Trang chủ    Ảnh chính    Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với văn học, nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu xây dựng đất nước
Thứ hai, 29 Tháng 1 2024 15:41
473 Lượt xem

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với văn học, nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu xây dựng đất nước

TS ĐOÀN TUẤN ANH
Học viện Chính trị khu vực III

(LLCT) - Bài viết phân tích một số thành tựu và hạn chế của nền văn học, nghệ thuật, qua đó khẳng định sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước là nhân tố mang ý nghĩa quyết định sự nghiệp xây dựng, phát triển nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển đất nước hiện nay.
 

Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Niềm tin và khát vọng" chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 - Ảnh: binhdinh.dcs.vn

1. Một số thành tựu của văn học, nghệ thuật Việt Nam

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ “văn học, nghệ thuật là một mặt trận” phục vụ sự nghiệp cách mạng chân chính của Đảng, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, với thiên chức “soi đường cho quốc dân đi”. Ngay từ khi chưa giành được chính quyền, trong Đề cương về văn hóa Việt Nam (năm 1943), Đảng ta đã khẳng định: “Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) ở đó người cộng sản phải hoạt động. Không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa nữa. Có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả”(1).

Từ nhận thức đúng đắn đó, Đảng đã vận động, tập hợp đông đảo trí thức, văn nghệ sĩ tham gia vào sự nghiệp cách mạng “kháng chiến, kiến quốc”, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cách mạng tháng Tám và hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, xây dựng miền Bắc XHCN, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta luôn khẳng định tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với văn học, nghệ thuật nhằm phát huy vai trò đặc biệt của lĩnh vực này trong sự nghiệp đổi mới, phát triển toàn diện đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 28-11-1987 của Bộ Chính trị đã xác định “đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ là yếu tố có ý nghĩa quyết định để khai thác mọi tiềm năng sáng tạo”(2) đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển văn hóa, văn nghệ trong thời kỳ đổi mới. Cụ thể hóa chủ trương này trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 52-CT/TW ngày 8-6-1989 về đổi mới và nâng cao chất lượng phê bình văn học, nghệ thuật; Chỉ thị số 61-CT/TW ngày 21-6-1990 về một số vấn đề trong công tác quản lý văn học - nghệ thuật hiện nay;...

Nhằm phát huy vai trò, sứ mệnh cao quý của văn học, nghệ thuật, Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới đã chỉ rõ: “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam...”(3). Nghị quyết xác định mục tiêu: “Nâng cao năng lực lãnh đạo của Ðảng, quản lý của Nhà nước, bảo đảm yêu cầu phát triển của lĩnh vực văn học, nghệ thuật trong tình hình mới”.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) khẳng định: “Tiếp tục đổi mới toàn diện nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về văn hóa”(4) và coi đây là nhân tố có ý nghĩa quyết định.

Thực hiện đường lối đổi mới, sự nghiệp văn học, nghệ thuật nước nhà đã có những chuyển biển hết sức căn bản và đạt được những thành tựu quan trọng. “Nhìn tổng thể, văn học, nghệ thuật đã nắm bắt được dòng mạch chính là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc, nỗ lực phản ánh chân thật cuộc sống đấu tranh cách mạng và lao động sáng tạo của nhân dân, có nhiều tác phẩm tốt trong tất cả các loại hình nghệ thuật từ văn học, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật đến nhiếp ảnh, múa, kiến trúc... thể hiện qua những đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng và những vấn đề thời sự của đất nước”(5).

Hoạt động văn học, nghệ thuật đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng kịp thời của cấp ủy, chính quyền các cấp, thể hiện sâu sắc tính Đảng, tính dân tộc, tính nhân văn, góp phần xây dựng nhân cách con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Các địa phương đã quan tâm, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, tạo điều kiện phát triển hoạt động văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp và quần chúng nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa đa dạng của các tầng lớp nhân dân và phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Đồng hành cùng đất nước, đội ngũ văn nghệ sĩ đã không ngừng lớn mạnh, gồm nhiều thế hệ nối tiếp, luôn tin tưởng, trung thành với sự lãnh đạo của Đảng. Thông qua hoạt động sáng tạo, đội ngũ văn nghệ sĩ đã cống hiến nhiều tác phẩm có giá trị về lịch sử, về hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc và những thành tựu của công cuộc đổi mới, phát triển toàn diện đất nước, bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trong tình hình mới; phản ánh chân thực sự nghiệp đổi mới, phát hiện, khẳng định các nhân tố mới, tham gia đấu tranh lên án cái xấu, cái ác, sự biến chất, thoái hóa về nhân cách, lối sống và đạo đức trong một bộ phận xã hội, văn nghệ sĩ. Hoạt động đó đã góp phần quan trọng vạch trần, phản bác, ngăn chặn các hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, bôi nhọ, hạ thấp hình tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh, giữ vững an ninh trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật.

Thành quả đó có cơ sở vững chắc từ việc Đảng ta đã không ngừng đổi mới, bổ sung, phát triển về tư duy lý luận và quan điểm phát triển văn học, nghệ thuật. Các cấp ủy đảng không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và tìm các phương thức chỉ đạo bám sát thực tiễn đời sống văn học, nghệ thuật của đất nước. Các cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều cố gắng nâng cao hiệu lực quản lý, tạo hành lang pháp lý và các điều kiện cần thiết cho hoạt động văn học, nghệ thuật.

2. Một số khó khăn, thách thức hiện nay

Bên cạnh những thành tựu đạt được, vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật vẫn chưa theo kịp tình hình thực tiễn đất nước, còn những thách thức, trở lực cần phải vượt qua là:

Âm mưu và thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa ở nước ta đang diễn biến ngày càng phức tạp. Các thế lực phản động quốc tế thông qua ưu thế vượt trội của các phương tiện truyền thông đang ráo riết thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” với chiêu bài kêu gọi “giải thể ý thức hệ”, “phi ý thức hệ” trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Sự chống phá của các thế lực thù địch tác động tiêu cực đến diện mạo, xu thế vận động của nền văn học, nghệ thuật nước nhà. Chúng tập trung xuyên tạc, đả phá những thành tựu của nền văn học, nghệ thuật cách mạng; bài xích, bác bỏ các chuẩn mực, giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống XHCN; đồng thời tuyên truyền, quảng bá cho khuynh hướng đòi văn học, nghệ thuật hoạt động độc lập với chính trị, “tự do tư tưởng”, “phi chính trị”, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.

Chúng tập trung kích động, lôi kéo đội ngũ văn nghệ sĩ, nhất là các phần tử bất mãn núp bóng “tự do sáng tạo”, “tự do ngôn luận” phủ nhận nguyên tắc tính đảng trong nghệ thuật; Chúng hô hào đội ngũ văn nghệ sĩ tôn sùng các khuynh hướng sáng tạo phương Tây, xuyên tạc sự thật, chiêm nghiệm lại lịch sử dân tộc và sự nghiệp cách mạng; cổ xúy cho lối sống thực dụng, vị kỷ, bản năng làm con người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ phai nhạt lý tưởng cách mạng để dễ bề lợi dụng, thao túng.

Chúng trắng trợn xuyên tạc lịch sử, thực hiện ý đồ chính trị nham hiểm là đả phá các lãnh tụ cách mạng, “hạ bệ thần tượng” Hồ Chí Minh, lên án, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, nhằm xóa bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ra khỏi đời sống xã hội. Thông qua các hình thức giao lưu, hợp tác về văn hóa, giáo dục, truyền thông, chúng thực hiện ý đồ đưa các văn hóa phẩm có nội dung độc hại, phản động, suy đồi từ ngoài vào nhằm làm băng hoại lý tưởng, đạo đức, lối sống của thế hệ trẻ; hình thành một lớp người chạy theo lối sống thực dụng, bản năng, vị kỷ, sùng ngoại, vong bản.

Các thế lực phản động mua chuộc, lôi kéo những phần tử cơ hội, thoái hóa, biến chất, lợi dụng họ làm công cụ đắc lực xuyên tạc và chống phá đường lối xây dựng và phát triển văn hóa của Đảng và Nhà nước ta. Chúng du nhập về những xuất bản phẩm có nội dung cơ hội, kích động thù hằn dân tộc, chống đối chính quyền, chế độ XHCN, như: thổi phồng và xoáy sâu vào một số thiếu sót, khuyết điểm của Đảng, Nhà nước, cấp ủy chính quyền địa phương hòng làm suy giảm uy tín của Đảng và Nhà nước, làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào chế độ xã hội.

Thâm hiểm hơn là chúng tập trung cổ xúy, lợi dụng triệt để biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng cũng như sự yếu kém về nhận thức, trình độ văn hóa của một số cán bộ, đảng viên để xây dựng nên các hình tượng phản cảm nhằm phê phán, chế diễu, kích động gây tâm lý hoang mang, dư luận xã hội thiếu lành mạnh, làm nhiễu loạn tính định hướng của văn học nghệ thuật chân chính đối với độc giả, dân chúng.

Tình trạng phân hóa trong một bộ phận văn nghệ sĩ

Đời sống văn học, nghệ thuật nước ta trong những năm đầu đổi mới “có những biến đổi sâu sắc, xuất hiện những đặc điểm mới, có hay, có dở, có sự phát triển mới, có những thành tựu và hạn chế đan xen”(6). Đáng quan ngại nhất là sự phân hóa trong đội ngũ sáng tác, với nhiều quan điểm thẩm mỹ rất khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Đã xuất hiện một bộ phận văn nghệ sĩ thể hiện thái độ bất mãn, bị các thế lực thù địch lợi dụng nhằm làm cho “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về nhận thức, tư tưởng, lập trường.

Đã xuất hiện một số tác phẩm có dụng ý chính trị mang tính lợi dụng và khai thác triệt để các vấn đề bức xúc của xã hội, như khiếu kiện đất đai, tham nhũng của cán bộ, tình hình Biển Đông, tiêu cực trong giải cứu đại dịch Covid-19... nhằm thổi phồng những nguy cơ, mặt trái của đời sống xã hội để tăng cường chống phá, làm nhiễu loạn dư luận xã hội, khơi dậy tư tưởng dân chủ cực đoan; cổ xúy cho những dòng tư tưởng trái chiều, những khuynh hướng sáng tác lệch lạc, mang tính phán xét, phá phách thiếu công tâm, cách nhìn phiến diện một chiều. Mặc dù số lượng tác phẩm loại này tuy không nhiều nhưng có tác hại lớn, vì nó nhiễu loạn định hướng giá trị của xã hội, làm xói mòn lòng tự tôn, tự hào dân tộc, phai nhạt lý tưởng cách mạng, suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng.

Thông qua một số diễn đàn văn học, nghệ thuật, hội thảo, tọa đàm, một số phần tử cơ hội dùng mọi thủ pháp học thuật để tìm cách lăng xê, đánh bóng tên tuổi cho văn nghệ sĩ có tư tưởng chống đối, những tác phẩm văn chương đi ngược với truyền thống, đạo lý dân tộc và sự lãnh đạo của Đảng. Những đối tượng này tuyên truyền, phê phán dòng văn học cách mạng, đòi tách văn nghệ ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng; xóa nhòa ranh giới giai cấp, địch - ta trong văn học, nghệ thuật. Tuyên truyền, gieo rắc, quảng bá cho các xu hướng sáng tác phi chính trị, phi lịch sử, phi truyền thống; chuyển hóa ý thức, quan điểm một số nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận, phê bình nghệ thuật, hình thành một xu hướng sáng tạo, hưởng thụ thực dụng, dễ dãi, thấp kém, phản nhân văn.

Với tinh thần đánh giá đúng sự thật, Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII (năm 1998) đã khẳng định: “Đời sống văn học, nghệ thuật còn những bất cập. Rất ít tác phẩm đạt đỉnh cao tương xứng với sự nghiệp cách mạng và kháng chiến vĩ đại của dân tộc và thành quả của đổi mới. Trong sáng tác và lý luận, phê bình có lúc đã nảy sinh khuynh hướng phủ nhận thành tựu văn học cách mạng và kháng chiến, đối lập văn nghệ với chính trị, nhìn xã hội với thái độ bi quan. Một vài tác phẩm viết về đề tài kháng chiến đã không phân biệt chiến tranh chính nghĩa và chiến tranh phi nghĩa”(7). Bộ Chính trị cũng chỉ rõ “Trong sáng tác, biểu diễn, truyền bá tác phẩm còn không ít tác phẩm và hoạt động chưa thể hiện được tính chất tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Số lượng tác phẩm ngày càng nhiều, tuy còn ít tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Trong một số tác phẩm lý tưởng xã hội - thẩm mỹ không rõ nét, ý tưởng xã hội còn hạn hẹp”(8). Đại hội XIII của Đảng tiếp tục chỉ rõ: “Thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn phản ánh sinh động tầm vóc công cuộc đổi mới, có tác dụng tích cực đối với con người”(9).

3. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng để phát triển văn hóa, nghệ thuật

Những khó khăn, thách thức, hạn chế, bất cập nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân cơ bản đó là, vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước còn chưa theo kịp yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Kết luận số 76-KL/TW, ngày 04-6-2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI nhìn nhận: “Hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật chưa thực hiện tốt chức năng hướng dẫn, điều chỉnh và đồng hành với thực tiễn sáng tác. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý chưa thực sự đổi mới, nhất là trong việc xây dựng, đào tạo, bố trí đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa... Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa có mặt còn bất cập, chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn”(10).

Đại hội XIII của Đảng cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa còn nhiều lúng túng, chậm trễ trong việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về văn hóa. Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, đẩy lùi sự xuống cấp nghiêm trọng về một số mặt văn hóa, đạo đức, lối sống, gây bức xúc xã hội”(11). Như vậy, vấn đề trọng tâm hiện nay chính là nghiên cứu tìm ra những giải pháp hữu hiệu nhằm phát triển toàn diện văn học, nghệ thuật gắn với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Đảng luôn nhấn mạnh tôn chỉ, sứ mệnh cao quý của văn học, nghệ thuật là: “Khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng, nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn... ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội, khắc phục những mặt hạn chế của con người Việt Nam”(12). Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước không chỉ để xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam “phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học” mà còn ngăn chặn, đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa, góp phần giữ vững ổn định về chính trị, bảo đảm xây dựng đất nước giàu mạnh và bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN. Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục”(13).

Như vậy, vai trò Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý chính là nhằm bảo đảm cho văn học, nghệ thuật nước nhà phát triển mạnh mẽ, toàn diện, hướng đến các mục tiêu:

Làm cho chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng định hướng đời sống tinh thần xã hội, xây dựng, tăng cường đồng thuận, sự thống nhất ý chí và hành động trong toàn xã hội. Định hướng văn học, nghệ thuật phát triển đúng định hướng của Đảng vừa phục vụ toàn thể nhân dân, vừa hướng vào việc củng cố, phát triển hệ tư tưởng XHCN, xây dựng chế độ xã hội mới và con người mới XHCN.

Tạo mọi điều kiện thuận lợi để văn học, nghệ thuật phát triển một cách toàn diện và mạnh mẽ, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, cống hiến nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, có tác dụng xây dựng con người, khơi dậy ý chí khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. “Chú trọng nâng cao giá trị tư tưởng, nghệ thuật, đồng thời bảo đảm tự do, dân chủ trong sáng tạo văn học, nghệ thuật; khuyến khích những tìm tòi mới làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Việt Nam; hạn chế các lệch lạc, các biểu hiện chạy theo thị hiếu tầm thường”(14).

Xây dựng, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam phát triển toàn diện cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu loại hình, có các thế hệ nối tiếp nhau, giàu lòng yêu nước, gắn bó máu thịt với dân tộc. Các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp phải chăm lo phát hiện, bồi dưỡng, quý trọng và phát huy các tài năng văn học, nghệ thuật. Bởi đây chính là đội ngũ quyết định sự phát triển của văn học, nghệ thuật, đưa văn học, nghệ thuật nước nhà lên tầm cao mới.

Trong công tác chính trị, tư tưởng phải xây dựng thế giới quan, nhân sinh quan, lý tưởng thẩm mỹ, lý tưởng nghệ thuật cao đẹp cho văn nghệ sĩ, những người công tác trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Xác định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm xã hội chân chính, cao quý của người nghệ sĩ cách mạng. Về chuyên môn, đưa ra các chủ trương, biện pháp, các cơ chế, chính sách hỗ trợ để nâng cao trình độ văn hóa, tư tưởng chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp sáng tác cho văn nghệ sĩ.

Tập hợp và thu hút lực lượng văn nghệ sĩ vào các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, thực hiện thiên chức cao quý của đội ngũ văn nghệ sĩ. “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật, tập hợp đông đảo văn nghệ sĩ tham gia; khuyến khích tự do sáng tạo, thực thi quyền tác giả”(15).

Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, tham mưu trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đại hội XIII đã chỉ rõ chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ văn hóa chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển văn hóa trong thời kỳ mới. Để nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý, đảm nhận vai trò tập hợp, dẫn dắt, định hướng đội ngũ văn nghệ sĩ, kiên quyết không quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, tham mưu, quản lý văn nghệ thiếu hiểu biết về văn học, nghệ thuật, ít học tập, ngại tiếp xúc, độc đoán, thiếu dân chủ. “Đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tham mưu trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, nhất là cán bộ chủ chốt thực sự am hiểu về văn hóa, có phẩm chất, bản lĩnh, năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vự”(16).

Phát huy mạnh mẽ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, quản lý chặt chẽ, có hệ thống của Nhà nước trên mặt trận tư tưởng, văn học, nghệ thuật là nhân tố có ý nghĩa quyết định thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đạt được các mục tiêu trên, góp phần thúc đẩy văn học, nghệ thuật phát triển lành mạnh, đúng định hướng trong bối cảnh mới.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 546 (tháng 8-2023)

Ngày nhận bài: 14-7-2023; Ngày bình duyệt: 14-8-2023; Ngày duyệt đăng: 24-8-2023.

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000, tr.316.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.48, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2006, tr.487.

(3), (5), (6), (8) ĐCSVN: Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.

(4), (9), (11), (13), (14), (15), (16) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.146, 84, 84-85, 146, 145, 146-147, 146-147.

(7) ĐCSVN: Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1998.

(10) ĐCSVN: Kết luận số 76-KL/TWcủa Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, ngày 04-6-2020.

(12) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.127.

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền