Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Đồng chí Ngô Gia Tự với việc xây dựng hội Việt Nam cách mạng thanh niên
Thứ tư, 12 Tháng 2 2014 09:01
4114 Lượt xem

Đồng chí Ngô Gia Tự với việc xây dựng hội Việt Nam cách mạng thanh niên

(LLCT) - Đồng chí Ngô Gia Tự (khi còn nhỏ thường gọi là Chín Tự, khi đi hoạt động lấy bí danh là Ngô Sĩ Quyết), sinh ngày 3-12-1908, tại làng Tam Sơn, tổng Tam Sơn, phủ Từ Sơn, Bắc Ninh. Sinh trưởng trong một gia đình trung nông khá giả, có truyền thống hiếu học và học giỏi. Năm 1922, sau khi tốt nghiệp Trường Kiêm bị Bắc Ninh, anh thi đỗ vào Trường Bưởi.

 

Ngay từ khi mới vào trường, Ngô Gia Tự đã tích cực tham gia vào các hoạt động yêu nước: biểu tình đòi thực dân Pháp thả cụ Phan Bội Châu, mít tinh để tang nhà yêu nước Phan Chu Trinh... Trong thời gian này, Trường Bưởi là một cơ sở của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, vì vậy, Ngô Gia Tự đã sớm được tuyên truyền giác ngộ, anh là một trong 11 người (Ngô Gia Tự, Đỗ Ngọc Du, Trịnh Đình Cửu,...) tham gia tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đầu tiên ở Hà Nội. Chính quyền thực dân Pháp đã theo dõi hoạt động của Ngô Gia Tự, tuy không có chứng cứ cụ thể, nhưng mật thám vẫn yêu cầu nhà trường đuổi học anh. Do đó, mặc dù đang học năm cuối, Ngô Gia Tự vẫn bị buộc thôi học.

Nghỉ học trở về quê, Ngô Gia Tự tiếp tục liên lạc với Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Công Thu,... tuyên truyền giác ngộ cho nhiều thanh niên về lý tưởng, đường lối cách mạng của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

 Năm 1927, Ngô Gia Tự được tổ chức cử đi dự lớp huấn luyện của Tổng bộ ở Bản Đáy (Trung Quốc). Mãn khóa, Ngô Gia Tự được tổ chức phân công trở về quê xây dựng cơ sở cách mạng ở vùng Bắc Ninh, Bắc Giang. Trước tiên, anh chọn những bạn bè cùng lứa để giác ngộ lý tưởng cách mạng, kết nạp vào tổ chức. Riêng đối với nhân dân Tam Sơn, anh đứng ra vận động thành lập Hội công ích, bày cách cho Hội đi kiện bọn cường hào đục khoét dân lành, tố cáo bọn tham quan và phản đối sự hà lạm thuế khoá, phu phen tạp dịch nặng nề của các chức sắc địa phương... Kết quả, Chánh hội Bính ở Tam Sơn vì thua kiện phải tự vẫn.  Uy tín Ngô Gia Tự lan khắp vùng, nhiều thanh niên xin được gia nhập tổ chức Hội do anh lãnh đạo. Không quản ngại hy sinh gian khổ, Ngô Gia Tự ngày đêm bám sát quần chúng để tuyên truyền, giác ngộ và tổ chức quần chúng.

Để che mắt kẻ thù, anh thường cải trang, lúc thì mặc áo Tây, đội mũ cát như một công chức nhỏ, khi thì mặc áo the quần trắng, khăn xếp trong vai một thầy giáo trường tư, đi truyền bá, mở lớp đào tạo cán bộ, xây dựng cơ sở cách mạng khắp nơi, mặc cho sự theo dõi của mật thám. Riêng ở Bắc Ninh, Ngô Gia Tự đã mở hai lớp huấn luyện chính trị, trong số những người theo học có cả một số lính khố đỏ trong thành Bắc Ninh, mỗi lớp gần hai chục người, các học viên theo học dưới danh nghĩa học văn hoá (toán học và Pháp văn). 

Dù chỉ được đào tạo ngắn ngày về chương trình lý luận Mác-Lênin, nhưng bù lại anh rất chịu khó mày mò đọc sách, tự học hỏi, nghiên cứu, nên trình độ lý luận của Ngô Gia Tự được nâng cao đáng kể, anh nắm rất chắc những nguyên lý, phương pháp cách mạng, đường lối vận động quần chúng theo chủ nghĩa Mác. Bằng cách phân tích ngắn gọn, súc tích, lối truyền thụ diễn cảm, Ngô Gia Tự giảng giải cho các học viên nhanh chóng nắm bắt được những vấn đề cốt lõi của cách mạng tư sản dân quyền kiểu mới ở Việt Nam, về Cách mạng Tháng Mười Nga, về chế độ xã hội mới ở Liên Xô... Nói về đường lối giải phóng dân tộc, Ngô Gia Tự  tóm tắt một câu dễ hiểu: “Muốn giải phóng mình, thì chỉ có cách là chống Pháp và chống cường hào. Mà muốn vậy thì từng người làm không nổi, phải có tổ chức!”(1). Nhiều cán bộ đã từng là học trò của Ngô Gia Tự sau này kể lại: “Anh Tự dạy Toán và Pháp văn, cuối buổi học thì giảng về chủ nghĩa Mác chừng nửa giờ. Anh hay nói về Cách mạng Tháng Mười Nga, về chế độ xã hội ở bên Nga, nơi không có áp bức bóc lột, không có lý trưởng chẳng quan ta, quan Tây đè đầu cưỡi cổ. Đó là viễn cảnh của Việt Nam ta. Muốn vậy phải làm cách mạng. Lớp trẻ chúng tôi say mê và hăng hái lắm. Kết thúc lớp học, số đông được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Các đồng chí đó lao ngay vào hoạt động”(2). Nội dung và tài liệu trong chương trình mà đồng chí Ngô Gia Tự dùng để huấn luyện cho các học viên chủ yếu là cuốn sách Đường cách mệnhcủa Nguyễn Ái Quốc, tôn chỉ, mục đích của Thanh niên, những bài trên báo Thanh niên, Công Nông,… Các tài liệu này được lưu hành bí mật trong nước.

Trong khoảng gần một năm đã có hàng trăm người được Ngô Gia Tự giác ngộ chính trị và xin vào Hội Thanh niên. Dường như cứ nơi nào anh đi qua là ra đời một chi hội. Các chi hội ở Tam Sơn (phủ Từ Sơn), Phật Tích (huyện Tiên Sơn), Lạc Phổ (huyện Thuận Thành), phố Thị Cầu, Đáp Cầu, Tiền An, Vệ An, Niêm Xá (thị xã Bắc Ninh), thị xã Phủ Lạng Thương (nay là thành phố Bắc Giang), ấp Tam Sơn (huyện Lạng Giang)... được thành lập, tạo thành một mạng lưới cơ sở cách mạng vững chắc. Trên cơ sở đó, giữa năm 1927, Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Ninh - Bắc Giang được thành lập. Ngô Gia Tự được bầu làm Uỷ viên Tỉnh bộ và giữa năm 1928 làm Bí thư Tỉnh bộ. Tháng 9-1928, đồng chí được bầu là Uỷ viên Kỳ bộ Bắc Kỳ. Đến đầu năm 1929, chỉ tính riêng trong Tỉnh bộ Bắc Ninh đã có 10 chi hội (trong đó có Chi hội ở Trại lính thành Bắc Ninh), với tổng số gần một trăm hội viên.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh bộ, những năm 1928-1929, trong dịp kỷ niệm Ngày quốc tế Lao động 1-5, Cách mạng Tháng Mười Nga, các chi hội đã tổ chức rải truyền đơn, treo cờ búa liềm, dán áp phích ở nhiều nơi, kêu gọi công nông đấu tranh, thức tỉnh lòng yêu nước, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Tại thị xã Bắc Ninh, Chi hội binh lính đã tổ chức đột nhập nhà mộ phu, giải thoát cho hàng chục người bị dụ dỗ, lừa gạt đi Nam Kỳ và  Tân Đảo trở về quê quán.

Mặc dù tổ chức Thanh niên được xây dựng và phát triển nhanh chóng về số lượng, nhưng đa số hội viên là nông dân, do đó hạn chế về trình độ văn hoá, nhận thức. Sớm nhận thấy điều đó, đồng chí Ngô Gia Tự đã chủ động liên lạc với các đồng chí trong Ban lãnh đạo Kỳ bộ Bắc Kỳ, tổ chức hội nghị bàn về chủ trương “vô sản hóa” cán bộ trong tổ chức Thanh niên.

Hội nghị đại biểu Kỳ bộ Bắc Kỳ khai mạc ngày 28-9-1928 ở một địa điểm trong thành phố Hà Nội. Sau khi đã họp được một ngày thấy có khả năng bị lộ, hội nghị chuyển về nhà đồng chí Ngô Gia Tự  ở Tam Sơn (Bắc Ninh). Tham dự hội nghị có 20 đại biểu. Hội nghị đã thông qua chủ trương “vô sản hóa” do đồng chí Ngô Gia Tự và Nguyễn Đức Cảnh đề nghị, nhằm đẩy mạnh việc truyền bá chủ nghĩa Mác- Lênin trong công nhân và rèn luyện cán bộ thông qua thực tiễn. Đây là một chủ trương đúng đắn, do đó trở thành hướng phát triển chung của cả nước. Sau khi Tổng bộ chính thức đưa chủ trương “vô sản hóa” vào chương trình hành động, ngay lập tức đã trở thành phong trào rộng lớn, nhiều hội viên không thuộc thành phần công nhân đã tự nguyện, xung phong đi vào hầm mỏ, đồn điền, nhà máy... Cùng lao động, cùng ăn, cùng ở với công nhân, vừa tuyên truyền lý luận Mác-Lênin trong phong trào công nhân, vừa rèn luyện bản thân, tiếp thu bản chất tốt đẹp của giai cấp công nhân, khắc phục ảnh hưởng của thế giới quan phi vô sản và tác phong tiểu tư sản, những cán bộ tham gia phong trào “vô sản hoá” trưởng thành nhanh chóng, có đồng chí sau này trở thành cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng như Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Quốc Việt...

Đánh giá về ý nghĩa và tầm quan trọng của phong trào “vô sản hoá”, Báo Thanh niênsố ra ngày 10-1-1929 viết: “Để chấm dứt tình trạng vô kỷ luật của những kẻ thất bại và những kẻ giả danh, Đảng phải áp dụng một phương pháp giáo dục thực sự cách mạng. Thật thế, tất cả các đồng chí cần thiết phải tự mình “vô sản hoá”, tự mình “cách mạng hóa” để có cùng một ý nghĩ, một lối sống, một ngôn ngữ… Các đồng chí phải thâm nhập vào quần chúng, mang những điều hay lẽ phải tới làng quê, xưởng máy, trường học và trại lính. Các đồng chí phải từ bỏ những bộ quần áo sang trọng và mặc những bộ quần áo rách rưới của người vô sản, trở thành công nhân, nông dân, dân thường... Chỉ có bằng cách đó các đồng chí chúng ta có thể đưa lại sự táo bạo và sức mạnh cho các chi bộ còn non nớt và chưa định hình ở đất nước ta. Và một khi các đồng chí và những người vô sản hòa làm một cả thể xác lẫn tâm hồn thì Đảng sẽ trở nên vững chắc và thắng lợi của cách mạng sẽ tới gần”.

Trên cơ sở bám sát thực tiễn, nhạy bén với thời cuộc, nắm bắt được đòi hỏi khách quan của phong trào cách mạng và phong trào công nhân, đồng chí Ngô Gia Tự và những người lãnh đạo Kỳ bộ Bắc Kỳ - những người khởi xướng phong trào “vô sản hóa”, đã góp phần thúc đẩy nhanh chóng quá trình kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân. Cũng từ thực tiễn sôi động ấy, Ngô Gia Tự và Ban lãnh đạo Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ đã nhận ra sự cấp thiết phải thành lập Đảng Cộng sản - một chính đảng của giai cấp công nhân, nhằm đưa phong trào cách mạng trong cả nước tiếp tục phát triển. Ban lãnh đạo Kỳ bộ Bắc Kỳ thống nhất quyết định thành lập ngay một tổ chức cộng sản.

Cuối tháng 3-1929, tại số nhà số 5D Hàm Long, Hà Nội, đồng chí Ngô Gia Tự và các đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Phong Sắc, Trịnh Đình Cửu, Trần Văn Cung, Đỗ Ngọc Du, Dương Đình Hạc và Nguyễn Tuân họp hội nghị và tuyên bố thành lập Chi bộ cộng sản, đây là Chi bộ cộng sản đầu tiên ở Việt Nam. Sự ra đời của Chi bộ cộng sản là bước ngoặt đánh dấu quá trình Bônsêvích hóa tổ chức Thanh niên.

Trong Đại hội của Kỳ bộ Bắc Kỳ diễn ra tại đồn điền Bôren (Sơn Tây) trong hai ngày 28, 29 tháng 3-1929, đồng chí Ngô Gia Tự đã đưa ra nhiều kiến giải sắc sảo, phản ánh những đòi hỏi của phong trào cách mạng đang diễn ra sôi nổi. Đại hội đồng ý với đề nghị của Trần Văn Cung, Bí thư Kỳ bộ: “Không nên tổ chức ngay Đảng Cộng sản, chúng ta phải đợi đến Đại hội Thanh niên có đông đủ đại biểu Trung, Nam, Bắc, có Tổng bộ, ý kiến thống nhất đã, chúng ta sẽ làm. Nếu làm ngay sẽ gây ra chia rẽ Trung, Nam, Bắc và giữa Kỳ bộ với Tổng bộ”(3). Đại hội đã giao trách nhiệm cho Trần Văn Cung, Ngô Gia Tự, Dương Hạc Đính, Nguyễn Tuân(4) (đại biểu của Kỳ bộ Bắc Kỳ đi Hương Cảng dự Đại hội I của Thanh niên), phải đấu tranh khẳng định xu thế của mình tại Đại hội I của Thanh niên(5).

Để bảo đảm cho sự thắng lợi của một chủ trương mới mẻ (thành lập một chính đảng), Trần Văn Cung đã đi Vinh nhằm tranh thủ sự đồng tình của các đại biểu Kỳ bộ Trung Kỳ, đại diện cho 500 hội viên tại Đại hội. Nhưng chuyến đi của Trần Văn Cung không đạt kết quả, vì đoàn đại biểu Trung Kỳ đã lên đường đi dự Đại hội.

Tại Đại hội I Thanh niên, Trần Văn Cung là trưởng đoàn đại biểu Kỳ bộ Bắc Kỳ phân tích những điều kiện chủ quan và khách quan đã chín muồi cho việc thành lập một Đảng Cộng sản để lãnh đạo phong trào cách mạng: “Tình hình trong nước và Đông Dương đã có đủ điều kiện lập ra một chính Đảng của giai cấp công nhân để lãnh đạo cách mạng. Đề nghị Đại hội ta thành lập ra Đảng cộng sản để lãnh đạo cách mạng Việt Nam”(6). Tiếp đó, đồng chí Ngô Gia Tự phân tích tình hình công nhân ở châu Âu và ở Đông Dương, đồng chí đặc biệt nhấn mạnh phong trào đấu tranh của công nông ở nước ta. Bằng những cứ liệu xác thực, những thống kê tỷ mỷ về các cuộc bãi công ở các trung tâm công nghiệp và trên phạm vi cả nước, đồng chí đã vạch rõ quy mô và tính chất của nó, qua đó khẳng định trình độ giác ngộ và trình độ tổ chức của giai cấp công nhân Việt Nam đã trưởng thành, đòi hỏi phải có một chính đảng để tiếp tục đưa phong trào tiến lên. Đồng thời, đồng chí Ngô Gia Tự  cũng chỉ rõ trong hoàn cảnh như vậy nếu chần chừ trong việc thành lập Đảng Cộng sản là sai lầm lớn đối với phong trào cách mạng. Những ý kiến của đồng chí Ngô Gia Tự và đoàn đại biểu Bắc Kỳ thực sự là những quan điểm có tầm chiến lược đối với vận mệnh cách mạng Việt Nam.

Trong ba ngày đầu, Đại hội bàn bạc xoay quanh những vấn đề hệ trọng đó, nhưng vẫn không ngã ngũ: “Bàn bạc đã ba ngày rồi mà vấn đề tổ chức vẫn chưa giải quyết xong. Đường nào là đúng, đường nào là chệch”(7). Trong khi Đại hội còn chưa ngã ngũ, thì Lâm Đức Thụ - một phần tử cơ hội, một kẻ cực hữu, nhân danh Chủ tịch Đại hội đã quyết định: “Không được bàn về tổ chức cộng sản ở đây. Nếu bàn bạc về vấn đề này thì đi nơi khác mà bàn”. Trước tình hình đó, thay mặt cho đoàn đại biểu Bắc Kỳ, đồng chí Ngô Gia Tự đã tuyên bố: “Thay mặt cho hơn 900 hội viên Thanh niên Bắc Kỳ trong số hơn 1.550 hội viên Thanh niên trong toàn quốc, chúng tôi đã trình bày đề nghị của chúng tôi, nhưng không được Đại hội chấp nhận. Nếu ở lại đây chúng tôi  không biết trả lời thế nào với các đại biểu Bắc Kỳ đã nhất trí giao trách nhiệm cho chúng tôi phải đề ra vấn đề tổ chức Đảng Cộng sản. Trách nhiệm ấy không làm tròn. Chúng tôi tuyên bố thoát ly Đại hội. Trước đây, chúng ta đã cùng nhau học chủ nghĩa cộng sản. Chúng ta sẽ gặp nhau trong công tác nếu chúng ta còn cùng chung một chí hướng”(8).

Đoàn đại biểu Bắc Kỳ (trừ Dương Hạc Đính) bỏ Đại hội ra về, ngày 1-6-1929, nhân danh đoàn đại biểu Bắc Kỳ, một bản Tuyên ngônđược công bố để giải thích cho hành động thoát ly Đại hội: “Đại hội này là của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí thì bất luận việc gì can thiệp đến công nông, đến vô sản giai cấp đều phải bàn cả. Thế mà Đại hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí lại không bàn đến vấn đề tổ chức Đảng Cộng sản là vấn đề cần thiết cho vô sản giai cấp và nông dân nghèo ở Việt Nam, tức là Đại hội này không phải là đại hội đại biểu của vô sản giai cấp, không phải là đại hội chân chính cách mệnh”; Tuyên ngôn kêu gọi: “Phải tổ chức ngay Đảng Cộng sản thì mới dẫn đạo cho vô sản giai cấp làm cách mệnh được”(9). Việc đoàn đại biểu Bắc Kỳ bỏ Đại hội ra về đánh dấu sự phân liệt trong Thanh niên. Thực chất của sự phân liệt đó là: “một sự khủng hoảng của sự trưởng thành trong phong trào công nhân và dân tộc ở Việt Nam”(10). Đồng thời, sự kiện đó tỏ rõ bản lĩnh chính trị, thái độ kiên quyết trước những quyết định lịch sử của đồng chí Ngô Gia Tự, ở đây còn thể hiện tư chất của một nhà lãnh đạo tài ba.

Kiên quyết thực hiện chủ trương thành lập Đảng Cộng sản, ngày 16-6-1929, tại số nhà 312 phố Khâm Thiên, Hà Nội, đồng chí Ngô Gia Tự và một số đại biểu tiên tiến trong tổ chức Thanh niên ở Bắc Kỳ đã họp hội nghị quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng. Hội nghị thông qua những văn kiện quan trọng có tính chất nền tảng như Tuyên ngôn, Chính cương, Điều lệ, thành lập các cơ quan tuyên truyền, trong đó có báo Búa Liềm, bầu Ban Chấp hành Trung ương lâm thời và cử người vào Trung Kỳ, Nam Kỳ phát triển cơ sở đảng.

Sau Hội nghị, đồng chí Ngô Gia Tự  và Trần Tư Chính (Bàng Thống) được cử vào Nam Kỳ xây dựng cơ sở đảng. Với năng lực và nhiệt tình của người cách mạng trẻ tuổi Ngô Gia Tự, chỉ một thời gian ngắn sau đó, các cơ sở cộng sản đã được xây dựng và phát triển ở nhiều địa phương thuộc Sài Gòn - Gia Định và các đồn điền cao su Phú Riềng (Biên Hòa)..., khẳng định sự đúng đắn của Đông Dương Cộng sản Đảng trong việc cộng sản hoá và thống nhất tổ chức Thanh niên. Bằng hành động thiết thực, đồng chí Ngô Gia Tự đã góp phần thúc đẩy các tổ chức cộng sản tiến nhanh tới quá trình hợp nhất thành một Đảng Cộng sản ở Việt Nam.

Với lòng yêu nước, tinh thần hy sinh gian khổ vì lý tưởng cách mạng, đồng chí Ngô Gia Tự đã dấn thân vào con đường cách mạng đầy chông gai và có những đóng góp xuất sắc trong việc xây dựng cơ sở và tổ chức của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Bắc Kỳ, đặc biệt là ở Bắc Ninh và Bắc Giang. Đồng chí đã tỏ rõ sự nhạy bén chính trị, sự sáng tạo cách mạng thể hiện qua chủ trương khởi xướng phong trào “vô sản hoá”, đẩy nhanh quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam, đưa cách mạng Việt Nam lên một tầm cao mới. Sự kiện thoát ly Đại hội I của Thanh niên, quyết định thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên ở Bắc Kỳ đã khẳng định trí tuệ và bản lĩnh của một lãnh tụ tiền bối xuất sắc, có tầm nhìn chiến lược của Đảng ta.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2014

(1), (2) Xem: Ngô Gia Tự người cộng sản lỗi lạc, Nxb Sự Thật, Hà Nội,1987, tr.21, 23.

(3), (8) Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương xuất bản, Hà Nội, 1961, tr.115, 117.

(4) Dương Hạc Đính và Nguyễn Tuân về sau thoái hoá, phản bội Đảng. 

(5) Đại hội I của Thanh niên họp tại Hương Cảng từ ngày 1 đến ngày 9-5-1928 gồm đại biểu đại diện cho các tổ chức Thanh niêntrong nước và Việt kiều ở nước ngoài.

(6), (7) TheoĐường cách mệnh, Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Nghệ - Tĩnh xuất bản, tr.160, 160.

(9) Các tổ chức tiền thân của Đảng, Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương xuất bản, Hà Nội, 1977, tr.148-149.

(10) Nhượng Tống: Tân Việt Cách mạng đảng, Việt Nam Thư xã xuất bản, 1945, tr.441.

 

PGS, TS Trần Minh Trưởng

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ chí Minh

Thông tin tuyên truyền