Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Tạo môi trường để nâng cao ý thức pháp luật của cán bộ cấp cơ sở miền núi phía Bắc hiện nay
Thứ năm, 15 Tháng 2 2024 00:00
2872 Lượt xem

Tạo môi trường để nâng cao ý thức pháp luật của cán bộ cấp cơ sở miền núi phía Bắc hiện nay

TS TRẦN THÙY LINH
 
Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Thái Nguyên 

(LLCT) - Để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cần nâng cao ý thức pháp luật ngay từ cơ sở. Trong đó, cán bộ cấp cơ sở chính là lực lượng có vai trò quan trọng trong việc thực hiện, vận dụng, bổ sung, kiểm nghiệm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong thực tiễn, là cầu nối quan trọng giữa Đảng với nhân dân. Bài viết phân tích những yếu tố tác động đến nâng cao ý thức pháp luật của cán bộ cấp cơ sở miền núi phía Bắc, giải pháp tạo lập môi trường để nâng cao ý thức pháp luật của cán bộ cấp cơ sở.
 

Cán bộ xã hướng dẫn cử tri về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại tỉnh Lai Châu_Ảnh: TTXVN 

1. Những yếu tố tác động đến nâng cao ý thức pháp luật của cán bộ cấp cơ sở miền núi phía Bắc

Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên

Miền núi phía Bắc Việt Nam gồm 14 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, có tổng diện tích 101.559,0km2, lớn thứ hai sau vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; dân số ít thứ hai cả nước, chỉ hơn vùng Tây Nguyên. Miền núi phía Bắc được phân thành 2 tiểu vùng: Tây Bắc và Đông Bắc; trong đó tiểu vùng Tây Bắc gồm 6 tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái; tiểu vùng Đông Bắc gồm các tỉnh còn lại. Vùng có địa hình hiểm trở, chia cắt, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ; thiếu những điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, như: thiếu đất, thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, quy mô lớn; đồng bào dân tộc đông, dân trí thấp, sống rải rác, đời sống khó khăn, v.v..

Dân cư và tộc người

Sự phân bố tộc người thiểu số ở các địa phương không đều, cao nhất là ở Cao Bằng (95%); Hà Giang là 87,9%; Lai Châu, Điện Biên trên 80%; Hòa Bình là 72,3%; Yên Bái trên 50%. Các tỉnh có tỷ lệ người dân tộc thiểu số thấp là: Thái Nguyên (25%); Phú Thọ (14,5%) và Bắc Giang (12,0%).

Đa số các dân tộc thiểu số cư trú phân tán, đan xen; trình độ dân trí và kinh tế còn thấp, phát triển không đồng đều. Chất lượng dân số của nhiều dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng bởi hôn nhân cận huyết và nạn tảo hôn. Năm 2018, tỷ lệ tảo hôn của người dân tộc thiểu số là 21,9%, giảm trung bình 1%/năm, giảm 4,7% so với năm 2014. Một số dân tộc có tỷ lệ tảo hôn thấp (dưới 7%) như: Thổ, Hoa, Si La, Tày v.v.. Dân tộc Mông có tỷ lệ tảo hôn cao nhất với 51,5% dân số kết hôn trước tuổi quy định. Một số cộng đồng dân tộc thiểu số do sống biệt lập, nên ít kết hôn khác tộc người, hôn nhân thường được lựa chọn là cùng tộc và cùng trong cộng đồng; từ đó dẫn tới nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết khá phổ biến ở một số dân tộc như Pu Péo, Lô Lô, La Hủ, Phù Lá(1).

Kinh tế - xã hội

Trình độ phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh miền núi phía Bắc còn thấp, không đồng đều và nổi lên một số vấn đề sau:

Trình độ sản xuất còn lạc hậu, năng suất lao động thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm. Đa số đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở những khu vực thường xảy ra thiên tai, thuộc diện đặc biệt khó khăn (núi cao, địa hình chia cắt, biên giới,...), một số phong tục, tập quán lạc hậu. Điều đó đặt ra không ít thách thức, khó khăn đối với công tác giáo dục, đào tạo và khả năng tiếp cận với các dịch vụ sản xuất, văn hóa, chăm sóc y tế.

Thời gian qua, nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội và chương trình xóa đói, giảm nghèo cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã được triển khai, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt. Tuy vậy, số liệu điều tra năm 2019 cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc vẫn khá cao (35,5%), gấp 3,5 lần toàn quốc (10,2%).

Chưa có sự phát triển bứt phá về kinh tế - xã hội: hình thức sản xuất nhỏ lẻ, tự cung tự cấp, manh mún còn khá rõ; chưa hình thành vùng sản xuất quy mô lớn. Sản phẩm không có lợi thế cạnh tranh, giá trị gia tăng thấp, do chủ yếu được sản xuất dưới dạng thô. Tỷ lệ xã, thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn khá cao(2). Chất lượng nguồn nhân lực thấp, chi phí sản xuất cao,... dẫn đến kém hấp dẫn các nhà đầu tư.

Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và sinh hoạt còn lạc hậu và chưa đồng bộ: mạng lưới điện - đường - trường - trạm chưa đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh CNH, HĐH, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN. Do điều kiện núi cao, địa hình chia cắt, sự phức tạp về điều kiện thủy văn, nên một số tuyến đường giao thông ở các xã vùng cao thường quanh co, độ dốc cao và hay bị sạt lở vào mùa mưa. Từ đó gây khó khăn cho việc tham gia giao thông, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Tại một số khu vực còn tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn: nhiều tỉnh vùng núi phía Bắc có đường biên giới dài, địa hình phức tạp, thường bị các thế lực thù địch lợi dụng thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”; kích động đồng bào biểu tình, đòi thành lập “khu tự trị của người Mông”, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá sự nghiệp xây dựng CNXH ở nước ta. Ngoài ra, còn có những vấn nạn khác như tình trạng tranh chấp biên giới, buôn lậu, buôn bán phụ nữ và trẻ em, lâm tặc v.v..

Văn hóa

Sự quần tụ sinh sống của nhiều tộc người đã tạo nên đặc điểm văn hóa phong phú và độc đáo trong vùng. Mỗi tộc người đều có bản sắc văn hóa với những nét nổi trội như yêu nước, gắn bó với quê hương, đoàn kết dân tộc, hiền hậu, chất phác, trung thực.

Tuy vậy, sự hiểu biết xã hội và trình độ học vấn của đồng bào các dân tộc còn thấp. Số lượng học sinh giảm khá nhiều sau mỗi cấp học, tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông thấp, tái mù chữ còn cao, tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học gia tăng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị cho giáo dục nghèo nàn, lạc hậu, một số môn học như ngoại ngữ, tin học, nhạc, họa chưa được phổ biến v.v..

Tỷ lệ biết đọc, biết viết tiếng phổ thông ở một số dân tộc thiểu số khá thấp, như: dân tộc Mông 54,3%, Lự 49,7%, La Hủ 46,9%, dân tộc Mảng 46,23%. Tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên biết tiếng nói, chữ viết dân tộc mình thấp, chỉ 15,9%, có 32 trong số 53 dân tộc có chữ viết riêng của dân tộc mình(3)

Một bộ phận đồng bào các dân tộc còn bị ảnh hưởng của tâm lý tộc người, tàn dư phong tục, tập quán lạc hậu (canh tác một vụ, thói quen sản xuất tự cung, tự cấp, du canh du cư, trồng và hút thuốc phiện, mê tín dị đoan... ). Trong khi đó, nhiều giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng bị mai một. Tại một số nơi, việc xuất hiện các “tà đạo”, “đạo lạ”, các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp đã gây ra những khó khăn, thách thức cho công tác quản lý của chính quyền địa phương, trước hết là cấp cơ sở. Điều này đòi hỏi chính quyền và đội ngũ cán bộ cấp cơ sở phải hiểu rõ tình hình địa phương, bám sát dân, tổ chức tuyên truyền vận động dân hiểu đúng về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; khắc phục việc chỉ đạo công tác thiên về cảm tính, ưu tiên những đối tượng quen biết, dòng tộc, lối suy nghĩ, cách làm việc qua loa, đại khái, giải quyết công việc theo kiểu “trăm cái lý không bằng tý cái tình” mà ít coi trọng thực hành theo pháp luật, v.v..

Việc nâng cao ý thức của đội ngũ cán bộ cơ sở có điều kiện thuận lợi là cộng đồng các dân tộc có tính cố kết cộng đồng cao gắn với lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của các dân tộc Việt Nam. Họ có nhiều đóng góp cho quá trình bảo đảm an ninh biên giới và sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Nhìn chung, các dân tộc đều thực hiện và duy trì mối quan hệ bình đẳng, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển.

Tác động của sự nghiệp đổi mới đất nước, với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế

Trải qua tiến trình đổi mới, sức mạnh của đất nước, trong đó có miền núi phía Bắc được nâng lên, đời sống của nhân dân ngày một tốt hơn, đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường, củng cố, dân chủ XHCN được phát huy và mở rộng.

Trong việc đẩy mạnh công tác xây dựng Ðảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và hệ thống chính trị cấp cơ sở, đội ngũ cán bộ luôn phải ý thức và gương mẫu tuân thủ, thực hành thể chế pháp quyền trong tổ chức và hoạt động, xây dựng lối sống và làm việc theo pháp luật trong các cơ quan nhà nước, hệ thống chính trị cơ sở và trong toàn xã hội.

Đây là một trong những điều kiện thuận lợi và cũng là thách thức đối với việc nâng cao ý thức pháp luật của đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là trong quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Bởi lẽ, quá trình này sẽ thúc đẩy tư duy sáng tạo, năng động, coi trọng chất lượng, hiệu quả của hoạt động kinh tế - xã hội; từ đó tác động tích cực tới ý thức pháp luật của cán bộ cấp cơ sở và nhân dân nói chung.

Nền kinh tế - xã hội phát triển, lợi ích kinh tế được bảo đảm tốt hơn, đời sống vật chất của nhân dân được nâng lên, sẽ củng cố tình cảm, niềm tin vào chính sách, pháp luật, sự lãnh đạo của Đảng và hoạt động điều hành, quản lý của Nhà nước. Nhưng quá trình này cũng xuất hiện hàng loạt những hiện tượng phức tạp, tác động đến quan niệm, ý thức pháp luật của người dân, đội ngũ cán bộ cấp cơ sở. Thí dụ, sự phân hóa giàu nghèo làm sâu sắc thêm những mâu thuẫn xã hội, dễ làm nảy sinh những tệ nạn, tiêu cực, kích thích chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, lối sống chạy theo đồng tiền bất chấp đạo lý; diễn biến và tác động đa dạng, phức tạp của các kênh thông tin, kể cả những thông tin xấu, độc, trái chiều nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc và chống phá chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Như vậy, tại miền núi phía Bắc, bên cạnh một số yếu tố tích cực (coi trọng tình cảm chân thực, đoàn kết cộng đồng,...) thì những vấn đề như điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, trình độ dân trí thấp, kinh tế chưa phát triển,... đã và đang gây khó khăn và đặt ra không ít thách thức đối với việc nâng cao ý thức pháp luật của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, từ việc tiếp cận thông tin, tri thức pháp luật đến việc tuân thủ, thực hành thể chế pháp quyền XHCN tại cơ sở.

2. Giải pháp tạo lập môi trường để nâng cao ý thức pháp luật của cán bộ cấp cơ sở

Một là, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội để tăng cường nguồn lực hỗ trợ và thúc đẩy việc nâng cao ý thức pháp luật của cán bộ cấp cơ sở

Từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, miền núi phía Bắc tiếp tục được xác định là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và kinh tế - xã hội của cả nước. Vùng cần tiếp tục phát huy lợi thế về kinh tế cửa khẩu, tiềm năng, lợi thế về nông, lâm nghiệp và du lịch để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, trước hết thông qua việc tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển.

Phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi phía Bắc gắn với an ninh, quốc phòng, giảm nghèo bền vững, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân theo hướng bảo đảm công bằng xã hội, môi trường sinh thái. Khai thác tối đa các lợi thế so sánh để biến khó khăn, thách thức thành cơ hội, phát huy nội lực của vùng và biến những điểm yếu thành lợi thế phát triển du lịch, như: khai thác danh lam thắng cảnh hùng vĩ, bản sắc văn hóa đặc sắc, đa dạng. Phấn đấu đến năm 2030 và 2045 rút ngắn đáng kể khoảng cách phát triển với các vùng khác trong cả nước.

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch phát triển theo trục dọc để kết nối vùng trung du và miền núi Bắc Bộ với vùng đồng bằng sông Hồng và với các tỉnh phía Nam Trung Quốc; liên kết với Lào theo trục Đông - Tây, kết nối với các tỉnh vùng duyên hải Bắc Bộ cùng hướng ra biển; đồng thời đẩy mạnh kết nối theo trục ngang giữa các tỉnh trong vùng. Đây chính là chìa khóa để phát triển kinh tế - xã hội; từ đó có thể huy động nguồn lực hỗ trợ, chăm sóc về vật chất, tinh thần và tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng ý thức pháp luật cho cán bộ cấp cơ sở. Đồng thời, tạo lập điều kiện, môi trường kinh tế - xã hội khách quan cho việc nâng cao ý thức của đội ngũ cán bộ.

Hai là, chăm lo bảo đảm điều kiện về đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ cấp cơ sở chủ động, tích cực nâng cao ý thức pháp luật.

Thực tiễn miền núi phía Bắc cho thấy, điều kiện, môi trường công tác của đội ngũ cán bộ cơ sở còn nhiều khó khăn, phức tạp và thách thức, trách nhiệm công tác nặng nề. Tuy vậy, hiện nay, các khoản phụ cấp và tiền lương của cán bộ chưa tương xứng với công việc mà họ đảm nhiệm, thậm chí còn thấp hơn so với những đối tượng khác. Do đó, cán bộ cấp cơ sở khó có thể bảo đảm được đời sống vật chất và tinh thần cho bản thân và gia đình; khiến cho giảm động lực công tác.

Để khắc phục vấn đề này, cần tiếp tục cải cách chính sách tiền lương, chế độ phúc lợi, thi đua khen thưởng,... đối với đội ngũ cán bộ cơ sở. Bổ sung phụ cấp đặc thù cho tất cả cán bộ cấp cơ sở miền núi. Thực hiện khách quan, công tâm, đúng quy trình, đúng đối tượng được thụ hưởng chế độ phúc lợi và công tác thi đua khen thưởng nhằm bảo đảm tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở.

Ba là, tạo điều kiện cho cán bộ cấp cơ sở chủ động, tích cực nâng cao ý thức pháp luật

Cần hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị văn phòng. Đây là yêu cầu thiết yếu của quá trình hiện đại hóa công tác văn phòng, nhằm nâng cao hiệu quả công tác, tiết kiệm chi phí. Trong đó, coi trọng trang bị ti vi, máy tính có kết nối internet, rađiô... giúp cán bộ cấp cơ sở tiếp cận các kênh thông tin nhằm nâng cao tri thức pháp luật và vận dụng tri thức pháp luật một cách hiệu quả trong công tác.

Xây dựng chủ đề phấn đấu hằng năm đáp ứng các mục tiêu phát triển của địa phương, cơ sở, thí dụ cải cách hành chính; hoàn thành những chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm,... Đối với cán bộ lãnh đạo, cần đề cao ý thức gương mẫu, đi đầu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để xây dựng tinh thần trách nhiệm, quyết tâm và tự tin trong tìm kiếm cái mới phục vụ sự phát triển của đơn vị, địa phương, cơ sở. Thông qua chủ đề phấn đấu hằng năm, cần có kế hoạch phát hiện, phổ biến, tập hợp những sáng kiến của cán bộ cơ sở, động viên, khen thưởng những sáng kiến có giá trị thực tế, có tính đột phá nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở nói chung.

Đề cao giá trị đạo đức, sự hướng thiện; hạn chế, ngăn ngừa sự sa sút, suy thoái đạo đức, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở có đầy đủ phẩm chất đạo đức và chuyên môn, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh CNH, HĐH gắn với kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế sâu rộng ngay tại mỗi địa phương, cơ sở. Tôn vinh những cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giữ gìn phẩm chất đạo đức công vụ; đồng thời kỷ luật nghiêm những cán bộ vi phạm pháp luật, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Tăng cường cung cấp thông tin, kết hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức, ý thức trách nhiệm cho cán bộ cấp cơ sở. Thực tế cho thấy “luật pháp muốn có hiệu lực, hiệu quả thì ngoài sức mạnh của công quyền, bằng cưỡng chế thì còn cần huy động cả sức mạnh của tư tưởng và tinh thần, pháp luật phải được con người nhận thức như là cái cần thiết và có cơ sở, phải tạo niềm tin và sự kính trọng đối với pháp luật”(4).

Hoạt động của cán bộ cấp cơ sở liên quan trực tiếp đến những quyền, lợi ích cơ bản của Nhà nước, của chính quyền cơ sở và của công dân nên mỗi hành vi của họ, trước hết đều phải nắm vững, vận dụng đúng pháp luật, đồng thời gương mẫu chấp hành. Vì vậy, cần tích cực tuyên truyền, giáo dục ý thức trách nhiệm, ý thức pháp luật cho cán bộ cấp cơ sở; đi kèm với biểu dương những điển hình tích cực, phê phán kịp thời những hiện tượng tiêu cực. Trong đó, quan trọng hơn cả là gắn với việc đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng và tu dưỡng đạo đức công vụ (cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư).

Tập trung phổ biến các Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Cán bộ công chức,...; và giáo dục lòng tự hào về trọng trách phục vụ nhân dân, xây dựng nền công vụ minh bạch, trong sạch và hiện đại ngay tại cấp cơ sở.

Do khả năng khai thác thông tin pháp luật còn hạn chế, nên cần cung cấp các loại tài liệu về pháp luật, các văn bản pháp quy (sách pháp luật phổ thông, sách hướng dẫn pháp luật,...) để cán bộ cấp cơ sở tìm hiểu, tra cứu, cập nhật thông tin pháp luật. Đa dạng hóa các hình thức tiếp cận thông tin của cán bộ cấp cơ sở thông qua mạng internet, cẩm nang, bản tin, tạp chí. Ðồng thời, có kế hoạch đào tạo lại, đào tạo nâng cao, đào tạo chuyên môn và trang bị những kiến thức liên quan cho cán bộ tư pháp phù hợp những yêu cầu mới của quá trình cải cách tư pháp và theo chuẩn chức danh.

Đồng thời, cải tiến, đa dạng hóa các hình thức cung cấp thông tin pháp luật dưới dạng sách, tờ gấp,... về hướng dẫn nghiệp vụ công tác hộ tịch, chứng thực cho công chức cấp xã; sách Tìm hiểu một số nội dung của Luật Xử lý vi phạm hành chính; sổ tay pháp luật của cán bộ cấp cơ sở; sách hỏi - đáp pháp luật về phòng - chống tham nhũng, tiết kiệm, chống lãng phí; sách hỏi - đáp một số quy định của pháp luật về miền núi phía Bắc; sách về Luật Giám định tư pháp; sổ tay pháp luật cho tuyên truyền viên cơ sở; tìm hiểu một số quy định của pháp luật về phòng chống tội phạm; tìm hiểu một số quy định về Luật Đất đai; sách hỏi đáp về Luật Công chứng; tìm hiểu một số nội dung quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình; tìm hiểu một số quy định của Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí...

Trong đó, chú trọng phổ biến các tờ gấp với những đầu tên như: Tìm hiểu một số quy định của pháp luật về phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật; tìm hiểu một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; tìm hiểu một số quy định của Bộ luật Hình sự và Dân sự năm 2015; tìm hiểu một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; tìm hiểu một số quy định về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tìm hiểu một số quy định của Luật Tiếp công dân,...

Bốn là, tạo môi trường cho cán bộ cấp cơ sở chủ động, tích cực nâng cao ý thức pháp luật

Xây dựng quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị và xây dựng quy trình giải quyết thủ tục hành chính rõ ràng, công khai, trong đó quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của cán bộ cấp cơ sở, để mỗi cán bộ xác định rõ vai trò, vị trí, trách nhiệm của mình trong thực thi nhiệm vụ. Khuyến khích cán bộ tham gia vào quá trình quản lý, mở rộng việc giao phụ trách, giao quyền cho cán bộ cơ sở để chủ động trong giải quyết công việc và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Qua đó khuyến khích và đòi hỏi cán bộ tự rèn luyện, tự học để tiếp thu, trau dồi những kiến thức khoa học, pháp luật hiện đại, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 547 (tháng 9-2023)

Ngày nhận bài: 19-6-2023; Ngày bình duyệt: 9-9-2023; Ngày duyệt đăng: 14-9-2023.

(1) Xem Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê: Kết quả điều tra thu thập thông tin về kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2020.

(2) Theo Ủy ban Dân tộc, miền núi, riêng vùng trung du miền núi phía Bắc có tổng 11.263 thôn đặc biệt khó khăn (Sơn La: 1.341 thôn, Hà Giang: 1.239 thôn, Lào Cai: 1.103 thôn, Cao Bằng: 1.047 thôn, Điện Biên: 887 thôn).

(3) Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê: Kết quả điều tra thu thập thông tin về kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2020, tr.77-78.

(4) Hoàng Thị Kim Quế: Các yếu tố tác động đến thực hiện pháp luật của công dân ở nước ta hiện nay, Tạp chí Khoa học Đại học quốc gia Hà Nội - Luật học, Tập 31, Số 3-2015, tr.28.

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền