Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng    Hoàn thiện điều kiện bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện quyền tư pháp ở Việt Nam
Thứ tư, 21 Tháng 2 2024 10:16
5470 Lượt xem

Hoàn thiện điều kiện bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện quyền tư pháp ở Việt Nam

PGS, TS TRƯƠNG THỊ HỒNG HÀ
Vụ Nghiên cứu tổng hợp,
Ban Nội chính Trung ương

(LLCT) - Sự lãnh đạo của Đảng với việc thực hiện quyền tư pháp là nhân tố bảo đảm tính thống nhất của quyền lực nhà nước, bảo đảm tính khách quan, công bằng của hoạt động tư pháp. Trên cơ sở phân tích vai trò lãnh đạo của Đảng trong thực hiện quyền tư pháp ở Việt Nam, bài viết đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp hoàn thiện các điều kiện bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện quyền tư pháp, đáp ứng yêu cầu tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương dự triển khai công tác tòa án năm 2019_Ảnh: TTXVN

1. Vai trò lãnh đạo của Đảng trong thực hiện quyền tư pháp ở Việt Nam

Ở Việt Nam, Đảng lãnh đạo thực hiện quyền tư pháp, qua đó bảo đảm sự phối hợp và phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan quyền lực nhà nước và cả hệ thống chính trị, tạo điều kiện cho tòa án và các cơ quan tham gia thực hiện quyền tư pháp theo đúng đường lối chính trị của Đảng, hoàn thành mọi nhiệm vụ. Sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện quyền tư pháp có tính chất toàn diện, bao gồm các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức cán bộ. Đảng lãnh đạo việc thực hiện quyền tư pháp không dùng mệnh lệnh hành chính, mà phát huy dân chủ, đề cao tính đảng, tính chủ động và trách nhiệm của tổ chức đảng, đảng viên trong tòa án thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng. Thông qua hệ thống tổ chức đảng và đảng viên, Đảng tác động đến cá nhân, tổ chức có liên quan, qua đó tác động đến toàn xã hội. Đảng lãnh đạo, quy tụ sức mạnh toàn dân tộc để đưa các chủ trương, đường lối của Đảng về tư pháp, cải cách tư pháp và thực hiện quyền tư pháp đi vào đời sống xã hội.

Vai trò lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện quyền tư pháp được thể hiện trên các phương diện sau:

(1) Thúc đẩy việc thực hiện quyền tư pháp tiến hành đồng bộ với thực hiện quyền lập pháp và quyền hành pháp; đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán và hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật;

(2) Xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân(1);

(3) Xây dựng đội ngũ cán bộ tòa án đáp ứng các tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm và kiến thức xã hội; để thực hiện tốt các nhiệm vụ, quyền hạn được giao, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, cải cách tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam;

(4) Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm; trong đó tòa án - cơ quan thực hiện quyền tư pháp là chỗ dựa vững chắc của nhân dân trong bảo vệ công lý, quyền con người và giải quyết tranh chấp; bảo đảm sự giám sát của Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp và nhân dân đối với hoạt động thực hiện quyền tư pháp.

2. Thực trạng điều kiện bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện quyền tư pháp

Điều kiện bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện quyền tư pháp được hiểu là tập hợp những yếu tố có mối quan hệ biện chứng với nhau, làm tiền đề, cơ sở không thể thiếu để Đảng lãnh đạo việc thực hiện quyền tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Nội dung của các điều kiện bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện quyền tư pháp ở Việt Nam gồm: điều kiện chính trị, điều kiện pháp lý, điều kiện kinh tế, điều kiện văn hóa - xã hội, điều kiện nguồn nhân lực. Các điều kiện trên có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện hiệu quả quyền tư pháp.

Những kết quả đạt được

Thứ nhất, điều kiện chính trị là tiền đề bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện quyền tư pháp, đáp ứng yêu cầu Đảng không buông lỏng lãnh đạo, không bao biện làm thay, bảo đảm nguyên tắc thẩm phán và hội thẩm độc lập xét xử, chỉ tuân theo pháp luật. Theo đó, chế độ nhất nguyên chính trị và nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối chính trị đúng đắn; phương thức lãnh đạo phù hợp đóng vai trò quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện quyền tư pháp ở Việt Nam trong thời gian qua.

Thứ hai, điều kiện văn hóa - xã hội, trong đó có văn hóa chính trị, văn hóa Đảng, văn hóa lãnh đạo... là nguồn sức mạnh, nhân tố quan trọng trong xây dựng văn hóa lãnh đạo của Đảng. Thông qua đề cao các giá trị văn hóa, Đảng lãnh đạo việc thực hiện quyền tư pháp hướng đến mục tiêu bảo đảm công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; truyền thống văn hóa, lịch sử tốt đẹp của dân tộc - những điều kiện quan trọng quyết định hiệu quả của đường lối, chủ trương về tư pháp, cải cách tư pháp của Đảng.

Nhờ phát huy bản chất tốt đẹp của văn hóa là liêm chính, đạo đức và các yêu cầu khách quan của công tác xây dựng Đảng, trong quá trình lãnh đạo thực hiện quyền tư pháp, Đảng đã triển khai hiệu quả chủ trương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, qua đó vừa nâng cao chất lượng xét xử, vừa phát triển sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đồng thời góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và với sự nghiêm minh, công bằng của nền tư pháp.

Thứ ba, thời gian qua, hệ thống pháp luật được xây dựng và ngày càng hoàn thiện, làm cơ sở pháp lý quan trọng, điều kiện bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện quyền tư pháp. Hiến pháp năm 2013 quy định vị trí pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của tòa án nhân dân - làm cơ sở hiến định để Đảng lãnh đạo thực hiện quyền tư pháp hiệu quả. Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, hệ thống pháp luật về hình sự, dân sự và tố tụng tư pháp đã khá đầy đủ với gần 70 đạo luật, cơ bản thể chế hóa chủ trương của Đảng về lãnh đạo thực hiện quyền tư pháp(2).

Thứ tư, bảo đảm điều kiện kinh tế qua đó tạo nguồn tài chính, cơ sở vật chất phục vụ quá trình hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng, nghiên cứu, xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho tòa án, hiện đại hóa trụ sở làm việc, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng tòa án điện tử, xây dựng chế độ làm việc, chính sách đãi ngộ hợp lý cho đội ngũ cán bộ, đảng viên làm công tác tham mưu cho Đảng về lĩnh vực tư pháp, nội chính, đội ngũ cán bộ, đảng viên là thẩm phán và các chức danh tư pháp trong tòa án.

Thứ năm, chú trọng phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong các cơ quan tư pháp vững mạnh, có đức, có tài. Trong các nhiệm kỳ Đại hội Đảng gần đây, việc lựa chọn, giới thiệu đảng viên ưu tú, có đủ phẩm chất, năng lực, bản lĩnh và uy tín để bổ nhiệm vào các vị trí chủ chốt trong các cơ quan tư pháp đã được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đặc biệt quan tâm. Trình độ chuyên môn và năng lực công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên làm thẩm phán tại các tòa án ngày càng được nâng cao.

Một số hạn chế

Thứ nhất, ở một số cấp ủy, tổ chức đảng, vai trò lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện quyền tư pháp chưa được nhận thức thống nhất, đầy đủ; phương thức lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện quyền tư pháp chậm đổi mới, chưa kịp thời phát hiện sai phạm của cán bộ, đảng viên có chức danh tư pháp để xử lý, uốn nắn, chấn chỉnh; sự phối hợp trong công việc giữa cấp ủy, tổ chức đảng tòa án với ban cán sự đảng, cấp ủy, chính quyền địa phương đôi khi còn lúng túng.

Thứ hai, vai trò động lực nội sinh của văn hóa chưa được chú trọng trong quá trình tổ chức thực hiện một số chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về tư pháp. Môi trường văn hóa có nhiều diễn biến phức tạp; đạo đức, lối sống xã hội xuống cấp; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn diễn ra; trong đội ngũ thẩm phán có một số cán bộ có biểu hiện lệch chuẩn, nhất là vấn đề liêm chính tư pháp.

Thứ ba, hệ thống quy định pháp luật và các điều kiện về pháp lý chưa toàn diện, thống nhất; còn thiếu một số quy định cụ thể hóa sự lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện quyền tư pháp, nhất là chủ trương phòng, chống tiêu cực trong lĩnh vực xét xử.

Thứ tư, đổi mới kinh tế chưa theo kịp đổi mới chính trị. Một số chủ trương của Đảng về thực hiện quyền tư pháp chưa được thực hiện trên thực tế vì điều kiện kinh tế chưa phù hợp. Một số chủ trương chưa được đánh giá tác động về kinh tế thấu đáo nên khi triển khai thực hiện còn lúng túng, thậm chí không thể triển khai; cơ sở vật chất còn sơ sài, chế độ của thẩm phán, hội thẩm còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu chủ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tòa án nhân dân.

Thứ năm, nguồn nhân lực làm công tác đảng và các chức danh tư pháp còn một số hạn chế. Hoạt động kiểm soát chất lượng đào tạo luật chưa được chú trọng; công tác bồi dưỡng kiến thức và lý luận chính trị còn chưa thực chất.

Nguyên nhân của hạn chế

Thứ nhất, tầm quan trọng của việc hoàn thiện điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, pháp lý, nguồn nhân lực nhằm bảo đảm sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong việc thực hiện quyền tư pháp chưa được nhận thức đầy đủ, toàn diện.

Thứ hai, công tác nghiên cứu lý luận chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được quan tâm, đẩy mạnh, song chưa có biện pháp hữu hiệu trong đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc đòi tổ chức tòa án theo nguyên tắc tam quyền phân lập; đòi phi chính trị đối với tòa án... Bên cạnh đó, công tác đánh giá tác động về điều kiện kinh tế - xã hội, chính trị - pháp lý của Việt Nam chưa sát thực tế nên một số chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp chậm đi vào cuộc sống.

Thứ ba, chưa có biện pháp thúc đẩy, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, văn hóa pháp lý XHCN; các yếu tố môi trường văn hóa, đạo đức, lối sống, chuẩn mực văn hóa trong ứng xử và giải quyết công việc chưa được đề cao.

Thứ tư, các điều kiện pháp lý bảo đảm tổ chức thực hiện pháp luật với tinh thần “pháp luật bất vi thân” còn bị xem nhẹ. Nhiều vấn đề liên quan đến mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo và tòa án xét xử theo pháp luật chưa được thể chế hóa nên một số cấp ủy, tổ chức đảng còn lúng túng trong lãnh đạo việc thực hiện quyền xét xử.

Thứ năm, nhận thức về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng chưa sâu sắc, việc ban hành chủ trương, đường lối chưa gắn với công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; hoạt động kiểm soát quyền lực đối với việc thực hiện quyền tư pháp còn hình thức; hiệu quả công tác tự kiểm tra, giám sát của tòa án còn thấp.

3. Giải pháp hoàn thiện điều kiện bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện quyền tư pháp ở Việt Nam

Một là, thống nhất nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên về sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện quyền tư pháp ở Việt Nam hiện nay. Tăng cường công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về sự lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện quyền tư pháp; đổi mới phương pháp tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng; phát huy vai trò của công tác tham mưu chiến lược trong các cơ quan Đảng Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao nhằm đổi mới tư duy lý luận của Đảng, cung cấp kịp thời luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và ngày càng sát thực tiễn.

Để thúc đẩy nghiên cứu khoa học lý luận chính trị làm cơ sở cho sự lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện quyền tư pháp, cần nhận thức sâu sắc về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nắm vững giá trị tinh túy của các luận điểm kinh điển Mác - Lênin về tư pháp, hoạt động tư pháp và phương thức lãnh đạo, các điều kiện bảo đảm sự lãnh đạo.

Hai là, tiếp tục đổi mới việc ban hành và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, định hướng lãnh đạo trong việc thực hiện quyền tư pháp. Đề cao tính chủ động, sáng tạo của tòa án nhân dân trong việc tham mưu, đề xuất với các cơ quan lãnh đạo của Đảng trong việc ban hành đường lối, chủ trương có liên quan đến việc thực hiện quyền tư pháp, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Nâng cao năng lực dự báo, tầm nhìn chiến lược trong đề ra đường lối, chủ trương; tiếp tục hoàn thiện nội dung lãnh đạo của Đảng trong thực hiện quyền tư pháp, trong đó, cần có sự phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của mỗi tổ chức và cá nhân trong các cơ quan đảng, nhà nước và tòa án nhân dân, tăng cường kiểm soát việc thực thi quyền lực nhà nước của cán bộ, đảng viên.

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện quyền tư pháp: bảo đảm tính độc lập, nhất quán, tuân thủ quy trình tố tụng của các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Trong đó, chú trọng đến tính nghiêm minh, công bằng, độc lập trong xét xử, bảo đảm xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không oan, sai, không bỏ lọt tội phạm. Cấp ủy đảng không trực tiếp can thiệp vào công tác xét xử, không quyết định tội danh cũng như khung hình phạt.

Tiếp tục hoàn thiện sự lãnh đạo của Đảng đối với việc giải quyết các vụ án, vụ việc trọng điểm, phức tạp và những vấn đề quan trọng phát sinh trong hoạt động tư pháp; Bộ Chính trị tiếp tục lãnh đạo công tác cải cách tư pháp thông qua kiện toàn Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương; đổi mới phương thức lãnh đạo của Bộ Chính trị với Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao trong công tác cán bộ và công tác kiểm tra. Quá trình kiểm tra cần dựa vào tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân; đối với những nội dung kiểm tra mang tính chuyên môn, phải bảo đảm tính chính xác, không can thiệp đến nguyên tắc độc lập xét xử và chỉ tuân theo quy định của pháp luật. Tăng cường phối hợp kiểm tra của cấp ủy với hoạt động tự kiểm tra; xây dựng cơ chế giám sát xã hội phối hợp với kiểm tra của cấp ủy trong quá trình thực hiện quyền tư pháp; tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát của Đảng, tập trung phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên thuộc tòa án nhân dân và trong các cơ quan tư pháp có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Ba là, hoàn thiện điều kiện pháp lý bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện quyền tư pháp: thể chế hóa các chủ trương, đường lối, sự lãnh đạo của Đảng về thực hiện quyền tư pháp thành pháp luật của Nhà nước; thể chế hóa, biến các nguyên tắc chung thành các điều luật, quy định một cách rõ ràng, cụ thể và minh bạch; cần tiến hành các giải pháp đột phá xây dựng và hoàn thiện pháp luật nhằm bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện quyền tư pháp.

Bốn là, hoàn thiện điều kiện văn hóa - xã hội bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện quyền tư pháp

(i) Phát triển văn hóa, xã hội hài hòa và ngang tầm với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống tinh thần, đề cao các giá trị văn hóa, bảo đảm phát triển bền vững các mục tiêu của Đảng, trong đó có mục tiêu xây dựng nền tư pháp. Đề cao giá trị văn hóa góp phần khơi nguồn sáng tạo, nâng cao chất lượng lãnh đạo thực hiện quyền tư pháp. Ưu tiên phát triển văn hóa để phát huy tính tích cực chính trị, chủ động, tự giác của đảng viên. Đây là biện pháp vừa bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trên nền tảng văn hóa, lãnh đạo việc thực hiện quyền tư pháp trên cơ sở tôn trọng tính độc lập trong xét xử của thẩm phán và hội thẩm nhân dân; đồng thời bảo đảm sự tự giác tuân thủ của thẩm phán, hội thẩm nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng;

(ii) Xây dựng văn hóa đảng, văn hóa liêm chính, tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tiếp tục phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng trong quá trình lãnh đạo thực hiện quyền tư pháp. Tiếp thu nền văn minh nhân loại để làm giàu thêm văn hóa Việt Nam, nhất là văn hóa công vụ, văn hóa đảng và trực tiếp ở đây là văn hóa xét xử. Các cấp ủy, tổ chức đảng trong các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, nhất là trong các cơ quan tư pháp cần xây dựng kế hoạch chính xác và tổ chức thực hiện nghiêm túc;

(iii) Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh;

(iv) Kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để tư lợi, làm sai lệch hồ sơ vụ việc, tiếp tay cho các đối tượng chạy án, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan tư pháp.

Năm là, hoàn thiện điều kiện kinh tế bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện quyền tư pháp. Bố trí đủ nguồn lực tài chính cho các hoạt động nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện quyền tư pháp. Bảo đảm chế độ đãi ngộ đặc thù cho cán bộ làm công tác tham mưu cho Đảng về cải cách tư pháp; thu hút và giữ chân được người có năng lực làm công tác tham mưu tại các Ban Đảng và Tòa án,...; Đánh giá tổng thể chủ trương hỗ trợ kinh phí của địa phương cho các Tòa án; Đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách, đầu tư cơ sở vật chất và phương tiện làm việc cho Tòa án nhân dân, thẩm phán và các chức danh tư pháp trong tòa án nhân dân tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ.

Sáu là, hoàn thiện điều kiện nguồn nhân lực, xác định “xây dựng và phát triển nhân tài tư pháp với tư cách là phát triển một loại nhân tài pháp luật”(3). Cần xác định rõ cơ chế phối hợp giữa các cơ sở đào tạo các chức danh tư pháp của Học viện Tư pháp, Học viện Tòa án, Trường Đại học Kiểm sát, Học viện Cảnh sát nhân dân, Học viện An ninh nhân dân để phân định chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra cho từng cơ sở đào tạo, nhất là trong đào tạo 3 chung; xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật về nhân lực tư pháp quốc gia; triển khai đề án tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo cử nhân luật; chú trọng giáo dục lý luận chính trị, trang bị kiến thức lịch sử Việt Nam và thế giới gắn với sự hình thành, phát triển quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước về các lĩnh vực của đời sống; tăng cường giáo dục liêm chính cho cán bộ, học viên, sinh viên, góp phần đào tạo ra những luật gia, luật sư, cán bộ tư pháp giỏi.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 547 (tháng 9-2023)

Ngày nhận bài: 8-8-2023; Ngày bình duyệt: 9-9-2023; Ngày duyệt đăng: 14-9-2023.

(1) Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9-11-2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới”.

(2) Nguyễn Hòa Bình: Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong Chiến lược cải cách tư pháp, Tạp chí Cộng sản điện tử, www.tapchicongsan.org.vn.

(3) Võ Khánh Vinh: Về chiến lược phát triển nhân lực tư pháp quốc gia, Tạp chí Tòa án, https://www.tapchitoaan.vn.

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền