Trang chủ    Ảnh chính    Bài học về sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược của Đảng trong Chiến dịch phòng không tháng 12-1972
Thứ năm, 29 Tháng 12 2022 13:40
816 Lượt xem

Bài học về sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược của Đảng trong Chiến dịch phòng không tháng 12-1972

(LLCT) - Chiến dịch phòng không tháng 12-1972 bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố ở miền Bắc có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của quân và dân ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân miền Bắc đã đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ, làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, buộc nhà cầm quyền Mỹ phải ký Hiệp định Paris, rút quân về nước. Thắng lợi này bắt nguồn từ nhiều yếu tố tạo thành, trong đó về nhân tố quyết định là sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược sắc bén của Đảng và tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chiến dịch phòng không tháng 12-1972 - Ảnh tư liệu TTXVN

1. Tầm vóc và giá trị lịch sử Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972

Chiến dịch phòng không tháng 12-1972, đã diễn ra trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác là cuộc đọ sức quyết liệt giữa quân và dân ta với “không lực Hoa Kỳ”. Với tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, thông minh, sáng tạo của quân và dân ta mà nòng cốt là lực lượng Phòng không - Không quân và phòng không nhân dân đã làm nên trận quyết chiến chiến lược “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, đập tan uy thế của không lực Hoa Kỳ. Thắng lợi vẻ vang đó như một mốc son rực sáng làm rạng rỡ trang sử vàng đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất của Thủ đô Hà Nội và của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Lịch sử lùi xa, chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vẫn còn vang vọng mãi. Trong các cuốn sách, bài viết, tại các hội nghị nghiên cứu, tổng kết rút kinh nghiệm, nhiều công trình khoa học, nghệ thuật quân sự ở Việt Nam và ở nhiều nước trên thế giới, bên cạnh việc ca ngợi, phân tích lý giải về bài học lịch sử, ý nghĩa chiến thắng, đã dành nhiều công sức bàn luận về nguyên nhân gì, sức mạnh nào khiến quân và dân Việt Nam đã đập tan cuộc tập kích đường không chiến l­ược bằng máy bay B-52 của Mỹ trong Chiến dịch phòng không 12 ngày đêm bảo vệ Thủ đô Hà Nội cuối tháng 12-1972.

Nhân tố thắng lợi có tính tổng hợp cao, trước hết phải kể đến sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược sắc bén của Đảng và tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh; cùng với đó là tài thao lược của Bộ Thống soái chỉ huy chiến l­ược, chiến dịch; trí thông minh, sáng tạo trong vận dụng kỹ thuật, chiến thuật và nghệ thuật tác chiến hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực l­ượng phòng không ba thứ quân, lấy Bộ đội Phòng không - Không quân làm nòng cốt... tạo thành sức mạnh tổng hợp của thế trận phòng không nhân dân giành thắng lợi quyết định trong trận quyết chiến chiến lược “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. 

Thắng lợi vĩ đại đó là kết quả của nhiều nhân tố, trong đó có sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng, dự đoán thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh; với đường lối chính trị, quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam; tinh thần chiến đấu, hy sinh quả cảm, thông minh của nhân dân ta, mà nòng cốt là Bộ đội Phòng không - Không quân trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; tinh thần đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể của các lực lượng phòng không ba thứ quân và sự ủng hộ mạnh mẽ đầy nhiệt tình trách nhiệm của nhân dân các dân tộc, vì hòa bình độc lập dân tộc trên thế giới..., trong đó “Nhân tố quyết định thắng lợi quan trọng nhất là sự lãnh đạo của Đảng ta”(1).

Hội nghị Trung ương 21 khóa III (tháng 7-1973) đã nhận định, cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ trong 12 ngày đêm (từ ngày 18 đến 29-12-1972) đã bị quân và dân miền Bắc đập tan, làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, đánh thắng một bộ phận quan trọng trong chiến lược chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Bảo vệ vững chắc hậu phương lớn của cả nước. Thắng lợi đó có ý nghĩa cả về quân sự và chính trị tạo điều kiện cho ta giành thắng lợi trên mặt trận ngoại giao... Thắng lợi lớn nhất của nhân dân ta là đã buộc đế quốc Mỹ phải rút quân Mỹ về nước, chấp nhận sự tồn tại của bộ đội chủ lực ở miền Nam.

2. Bài học về sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược của Đảng và tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Chiến dịch phòng không tháng 12-1972

Nguyên nhân đưa đến thắng lợi của Chiến dịch phòng không tháng 12-1972, đồng thời cũng là bài học vô cũng quý báu trong sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược là:

Thứ nhất, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận rõ và đánh giá đúng kẻ thù

Đây là nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với việc giành thế chủ động, tạo yếu tố bất ngờ để đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ. Để đi đến chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một quá trình nhận định, nghiên cứu, phân tích, đánh giá đúng và thấu đáo tình hình chiến trường miền Nam; quyết định và chỉ đạo chiến lược cho Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh miền Bắc cùng lực lượng phòng không ba thứ quân chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, huy động được sức mạnh to lớn của toàn dân cho cuộc đụng đầu lịch sử này.

Việc đế quốc Mỹ dùng máy bay chiến lược

B-52 đánh phá Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh, thành phố ở miền Bắc tháng 12 -1972 đã được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta dự đoán trước đó rất sớm. Ngay từ năm 1962, khi giao nhiệm vụ cho Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hỏi: Chú đã biết gì về B-52 chưa? Rồi Người nói: Nếu chú có biết, bây giờ cũng chưa làm gì được nó, vì nó bay cao, bay nhanh. Người căn dặn: “...từ nay là Tư­ lệnh Bộ đội Phòng không - Không quân, chú phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quan tâm đến loại máy bay B-52”.

Ngày 19-7-1965, đến thăm Bộ đội Phòng không Hà Nội trước giờ tên lửa ra quân, Người khẳng định, “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền. Dù chúng có B.57, B.52 hay “bê” gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng”(2), điều này đã truyền thêm sức mạnh cho Bộ đội Phòng không - Không quân.

Ngày 12-4-1966, đúng như dự báo của Người, đế quốc Mỹ đưa B-52 ra đánh đèo Mụ Giạ ở Tây Quảng Bình và sau đó mở rộng ra các mục tiêu quân sự, dân sự và các trọng điểm giao thông trên địa bàn Quân khu 4 nhằm phá hoại, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương chiến lược miền Bắc cho cách mạng miền Nam. Lãnh đạo và chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân đã nghiên cứu kỹ việc đưa rada, tên lửa vào chiến trường Quân khu 4 để phát hiện và tìm cách đánh B-52. 

Tháng 6-1966, Bộ Chính trị họp dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thống nhất chủ trương: “Sớm đưa tên lửa phòng không vào nam Quân khu 4 để nghiên cứu đánh B-52”. Người căn dặn: “Muốn thắng địch thì phải hiểu địch, nắm chắc địch, muốn bắt cọp phải vào tận hang”(3). Theo căn dặn của Người, Th­ường vụ Đảng ủy và Bộ T­ư lệnh Quân chủng đã thống nhất kế hoạch đ­ưa Trung đoàn tên lửa 238 vào tuyến lửa Vĩnh Linh để đón đánh B-52. Tháng 8-1966, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Người, Quân chủng đã bí mật đưa lực lượng tên lửa và rađa vào chiến trường Vĩnh Linh, trực tiếp nghiên cứu, tìm hiểu tính năng kỹ chiến thuật, nghiên cứu quy luật hoạt động, cách đánh phá của B-52, từ đó tìm ra cách đánh B-52 thích hợp.

Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Giônxơn quyết định cho B-52 đánh phá hành lang cửa khẩu Quảng Bình, Vĩnh Linh cuối năm 1967, Người nhắc nhở Tư lệnh và Chính ủy Bộ đội Phòng không - Không quân: “Sớm muộn đế quốc Mỹ sẽ đ­ưa B-52 ra đánh phá Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước mọi tình huống càng sớm, càng tốt để có thời gian mà suy nghĩ chuẩn bị...”(4). Người nói thêm: “Nhớ là tr­ước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nh­ưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua. Như­ng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”(5).

Lời dự báo thiên tài đó đã chỉ rõ bản chất ngoan cố, hiếu chiến và quy luật “thua” của đế quốc Mỹ. Chỉ khi nào bị thất bại nặng nề ở chiến trường, không còn hy vọng cứu vãn nổi, đế quốc Mỹ mới chịu ngồi vào bàn đàm phán một cách nghiêm chỉnh.

Theo Chỉ thị của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh đã vạch ra kế hoạch chuẩn bị đánh B-52, đẩy mạnh công tác xây dựng lực lượng và đưa Bộ đội Phòng không - Không quân vào chiến trường Quân khu 4 để nghiên cứu phát hiện máy bay B-52 và thực tập đánh B-52. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo quân và dân các địa phương, trong đó đặc biệt là bộ đội Phòng không - Không quân chuẩn bị tốt mọi mặt, sẵn sàng đánh bại nấc thang cao nhất của địch khi chúng liều lĩnh leo thang ra đánh phá Thủ đô Hà Nội.

Để đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược này, ta đã có sự chuẩn bị chu đáo kỹ lưỡng, điều động, tổ chức, sử dụng và bố trí lực lượng hợp lý, tạo thành thế trận phòng không liên hoàn, hiểm hóc, vững chắc có chiều sâu, bảo đảm tập trung lực lượng đánh địch ở các độ cao, trên các hướng; tạo ưu thế về lực lượng và hỏa lực; giữ được yếu tố bí mật, bất ngờ, chọn đúng đối tượng đánh địch, giành thế chủ động; bảo đảm đánh thắng địch trong suốt quá trình chiến dịch.

Tháng 10-1972, khi chính quyền Níchxơn đòi sửa hết những điều khoản trong dự thảo Hiệp định chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta đã nhận định: Âm mưu của địch là tiếp tục kéo dài chiến tranh, cố giành thắng lợi quân sự, nhằm kết thúc chiến tranh trên thế mạnh nên ta phải đề phòng Mỹ tăng cường hành động quân sự. Miền Bắc phải tiếp tục đánh bại chiến tranh bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ ở “mức độ cao hơn”.

Những tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị và những dự đoán thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ rất sớm đã soi sáng cho quân dân cả nước và Thủ đô Hà Nội tích cực, chủ động bước vào cuộc chiến đấu quyết liệt và quyết giành thắng lợi. Đây là bài học có ý nghĩa lịch sử sâu sắc nhất để quân và dân ta chủ động mọi mặt bước vào trận đánh giành thắng lợi quyết định.

Thứ hai, quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, nắm chắc nhiệm vụ chính trị, xây dựng ý chí quyết đánh, quyết thắng đế quốc Mỹ xâm lược

Đây là một trong những bài học lịch sử mang tính nguyên tắc lãnh đạo, chỉ đạo công tác đảng, công tác chính trị trong chiến đấu, chiến dịch. Thực tiễn đã khẳng định, dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Trung ương, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và sự chỉ đạo kịp thời của Tổng Cục chính trị, Đảng ủy Quân chủng Phòng không - Không quân, đã quán triệt sâu sắc, tổ chức thực hiện nghiêm túc, sáng tạo đường lối, quan điểm, tư tưởng chính trị quân sự, đối ngoại của Đảng, nhất là quan điểm kết hợp tác chiến với ngoại giao, vừa đánh, vừa đàm; vừa đàm, vừa đánh, lấy kết quả tác chiến ở chiến trường làm cơ sở quyết định thắng lợi trên bàn hội nghị.

Ý chí “quyết đánh, quyết thắng B-52 Mỹ” ngày càng được củng cố và ý chí quyết tâm đánh thắng Mỹ là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt mọi hành động của cả dân tộc, hun đúc cho mỗi người Việt Nam tình yêu Tổ quốc trong suốt những năm tháng kháng chiến lâu dài, gian khổ. Đó là cơ sở cho sự đoàn kết toàn dân tộc, cho tinh thần xả thân vì nước, cho mọi sáng tạo, cống hiến và chấp nhận hy sinh của các tầng lớp nhân dân, các cấp chính quyền và của quân đội nhằm vào mục tiêu giữ vững ý chí quyết đánh thắng bất kỳ kẻ thù xâm l­ược nào, bất kể chúng sử dụng phương tiện chiến tranh nào, sử dụng vũ khí công nghệ cao nào.

Thứ ba, lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược, phán đoán đúng thời cơ, chọn đúng đối tượng đánh địch, giành thế chủ động ngay từ đầu

Để giành thế chủ động trong phòng tránh, đánh địch; tiêu diệt số lượng lớn máy bay ném bom chiến lược B-52, chúng ta đã có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, điều động, tổ chức, sử dụng và bố trí lực lượng Phòng không - Không quân hợp lý, tạo thành thế trận phòng không liên hoàn, hiểm hóc, có chiều sâu, tập trung lực lượng đánh địch ở các độ cao, trên các hướng trọng điểm. Tạo ưu thế về lực lượng và giữ được yếu tố bất ngờ, chọn đúng đối tượng đánh địch, giành thế chủ động về chiến lược; bảo đảm đánh thắng địch trong suốt quá trình tác chiến chiến dịch.

Ngày 25-11-1972, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ra chỉ thị tăng cường sẵn sàng chiến đấu. Các đơn vị phải đề cao cảnh giác, kiểm tra và hoàn chỉnh thêm công tác sẵn sàng chiến đấu, kế hoạch tác chiến và phòng tránh, sơ tán. Đến ngày 27-11-1972, Bộ Tổng tư lệnh ra lệnh cho lực lượng vũ trang tăng cường các mặt chuẩn bị chiến đấu, đồng thời nhận định có nhiều khả năng địch đánh phá trở lại toàn miền Bắc với mức độ cao hơn, kể cả việc dùng B-52 đánh ồ ạt vào Hà Nội, Hải Phòng. Do đó: “Nhiệm vụ trung tâm đột xuất trước mắt của Quân chủng Phòng không - Không quân là tập trung mọi khả năng nhằm đối tượng chính là B-52 mà tiêu diệt”(6).

Nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, đã phán đoán đúng thời cơ và địa điểm đánh địch chính xác, bởi vậy lực lượng phòng không ba thứ quân của ta, nòng cốt là bộ đội Phòng không - Không quân đã giành thế chủ động ngay từ ngày đầu. Trong chiến tranh, việc phán đoán đúng thời cơ, chọn đúng đối tượng đánh địch, giành thế chủ động, giữ được bí mật bất ngờ luôn là những yếu tố có vai trò quyết định thành bại của mỗi trận đánh. Đó là bài học có ý nghĩa chiến lược quyết định đến thắng lợi của Chiến dịch phòng không tháng 12-1972.

Nhận thức sâu sắc và đầy đủ những bài học về sự lãnh đạo, chỉ đạo sắc bén, đúng đắn của Đảng và tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta càng tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước; tăng cường xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với an ninh nhân dân. Trong đó: Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. “Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội, Công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”(7). Xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, giữ gìn tình đoàn kết, thống nhất, tăng cường sự gắn bó giữa nhân dân với Đảng, giữa nhân dân với chế độ chính trị do Đảng lãnh đạo. “Tiếp tục nghiên cứu, phát triển lý luận về quốc phòng, an ninh, nghệ thuật quân sự, nghệ thuật bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh xã hội trong tình hình mới. Nâng cao năng lực dự báo chiến lược, giữ vững thế chủ động chiến lược; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống”(8). Theo đó, nâng cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc, chủ động phối hợp triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 538 (tháng 12-2022)

Ngày nhận bài: 30-10-2022; Ngày bình duyệt: 10-11-2022; Ngày duyệt đăng: 19-12-2022.

 

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.37, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.983.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.14, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.574.

(3) Trích Hồi ký của Thượng tướng Phùng Thế Tài, Tạp chí Lịch sử Quân sự, số 24, tháng 12-1987.

(4) Hồ Chí Minh: Biên niên những sự kiện và tư liệu về quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990, tr.203.

(5) Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, t.II (1954-1975), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.556-557.

(6) Công điện số 420A ngày 24-12-1972 của Bộ Tổng tham mưu gửi Quân chủng Phòng không - không quân.

(7), (8) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.157-158, 159.

Thượng tướng, TS LÊ HUY VỊNH

Ủy viên Trung ương Đảng,

Ủy viên Quân ủy Trung ương,

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền