Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Đồng chí Nguyễn Chí Thanh, nhà chính trị - quân sự song toàn
Thứ ba, 11 Tháng 2 2014 15:18
3143 Lượt xem

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh, nhà chính trị - quân sự song toàn

(LLCT) - Đồng chí Nguyễn Chí Thanh là nhà chính trị - quân sự lỗi lạc của Đảng, quân đội và dân tộc ta, người chỉ huy mưu lược, dũng cảm, kiên quyết của lực lượng vũ trang nhân dân. Đồng chí là nhà hoạt động chính trị có tầm nhìn chiến lược, lý luận liên hệ với thực tiễn.

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh (1-1-1914/6-7-1967), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II và III), Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Bí thư Tổng Quân ủy (1950 - 1961). Năm 1959, đồng chí được Quốc hội, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh phong quân hàm Đại tướng. Đồng chí là Bí thư Trung ương Cục, Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam (1964 - 1967),… là người con ưu tú của quê hương Thừa Thiên-Huế.

Đồng chí đã sớm giác ngộ lý tưởng cộng sản, tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1934.

Tháng 7-1937, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản; là chiến sĩ cộng sản kiên cường, luôn trung thành với lý tưởng cách mạng, từng bị thực dân Pháp ba lần bắt giam ở các nhà lao Huế, Lao Bảo, Buôn Mê Thuột và từng vượt ngục để tiếp tục hoạt động.

Năm 1938, đồng chí được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên. Tháng 8-1945, tại Hội nghị toàn quốc của Đảng tại Tân Trào, đồng chí được bầu là Ủy viên Trung ương và được chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ và cử vào Tổng bộ Việt Minh.

Năm 1947, được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, sau đó làm Bí thư Phân khu ủy Bình Trị Thiên. Từ năm 1948 - 1950, đồng chí làm Bí thư Liên khu ủy IV. Đồng chí là linh hồn của cuộc chiến đấu của Bình Trị Thiên những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Trước tình hình địch mở rộng vùng chiếm đóng, quân và dân ta thiếu thốn mọi thứ, các lực lượng vũ trang non trẻ, đồng chí đưa ra một nhận định mới: Mất đất nhưng chưa mất nước; kiên quyết bám dân, xây dựng cơ sở, phát triển chiến tranh du kích trong vùng địch kiểm soát sẽ xoay chuyển được tình thế. Với quyết tâm đó, Bình Trị Thiên đã trở thành mặt trận sôi động, góp phần chặn đứng âm mưu chia cắt chiến lược và mở rộng chiến tranh ra Thanh - Nghệ - Tĩnh của thực dân Pháp.

Năm 1950, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn quan trọng và quyết liệt, đồng chí được điều động vào quân đội và được giao trọng trách Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó Bí thư Tổng Quân ủy.

Đồng chí đã tổ chức thực hiện và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, cùng với Tổng Quân uỷ thực hiện đường lối quân sự của Đảng, tạo ra một bước phát triển mới về sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang nhân dân. Đồng chí khẳng định Đảng là linh hồn, là đội tiên phong của quân đội, Đảng mạnh thì mọi việc đều thành, Đảng yếu thì mọi việc đều không bảo đảm, và sự lãnh đạo của Đảng là sinh mệnh của Quân đội nhân dân. Do vậy, “phải tăng cường công tác xây dựng Đảng, phải coi công tác xây dựng Đảng là căn bản nhất trong việc xây dựng quân đội(1).

Luôn nắm vững các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng, đồng chí xác định trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải coi trọng chế độ dân chủ tập trung, lấy lãnh đạo tập thể làm nguyên tắc cao nhất của sự lãnh đạo của Đảng. Đồng chí khẳng định vai trò đảng ủy là hạt nhân lãnh đạo thống nhất trong quân đội và định rõ chế độ thủ trưởng phụ trách dưới sự lãnh đạo tập thể và thống nhất của đảng ủy và cho rằng, kiện toàn chế độ đảng ủy là để thống nhất và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với quân đội.

Đồng chí luôn xác định việc xây dựng quân đội về chính trị và tư tưởng là mặt quan trọng quyết định nhất: “Tinh thần chiến đấu của bất cứ một quân đội cách mạng nào cũng bắt nguồn từ sự giác ngộ giai cấp, giác ngộ chính trị của mỗi cán bộ và chiến sĩ của quân đội đó”. Giác ngộ chính trị của cán bộ, chiến sĩ ta bao giờ cũng là sự thống nhất giữa chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa xã hội, đồng chí thường xuyên nhắc nhở các đơn vị: “Cần giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ có trình độ giác ngộ giai cấp, giác ngộ dân tộc thật sâu sắc để phát huy lòng yêu nước nồng nàn, căm thù giặc sâu sắc, kiên quyết kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn”.

Đồng chí chỉ rõ: vấn đề cốt lõi của việc xây dựng quân đội ta về chính trị là xây dựng bản chất giai cấp công nhân của quân đội. Quân đội bao giờ cũng thuộc về một giai cấp nhất định và chỉ một mà thôi. Quân đội ta do Đảng Cộng sản lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện, cho nên bản chất giai cấp công nhân của quân đội là sự quán triệt bản chất giai cấp công nhân của Đảng; là sự quán triệt chính trị, tư tưởng và tổ chức của Đảng Cộng sản trong quân đội, phù hợp với các đặc điểm, chức năng tổ chức của một tổ chức quân sự.

Đồng chí đã cùng Tổng Quân uỷ vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân, phát động chiến tranh nhân dân, sáng tạo nghệ thuật quân sự cách mạng. Đồng chí luôn xác định rõ mục tiêu của cách mạng là mục tiêu chiến đấu của quân đội và sức mạnh của chiến tranh cách mạng; quân đội vừa là lực lượng chính trị, vừa là lực lượng vũ trang chiến đấu, với phương châm “chính trị trọng hơn quân sự”, “quân sự phải phục tùng chính trị’, “chính trị trong quân sự phải thể hiện ở đánh giặc’’.

Đồng chí đã cụ thể hoá những nguyên tắc xây dựng quân đội nhân dân, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở, quán triệt sâu sắc thái độ chính trị của cán bộ và chiến sĩ theo quan điểm của Đảng trước mọi biến chuyển của tình hình.

Trong lãnh đạo đấu tranh vũ trang, đồng chí là người chỉ đạo vững vàng, mưu lược, tài trí và có những cống hiến lớn lao vào tổng kết thực tiễn kháng chiến, xây dựng quân đội để hoàn thiện lý luận và chỉ đạo chiến lược quân sự theo đúng đường lối và tư tưởng chiến tranh nhân dân của Đảng ta, góp phần xuất sắc vào việc phát triển lý luận, sáng tạo nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân Việt Nam.

Trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí đã nắm chắc thời cuộc, bám sát chiến trường, nắm chắc sự phát triển của tình hình địch, ta; phát hiện được những vấn đề rất cơ bản, đánh giá đúng những điểm mạnh, yếu của địch, đánh giá một cách biện chứng so sánh lực lượng giữa ta và địch, góp phần đề ra quyết tâm chiến lược đúng đắn, chính xác của Bộ Chính trị và Trung ương Đảng. Từ thực tế của cuộc chiến tranh nhân dân phát triển đến trình độ cao, đồng chí đã có công tìm tòi, khái quát, góp phần nâng lên thành lý luận chỉ đạo một số vấn đề cơ bản về chiến lược quân sự, mà tư tưởng cơ bản là “kiên quyết tiến công, chủ động tiến công, liên tục tiến công”.

Năm 1964, đồng chí Nguyễn Chí Thanh (biệt danh Sáu Di) được Trung ương Đảng điều động trở lại quân đội và cử vào chiến trường tham gia lãnh đạo cách mạng miền Nam, làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam. Đồng chí cùng Trung ương Cục trực tiếp lãnh đạo cuộc chiến đấu trên tiền tuyến lớn trong thời điểm bước ngoặt chiến lược của cuộc chiến tranh và cùng với Bộ tư lệnh Miền chỉ đạo mở các chiến dịch Bình Giã, Ba Gia, Đồng Xoài… đánh bại từng chiến đoàn quân nguỵ, cùng với việc phá rã hàng ngàn “ấp chiến lược”, thúc đẩy sự phá sản chiến lược “chiến tranh đặc biệt”.

Đồng chí sớm phát hiện việc Mỹ chuyển sang chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ và phân tích: Mỹ vào miền Nam trong thế thua, thế bị động về chiến lược, Mỹ có cả một đống vũ khí nhưng lại vấp phải cả một đống mâu thuẫn, Mỹ tỷ phú về đôla nhưng quân và dân ta lại tỷ phú về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, có đường lối chiến tranh, chiến thuật đúng, bắt Mỹ phải đánh theo cách đánh của ta, chúng bị tréo giò như “ăn cháo bằng dĩa”, nên ta nhất định thắng.

Từ thực tế của cuộc chiến tranh nhân dân, đồng chí đã tìm tòi, tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm góp phần nâng lên thành lý luận chỉ đạo những vấn đề cơ bản về chiến lược quân sự, mà tư tưởng cơ bản là kiên quyết tiến công, chủ động tiến công, liên tục tiến công; không sợ Mỹ, dám đánh Mỹ, quyết đánh Mỹ, biết thắng Mỹ và nhất định sẽ đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược. Quân và dân ta tiếp tục thực hiện tư tưởng chiến lược tiến công và sáng tạo nhiều cách đánh mới trên chiến trường.

Đồng chí cùng Bộ Tư lệnh Miền chỉ đạo đánh thắng Mỹ ngay từ những trận đầu và từ thực tế chiến đấu, sự sáng tạo của các đơn vị, các địa phương, đồng chí đã tổng kết thành các phương châm chỉ đạo tác chiến độc đáo: “nắm thắt lưng Mỹ mà đánh”, “tìm Mỹ mà đánh, tìm nguỵ mà diệt”, lập “các vành đai diệt Mỹ”.

Đồng chí là nhà chính trị tài năng, lời nói đi đôi với việc làm, lý luận liên hệ với thực tiễn, sống trong sáng, giản dị, khiêm tốn, đoàn kết chân thành, gương mẫu nghiêm túc trong tự phê bình và phê bình.

Đồng chí không ngừng tự học, chú trọng học lý luận, tổng kết kinh nghiệm, tiếp thu kinh nghiệm của các Đảng và quân đội, các nước anh em. Đồng chí nhắc nhở cán bộ: “Cái gì hay của bạn thì học, cái gì không hợp thì thôi”. ‘’Vấn đề chính không phải là ý kiến của ai?, của ta hay của bạn?, mà chính là phải xem xét ý vào đúng thì thực hiện”.

Đồng chí thường xuyên quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quân đội “vừa hồng, vừa chuyên”, xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất và năng lực cho quân đội, bảo đảm đúng đường lối giai cấp của Đảng, đáp ứng yêu cầu phát triển của tình hình nhiệm vụ trong mỗi giai đoạn cách mạng. Đồng chí rất chú trọng giáo dục cán bộ về quan điểm quần chúng, về dân chủ, kỷ luật, đoàn kết và nhiều lần nhắc nhở cán bộ phải thật sự bình đẳng về chính trị với chiến sĩ, hết lòng thương yêu, chăm sóc, tận tình dìu dắt, giúp đỡ anh em tiến bộ. Cán bộ phải phát huy không ngừng và cao độ tinh thần tự giác cách mạng của quần chúng để họ dám chịu trách nhiệm với Đảng, với quân đội, khơi dậy tinh thần sáng tạo của quần chúng, làm cho quần chúng luôn có sáng kiến mới, luôn tạo sinh lực mới, khả năng mới.

Những năm 1961 - 1964, được Đảng phân công nhiệm vụ Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương, trên mặt trận nông nghiệp, đồng chí xắn quần lội ruộng, khảo sát tình hình sản xuất, nắm bắt khó khăn, lắng nghe các nhà khoa học nông nghiệp, tìm hiểu những nơi làm ăn khá, xác định phương hướng mở rộng diện tích sản xuất, phá “xiềng ba sào”, cùng với thâm canh, phát động phong trào thi đua với Đại Phong. Đại tướng “làm nông nghiệp’’ tuy một thời gian ngắn nhưng để lại những ấn tượng tốt đẹp cho cán bộ và đồng bào trên mặt trận kinh tế hàng đầu này.

Là một cán bộ lãnh đạo có những phẩm chất và năng lực, đồng chí đã được Đảng trao những trọng trách vào những thời điểm khó khăn, mà lần sau thường mới mẻ và nặng nề hơn lần trước. Dù ở cương vị nào, phụ trách công tác gì, đồng chí cũng luôn luôn chú trọng phát huy sức mạnh của tư tưởng, đạo đức cách mạng; luôn luôn đặt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng lên hàng trọng yếu; đánh giá đúng và phát huy tốt tính năng động chủ quan của con người, vai trò quan trọng của tinh thần, tư tưởng trong lúc điều kiện vật chất khách quan của ta còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Đồng chí nói: “Trách nhiệm vinh quang của người cộng sản chúng ta là cải tạo “thế giới khách quan’’. Nhưng muốn cải tạo “thế giới khách quan’’ thì trước hết phải cải tạo ‘’thế giới chủ quan’’ của chúng ta. Đó là chân lý”(2).

Đồng chí kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, viết nhiều bài về chống chủ nghĩa cá nhân, vạch rõ chủ nghĩa cá nhân là con đẻ của chế độ tư hữu. Đồng chí chỉ rõ, ra đi làm cách mạng, chúng ta đã phấn đấu để gạt bỏ chủ nghĩa cá nhân một cách có kết quả. Đồng chí cũng chỉ rõ: “Nói đến chủ nghĩa cá nhân, không có nghĩa là cấm tiệt đảng viên, cán bộ hay quân nhân cách mạng không được mảy may lo lắng một chút cho công việc riêng tư mình. Người cán bộ, đảng viên ngoài việc chung của tổ chức ra, đều có quyền lo lắng một phần nào cho bản thân, cho gia đình mình”(3).

Bằng lập luận sắc sảo, với sự phân tích thấu đáo, đồng chí đã chỉ ra những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ và chiến sĩ: “Người bị chủ nghĩa cá nhân chi phối sẽ nhìn lệch vấn đề, ví dụ:

- Thấy tác dụng cá nhân mình tăng lên một tí, thấy tác dụng của nhân dân quần chúng giảm đi một tí.

- Thấy công lao của mình tăng lên một tí, thấy công lao của Đảng giảm đi một tí.

- Đối với mình thì cộng thêm một ít thành tích, đối với người khác thì cộng thêm cho họ một ít sai lầm khuyết điểm...”(4).

Ngày nay, khi mà phong trào cách mạng thế giới đang khó khăn, khi mà mặt trái của cơ chế thị trường, đang tiếp sức cho chủ nghĩa cá nhân phát triển; những việc làm cá nhân ích kỷ, những tham vọng, những hành vi lợi dụng sơ hở của luật pháp, lợi dụng chức quyền để làm giàu bất chính, làm thiệt hại nghiêm trọng tài sản quốc gia và nhân dân được biện hộ bởi “động lực cá nhân”, “lợi ích cá nhân”, những bài viết của đồng chí về chống chủ nghĩa cá nhân vẫn giữ nguyên tính thời sự, tính chiến đấu.

Nói đi đôi với làm, đồng chí luôn gương mẫu, nêu cao đạo đức cách mạng: Trung với Đảng, hiếu với dân, cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, có tác phong giản dị, khiêm tốn, gần gũi với mọi người. Tận tuỵ hy sinh, một lòng một dạ phấn đấu cho lý tưởng cộng sản, nguy hiểm không sờn lòng, khó khăn không lùi bước, đồng chí sẵn sàng gánh vác những công việc khó khăn nhất, ở những trận địa gian khổ nhất và ở đâu đồng chí cũng hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc. Đồng chí nói: “Đời người cộng sản có gì vui hơn, quý giá hơn, cao cả hơn là phấn đấu làm cho lý tưởng của mình được thực hiện! Sống, còn lúc nào sống thì quyết tâm phụng sự chủ nghĩa, dốc lòng phục vụ Đảng, có chết cũng vui lòng vì đã đem cả đời mình hiến dâng cho nước, cho Đảng”(5).

Hơn 30 năm hoạt động liên tục và vô cùng sôi nổi, đồng chí luôn trung thành với lý tưởng cách mạng, với Đảng, với nhân dân, đã cống hiến lớn trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân. Cả cuộc đời mình, đồng chí đã mang hết tài năng và nghị lực phấn đấu thực hiện thắng lợi đường lối, nhiệm vụ chính trị, quân sự của Đảng, đồng thời có nhiều đóng góp lớn trong phát triển sáng tạo nghệ thuật quân sự Việt Nam, động viên tinh thần chiến đấu của quân và dân ta. Đồng chí là người cộng sản Việt Nam tiêu biểu cho tinh thần “ở đâu nghèo đói gọi, xung phong; ở đâu tiến tuyến kêu, anh đến!”.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2014

(1) Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và công tác chính trị trong quân đội (tuyển những bài nói và viết), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1997, tr.131.

(2), (5) Nguyễn Chí Thanh: Giương cao ngọn cờ lãnh đạo của Đảng rèn luyện lập trường tư tưởng vô sản của chúng ta, Nxb Sự thật, Hà Nội,1969, tr.28, 24.

(3), (4) Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và công tác chính trị trong quân đội (tuyển những bài nói và viết), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1997, tr.90, 91.

 

Ban biên tập

(Tổng hợp)

Thông tin tuyên truyền