Trang chủ    Diễn đàn    Sự biến đổi cơ cấu xã hội – nghề nghiệp của nông dân đồng bằng sông Cửu Long hiện nay
Thứ hai, 24 Tháng 10 2016 17:22
6958 Lượt xem

Sự biến đổi cơ cấu xã hội – nghề nghiệp của nông dân đồng bằng sông Cửu Long hiện nay

(LLCT) - Trong thời kỳđổi mới, cùng với sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), cơ cấu xã hội - nghề nghiệp (CCXH-NN) của nông dân ĐBSCL đã có sự chuyển biến tích cực trong cơ cấu hộ gia đình và cơ cấu lao động nông thôn theo hướng giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động công nghiệp, dịch vụ; chuyển từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn trên địa bàn nông thôn. Xu hướng đa dạng hóa ngành nghề trong sản xuất ở nông thôn đã dẫn tới sự đa dạng hóa trong cơ cấu nghề nghiệp của giai cấp nông dân.

Đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL)códiện tích tự nhiên 40.553km2  (chiếm 12,2% diện tích cả nước), dân số hơn 18 triệu người (chiếm gần 20% dân số cả nước), trong đó có 75% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn;làvùng đất hội cư của nhiều tộc người, trong đó chủ yếu là người Việt (chiếm 90%), người Khmer (6%), người Hoa (2%), còn lại là người Chăm và dân tộc khác.

ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp, thủy sản lớn nhất nước ta, đóng góp hơn 50% sản lượng lúa cả nước, 90% lượng gạo xuất khẩu, chiếm 20% thị phần xuất khẩu gạo toàn cầu; bình quân lương thực đầu người gấp 2,3 lần so với lương thực trung bình cả nước; cung cấp hơn 70% sản lượng trái cây; 52% sản lượng thủy sản.Đặc biệt, đây là khu vựccung cấp đến 80% sản lượng tôm xuất khẩu và đóng góp khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước(1). Với vai trò, vị thế  như vậy, việc nghiên cứu sự biến đổi cơ cấu xã hội - nghề nghiệp của vùng ĐBSCL có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của vùng.

1. Thực trạng biến đổi cơ cấu xã hội – nghề nghiệp của nông dân

- Về cơ cấu hộ nghề nghiệp:

Cùng với sự chuyển đổi mạnh mẽ của cơ cấu kinh tế, sự phân công lao động xã hội - nghề nghiệp của người nông dân ở ĐBSCL đang diễn ra tương đối rõ nét, biểu hiện rõ nhất là sự dịch chuyển nghề nghiệp của hộ gia đình ở nông thôn. Có thể phân chia các hộ gia đình nông thôn, gồm: các hộ thuần nông, hộ hỗn hợp và hộ phi nông nghiệp.

Nhóm hộ phi nông nghiệp gồm những gia đình đã chuyển sang một số ngành nghề phi nông nghiệp như buôn bán, dịch vụ, hoặc sản xuất thủ công nghiệp. Đây là những hộ có tiềm lực kinh tế do tích lũy lâu năm, những hộ có trình độ nhận thức, nhạy bén với cơ chế thị trường và những hộ có tay nghề cao về nghề thủ công. Ở ĐBSCL hiện nay, có khoảng 210 làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Tiêu biểu như ở An Giang có làng dệt thổ cẩm, đường thốt nốt, mắm cá; Vĩnh Long có làng nghề làm gốm, nghề đan lát; Sóc Trăng có bánh pía, lạp xưởng; Tiền Giang có làng đóng tủ thờ, làng nón bàng buông, mắm tôm chà; Bến Tre có kẹo dừa, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ làm ra từ cây dừa; Kiên Giang có nước mắm, khô mực; Đồng Tháp có làng hoa kiểng, bonsai, cổ thụ... Bên cạnh những hộ có nghề truyền thống ở nông thôn, còn xuất hiện nhóm hộ chuyên buôn bán, dịch vụ, đặc biệt các hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi gia súc, thủy sản, vựa trái cây, bán tạp hóa, hộ kết hợp nghề truyền thống với dịch vụ du lịch... Nhóm này thường là những hộ gia đình trẻ, năng động, có trình độ, năng lực kinh doanh.

Số hộ phi nông nghiệp hoàn toàn ở nông thôn ĐBSCLđến nay có xu hướng ngày càng giảm dần, bởi việc kinh doanh của họ cũng gặp nhiều khó khăn do sự biến động của thị trường, phần lớn họ chỉ là đại lý phân phối cấp 2, cấp 3, mỗi khi nông dân mất mùa, họ không thu hồi được tiền nợ vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi. Do vậy, sự phát triển của nhóm hộ này gặp nhiều thách thức.

Nhóm hộ gia đình hỗn hợp hay còn gọi là đa ngành nghề: Với xu hướng đa dạng hoá ngành nghề, một bộ phận nông dân ĐBSCL đã lựa chọn mô hình sản xuất kinh doanh hỗn hợp, tìm kiếm thêm ngành nghề ngoài nông nghiệp vừa nhằm giải quyết lao động dư thừa tại chỗ, vừa tăng thêm thu nhập. Sự phân công lao động trong nhóm hộ gia đình này rất đa dạng, phụ thuộc vào tính năng động của các thành viên trong hộ gia đình (cận giang, cận thị, cận lô...), truyền thống làng xã, tổ chức gia đình, số lượng lao động, trình độ văn hoá, năng lực sản xuất, vốn đầu tư; tùy thuộc vào quy mô tích tụ ruộng đất, ao, vườn... Mỗi gia đình tìm ra một cách tổ chức lao động sao cho phù hợp nhất với điều kiện gia đình và địa phương.

Tuy nhiên, do tâm lý, tập quán của người nông dân nên đa số hộ hỗn hợp vẫn giữ ruộng đất đã tích tụ để tránh rủi ro khi nghề phi nông nghiệp gặp khó khăn, mặc dù họ không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, mà thuê người làm.

Nhóm hộ gia đình thuần nông hay còn gọi là nhóm “trọng nông” (làm nông nghiệp là chính):Đây là nhóm hộ mang nặng tính chất kinh tế truyền thống tự cung, tự cấp (hộ dân tộc Khmer chiếm tỷ lệ đa số trong nhóm này). Tỷ lệ hộ nghèo vùng ĐBSCL đa số đều ở nhóm hộ này. Khả năng chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp của nhóm này là rất khó khăn do trình độ nhận thức của họ hạn chế, mặt khác những điều kiện về tự nhiên, truyền thống nghề lại không thuận lợi... Mặc dù vậy, trong nhóm hộ thuần nông này vẫn có một bộ phận năng động, mạnh dạn tích tụ ruộng đất, ao, đìa đầu tư vốn để nuôi tôm, cá nước lợ, nước ngọt và trở thành những ông chủ ở nông thôn. Họ thuê lao động từ những hộ nghèo, và những hộ nghèo này làm mướn trên chính mảnh đất của mình đã sang nhượng...

Một bộ phận bà con nông dân đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đa dạng hoá giống, cây, con, thực hiện mô hình VAC khá thành công. Nhiều trang trại của nông dân phát triển mạnh. Một số hộ đã vượt qua sức ỳ của tâm lý truyền thống, đi làm thuê ở các vùng lân cận hoặc ra thành phố làm các nghề (công nhân, xây dựng, vận tải, thu gom phế liệu, giúp việc gia đình...); thậm chí có hộ đi cả gia đình; một số đi lao động xuất khẩu ở nước ngoài...

Bảng 1: Tỷ trọng các loại hộ gia đình nông dân ở ĐBSCL năm 2011 phân theo nghề nghiệp

                                       Đơn vị tính: %

Các loại hộ gia đình

Cả nước

ĐBSCL

Hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản

62,14%

65,58%

Hộ công nghiệp và xây dựng

15,03%

12,48%

Hộ dịch vụ

18,42%

19,89%

Hộ khác

4,41%

2,05%

(Nguồn: Tổng cục Thống kê: Kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2012)

Nhìn chung, sự phân công lao động trong hộ gia đình có nét khác biệt so với trước đây: Vừa chuyên môn hóa, vừa đa dạng hóa. Các hộ gia đình phi nông nghiệp tính chuyên môn hóa rõ nét hơn; các hộgia đình hỗn hợp (đa nghề) thì tính kết hợp đa dạng là nét đặc trưng nổi bật (hầu hết các thành viên có thể đảm nhận nhiều công việc cùng một lúc). Việc kết hợp đa nghề khơi dậy tính năng động, linh hoạt của nông dân. Tuy nhiên, tính chất đa nghề ở đây vẫn chủ yếu là những nghề giản đơn, không có trình độ kỹ thuật cao.

Mặc dù cơ cấu hộ nông dân đã có những chuyển biến tích cực, nhưng tốc độ chuyển dịch cơ cấu ngành nghề từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp còn chậm và rất chênh lệch giữa các địa phương. Trong 20 năm qua, tỷ trọng các hộ công nghiệp, xây dựng và dịch vụ ở Sóc Trăng chỉ tăng từ 6% lên 7,9%, Trà Vinh từ 6,7% lên 8,3%(2). Tỷ trọng hộ công nghiệp hầu như không thay đổi ở vùng đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Đây cũng là những địa phương mà hầu hết các hộ kinh tế là hộ nông, lâm nghiệp và thuỷ sản (chiếm 70% trở lên).

Cơ cấu hộ theo nguồn thu nhập chính phản ánh xu hướng phát triển đa dạng hoá ngành nghề ở nông thôn. Phát triển ngành nghề ngày càng đa dạng dần phá thế thuần nông ở nông thôn và hiệu quả sản xuất của các hoạt động phi nông, lâm nghiệp, thuỷ sản là nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt về cơ cấu hộ theo ngành nghề và theo nguồn thu nhập chính. Tính đến năm 2015, ở ĐBSCL,tỷ lệ hộ nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 75,1% số hộ ở khu vực nông thôn nhưng chỉ có 47,83% số hộ có nguồn thu nhập lớn nhất từ hoạt động này; trong đó các địa phương có sự khác biệt nhiều là: Kiên Giang có 61,2% số hộ làm nông, lâm, thủy sản nhưng chỉ có 42,8% số hộ có nguồn thu nhập lớn);một số tỉnh có tỷ lệ tương ứng là Sóc Trăng (74,8% và 68,8%), Trà Vinh (76,5% và 72%). Trong khi đó, tỷ trọng hộ công nghiệp, xây dựng chiếm 10,2% số hộ ở nông thôn, nhưng lại có 11,3% số hộ có nguồn thu nhập lớn. Long An có tỷ lệ tương ứng là (38,5% và 39,4%). Tỷ lệ tương ứng của hộ dịch vụ là 14,9% và 15,2%(3).

- Về cơ cấu lao động nghề nghiệp:

Cùng với sự biến đổi về cơ cấu nghề nghiệp của hộ gia đình nông dân, sự phân công lao động trong nội bộ nông dân cũng có những chuyển biến đáng kể theo hướng giảm lao động nông nghiệp, tăng các loại lao động khác.

Tính riêng từ năm 2001-2011, cơ cấu lao động theo nghề nghiệp đã có bước chuyển dịch tích cực từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Theo số liệu thống kê, nếu như năm 2001, lao động nông nghiệpchiếm 65,89%, thì đến năm 2011 đãgiảm xuống 51,72% (bình quân 1,42%/năm); lao động khu vực công nghiệp và xây dựng tăng từ 10,57% lên 16,82%;dịch vụ từ 23,5% tăng lên 31,5%.

Giai đoạn 1996 - 2014, lao động trong các ngành nông, công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn ĐBSCL có sự dịch chuyển như sau: năm 1996 lao động nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ chiếm tỷ lệ tương ứng là (65,61%; 10,15%; 24,25%), năm 2000 là (61,54%; 11,20%; 27,25%), năm 2005 là (59,71%; 13,58%; 26,71%)vànăm 2014 là (50,9%; 16,7%; 32,5%)(4).

Số liệu trên cho thấy, ở ĐBSCL, cơ cấu lao động theo ngành nghề có sự biến đổi theo xu hướng tích cực, giảm tỷ lệ lao động trong nông nghiệp, tăng tỷ lệ lao động trong công nghiệp và dịch vụ. Cụ thể, lao động nông nghiệp giảm từ 65,61% năm 1996 xuống còn 50,9% năm 2014 (giảm gần 1/3 lần), lao động công nghiệp tăng từ 10,15% năm 1996 lên 16,7% năm 2014 (tăng hơn 1/2 lần), lao động dich vụ tăng từ 24,25 năm 1996 lên 32,5 năm 2014 (tăng gần 1/3 lần). Đây là xu hướng mới và tích cực về sự biến đổi CCXH-NNcủa nông dân ở ĐBSCL, phản ánh kết quả thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn của các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long.

Như vậy, CCXH-NNcủa nông dân ĐBSCL trong những năm qua có sự biến động tương đối rõ nét, thể hiện sự chuyển biến tích cực trong cơ cấu hộ gia đình và cơ cấu lao động nông thôn theo hướng giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp; tăng tỷ trọng lao động công nghiệp, dịch vụ; chuyển từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn trên địa bàn nông thôn.

Với quá trình chuyển đổi này, trong nông thôn ĐBSCL xuất hiện nhiều làng nghề mới, nhiều nghề mới, nhiều nông dân trở nên giàu có. Sự “đa nghề” của nhiều làng xã và của người dân góp phần đáng kể vào việc nâng cao thu nhập và đời sống, thay đổi bộmặt nông thôn; đồng thời làm cho người nông dân ở nông thôn năng động, tháo vát hơn trong sản xuất kinh doanh; không cam chịu nghèo đói mà vươn lên làm giàu chính trên mảnh đất của mình, thực hiện tốt phương châm “ly nông bất ly hương”.

2. Những vấn đề đặt ra

Thứ nhất, tình trạng phân hóa giàu nghèo ngày càng gia tăng trong nội bộ nông dân đã ảnh hưởng đến vị trí, vai trò của giai cấp nông dân, làm giảm sức mạnh của khối liên minh công - nông - trí thức.

Trong điều kiện của nền kinh tế thị trường, các hộ nông dân hoạt động với tư cách là đơn vị kinh tế tự chủ. Do có sự chênh lệch về kiến thức, cách tổ chức quản lý, vốn... giữa các hộ nông dân đã diễn ra sự phân hóa, trong đó trước hết là sự phân hóa giàu nghèo. Một bộ phận nông dân ngày càng khá giả; ngược lại một bộ phận khácngày càng nghèo đi, không tư liệu sản xuất, phảiđi làmthuê để kiếm sống. Mức độ phân hóa này ngày một gia tăng, có nguy cơ dẫn đến sự phân hóa giai cấp.

Hiện nay, Việt Nam vẫn là một nướcnông nghiệp,nên giai cấp nông dân vẫn là lực lượng cơ bản, có vai trò rất quan trọng đối với phát triển xã hội. Sự phân tầng xã hội và nguy cơ phân hóa giai cấp nếu không được khắc phục hữu hiệu sẽ dẫn đến những hậu quả xã hội khó lường, làm suy giảm vai trò của giai cấp nông dân,ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững khối liên minh công - nông - trí thức và sự phát triển bền vững đất nước.

Thứ hai, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, chưa có những biến đổi có tính chất bứt phá để phát triển nông nghiệp, nông thôn

Trong những năm qua, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn còn chậm, hiệu quả chưa vững chắc nên về cơ bản chúng ta vẫn chưa khắc phục được tình trạng sản xuất nhỏ, manh mún; tình trạng thất nghiệp tuyệt đối và tương đối (không có việc làm hoặc không có việc làm đầy đủ, không tận dụng hết lao động nông thôn lúc nông nhàn); một bộ phận nông dân vẫn chưa thoátkhỏi đói nghèo,nhất là bộ phận nông dân vẫn sản xuất theo tập quán truyền thống, không được đào tạo nghề một cách cơ bản...

Do CCXH-NN của nông dân ở nông thôn ĐBSCL chưa có những biến đổi mạnh mẽnên các thành phần cư dân nông thôn về cơ bản vẫn là thuần nông.Bộ phận nông dân có nghềcòn ít vàchưađáp ứng được yêu cầu củathị trường. Để thoát khỏi đóinghèothì giải pháp chủ yếu của họ vẫn là tìm kiếm việc làm ở các thành phố lớn.

Tình hình trên cho thấy, việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn theo hướng CNH, HĐH, thực hiện phát triển nền kinh tế hàng hóa là một vấn đề cấp bách để tạo ra những biến đổi cơ bảntrong nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cũng như sự biến đổi, phát triển một cách đa dạng cơ cấu xã hội của giai cấp nông dân. Quá trình biến đổi, phát triểnnàocũng hàm chứa cảmặt tích cực và tiêu cực, vì vậy cầnnhận thức đúng bản chất để hoạch định chính sách phát triển cho phù hợp thực tiễn, bảo đảm đúng định hướng của Đảng.

­­­­­­­­­­________________

(1) Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: “Báo cáo tóm tắtKết quả đạt được và những vấn đề đặt ra sau 3 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long” tại Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới khu vực đồng bằng sông Cửu Long, ngày 24 - 25/2/2014 tại tỉnh Hậu Giang.

(2), (3), (4) Bộ Lao động Thương binh và Xã hội:  Số liệu thống kê việc làm và thất nghiệp Việt Nam 1995 - 2015,Nxb. Lao động -Xã hội, Hà Nội, 2015.

 

ThS Nguyễn Minh Sang

Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền