Trang chủ    Bài nổi bật    Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng theo quan điểm của V.I.Lênin
Thứ sáu, 22 Tháng 7 2016 17:28
11892 Lượt xem

Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng theo quan điểm của V.I.Lênin

(LLCT) - Từ thực tế thăng trầm của các đảng cộng sản khi cầm quyền đã minh chứng rằng: những đảng cộng sản xây dựng mình thành đội tiền phong chiến đấu có tổ chức chặt chẽ sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách khốc liệt, lãnh đạo cách mạng giành thắng lợi. Kiên trì nguyên tắc tập trung dân chủ ngay cả khi vấp váp những sai lầm khuyết điểm, một số đảng cộng sản vẫn giữ vững đội ngũ, nhờ đó vượt qua thời kỳ khó khăn nhất, từng bước cải cách, đổi mới thành công, tạo dựng lại niềm tin về CNXH. Trái lại, những đảng cộng sản kể cả là đảng cầm quyền, nếu từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ hoặc lơi lỏng, xa rời nguyên tắc tập trung dân chủ thì sẽ suy yếu, khó khăn (và là một trong những nguyên nhân) dẫn đến tan vỡ (như Đảng Cộng sản Liên Xô và các đảng cộng sản cầm quyền ở Đông Âu trước đây). 

(Các đại biểu biểu quyết thông qua Chương trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. (Nguồn: TTXVN))

Kế thừa những tư tưởng của Mác - Ăngghen về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của đảng, V.I.Lênin đã xây dựng và áp dụng nguyên tắc tập trung dân chủ làm nguyên tắc tất yếu trong xây dựng và trong hoạt động của đảng và được thông qua tại Đại hội IV của Đảng Công nhân dân chủ - xã hội Nga năm 1906.

Sau này, khi các đảng trong Quốc tế Cộng sản thừa nhận bằng việc quy định điều kiện gia nhập Quốc tế Cộng sản là các đảng công nhân phải được xây dựng theo nguyên tắc tập trung dân chủ thì Đảng ta đã chấp nhận và thực hiện từ khi ra đời đến nay.

Nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác xây dựng Đảng gồm các nội dung cơ bản(1):

Một là, “Thiểu số phải phục tùng đa số”

Về vai trò của nguyên tắc này đối với sự thống nhất trong đảng, Lênin viết: “Sự thống nhất trong những vấn đề cương lĩnh và sách lược là điều kiện tất yếu, nhưng chưa đầy đủ để đảm bảo sự thống nhất của đảng và sự tập trung hóa công tác của đảng (...). Muốn đạt được sự thống nhất trên đây, thì còn phải có sự thống nhất về tổ chức nữa, điều này không thể thực hiện được đối với một đảng vừa mới ít nhiều vượt ra khỏi khuôn khổ chật hẹp của một tiểu tổ và chưa có một bản điều lệ đã được chính thức quy định, chưa có nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số, bộ phận phục tùng toàn bộ”(2).

Nguyên tắc tổ chứctập trungcủa đảng được thể hiện ởthống nhất trong hoạt động của đảng, mọi đảng viên phải chấp hành nghị quyết của đại hội, bộ phậnphải phục tùng toàn thể. V.I.Lênin viết: “... trong bất cứ công việc nào của địa phương cũng có thể có sự liên quan đến những lợi ích chung của toàn đảng, và cần phải để cho Ban Chấp hành Trung ương có thể can thiệp được vào các công việc của địa phương, điều này có thể trái với lợi ích của địa phương, nhưng là phù hợp với lợi ích của toàn đảng”(3).

Hai là, “Cơ quan tối cao của đảng phải là đại hội, tức là cuộc họp của những người được tất cả các tổ chức có thẩm quyền bầu ra và các nghị quyết của những người ấy phải có tính chất tối hậu quyết định”.

Mở rộng cho tất cả đảng viên tham gia thảo luận và chuẩn bị các báo cáo về các vấn đề công việc quan trọng liên quan đến sự lãnh đạo của đảng kể cả quần chúng tiên tiến ngoài đảng: “Sự tham gia tích tích cực của tất cả các đảng viên trong việc thảo và chuẩn bị các báo cáo và nghị quyết về các vấn đề quan trọng này và khác (cũng như trong việc thu thập tài liệu để làm báo cáo) là tuyệt đối cần thiết cho đại hội thành công”(4).

V.I.Lênin yêu cầu cần phải thảo luận rộng rãi những quyết định của đại hội, tất cả đảng viên phải tự giác,làmcho mọi tổ chức công nhân am hiểu đầy đủ tình hình, nói lên sự tán thành hoặc sự phản đối của mình đối với cácquyết định.Cần phải thảo luận trên báo chí, trong các cuộc họp, trong các tổ, nhómquần chúng để đóng góp với Đảng.

Lênin viết: “Tự do thảo luận, thống nhất hành động - đó là những điều mà chúng ta cần phải đạt được”(5); “Chỉ trong những cuộc thảo luận, những nghị quyết và kháng nghị như thế mới có thể hình thành được dư luận thật sự của đảng ta. Chỉ trong điều kiện như thế mới có được một chính đảng thật sự biết luôn luôn nói lên ý kiến của mình và tìm ra những con đường đúng đắn để biến ý kiến đã được xác định thành quyết định của một đại hội mới”(6).

 Để bảo đảm và phát huy dân chủ, phải tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên nắm bắt được thông tin của đảng, được trao đổi, đóng góp ý kiến đối với đảng. Lênin viết: “Chúng tôi đặc biệt muốn ngăn ngừa cách chỉ tập trung thư từ vào Ban Chấp hành và vào Thư ký. Không có gì nguy hại cho bằng thứ độc quyền như thế (...). Hãy tạo nhiều điều kiện hơn để các cán bộ trẻ - những thanh niên, những nhân viên công tác, những người “tập trung chủ nghĩa”, những người làm công tác tổ chức, những thành viên bình thường của các buổi họp chớp nhoáng và của các cuộc mít-tinh viết cho chúng tôi”(7).

Ba là,“Bầu cử cơ quan trung ương của đảng (hay các cơ quan trung ương của đảng) phải trực tiếp và tiến hành tại đại hội”.

Dân chủ trong nguyên tắc tập trung dân chủ của đảng thể hiện ở việc trực tiếpbầu cơ quan lãnh đạo của đảng. V.I.Lênin viết: “Đảng công nhân dân chủ - xã hội Nga được tổ chức một cách dân chủ. Điều đó có nghĩa là tất cả mọi công việc của đảng đều được toàn thể các đảng viên, hoàn toàn bình quyền và không có ngoại lệ nào, tiến hành trực tiếp hoặc thông qua các đại biểu; đồng thời tất cả những người có trách nhiệm trong đảng, tất cả các ban lãnh đạo của đảng, tất cả các cơ quan của đảng đều được bầu ra, đều có trách nhiệm phải báo cáo và có thể bị bãi miễn”(8).

Thứ tư,“tuyệt đối phải phục tùng đại hội của đảng và phục tùng tổ chức tương đương của đảng ở trung ương hay ở địa phương”.

Khi các quyết định của đảng được ban hành thì tổ chức thực hiện phải thống nhất hành động. Dân chủ trong nguyên tắc tổ chức của đảng còn bao hàm quyền khiếu nại của đảng viên lên cơ quan trung ương nếu họ thấy có vấn đề khúc mắc mà các cấp của đảng giải quyết không thỏa đáng. Lênin viết: “... không được cấm đoán bất cứ ai mang đơn khiếu nại đến tận trung ương. Đó là điều kiện cần thiết của nguyên tắc tập trung”(9).

Thứ năm, “Khái niệm tư cách đảng viên phải được quy định thật rõ ràng”.

Thứ sáu,“Quyền hạn của mọi phái thiểu số trong đảng cũng phải được quy định rõ ràng như thế trong điều lệ đảng”.

Tập trung và dân chủ là hai mặt của một nguyên tắc, nó có quan hệ biện chứng mật thiết với nhau, theo Lênin, tập trung trong đảng không đối lập với dân chủ mà phải trên cơ sở dân chủ. Mặt khác, dân chủ trong đảng dưới sự chỉ đạo của tập trung nhằm thực hiện tập trung tốt hơn. Tập trung và dân chủ phải là một thể thống nhất mới tạo nên sức mạnh của tổ chức của đảng. Tuyệt đối hóa tập trung sẽ dẫn đến tập trung quan liêu. Tuyệt đối hóa dân chủ sẽ trở thành dân chủ không có tổ chức, không lãnh đạo được và vô chính phủ, hỗn loạn.

V.I.Lênin chỉ rõphát triển dân chủ,tìm ra những hình thức của sự phát triển ấy...,đó là một trong những nhiệm vụ cấu thành cuộc đấu tranh vì cách mạng xã hội. Trong đời sống,chế độ dân chủ không bao giờ “tách riêng” được,mà nó “đứng trong toàn bộ”, nó sẽ ảnh hưởng đến kinh tếvà cũngchịu ảnh hưởng của sự phát triển kinh tế.

Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ phải sáng tạo,nhưng phải bảo đảm đúng nguyên tắc, phải vận dụng phù hợp với đặc điểm hoàn cảnh cụ thể. Tại nước Nga, sau Cách mạng Tháng Mười, trong điều kiện hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, phải thực hiện chính sách cộng sản thời chiến. Nhưng khi hòa bình, nó lại là lực cản đối với việc phát huy quyền dân chủ, sáng tạo, Lênin đã đề xuất một loạt quan điểm để xây dựng tổ chức và dân chủ hóa, chống chủ nghĩa tập trung.

Lênin yêu cầu phân biệt rõ: lãnh đạo thì nhất thiết phải do tập thể nhưng tổ chức thực hiện thì một người phụ trách, cá nhân chỉ huy. Lênin nhấn mạnh vấn đề dân chủ hóa, coi vấn đề dân chủ trong đảng là hạt nhân của việc thực hiện nền chính trị dân chủ XHCN, tập trung hóa trong sinh hoạt đảng có quan hệ mật thiết với chống chủ nghĩa quan liêu. Dân chủ hóa, trọng yếu là giám sát, kiểm tra, kiểm soát cơ quan lãnh đạo và lãnh đạo đảng.

V.I.Lênin viết: “Chúng ta chủ trương theo chế độ tập trung dân chủ. Nhưng cần phải hiểu rõ ràng rằng chế độ tập trung dân chủ, một mặt, thật khác xa chế độ tập trung quan liêu chủ nghĩa và, mặt khác, thật khác xa chủ nghĩa vô chính phủ”(10).

Là đảng mácxít, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động, từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động. Nguyên tắc tập trung dân chủ chỉ đạo mọi hoạt động xây dựng tổ chức, sinh hoạt và lãnh đạo của Đảng.

Nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng được quy định tại Điều 9 Điều lệ Đảng với 6 nội dung:

“1. Cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng do bầu cử lập ra, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.

2. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc. Cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp là đại hội đại biểu hoặc đại hội đảng viên. Giữa hai kỳ đại hội, cơ quan lãnh đạo của Đảng là Ban Chấp hành Trung ương, ở mỗi cấp là ban chấp hành đảng bộ, chi bộ (gọi tắt là cấp ủy).

3. Cấp ủy các cấp báo cáo và chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước đại hội cùng cấp, trước cấp ủy cấp trên và cấp dưới; định kỳ thông báo tình hình hoạt động của mình đến các tổ chức đảng trực thuộc, thực hiện tự phê bình và phê bình.

4. Tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đảng. Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương.

5. Nghị quyết của các cơ quan lãnh đạo của Đảng chỉ có giá trị thi hành khi có hơn một nửa số thành viên trong cơ quan đó tán thành. Trước khi biểu quyết, mỗi thành viên được phát biểu ý kiến của mình. Đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số được quyền bảo lưu và báo cáo lên cấp ủy cấp trên cho đến Đại hội đại biểu toàn quốc, song phải chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết, không được truyền bá ý kiến trái với nghị quyết của Đảng. Cấp ủy có thẩm quyền nghiên cứu xem xét ý kiến đó; không phân biệt đối xử với đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số.

6. Tổ chức đảng quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn của mình, song không được trái với nguyên tắc, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp trên”(11).

Trung thành với quan điểm của Lênin, Đảng ta nhất quán trong nhận thức rằng: Tập trung dân chủ là một nguyên tắc thống nhất, không tách rời, càng không thể đối lập giữa tập trung và dân chủ. Nguyên tắc tập trung dân chủ hướng tới sự tập trung nhưng là sau khi đã bàn bạc dân chủ. Tập trung không trên cơ sở dân chủ thì sẽ trở thành tập trung quan liêu, chuyên quyền, độc đoán; ngược lại, dân chủ mà không đi tới tập trung thì sẽ rơi vào tình trạng dân chủ vô tổ chức, hỗn loạn. Tùy tình hình, nhiệm vụ của Đảng trong từng thời kỳ, cách thực hiện và phạm vi áp dụng nguyên tắc tập trung dân chủ có sự khác nhau, nhưng điều đó không có nghĩa coi tập trung hay dân chủ là chính còn mặt kia là phụ.

Tuy vậy, trong quá trình thực hiện nguyên tắc này, đã xuất hiện một số vấn đề đặt ra cần được nghiên cứu, tìm giải pháp khả thi trong thời gian tới:

Thứ nhất, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trong Đảng tức là quyền quyết định là của tập thể (chi bộ, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy). Còn đối với “cá nhân phụ trách” tức là cá nhân được cấp ủy giao nhiệm vụ cho đảng viên, cấp ủy viên thực thi hoặc tổ chức chỉ đạo việc thực thi, biến quyết định của tập thể cấp ủy thành thực tế thì lại không có “quyền” quyết định điều gì. Người “đứng đầu” cấp ủy - bí thư cấp ủy tuy không chính danh “quyết” nhưng lại có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc chuẩn bị để tập thể cấp ủy quyết định. Những tiêu cực phát sinh cũng vì thế mà nảy sinh ngầm, biểu hiện cụ thể là tình trạng “chạy dự án, chạy cơ chế, chạy chức, chạy quyền”... gây bức xúc trong xã hội. Vậy cần có cơ chế nào để “không thể chạy được” và “không dám chạy” đang là câu hỏi chưa có lời giải hữu hiệu.

Thứ hai, theo Lênin, “các cơ quan của đảng đều được bầu ra, đều có trách nhiệm phải báo cáo và có thể bị bãi miễn” nhưng Đảng ta chỉ để cập đến việc “Cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng do bầu cử lập ra” mà chưa quan tâm đến việc“bãi miễn” những người không còn xứng đáng trong cơ quan lãnh đạo đó. Trên thực tế, hiếm có trường hợp nào bị “bãi miễn” trong suốt nhiệm kỳ. Vậy cần có cơ chế nào khả thi để đảng viên thực hiện quyền “bầu ra” và “bãi miễn” đối với những cấp ủy viên của cơ quan lãnh đạo?

Thứ ba, dân chủ - theo Lênin là “Tự do thảo luận” và theo chủ tịch Hồ Chí Minh là để mọi người “mở miệng ra” nhưng trên thực tế, trí tuệ của tập thể trong nhiều tổ chức đảng nhiều khi không được phát huy đầy đủ. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, nguyên tắc tập trung dân chủ bị lạm dụng, lấy đa số, quyết định của tập thể cấp ủy để thực thi ý chí của thiểu số, do lợi ích nhóm chi phối. Vậy cần có cơ chế nào để thực hiện được dân chủ trong các loại tổ chức đảng để tránh tình trạng dân chủ hình thức?

Thứ tư, có nên thành lập bộ phận “tham mưu xử lý ý kiến thuộc về thiểu số” của cơ quan đảng hay “nghiên cứu các ý kiến thuộc về thiểu số” ở cơ quan nghiên cứu về xây dựng Đảng không?

Hiện nay, nguyên tắc tập trung dân chủ cần được tổng kết theo hướng vận dụng trung thành và sáng tạo tư tưởng của Lênin trong điều kiện của Đảng ta, tiếp thu những kinh nghiệm quý về nguyên tắc tổ chức của các đảng khác để ngày càng hoàn thiện và phát huy tác dụng của nguyên tắc tập trung dân chủ - nguyên tắc tổ chức và hoạt động cơ bản của Đảng.

_________________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2015

(1) V.I.Lênin: Toàn tập, t.11, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1979, tr.207-208.

(2) Sđd, t.8, tr.454-455.

(3), (9) Sđd, t.7, tr.332-333, 357.

(4), (7) Sđd, t.9, tr.355, 134.

(5), (6) Sđd, t.13, tr.82-83, 83.

(8) Sđd, t.14, tr.324.

(10) Sđd, t.36, tr.185.

(11) ĐCSVN: Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.16-19.

 

PGS, TS Nguyễn Minh Tuấn,

Viện Xây dựng Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền