệp; 2) Chính sách kết nối SME với các nhà cung cấp công nghệ trong và ngoài nước; 3) Gói hỗ trợ tài chính hoặc tín dụng ưu đãi để doanh nghiệp có khả năng đầu tư vào các giải pháp công nghệ hiện đại. Điều này sẽ giúp các SME vùng Tây Bắc cải thiện năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm; từ đó, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Cùng với việc tiếp cận công nghệ, phát triển nguồn nhân lực vận hành công nghệ hiện đại là yếu tố không thể thiếu để thúc đẩy các SME phát triển. Các chương trình đào tạo cần được thiết kế để trang bị cho đội ngũ nhân sự những kỹ năng cần thiết liên quan đến việc sử dụng và bảo trì hệ thống công nghệ tiên tiến, hiện đại. Chính phủ, các tổ chức giáo dục và các viện nghiên cứu cần tăng cường hoạt động phối hợp trong tổ chức các khóa học ngắn hạn, hội thảo chuyên đề, chương trình đào tạo tại chỗ nhằm đào tạo, nâng cao kỹ năng cho người lao động vùng Tây Bắc trong lĩnh vực công nghệ. Ngoài ra, việc xây dựng mạng lưới chuyên gia cố vấn hoặc trung tâm hỗ trợ kỹ thuật cho SME cũng rất quan trọng. Những trung tâm này có thể cung cấp dịch vụ tư vấn về công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc triển khai và tối ưu hóa các giải pháp công nghệ; từ đó, giúp doanh nghiệp nhanh chóng thích nghi với các xu hướng công nghệ mới.

4. Kết luận

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, các SME tại vùng Tây Bắc đang gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn trong hoạt động. Những rào cản về hạ tầng, khả năng tiếp cận công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực đòi hỏi được nghiên cứu, xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ phù hợp và hiệu quả. Kinh nghiệm từ việc xây dựng, vận hành các mô hình thành công trên thế giới cho thấy, sự kết hợp giữa hỗ trợ tài chính, đào tạo kỹ năng và chuyển giao công nghệ là yếu tố then chốt để SME vượt qua khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo dựng nền tảng phát triển bền vững. Tuy nhiên, để tthực hiện được những chính sách này, cần bám sát đặc điểm đặc trưng nhằm hướng tới những chiến lược phát triển dài hạn và có tính đột phá. Trong đó, chú trọng xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo và công nghệ; tiến hành các chương trình đào tạo chuyên sâu về kỹ năng công nghệ, quản lý số hóa và vận hành hệ thống hiện đại; xây dựng nền tảng số, tận dụng các kênh thương mại điện tử để quảng bá sản phẩm đặc sản; ban hành các chính sách tài chính linh hoạt như quỹ tài trợ hoặc chương trình vay vốn ưu đãi phù hợp.

_________________

Ngày nhận bài: 24-11-2024; Ngày bình duyệt: 10-2-2025; Ngày duyệt đăng: 16-02-2025.

Email tác giả: thanhhnq@hsb.edu.vn

(1) Nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hiện nay, ttps://htpldn.moj.gov.vn, ngày 6-10-2022.

(2) Tổng cục Thống kê: Niên giám Thống kê năm 2021, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2022, https://www.gso.gov.vn.

(3) Ngân hàng Thế giới: Chỉ số hiệu quả logistics và các chỉ số thành phần, Washington, DC: The World Bank Group, 2018.

(4) Hà Tuân: Doanh nghiệp vừa và nhỏ hồi sinh nhờ vốn ngân hàng, https://kiemsat.vn, ngày 03-6-2022.

(5) Hà Việt Thúy: Nâng cao hiệu quả tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam, https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 13-4-2021.

(6) Masdupi, E., Firman, F., Rasyid, R., & Darnia, M: “Financial literacy and sustainability in SMEs: Do financial risk attitude, access to finance, and organizational risk-taking tolerance mediate?”, https://doi.org, (7) 6 lý do khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận tín dụng," VnEconomy, truy cập ngày 31-7-2024, https://vneconomy.vn/chuyen-gia-neu-6-ly-do-khien-doanh-nghiep-nho-va-vua-kho-tiep-can-tin-dung.htm.

(8) Khơi thông “điểm nghẽn” tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, https://thoibaotaichinhvietnam.vn, ngày 31-7-2024.

(9) Bảo Bình: “Thách thức của doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ khi xuất khẩu qua thương mại điện tử”, https://vneconomy.vn, ngày 14-10-2024.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những khó khăn, rào cản và định hướng chính sách phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ ở vùng Tây Bắc hiện nay
    POWERED BY