Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Nhận thức của Đảng, Nhà nước về bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam hiện nay
Thứ sáu, 01 Tháng 7 2016 16:45
14090 Lượt xem

Nhận thức của Đảng, Nhà nước về bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam hiện nay

(LLCT) - Báo cáo chính trị tại Đại hội XII của Đảng (1-2016) xác định phương hướng: Đảng và Nhà nước có cơ chế, chính sách bảo vệ và bảo đảm thực hiện tốt quyền con người, quyền công dân theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Công tác triển khai thực hiện phương hướng này đòi hỏi phải có nhận thức vững vàng và sâu sắc về quyền con người trên cơ sở tổng kết thực tiễn ở nước ta.

1. Quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam về quyền con người

Một là, nhân dân là chủ thể của quyền; bảo đảm quyền con người là mục tiêu, động lực của sự nghiệp đổi mới theo định hướng XHCN 

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân”(1). Điều 2, Hiến pháp năm 2013 quy định “Nhà nước pháp quyền XHCN, của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”(2); nhân dân là chủ nhân của đất nước, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Như vậy, nhân dân là chủ thể của quyền và việc bảo đảm quyền con người là mục tiêu, động lực của sự nghiệp đổi mới theo định hướng XHCN, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Hai là, quyền con người vừa có tính phổ biến vừa có tính đặc thù; được thể hiện ở tính nhân loại gắn với tính giai cấp và tính dân tộc

Quá trình hình thành, phát triển quyền con người có tính phổ biến toàn nhân loại, chứ không phải là “phát hiện” đặc thù của riêng phương Tây.  “Quyền con người là thành quả của cuộc đấu tranh lâu dài qua các thời đại của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới và cũng là thành quả của cuộc đấu tranh của loài người làm chủ thiên nhiên, qua đó, quyền con người trở thành giá trị chung của nhân loại”(3).

Con người thể hiện và khẳng định quyền của mình thông qua các mối quan hệ xã hội cụ thể.Vì thế, quyền con người, một mặt, là giá trị phổ biến của nhân loại, bao hàm những quyền và nguyên tắc được áp dụng phổ biến ở mọi nơi, mọi đối tượng. Mặt khác, quyền con người còn mang tính đặc thù của mỗi giai cấp, dân tộc và quốc gia theo trình độ phát triển kinh tế - xã hội, đặc điểm văn hoá và truyền thống dân tộc. Tuyên bố ViênChương trình hành động về quyền con người năm 1993 đã khẳng định: “Tất cả các quyền con người đều mang tính phổ cập, không thể chia cắt, phụ thuộc lẫn nhau và liên quan đến nhau. Trong khi phải luôn ghi nhớ ý nghĩa của tính đặc thù dân tộc, khu vực và bối cảnh khác nhau về lịch sử, văn hoá và tôn giáo, (thì) các quốc gia, không phân biệt hệ thống chính trị, kinh tế, văn hoá, có nghĩa vụ đề cao và bảo vệ tất cả các quyền con ngưòi và các tự do cơ bản”(4).

Do đó, nhất thiết không thể đối lập tính phổ biến với tính đặc thù của quyền con người và ngược lại. Trong bối cảnh thế giới hiện đại, quan điểm kết hợp tính phổ biến và tính đặc thù còn là cơ sở phương pháp luận khoa học để nhận thức và giải quyết đúng các vấn đề cụ thể về quyền con người trong quan hệ quốc gia và quốc tế. Đây là phương châm cơ bản để bảo đảm “hội nhập” mà “không hòa tan” trong lĩnh vực nhân quyền.  

Ba là, bảo đảm quyền con người theo phương châm thực hiện các giá trị  nhân quyền phổ quát trên cơ sở chủ quyền quốc gia

Quyền của các quốc gia, dân tộc trong việc lựa chọn chế độ chính trị, lựa chọn con đường phát triển và chủ quyền quốc gia là những quyền phổ biến được thừa nhận trong pháp luật quốc tế. Việc thực hiện các giá trị phổ quát của quyền con người cơ bản diễn ra trong quá trình chuyển hóa hay “nội luật hóa” pháp luật quốc tế trong pháp luật quốc gia. Ở nước ta, các giá trị phổ quát của quyền con người đã được thể chế hóa trong Hiến pháp.

Việc bảo đảm quyền con người theo phương châm trên giúp mỗi cá nhân được bảo đảm các quyền dân chủ, tự do cơ bản. Bảo đảm quyền và nghĩa vụ cá nhân không được tách rời bảo đảm quyền và nghĩa vụ của cộng đồng. Bảo đảm quyền con người phải trên cơ sở chủ quyền quốc gia, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của pháp luật nhân quyền quốc tế, như quyền bình đẳng và tự quyết của các dân tộc, không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác,...  để loại trừ mọi mưu toan lợi dụng “dân chủ”, “nhân quyền” trên con đường phát triển đất nước.

Mặt khác, các tiêu chí nhân quyền của Liên Hợp quốc trong nhiều tr­ường hợp bị chi phối hoặc bị ảnh hưởng tiêu cực bởi tiêu chí nhân quyền của các nước phương Tây. Vì thế, nhằm thực hiện các giá trị phổ quát của quyền con người trên cơ sở chủ quyền quốc gia, Việt Nam chủ động và tích cực đối thoại, hợp tác quốc tế trên lĩnh vực nhân quyền, vừa giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn về thành tựu, quan điểm và giá trị nhân quyền của nước ta, vừa là cơ hội học hỏi kinh nghiệm của các nước trong việc chuyển hóa pháp luật quốc tế về nhân quyền vào pháp luật trong nước. Từ đó góp phần bảo đảm tốt hơn các quyền con người ở Việt Nam, cũng như đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ, thúc đẩy nhân quyền trong khu vực và trên thế giới .

Bốn là, quyền con người không đồng nhất với quyền công dân, gồm cả quyền tập thể và quyền cá nhân; quyền gắn liền với nghĩa vụ, giới hạn quyền do luật định, trên cơ sở xác định rõ chủ thể quyền và chủ thể có nghĩa vụ bảo đảm quyền

Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn thừa nhận quyền con ng­ười là thuật ngữ độc lập so với thuật ngữ quyền công dân. Dựa trên luận điểm “sửa sang thế đạo kinh dinh nhân quyền”(5) của Nguyễn Ái Quốc, Nghị quyết Đại hội Quốc dân Tân Trào (16-8-1945) đã xác định phải: “Ban bố những quyền của dân, cho dân: Nhân quyền, tài quyền (quyền sở hữu), dân quyền; quyền phổ thông đầu phiếu, quyền tự do dân chủ...”(6).

Các Cương lĩnh của Đảng trong thời kỳ đổi mới, Hiến pháp năm 1992, 2013, các Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội luôn nhất quán phân định rõ quyền con người, quyền công dân.

Hiến pháp năm 2013 quy định về hạn chế quyền nhằm bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân một cách minh bạch, tránh sự cắt xén hay hạn chế các quyền này một cách tùy tiện. Điều 6Hiến pháp năm 2013 chế định: “1. Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác; 2. Không được lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác”(7).

Để bảo đảm quyền con người trong thực tế, việc thể chế hóa chủ thể quyền và chủ thể có nghĩa vụ bảo đảm quyền có ý nghĩa rất quan trọng. Đường lối, chủ trương của Đảng, Hiến pháp và pháp luật Việt Nam xác định và thể chế hóa nghĩa vụ của Nhà nước trong việc bảo đảm quyềncon người, quyền công dân; đồng thời xác định và thể chế hóa quyền của người dân trong việc tham gia quản lý nhà nước, nhằm ràng buộc nghĩa vụ của Nhà nước đối với việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Khoản 2, Điều 119, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Cơ chế bảo vệ Hiến pháp do luật định”(8). Đây là quy định có tính nguyên tắc nhằmthiết lập cơ chế bảo vệ Hiến pháp, trong đó có các quyền con người đã được hiến định một cách hiệu quả.

Năm là, quyền con người gắn với các điều kiện phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa

Theo C.Mác (1818 - 1883) quyền “không bao giờ có thể ở mức cao hơn chế độ kinh tế và sự phát triển văn hóa do chế độ kinh tế đó quyết định”(9). Do đó, không thể thúc đẩy nhân quyền bằng mọi giá, mà phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa và con người. Chỉ như vậy mới không làm tổn hại đến bản thân các quyền con người. Đây là tư tưởng chỉ đạo quan trọng trong giải quyết các vấn đề về quyền con người, nhằm tránh tình trạng chủ quan, duy ý chí trong xây dựng pháp luật, cũng như tình trạng lạc hậu của pháp luật so với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa.

Sáu là, bảo đảm sự bình đẳng giữa các quyền, có ưu tiên quyền của các nhóm yếu thế, thiểu số và quyền phát triển

Tất cả các quyền đều gắn bó, phụ thuộc lẫn nhau và không thể phân chia;  mọi chủ thể của quyền (cá nhân, nhóm xã hội, giới tính, dân tộc, chủng tộc) đều có quyền ngang nhau trong việc thụ hưởng, phát triển quyền. Vì thế, về nguyên tắc, phải bảo đảm quyền ngang nhau của mọi quyền; và bảo đảm quyền ngang nhau của tất cả các chủ thể quyền. Những yếu tố bình đẳng trong việc bảo đảm quyền con người từng bước được kết hợp, thẩm thấu vào việc bảo đảm các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của các chủ thể quyền khác nhau trong xã hội.

Trên cơ sở đó, ở mức độ nhất định, thực hiện sự ưu tiên bảo đảm quyền phát triển và quyền an sinh xã hội, nhất là của các nhóm yếu thế và thiểu số. Việc ưu tiên như vậy nhằm thúc đẩy việc bảo đảm quyền ngang nhau về mặt pháp luật đối với các chủ thể quyền trên tất cả các lĩnh vực quyền.

Bảy là, quyền con người được bảo đảm bằng chế độ dân chủ và Nhà nước pháp quyền XHCN

Dân chủ là quyền lực xã hội của con người, được thể chế hóa cơ bản theo nguyên tắc bảo đảm quyền công dân và quyền con người nói chung. Quyền con người phải thông qua thể chế dân chủ mới được hiện thực hóa, được mở rộng, bảo đảm gắn với quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN và các tổ chức xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 xác định: “Nhà nước tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân; chăm lo hạnh phúc, sự phát triển tự do của mỗi người. Quyền và nghĩa vụ công dân do Hiến pháp và pháp luật quy định. Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ công dân. Nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua hoạt động của Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện”(10).

2. Bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân trong thực tiễn hiện nay

Quyền con người bao hàm nhiều nội dung rộng lớn và phức tạp, liên quan đến nhiều vấn đề nhạy cảm, như dân chủ, dân tộc, tôn giáo,... Hiện nay, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, trình độ dân trí cũng được nâng cao, đặt ra yêu cầu cao hơn đối với việc bảo đảm các tiêu chuẩn nhân quyền đã được pháp luật quốc tế công nhận. Mặt khác, sự phân hóa - phân tầng xã hội không chỉ bị tác động bởi sự phân hóa giàu nghèo, mà còn bị ảnh hưởng bởi sự đa dạng về văn hóa vùng miền, văn hóa tộc người và hội nhập quốc tế; dẫn đến sự đa dạng hóa các nhu cầu về quyền con người giữa các giai tầng xã hội. Bên cạnh những quyền căn bản (quyền sống, quyền có việc làm, chỗ ở, chăm sóc sức khỏe,...) xuất hiện các quyền mới, như: quyền về môi trường trong lành, quyền riêng tư cá nhân, quyền được bí mật thông tin, quyền của giới tính “thứ ba”, quyền của công dân nước ngoài định cư tại Việt Nam và Việt kiều, quyền sở hữu đất và bất động sản, quyền có việc làm và nghề nghiệp, quyền của người tiêu dùng, quyền sở hữu trí tuệ, quyền của các nhóm yếu thế và thiểu số, v.v..

Thực tế đó đòi hỏi phải có nhận thức sâu sắc hơn, sát thực tiễn hơn về nhân quyền, nhằm thúc đẩy bảo đảm quyền con người phù hợp với thực tế Việt Nam.Theo đó, cần quán triệt những phương châm sau đây:

Một là, vận dụng sáng tạo và thực hiện các giá trị phổ quát về quyền con người phù hợp với quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tếở nước ta.

Hai là, thể chế hóa các quyền công dân, quyền con người đã được chế định trong Hiến pháp năm 2013, đồng thời rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật để thống nhất hệ thống pháp luật Việt Nam trên cơ sở Hiến pháp năm 2013.

Balà,sử dụng phổ biến và sâu rộng các tiêu chí của cách tiếp cận dựa trên góc độ quyền con người trong hoạch định, triển khai thực hiện đường lối, chủ trương và chính sách pháp luật; chiến lược, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế, xã hội ở Việt Nam hiện nay

Bốn là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế phối hợp phòng - chống chiến lược “thúc đẩy dân chủ, nhân quyền" của các thế lực thù địch. Cơ chế này gồm các tổ chức thành viên chính thức và phối hợp, với thể chế vận hành phù hợp, cùng các nguồn lực tương thích với chức trách, nhiệm vụ được phân công.

Năm là, chủ động, tích cực hợp tác quốc tế và khu vực trên lĩnh vực nhân quyền, nhất là thực hiện tốt nghĩa vụ quốc gia đối với các công ước và cơ chế quốc tế về nhân quyền, đối thoại nhân quyền với các tổ chức quốc tế và các đối tác (Mỹ, EU, Na Uy, Thụy Sỹ và Ôtxtrâylia) đồng thời chủ động tham gia vào các diễn đàn về nhân quyền của ASEAN.

_______________

(1) (10) Đảng CSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.76, 85.

(2) (7) (8) Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.9, 11, 80.

(3) Xem: Chỉ thị 12- CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày 12-7-1992.

(4) Trung tâm Nghiên cứu quyền con người: Văn kiện quốc tế về quyền con người, tr.104.

 (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.491.

(6) Đảng CSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.560.

(9) C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, t.19, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.36.

 

                                                                           PGS,TS Nguyễn Thanh Tuấn     

 

 

   

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền