Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Đẩy mạnh học tập phong cách nêu gương Hồ Chí Minh trong đội ngũ giảng viên các học viện, trường sĩ quan quân đội hiện nay
Thứ tư, 31 Tháng 1 2024 16:12
4232 Lượt xem

Đẩy mạnh học tập phong cách nêu gương Hồ Chí Minh trong đội ngũ giảng viên các học viện, trường sĩ quan quân đội hiện nay

ThS NGUYỄN ĐẮC DŨNG
Trường Sĩ quan chính trị, Bộ Quốc phòng

(LLCT) - Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(1). Luận điểm của Người đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn, khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của nêu gương trong đời sống xã hội. Bài viết phân tích ý nghĩa của việc học tập phong cách nêu gương Hồ Chí Minh đối với giảng viên các học viện, trường sĩ quan quân đội. Đây là nội dung có ý nghĩa rất quan trọng trong đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng đội ngũ nhà giáo quân đội “vừa hồng”, “vừa chuyên”, là chiến sĩ xung kích, tiên phong trên mặt trận đấu tranh tư tưởng, lý luận của Đảng.
 

Giảng viên Khoa Văn hóa, Ngoại ngữ (Trường Sĩ quan Chính trị) trao đổi chuyên môn - Ảnh: qdnd.vn

1. Phong cách nêu gương Hồ Chí Minh

Sinh thời, Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”(2). Bởi theo Người, hành động gương mẫu, tấm gương của cán bộ, đảng viên là “mệnh lệnh không lời”, có sức thuyết phục và cảm hóa mạnh mẽ, trực tiếp truyền cảm hứng cho nhân dân học tập, noi theo. Thực hiện “nêu gương”, “làm gương”, phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên còn là một trong những phương thức lãnh đạo rất quan trọng của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về phong cách nêu gương cho toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân noi theo, có thể khái quát trên những nét chính sau:

Một là, nêu gương về mục đích và lý tưởng sống

Trong thực hành nêu gương của cán bộ, đảng viên, theo Hồ Chí Minh điều quan trọng nhất là nêu gương về mục đích và lý tưởng sống. Nêu gương về mục đích là một lòng, một dạ vì nước, vì dân, vì sự nghiệp cách mạng của Đảng. Lý tưởng sống là lòng trung thành với mục tiêu cách mạng; niềm tin và sự kiên định về lập trường, quan điểm, tôn trọng và gương mẫu chấp hành luật pháp. Người nhắc nhở “chúng ta làm gương mẫu và biết lãnh đạo thì bất cứ công việc gì khó khăn đến đâu cũng nhất định làm được”(3). Cán bộ, đảng viên phải luôn gương mẫu cho cấp dưới, cho nhân dân.

Chính Người là hình ảnh mẫu mực trong nêu gương về mục đích và lý tưởng sống. Người khẳng định: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(4). Lời Người nói đúng như việc Người làm, cả cuộc đời vì dân, vì nước. Đến cuối đời, Người vẫn khẳng định: “Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”(5). Đồng thời căn dặn: “Giữ vững lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân”(6); “Trên vì nước, dưới vì nhà. Ấy là sự nghiệp, ấy là công danh”(7).

Hai là, nêu gương về đạo đức cách mạng

Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”(8). Bởi theo Người, cán bộ là gốc của mọi công việc, là cầu nối giữa Đảng, Chính phủ với nhân dân. Để làm tốt trọng trách này, đòi hỏi mỗi người cán bộ phải có đạo đức và tài năng. Trong đó, đạo đức là gốc, là nền tảng của người cách mạng, như gốc của cây, như ngọn nguồn của sông suối. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù có tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Người khẳng định: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức”(9). Người cán bộ phải có đạo đức và thực hành đạo đức, thực sự gương mẫu, là “mực thước” để quần chúng nhân dân noi theo.

Theo Người, nêu gương về đạo đức là nét nổi bật của người cán bộ, đảng viên. Để trở thành người cách mạng chân chính, mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu gương về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nêu cao đức tính tốt đẹp: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm; phải tránh xa những thói xấu như lười biếng, tham lam. Đạo đức cách mạng hoàn toàn đối lập với sự giả dối, bất minh, bất chính. Người cán bộ luôn khiêm tốn, giản dị, có lòng vị tha, nhân ái, khoan dung, đồng thời luôn đấu tranh chống thói kiêu ngạo, vụ lợi, vị kỷ, những ham muốn danh lợi, địa vị, chức quyền, chính là đã thực hành và nêu gương về đạo đức. Bởi theo Người, nêu gương về đạo đức phải bao hàm cả thái độ, tình cảm, nhất là trong lời nói và việc làm.

Ba là, nêu gương về thái độ khiêm tốn, giản dị trong công việc và cuộc sống

Khiêm tốn, giản dị là những đức tính quan trọng của người cán bộ cách mạng. Hồ Chí Minh khẳng định: “Tự kiêu là mù quáng, chỉ trông thấy những việc mình tưởng mình làm được, những điều mình tưởng mình biết hết; mà không trông thấy những điều mình không biết, những việc mình chưa làm được... Tự kiêu là hẹp hòi... Tự kiêu là thoái bộ. Vì tự mãn tự túc, không cố gắng học hỏi thêm. Không theo kịp sự tiến bộ của thời đại. Tự mình ngăn trở sự tiến bộ của mình”(10).

Do đó, Người yêu cầu: “Mỗi một đồng chí ta phải có thái độ khiêm tốn, càng cựu, càng giỏi, càng phải khiêm tốn, phải có lòng cầu tiến bộ”(11). Bởi vì, theo quan điểm của Người, khiêm tốn sẽ có sự tỉnh táo, để nhận thức được chân lý một cách đúng đắn, khách quan, đồng thời có được sự ủng hộ, tin tưởng, giúp đỡ chân thành của mọi người, cũng như đem lại cho ta nhiều khả năng cả về trí lực và vật lực để đạt đến sự thành công. Để có được đức tính khiêm tốn, mỗi cán bộ phải luôn luôn học hỏi, không ngừng phấn đấu vươn lên, không ngừng hoàn thiện nhân cách.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là hiện thân của đức khiêm tốn, giản dị, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, dù ở cương vị rất cao nhưng Người không bao giờ tự đặt mình cao hơn người khác để đòi hỏi một sự suy tôn, mà luôn quan tâm chu đáo đến mọi người xung quanh. Đức khiêm tốn, giản dị của Người đã trở thành triết lý nhân sinh thấm đẫm trong lời nói, tư tưởng và hành động.

Bốn là, nêu gương về thực hành đoàn kết, tôn trọng nhân dân, nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân

Theo Hồ Chí Minh, để làm tròn bổn phận và trách nhiệm của mình, mỗi cán bộ, đảng viên phải được dân tin, dân phục, dân yêu. Người nhấn mạnh: “Phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân; phải hiểu thấu rằng lợi ích của nhân dân tức là lợi ích của Đảng và phải đặt lợi ích của nhân dân và của Đảng lên trên hết, trước hết”(12). Muốn vậy, trước hết mỗi cán bộ phải đoàn kết, tôn trọng nhân dân, nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân; phải thực sự yêu thương, kính trọng nhân dân, gần gũi, gắn bó mật thiết với nhân dân để thấu dân tình, hiểu rõ dân sinh.

Theo Người, yêu thương, tôn trọng nhân dân luôn gắn liền với ý chí đấu tranh và khát vọng mãnh liệt để làm cho dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc. Người từng dạy: “Bất kỳ ai, ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm. Tinh thần trách nhiệm là: nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng, làm tròn nhiệm vụ”(13). Gần dân, sát dân, hiểu dân, tôn trọng nhân dân phải bằng những hành động thiết thực, những việc làm cụ thể để mang lại lợi ích cho dân. Muốn đạt điều đó, đòi hỏi mỗi người cán bộ phải có phong cách làm việc quần chúng, phong cách làm việc dân chủ, tập thể, gắn bó với cơ sở, với thực tiễn, phải gương mẫu làm trước để dân hiểu và làm theo.

Năm là, nêu gương về phương pháp và phong cách làm việc khoa học, cẩn trọng, chu đáo, lối ứng xử tinh tế, nhân văn

Theo Hồ Chí Minh, người cán bộ trong lãnh đạo và quản lý phải dựa trên các nguyên tắc làm việc chuẩn mực, dân chủ, khoa học, luật pháp, kỷ cương. Trong công việc, Người yêu cầu: “Cán bộ phải nghiên cứu, hiểu suốt, thấm nhuần chính sách ấy. Theo chính sách ấy mà điều tra, nghiên cứu, hiểu suốt hoàn cảnh thiết thực của đơn vị mình, địa phương mình”(14); phải có mục đích rõ ràng, cẩn thận; chương trình, kế hoạch đặt ra phải chi tiết, sát hợp, chu đáo; kiểm tra việc thực hiện của cấp dưới và quần chúng; cụ thể, kịp thời, thiết thực, có trọng điểm, có điển hình và toàn diện. Bởi theo Người, gương mẫu là mệnh lệnh không lời: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”(15). Trong gia đình, cha mẹ là tấm gương cho các con, anh chị là tấm gương cho các em; trong nhà trường, thầy, cô giáo là tấm gương cho học trò; trong cơ quan, tổ chức thì cán bộ lãnh đạo là tấm gương cho cấp dưới, người này có thể nêu gương cho người khác. Trong cuộc sống hằng ngày, người cán bộ, đảng viên phải có trách nhiệm tự tu dưỡng để là tấm gương giúp nhân dân làm điều đúng, điều thiện, chống lại thói hư, tật xấu.

2. Ý nghĩa việc học tập, làm theo phong cách nêu gương Hồ Chí Minh đối với giảng viên

Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, sự chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp của Đảng ủy, Ban Giám hiệu các học viện, trường sĩ quan quân đội, việc học tập, làm theo phong cách nêu gương Hồ Chí Minh được cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy các khoa giáo viên thường xuyên quan tâm, có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức, biện pháp.

Cấp ủy, chỉ huy các khoa giáo viên tuyên truyền, phổ biến và yêu cầu giảng viên hằng năm viết cam kết nội dung phấn đấu học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó có nội dung về phong cách nêu gương; hằng tháng, các buổi sinh hoạt tại chi bộ khoa giáo viên đều lồng ghép nội dung đánh giá, kiểm tra, giám sát đảng viên, đưa vào kế hoạch kiểm tra, giám sát năm của chi bộ; trên cơ sở hướng dẫn của cơ quan chính trị, cấp ủy, tổ chức đảng các khoa giáo viên đã cụ thể hóa, thể chế hóa thành tiêu chí, nội dung cụ thể để phát huy tinh thần, trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu của giảng viên trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học; cơ quan chính trị và lãnh đạo, chỉ huy khoa giáo viên làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của giảng viên thông qua dự giờ trên lớp, thông qua giáo án, tham gia hội thi giảng viên dạy giỏi các cấp, nghiên cứu khoa học.

Hằng năm, các học viện, trường sĩ quan quân đội tổ chức sơ kết học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, biểu dương, khen thưởng, tôn vinh giảng viên có nhiều nỗ lực, cố gắng trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học...

Tuy nhiên, việc học tập, làm theo phong cách nêu gương Hồ Chí Minh của giảng viên ở các học viện, trường sĩ quan quân đội còn một số hạn chế:

Nhận thức, trách nhiệm của một số cấp ủy, tổ chức đảng trong tuyên truyền, giáo dục về tầm quan trọng học tập, làm theo phong cách nêu gương Hồ Chí Minh cho giảng viên chưa sâu sắc; việc xây dựng kế hoạch phấn đấu tu dưỡng học tập, rèn luyện của một số giảng viên còn chung chung, đại khái, chưa gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao; hình thức, biện pháp học tập ở một số khoa giáo viên chưa hấp dẫn, chưa tập trung vào khâu yếu, chưa tạo ra đột phá trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, đặt ra cho đội ngũ giảng viên ở các học viện, trường sĩ quan quân đội phải không ngừng nâng cao phẩm chất đạo đức, lối sống, trình độ, năng lực chuyên môn để giáo dục, đào tạo những sĩ quan có kiến thức lý luận chính trị, sử dụng thành thạo các loại vũ khí trang bị kỹ thuật, sẵn sàng chiến đấu khi có tình huống xảy ra. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xác định: “Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có trình độ tương xứng với công việc; ngành đào tạo, thực hiện tốt bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học qua thực tiễn; có chính sách thu hút nhân tài về các học viện, nhà trường công tác”(16).

Để nâng cao chất lượng việc học tập, làm theo phong cách Hồ Chí Minh về nêu gương của giảng viên các học viện, trường sĩ quan quân đội hiện nay cần thực hiện một số nội dung, biện pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của giảng viên về tầm quan trọng của việc học tập, làm theo phong cách nêu gương Hồ Chí Minh

Đây là biện pháp quan trọng có ý nghĩa hàng đầu. Cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến quan điểm, đường lối của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, hướng dẫn của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, của các học viện, trường sĩ quan quân đội về nêu gương của cán bộ, đảng viên, như: Quy định 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”; Quy định 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về “trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”; Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Quy định 37-QĐ/TW ngày 25-10-2021 về “những điều đảng viên không được làm”; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII về “đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””; Kết luận số 01-KL/TW ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị về “tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh””; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025); Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28-12-2021 của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về “phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới”;...

Những nội dung trên được thực hiện thông qua học tập nghị quyết do thường vụ đảng ủy các học viện, trường sĩ quan quân đội xác định ở kế hoạch hoạt động công tác đảng, công tác chính trị; thông qua sinh hoạt ra nghị quyết lãnh đạo hằng tháng; thông qua ngày chính trị văn hóa tinh thần; thông qua giảng dạy, nghiên cứu khoa học để lồng ghép các nội dung, qua đó, tạo sự đoàn kết, thống nhất về nhận thức, hành động, phát huy tinh thần, trách nhiệm của mỗi giảng viên đối với thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Hai là, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các nội dung, hình thức, biện pháp học tập, làm theo phong cách nêu gương Hồ Chí Minh của giảng viên các học viện, trường sĩ quan quân đội

Đây là giải pháp có tính chất quyết định đến việc học tập, làm theo phong cách nêu gương Hồ Chí Minh của giảng viên các học viện, trường sĩ quan quân đội. Theo đó, về nội dung học tập cần tập trung vào phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; những chuẩn mực trong ba mối quan hệ: giữa giảng viên với mình, với người, với việc, nhất là mối quan hệ với đồng nghiệp và học viên. Xây dựng phong cách nêu gương phải nằm trong chỉnh thể đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của học viện, nhà trường; chú trọng đến phương pháp, tác phong giảng dạy trên lớp, vận dụng linh hoạt phương pháp giảng dạy, giải quyết các tình huống sư phạm; quá trình thực hành giảng dạy diễn đạt ngắn gọn, cô đọng, hàm súc, có sức thuyết phục cao. Đặc biệt, khi ứng xử với tập thể đơn vị phải thật sự khiêm tốn, giản dị, gần gũi, chân thành; gương mẫu, chuẩn mực về lời nói, hành vi; những kiến thức mới phải thường xuyên được cập nhật, bổ sung vào bài giảng.

Về hình thức, biện pháp, thực hiện thông qua học tập chính trị hằng năm của sĩ quan; tập huấn cán bộ đầu năm; hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học; thực hiện các phong trào thi đua Quyết thắng...

Để thực hiện được những nội dung trên, cơ quan đào tạo, lãnh đạo, chỉ huy phải chủ động xây dựng kế hoạch công tác đảng, công tác chính trị, xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, điều kiện bảo đảm, thời gian huấn luyện; kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ giảng viên theo sự phân công.

Ba là, phát huy tính tích cực, chủ động trong tự học tập, làm theo phong cách nêu gương Hồ Chí Minh

Phát huy tính tích cực, chủ động thể hiện ý thức, trách nhiệm sâu sắc với chức trách, nhiệm vụ được giao và yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao của việc xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”. Tính tích cực, chủ động trong tự học tập, làm theo phong cách nêu gương Hồ Chí Minh là khả năng tự mình nghiên cứu, tìm hiểu, học hỏi ở các điều kiện, môi trường khác nhau, tích hợp lại thành tài sản, thành vốn của riêng mình. Mỗi giảng viên phải chủ động sắp xếp, bố trí thời gian, công việc sao cho hợp lý, khoa học, vừa bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao, vừa bảo đảm việc tự mình học tập, làm theo phong cách nêu gương Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về con đường tự học, tự bồi dưỡng. Người khẳng định: Phải nâng cao và hướng dẫn việc tự học, “lấy tự học làm cốt”(17). Trong công việc, cuộc sống, bản thân thấy yếu chỗ nào, hổng chỗ nào phải tập trung vào tự bồi dưỡng, tránh để tình trạng cấp trên phải nhắc nhở, phê bình trong hội nghị về phương pháp, tác phong sư phạm; đặt ra yêu cầu cao cho bản thân trong quá trình tự học tập, làm theo phong cách nêu gương Hồ Chí Minh, không tự bằng lòng với kết quả có được, phải khiêm tốn, cầu thị, chủ động khắc phục khó khăn, gian khổ. Xác định rõ yêu cầu, nhiệm vụ được giao đặt ra ngày càng cao để phấn đấu, rèn luyện. Mỗi giảng viên phải đặt ra những mục tiêu, nhiệm vụ vừa mang tính trước mắt, vừa mang tính lâu dài, tự bồi dưỡng mỗi ngày, nâng cao dần năng lực, phương pháp, tác phong công tác của bản thân; đối chiếu, so sánh việc đã làm được, chưa làm được để bổ sung, điều chỉnh cho hợp lý, khoa học, không cứng nhắc, dập khuôn, tùy vào môi trường, điều kiện, tình huống cụ thể mà việc tự bồi dưỡng có sự khác nhau.

Bốn là, làm tốt việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm

Đây là giải pháp giữ vai trò tạo động lực, niềm tin, khí thế, kích thích, cổ vũ, động viên giảng viên tiếp tục phát huy năng lực, sở trường, thế mạnh của mình cho đơn vị. Theo đó, phải làm rõ những ưu điểm, khuyết điểm của việc học tập, làm theo phong cách nêu gương Hồ Chí Minh của mỗi giảng viên ở tất cả các khâu, các bước, từ việc soạn giáo án, bài giảng đến thực hành giảng bài; phát huy tính dân chủ trong thảo luận, trao đổi về nội dung, phương pháp học tập; làm rõ những hạn chế, khuyết điểm, chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế, khuyết điểm đó, trách nhiệm thuộc về ai, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho những lần bồi dưỡng sau được tốt hơn; thẳng thắn, khách quan, không áp đặt trong thảo luận, trao đổi.

Quán triệt quan điểm “trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo” trong quá trình học tập, làm theo, sai đến đâu sửa đến đấy, phê bình việc chứ không phê bình người; đồng thời, làm tốt công tác biểu dương, khen thưởng, nhân rộng điển hình tiên tiến đối với giảng viên có nhiều nỗ lực, cố gắng trong quá trình tự bồi dưỡng để động viên, khích lệ, tạo thành đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp trong đơn vị.

Phong cách nêu gương Hồ Chí Minh là tài sản vô giá của dân tộc để mỗi cán bộ, đảng viên, giảng viên các học viện, trường sĩ quan quân đội khắc cốt, ghi tâm học tập, làm theo, đề cao tinh thần, trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Mỗi giảng viên thấm nhuần phong cách nêu gương Hồ Chí Minh để không ngừng tu dưỡng, phấn đấu rèn luyện về phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực, trình độ, phương pháp, tác phong sư phạm, góp phần xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 546 (tháng 8-2023)

Ngày nhận bài: 01-8-2023; Ngày bình duyệt: 14-8-2023; Ngày duyệt đăng: 24-8-2023.

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.284.

(2), (9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Sđd, tr.16, 16.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.14, Sđd, tr.223.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Sđd, tr.187.

(5), (15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Sđd, tr.615, 672.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.9, Sđd, tr.354.

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3, Sđd, tr.243.

(8), (10), (11), (17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Sđd, tr.313, 631, 90, 312.

(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Sđd, tr.13.

(13), (14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Sđd, tr.249, 249.

(16) Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam: Tài liệu nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2020, tr.57.

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền