Trang chủ    Quốc tế    Cạnh tranh cường quốc trong chiến lược an ninh quốc gia của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden
Thứ tư, 27 Tháng 3 2024 09:40
2041 Lượt xem

Cạnh tranh cường quốc trong chiến lược an ninh quốc gia của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden

TS NGÔ CHÍ NGUYỆN
ThS DƯƠNG THÙY LINH

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh 

(LLCT) - Chiến lược An ninh quốc gia của chính quyền Tổng thống Joe Biden đề cập đến những lĩnh vực, phạm vi, mối quan tâm an ninh đa dạng của Mỹ, trong đó cạnh tranh nước lớn, mà trọng điểm là giữa Mỹ với Trung Quốc và Nga tiếp tục là nội dung bao trùm, nổi bật nhất. Chiến lược này thể hiện một số điểm khác biệt so với các chính quyền tiền nhiệm từ cách đánh giá, xác định đối thủ cho đến phạm vi cạnh tranh và các biện pháp hành động, nhất là khi so sánh với Chiến lược An ninh quốc gia năm 2017 dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump.
 

Tổng thống Mỹ Joe Biden_Ảnh: CNN

1. Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ: một mục tiêu, hai thách thức và hành động trước bối cảnh mới

Chiến lược An ninh quốc gia (NSS 2022) của chính quyền Tổng thống Joe Biden đã phác họa một bức tranh mới về cục diện thế giới khi cho rằng thời đại hậu Chiến tranh Lạnh đã kết thúc, thế giới đang ở giai đoạn đầu của một thập kỷ mang tính quyết định đối với tương lai của nước Mỹ và trật tự quốc tế với hai đặc điểm nổi bật là cạnh tranh cường quốc và các thách thức an ninh chung mang tính toàn cầu đối với nhân loại. Đó cũng chính là hai thách thức an ninh chiến lược mà nước Mỹ phải đối mặt và xử lý trong thời gian tới(1).

NSS 2022 cho rằng, hai thách thức chiến lược nêu trên có tác động qua lại lẫn nhau. Theo đó, cạnh tranh cường quốc có thể làm phức tạp hóa môi trường hợp tác để giải quyết các thách thức chung toàn cầu trong khi chính các thách thức đó cũng làm gia tăng thêm mức độ cạnh tranh giữa các cường quốc. Vì thế, theo chính quyền Joe Biden, nước Mỹ không chỉ cần nắm rõ bản chất của từng thách thức mà còn cần phải hiểu mức độ tác động qua lại giữa chúng để đề ra một chiến lược hợp lý. Chiến lược cho rằng, hành động của các quốc gia, đặc biệt là Mỹ trong việc xử lý hai thách thức đó ở thập niên này sẽ quyết định tương lai của thế giới theo hướng xung đột, bất hòa hay ổn định và thịnh vượng hơn.

Về cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc, đây là yếu tố được chính quyền Joe Biden nhận định sẽ định hình đặc điểm của thế giới ở giai đoạn tiếp theo. NSS 2022 cho rằng, bản chất của cuộc cạnh tranh này là sự đối đầu giữa các nền dân chủ (đứng đầu là Mỹ) và các chế độ mà Mỹ cho là chuyên chế với những chính sách đối ngoại mang tính xét lại (tiêu biểu là Trung Quốc và Nga)(2). Tuy nhiên, những thách thức mà Trung Quốc và Nga tạo ra là khác nhau về tính chất và mức độ. Trong khi Mỹ coi Nga là mối đe dọa trực tiếp đối với trật tự an ninh châu Âu và luật pháp quốc tế hiện hành, là nguồn cơn gây bất ổn trên toàn cầu, nhưng Trung Quốc mới là một đối thủ thực sự và là thách thức địa chính trị lớn nhất của Mỹ bởi ý định, mục tiêu định hình lại trật tự quốc tế và sức mạnh tổng hợp mà nước này đang sở hữu để hiện thực hóa ý định và mục tiêu đó.

Đối với những thách thức chung (hay còn gọi là những thách thức an ninh xuyên quốc gia) như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, dịch bệnh, khủng bố, khủng hoảng năng lượng, lạm phát... chính quyền Tổng thống Joe Biden cho rằng, đây không còn là những vấn đề thứ yếu so với địa chính trị mà ngày càng trở thành vấn đề cốt lõi đối với an ninh quốc gia cũng như an ninh toàn cầu. Đáng chú ý là, trong khi nhu cầu hợp tác để giải quyết các thách thức chung ngày càng trở nên cấp bách và có ý nghĩa sống còn, thì môi trường cạnh tranh chiến lược nước lớn gia tăng mạnh mẽ, những biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân túy... có xu hướng trỗi dậy ở nhiều quốc gia trên thế giới đã khiến hợp tác suy giảm và trở nên khó khăn hơn(3). Trong số các thách thức chung được nhắc đến, Mỹ coi biến đổi khí hậu là vấn đề lớn nhất và nếu không hành động kịp thời trong thập niên quyết định này, hậu quả mà nó gây ra cho nhân loại là thảm khốc và không thể đảo ngược. Bên cạnh đó, dịch bệnh (điển hình như đại dịch Covid-19 vừa qua) cũng cho thấy những tác động nặng nề đến tính mạng và sức khỏe con người và gây ra những hệ quả to lớn đối với nền kinh tế toàn cầu, kéo lùi tiến trình phát triển của thế giới.

Với những nhận định, đánh giá như trên về bối cảnh thế giới trong giai đoạn mới, NSS 2022 khẳng định vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ là cần thiết hơn bao giờ hết(4). Mỹ xứng đáng với vai trò đó bởi Mỹ vẫn có ưu thế vượt trội về sức mạnh kinh tế, quân sự, khoa học công nghệ, năng lực sáng tạo... so với các cường quốc khác. Cùng với đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden cho rằng, hệ thống liên minh và các đối tác trải rộng của Mỹ hiện nay là tài sản chiến lược quan trọng mà các đối thủ không có được, điều này góp phần quan trọng vào việc củng cố sức mạnh của Mỹ cũng như là nhân tố không thể thiếu đối với hòa bình và ổn định của thế giới.

Với những ưu thế nổi trội đó, Chiến lược An ninh quốc gia lần này đề cập rất rõ ràng mục tiêu mà Mỹ hướng đến với vai trò lãnh đạo thế giới, đó là xây dựng một thế giới tự do, rộng mở, thịnh vượng và an toàn(5). Mục tiêu này được nhắc đến rất nhiều lần trong hầu hết các phần của NSS 2022. Theo đó, “tự do” được hiểu là mọi người trên thế giới đều được hưởng các quyền cơ bản và phổ quát. “Rộng mở” nghĩa là tất cả các quốc gia mà tôn trọng sự tự do đó đều có cơ hội tham gia vào quá trình định hình các luật lệ. “Thịnh vượng” nghĩa là các quốc gia sẽ đều được trao quyền để không ngừng nâng cao mức sống cho người dân của họ. Cuối cùng, “an toàn” được hiểu là một thế giới không có tình trạng ép buộc, đe dọa hay xâm lược lẫn nhau. Để đạt được mục tiêu này, NSS 2022 đã trình bày cụ thể ba biện pháp lớn mà Mỹ sẽ thực hiện, đó là:

1) Tập trung củng cố sức mạnh quốc gia và ảnh hưởng quốc tế để duy trì lợi thế cạnh tranh;

2) Xây dựng hệ thống liên minh mạnh nhất có thể để định hình môi trường chiến lược toàn cầu và giải quyết các thách thức chung;

3) Hiện đại hóa và tăng cường sức mạnh quân đội để sẵn sàng đối đầu với các thách thức.

Đáng chú ý, NSS 2022 đã nhấn mạnh đến mối quan hệ chặt chẽ giữa chính sách đối nội và đối ngoại. Theo đó, nếu nước Mỹ muốn thành công ở bên ngoài thì nhất thiết phải củng cố sức mạnh trong nước. Ngược lại, để tăng cường sự thịnh vượng của quốc gia và bảo đảm những quyền lợi cho người dân, Mỹ phải chủ động định hình trật tự quốc tế phù hợp với những lợi ích và giá trị của Mỹ.

Về chiến lược của Mỹ đối với từng khu vực, NSS 2022 đã khẳng định Mỹ là một cường quốc toàn cầu với những lợi ích bao trùm toàn cầu. Sức mạnh của Mỹ tại mỗi khu vực được tạo nên bởi sự cam kết của Mỹ ở những khu vực khác. Đồng thời, nếu như lợi ích của Mỹ tại một khu vực nào đó bị đe dọa sẽ tác động bất lợi đến lợi ích của nước này ở những khu vực khác. Hai khu vực nằm trong ưu tiên hàng đầu của Mỹ được khẳng định trong NSS 2022, đó là Ấn Độ - Thái Bình Dương và châu Âu.

2. Cạnh tranh cường quốc với Trung Quốc và Nga là thách thức trung tâm

Đánh bại Trung Quốc và kiềm chế Nga là nội dung đầu tiên trong ba ưu tiên chiến lược toàn cầu của Mỹ được xác định trong NSS 2022. Xác định Trung Quốc và Nga là hai đối thủ, nhưng Mỹ có cách tiếp cận khác nhau với hai cường quốc này bởi những thách thức mà mỗi nước tạo ra cho Mỹ là khác nhau.

Với Trung Quốc: Theo đánh giá của chính quyền Tổng thống Joe Biden, chỉ có Trung Quốc là đối thủ thực sự của Mỹ bởi ý chí và khả năng định hình lại trật tự quốc tế của nước này(6). Với Mỹ, tham vọng của Trung Quốc là gia tăng phạm vi ảnh hưởng tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và cuối cùng trở thành cường quốc lãnh đạo thế giới, thách thức vị trí số một của Mỹ hiện nay. Theo chính quyền Joe Biden, để thực hiện tham vọng đó, Trung Quốc đã sử dụng các biện pháp như tăng cường ảnh hưởng tại các thể chế quốc tế nhằm tạo ra những điều kiện có lợi cho mình; sử dụng sức mạnh kinh tế như là công cụ gây sức ép với các nước khác; hiện đại hóa quân đội nhằm làm xói mòn các liên minh của Mỹ trong khu vực và trên toàn cầu(7) ...

Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng nhận thức rõ vai trò to lớn của Trung Quốc đối với nền kinh tế thế giới và ảnh hưởng đáng kể của nước này đối với những thách thức an ninh chung, đặc biệt là biến đổi khí hậu và dịch bệnh. Do đó, mặc dù xác định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chủ yếu nhưng chính quyền Joe Biden vẫn để ngỏ khả năng hợp tác với nước này trong việc giải quyết các thách thức an ninh chung.

Từ những nhận định trên về Trung Quốc, Chiến lược An ninh quốc gia của chính quyền Joe Biden đưa ra ba biện pháp để đối phó với nước này:

Một là, tăng cường sức mạnh nội lực để duy trì lợi thế cạnh tranh của nước Mỹ với đối thủ. Mỹ xác định chiến lược tập trung vào đổi mới sáng tạo và công nghệ hiện đại giữ vai trò xương sống đối với việc duy trì vị thế đứng đầu của Mỹ. Bên cạnh đó, Mỹ cũng sẽ tập trung đầu tư toàn diện vào con người và tiếp tục đẩy mạnh chính sách thu hút nhân tài - lực lượng lao động góp phần quan trọng vào việc củng cố sức mạnh của nước này. Cuối cùng, việc củng cố nền dân chủ và khắc phục những thiếu sót của thể chế cũng được chính quyền Tổng thống Joe Biden đề cập như là một biện pháp để tăng cường sức mạnh quốc gia và duy trì ưu thế vượt trội của Mỹ.

Hai là, liên kết chặt chẽ với mạng lưới các đồng minh và đối tác trên toàn cầu. Mạng lưới các đồng minh và đối tác của Mỹ trên toàn thế giới được xem như là “tài sản chiến lược” của Mỹ mà các đối thủ không có được. Để tiếp tục đạt ưu thế so với các đối thủ, đặc biệt là Trung Quốc, Mỹ ưu tiên phát triển và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác với các đồng minh và đối tác của mình. Bên cạnh đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ chú trọng tạo ra sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa các đồng minh và đối tác ở châu Âu và ở Ấn Độ - Thái Bình Dương để bảo đảm tốt nhất lợi ích cho tất cả.

Ba là, cạnh tranh có trách nhiệm với Trung Quốc để bảo vệ lợi ích và xây dựng tầm nhìn của Mỹ về tương lai của thế giới. Sự cạnh tranh này hiện đang diễn ra chủ yếu ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và đang ngày càng mở rộng ra toàn cầu trên các lĩnh vực từ kinh tế, ngoại giao, an ninh, khoa học công nghệ và quản trị toàn cầu... Chính quyền Tổng thống Joe Biden nhận định thập niên tới đây đóng vai trò quyết định, do đó, những quyết định và hành động của Mỹ thực hiện trong giai đoạn này sẽ tác động trực tiếp đến vị thế của Mỹ trong cuộc cạnh tranh chiến lược lâu dài với Trung Quốc.

 Mỹ khẳng định sẽ hỗ trợ các đồng minh và đối tác ở Ấn Độ - Thái Bình Dương trong cuộc chiến đối phó với những sức ép về chủ quyền, an ninh và kinh tế từ phía Trung Quốc. Bên cạnh đó, Mỹ thể hiện quyết tâm sẽ đấu tranh với các vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Tân Cương, Tây Tạng, biến động chính trị ở Hồng Kông. Đáng chú ý, Mỹ sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực quân sự để tăng cường sự răn đe đối với các hành vi đe dọa đến an ninh, chủ quyền của các nước đồng minh và đối tác của Mỹ ở khu vực.

Trong vấn đề Đài Loan, Mỹ khẳng định có lợi ích lâu dài trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan. Quan điểm của Mỹ đối với vấn đề Đài Loan được khẳng định trong NSS 2022 là phản đối bất kỳ một hành động đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng. Mỹ vẫn duy trì cam kết đối với chính sách “Một Trung Quốc”, nhưng cũng khẳng định sẽ hỗ trợ Đài Loan tự vệ để chống lại các hành động sử dụng vũ lực từ phía Trung Quốc.

Sự “có trách nhiệm” trong cạnh tranh với Trung Quốc được Mỹ đề cập trong NSS 2022 được hiểu là mặc dù tồn tại nhiều bất đồng song phương nhưng Mỹ vẫn chủ trương tìm kiếm sự ổn định chiến lược trong quan hệ với Trung Quốc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản phù hợp với lợi ích của Mỹ. Mỹ sẽ sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc trong những vấn đề mà hai nước có chung lợi ích cũng như trong giải quyết những thách thức toàn cầu như ứng phó với biến đổi khí hậu, dịch bệnh, chống phổ biến vũ khí hạt nhân, tội phạm ma túy, khủng hoảng lương thực toàn cầu và những vấn đề kinh tế vĩ mô...

Với Nga: Chiến lược An ninh quốc gia năm 2022 của Mỹ khẳng định Nga là mối đe dọa trực tiếp và dai dẳng đối với hòa bình và ổn định của khu vực châu Âu và là nguồn cơn của sự bất ổn trên toàn cầu. Theo quan điểm của chính quyền Tổng thống Joe Biden, mục tiêu của Nga trong hơn một thập niên qua là đảo ngược những thành tố cơ bản của hệ thống quốc tế hiện hành(8). Việc Nga sáp nhập Crimea (năm 2014), can thiệp quân sự ở Syria (năm 2015) hay sự can thiệp vào chính trị Mỹ thông qua các cuộc bầu cử và đặc biệt là cuộc chiến tại Ucraina đang diễn ra... đã vi phạm những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc. Do đó, vai trò của Mỹ là lãnh đạo một liên minh thống nhất để hỗ trợ Ucraina trên nhiều phương diện như an ninh, kinh tế, nhân đạo, tị nạn... trong cuộc chiến với Nga. Để đối phó với Nga, chính quyền Tổng thống Joe Biden đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của các đồng minh và đối tác, trong đó chủ yếu là NATO. Biện pháp mà Mỹ và các đồng minh NATO sẽ thực hiện để khiến Nga thất bại trong cuộc chiến tại Ucraina là làm suy yếu nền kinh tế Nga, tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe đối với những mối đe dọa từ Nga...

Theo Chiến lược này, trong thời gian tới, cách tiếp cận của chính quyền Joe Biden với Nga sẽ còn phụ thuộc vào diễn biến của cuộc chiến ở Ucraina nhưng sẽ xoay quanh năm định hướng cơ bản. Một là, Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ Ucraina trong cuộc chiến cũng như phục hồi hậu chiến tranh. Hai là, Mỹ sẽ bảo vệ các đồng minh NATO và tiếp tục củng cố liên minh này để ngăn chặn những tổn hại mà phía Nga có thể tiếp tục tạo ra đối với châu Âu. Ba là, Mỹ sẽ tăng cường răn đe và trong trường hợp cần thiết sẽ đáp trả những hành động của Nga đe dọa những lợi ích cốt lõi của Mỹ. Bốn là, Mỹ sẽ ngăn chặn việc Nga sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Theo đó, việc xây dựng và củng cố các hiệp định kiểm soát vũ khí và các thỏa thuận an ninh ở châu Âu đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực này. Năm là, cũng giống như cách tiếp cận với Trung Quốc, Mỹ sẽ vẫn duy trì hợp tác với Nga trong việc giải quyết những vấn đề mà hai bên cùng có lợi(9).

Có thể thấy rằng, cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc và Nga là một nội dung chủ đạo trong Chiến lược An ninh quốc gia của chính quyền Joe Biden. Bên cạnh việc nhìn nhận cạnh tranh là sự đối đầu giữa các cường quốc về vị thế, tầm ảnh hưởng, NSS 2022 cho rằng, bản chất của cuộc cạnh tranh là sự đối đầu giữa các nền dân chủ (đứng đầu là Mỹ) và các chế độ mà nước này cho là độc tài (Trung Quốc và Nga).

Tuy nhiên, với cách nhìn về năng lực và tham vọng của từng nước, Mỹ cho rằng hiện chỉ có Trung Quốc mới là đối thủ thực sự của Mỹ, còn Nga là mối đe dọa trực tiếp đối với hòa bình và ổn định của hệ thống quốc tế hiện nay. Trên cơ sở đó, để đối phó với các cường quốc trên, chính quyền Tổng thống Joe Biden đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của các đồng minh và đối tác, đề cao tầm quan trọng của các cơ chế đa phương như NATO, QUAD, AUKUS, G7... trong việc giải quyết các thách thức mà các đối thủ tạo ra.

 Chiến lược An ninh quốc gia năm 2022 cũng nhiều lần đề cập đến những sáng kiến mới trong thời gian gần đây do Mỹ dẫn dắt như Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF), hay Đối tác về cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu (PGII) như là những công cụ hữu ích để kiềm chế sức mạnh và ảnh hưởng của các đối thủ.

Bên cạnh đó, NSS 2022 cũng chỉ rõ nội hàm của chiến lược “răn đe tích hợp” mà chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đề cập trước đó. Theo đó, Mỹ sẽ sử dụng tổng thể các năng lực hiện có và xây dựng những năng lực mới trong sự tương tác với các đồng minh và đối tác để làm cho các đối thủ của Mỹ hiểu rằng những tổn thất từ sự thù địch với Mỹ sẽ cao hơn nhiều những lợi ích thu được. Tuy nhiên, mặc dù nhận định sự cạnh tranh với Trung Quốc và Nga sẽ ngày càng gay gắt và là đặc điểm bao trùm của bối cảnh thế giới trong thời gian tới nhưng chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn để ngỏ khả năng hợp tác với các nước này trong việc giải quyết các thách thức chung và trong những vấn đề có cùng lợi ích.

3. Nhận định về quan hệ của Mỹ với Trung Quốc và Nga trong thời gian tới

Chiến lược An ninh quốc gia của chính quyền Joe Biden sau khi được công bố đã thu hút sự chú ý của nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các cường quốc mà Mỹ coi là đối thủ. Ngay sau khi được công bố, Trung Quốc đã có những phản ứng phản đối những nội dung liên quan đến nước này được đề cập trong bản Chiến lược. Phía Trung Quốc cho rằng, cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Joe Biden trong NSS 2022 không có tính xây dựng và mang tư duy Chiến tranh Lạnh, do đó có thể kích động những xung đột địa chính trị(10). Trung Quốc cũng kêu gọi Mỹ xem xét lại cách tiếp cận và phối hợp cùng đưa quan hệ Mỹ - Trung quay trở lại quỹ đạo ổn định.

Quan hệ Mỹ - Trung ở thời điểm hiện tại được nhận định là ở mức thấp nhất kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1979. Sau một thời kỳ vừa hợp tác vừa cạnh tranh, quan hệ Mỹ - Trung đã chuyển sang giai đoạn cạnh tranh chiến lược ngày càng quyết liệt trên nhiều phương diện, từ những lĩnh vực truyền thống như chính trị, kinh tế, quân sự và đặc biệt trong bối cảnh hiện nay là khoa học công nghệ.

Với những gì được thể hiện trong NSS 2022 của Mỹ về Trung Quốc có thể nhận định rằng, cạnh tranh, kiềm chế một cách toàn diện, lâu dài sẽ là khía cạnh nổi bật trong chính sách của Mỹ với Trung Quốc. Tuy nhiên, có thể nhận thấy rằng mặc dù “cạnh tranh” với Trung Quốc là tinh thần bao trùm trong bản Chiến lược An ninh quốc gia năm 2022 của Mỹ nhưng những kết quả tích cực bước đầu từ cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Trung bên lề Hội nghị G20 diễn ra tại Inđônêxia vào tháng 11 - 2022 đã tạo những khả năng cho các cơ chế thảo luận song phương sẽ diễn ra trong thời gian tới.

Cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Trung vừa qua có thể được coi là một động thái quan trọng của hai cường quốc nhằm quản trị cạnh tranh với mục tiêu không để cạnh tranh mất kiểm soát và leo thang thành xung đột. Do đó, cho đến hết nhiệm kỳ của chính quyền Tổng thống Joe Biden, quan hệ Mỹ - Trung sẽ tiếp tục ở trong trạng thái “đấu mà không vỡ”, cạnh tranh toàn diện, quyết liệt nhưng đan xen các cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực mà hai nước có chung lợi ích như ứng phó với biến đổi khí hậu, ngăn chặn mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân...

Những vấn đề có thể làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước trong thời gian tới sẽ bao gồm vấn đề Đài Loan, Hồng Kông, dân chủ, nhân quyền tại Tân Cương, Tây Tạng, bên cạnh sự cạnh tranh về thương mại và khoa học công nghệ vẫn sẽ tiếp tục.

Với Nga, mặc dù trong nhiều thập niên qua, Mỹ vẫn coi Nga là đối thủ quan trọng hàng đầu cần phải kiềm chế nhưng chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ucraina đang diễn ra đã củng cố thêm đường hướng này trong chính sách của Mỹ đối với Nga, đồng thời vừa trực tiếp, vừa gián tiếp cung cấp cho chính quyền Tổng thống Joe Biden những thông số để đánh giá và đưa ra cách tiếp cận với Nga trong thời gian tới.

Cuộc chiến diễn ra đến nay đã hơn một năm và chưa có dấu hiệu kết thúc với sự giằng co về mặt quân sự giữa một bên là Nga và một bên là Ucraina được Mỹ và phương Tây hỗ trợ về vũ khí đã bộc lộ những điểm yếu nhất định của Nga về năng lực quân sự vốn được coi là ngang bằng với Mỹ. Bên cạnh đó, những khó khăn về kinh tế mà Nga đang phải đối mặt dưới sức ép của các lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây khiến cho Nga không thể đủ sức để trở thành một đối thủ toàn diện của Mỹ trong thời gian tới. Vị thế quốc tế của Nga từ sau khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ucraina cũng bị suy giảm đáng kể. Do đó, thách thức mà Nga tạo ra cho Mỹ chỉ là những thách thức về mặt an ninh tương đối cấp bách, trực diện chứ không phải là thách thức chiến lược mang tính hệ thống, toàn diện, bao trùm và sâu sắc như Trung Quốc.

Quan hệ Mỹ - Nga trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào diễn biến cuộc chiến tại Ucraina, nhưng nhìn chung sẽ diễn ra theo chiều hướng là trong khi tiếp tục đối đầu về mục tiêu và chiến lược nhưng Mỹ sẽ vẫn để ngỏ các kênh đối thoại ở mức tối thiểu để ngăn chặn nguy cơ quan hệ mất kiểm soát, nguy cơ chiến tranh mở rộng ra ngoài Ucraina và đặc biệt là nguy cơ về chiến tranh hạt nhân. Vấn đề chống phổ biến vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới có thể là khía cạnh hợp tác hiếm hoi mà hai bên duy trì trong giai đoạn này thông qua việc đàm phán các hiệp ước, thỏa thuận hạt nhân mới. Tuy nhiên, những tính toán sai lầm, những động thái vượt qua “lằn ranh đỏ” từ các bên liên quan trong cuộc chiến tại Ucraina là những giới hạn rất mong manh, khó lường, có thể sẽ đẩy cuộc chiến lên mức độ căng thẳng đột biến, kéo theo sự tham chiến của nhiều bên và đe dọa đến an ninh của châu Âu nói riêng và thế giới nói chung.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 547 (tháng 9-2023)

Ngày nhận bài: 1-6-2023; Ngày bình duyệt: 20-6-2023; Ngày duyệt đăng: 14-9-2023. 

(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9) The White

House (2022): National Security Strategy, https://www.whitehouse.gov. p.6, 8, 6, 7, 7, 23, 23, 25, 26.

(10) AP (2022), “China accuses US of ‘Cold War thinking’ in security strategy”, https://apnews.com.

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền