Thực tiễn

Phát huy tinh thần “7 dám” của cán bộ, đảng viên trong thực hiện tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị

09/07/2025 15:31

(LLCT) - Cuộc “cách mạng” tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đang được Đảng, Nhà nước triển khai quyết liệt, bước đầu đã đạt được những kết quả cụ thể. Sự nỗ lực đổi mới từ tư duy đến hành động, từ Trung ương đến địa phương, các ngành, các cấp đã góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh của hệ thống chính trị. Để đạt được mục tiêu xây dựng bộ máy của hệ thống chính trị thực sự “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực của tất cả các cơ quan, tổ chức; mỗi cán bộ, đảng viên cần vượt qua những khó khăn, thử thách, hy sinh lợi ích của bản thân, phát huy tinh thần “7 dám” nhằm phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

TS NGUYỄN HẢI YẾN
Học viện Chính trị khu vực I

Cuộc “cách mạng” tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đang được Đảng, Nhà nước triển khai quyết liệt, bước đầu đã đạt được những kết quả cụ thể_Ảnh: baotuyenquang.com.vn

1. Mở đầu

Sự lãnh đạo, chỉ đạo nhất quán, quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương khi thực hiện cuộc “cách mạng tinh gọn bộ máy” với phương châm: “Trung ương làm trước, địa phương làm sau, Trung ương không đợi tỉnh, tỉnh không đợi huyện, huyện không đợi xã” đã và đang được lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng trong cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương và toàn xã hội. Công cuộc sắp xếp, tinh gọn bộ máy đã xác định mục tiêu là xây dựng một hệ thống chính trị gọn nhẹ, minh bạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tránh tình trạng chồng chéo chức năng, lãng phí nguồn lực. Bên cạnh những thuận lợi thì trong quá trình thực hiện sẽ đối mặt với nhiều thách thức như: sức ép từ bộ máy cồng kềnh; tâm lý ngại thay đổi, dao động trong một bộ phận cán bộ; khó khăn, trở ngại trong việc sắp xếp, bố trí nhân sự; việc bảo đảm quyền lợi của cán bộ, nhất là cán bộ những cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng kết thúc hoạt động, sáp nhập. Vì vậy, một trong những yếu tố tiên quyết góp phần thực hiện thành công cuộc cách mạng đầu tiên trong kỷ nguyên mới của dân tộc là mỗi cán bộ, đảng viên cần thực hiện tinh thần “7 dám” theo yêu cầu của Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9-5-2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

2. Nội dung

2.1. “Cách mạng tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị” đòi hỏi tinh thần “7 dám” của cán bộ, đảng viên

Sau gần 40 năm đất nước đổi mới, sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay(1). Tổ chức bộ máy hệ thống chính trị đã được đổi mới nhưng cơ bản vẫn hoạt động theo mô hình được xây dựng từ hàng chục năm qua, có nhiều vấn đề, hoạt động không còn phù hợp với bối cảnh, điều kiện phát triển mới, chậm theo kịp sự vận động, phát triển không ngừng của thời đại; vẫn còn tình trạng “nói nhiều làm ít”, “nói không đi đôi với làm”.

Nhận thức rõ những khó khăn, thách thức mà cuộc sắp xếp, tinh gọn phải đối diện, đòi hỏi sự quyết tâm, đồng lòng, nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân: “Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi”(2).

Lịch sử đã cho thấy, không cuộc cách mạng nào diễn ra mà dễ dàng thành công, vì vậy, cuộc tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị nước ta cũng phải đối diện với nhiều thách thức từ các vấn đề về tổ chức, nhân sự, văn hóa và tư duy cho tới thách thức về chính sách. Điều này đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên cần thay đổi từ nhận thức tới hành động: nhận thức rõ những khó khăn, trở ngại, sẵn sàng tâm thế dám hành động, dám chấp nhận thiệt thòi, hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của đất nước.

Thứ nhất, dám nghĩ

Trong “7 dám” thì “dám nghĩ” thể hiện trí tuệ, tâm huyết, tầm nhìn của cán bộ, đảng viên. Trong tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị hiện nay, yêu cầu đặt ra với “dám nghĩ” đó là cán bộ, đảng viên phải nghĩ trên cơ sở lợi ích của tổ chức, của tập thể, của nhân dân, của dân tộc; phải đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân. Phải nhận thức tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới; nhận thức sâu sắc mục đích của cuộc cách mạng này nhằm nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy, đáp ứng yêu cầu xây dựng một hệ thống chính trị hiện đại, minh bạch, vì sự phát triển nhanh, bền vững của Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

Mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức đầy đủ, toàn diện, kịp thời chủ trương, nghị quyết, văn bản lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và các cấp ủy về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trên cơ sở đó, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên ở các cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng kết thúc hoạt động, sáp nhập cần xác định rõ trách nhiệm của bản thân để góp phần thực hiện thành công. “Dám nghĩ” là tiền đề quan trọng để mỗi cán bộ, đảng viên dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung.

Thứ hai, dám nói

Trong mối quan hệ biện chứng giữa ngôn ngữ và tư duy thì “ngôn ngữ là cái vỏ vật chất” của tư duy, vì vậy, khi đã “dám nghĩ” thì phải “dám nói”. Từ “dám nghĩ” đến “dám nói” đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải đủ trí tuệ, bản lĩnh để tham gia đóng góp ý tưởng và sáng kiến nhằm nâng cao hiệu quả công việc, đáp ứng nhu cầu của tinh gọn tổ chức, bộ máy, tiến tới hiệu lực, hiệu quả; kể cả những ý kiến chất vấn, phản biện, ý kiến khác với số đông hoặc với lãnh đạo. Tuy nhiên, yêu cầu trong thực hiện “dám nói” đó là phải nói trên tinh thần xây dựng, nói đúng người, đúng lúc, đúng chỗ, đúng nội dung; phải có căn cứ, có phương pháp, kỹ năng nói; tránh nói tùy tiện, thiếu cân nhắc, tránh “dân chủ quá trớn”.

Thứ ba, dám làm

“Dám làm” là biểu hiện rõ nét của tinh thần trách nhiệm, là “thước đo” bản lĩnh, năng lực thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên. Yêu cầu đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trong “dám làm” khi thực hiện tinh gọn bộ máy thể hiện ở năng lực xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức thực hiện đúng đắn, khoa học, sáng tạo các chủ trương, nghị quyết, kết luận mà Đảng và các cấp ủy cấp trên đã ban hành. Đối với cán bộ, đảng viên, “dám làm” là đòi hỏi hành động đúng đắn, kịp thời với chủ trương, kế hoạch tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy của các cấp, nhất là đối với cán bộ, đảng viên thuộc đối tượng sắp xếp của tổ chức để thúc đẩy, nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc. “Dám làm” không phải là làm qua loa, đại khái, làm đối phó, làm cho xong việc mà cần làm với tinh thần, trách nhiệm cao vì mục tiêu chung xây dựng tổ chức bộ máy thực sự “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”.

Trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị là cuộc cách mạng đầu tiên, cấp bách, có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của đất nước.

Thứ tư, dám chịu trách nhiệm

Khi đã “dám nghĩ, dám nói, dám làm” thì “dám chịu trách nhiệm” chính là bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Trong quá trình thực hiện sắp xếp, tinh gọn, người đứng đầu cần thể hiện vai trò, trách nhiệm trong việc cùng với tập thể lãnh đạo xây dựng chương trình, kế hoạch có tính chất định hướng liên quan đến quyền lợi của các nhóm đối tượng cũng như cá nhân cán bộ công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị. Đối với các cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng kết thúc hoạt động, sáp nhập thì càng cần đặt ra yêu cầu cao hơn đối với tinh thần dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu trong việc xác định và thực hiện nghiêm các tiêu chí lựa chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý; xác định đối tượng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu trước tuổi…

Như vậy, “dám chịu trách nhiệm” thể hiện trước hết đó là bản lĩnh chịu trách nhiệm với quyết định, lời nói, hành động của mình trước Đảng, trước cấp trên, với bản thân và cấp dưới. Bên cạnh đó, “dám chịu trách nhiệm” còn thể hiện ở ý chí, năng lực luôn sẵn sàng lắng nghe, tiếp nhận những ý kiến phê bình, đóng góp về những chủ trương, kế hoạch, đặc biệt là những góp ý về hạn chế, bất cập để tiếp thu và điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tiễn, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Thứ năm, dám đổi mới, sáng tạo

Để thực hiện thành công cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, bên cạnh “dám nghĩ”, “dám nói”, “dám làm”, “dám chịu trách nhiệm” thì “dám đổi mới, sáng tạo” là một yêu cầu “cần” của cán bộ, đảng viên. Đổi mới, sáng tạo đòi hỏi trí tuệ, năng lực, bản lĩnh, sự nhạy bén của cán bộ, đảng viên để đáp ứng xu thế tất yếu khách quan của sự thay đổi trong quá trình tinh gọn bộ máy. Trong quá trình thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy, mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý cần đổi mới sáng tạo bằng cách vượt qua tư duy cũ, lối mòn, bảo thủ; cần đổi mới, sáng tạo từ cách nghĩ, cách nói tới cách làm; xây dựng niềm tin bằng sự động viên, khích lệ và được sự bảo vệ của cơ quan, tổ chức để đội ngũ cán bộ, đảng viên “dám đổi mới sáng tạo” trong cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Thứ sáu, dám đương đầu với khó khăn, thử thách

“Dám đương đầu với khó khăn, thử thách” là phẩm chất đạo đức cách mạng, bản lĩnh của người cộng sản vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, “dám đương đầu với khó khăn, thử thách” trước hết thể hiện ở việc cán bộ, đảng viên sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ được giao, không chọn việc dễ, đùn đẩy việc khó; yêu cầu cao hơn nữa là cán bộ, đảng viên sẵn sàng tiên phong, gương mẫu trong thực hiện những nhiệm vụ khó khăn, thử thách, đòi hỏi phải dấn thân, gian khổ, thậm chí hy sinh lợi ích của bản thân vì mục tiêu chung của cơ quan, tổ chức. Trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, chính sức ép từ bộ máy cồng kềnh, tâm lý bảo thủ trong một bộ phận cán bộ, cũng như những khó khăn trong việc sắp xếp, bố trí nhân sự để bảo đảm quyền lợi chính đáng của cán bộ, công chức, đặc biệt là ở cán bộ, đảng viên đang làm việc ở những cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng kết thúc hoạt động, sáp nhập sẽ gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên phải có bản lĩnh, dũng khí, dám đương đầu và vượt qua thử thách.

Thứ bảy, “dám hành động vì lợi ích chung”

Ngày 22-9-2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Kết luận xác định rõ đối tượng, nguyên tắc, nội dung liên quan đến đổi mới tư duy, cách làm đột phá, sáng tạo của cán bộ để làm căn cứ thực hiện thống nhất trong cả hệ thống chính trị. Khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên “dám làm vì lợi ích chung” là chủ trương lớn của Đảng nhằm đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn đổi mới không ngừng.

Với nội dung này, mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, trình độ chuyên môn, năng lực công tác để cống hiến vì sự nghiệp cách mạng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của vị trí việc làm trong và sau khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy. Đặc biệt, đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý do sắp xếp tổ chức và ở trong diện thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc được bầu cử, bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thấp hơn càng đòi hỏi ý chí, bản lĩnh để sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân để góp phần thực hiện mục tiêu của cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy theo chủ trương Đảng.

2.2. Một số giải pháp phát huy tinh thần “7 dám” của cán bộ, đảng viên trong thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị

Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, nhất là người đứng đầu về tinh thần “7 dám” trong quá trình thực hiện cách mạng tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị.

Việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm của tập thể cấp ủy; lãnh đạo cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhất là tập thể lãnh đạo, người đứng đầu cần nhận thức đầy đủ, đúng, sâu sắc về các chủ trương Đảng về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Trên cơ sở đó, xác định nghiêm túc trách nhiệm của bản thân trên tinh thần “7 dám” trong quá trình thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Quyết tâm khắc phục tâm lý làm việc cầm chừng, sợ sai, sợ vi phạm, không dám đổi mới, sáng tạo; đùn đẩy trách nhiệm; không dám hy sinh lợi ích của bản thân trong tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện nhiệm vụ liên quan tới quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác học tập, quán triệt, thông tin, tuyên truyền về thông điệp của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc gắn với chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Đối với cán bộ, đảng viên, việc học tập, quán triệt, thông tin, tuyên truyền về thông điệp của Tổng Bí thư cần phát huy tinh thần gương mẫu, chủ động thực hiện với quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”. Xác định những nội dung, công việc ưu tiên và phối hợp nhịp nhàng trong triển khai thực hiện, quyết tâm hoàn thành việc tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo đúng mục tiêu, yêu cầu và tiến độ đề ra. Cán bộ, đảng viên cần chủ động, gương mẫu, đổi mới, sáng tạo thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy; chuẩn bị các điều kiện về trình độ, năng lực để đáp ứng tốt nhất công việc được giao nếu thuộc đối tượng sắp xếp. Thực hiện hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền để nhân dân được biết và nhận thức đầy đủ, đúng đắn chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị của Đảng, không nhận thức sai lệch, hoang mang, dao động trước những luận điệu chống phá của các thế lực thù địch.

Thứ ba, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, thực chất các chủ trương, nghị quyết của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, thực hiện tinh thần “7 dám” trong quá trình thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành một số chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung như: Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9-5-2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới; Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29-9-2023 của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, các cấp ủy, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu có trách nhiệm cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung thành chương trình hành động, có cơ chế, hướng dẫn chi tiết, rõ ràng, công khai, minh bạch để cán bộ, đảng viên dám đổi mới sáng tạo có cơ sở, căn cứ để thực hiện đúng.

Thứ tư, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát; sơ kết, tổng kết việc thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, thực hiện tinh thần “7 dám” trong quá trình thực hiện tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị.

Quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương, cá nhân ở tất cả các cấp từ Trung ương tới địa phương. Đây là cuộc cách mạng toàn diện của hệ thống chính trị về tổ chức bộ máy, liên quan đến lợi ích trực tiếp của cán bộ, đảng viên... Vì vậy, bên cạnh sự lãnh đạo thường xuyên và trực tiếp của Trung ương và các cấp ủy, cần thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; sơ kết, tổng kết việc thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về khuyến khích và bảo vệ cán bộ thực hiện tinh thần “7 dám” trong quá trình thực hiện tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị. Qua đó giúp phát hiện, bồi dưỡng, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả, gương điển hình xuất sắc, tiên phong trong thực hiện “7 dám”, nhất là đội ngũ cán bộ tham mưu trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy có hiệu quả cao. Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; thực hiện nghiêm chủ trương, nghị quyết của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên thực hiện tinh thần “7 dám”; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức sợ sai, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ hoặc thực hiện vì động cơ không trong sáng, vì lợi ích cá nhân trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

3. Kết luận

Trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị là cuộc cách mạng đầu tiên, cấp bách, có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của đất nước. Đây là đòi hỏi tất yếu trong quá trình xây dựng một hệ thống chính trị hiện đại, minh bạch, vì sự phát triển nhanh, bền vững của Việt Nam. Để thực hiện thành công mục tiêu của cách mạng tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, cần có sự thống nhất về nhận thức và hành động, quyết tâm chính trị mạnh mẽ, sự vào cuộc của tất cả cơ quan, tổ chức và mỗi cán bộ, đảng viên. Trong đó, thực hiện tinh thần “7 dám” của mỗi cán bộ, đảng viên là một trong những yếu tố quan trọng để có thể vượt qua những rào cản, thách thức để hiện thực hóa những mục tiêu của cuộc sắp xếp, tinh gọn bộ máy là xây dựng một hệ thống chính trị gọn nhẹ, minh bạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

_________________

Ngày nhận bài: 19-02-2025; Ngày bình duyệt: 29-4-2025; Ngày duyệt đăng: 22-5-2025.

Email tác giả: nguyenhaiyen2201@gmail.com

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.103-104.

(2) Toàn văn: Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. https://baochinhphu.vn, ngày 21-10-2024.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát huy tinh thần “7 dám” của cán bộ, đảng viên trong thực hiện tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị
    POWERED BY