Nghiên cứu lý luận

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng trong kỷ nguyên phát triển mới

18/07/2025 15:40

(LLCT) - Trong hơn 75 năm xây dựng và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh luôn chú trọng đổi mới chương trình giảng dạy cao cấp lý luận, đại học, sau đại học, nhằm gắn kết lý luận với thực tiễn, truyền thống với hiện đại. Đóng góp nổi bật của Học viện trên ba mảng chính: (1) Giảng dạy, tuyên truyền và hệ thống hóa học thuyết Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; (2) Nghiên cứu, phát triển lý luận chính trị, tổng kết thực tiễn, tham mưu, tư vấn xây dựng đường lối, chính sách, xuất bản tạp chí, sách lý luận; (3) Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, phát triển lý luận trong bối cảnh toàn cầu hóa. Với phương châm “trung thành - kiên định - sáng tạo”, Học viện đã và đang đóng vai trò “hạt nhân lý luận” cho sự nghiệp đổi mới, phát triển bền vững và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

PGS, TS ĐẶNG QUANG ĐỊNH
Viện Triết học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh_Ảnh: Thanh Lê

1. Mở đầu

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, đào tạo nguồn nhân lực ở trình độ đại học, sau đại học; trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý luận về đường lối đổi mới, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nghiên cứu khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý, khoa học hành chính, quản lý nhà nước, quản trị công phục vụ giảng dạy, học tập, góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định, hoàn thiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; tư vấn về công tác lý luận, phê bình văn hóa, văn học, nghệ thuật; tư vấn, định hướng, quản lý, chủ trì phối hợp các hoạt động khoa học của các cơ quan đảng Trung ương.

Trong suốt chặng đường phát triển, Học viện luôn kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trung thành với đường lối đổi mới của Đảng, coi đó là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam trong mọi hoạt động.

Kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đối lập với bảo thủ, giáo điều. Kiên định thể hiện sự nhận thức đúng đắn, khẳng định giá trị bền vững và sức sống trường tồn của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, gắn với nhiệm vụ đổi mới, bổ sung, phát triển nền tảng lý luận ấy trong bối cảnh mới.

Trung thành với đường lối đổi mới của Đảng trước hết là thấm nhuần và tin tưởng vào chủ trương đổi mới toàn diện, đồng bộ mà Đại hội Đảng khẳng định. Trung thành với đường lối đổi mới thể hiện ở quyết tâm xóa bỏ rào cản quan liêu, trì trệ; mạnh dạn đề xuất, bổ sung, phát triển những nhận thức mới, tư duy mới để hoàn thiện đường lối đổi mới. Tinh thần đổi mới phải bao hàm tự phê bình và phê bình: dám nhìn thẳng vào những hạn chế, yếu kém để điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn. Nhờ vậy, đường lối đổi mới của Đảng đã tạo động lực mạnh mẽ để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, đồng thời thúc đẩy hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Hơn 75 năm qua, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ vai trò là trung tâm hàng đầu về lý luận chính trị, luôn kiên định nền tảng tư tưởng của Đảng, đồng thời không ngừng đổi mới, phát triển tư duy lý luận, gắn bó với thực tiễn và phục vụ hiệu quả sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Đây là biểu hiện sinh động của bản lĩnh chính trị, tầm nhìn chiến lược và năng lực hành động vì sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước.

Tổng Bí thư Đỗ Mười đã đánh giá: “Trường Đảng cao cấp nay là Học viện Chính trị quốc gia mang tên Bác Hồ kính yêu, đã không ngừng phấn đấu vươn lên, trưởng thành về mọi mặt. Học viện đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, trước hết là nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt”, “là một trung tâm nghiên cứu lý luận quan trọng bậc nhất của Đảng, Học viện còn đào tạo ra hàng trăm cán bộ lý luận có trình độ cao. Học viện cũng đã có những thành tựu trong công tác nghiên cứu lý luận cách mạng, nghiên cứu những di sản của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin và Hồ Chí Minh; tham gia tích cực vào việc tổng kết thực tiễn cách mạng Việt Nam, đặc biệt là thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội, qua đó đóng góp cho Trung ương, các cấp ủy đảng, các cơ quan nhà nước nhiều ý kiến xác đáng trong việc hoạch định và phát triển đường lối, đề ra chủ trương, chính sách. Cùng với các cơ quan lý luận khác, Học viện đã tham gia cuộc đấu tranh tư tưởng lý luận để bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng”(1).

2. Nội dung

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã thể hiện vai trò trung tâm trong việc truyền bá, phát triển và bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần quan trọng vào thành tựu của Đảng và sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam:

Thứ nhất, nghiên cứu và phát triển lý luận chính trị

Nghiên cứu và phát triển lý luận chính trị là một trong những chức năng cốt lõi, góp phần định hình vị thế đặc biệt của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong hệ thống chính trị nước ta. Trên nền tảng kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, trung thành với đường lối đổi mới của Đảng, Học viện đã chủ động, tích cực tổng kết thực tiễn cách mạng Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm quốc tế để bổ sung, phát triển và hoàn thiện lý luận chính trị phù hợp với bối cảnh đất nước trong thời kỳ mới.

Trong suốt quá trình hoạt động, Học viện đã triển khai nhiều chương trình nghiên cứu trọng điểm, đề tài cấp nhà nước và cấp bộ, tập trung giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn cấp thiết của cách mạng Việt Nam. Các nội dung nghiên cứu mang tính chất nền tảng và chiến lược như: vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong điều kiện Đảng cầm quyền; bản chất sở hữu xã hội chủ nghĩa; đặc trưng và vai trò của chuyên chính vô sản trong giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội; bản chất, đặc điểm và cơ chế vận hành của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quan hệ giai cấp và đấu tranh giai cấp trong bối cảnh toàn cầu hóa và phát triển không đồng đều giữa các quốc gia… Những công trình này đã đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng tư duy lý luận, củng cố nền tảng tư tưởng của Đảng, làm rõ các khái niệm, nguyên lý và quy luật vận động mới trong thời kỳ phát triển và hội nhập quốc tế.

Một trong những điểm nổi bật là việc Học viện kết hợp chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn, đặc biệt thông qua hoạt động tổng kết thực tiễn để phát triển lý luận. Cách tiếp cận này không chỉ bảo đảm tính khách quan, khoa học, mà còn giúp lý luận chính trị tránh rơi vào giáo điều, trừu tượng. Qua đó, nhiều phát hiện từ thực tiễn đã được khái quát thành cơ sở khoa học để kiến nghị, đề xuất những giải pháp mới, làm nền tảng cho việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại. Đây cũng là minh chứng cho vai trò tiên phong của Học viện trong việc tham gia tư vấn chính sách chiến lược cho Đảng và Nhà nước.

Đội ngũ nhà khoa học, giảng viên và nghiên cứu viên của Học viện ngày càng được nâng cao về trình độ chuyên môn, phương pháp nghiên cứu và tư duy lý luận hiện đại. Điều này giúp cho các sản phẩm khoa học của Học viện không chỉ có giá trị học thuật mà còn mang tính ứng dụng cao, bám sát yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện công tác lý luận chính trị trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Đặc biệt, công trình “Về cách mạng Việt Nam trong thời đại ngày nay” của GS Nguyễn Đức Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương là một trong 29 công trình được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và công nghệ năm 2021 - hai giải thưởng cao nhất thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ do Đảng và Nhà nước trao tặng cho tác giả công trình có giá trị cao về khoa học, công nghệ và thực tiễn.

Công trình “Về cách mạng Việt Nam trong thời đại ngày nay” là một tác phẩm lý luận tiêu biểu, có giá trị khoa học và thực tiễn sâu sắc, phản ánh tư duy chiến lược và tầm nhìn biện chứng về con đường cách mạng Việt Nam trong bối cảnh hiện đại. Nội dung công trình khái quát những vấn đề cốt lõi của cách mạng Việt Nam từ sau đổi mới đến thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. GS Nguyễn Đức Bình đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để phân tích các quy luật vận động mới của thời đại, làm rõ những đặc điểm, mục tiêu và lộ trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đặc biệt nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và sự gắn bó chặt chẽ giữa Đảng với nhân dân. Tác phẩm là sự kết tinh giữa tri thức lý luận uyên thâm và trải nghiệm thực tiễn phong phú của một nhà lãnh đạo, nhà lý luận lớn. Công trình không chỉ cung cấp cơ sở khoa học vững chắc cho việc hoạch định đường lối, chính sách mà còn góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đây là một đóng góp quý báu cho sự nghiệp phát triển lý luận chính trị Việt Nam hiện đại.

Giải thưởng đối với công trình này không chỉ là sự ghi nhận những đóng góp to lớn của GS Nguyễn Đức Bình đối với nền lý luận chính trị cách mạng Việt Nam, mà còn khẳng định vai trò của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là một trung tâm đào tạo và nghiên cứu lý luận hàng đầu của Đảng.

Hiện nay, hoạt động nghiên cứu và phát triển lý luận chính trị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã và đang góp phần trực tiếp vào việc làm sáng tỏ những vấn đề lý luận quan trọng, cung cấp cơ sở khoa học vững chắc cho quá trình hoạch định chính sách, xây dựng Đảng và quản trị đất nước, nhất là đóng góp ý kiến trong quá trình xây dựng các văn kiện Đại hội XIV. Với hàng trăm báo cáo kiến nghị cho Đảng, Nhà nước những năm gần đây đã thể hiện sự đóng góp thiết thực, quan trọng của Học viện đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới.

Hoạt động nghiên cứu và phát triển lý luận chính trị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh vận hành theo một chu trình logic chặt chẽ, bảo đảm mọi chủ trương, đường lối của Đảng luôn dựa trên luận cứ khoa học và được kiểm chứng thực tiễn. Trước hết, Học viện tiến hành tổng kết thực tiễn thông qua các đề tài, luận án và khảo sát thực địa, thu thập dữ liệu về những vấn đề mới nảy sinh trong đời sống kinh tế - xã hội. Từ đó, các kết quả nghiên cứu được hệ thống hóa thành những luận cứ khoa học làm nền tảng cho việc hoạch định chính sách. Dựa trên các luận cứ này, Học viện xây dựng các báo cáo và kiến nghị, trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị. Trong quá trình chuẩn bị Văn kiện Đại hội XIV, những đề xuất của Học viện về định hướng phát triển và cơ chế kinh tế - xã hội đã được Trung ương tiếp thu, điều chỉnh và bổ sung vào các mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng. Cùng với đó là quá trình thẩm định, phản biện thông qua hội thảo, tọa đàm với các bộ, ngành, nhằm rà soát, đánh giá tính khả thi của từng đề xuất, hoàn thiện phương án tối ưu trước khi ban hành. Sau khi các chủ trương được thông qua, Học viện tiếp tục theo dõi, đánh giá hiệu quả thực thi và kịp thời kiến nghị điều chỉnh qua các báo cáo định kỳ. Nhờ vậy, đường lối của Đảng luôn được vận hành linh hoạt, phù hợp thực tiễn và phát huy tối đa hiệu quả, khẳng định vai trò của Học viện trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Song song với công tác đào tạo và nghiên cứu trong nước, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tích cực mở rộng hợp tác quốc tế, coi đây là một kênh quan trọng để tiếp cận, cập nhật và lan tỏa các giá trị lý luận tiên tiến của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng. Việc thiết lập mối quan hệ hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm lý luận chính trị hàng đầu trên thế giới, đặc biệt là ở các nước có truyền thống nghiên cứu học thuyết Mác - Lênin như Trung Quốc, Cuba, Nga, Đức, Pháp… thông qua hội thảo, trao đổi học thuật đã giúp Học viện tiếp cận những thành tựu mới trong phát triển lý luận chính trị, đồng thời giới thiệu thành tựu cách mạng Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh đến bạn bè quốc tế. Các chương trình trao đổi học thuật, giảng viên và nghiên cứu sinh của Học viện có điều kiện tiếp xúc với những quan điểm mới, cách tiếp cận đa chiều trong phân tích các vấn đề xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa. Qua đó, Học viện không chỉ làm giàu thêm nguồn tư liệu, phương pháp giảng dạy và nghiên cứu lý luận mà còn từng bước hội nhập về tư duy lý luận với thế giới. Đây là tiền đề để xây dựng một nền khoa học chính trị Việt Nam hiện đại, có bản sắc, đồng thời đủ sức phản biện, đối thoại và tranh luận học thuật trên các diễn đàn quốc tế.

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã chủ động tổ chức nhiều hội thảo quốc tế, qua đó tiếp cận và làm phong phú thêm hệ lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với những vấn đề mang tính toàn cầu như chuyển đổi số, biến đổi khí hậu, toàn cầu hóa và an ninh phi truyền thống. Việc mời các chuyên gia, học giả trong và ngoài nước trao đổi chuyên sâu đã đem lại luận cứ khoa học vững chắc để bổ sung, phát triển lý luận chính trị Việt Nam, giúp Đảng và Nhà nước luôn chủ động xây dựng chính sách, ứng phó linh hoạt trước những xu thế quốc tế. Không chỉ dừng lại ở vai trò tiếp thu, những hội thảo này còn trở thành diễn đàn phản biện, cung cấp giải pháp cụ thể cho việc hoạch định đường lối, chính sách phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và nâng cao năng lực cạnh tranh trong kỷ nguyên số. Nhờ vậy, thông điệp về bản sắc dân tộc, tính nhân văn và hiệu quả của con đường XHCN ở Việt Nam đã được khẳng định và lan tỏa, không chỉ trong nước mà còn được cộng đồng học thuật quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Sự chủ động hội nhập và chia sẻ học thuật đã khẳng định vị thế “diễn giả chủ động” của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời góp phần củng cố niềm tin xã hội, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng và nâng cao uy tín của đất nước trong tiến trình phát triển toàn cầu.

Có thể khẳng định, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực lý luận chính trị mà Học viện triển khai là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa việc vận dụng sáng tạo, bổ sung, phát triển các giá trị lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới của Đảng, góp phần làm phong phú thêm kho tàng lý luận cách mạng, đồng thời khẳng định tính đúng đắn, khoa học và hiện đại của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thời đại mới.

Thứ hai, giảng dạy và tuyên truyền học thuyết Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

Trong hơn 75 xây dựng và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh luôn giữ vững vai trò là trung tâm quốc gia hàng đầu về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý và nghiên cứu lý luận chính trị của Đảng. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của Học viện là giảng dạy và tuyên truyền học thuyết Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng. Trên cơ sở đó, Học viện đã không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao hiệu quả truyền đạt, góp phần nâng cao nhận thức lý luận cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Học viện đã có bước tiến quan trọng trong việc hệ thống hóa và chuyển tải một cách sâu rộng những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, gắn chặt với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đến đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Nội dung giảng dạy luôn bảo đảm tính toàn diện, khoa học, phản ánh đúng bản chất cách mạng, khoa học và nhân văn sâu sắc của học thuyết Mác - Lênin. Đặc biệt, Học viện chú trọng phân tích những phương thức Đảng ta đã và đang vận dụng một cách sáng tạo các nguyên lý lý luận vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, qua đó góp phần soi sáng và củng cố niềm tin lý luận của cán bộ, đảng viên đối với con đường đi lên CNXH.

Thông qua các chương trình đào tạo lý luận chính trị cao cấp, các lớp bồi dưỡng, hội thảo khoa học và tọa đàm lý luận chuyên đề, Học viện đã tạo diễn đàn học thuật quan trọng giúp cán bộ nghiên cứu, thảo luận và trao đổi sâu về các quy luật vận động xã hội, các vấn đề thực tiễn đặt ra đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước. Từ đó, góp phần làm rõ cơ sở khoa học của đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại; khẳng định vai trò lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Công tác giảng dạy và tuyên truyền lý luận tại Học viện đã tạo ra những chuyển biến căn bản trong chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng. Trước hết, thông qua các chương trình cao cấp lý luận chính trị gắn liền với thực tiễn, cán bộ tăng cường bản lĩnh chính trị vững vàng và khả năng phân tích sắc bén, giúp họ nhận diện kịp thời các xu hướng chính trị - xã hội, từ đó giữ vững lập trường trong mọi tình huống. Thứ hai, phương pháp đào tạo chú trọng phát triển tư duy hệ thống và tư duy biện chứng đã hình thành tư duy chiến lược trong việc ra quyết định lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ. Kỹ năng lãnh đạo, chỉ đạo được bồi đắp qua các tình huống giả lập, thảo luận nhóm và hội thảo chuyên đề, giúp họ tự tin vận dụng lý luận vào thực tiễn công tác, từ xây dựng chính sách đến tổ chức triển khai.

Có thể khẳng định, công tác giảng dạy và tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới của Đảng tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh không chỉ bảo vệ, phát triển và lan tỏa nền tảng tư tưởng của Đảng, mà còn góp phần trực tiếp đào tạo đội ngũ cán bộ chiến lược có đủ phẩm chất, năng lực và tư duy lý luận vững chắc để dẫn dắt đất nước vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội và phát triển bền vững trong bối cảnh mới.

Thứ ba, bảo vệ hệ tư tưởng cách mạng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Sau sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu vào cuối những năm 1980 - đầu 1990, một làn sóng thông tin xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, cũng như tính ưu việt của con đường XHCN đã lan rộng trên quy mô toàn cầu. Trong bối cảnh đầy biến động và phức tạp ấy, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã kiên định lập trường tư tưởng, giữ vững vai trò là “thành trì lý luận” của Đảng, không ngừng đấu tranh để bảo vệ nền tảng tư tưởng cách mạng.

Thông qua việc tổ chức các bài giảng chuyên đề, biên soạn giáo trình, xuất bản tạp chí, sách lý luận, nhất là tổ chức các hội thảo khoa học có tính phản biện cao, Học viện đã kiên quyết đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin và xuyên tạc mô hình phát triển của Việt Nam. Bằng việc phản bác các quan điểm sai trái, làm rõ các vấn đề lý luận - thực tiễn một cách khoa học, Học viện đã củng cố vững chắc lập trường tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp, qua đó góp phần giữ vững định hướng XHCN trong bối cảnh toàn cầu có nhiều thay đổi sâu sắc.

Hoạt động bảo vệ hệ tư tưởng cách mạng tại Học viện không dừng lại ở việc “giữ vững” mà còn là quá trình “bổ sung và phát triển” hệ tư tưởng. Các công trình nghiên cứu lý luận đã làm sâu sắc thêm những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, như vấn đề quá trình lịch sử tự nhiên của sự phát triển các hình thái kinh tế - xã hội, vai trò của đảng cộng sản, của nhà nước XHCN; nhận thức các quy luật khách quan trong sự vận động và phát triển của lịch sử; về sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp vô sản… trong điều kiện hội nhập và chuyển đổi số, cách mạng khoa học công nghệ, thực tiễn chính trị - xã hội thế giới thay đổi sâu sắc. Điều này thể hiện sự đóng góp to lớn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, góp phần định hình rõ nét đặc trưng mô hình XHCN ở Việt Nam.

Với việc tổ chức thành công Giải thưởng “Nghiên cứu lý luận chính trị” lần thứ nhất, năm 2024 và 04 cuộc thi viết chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Học viện đã thể hiện vai trò tiên phong, tạo dấu ấn và sức lan tỏa lớn, tạo nên sự sắc bén của vũ khí lý luận trong cuộc đấu tranh tư tưởng hiện nay. Có thể khẳng định, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tạo ra “thành trì lý luận” để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Đảng ủy Học viện ban hành Nghị quyết số 35-NQ/ĐU ngày 28-02-2020 về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Các cấp ủy đã xây dựng chương trình thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII và Nghị quyết số 35-NQ/ĐU của Đảng ủy Học viện trên 03 phương diện: nghiên cứu khoa học; đào tạo, bồi dưỡng; tuyên truyền, giáo dục và đã đạt nhiều kết quả nổi bật: cung cấp luận cứ khoa học để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học; đăng tải số lượng lớn bài viết trên sách, báo, tạp chí, xuất bản các cuốn sổ tay, chỉ đạo lập và duy trì hoạt động hiệu quả các trang fanpage về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; kết nối với nhiều ban, bộ, ngành trung ương và địa phương triển khai có hiệu quả công tác này. Qua đó làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động.

Tinh thần “trung thành - kiên định - sáng tạo” của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh không chỉ là phương châm hành động mà còn là biểu hiện sinh động của sự kết tinh giữa lý luận và thực tiễn, giữa bảo tồn giá trị cốt lõi và thích ứng với yêu cầu phát triển mới trong thời đại ngày nay. Trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vai trò của Học viện - Trung tâm quốc gia về lý luận chính trị, tư tưởng Hồ Chí Minh và khoa học lãnh đạo, quản lý càng trở nên quan trọng.

Trung thành và kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nguyên tắc nền tảng tạo nên bản sắc học thuật và chính trị của Học viện. Điều này thể hiện rõ qua việc Học viện không ngừng củng cố, bảo vệ và lan tỏa các giá trị cốt lõi của hệ tư tưởng cách mạng - đó là tính khoa học, tính cách mạng, tính nhân văn và tính thực tiễn. Tuy nhiên, điểm nổi bật không chỉ là sự trung thành và kiên định mà còn là tinh thần “sáng tạo” - một yêu cầu tất yếu trong kỷ nguyên số, toàn cầu hóa và phát triển bền vững. Sự sáng tạo của Học viện được thể hiện qua việc đổi mới nội dung, chương trình giảng dạy, đa dạng hóa phương thức đào tạo, hiện đại hóa công cụ nghiên cứu, tích hợp công nghệ thông tin và dữ liệu lớn trong quản trị học thuật và đào tạo, đồng thời cập nhật nhanh chóng các xu hướng lý luận mới trên thế giới để đối sánh, bổ sung, phát triển lý luận cách mạng Việt Nam.

3. Kết luận

Thế giới đang bước vào giai đoạn biến động nhanh, phức tạp: hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo song đối mặt xung đột cục bộ, áp đặt ý thức hệ, bảo hộ thương mại. Toàn cầu hóa sâu rộng cùng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thúc đẩy bùng nổ khoa học - công nghệ và chuyển đổi số, làm thay đổi căn bản các lĩnh vực đời sống. Cạnh tranh chiến lược giữa các siêu cường về công nghệ và kinh tế số càng khốc liệt, buộc mọi quốc gia phải liên tục thích ứng. Các thách thức an ninh phi truyền thống, khủng hoảng y tế, năng lượng, lương thực, mạng, diễn biến phức tạp, tác động đa chiều. Trong bối cảnh ấy, tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao năng lực dự báo và xây dựng chiến lược linh hoạt là yêu cầu cấp thiết để duy trì ổn định và thịnh vượng.

Sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã tạo nền tảng cơ bản để bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Bên cạnh thời cơ như vị thế địa chính trị, dân số vàng, chuyển đổi số, đất nước cũng đối mặt với nút thắt về thể chế, hạ tầng, biến động kinh tế toàn cầu, biến đổi khí hậu. Đảng và Nhà nước đã ban hành hàng loạt quyết sách chiến lược, từ cải cách thể chế đến đẩy mạnh đầu tư công, phát triển kinh tế số, củng cố quốc phòng, an ninh. Mục tiêu là tháo gỡ điểm nghẽn, tận dụng tối đa nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao vào giữa thế kỷ XXI.

Trong những năm tới, Học viện đứng trước nhiều cơ hội để phát triển đột phá, nhưng cũng phải đối diện với những khó khăn, thách thức. Sau khi sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, công tác đào tạo, bồi dưỡng có nhiều thay đổi về đối tượng, nội dung. Trước bối cảnh đó, sự kết hợp giữa “trung thành - kiên định - sáng tạo”, sẽ tạo tiền đề cho Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh quán triệt, thực hiện tốt Quyết định 214 - QĐ/TW và Thông báo kết luận số 46 - TB/TW của Bộ Chính trị, triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIV của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Học viện lần thứ XV, nhiệm kỳ 2025-2030, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, vì sự phát triển hùng cường của đất nước trong thế kỷ XXI.

_________________

Ngày nhận bài: 3-7-2025; Ngày bình duyệt: 5 -7-2025; Ngày duyệt đăng: 18-7-2025.

Email tác giả: dinhhcma@gmail.com

(1) Tạp chí Nghiên cứu lý luận, số 5-1996, tr.3

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng trong kỷ nguyên phát triển mới
    POWERED BY