Trang chủ    Diễn đàn    Quan điểm của Đảng về “đối tác, đối tượng” và ý nghĩa thực tiễn hiện nay
Thứ tư, 19 Tháng 10 2016 10:57
199425 Lượt xem

Quan điểm của Đảng về “đối tác, đối tượng” và ý nghĩa thực tiễn hiện nay

(LLCT) - Văn kiện Đại hội XII của Đảng nhận định: “Hợp tác, cạnh tranh, đấu tranh và sự tuỳ thuộc lẫn nhau giữa các nước, nhất là giữa các nước lớn ngày càng tăng”; “Các nước lớn điều chỉnh chiến lược, vừa hợp tác, thoả hiệp, vừa cạnh tranh, đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau, tác động mạnh đến cục diện thế giới và các khu vực”(1). Vì thế, việc quán triệt quan điểm đối tác, đối tượng của Đảng rất cần thiết, góp phần đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

1. Nhận diện đối tác

Đảng ta luôn khẳng định, Việt Nam “là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”(2), và “Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hoá, đa phương hoá trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”(3).

Đảng ta khẳng định: “Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác”(4). Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, không quốc gia nào có thể tự mình phát triển nếu không tham gia vào quá trình hội nhập, liên kết, vì những giá trị phát triển chung của nhân loại ngày càng được phổ biến, chia sẻ trên toàn cầu. Đặc biệt là về kinh tế, các chuỗi cung ứng giá trị hàng hóa đang hình thành thì không một quốc gia đơn lẻ nào có thể đảm đương được tất cả. Quốc gia nào sớm tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị đó sẽ sớm được hưởng lợi và có đối tác.

Do đó, đối tác có thể hiểu là thuật ngữ chỉ mối quan hệ cộng tác, hợp tác, liên kết, phối hợp với nhau giữa hai hay nhiều bên để cùng hành động, hỗ trợ lẫn nhau thực hiện mục tiêu chung hay tương đồng của các bên. Đối tác có thể phân thành nhiều cấp độ khác nhau: quan hệ đặc biệt, chiến lược toàn diện, chiến lược và chiến lược trong một số lĩnh vực cụ thể, toàn diện, hữu nghị…

Đảng ta xác định, con đường phát triển của Việt Nam là phải tham gia hội nhập khu vực và quốc tế, là bạn và làm bạn với các nước, các tổ chức quốc tế để cùng chia sẻ, hợp tác. Qua đó, vừa giành lợi ích chính đáng cho quốc gia, vừa tránh những thua thiệt về lợi ích và tranh thủ kinh nghiệm, bài học, vốn đầu tư và những giá trị tiến bộ của nhân loại.

Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 180 trong 193 quốc gia thành viên Liên Hợp quốc; có quan hệ thương mại với gần 230 quốc gia và vùng lãnh thổ; là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế. Chúng ta đã có 98 cơ quan đại diện tại các quốc gia và vùng lãnh thổ ở các châu lục.

Về kinh tế, tính từ năm 2011 đến nay, Việt Nam đã hoàn thành 3 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương với các đối tác quan trọng như: Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á - Âu và Liên minh châu Âu (EU); Việt Nam đã ký kết và tham gia 11 FTA khu vực và song phương, trong đó có 6 FTA trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, đặc biệt với Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Việt Nam đã cùng với 11 nước thành viên đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình (TPP) và tiếp tục đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) dự kiến sẽ kết thúc vào cuối 2016. Tính đến giữa năm 2015, quan hệ kinh tế - thương mại của Việt Nam với 224 đối tác đã thu hút trên 250 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong 5 năm qua, chúng ta đã thiết lập thêm 36 đối tác mới, nâng tổng số đối tác chính thức công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam lên 59 quốc gia.

2. Xác định rõ đối tượng

Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI của Đảng khẳng định: “bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng của chúng ta”(5). Đó là những âm mưu, hành động gây chiến tranh xâm lược”;“Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ chế độ; xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc của Việt Nam bằng phương thức vũ trang hoặc phi vũ trang, cả từ bên ngoài và bên trong. Vì thế, đối tượng của cách mạng Việt Nam được xác định là, những thế lực có âm mưu và hành động chống phá nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua thực tiễn có thể nhận diện và phân ra hai dạng chủ yếu:

(1) Những đối tượng đối lập về ý thức hệ, có âm mưu và hành động nhằm xóa bỏ CNXH ở nước talà: chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch nói chung. Về bản chất, các thế lực này hoàn toàn đối lập về hệ ý thức, tư tưởng, họ muốn xóa bỏ nền tảng tư tưởng lý luận của Đảng ta là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phủ nhận đường lối, quan điểm của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; các nguyên tắc lãnh đạo của Đảng; lịch sử truyền thống, nền văn hóa dân tộc…

Phương thức chống đối là chiến luợc “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, kết hợp với nhiều loại hình can thiệp bằng kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa; có thể cả bằng vũ trang hoặc chiến tranh ủy nhiệm, trừng phạt...

Mục tiêu chủ yếu là lật đổ chính quyền, thiết lập chính thể mới chịu sự chi phối về lợi ích chiến lược. Tuy không nhằm mục tiêu đánh chiếm đất đai, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, nhưng có thể tạo cớ cho các thế lực thù địch đưa nước ta vào thế đối đầu và viện cớ “trách nhiệm bảo vệ” để đưa đồng minh chiến tranh can thiệp, lật đổ và xâm lược.

(2) Đối tượng thuộc các lực lượng dân tộc hẹp hòi, có ý đồ bành trướng, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Tuy cùng có ý thức hệ tư tưởng XHCN, cùng con đường đi lên CNXH, đấu tranh để bảo vệ xã hội XHCN, nhưng do lợi ích dân tộc hẹp hòi, họ có chủ trương và hành động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền lãnh thổ của nước ta, ở cấp độ cao hơn có thể dẫn đến xung đột vũ trang và chiến tranh biên giới trên biển, trên bộ và trên không.

Một sốnước có thể bị các nước lớn thao túng, có âm mưu và hành động chống phá nước ta. Trong điều kiện bình thường, họ là những đối tác tốt nhưng trong điều kiện phức tạp, có thể bị kích động, lôi kéo, thao túng, can thiệp, chống lại chúng ta. Trong đó, có thể có một số nước vốn có quan hệ hữu nghị truyền thống cũng trở thành đối tượng.

Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, các đối tượng không lộ rõ tính chất thù địch mà thường giấu dưới hình thức đối tác. Do đó, cần phân biệt rõ mức độ của 2 đối tượng trên. Đối tượng thứ nhất luôn luôn âm mưu xóa bỏ chế độ XHCN ở nước ta, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mặc dù bên ngoài đang là đối tác tích cực. Đối tượng thứ hai luôn tìm cách xâm lấn lãnh thổ, lợi dụng là đối tác để tìm cách chi phối ta. Như vậy, đối tượng thứ nhất là nguy hiểm, lâu dài mà ta phải cảnh giác và hợp tác; đối tượng thứ hai là không thể xem thường mà ta phải hợp tác và cảnh giác. Khi xử lý, đòi hỏi phải, khôn khéo, mềm dẻo, kiên trì xây dựng lòng tin chiến lược, phát huy những mặt tương đồng, tranh thủ tối đa mặt đối tác cùng tồn tại, phát triển hòa bình; từng bước thu hẹp những bất đồng trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng, tôn trọng lợi ích của nhau. Nghiên cứu kỹ đối tượng, có biện pháp phòng ngừa để tránh sai lầm trong xử lý một số tình huống ở cấp chiến lược, “không để rơi vào thế bị động, đối đầu”(6).

Về phương thức, đòi hỏi phải phân tích, đánh giá chính xác, sâu sắc, cụ thể để có chủ trương, biện pháp chiến lược đúng đắn, xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị bền vững giữa nhân dân các dân tộc, phát huy tối đa mặt đối tác để tăng cường hợp tác, phát triển, phòng, chống sự chuyển hóa đối tác thành đối tượng, gây bất lợi cho ta.

Vì thế, đối tượng là thuật ngữ chỉ mối quan hệ đối kháng, đối chọi, chống đối, thù địch... gây bất lợi cho việc bảo đảm lợi ích của các bên tham gia vào hoạt động nào đó. Đối tượng cũng có những quy mô, phạm vi cấp độ khác nhau: Đối tượng của toàn nhân loại, của mỗi quốc gia, trong mỗi lĩnh vực; trong mỗi thời gian, địa điểm với những quan điểm, động thái cụ thể khác nhau. Xử lý chính xác, khoa học là đòi hỏi trong hoạt động thực tiễn, nhất là trong quan hệ đối ngoại trong thời kỳ mới.

3. Nắm vững nguyên tắc, xử lý linh hoạt

Trong thời đại toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng và toàn diện hơn; lợi ích của mỗi chủ thể đan xen nhau, vấn đề lợi ích mang tính toàn cầu ngày càng gia tăng. Vì thế, cần hiểu rõ mối quan hệ biện chứng giữa đối tác và đối tượng: trong một chủ thể có thể lúc này là đối tác, lúc khác lại là đối tượng, trong điều kiện nhất định chúng lại có thể chuyển hóa lẫn nhau. Sự chuyển hóa còn có thể diễn ra trong cùng một chủ thể, trong các điều kiện khác nhau cả hai mặt đối tác, đối tượng song trùng tồn tại.

Trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, Đảng ta xác định: “Những lực lượng chống phá mục tiêu của cách mạng nước ta; tiến hành chiến tranh xâm lược; “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ chế độ; xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc của Việt Nam đều là đối tượng tác chiến của Quân đội ta”(7). Có thể phân thành các nhóm đối tượng tác chiến chủ yếu như sau:

(1) Các thế lực có âm mưu và hành động tiến hành chiến tranh xâm lược nước ta dưới bất kỳ hình thức nàođều là đối tượng tác chiến của các lực lượng vũ trang Việt Nam.Đối tượng này có sự chuẩn bị, tiến hành chiến tranh dưới mọi hình thức; xúc tiến liên minh, liên kết tập hợp lực lượng tiến công ta bằng vũ lực, hoặc những hoạt động tiền an ninh, bao gồm cả các hoạt động phi vũ trang.

(2) Các thế lực có âm mưu và hành động gây bạo loạn lật đổ, bạo loạn vũ trang ở nước ta, hoặc phối hợp cả hai hành động.Đối tượng này sử dụng “Diễn biến hòa bình”, thực hiện các hoạt động nhằm “phi chính trị hóa” công an, quân đội thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Khi có điều kiện, thời cơ, nhất là lợi dụng ta sơ hở trong xử lý các tình huống chiến lược, sẽ kích động, gây bạo loạn lật đổ, xung đột vũ trang hoặc chiến tranh, bao gồm cả chiến tranh ủy nhiệm, chiến tranh thông tin, chiến tranh mạng…

(3) Các thế lực có âm mưu và hành động xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc bằng phương thức vũ trang và phi vũ trang, kể cả từ bên trong và bên ngoài.Đối tượng thực hiện ý đồ tranh đoạt chủ quyền lãnh thổ bằng các hoạt động xâm lấn biên giới, biển, đảo thuộc chủ quyền lãnh thổ; tìm cách chi phối chính sách đối nội, đối ngoại, buộc ta phải nhượng bộ về chủ quyền, lợi ích quốc gia. Khi có thời cơ, có thể gây xung đột vũ trang, chiến tranh chiếm giữ lãnh thổ, chiếm đoạt tài nguyên, nhất là trên các vùng biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Đảng ta nhận định: “Trong tình hình diễn biến nhanh chóng và phức tạp hiện nay, cần có cách nhìn biện chứng: trong mỗi đối tượng vẫn có thể có mặt cần tranh thủ, hợp tác; trong mỗi đối tác có thể có mặt mâu thuẫn với lợi ích của ta cần phải đấu tranh”(8).

 Một trong những thành tựu quan trọng của Đảng ta trong 30 năm đổi là: Nhận thức về đối tác, đối tượng, quan hệ đối tác, đối tượng có bước phát triển mang tính đột phá, có cách nhìn biện chứng; chuyển từ tư duy bạn, thù sang tư duy đối tác, đối tượng trên cơ sở lợi ích quốc gia - dân tộc; thấy rõ sự đan xen, chuyển hóa giữa đối tượng, đối tác; xác định lấy đối tác làm cơ sở để thiết lập quan hệ quốc tế rộng rãi; đồng thời đấu tranh với đối tượng, với mặt là đối tượng. Nhận thức về đối ngoại an ninh, quốc phòng và hội nhập quốc tế về quốc phòng, an ninh có sự phát triển đáng kể.

Vì thế, khi xử lý các vấn đề trong quan hệ với đối tác, đối tượng, cần chủ động, tranh thủ khai thác những mặt tích cực, hợp tác cùng phát triển; trong quá trình cạnh tranh, thậm chí đấu tranh với mỗi đối tác cũng cần quan tâm tới những mặt mâu thuẫn nảy sinh tác động đến lợi ích của các bên. Do đó, một số vấn đề cần phải quan tâm như: Mở rộng quan hệ hợp tác, song nêu cao tinh thần cảnh giác, phát hiện các mâu thuẫn để đấu tranh; tranh thủ mọi cơ hội tìm hiểu, tạo lòng tin chiến lược để đi đến “tôn trọng độc lập, chủ quyền” của nhau, mở rộng hợp tác bình đẳng cùng có lợi. Tránh nhìn nhận, đánh giá một cách phiến diện, máy móc về đối tác, đối tượng; xem đối tác chỉ để hợp tác, đối tượng chỉ là để cô lập, đấu tranh.

4. Một số giải pháp

Một là, tích cực tuyên truyền, giáo dục quan điểm của Đảng ta về đối tác, đối tưngLàm tốt công tác tuyên truyền vận độngquần chúng nhân dân, kịp thời định hướng tư tưởng, dư luận, không để kẻ xấu lợi dụng xuyên tạc kích động. Chấp hành nghiêm kỷ luật phát ngôn, không để lộ, lọt thông tin bí mật quốc gia; làm rõ những nội dung, biện pháp chỉ đạo, triển khai thực hiện, nhất là công tác giáo dục chính trị, quản lý, rèn luyện kỷ luật, bảo vệ chính trị nội bộ.

Hai là, tích cực học tập nắm chắc nội dung quan điểm của Đảng về xác định đối tác, đối tượng; xác định đúng đối tượng tác chiến của các lực lượng vũ trang trong tình hình mới.Với phương châm chỉ đạo là: kiên định về mục tiêu, nguyên tắc chiến lược; linh hoạt, mềm dẻo về sách lược. Kiên trì giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, phù hợp với luật pháp quốc tế; có đối sách phù hợp với từng đối tượng, từng tình huống.

Kết hợp chặt chẽ giữa phương thức đấu tranh phi vũ trang với đấu tranh vũ trang khi cần thiết để “không bị động bất ngờ”; kết hợp xây dựng với bảo vệ, lấy xây dựng để bảo vệ; nhấn mạnh phương thức “phi vũ trang”, bảo vệ Tổ quốc từ xa, đấu tranh chống “Diễn biến hòa bình” và phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; cụ thể hóa quan điểm chủ động bảo vệ Tổ quốc từ thời bình, giữ nước từ lúc nước chưa nguy; phát triển, hoàn thiện quan điểm “tự bảo vệ” trong điều kiện mới.

Biết vận dụng vào phân tích, nhận diện đối tượng tác chiến của lực lượng vũ trang trong tình hình hiện nay. Nắm chắc tình hình, nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ an ninh, quân sự, quốc phòng; nhận rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam; nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng trong mọi tình huống. Đấu tranh chống các phần tử cơ hội chính trị, thoái hoá, biến chất tuyên truyền xuyên tạc quan điểm, chủ trương của Đảng về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Ba là, kiên quyết đấu tranh phê phán quan điểm, nhận thức sai trái về đitác,đối tượngChủ động phát hiện, kiên quyết đấu tranh làm thất bại chiến lược “Diễn biến hoà bình; “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; chủ động phát hiện những biểu hiện sai trái, mơ hồ, mất cảnh giác; đấu tranh ngăn chặn biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức; những việc làm tráiquan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của quân đội, công an. Trước những sự kiện phức tạp, nhạy cảm, nhất là diễn biến tình hình trên Biển Đông… phải bình tĩnh, tỉnh táo, không tự ý tuyên truyền nội dung sai trái, kích động hận thù dân tộc.

Cần chủ động xây dựng “thế trận lòng dân”(9), tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân. Thực hiện giữ nước từ khi nước chưa nguy; có kế sách ngăn ngừa, loại bỏ các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ xa, chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra các đột biến… như Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI và Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ.

________________

(1), (2), (3), (6), (9) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội,  2016, tr.7, 39, 39, 40, 37

(4), (5), (7), (8)  ĐCSVN: Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, ngày 25-10-2013.

Nguyễn Nhâm

Viện Chiến lược quân sự Bộ Quốc phòng

Lê Thị Trang

Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh, tỉnh Hương yên

                               

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền