Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Vấn đề xác định mục tiêu của chủ nghĩa xã hội và cách thức thực hiện ở nước ta
Thứ sáu, 22 Tháng 7 2016 17:05
2593 Lượt xem

Vấn đề xác định mục tiêu của chủ nghĩa xã hội và cách thức thực hiện ở nước ta

(LLCT) - Nhận thức, xác định rõ các mục tiêu lâu dài của CNXH là vấn đề cực kỳ quan trọng để có thể xây dựng con đường đúng đắn, tìm ra cách thức đạt được các mục tiêu. Bởi nếu không xác định rõ các mục tiêu lâu dài, chúng ta sẽ khó xác định được các mục tiêu trước mắt, xác định cách thức, phương hướng lâu dài của con đường đi lên xã hội đó.

 

1. Sự thống nhất giữa thực chất và hình thức của mục tiêu

Loài người sinh ra dù thuộc dân tộc, sắc tộc, tôn giáo nào cũng đều có ước muốn đi tới một xã hội tốt đẹp: tự do, dân chủ, bình đẳng và bác ái.... Thế nhưng, đi đến xã hội đó không phải trên con đường thẳng tắp, thuận lợi mà diễn ra trên con đường đầy khó khăn, trắc trở bởi những mâu thuẫn và xung đột. Các nhà kinh điển Mác - Lênin đã từng khẳng định: “sự phát triển là một cuộc “đấu tranh” giữa các mặt đối lập”(1).

Việc đạt được các mục tiêu đề ra là một quá trình với các bước đi nhất định, giống như việc vượt qua từng nấc thang trong chiếc thang dài vô tận để đạt tới các nấc thang tiếp theo. Bản thân các mục tiêu là không hữu hạn mà vô hạn, có mục tiêu ngắn hạn, dài hạn, cũng như những ước muốn của con người là không có giới hạn. Có những nhóm người cho rằng, đến được nơi ước muốn là đến được “thiên đường”; có những nhóm người ước muốn đến được xã hội “tự do, bình đẳng và bác ái”; những nhóm người khác lại ước muốn đến được xã hội có “phúc lợi chung”, không còn bóc lột, áp bức bất công, không còn giai cấp, không còn chế độ tư hữu, tức là đến CNXH, chủ nghĩa cộng sản.

Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội(Bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta đã xác định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”(2). Mục tiêu của CNXH mà chúng ta đang xây dựng có một số đặc trưng, trong đó có hai đặc trưng cơ bản, thể hiện bản chất với những tương đồng và khác biệt so với các mục tiêu lâu dài mà nhiều quốc gia đang hướng tới: Thứ nhất, đó là “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” - đã được khẳng định trong Hiến pháp năm 2013; thứ hai, “có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo”(3). Đặc trưng thứ nhất cần được xác định như các mục tiêu cốt lõi của CNXH mà chúng ta đang xây dựng. Đây là các mục tiêu lâu dài mà toàn Đảng, toàn dân ta cần nhận thức rõ để tìm ra các cách thức (con đường) đạt được. Đây cũng chính là các mục tiêu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trong Di chúc: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”(4).

2. Điều kiện và phương thức đạt mục tiêu

Nhận thức, xác định rõ các mục tiêu lâu dài của CNXH là vấn đề cực kỳ quan trọng để có thể xây dựng con đường đúng đắn, tìm ra cách thức đạt được các mục tiêu. Bởi nếu không xác định rõ các mục tiêu lâu dài, chúng ta sẽ khó xác định được các mục tiêu trước mắt, xác định cách thức, phương hướng lâu dài của con đường đi lên xã hội đó. Nếu không xác định được các mục tiêu như vậy sẽ dễ dẫn đến chủ quan duy ý chí, có thể nảy sinh các căn bệnh, như “tính kiêu ngạo cộng sản chủ nghĩa”. Mà tính kiêu ngạo đó lại có thể dẫn đến sự tiêu vong của chế độ. V.I.Lênin đã từng cảnh báo: “Tất cả những đảng cách mạng đã bị tiêu vong cho tới nay, đều bị tiêu vong vì tự cao tự đại, vì không biết nhìn rõ cái gì tạo nên sức mạnh của mình...”(5). V.I.Lênin đã từng nhận ra và dám thừa nhận một cách khiêm tốn, “cầu thị” để sửa chữa các sai lầm, đặc biệt là tính kiêu ngạo trong nhận thức về CNXH và con đường đi lên xã hội đó. Ông đã viết ra cả một mục về “sai lầm của chúng ta”; đồng thời còn nêu rõ sai lầm trong nhận thức về cách thức thực hiện các mục tiêu của CNXH: “Giai đoạn giai cấp vô sản nắm chính quyền là một cuộc khảo nghiệm rất thực tế, nhưng chưa phải là có tính chất quyết định. Mặc dù bài ca của chúng ta tuyên bố: “Đây là trận chiến đấu cuối cùng và quyết định” nhưng tôi phải nói rằng tiếc thay đây chưa phải là trận chiến đấu cuối cùng, mà nói cho thật chính xác thì đây là một trong những trận diễn ra trước trận chiến đấu cuối cùng...”(6).

V.I.Lênin cho rằng, để đạt tới các mục tiêu cần phải chọn cách đi, kể cả đi “đường vòng” để làm sao có lợi và nhanh nhất, ít tốn kém nhất. Bởi nhiều khi đi đường thẳng do gặp nhiều khó khăn, trở ngại, có khi lại chậm hơn. Ngoài ra, cần phải biết xây dựng “tổ chức bộ máy”, tức là thiết lập một “thể chế” hợp lý để thực hiện các mục tiêu. Do vậy, trên con đường đi lên CNXH dù có nhiều khó khăn, trở ngại, song nếu biết cách, có phương pháp tổ chức thực hiện hợp lý, tối ưu, sẽ mang lại thành công. Một số yêu cầu mang tính giải pháp về nhận thức và cách thức tổ chức thực hiện các mục tiêu của CNXH ở nước ta hiện nay là:

Thứ nhất,xác định rõ mức độ phát triển của đất nước ở giai đoạn hiện nay

Ngoài việc xác định rõ các mục tiêu, cách thức đạt được các mục tiêu, cần nhìn nhận, xác định rõ thực trạng về trình độ phát triển của đất nước hiện nay. Đây là một yêu cầu rất cần thiết và quan trọng, đòi hỏi các nhà lãnh đạo ở tầm chiến lược của quốc gia phải có “tầm nhìn”, nhận biết được đất nước mình đang phát triển ở mức độ nào so với các quốc gia khác trên thế giới, đã đạt được những tiêu chí nào của các mục tiêu trong tổng thể các mục tiêu lâu dài của CNXH. Chúng ta hiện nay đang có sự nhầm lẫngiữa các mục tiêu và con đường thực hiện các mục tiêu của CNXH. Nghĩa là, chưa có sự xác định rõ giai đoạn phát triển của đất nước trong quá trình phát triển chung của nhân loại; chưa phân biệt rõ đâu là các mục tiêu, đâu là các cách thức, con đường đạt tới các mục tiêu của xã hội đó. Cần phải nhận thức rõ rằng, xã hội XHCN, trong đó “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” - chỉ là các mục tiêu lâu dài trong các nấc thang dài vô tận các mục tiêu của CNXH; còn CNXH - đó chính là các quan điểm, quan niệm về các mục tiêu và cách thức (con đường) đạt tới các mục tiêu, tức là các phương pháp (cách đi), hay cách thực hành, sử dụng các “công cụ”, “phương tiện” để đạt được các mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Xác định rõ những điều này là căn cứ vô cùng quan trọng và cần thiết để có các quan điểm khoa học đúng đắn khi xây dựng các chiến lược phát triển, nhất là chiến lược phát triển bền vững đất nước; tránh được các tư duy “ấu trĩ”, chủ quan duy ý chí thường mắc phải khi xây dựng các đường lối, chính sách; nắm bắt được các thời cơ, lợi thế từ chính nội lực của đất nước để thúc đẩy sự phát triển bền vững nhằm hiện thực hóa các mục tiêu ngắn hạn, dài hạn.

Thứ hai,xây dựng, hoàn thiện thể chế chính trị

Thể chế là yếu tố chính quyết định sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Theo Hiến pháp năm 2013, nước ta có thể chế XHCN, tức thể chế của CNXH. Trong thể chế này, có ba hình thức cơ bản: thể chế kinh tế, thể chế chính trị và thể chế văn hóa. Thể chế chính trị là vấn đề cơ bản, phản ánh hệ thống chính trị và chủ yếu nói đến tổ chức bộ máy cầm quyền. Trong thực tế hiện nay, bộ máy nhà nước vẫn đang vận hành theo thể chế chính trị mang nặng đặc điểm của thời kỳ tập trung, quan liêu, bao cấp. Thể chế chính trị này vừa thừa lại vừa thiếu các bộ phận chức năng cần thiết, dẫn tới sự chồng chéo, làm giảm khả năng kiểm soát (giám sát, phản biện) hoạt động. Do đó, việc đổi mới thể chế nói chung và thể chế chính trị nói riêng ở nước ta hiện nay là rất cấp thiết. Cần áp dụng cơ chế “phân quyền” trong quá trình vận hành của bộ máy nhà nước, như Lênin đã từng nêu ra: “trong một giai đoạn nhất định, dưới chế độ cộng sản, không những vẫn còn pháp quyền tư sản mà vẫn còn cả nhà nước kiểu tư sản nhưng không có giai cấp tư sản!”(7).

Thứ ba,xây dựng đội ngũ cán bộ

Đội ngũ cán bộ - những người có “chức trách” (thẩm quyền gắn với trách nhiệm) - đặc biệt, những cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược, những người đứng đầu quốc gia có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tổ chức, quy tụ cả cộng đồng dân tộc thực hiện các mục tiêu của CNXH. Thực tế hiện nay cho thấy, công tác cán bộ mà trọng tâm là cơ chế “tuyển chọn” vào các vị trí lãnh đạo và việc giáo dục đào tạo, rèn luyện đội ngũ này ở nước ta còn nhiều hạn chế, bất cập. Việc tuyển chọn đội ngũ cán bộ còn chưa mang tính cạnh tranh cao, chưa bảo đảm sự minh bạch để có thể tìm được nhân tài, đáp ứng cho yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; việc sử dụng đội ngũ cán bộ cấp dưới còn chưa gắn với thẩm quyền, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ cấp trên; chưa có các quy định rõ trách nhiệm giải trình của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là các cán bộ cấp cao trong hoạt động lãnh đạo, quản lý.

Hiện nay, mặc dù đã có những đổi mới, nhưng công tác cán bộ nói chung, giáo dục, đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo nói riêng vẫn chủ yếu chạy theo số lượng, mà thiếu coi trọng về chất lượng; nội dung đào tạo vẫn mang tính “kinh điển”, chưa phù hợp với thực tiễn công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế; một số nội dung, phương pháp đào tạo ở các hệ lớp ít thiết thực cho các học viên là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Công tác “giáo dục lý luận chưa đạt chiều sâu cần thiết; trình độ nắm bắt, tổng kết thực tiễn chưa cao; bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý chưa ngang tầm; giáo dục bồi dưỡng nhân cách, thế giới quan, nhân sinh quan chưa được chú trọng đúng mức...”(8). Thực tế đó, rất cần thiết phải đổi mới công tác giáo dục, đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo theo hướng chú trọng chất lượng, coi trọng việc giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức trách nhiệm, tức vấn đề danh dự và trách nhiệm trước Tổ quốc và nhân dân.

Đối với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cũng cần phải thực hiện theo tinh thần “giáo dục cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động sống và làm việc ở môi trường giáo dục của Đảng trong sáng trong cuộc sống, tận tâm với nghề nghiệp”(9). Ngoài ra, cần tăng cường giáo dục, đào tạo đội ngũ cán bộ về kỹ năng, phương pháp, tức nghệ thuật (khéo) lãnh đạo, quản lý. V.I.Lênin đã từng nói về sự cần thiết phải đào tạo ra các nhà chính trị của giai cấp công nhân có nghệ thuật lãnh đạo, quản lý trong quá trình xây dựng CNXH ở nước Nga xôviết sau Cách mạng Tháng Mười rằng: “chính trị là một khoa học và một nghệ thuật không phải từ trên trời rơi xuống, mà đòi hỏi một sự cố gắng, rằng giai cấp vô sản muốn thắng giai cấp tư sản thì phải đào tạo lấy “những nhà chính trị giai cấp” thực sự của mình, những nhà chính trị vô sản và không thua kém các nhà chính trị của giai cấp tư sản”(10).

Thứ tư,xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Thực hiện các mục tiêu xã hội giàu đẹp, dân chủ, công bằng, văn minh là sự nghiệp của toàn dân tộc. Trong đó có những người “vạch hướng”, tổ chức thực hiện các mục tiêu, bao gồm đội ngũ cán bộ lãnh đạo (tiên phong, đi đầu) - những người được nhân dân “ủy thác” với niềm tin yêu của mình. Sự đoàn kết toàn dân một cách lâu dài, thật sự, đặc biệt giữa Đảng, Nhà nước và các tầng lớp nhân dân để thực hiện các mục tiêu của CNXH là vô cùng quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì toàn dân cần đoàn kết lâu dài, đoàn kết thật sự”(11). Tuy nhiên, muốn có đoàn kết thật sự thì trước hết, mục tiêu (mục đích) của CNXH lại cần phải được xác định thật rõ để nhân dân hiểu và đồng thuận, đồng lòng, nhất trí; đồng thời, muốn có đoàn kết nhất trí phải thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng và ngoài xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: muốn có đoàn kết thật sự phải biết “thực hành dân chủ”, làm sao cho “mục đích phải nhất trí”(12); thực hiện nhiệm vụ chính trị là phải đoàn kết chân thành, bởi “chính trị là đoàn kết”. Thực tế hiện nay, mục tiêu của CNXH, như trong Cương lĩnh của Đảng nêu, còn chưa thật rõ, do đó, cần phải xác định rõ hơn nội hàm các mục tiêu của CNXH mà chúng ta đang xây dựng; xác định rõ hơn phương pháp, cách thức (con đường) thực hiện các mục tiêu đó. Khi nhân dân hiểu rõ mục tiêu và cách thức thực hiện, sẽ ủng hộ Đảng, quyết tâm thực hiện các mục tiêu. Hồ Chí Minh đã nêu rõ một chân lý: “... dân rất tốt. Lúc họ đã hiểu thì việc gì khó mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ”(13). Do đó, để có sự đoàn kết toàn dân hiện nay, Đảng rất cần phải nhìn thẳng vào sự thật, có sai lầm phải khiêm tốn sửa chữa, khắc phục. Biết tôn trọng sự thật, dám nói thẳng, nói thật là những đòi hỏi cần thiết để củng cố niềm tin của nhân dân, quy tụ sự đoàn kết của toàn dân tộc thực hiện các mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” mà Cương lĩnh và Hiến pháp năm 2013 đã xác định.

­­­­­­­­­­­­­­­­­_______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2015

(1) V.I. Lênin: Toàn tập, t.29, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1981, tr.379.

(2), (3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tr.70.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.512.

(5) V.I. Lênin, Sđd, t.45, tr.141.

(6) V.I. Lênin, Sđd, t.43, tr.398.

(7) V.I. Lênin, Sđd, t.33, tr.121.

(8) Lê Hồng Anh: “Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học gắn chặt hơn nữa với các nhiệm vụ cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay”, Tạp chí Lý luận chính trịsố 8-2015.

(9) Tạ Ngọc Tấn: “Đảng bộ Học viện lãnh đạo phát huy mọi nguồn lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”, Tạp chí Lý luận chính trịsố 8-2015.

(10) V.I. Lênin, Sđd, t.41, tr. 80-81.

(11), (12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.137.

(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.246.

PGS, TS NGUYỄN HỮU ĐỔNG

Viện Chính trị học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền