Diễn đàn

Tiếp tục hoàn thiện bộ máy của hệ thống chính trị trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc

30/04/2025 16:14

(LLCT) - Trên cơ sở làm rõ các nội dung của kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam, như thời điểm bắt đầu, đặc trưng, mục tiêu, chủ thể thực hiện, tác giả bài viết chỉ ra tính tất yếu của việc hoàn thiện bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”; phân tích thực trạng hiện nay và đề ra các giải pháp căn cơ nhằm hoàn thiện bộ máy của hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên phát triển mới.

TS ĐINH VĂN THỤY
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, ngày 23-1-2025, trong đó có bàn tới việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả_Ảnh: TTXVN

1. Mở đầu

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển mới, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng đất nước phồn vinh, văn minh, hạnh phúc. Trong kỷ nguyên phát triển mới, sứ mệnh, vai trò lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định thành công. Một phương thức lãnh đạo của Đảng là thông qua bộ máy của hệ thống chính trị. Để thực hiện tốt sứ mệnh, vai trò của mình đòi hỏi phải hoàn thiện bộ máy của hệ thống chính trị thực sự “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”(1) như đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra.

2. Nội dung

2.1. Kỷ nguyên phát triển mới và yêu cầu đặt ra đối với bộ máy của hệ thống chính trị

Khái niệm kỷ nguyên dùng để chỉ một thời kỳ trong lịch sử được phân kỳ dựa trên các điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, kỹ thuật và các điều kiện khác, ví dụ như kỷ nguyên đồ đá, kỷ nguyên cổ đại... hay kỷ nguyên công nghiệp, kỷ nguyên thông tin, kỷ nguyên kỹ thuật số... Khái niệm kỷ nguyên không chỉ mang hàm nghĩa về thời gian mà quan trọng hơn mang hàm nghĩa về những đặc điểm kinh tế - xã hội.

Kỷ nguyên phát triển mới hàm ý tạo sự chuyển biến mạnh mẽ theo chiều hướng tích cực dựa trên sự chủ động, tích cực, quyết tâm cao, nỗ lực lớn của chủ thể thực hiện khát vọng phát triển, nhằm đạt được những thành tựu to lớn trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, vươn tới mục tiêu tốt đẹp, đem lại cuộc sống tốt hơn cho cho nhân dân.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam là “kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của thế giới, hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu. Đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dân giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu. Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng, từ đây, mọi người dân Việt Nam, hàng trăm triệu người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng tâm hiệp lực, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh”(2).

Như vậy, theo Tổng Bí thư Tô Lâm có thể xác định một số nội dung cụ thể liên quan đến kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc như sau:

Về thời điểm bắt đầu của kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam là từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Về mục tiêu trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam là “dân giàu, nước mạnh, trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, sánh vai với các cường quốc năm châu”.

Về đặc trưng kinh tế, xã hội trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam. i) Về kinh tế là một nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa với công nghiệp tiên tiến, hiện đại, kinh tế là phát triển nhanh và bền vững, tăng trưởng kinh tế đạt hai con số trong nhiều năm liền; ii) Về xã hội là xã hội phồn vinh, mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển một cách toàn diện, được tạo điều kiện làm giàu chính đáng để vừa phát triển bản thân và gia đình vừa đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của thế giới, hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu.

Về chủ thể thực hiện mục tiêu trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc là Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam. Đảng lãnh đạo, cầm quyền thông qua hệ thống chính trị, do đó, chủ thể thực hiện là cả hệ thống chính trị và toàn thể dân tộc Việt Nam, trong đó Đảng vừa là bộ phận cấu thành, là hạt nhân của hệ thống chính trị, vừa là chủ thể lãnh đạo hệ thống chính trị.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa(3), có nghĩa là muốn thực hiện một mục tiêu cao cả, tốt đẹp nào đó, đòi hỏi phải có những chủ thể có đủ phẩm chất thì mới có thể hoàn thành các nhiệm vụ cụ thể để từng bước đạt được mục tiêu đề ra. Với tinh thần đó, để thực hiện thắng lợi các đặc trưng, mục tiêu tốt đẹp trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước, đòi hỏi sự tham gia tích cực của hai chủ thể đó là hệ thống chính trị và dân tộc Việt Nam. Đối với hệ thống chính trị phải có bộ máy của hệ thống chính trị với những đặc điểm mới để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, tức là thúc đẩy mọi lĩnh vực của đời sống xã hội phát triển. Bộ máy của hệ thống chính trị là chủ thể quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu của kỷ nguyên phát triển mới, bởi vì, đây là lực lượng lãnh đạo, dẫn dắt, tạo thể chế phát triển để toàn thể nhân dân dốc sức, đồng lòng bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Trước hết là thúc đẩy kinh tế tăng trưởng hai con số trong nhiều năm liền nhằm xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Để đáp ứng mục tiêu của kỷ nguyên phát triển mới, đòi hỏi phải có bộ máy của hệ thống chính trị thực sự “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”.

Theo đó, bộ máy của hệ thống chính trị trong kỷ nguyên phát triển mới phải đảm bảo hội đủ đồng bộ sáu đặc điểm, phẩm chất là: tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Sáu đặc điểm, phẩm chất này có quan hệ mật thiết và thống nhất với nhau tạo thành đặc trưng của hệ thống chính trị trong kỷ nguyên phát triển mới. Trong đó, đặc điểm, phẩm chất trước là điều kiện, tiền đề cho đặc điểm, phẩm chất sau. Cụ thể như bộ máy của hệ thống chính trị có tinh, gọn thì mới có thể mạnh, tức là tinh, gọn là điều kiện, tiền đề của mạnh; bộ máy của hệ thống chính trị có tinh, gọn, mạnh mới có hiệu năng, tức là tinh, gọn, mạnh là điều kiện, tiền đề của hiệu năng; hệ thống chính trị có tinh, gọn, mạnh, hiệu năng mới có hiệu lực, hiệu quả, tức là tinh, gọn, mạnh, hiệu năng là điều kiện, tiền đề của hiệu lực, hiệu quả. Từ đó có thể thấy vấn đề tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị là điều kiện, tiền đề để có hệ thống chính trị thực sự “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam.

Để hoàn thiện bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” thì trước hết phải đánh giá đúng thực trạng bộ máy của hệ thống chính trị nước ta hiện nay.

2.2. Thực trạng bộ máy của hệ thống chính trị nước ta hiện nay

Hệ thống chính trị là một chỉnh thể bao gồm các tổ chức, các thiết chế (như đảng chính trị, nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội hợp pháp) được liên kết với nhau trong một hệ thống tổ chức nhằm tác động vào các quá trình của đời sống xã hội, để củng cố, duy trì và phát triển chế độ đương thời phù hợp với lợi ích của chủ thể giai cấp cầm quyền(4).

Nếu xét theo chiều ngang thì hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay bao gồm các bộ phận cấu thành (thành tố): Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Các tổ chức chính trị - xã hội bao gồm: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội hợp pháp khác của nhân dân được thành lập, hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nếu xét theo chiều dọc, đến đầu năm 2025, hệ thống chính trị ở nước ta được tổ chức theo bốn cấp từ trên xuống dưới bao gồm: Cấp cao nhất là cấp trung ương (trong đó có các ban, bộ, ngành Trung ương của Đảng, Chính phủ, Quốc hội); cấp thứ hai là cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương (trong đó có các sở, ban, ngành của tỉnh/thành ủy, ủy ban nhân dân, hội đồng nhân dân tỉnh/thành); cấp thứ ba là cấp huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (trong đó có các phòng, ban của huyện/ quận ủy, ủy ban nhân dân, hội đồng nhân dân huyện/quận); cấp thứ tư là cấp xã, phường, thị trấn trực thuộc huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.

Trong những năm qua, bộ máy của hệ thống chính trị nước ta có nhiều cải tiến, đổi mới, nhờ đó đất nước đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn hạn chế như Đảng đã chỉ ra tại Đại hội XII: “tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, hiệu quả hoạt động chưa cao”(5). Một trong những nguyên nhân của sự cồng kềnh là do chiều dọc nhiều cấp, chiều ngang thì nhiều cơ quan đơn vị. Bốn cấp (chiều dọc) của hệ thống chính trị đều có đầy đủ các bộ phận cấu thành (chiều ngang). Chính vì bốn cấp từ trung ương cho đến xã đều thiết lập các thiết chế (các cơ quan, đơn vị) của Đảng, chính quyền Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội nên tất yếu dẫn tới sự cồng kềnh, nhiều tầng nấc của hệ thống chính trị.

Nhằm khắc phục hạn chế của hệ thống chính trị, ngày 25-10-2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, với mong muốn hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, nâng cao chất lượng, hiệu quả. Tuy nhiên, tại Đại hội XIII (năm 2021), khi đánh giá về hệ thống chính trị, Đảng ta thừa nhận hệ thống chính trị còn nhiều hạn chế: “Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, trọng tâm là đối với Nhà nước còn chậm đổi mới, có mặt còn lúng túng. Cơ chế kiểm soát quyền lực trong Đảng và Nhà nước chưa đầy đủ, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả chưa cao”(6); “Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương chưa đổi mới mạnh mẽ; chức năng, nhiệm vụ, phân cấp, phân quyền chưa thật rõ ràng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động còn hạn chế”(7); “Việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội chưa theo kịp yêu cầu của tình hình mới… Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa gương mẫu, chưa thực sự tôn trọng ý kiến, kiến nghị của nhân dân và giải quyết kịp thời những quyền, lợi ích hợp pháp, nguyện vọng chính đáng của người dân. Quyền làm chủ của nhân dân có lúc, có nơi còn bị vi phạm...”(8).

Tổng kết bảy năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Đảng ta đưa ra Kết luận số 121-KL/TW ngày 24-01-2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW. Trong đó, khẳng định những thành tựu đạt được, Đảng cũng thừa nhận bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn nhiều hạn chế như: “cơ chế vận hành của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị vẫn còn nhiều hạn chế; việc phân định trách nhiệm, phân cấp, phân quyền giữa các cơ quan, tổ chức còn chưa thực sự đồng bộ, hợp lý, có chỗ bao biện làm thay, có nơi bỏ sót hoặc không rõ trách nhiệm, làm giảm sự chủ động, sáng tạo, phát sinh phiền nhiễu, tiêu cực, cản trở phát triển, giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Sắp xếp tổ chức bộ máy chưa thực sự gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và thu hút nhân tài. Chi phí vận hành hệ thống tổ chức bộ máy lớn, làm giảm nguồn lực cho đầu tư phát triển, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của Nhân dân”.

Cũng trong Kết luận số 121-KL/TW, Đảng ta đã thông qua phương án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy. Theo đó kết thúc hoạt động, chuyển chức năng nhiệm vụ của một số ban, bộ, ngành trung ương nhằm giảm đầu mối các cơ quan trung ương, theo đó, giảm số lượng sở, ban, ngành ở cấp tỉnh. Đây là chủ trương hết sức đúng đắn, đảm bảo tính khoa học và thực tiễn, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Hiện nay, Đảng ta đã có chủ trương xóa bỏ cấp huyện, sáp nhập cấp xã nhằm giảm đầu mối đơn vị hành chính. Việc sáp nhập các đơn vị hành chính không chỉ làm tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, mà còn tạo ra không gian phát triển mới, đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên phát triển mới.

2.3. Một số giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện bộ máy hệ của thống chính trị theo hướng Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” đáp ứng yêu cầu kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam

Một là, tăng cường tuyên truyền chủ trương của Đảng về tiếp tục hoàn thiện bộ máy hệ của thống chính trị thực sự “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” nhằm thống nhất nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân

Việc sáp nhập các bộ, ban, bộ ngành; việc xóa bỏ cấp huyện; việc sáp nhập các đơn vị hành chính sẽ tạo tiền đề quan trọng cho việc hình thành bộ máy của hệ thống chính trị “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”. Hệ thống chính trị “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” là điều kiện, tiền đề không thể thiếu nhằm thực hiện mục tiêu tốt đẹp của kỷ nguyên phát triển mới. Tuy nhiên, việc sáp nhập các bộ, ban, bộ ngành; việc xóa bỏ cấp huyện; việc sáp nhập các đơn vị hành chính cũng sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của một số cá nhân nhất định, do đó, có thể xuất hiện một số tâm tư, trăn trở, thậm chí là lực cản. Chính vì vậy, cần tăng cường tuyên truyền chủ trương của Đảng nhằm thống nhất nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, bảo đảm sự thông suốt từ trung ương xuống cơ sở, bảo đảm thống nhất ý Đảng và lòng dân về tiếp tục hoàn thiện bộ máy hệ của thống chính trị theo hướng “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”.

Đồng thời, phải tăng cường đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động đang xuyên tạc, chống phá chủ trương đúng đắn của Đảng nhằm hoàn thiện thống chính trị “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” để nhân dân trong nước và thế giới nhận thức rõ rằng, chủ trương của Đảng đều vì lợi ích chung của quốc gia, dân tộc; vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; vì sự phát triển phồn vinh, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam và nhân loại tiến bộ trên thế giới.

Hai là, tiếp tục tinh gọn đầu mối cơ quan, đơn vị và tinh giản cán bộ công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị của hệ thống chính trị một cách khoa học

Thực hiện việc xóa bỏ cấp huyện, đồng thời sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, cán bộ, công chức, viên chức ở trung ương và cấp tỉnh sẽ gần dân hơn, việc lãnh đạo, chỉ đạo từ cấp trên xuống cấp cơ sở (cấp xã) sẽ nhanh nhạy, hiệu quả hơn; ngược lại, những phản ánh từ cơ sở lên cấp tỉnh, cấp trung ương cũng nhanh chóng hơn, qua đó trung ương, tỉnh giải quyết, xử lý một cách kịp thời nên đem lại hiệu quả, chất lượng cao hơn. Việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã còn nhằm giảm đầu mối, qua đó tinh gọn được bộ máy của hệ thống chính trị, làm cho hiệu lực, hiệu quả được tăng lên.

Đồng thời với tinh gọn các đầu mối các cơ quan từ trung ương tới cấp xã và sáp nhập các đơn vị hành chính, cần phải tinh giản biên chế, tinh giản đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị của hệ thống chính trị các cấp một cách khoa học để các cơ quan, đơn vị đó thực sự tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên phát triển mới. Khắc phục tình trạng “Số lượng cán bộ cấp xã và đội ngũ viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công vẫn còn quá lớn; phẩm chất, năng lực, uy tín còn nhiều hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”(9). Trong quá trình tinh giản cán bộ, công chức, viên chức phải giữ được người tài, có tâm huyết, có tinh thần cống hiến, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung của cơ quan, đơn vị nói riêng, của quốc gia dân tộc nói chung.

Việc tinh gọn đầu mối cơ quan, đơn vị và tinh giản số lượng cán bộ, công chức, viên chức phải tuân theo tinh thần của V.I.Lênin, đó là “thà ít mà tốt”(10), “Cần phải tỏ ra đặc biệt keo cú về mặt số lượng”(11) và “chỉ có làm cho bộ máy của chúng ta trong sạch đến tột mức, chỉ có giảm bớt đến mức tối đa tất cả những cái không tuyệt đối cần thiết, chúng ta mới có thể đứng vững được”(12).

Ba là, tăng cường áp dụng thành tựu khoa học công nghệ vào trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị của hệ thống chính trị nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả

Trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển như hiện nay, việc áp dụng khoa học công nghệ vào hoạt động của các tổ chức, cơ quan, đơn vị nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả là xu thế tất yếu khách. Do đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào các hoạt động của bộ máy hệ thống chính trị nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả là vấn đề thời sự cấp bách. Đó là chuyển đổi số để xây dựng Chính phủ số, Quốc hội số,...; ứng dụng trí tuệ nhân tạo, các phần mềm quản trị thông minh, rô-bốt thông minh,... vào các hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị để vừa tinh gọn tổ chức, vừa nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả.

Ứng dụng khoa học công nghệ không chỉ giúp làm tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, mà còn giúp cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ hành chính công một cách nhanh nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế. Đồng thời, ứng dụng khoa học công nghệ cũng giúp cho bộ máy của hệ thống chính trị tiếp nhận những phản ánh của người dân và doanh nghiệp một cách nhanh chóng, nhờ đó đưa ra những quyết sách đúng đắn nhằm kiến tạo phát triển, nhờ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam.

3. Kết luận

Kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam đặt ra yêu cầu mới đối với bộ máy của hệ thống chính trị, đó là phải hoàn thiện bộ máy của hệ thống chính trị để thực sự “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”. Mặc dù trong những năm qua, bộ máy của hệ thống chính trị đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Do đó, việc đánh giá khách quan thực trạng bộ máy hệ của thống chính trị nước ta, trên cơ sở đó, đề ra các giải pháp nhằm hoàn thiện theo hướng “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” là hết sức cần thiết. Việc thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nói trên chắc chắn sẽ hình thành bộ máy của hệ thống chính trị thực sự “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”, góp phần hiện thực hóa thành công những đặc trưng, mục tiêu tốt đẹp trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam.

_________________

Ngày nhận bài: 19-3-2025; Ngày bình duyệt: 4 -4-2025; Ngày duyệt đăng: 10-4-2025.

Email tác giả: dinhvanthuy@gmail.com

(1) Tổng Bí thư Tô Lâm: Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả, https://www.tapchicongsan.org.vn, ngày 5-11-2024.

(2) Tổng Bí thư Tô Lâm: Một số nội dung cơ bản về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; những định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, https://www.tapchicongsan.org.vn, ngày 1-11-2024.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.13, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 66.

(4) Nguyễn Văn Giang, Đinh Ngọc Giang, Nguyễn Ngọc Ánh (đồng chủ biên): Xây dựng hệ thống chính trị ở Việt Nam trong tình hình mới, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 14.

(5) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.45.

(6), (7), (8), (9) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 93, 90, 88-89, 90.

(10), (11), (12) V.I.Lênin: Toàn tập, t.45, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 445, 446, 459.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiếp tục hoàn thiện bộ máy của hệ thống chính trị trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc
    POWERED BY