Trang chủ    Bài nổi bật    Nguyên tắc và yêu cầu của thiết kế hệ thống chính trị
Thứ tư, 26 Tháng 9 2018 15:43
4938 Lượt xem

Nguyên tắc và yêu cầu của thiết kế hệ thống chính trị

(LLCT) - Để hệ thống chính trị hoạt động hiệu quả, việc thiết kế hệ thống chính trị có sự khác nhau ở các quốc gia và bị chi phối bởi các điều kiện cụ thể, nhưng vẫn phải tuân theo các nguyên tắc và yêu cầu nhất định. Đối với các hệ thống chính trị dân chủ, các nguyên tắc cần phải tuân thủ như: quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nguyên tắc dân chủ, pháp quyền, nguyên tắc tập trung và phân quyền. Trong đó, những yêu cầu cơ bản, cụ thể cần được đảm bảo gồm có: quyền lực ủy nhiệm có giới hạn - chính quyền hạn chế, cấp độ quyền lực tương quan với cấp độ ủy quyền, quyền lực ủy nhiệm phải được kiểm soát và tôn trọng tính pháp lý, tính chuyên môn hóa trong hoạt động.

1. Các yếu tố cốt lõi của lý thuyết hệ thống

Các yếu tố cốt lõi của lý thuyết hệ thống được xác định bao gồm: hệ thống, môi trường, phản hồi và đáp ứng(1).

i) Hệ thống bao gồm các thành tố (elements), các chức năng, đặc tính của các thành tố và mối liên hệ giữa chúng. Đời sống chính trị - xã hội được coi như một hệ thống hữu cơ có tổ chức, mối quan hệ ràng buộc để đáp ứng các nhu cầu và các chức năng, tức mục tiêu chung của toàn bộ hệ thống. Các ràng buộc (cơ chế) như vậy có thể là các thể chế mang tính pháp lý hoặc bằng “lệ”(bất thành văn).

ii) Môi trường được phân biệt với hệ thống do tính tương táccủa chúng. Bản thân hệ thống cũng có thể bị tác động từ môi trường của một hệ thống khác. Sự phân biệt giữa HTCT và môi trường có ý nghĩa quan trọng vì đó là tiền đề để xem xét các quá trình tương tác theo ba yếu tố: đòi hỏi (đầu vào - input), xử lý các đòi hỏi, và các quyết định đáp ứng (đầu ra - output).

iii) Phản hồi (Feedbacks): sự giao tiếp, tương tác bên trong của hệ thống khiến hệ thống thay đổi và thích nghi với môi trường. Đó cũng có thể coi là các đòi hỏi từ bên trong của hệ thống. Sự phản hồi được bộc lộ qua các quá trình đáp ứng với đòi hỏi của môi trường cũng như sự phản ứng với các kết quả đầu ra của hệ thống. Nó thể hiện sự tương tác bên trong và khả năng tự điều chỉnh của hệ thống. Sự phát triển và sự vận hành của hệ thống phụ thuộc rất nhiều vào mạng lưới thông tin phản hồi này.

iv) Đáp ứng (Response): Đây là chức năng chính của hệ thống. Cấu trúc cơ chế của hệ thống như trên đề cập cũng được xác định từ việc thực hiện sự đáp ứng của hệ thống đối với các đòi hỏi của môi trường bên ngoài. Các đòi hỏi này chính là sự biểu đạt các nhu cầu cần phải được thực hiện(2).

Đặc trưng của hệ thống là nhấn mạnh tới sự tương tác và các biến đổi mang tính hợp trội, phức hợp, theo nghĩa chúng thể hiện các tính chất mà các bộ phận khác không có. Các hệ thống trong xã hội nói chung đều có tính phức hợp, theo nghĩa, chúng thể hiện các tính chất mà từng bộ phận không có. Tính chất này được hình thành từ sự tương tác của hệ thống và dẫn tới các biến đổi mang tính hợp trội.

2. Các nguyên tắc thiết kế hệ thống chính trị

Mỗi một hệ thống chính trị có những nguyên tắc và cơ chế vận hành riêng. Dựa trên những nguyên tắc và cơ chế này mà các quan hệ, hành vi chính trị được định hướng và tạo thành một bộ phận hữu cơ của hệ thống chính trị.

Hiện nay, ngoại trừ ở một số rất ít nước theo chế độ quân chủ thế tập, hầu hết ở các nước đều phổ biến một số nguyên tắc sau:

- Quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân: nguyên tắc này khẳng định tính khách quan quyền lực của nhân dân - là chủ thể ủy một phần quyền của mình thông qua các đại diện để tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước. Từ nguyên tắc này dẫn đến một loạt các nguyên tắc khác về tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước, các ứng xử chính trị phải thể hiện và đảm bảo quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

- Ủy quyền có điều kiện và có thời hạn

Nguyên tắc này xác định ai là người có thể được ủy quyền và ủy quyền trong bao lâu. Để đảm bảo nguyên tắc này phải xây dựng thể chế bầu cử bao gồm lựa chọn các ứng viên, thể thức bầu cử và thủ tục truất quyền khi cần thiết.

-  Nguyên tắc dân chủ

Nguyên tắc này thực chất là tạo các điều kiện về kinh tế - xã hội và pháp lý để nhân dân tham gia ngày càng nhiều và thực chất vào các công việc của nhà nước và xã hội. Có thể tự quyết định quyền và lợi ích của mình hoặc thông qua nhà nước, bằng nhà nước. 

- Nguyên tắc tập trung - phân quyền

Đây là hai mặt của một vấn đề trong đời sống chính trị, không có tập trung quyền lực đủ mức thì không có quyền lực để phân chia (hoặc phân công). Tập trung là đòi hỏi khách quan để tạo sự thống nhất, sức mạnh của quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước, trong khi đó sự phân quyền chính là cách thức tổ chức, triển khai để thực thi quyền lực. Nói cách khác, không có sự phân quyền, quyền lực nhà nước sẽ không được thực thi.

Tập trung (thống nhất)  quyền lực  thể hiện ở các khía cạnh: i) lãnh thổ quốc gia dân tộc thống nhất; ii) xã hội công dân thống nhất trên đó xây dựng nhà nước; iii) ý chí nhân dân được tổng hợp thành ý chí chung (khế ước) có tính pháp lý (hiến pháp, các đạo luật...); iv) thống nhất bởi đảng cầm quyền, đảng cầm quyền chi phối hệ thống chính trị bằng các phương thức chính trị  như sự ảnh hưởng của cương lĩnh, đường lối, nêu gương, bằng phương thức tổ chức, vận động, giáo dục, thuyết phục... Trên cơ sở thống nhất đó sẽ thực hiện sự phân quyền với nhiều sắc thái khác nhau như:  phân chia,  phân công, phân quyền, phân cấp, tản quyền... đều có nghĩa giao cho các chủ thể khác nhau theo chiều ngang (trung ương - trung ương) hay theo chiều dọc (trung ương - địa phương) những nhiệm vụ có tính chức năng của  nhà nước.

3. Những yêu cầu của thiết kế hệ thống chính trị

Chính quyền bị hạn chế: Điểm chung lớn nhất có thể rút ra là các nước này đều cố gắng tiến tới việc xác định rõ ràng phạm vi của quyền lực công. Về thực chất, đây chính là phạm vi của sự ủy quyền - vì người dân (xã hội) là chủ thể của quyền lực, nên việc ủy quyền luôn đồng nghĩa với việc ủy một số hữu hạn các quyền cụ thể cho nhà nước. Quá trình ủy quyền cũng chính là một trong các yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo sự tự nguyện tuân thủ(3).

Cấp độ quyền lực tương quan với cấp độ ủy quyền: Đây là đặc điểm quan trọng trong các HTCT. Theo đó, người đại diện được ai ủy quyền thì chỉ có thể bị bãi miễn bởi người ủy quyền. Điều quan trọng hơn, là dù ở cấp độ quyền lực cao hơn, nhưng nếu không phải do dân ủy quyền người đó vẫn không có quyền lực thực tế trong sự vận hành của HTCT (trường hợp Nữ hoàng Anh, các Vua ở Malaysia, và Thiên hoàng ở Nhật). 

Đi cùng với cấp độ của sự ủy quyền như vậy là cấp độ của sự chịu trách nhiệm. Trong mô hình hệ thống tổng thống, Tổng thống chịu trách nhiệm không phải trước quốc hội mà trước toàn dân vì tổng thống do toàn dân bầu. Trong mô hình HTCT lưỡng tính như của Pháp, mặc dù cả hai đều do dân bầu, nhưng vì tổng thống do toàn dân bầu trực tiếp, thủ tướng do quốc hội bầu, nên trong thực tế vận hành cũng như trong hiến pháp, tổng thống thường có vị thế trội hơn. Các phân tích tương tự cũng đúng khi xem xét thiết kế hệ thống chính quyền địa phương.

Quyền lực ủy nhiệm được kiểm soát: đây là yêu cầu có tính căn cốt nhằm hạn chế sự sai lầm và lạm dụng trong thực thi quyền lực ủy nhiệm. Theo đó, quyền lực thuộc về nhân dân là điểm cốt yếu của dân chủ, một trong các quyền quan trọng nhất là quyền quyết định (lựa chọn) người thừa hành cho ý chí của mình - tức lựa chọn người lãnh đạo chính trị, và đi đôi với nó là quyền phế truất khi người được ủy quyền đó không thi hành được các ý nguyện của dân chúng. Do vậy, trong mọi HTCT, hệ thống bầu cử theo nhiệm kỳ luôn là công cụ kiểm soát quan trọng nhất, thể hiện rõ ràng nhất quyền quyết định tối cao của nhân dân. Các loại quyền lực khác khi được ủy nhiệm đều có cơ chế giám sát và kiểm soát chặt chẽ. Chẳng hạn, trong mô hình hệ thống nghị viện, nghị viện (quốc hội) có quyền bầu thủ tướng và thành lập chính phủ thì nghị viện phải giám sát và kiểm soát chính phủ. Nói cách khác chính phủ phải chịu trách nhiệm trước nghị viện. Khi chính phủ không còn đủ sự tín nhiệm trước nghị viện thì Thủ tướng và chính phủ phải từ chức.

Mọi mô hình HTCT đều thiết kế để tạo điều kiện cho hai loại kiểm soát quyền lực nhằm bảo vệ ở mức độ nhất định quyền quyết định của người dân, tức dân chủ với nghĩa cổ điển nhất: 1) Kiểm soát thông qua sự thuyết phục (tức là kêu gọi sự tự kiểm soát, từ bên trong các chủ thể quyền lực); 2) Kiểm soát thông qua thể chế (tức sự cưỡng chế, kiểm soát từ bên ngoài).

Ngoài ra, để tạo tính khách quan, ổn định tương đối và tạo được tính hợp trội trong hoạt động, hệ thống chính trị còn đòi hỏi phải đảm bảo được các đặc tính sau:

Tính dân trị:được chuyển tải bởi sự hình thành các thể chế quyền lực với sự đồng thuận của người dân thông qua hệ thống ủy quyền hợp pháp (bầu cử) và tạo điều kiện cho sự tham gia rộng rãi của người dân vào các hoạt động chính trị.

Tính pháp lý: được biểu hiện ở các đặc điểm quan trọng: tính tối cao, tính ổn định, tính minh bạch và tính bình đẳng của hệ thống pháp luật. Dù hệ thống pháp luật có thể chuyển tải các nội dung khác nhau như dân chủ hay phi dân chủ, khoa học hay phi khoa học, các tính chất trên đều cần thiết cho việc một hệ thống chính trị đạt các mục tiêu của chủ thể cầm quyền một cách hiệu quả.

Tính tối cao có thể hiểu như chỉ có chủ thể nắm quyền lực được phép thay đổi pháp luật, tức điều chỉnh sự ủy quyền và tính chất của cách thức thực thi. Trong các HTCT mà chúng ta xem xét, dù ở các mức độ còn khác nhau, tính tối cao của pháp luật được thể hiện ở mấy điểm chung: 1) Người dân hoặc đại biểu được ủy quyền của họ (tức quốc hội hay nghị viện) có quyền ban hành hay hủy bỏ mọi luật, và 2) Không ai có thể hủy bỏ hay đứng ngoài phạm vi các luật đó.

Tính ổn định: liên quan mật thiết với tính tối cao, và được hiểu là hệ thống luật pháp sẽ tạo ra các cơ chế để sự thay đổi pháp luật bởi các cá nhân cầm quyền là khôngdễ dàng.

Tính minh bạch: thể hiện trong việc luật pháp được công bố tới toàn dân và được sự giám sát của toàn dân. Không ai có thể bị trừng phạt trừ phi có bằng chứngvi phạm luật.

Tính công bằng: luật pháp sẽ được áp dụng theo các tiêu chí và thủ tục nhất quánvới mọi đối tượng, bất kể chức vị, dù là cá nhân hay tổ chức. Trong HTCT như Mỹ, thậm chí khi ra trước tòa, các công dân và nhà nước đều phải được coi là các bên ngang nhau(4).

Tính kỹ trị: Các tổ chức ngày càng thay đổi theo hướng chuyên môn hóa, xu hướng tách bạch các chức năng có tính chuyên môn, kỹ thuật (tức tính hiệu quả kinh tế, xã hộicủa HTCT) với tính chính trị (tức tính định hướng giá trịcủa HTCT). Theo đó, trong hệ thống chính trị có sự tách bạch lãnh đạo chính trịvới lãnh đạo chuyên môn. Sự chuyên môn hóa được thể hiện qua nhiều thiết kế thể chế, trong đó có thể thấy hai phân định quan trọng nhất:

 - Tách biệt các cơ quan cưỡng chế quan trọng (quân đội, cảnh sát, an ninh) khỏi các kiểm soát đảng phái, và các phe phái nói chung. Điều này tất yếu dẫn tới các luật định về việc tách các cơ quan này khỏi các hoạt động có tính kinh doanh hay hoạt động chính trị,... tức là các hoạt động khiến cho các cơ quan này có các lợi ích nhóm riêng biệt.

- Ngay trong các cơ quan nhà nước, tách lãnh đạo chính trịvới lãnh đạo chuyên môn. Đây là cốt lõi của các phát triển quan trọng nhất trong cải cách bộ máy hành chính của các nước phát triển. Sự tách biệt như vậy bị quy định bởi tính phức tạp và các yêu cầu chuyên môn cao của việc vận hành các chức năng nhà nước hiện đại.

Hệ thống đảng phái có cạnh tranh: Một điểm tương đối chung cho các mô hình hệ thống chính trị ở nhiều nước trên thế giới hiện nay là tính cạnh tranhcủa hệ thống đảng phái. Việc mô hình HTCT cho phép cạnh tranh, về lý thuyết, cũng đồng nghĩa với việc thúc đẩy sự kiểm soát quyền lực được ủy quyền thông qua sự phản biện và kiểm soát có tổ chứcvà có trách nhiệm xã hội(tức bằng đảng chính trị khác). Nói cách khác, bản thân sự hiện diện của một đảng khác (dù là nhỏ, và không có tiềm lực thắng cử) đã là một yếu tố thúc đẩy sự cầm quyềnmột cách chính đáng, cả về thực chất (tức sự tự kiểm soát trong đảng) lẫn cả về hình thức (tức được công nhận rộng rãi hơn cả trong nước và quốc tế). Tuy nhiên, trên thực tế mức độ tác động và hiệu quả của cạnh tranh chính trị ở các nước là khác nhau phụ thuộc vào các điều kiện cụ thể như trình độ dân trí, văn hóa chính trị, tinh thần và trách nhiệm xã hội của các lực lượng tham gia vào đời sống chính trị - xã hội. 

Sự đa dạng của các tổ chức chính trị xã hội: Các hệ thống chính trị dân chủ đều có một điểm chung là tính đa dạng của các tổ chức chính trị - xã hội. Mặc dù, sự đa dạng này có thể coi là hệ quả của việc khu biệt phạm vi quyền lực nhà nước, và từ đó, sự tự do trong việc lập các hiệp hội nhằm thực hiện các mục đích chung của nhóm, nhưng có thể thấy, sự đa dạng của các tổ chức này còn thể hiện tính đa dạng vốn có của các nhu cầu, lợi ích trong xã hội hiện đại. Ngoài các chức năng là đại diện lợi ích cho các nhóm xã hội khác nhau trong việc thảo luận và phản biện các chính sách công, các nhóm này còn tạo nên một hệ thống giám sát quyền lực khá hữu hiệu, và không tốn kém cho ngân sách nhà nước. Ngoài ra, bản thân các tổ chức này cũng làm nhiều các công tác cộng đồng, giảm nhẹ gánh nặng cho nhà nước.

________________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luân chính trị số 7 -2018

(1) David Easton, An Approach to the Analysis of Political Systems, World Politics, Vol.9, No. 3 (Apr, 1957), p384-385.

(2) Xem: Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Chính trị học: Chính trị học so sánh từ cách tiếp cận cấu trúc chức năng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.28-30.

(3), (4) Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Chính trị học: Chính trị học so sánh từ cách tiếp cận hệ thống cấu trúc chức năng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.431, 444.

Tài liệu tham khảo:

1. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Chính trị học: Chính trị học so sánh từ cách tiếp cận hệ thống cấu trúc chức năng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012.

2. Tô Huy Rứa (chủ biên): Mô hình tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị một số nước trên thế giới,Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008.

3. Lưu Văn Sùng (chủ biên): Các loại hình thể chế chính trị đương đại, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015.

4. David Easton, An Approach to the Analysis of Political Systems, World Politics, Vol.9, No. 3(Apr, 1957), p.383-400.

 

TS Ngô Huy Đức

PGS, TS Trịnh Thị Xuyến

Viện Chính trị học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền