Thực tiễn

Giải pháp phát huy sức mạnh toàn hệ thống chính trị và nhân dân nhằm phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trong kỷ nguyên mới của dân tộc

10/04/2025 11:09

(LLCT) - Bước vào kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc, Thành phố Hồ Chí Minh cần nhìn nhận, đánh giá lại các vấn đề cốt yếu của đô thị như: quy hoạch, hạ tầng kiến trúc, xây dựng, giao thông, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đô thị…, theo các tiêu chí khoa học, gắn liền với thực tiễn. Từ đó, nghiên cứu các giải pháp phát triển ở tầm chiến lược, tương xứng với khả năng, tiềm lực của trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của khu vực phía Nam, góp phần vào kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam. Bài viết phân tích, luận giải các vấn đề: (1) Nội dung về kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc; (2) Thực tiễn thời gian qua và yêu cầu phát triển Thành phố trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc; (3) Các giải pháp chủ yếu phát triển Thành phố trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc.

TS PHAN HẢI HỒ
Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh

TP. Hồ Chí Minh tự tin cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình ...
Xây dựng, phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thành đô thị hiện đại, văn minh theo định hướng nhanh chóng, kiên quyết, triệt để, khoa học_Ảnh: thoibaotaichinhvietnam.vn

1. Kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc

Hiện nay, thuật ngữ “kỷ nguyên” có nhiều quan điểm khác nhau nhưng về cơ bản, được hiểu là một khoảng thời gian dài được xác định bởi các sự kiện, đặc điểm hoặc giai đoạn lịch sử quan trọng, có tác động đáng kể đến sự phát triển và tiến hóa của xã hội, văn hóa hoặc khoa học(1). Thuật ngữ “kỷ nguyên mới” được hiểu là một giai đoạn mới với những tiến bộ, đổi mới, hoặc thay đổi đáng kể trong nhiều lĩnh vực như công nghệ, xã hội, kinh tế hay chính trị, mang lại sự thay đổi lớn trong cách con người sống và làm việc(2).

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm thì kỷ nguyên mới hiện nay là “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ước vọng của toàn dân tộc, xây dựng thành công nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu”(3). Theo quan điểm chỉ đạo(4), kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc có 7 nội dung trọng tâm: Cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng; tăng cường tính đảng trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; tinh gọn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả; chuyển đổi số; chống lãng phí; về cán bộ; về kinh tế.

Với các nội dung nêu trên về kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc, Thành phố phải triệt để tuân thủ quan điểm chỉ đạo theo 7 nội dung trọng tâm. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả, Thành phố cần giải quyết các vấn đề chủ yếu sau:

Xây dựng và triển khai các đề án có tầm chiến lược về đô thị; giải đáp về lý luận và thực tiễn có luận cứ khoa học các vấn đề trọng tâm, cốt lõi, đặc thù mà Thành phố cần thực hiện.

Cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng, kết hợp với đổi mới sự lãnh đạo, vận hành bộ máy chính quyền Thành phố như: đổi mới tư duy, nhận thức, cách thức lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp với thực tiễn và định hướng phát triển của Thành phố.

Xây dựng và hoàn thiện thể chế, nguồn nhân lực trên cơ sở sắp xếp, tinh giản bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của hệ thống chính trị theo đúng chủ trương của Đảng(5) và thực tiễn cơ chế, chính sách đặc thù Thành phố.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16-9-2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh (Nghị quyết 131), Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24-6-2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (Nghị quyết 98). Tiến tới kiến nghị Trung ương xây dựng Luật Tổ chức chính quyền đô thị để tạo hành lang pháp lý cho Thành phố và các địa phương khác khi đáp ứng các tiêu chuẩn của chính quyền đô thị trong bối cảnh kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc.

Xây dựng, phát triển Thành phố thành đô thị hiện đại, văn minh theo định hướng nhanh chóng, kiên quyết, triệt để, khoa học, đó là: phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; xây dựng hạ tầng giao thông đô thị hiện đại, phương tiện giao thông kết hợp kiến trúc, quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị; thực hiện chuyển đổi số; xây dựng các chính sách an sinh - xã hội và các vấn đề khác có liên quan trực tiếp đến các quyết sách của Thành phố.

2. Những tiền đề thực tiễn và yêu cầu phát triển Thành phố trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc

Thực tiễn của Thành phố(6)

Trong những năm đầu đổi mới (1986-1995), Thành phố đã chuyển nhanh từ nền kinh tế quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường, tăng trưởng kinh tế đạt trung bình 12,62%/năm; cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, trung tâm dịch vụ chất lượng cao của cả nước. Đồng thời, giai đoạn này Thành phố cũng đã có những chuyển biến tích cực về quy hoạch đô thị (khu đô thị Thủ Thiêm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch); phát triển hạ tầng giao thông đô thị (xây dựng hệ thống xe bus nội đô, triển khai xây dựng mới một số con đường huyết mạch của Thành phố...); tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn được bảo đảm, người dân Thành phố tin tưởng và sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Giai đoạn 1996 - 2010, tăng trưởng kinh tế Thành phố đạt tốc độ bình quân 2 con số 10,11% (nổi bật là 2 giai đoạn: 2001- 2005 là 11%; 2006 - 2010 là 11,18%/năm). Thành phố đã có sự phát triển vượt bậc về quy hoạch, giao thông, về xây dựng và kiến trúc đô thị... Tuy nhiên, hạ tầng giao thông vẫn chưa phát triển xứng tầm, chủ yếu vẫn được xây dựng từ những thập niên trước, chưa xây dựng mới nhiều; kinh tế, văn hóa, xã hội chưa phát triển tương xứng với tiềm năng của Thành phố.

Giai đoạn 2011-2020, tăng trưởng kinh tế Thành phố đạt bình quân 6,86%/năm. Quy mô kinh tế năm 2020 tăng gấp 2,7 lần năm 2010, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 tăng gấp 2,39 lần so với năm 2010. Thành phố tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện chất lượng tăng trưởng kinh tế trên nền tảng ứng dụng khoa học và công nghệ, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tập trung vào các ngành công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao; văn hóa, xã hội phát triển theo chiều sâu, bảo đảm mỹ quan và các giá trị truyền thống của Thành phố; hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông có sự đầu tư phát triển. Tuy nhiên, hạ tầng chưa theo kịp tốc độ phát triển của phương tiện cá nhân nên Thành phố thường xảy ra ùn tắc, quá tải về giao thông đô thị.

Giai đoạn từ năm 2021 đến nay, do tác động của đại dịch Covid -19, kinh tế Thành phố suy giảm lớn: năm 2020 là 1,4%; năm 2021 là - 6,78%; năm 2022, là 9,03%; năm 2023 là 5,81%; năm 2024 là 7,17%. Mặc dù vậy, thành phố đã có sự phát triển vượt bậc về hạ tầng giao thông đô thị (xây hầm vượt sông Sài Gòn, cầu Thủ Thiêm 1, 2, cầu Phú Mỹ, cầu Sài Gòn 2, cầu Bình Triệu 2; hệ thống Metro Bến Thành – Suối Tiên...; các tuyến đường chính như đường Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng... được đưa vào sử dụng); Quy hoạch kiến trúc đô thị Thành phố (đến năm 2030, định hướng đến năm 2050), Cảng trung chuyển Cần Giờ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.... Tuy nhiên, Thành phố vẫn kẹt xe, ngập nước, các chỉ số CPI, PAPI, CIPAS chưa tương xứng so với tiềm năng và còn thấp so với các địa phương khác(7).

Những yêu cầu đặt ra cho phát triển Thành phố trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc

Thứ nhất, xây dựng và triển khai tối ưu nhất các đề án, chính sách chiến lược, quyết đoán thực hiện các quyết sách quan trọng, cấp bách của Thành phố; đồng thời tranh thủ sự ủng hộ từ Trung ương đối với cơ chế, chính sách đặc thù.

Thứ hai, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và năng lực quyết đoán, tự chịu trách nhiệm, hạn chế các biểu hiện “chùng chân", thực hiện tốt cơ chế tuyển dụng, đánh giá và sử dụng đội ngũ cán bộ.

Thứ ba, khai thác triệt để tiềm năng, thế mạnh của Thành phố về nguồn lực con người, hạ tầng đô thị, địa chính trị - kinh tế - văn hóa – xã hội; xoá bỏ dần các rào cản về thể chế, phương thức, tư duy quản lý, cục bộ bản vị; tiến tới tháo gỡ khó khăn về hệ thống hạ tầng giao thông đô thị, giao thông nội đô, nội vùng và liên vùng.

Thứ tư, xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng phát triển chiều sâu dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, tri thức, đổi mới - sáng tạo, sự đột phá đối với các ngành công nghiệp ứng dụng, duy trì ở mức hợp lý tỷ trọng của ngành công nghiệp truyền thống trong cơ cấu công nghiệp của Thành phố (dệt may, chế biến nông sản, hóa nhựa…); đột phá và gia tăng tỷ trọng các lĩnh vực dịch vụ như Logistics, kho bãi, dịch vụ cảng, kinh doanh bất động sản, khoa học công nghệ, du lịch…

Thứ năm, quán triệt tư duy về tăng trưởng và phát triển kinh tế của Thành phố phải đặt trong thể chế liên kết vùng và liên vùng để giải quyết triệt để các điểm hạn chế, bất cập, nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, nội lực của các địa phương (các điểm nghẽn về hạ tầng giao thông trong khu vực và vùng, quan niệm cục bộ về “nền kinh tế” của mỗi tỉnh, thành; cơ chế xin cho về đầu tư các dự án…).

Thứ sáu, xác định điểm mấu chốt của Thành phố là thay đổi toàn diện, mạnh mẽ, thực chất về không gian, quy hoạch, giao thông, môi trường đô thị, từ đó có cơ sở để vươn xa hơn trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, khoa học kỹ thuật…, tương xứng với tiềm năng, lợi thế, sức mạnh tiềm tàng của Thành phố. Triển khai gấp rút việc xây dựng Trung tâm tài chính Thủ Thiêm, các trung tâm khoa học công nghệ, đào tạo, khởi nghiệp sáng tạo…; thúc đẩy liên kết, hợp tác và hội nhập quốc tế.

3. Giải pháp chủ yếu phát triển Thành phố trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc

Thứ nhất, giải pháp từ Trung ương

Ban chấp hành trung ương Đảng, Bộ Chính trị: Ban hành các chủ trương thúc đẩy phát triển thành phố; phân cấp, ủy quyền cho Thành phố quyết định các quyết sách địa phương trên cơ sở đường lối chung, hạn chế những chỉ đạo mang tính, nhỏ lẻ; thực hiện phân quyền trao quyền; trao quyền trên thực tế…

Quốc hội: Thực hiện bao hàm các chính sách vĩ mô như Ban hành Luật Tổ chức chính quyền đô thị, Luật Phân cấp, ủy quyền theo quan điểm chỉ đạo của Tổng bí thư Tô Lâm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Cụ thể:

Trung ương chỉ lãnh đạo về tầm chiến lược, giám sát các chính sách thực thi của địa phương; xử lý khi có vi phạm pháp luật về chính sách của Trung ương.

Địa phương được tự chủ thực thi trong phạm vi được phân cấp, ủy quyền; được quyết định, chịu trách nhiệm, kể cả các vấn đề về tài chính, ngân sách và các nguồn lực khác.

Chính phủ: Đẩy mạnh việc trao quyền cho Thành phố trên cơ sở Luật Phân cấp, ủy quyền; Chính phủ thực hiện chức năng giám sát, chỉ đạo trong các trường hợp cần thiết; các bộ - ngành không can thiệp theo cơ chế xin cho; Thành phố được quyết định trong phạm vi đã được phân quyền, kể cả tài chính để bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm khi thực thi các quyết sách chiến lược.

Thứ hai, giải pháp từ hệ thống chính trị Thành phố

Về sự lãnh đạo của Đảng bộ Thành phố

Đổi mới tư duy, phương thức lãnh đạo: Bí thư, Phó Bí thư được xem là những người định hướng chiến lược; tập trung đi cơ sở, giám sát, kiểm tra các cơ sở đảng.

Thực hiện phương châm “thành công hay thất bại đều từ cơ sở đảng nhỏ nhất”. Đảng bộ Thành phố đổi mới phương thức lãnh đạo bằng việc trao quyền cho hệ thống tổ chức cơ sở Đảng trong tất cả các lĩnh vực có liên quan, cơ sở thực thi tốt thì Đảng bộ Thành phố tốt.

Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo Thành phố

Bảo đảm vừa hồng, vừa chuyên, “tâm, tầm, trí, dũng” theo các tiêu chí về phẩm chất, đạo đức, năng lực, chuyên môn mà Đảng và Nhà nước đặt ra.

Thực hiện phong cách lãnh đạo khoa học, dành nhiều thời gian, trí tuệ, tâm huyết cho việc chỉ đạo, lãnh đạo các công việc mang tính chiến lược, sách lược, xứng tầm Thành phố; hạn chế tham dự các hội nghị không quan trọng, không là người chủ trì hoặc kiêm nhiệm trưởng các ban, các tổ công tác khác (nếu không cần thiết)…

Thành lập Ban chỉ đạo chiến lược để hoạch định chính sách, chiến lược, chỉ đạo thực thi hoặc xử lý các vấn đề mang tầm chiến lược của Thành phố, đặc biệt là thẩm quyền xử lý ngay các vấn đề quan trọng, cấp bách, tác động mạnh đến vấn đề kinh tế, xã hội Thành phố.

Lắng nghe, thực hiện việc đi cơ sở để kịp thời nắm bắt trực tiếp những vấn đề thực tế xảy ra, từ đó có những nhận định chính xác, khách quan trong việc hoạch định và giải quyết các vấn đề cốt lõi của Thành phố.

Trọng dụng, sử dụng nguồn nhân lực thực tài; thực hiện tốt công tác sử dụng, đánh giá cán bộ.

Về thể chế, bộ máy, nhân sự của hệ thống chính trị thành phố

Mạnh dạn xây dựng Đề án xin phép Trung ương sáp nhập, tinh gọn bộ máy theo hướng:

(1) Hệ thống Mặt trận Tổ quốc vào các tổ chức chính trị - xã hội, gồm: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Đoàn Thanh niên, Hội liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Liên đoàn Lao động Thành phố sáp nhập lại, thành duy nhất 01 tổ chức có thẩm quyền, phạm vi, chức năng, có tên gọi Mặt trận Tổ quốc và tổ chức thành viên Thành phố (cấu thành từ các tổ chức thành viên).

(2) Hệ thống thanh tra chuyên ngành các sở, ngành chuyển về Thanh tra thành phố, trong đó, mỗi thanh tra sở vẫn là một phòng chức năng thuộc thanh tra Thành phố.

(3) Hệ thống bộ máy chính quyền Thành phố. Về cơ bản vẫn thực hiện việc nhập các cơ quan, đơn vị như Nghị quyết 18 và chỉ đạo của Trung ương. Tuy nhiên, cần xem xét theo cơ chế, chính sách đặc thù của Nghị quyết 98, Nghị quyết 131 về chính quyền đô thị:

Đánh giá, tổng kết đối với các cơ quan, đơn vị được thành lập sau khi có 2 văn bản này để xem xét, quyết định phù hợp, ví dụ: Sở An toàn thực phẩm, thành phố Thủ Đức (mô hình: đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt hay đặc khu, hay vẫn là thành phố thuộc Thành phố…); Trung tâm phục vụ hành chính công Thành phố, Trung tâm hành chính công Thủ Đức và các đơn vị đặc thù của thành phố Thủ Đức.

Căn cứ vào các vấn đề có tính khoa học như: quy mô, dân số, cực tăng trưởng, xu thế quản lý phát triển, mô hình mẫu chính quyền đô thị, tính “tự quản”, chức năng của chính quyền với mối quan hệ thị trường, xã hội (chính quyền làm gì, thị trường, doanh nghiệp, xã hội làm gì, công dân làm gì), từ đó có cơ sở để sắp xếp, tinh gọn bộ máy, phù hợp với yêu cầu thực tiễn Thành phố đặt ra(8).

(4) Đội ngũ thực thi nhiệm vụ công vụ. Tổ chức thực hiện Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31-12-2024 của Chính phủ quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, Thành phố cần: Xây dựng chiến lược về nguồn nhân lực, đặc biệt chú trọng ưu đãi những người có năng lực đặc biệt, có kiến thức chuyên môn, tư duy, đạo đức, phẩm chất tận hiến, tận tâm cho thành phố; Đào tạo, bồi dưỡng về tư duy, tầm nhìn, sứ mệnh phục vụ và thực thi công vụ; Xây dựng KPI đánh giá năng lực chuyên môn dựa trên các quy định của Đảng và Nhà nước hiện hành như: Quy định số 124-QĐ/TW ngày 4-10-2023 của Bộ Chính trị về việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị; Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13-8-2020 của Chính phủ về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định số 48/2023/NĐ-CP ngày 17-7-2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13-8-2020 về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức).

Về thực hiện chuyển đổi số

Thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Thành phố cần đẩy mạnh:

Triển khai đúng lộ trình của Đề án thí điểm mô hình tổ chức và hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công, có tổng kết đánh giá sau thời gian thực hiện.

Thực hiện các giao dịch hành chính, dịch vụ công trên các nền tảng mạng xã hội, nền tảng cung ứng dịch vụ công trực tuyến quốc gia và Thành phố.

Chia sẻ trách nhiệm giữa hệ thống chính trị với người dân, thực hiện số hóa để tối ưu các thủ tục hành chính, thủ tục cung ứng dịch vụ công.

Về thực hiện liên kết vùng từ các chính sách phát triển kinh tế, xã hội, an sinh xã hội, nông thôn - đô thị

Xây dựng tư duy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội từ liên kết vùng, xóa bỏ tư duy cục bộ địa phương, theo đó, thực hiện kết nối đầu tư chiến lược vùng, cụ thể:

Thực hiện liên kết phát triển kinh tế, xã hội và giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội vùng, các chính sách phát triển trọng điểm, giải quyết các vấn đề quan trọng, mang tính cốt lõi, chiến lược vùng.

Thống nhất nhận thức, sân bay quốc tế Long Thành là sân bay chung và Thành phố phải khai thác tiềm năng, lợi thế vì đây là nơi vận chuyển các nhà ngoại giao, chính khách, du khách, nhân lực quốc tế và hàng hoá cho Thành phố.

Liên kết với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ để xây dựng các khu công nghiệp, hạ tầng giao thông, cảng biển, cảng sông, cảng hàng không. Các tỉnh thành phố lân cận, gắn liền Thành phố như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh, được xem là vệ tinh hỗ trợ, xúc tiến phát triển kinh tế, kết nối giao thông, kéo giãn mật độ dân cư... cho Thành phố;

Các tỉnh trong vùng Nam Bộ là vùng liên kết, hỗ trợ các chính sách phát triển vùng, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn như: (i) hỗ trợ Thành phố trong các chính sách kéo giãn cư dân; (ii) thực hiện xây dựng nông thôn mới, đảm bảo nông dân định cư tại địa phương (định cư tại chỗ); (iii) hạn chế nông dân các tỉnh di cư lên Thành phố làm tăng dân số cơ học, gây hệ lụy về gia tăng áp lực giao thông, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, buôn bán...; (iv) các địa phương giúp tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp, sản phẩm nông nghiệp chế biến từ các nhà máy ở Thành phố, ngược lại, doanh nghiệp Thành phố giúp các địa phương xây dựng các khu công nghiệp, các nhà máy chế biến sản phẩm nông nghiệp...

Về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội (đô thị, hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế, an sinh xã hội…)

Một là, định hướng rõ và thực hiện quan điểm “xây dựng hạ tầng đô thị, giao thông, cơ sở vật chất khác của Thành phố từ việc làm lại từ đầu”, chỉnh trang đô thị, xây dựng không gian xanh. Thành phố cần tạo đột phá chương trình nhà ở, xây dựng các khu chung cư một cách tổng thể, gắn quy hoạch nhà ở với không gian đô thị, quy hoạch dân cư, bố trí lại dân cư, sử dụng công cụ quy hoạch, công cụ tài chính để bố trí lại dân cư(9).

Trên cơ sở quy hoạch được Trung ương phê duyệt tổ chức triển khai thực hiện:

Thực hiện việc xây dựng và chỉnh trang đô thị: giải tỏa trắng đất đai, theo từng giai đoạn để xây dựng các khu chung cư theo từng quận, tiến tới hoàn thành xây dựng đô thị hiện đại toàn Thành phố. Cách làm có thể theo hướng sau:

Triển khai nhanh chóng xây dựng các khu chung cư tại Thủ Thiêm để làm quỹ nhà ở khi thực hiện giải tỏa các quận nội thành.

Xây dựng phương án giải tỏa nhà ở riêng lẻ, diện tích quá nhỏ, nhà tập thể cũ nát theo từng quận: mỗi nhà sẽ được cấp 01 căn hộ tái định cư; tiền bán các căn bộ của chung cư mới được xây dựng trên đất được giải tỏa, nếu có chênh lệch về giá trị thì các hộ dân thuộc trường hợp nêu trên sẽ được bù thêm theo quy định của pháp luật về bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Nhanh chóng quy hoạch và làm hệ thống công trình ngầm, trong đó có giao thông ngầm của cả Thành phố.

Làm theo từng quận: Giải tỏa quận nào thì chuyển người dân về các chung cư đã xây dựng trước đó.

Từ đó, có mặt bằng, quỹ đất làm hạ tầng giao thông đô thị để thực thi các chính sách:

Xây dựng nhanh chóng các tuyến metro nội thành; phát triển, kết nối các tuyến đường sắt hoặc metro với các tỉnh vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ (xây dựng tuyến đường sắt kết nối Cần Thơ, xây dựng các tuyến metro kết nối Bình Dương, Đồng Nai…).

Triển khai đồng bộ hạ tầng giao thông, bảo đảm phương tiện công cộng, dân cư ở tập trung tại các chung cư: từ đó hạn chế và tiến tới cấm phương tiện cá nhân là xe gắn máy (chỉ cấp phép nội thành cho shipper hàng hóa); đánh thuế cao đối với các phương tiện cá nhân.

Hai là, chống lãng phí công sở, nguồn nhân lực, tài nguyên, vị thế, vị trí. Thành lập Ban chỉ đạo xử lý công sở; tiến hành định giá và đưa vào sử dụng các công sở đang không còn sử dụng (các công sở cũ, các công sở không sử dụng sau khi sáp nhập…).

Ba là, phát triển kinh tế theo hướng kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế đô thị... Thành phố chủ động thực hiện các giải pháp kinh tế số như doanh nghiệp số, quản lý thuế trên môi trường số…; xem xét, nghiên cứu và thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế thịnh vượng, tăng mạnh sản xuất, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; chuyển đổi các khu công nghiệp, khu chế xuất sang kinh tế xanh, sử dụng năng lượng sạch;... Chú trọng phát triển kinh tế Thành phố cân bằng, hài hòa giữa: tăng trưởng kinh tế bền vững; tiến bộ và công bằng xã hội; phúc lợi người dân và môi trường.

Bốn là, thực hiện chính sách an sinh xã hội. Thành phố cần có chính sách giảm thiểu sự mất cân đối giữa đầu tư cho kinh tế và văn hóa - xã hội, giải quyết triệt để các vấn đề an sinh xã hội như thực hiện chính sách xóa nhà tạm ven kênh rạch, nhà ổ chuột tại quận 1, tăng cường nhà ở xã hội,… giảm thiểu tình trạng người nhập cư lấn chiếm vỉa hè kinh doanh, buôn bán (các chính sách liên kết hỗ trợ nông thôn mới với các tỉnh để nông dân ổn định tại địa phương, chính sách quy hoạch các nơi buôn bán cho người nhập cư …).

Thứ ba, giải pháp về phía nhân dân Thành phố

Một là, động viên tinh thần đồng sức, đồng lòng (có nhiều ý kiến đóng góp, phản biện, đề xuất ý tưởng và ủng hộ) với các chính sách của Thành phố trong thời gian tới.

Hai là, có ý thức, tư tưởng, ý chí, trách nhiệm cộng đồng: chia sẻ khó khăn với lãnh đạo thành phố, chịu thiệt trước mắt về tài chính, các chế độ bồi thường liên quan đến nhà đất…

Ba là, đồng thuận và ủng hộ chính sách về phương tiện công cộng, cụ thể: hạn chế mua phương tiện giao thông cá nhân như xe gắn máy, ô tô; tăng cường tham gia phương tiện giao thông công cộng; đóng góp tiền, nhân công cá nhân vào việc phát triển hạ tầng giao thông đô thị và phương tiện công cộng.

_________________

Ngày nhận bài: 19-2-2025; Ngày bình duyệt: 24-02-2025; Ngày duyệt đăng: 5-4-2025.

Email tác giả: haihophantrong@gmail.com

(1), (2) “Khái niệm, nội hàm kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tốc của PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng biên tập Tạp chí cộng sản tại Hội thảo khoa học quốc gia “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn” do Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức ngày 15-11-2024, https://special.nhandan.vn/khai-niem-noi-ham-ky-nguyen-moi-ky-nguyen-vuon-minh/index.html

(3), (4) Phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII.

(5) Chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

(6) Nguyễn Chí Hải: Hành trình 48 năm vượt khó và phát triển của đầu tầu kinh tế TPHCM, https://tphcm.chinhphu.vn, ngày 30-4-2023.

(7) Nguyên Quân Cát: TPHCM và những chỉ số, https://ttbc-hcm.gov.vn, ngày 11-5-2024, https://ttbc-hcm.gov.vn/tphcm-va-nhung-chi-so-46317.html

(8), (9) TS Trần Du Lịch: “Thành phố Hồ Chí Minh làm gì để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Toạ đàm khoa học ngày 27-12-2024.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải pháp phát huy sức mạnh toàn hệ thống chính trị và nhân dân nhằm phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trong kỷ nguyên mới của dân tộc
    POWERED BY