Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Bảo vệ quyền con người trong tố tụng hình sự
Thứ năm, 08 Tháng 10 2015 14:38
4692 Lượt xem

Bảo vệ quyền con người trong tố tụng hình sự

(LLCT) - Trong xã hội dân chủ, quyền con người luôn giữ vị trí thượng tôn và được pháp luật ghi nhận, bảo vệ. Đặc biệt, quyền của nhóm người yếu thế luôn được quan tâm và có cơ chế đặc thù để đảm bảo quyền được thực thi trên thực tế. Nhằm hạn chế những sai sót trong hoạt động tố tụng hình sự, bảo vệ quyền con người của cá nhân và nhóm thiểu số trong xã hội, hầu hết các nhà nước dân chủ đều đặt ra những nguyên tắc nhằm ngăn chặn hành vi bức cung, nhục hình.

Một là, nguyên tắc bất khả xâm phạm về thân thể

Quyền bất khả xâm phạm về thân thể là một trong những giá trị xã hội cao nhất cần phải được bảo vệ, đặc biệt trong tố tụng hình sự. Việc tước đoạt quyền con người, quyền công dân chỉ được áp dụng khi có các điều kiện, căn cứ luật định và phải chịu sự giám sát chặt chẽ của Tòa án hoặc Viện kiểm sát. Điều này không có nghĩa là quyết định của Tòa án và Viện kiểm sát là tuyệt đối, mà người có hành vi phạm tội vẫn có quyền phản kháng: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố điều tra, truy tố, xét xử thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người vi phạm pháp luật trong việc bắt giam, khởi tố điều tra, truy tố, xét xử thi hành án gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật”(khoản 5, Điều 31 Hiến pháp Việt Nam năm 2013).

Quy định này thể hiện tính công bằng giữa một bên mang quyền lực nhà nước và một bên là nhóm thiểu số bị áp đặt. Nguyên tắc này đảm bảo cho quyền con người được thực thi ngay cả trong trường hợp họ bị áp đặt.

Hai là, nguyên tắc suy đoán vô tội

Tuyên ngôn nhân quyền năm 1948 và Công ước quốc tế về quyền chính trị và dân sự của Liên Hợp quốc năm 1966 đều quy định: “Bất kỳ người bị buộc tội nào đều có quyền suy đoán là không phạm tội cho đến khi lỗi của người đó được xác định theo một trình tự do pháp luật quy định bằng phiên tòa xét xử công khai của Tòa án với sự bảo đảm đầy đủ khả năng bào chữa của người đó”. Điều đó có nghĩa, một người chỉ được xem là có tội khi bị tòa án xét xử. Nguyên tắc suy đoán vô tội đòi hỏi bất kỳ hành vi phạm tội nào cũng phải được cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh theo một trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Hiến pháp 2013 ghi nhận nguyên tắc: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”(khoản 1, Điều 31). Nguyên tắc này đã được ghi nhận từ Hiến pháp 1992. Nội dung của nguyên tắc này: Tòa án là cơ quan duy nhất có quyền kết tội một người nào đó. Một người chỉ coi là có tội khi Tòa án ra một bản án và bản án đó đã phát sinh hiệu lực pháp luật. Trong trường hợp, người được cho là có hành vi phạm tội (bị can, bị cáo) khi chưa có phán xét có hiệu lực của Tòa án thì phải được xem là người vô tội, được hưởng các quyền và nghĩa vụ của công dân. Sự ghi nhận của nguyên tắc này có tác dụng kép: Thứ nhất, yêu cầu những người mang quyền lực nhà nước phải thực hiện nhiệm vụ của mình một cách nghiêm túc, khách quan, thận trọng và chặt chẽ. Họ phải hiểu nhiệm vụ của họ không chỉ là chứng minh một người nào đó là có tội hay không có tội, mà còn phải bảo vệ người tình nghi như một công dân bình thường, không được có thái độ định kiến đối với người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo. Thứ hai,mở ra một lối thoát cho những vụ án rơi vào bế tắc, buộc cơ quan tiến hành tố tụng phải tuyên bố cá nhân vô tội và quyền của người bị tình nghi được ưu tiên bảo vệ.

Nguyên tắc này thể hiện sự tiến bộ, nhân đạo của nhà nước và pháp luật đối với con người. Việc ghi nhận nguyên tắc này không phải là phủ định hoàn toàn giá trị pháp lý của các quyết định tố tụng đã được thực hiện các hoạt động tố tụng trước đó đều là tiền đề cho hoạt động xét xử của Tòa án. Bản án chỉ thật sự thuyết phục khi mà tất cả các giai đoạn của quy trình giải quyết vụ án thật sự khách quan, minh bạch và tôn trọng quyền con người.

Ba là, nguyên tắc được Tòa án xét xử

Việc phán xét một người có tội hay không có tội chỉ có thể được thực hiện bởi cơ quan thực hiện quyền tư pháp của quốc gia, theo Hiến pháp 2013 đó là Tòa án nhân dân(*): “Người bị buộc tội phải được Tòa án xét xử”. Với nguyên tắc này, người bị cho là có hành vi phạm tội được yêu cầu Tòa án xét xử để họ nhận được phán xét công bằng là có tội hay không có tội, ngay cả khi họ đã chết. Nguyên tắc này góp phần bảo vệ quyền của con người trong trường hợp có sự vi phạm của cơ quan tiến hành tố tụng. Thực tế, có rất nhiều trường hợp bị can, bị cáo trước khi được đưa ra xét xử công khai tại Tòa thì chết nhưng người thân, gia đình không thể minh oan cho họ ngay cả khi biết chắn chắn là họ không phạm tội. Quy định này là phù hợp với thực tiễn xã hội, tháo gỡ những vướng mắc trong tố tụng hình sự Việt Nam hiện hành, đồng thời phù hợp với xu hướng phát triển.

Bốn là, nguyên tắc xét xử một lần

Về nguyên tắc chung, một hành vi vi phạm pháp luật chỉ bị xử lý một lần. Tuy nhiên, thực tiễn cũng không hiếm gặp trường hợp một người thực hiện một hành vi phạm tội nhưng bị xét xử nhiều lần và cùng một hành vi phạm tội mà người phạm tội phải chấp hành nhiều bản án của nhiều tòa án khác nhau. Để ngăn chặn điều này, Hiến pháp 1992 quy định: “Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm”. Khoản 3, Điều 31 Hiến pháp 2013 ghi “Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm” nghĩa là trong một khoảng thời gian liên tục nếu một người thực hiện hành vi phạm tội thì họ chỉ bị xét xử bởi một Tòa án và chỉ phải gánh chịu trách nhiệm pháp lý bởi một bản án. Do đó, nếu người phạm tội sau khi bị kết án lại tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội đã bị xét xử thì vẫn phải tiếp tục bị xét xử về hành vi thực hiện tội phạm sau này.

Năm là, nguyên tắc được quyền bào chữa

Xã hội phát triển thì ý thức và hiểu biết pháp lý của người dân cũng dần được nâng cao. Tuy nhiên, ngay cả với những người có hiểu biết về pháp lý, đã chuẩn bị sẵn nội dung tranh tụng tại phiên tòa, nhưng nếu không có các kỹ năng về tranh tụng tại phiên tòa thì cũng không biết cách để chứng minh sự vô tội của mình. Hiến pháp 2013 thừa nhận nguyên tắc: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa” (khoản 4, Điều 31). Nguyên tắc này rất phù hợp với Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị (2005) về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đó là “nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp”. Sự tham gia của người bào chữa trong các giai đoạn tố tụng sẽ bảo vệ kịp thời các quyền và nghĩa vụ của người có hành vi phạm tội; đồng thời ngăn chặn các hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Điều này mang lại một nền tư pháp trong sạch và nâng cao chất lượng giải quyết án hình sự và điều quan trọng là bảo vệ tối đa quyền lợi của nhóm người bị hạn chế một số quyền công dân.

Bên cạnh những nguyên tắc cơ bản nêu trên, để đảm bảo quyền con người, trong hoạt động xét xử của toà án còn xác định một số quyền của người tham gia tố tụng và được người tiến hành tố tụng tôn trọng, tuân thủ nghiêm ngặt. Nhóm các quyền đó bao gồm:

- Quyền được sử dụng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình trong tố tụng:

Đây là nguyên tắc được ghi nhận trong Hiến pháp và Bộ luật tố tụng hình sự với tư cách là một trong những nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự. Quy định này tạo điều kiện cho người tiến hành và tham gia tố tụng hình sự khả năng tích cực tham gia vào việc xem xét, giải quyết vụ án. Trong trường hợp người tham gia tố tụng dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình cần phải có người phiên dịch. Họ có quyền thông qua người phiên dịch để tìm hiểu hồ sơ, tham gia các hoạt động tố tụng và phát biểu trong phiên tòa bằng tiếng nói của dân tộc mình. Điều này phải được cơ quan tiến hành tố tụng đảm bảo thực hiện. Bên cạnh đó, các văn bản theo luật cần phải tống đạt cho người tham gia tố tụng phải được dịch ra ngôn ngữ dân tộc mà người đó đang sử dụng.

- Quyền được giải thích về quyền và nghĩa vụ khi tham gia tố tụng:

Quá trình tham gia tố tụng là quá trình thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp lý của đương sự. Để thực hiện được đầy đủ, cụ thể và đúng đắn các quyền và nghĩa vụ của mình, những người tham gia tố tụng có quyền được giải thích về những vấn đề liên quan đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của họ trong tố tụng.

- Quyền được xem và yêu cầu sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa:

Biên bản phiên tòa là văn bản ghi lại toàn bộ quá trình diễn biến của phiên tòa theo đúng trình tự, thủ tục do luật định, bao gồm: thủ tục bắt đầu phiên tòa, nội dung buổi thẩm vấn, tranh luận tại phiên tòa và nội dung bản án đã tuyên. Đó là cơ sở để xác định nội dung phán quyết của Tòa án về quyền và nghĩa vụ pháp lý của những người có quyền và nghĩa vụ pháp lý liên quan trong vụ án.

Tuy vậy, thực tế rất ít Tòa án giải thích quyền này cho người tham gia tố tụng hiểu nên hầu hết các vụ án những người tham gia tố tụng không thực hiện quyền này, kể cả trường hợp họ không đồng tình với diễn biến tại phiên tòa cũng như bản án đã tuyên. Đặc biệt là các vụ án hình sự mà bị cáo bị tạm giữ, tạm giam.

- Quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch:

Hoạt động của người tiến hành tố tụng được thực hiện trong hoạt động tố tụng mang tính quyền lực nhà nước. Còn người giám định, người phiên dịch là người sử dụng nghề nghiệp chuyên môn của mình để thực hiện các việc liên quan đến vụ án theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng. Tất cả các kết luận của những người trên trong hoạt động tố tụng đều ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến quyền và lợi ích của người tham gia tố tụng. Vì vậy, khi xác định có người tiến hành tố tụng, người giám định hay người phiên dịch nào thiếu khách quan, trung thực, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của mình, bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác đều có quyền yêu cầu thay đổi trong hoạt động tố tụng kể từ giai đoạn điều tra đến khi xét xử tại Tòa án.

- Quyền tham gia phiên tòa và tranh luận tại phiên tòa:

Quyền tham gia phiên tòa và tranh luận tại phiên tòa là quyền đặc biệt quan trọng của những người tham gia tố tụng. Tại đây họ sẽ trình bày được đầy đủ nhất những vấn đề liên quan đến vụ án, bày tỏ được ý chí, nguyện vọng chính đáng của mình trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp. Đồng thời qua phiên tòa họ nhận thức đầy đủ nhất quyền và nghĩa vụ của mình, để từ đó nâng cao thêm ý thức trách nhiệm trong việc tuân thủ pháp luật. Do vậy, tham dự phiên tòa của các bên đương sự, bị cáo là yêu cầu bắt buộc và phiên tòa sẽ hoãn nếu vắng mặt các bên đương sự, trừ các trường hợp khác do luật định.

- Quyền được cấp trích lục bản án, kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án:

Đối với các vụ án hình sự mà bị cáo là người chưa thành niên, người bị nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần thì ngoài quyền tự kháng cáo, họ còn được người bào chữa và người đại diện hợp pháp thực hiện quyền kháng cáo.

Bên cạnh các quyền trên, bị cáo, các bên đương sự có quyền được thông báo về nội dung kháng cáo, kháng nghị, được thay đổi nội dung kháng cáo, rút kháng cáo... theo quy định của tố tụng.

Như vậy, đảm bảo quyền con người trong xét xử hình sự là một lĩnh vực đảm bảo quyền con người trong hoạt động tư pháp. Để thực hiện đúng nguyên tắc của xét xử hình sự cần phải đặt nó trong mối quan hệ mật thiết với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.

Bên cạnh việc củng cố và tăng cường bảo đảm quyền con người nói chung, phải bảo đảm các yếu tố mang tính đặc trưng riêng có trong hoạt động xét xử như hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về đảm bảo quyền con người trong tố tụng hình sự cần được củng cố và không ngừng hoàn thiện để điều chỉnh các quan hệ pháp luật liên quan đến lĩnh vực này. Để đảm bảo quyền con người trong hoạt động xét xử hình sự, những người tiến hành các hoạt động tư pháp phải là người có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, có kinh nghiệm công tác, đồng thời phải có phẩm chất đạo đức trong sáng. Đó là yếu tố cần và đủ để cho hoạt động tư pháp nói chung và hoạt động xét xử án hình sự nói riêng.

Phải xây dựng hệ thống các quy phạm pháp luật hoàn chỉnh, thường xuyên làm tốt công tác hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật; kịp thời loại bỏ những quy phạm pháp luật không phù hợp, sửa đổi, bổ sung những quy phạm pháp luật chưa sát hợp với thực tiễn; phải xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng thông qua việc xác định về mặt pháp lý về mối quan hệ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với nhau và mối quan hệ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với các cơ quan bổ trợ tư pháp.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2014

 (*)Xem Điều 107 Hiến pháp sửa đổi, bổ sung 2013.

 

 

ThS Phạm Hồng Phong

Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền