Trang chủ    Quốc tế    Phát triển nhân lực trình độ cao ở tỉnh Bo Kẹo, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội
Thứ ba, 30 Tháng 1 2024 22:20
3112 Lượt xem

Phát triển nhân lực trình độ cao ở tỉnh Bo Kẹo, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội

SOULASITH SINTHALAPHONE
Học viên cao học Kinh tế chính trị,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(LLCT) - Những năm qua, thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước Lào, tỉnh Bo Kẹo đã chú trọng xây dựng nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, tạo cơ sở vững chắc cho công cuộc bảo vệ an ninh và xây dựng tỉnh phát triển toàn diện. Nhờ đó, kinh tế - xã hội của tỉnh duy trì tăng trưởng, gia tăng sự phát triển đồng đều ở địa phương. Bài viết làm rõ thực trạng và đề xuất một số giải pháp phát triển nhân lực trình độ cao tại tỉnh Bo Kẹo, đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới.
 

Đoàn cán bộ Sở Tư pháp tỉnh Bò Kẹo (Lào) thăm và làm việc tại tỉnh Sơn La - Ảnh: sotuphap.sonla.gov.vn

1. Thực trạng đội ngũ nhân lực trình độ cao ở tỉnh Bo Kẹo

Kết quả đạt được

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, trong những năm qua, việc phát triển nguồn nhân lực trình độ cao của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Tỉnh đã bước đầu xây dựng các cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, các chuyên gia, lao động kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao... Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực được quan tâm. Nhờ đó, nguồn nhân lực nói chung và nhân lực trình độ cao nói riêng ngày càng được tăng cường, đã xuất hiện ngày càng nhiều các doanh nhân giỏi, lao động có trình độ kỹ thuật cao, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thứ nhất, về số lượng nhân lực trình độ cao tăng, cơ cấu ngày càng đa dạng.

Nguồn nhân lực trình độ cao phân bố hầu khắp ở các ngành, lĩnh vực. Lực lượng lao động có chuyên môn và kỹ năng đa dạng, đáp ứng yêu cầu của các ngành, các lĩnh vực.

Nguồn nhân lực trình độ cao của tỉnh có sự chênh lệch lớn giữa các trình độ: tiến sĩ có 3 người, chiếm 0,06%, tỷ lệ thấp nhất, do yêu cầu về trình độ cao và thời gian đào tạo kéo dài. Thạc sĩ có 184 người, chiếm 3,47%, đây là đội ngũ chuyên gia và nhân sự chủ chốt. Cử nhân có 2.330 người, chiếm 43,92%, đây là nhóm có sự đa dạng công việc, ngành nghề. Cao đẳng có 2.427 người, chiếm tỷ lệ lớn trong nhân lực trình độ cao (45,75%) có kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành. Đặc biệt, nhóm lao động kỹ thuật tay nghề cao có 361 người, chiếm 6,80% và là nhóm có số lượng ít, nhưng có đóng góp vào các lĩnh vực cần những kỹ năng thực hành và tay nghề chuyên sâu. Nhân lực trình độ cao là điều kiện thuận lợi để tỉnh tiếp tục thực hiện các chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư và phát triển.

Thứ hai, về cơ cấu dân tộc, giới tính. Ở trình độ tiến sĩ, dân tộc Lào Lùm có 2 người; Lào Thâng 1 người. Ở trình độ thạc sĩ, dân tộc Lào Lùm chiếm tỷ lệ lớn nhất 61,41% và Lào Thâng chiếm 24,46%, dân tộc Lào Súng chiếm 12,78% và dân tộc khác chiếm 1,35%. Ở trình độ cử nhân, dân tộc Lào Lùm chiếm tỷ lệ lớn nhất 54,35%, Lào Thâng chiếm 24%, Lào Súng 18,84% và dân tộc khác 2,8%. Ở trình độ cao đẳng, dân tộc Lào Lùm chiếm tỷ lệ lớn nhất 55,30%; dân tộc Lào Thâng chiếm 30,73%; dân tộc Lào Súng chiếm 14,57% và dân tộc khác chiếm 1,2%. Lao động tay nghề cao, dân tộc Lào Lùm chiếm tỷ lệ lớn nhất 46,82%; Lào Thâng chiếm 25,48%; Lào Súng chiếm 23,55% và dân tộc khác chiếm 4,15%.

Cơ cấu dân tộc trong nhân lực trình độ cao bảo đảm rằng mọi người dân đều có cơ hội phát triển và hiện thực hóa chính sách đại đoàn kết, ổn định xã hội.  

Thứ ba, về chất lượng nhân lực trình độ cao tỉnh Bò Kẹo. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và trình độ lý luận chính trị được cải thiện, về cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Phẩm chất, kỷ luật và phong cách làm việc của nguồn nhân lực chất lượng cao tại tỉnh Bo Kẹo ngày càng được nâng cao. Đa số tin tưởng và đóng góp tích cực vào thực hiện chủ trương, chính sách phát triển của tỉnh. Đồng thời, sự đổi mới trong phong cách làm việc, tuân thủ kỷ luật và hướng đến tính hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ, kết hợp trình độ với phẩm chất đã giúp nhân lực trình độ cao của tỉnh ngày càng phát triển toàn diện. Cùng với đó, thể chất cũng ngày càng được cải thiện, do dịch vụ chăm sóc sức khỏe được nâng cao về chất lượng. 

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, trong những năm qua, việc phát triển nguồn nhân lực trình độ cao của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng.  Nguồn nhân lực nói chung và nhân lực trình độ cao nói riêng ngày càng được tăng cường, đã xuất hiện ngày càng nhiều các doanh nhân giỏi, lao động có trình độ kỹ thuật cao, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, nhân lực trình độ cao tỉnh Bò Kẹo còn có một số hạn chế:

Một là, về số lượng, nhân lực trình độ cao của tỉnh bước đầu đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhưng trước bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra rất nhiều thách thức. Hiện nay, đội ngũ công nhân và kỹ thuật viên lành nghề chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các ngành kinh tế. Số lượng nguồn nhân lực trình độ thạc sĩ và tiến sĩ còn ít. Thiếu những chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong các lĩnh vực quản lý, khoa học, công nghệ; việc đào tạo nhân lực trình độ cao chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Phần lớn cử nhân tốt nghiệp đại học, cao đẳng nghề phải đào tạo lại mới đáp ứng được yêu cầu của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Hai là, về cơ cấu, mặc dù có sự cải thiện về cơ cấu giới tính, nhưng vẫn có sự chênh lệch. Việc bảo đảm sự cân đối, chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ nhân lực trình độ cao vẫn còn nhiều vấn đề bất cập. Bên cạnh đó, tuy bước đầu có sự bảo đảm về cơ cấu dân tộc nhưng vẫn cần tiếp tục quan tâm, có cơ chế, chính sách hỗ trợ các dân tộc thiểu số, để giúp họ có cơ hội và điều kiện phát triển.    

Ba là, chất lượng nhân lực trình độ cao ở tỉnh Bo Kẹo vẫn còn hạn chế và bất cập, chủ yếu là do chất lượng đào tạo, cơ cấu ngành nghề và lĩnh vực chưa đáp ứng đúng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội. Công tác đào tạo nhân lực còn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, chưa quan tâm đúng mức đến kỹ năng xã hội, khả năng tự học, kỹ năng sáng tạo…

Ngoài ra, nhân lực trình độ cao cũng còn hạn chế về ngoại ngữ và chưa thích ứng với môi trường có áp lực cạnh tranh cao. Khả năng làm việc nhóm, tính sáng tạo và chuyên nghiệp trong quá trình lao động còn hạn chế, đặc biệt là trong giao tiếp và giải quyết xung đột. Thể chất vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực, mặc dù trong những năm qua đã có sự cải thiện về tầm vóc, sức khoẻ, sức bền và khả năng chịu áp lực. Mặt khác, tinh thần trách nhiệm trong công việc, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công dân, văn hóa doanh nghiệp và ý thức tuân thủ kỷ luật lao động của một bộ phận nhân lực trình độ cao vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.     

Nguyên nhân của những hạn chế:

Một là, cơ chế, chính sách về phát triển nhân lực trình độ cao của tỉnh còn nhiều bất cập so với thực tiễn. Chưa xây dựng được chiến lược phát triển nhân lực trình độ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội toàn diện và dài hạn để định hướng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cùng phối hợp hành động. 

Hai là, hệ thống giáo dục từ cấp phổ thông đến đào tạo nghề, đại học, sau đại học đóng vai trò nòng cốt trong quá trình đào tạo và phát triển nhân lực trình độ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bo Kẹo còn bộc lộ nhiều hạn chế, dù đã đã qua nhiều lần cải cách, đổi mới. 

Ba là, quá trình hợp tác và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực phát triển nhân lực trình độ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bo Kẹo chưa theo kịp quá trình hội nhập kinh tế, văn hóa, xã hội ngày càng sâu rộng của tỉnh. 

Bốn là, nguồn lực đầu tư cho phát triển nhân lực trình độ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bo Kẹo còn hạn chế, chưa đáp ứng điều kiện bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao. 

2. Một số giải pháp phát triển nhân lực trình độ cao tại tỉnh Bo Kẹo đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của Đảng bộ tỉnh về tính cấp thiết của việc xây dựng nhân lực trình độ cao cho phát triển kinh tế - xã hộitại tỉnh Bo Kẹo trong giai đoạn mới. Trong bối cảnh biến đổi nhanh chóng của thực tiễn và yêu cầu ngày càng cao về nhân lực trình độ cao tại tỉnh Bo Kẹo, việc nâng cao nhận thức của Đảng bộ tỉnh về tầm quan trọng của vấn đề này là hết sức quan trọng. Trong đó, cần nâng cao nhận thức về sự biến đổi của thực tiễn và yêu cầu về nhân lực trình độ cao trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy mạnh hội nhập quốc tế cũng như thách thức từ biến đổi khí hậu. Do vậy, yêu cầu về nhân lực trình độ cao ngày càng tăng, nhất là về kỹ năng, năng lực sáng tạo và khả năng thích ứng nhanh với sự thay đổi.

Cần tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo và các khóa đào tạo, bồi dưỡng cho lãnh đạo tỉnh để giới thiệu và thảo luận về những biến đổi và yêu cầu của thời kỳ mới; phổ biến thông tin, kinh nghiệm về những thành công và thất bại của các địa phương trong việc xây dựng nhân lực trình độ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, cần tổ chức các nghiên cứu, khảo sát thực tiễn để đánh giá những thách thức về nhân lực tại tỉnh; phối hợp với các doanh nghiệp, trường đại học, tổ chức xã hội để tìm ra giải pháp khắc phục vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao tại địa phương.

Thứ hai, căn cứ vào Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ nhân lực trình độ cao của Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, tỉnh Bo Kẹo cần xây dựng, hoàn thiện kế hoạch, chương trình toàn diện cho giai đoạn 5 năm tới với tầm nhìn xa hơn về phát triển đội ngũ nhân lực trình độ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; từ đóđịnh hướng các cơ quan, đoàn thể tại địa phương cùng phối hợp hành động nhằm đẩy mạnh triển khai, thực hiện có hiệu quả.

Thứ ba, tăng cường gắn việc thực hiện cải cách, đổi mới hệ thống giáo dục, đào tạo theo hướng khai phóng, từ bậc mầm non, phổ thông, đến đào tạo nghề, đại học, sau đại học với việc xây dựng, hoàn thiện kế hoạch, chương trình toàn diện cho giai đoạn 5 năm với tầm nhìn dài hạn về phát triển đội ngũ nhân lực trình độ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại tỉnh Bo Kẹo. Theo đó, trọng tâm là cùng với việc tăng cường phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và đẩy mạnh xóa mù chữ cho người lớn; cần tiến hành triển khai, thực hiện phân luồng học sinh sau bậc trung học cơ sở.

Cần tiến hành từng bước luật hóa việc phân luồng nhằm mở ra hướng đi phù hợp hơn với năng lực của học sinh trung học cơ sở, tránh lãng phí thời gian và công sức học tập của các học sinh có trình độ học lực khác nhau. Quá trình luật hóa việc phân luồng học sinh trung học cơ sở phải tuân theo những quy định rõ ràng, cụ thể và cần bảo đảm tính hợp lý, khả thi, thống nhất theo quy định pháp lý nhằm bảo đảm quyền tự do học tập của mọi người, nhất là các công dân trẻ. Việc lựa chọn nghề nghiệp là định hướng của mỗi người trên cơ sở năng lực bản thân phù hợp với nhu cầu xã hội. Từ đó sẽ định hướng, thu hút và lựa chọn được nguồn nhân lực có chất lượng tốt hơn cho việc xây dựng, hoàn thiện kế hoạch, chương trình với tầm nhìn toàn diện, dài hạn về phát triển nhân lực trình độ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Bo Kẹo, phù hợp với điều kiện chung của đất nước.

Thứ tư, phát huy trách nhiệm của nhân lực trình độ cao cho phát triển kinh tế - xã hội tại tỉnh Bo Kẹo. Trách nhiệm của nhân lực trình độ cao trong việc thực hiện nhiệm vụ là một yếu tố quyết định chất lượng công tác của đội ngũ này và là động lực chính để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bo Kẹo. Phát huy trách nhiệm, nhân lực trình độ cao cần định rõ mục tiêu và cam kết của mình đối với công việc.

Trách nhiệm trong bảo đảm chất lượng công việc được thể hiện qua việc chủ động tham gia vào quá trình lập kế hoạch, chương trình công tác và đề xuất các cải tiến. Mọi hoạt động tuân theo các tiêu chuẩn chất lượng và định rõ các chỉ số đánh giá để đo lường hiệu suất. Sự chủ động này không chỉ dừng ở việc thực hiện công việc theo đúng quy trình, mà còn gồm cả việc đề xuất và tham gia vào các dự án nghiên cứu và phát triển sáng tạo.

Nhân lực trình độ cao có trách nhiệm đưa ra ý kiến xây dựng và làm giàu kiến thức chuyên môn của đội ngũ, từ đó bảo đảm sự đổi mới và nâng cao chất lượng công tác. Ngoài ra, trách nhiệm của đội ngũ nhân lực này còn được thể hiện và được đánh giá ở phương diện cá nhân và nhóm làm việc trong nâng cao hiệu quả và tiết kiệm nhằm tối ưu hóa tài nguyên và đóng góp vào sự phát triển bền vững tại địa phương.

Thứ nămtiếp tục hoàn thiện chính sách tuyển dụng nhân lực trình độ cao cho phát triển kinh tế - xã hội tại tỉnh Bo Kẹo. Trong bối cảnh đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội, việc hoàn thiện chính sách tuyển dụng nhân lực trình độ cao trở thành một yếu tố quan trọng để bảo đảm sự công bằng và bình đẳng trong tuyển dụng. Trong đó, trước hết cần tăng cường sự minh bạch. Việc công bố công khai, rộng rãi về vị trí tuyển dụng, quy trình tuyển chọn và các tiêu chí đánh giá sẽ tạo ra một môi trường minh bạch và giúp ứng viên hiểu rõ về yêu cầu công việc và cơ hội phát triển. Việc bảo đảm quy trình tuyển dụng nhân lực trình độ cao không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố chủ quan, như quan hệ gia đình hay mối quan hệ cá nhân. Đây là yếu tố quan trọng, cần thiết để bảo đảm công bằng trong quá trình tuyển chọn.    

Thứ sáutạo môi trường làm việc thuận lợi cho nhân lực trình độ cao. Môi trường làm việc năng động, thân thiện đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút và “giữ chân” cũng như xây dựng, phát triển nhân lực trình độ cao cho phát triển kinh tế - xã hội. Tại đây, việc xây dựng một môi trường làm việc thuận lợi không chỉ giúp thúc đẩy sự sáng tạo, năng suất, hiệu quả công tác, mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hộicũng như xây dựng, phát triển nhân lực trình độ cao tại tỉnh Bo Kẹo.

Để xây dựng môi trường làm việc thuận lợi cho nhân lực trình độ cao, trước hết cần tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng giáo dục, đào tạo, nghiên cứu và phát triển. Cụ thể, cần xây dựng các trung tâm đào tạo chuyên nghiệp, viện nghiên cứu và phát triển với việc sử dụng công nghệ tiên tiến, tạo nền tảng cho đào tạo và nghiên cứu chất lượng cao. Đồng thời, qua đó cũng tạo việc làm có chất lượng cao và thu hút nhân lực có trình độ cao cho tỉnh. 

Thứ bảy, hợp tác, liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong lĩnh vực xây dựng nhân lực trình độ cao và phát triển kinh tế - xã hội. Đây là một giải pháp quan trọng nhằm khai thác, phát huy các tiềm năng, các nguồn lực mới trong và ngoài tỉnh, để bảo đảm sự phát triển bền vững và hiệu quả của nhân lực trình độ cao gắn với việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.Bởi lẽ hiện nay, tỉnh Bo Kẹo có nguồn lực còn hạn chế trong việc đẩy mạnh đầu tư để phát triển nhân lực trình độ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Mặt khác, thực trạng đào tạo, cơ cấu ngành nghề của đội ngũ nhân lực chưa đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đội ngũ này cũng còn thiếu năng lực trong thực hành và ứng dụng công nghệ cao, hạn chế về trình độngoại ngữ và chưa thích nghi tích cực với áp lực cạnh tranh trong công tác.  

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày nay, Lào đang tăng cường hợp tác, phát triển nhân lực trình độ cao gắn với hợp tác, liên kết, liên doanh phát triển kinh tế - xã hội, không chỉ trong nước mà với ngoài nước, nhất là với các tỉnh, thành phố của các nước láng giềng (Việt Nam, Campuchia,...), trước mắt, tỉnh Bo Kẹo, phát huy tiềm năng, thế mạnh, thiết lập chương trình hợp tác trong lĩnh vực xây dựng, phát triển nhân lực trình độ cao gắn với hợp tác, liên kết, liên doanh phát triển kinh tế - xã hội với các tỉnh, thành phố. Từ đó, cải thiện khả năng làm việc nhóm, tính sáng tạo và tính chuyên nghiệp.

_________________

Ngày gửi bài: 24-01-2024; Ngày bình duyệt: 26-01-2024; Ngày duyệt đăng: 30-01-2024.

Tài liệu tham khảo:

1. Tiếp tục coi phát triển nhân lực trình độ cao là yếu tố chủ đạo của phát triển trong giai đoạn mới, Thông tấn xã Lào, ngày 22-09-2016,  https://kpl.gov.la/detail.aspx?id=17400, truy cập ngày 8-1-2023.

2. Khaosan Pathet Lao: The 2024 Regional Human Development Report Launched, ngày 25-12-2023, https://kpl.gov.la/EN/detail.aspx?id=79146, 2023, truy cập ngày 16-1-2024.

3. UBND tỉnh Bò Kẹo: Kỷ yếu hội thảo khoa học 40 năm thành lập tỉnh Bò Kẹo (1983-2023), 2023, tr.17-39.

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền