Trang chủ    Bài nổi bật    Học viện với sự nghiệp nghiên cứu, giáo dục và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin
Thứ tư, 24 Tháng 9 2014 09:07
2684 Lượt xem

Học viện với sự nghiệp nghiên cứu, giáo dục và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin

(LLCT) - Nghiên cứu, giáo dục và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nhiệm vụ then chốt của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Đây cũng là nhiệm vụ thể hiện đặc trưng, “bản sắc” của Học viện - Trường Đảng Trung ương, trung tâm quốc gia về đào tạo cán bộ lãnh đạo quản lý trung cao cấp, cán bộ lý luận của Đảng và toàn bộ hệ thống chính trị của đất nước; trung tâm quốc gia về nghiên cứu khoa học lý luận chính trị - nghiên cứu, bổ sung, phát triển hệ tư tưởng của Đảng và của dân tộc Việt Nam.

 

 

Học viện đã đầu tư nguồn lực lớn cho một trong những trọng tâm hoạt động khoa học là nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin. Trong đó, nổi bật nhất là đã nghiên cứu và xây dựng được hệ thống chương trình, giáo trình các chuyên ngành lý luận Mác - Lênin phục vụ các hệ đào tạo, bồi dưỡng của Học viện và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong giai đoạn 2005-2009, đã xây dựng được chương trình hệ cao cấp lý luận chính trị với sự thay đổi khá căn bản. Trong đó, các môn Triết học, Chủ  nghĩa xã hội khoa học, Kinh tế chính trị, được tổ chức lại thành Khối kiến thức lý luận về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó trình bày những nội dung cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin theo các chuyên đề.

Từ năm 2010, thực hiện Đề án 1677 “Tiếp tục đổi mới nội dung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ lý luận chính trị, hành chính ở Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh”, Học viện đã xây dựng xong 63 chương trình cùng hàng chục bộ giáo trình cho các hệ đào tạo, bồi dưỡng của Học viện.

Đối với ba chuyên ngành thể hiện ba bộ phận cơ bản hợp thành của chủ nghĩa Mác - Lênin (Triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học và Kinh tế chính trị), có đầy đủ chương trình cho các hệ đào tạo: Cao cấp lý luận chính trị, cao học và nghiên cứu sinh.

 Song song với việc nghiên cứu xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng, Học viện triển khai nhiều đề tài nghiên cứu trực tiếp về các vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, như: “Hệ thống hóa tư tưởng của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin về phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu khoa học qua một số tác phẩm kinh điển - thành tập trích kinh điển”, “Phân loại các chủ đề lớn được đề cập trong C.Mác-Ph.Ăngghen Toàn tập”, “Nghiên cứu, giới thiệu một số tác phẩm tiêu biểu của C.Mác, Ph.Ăngghen về chính trị”, “Nhận thức lại các chân giá trị kinh điển Mác - Lênin”, “Chủ nghĩa Mác - Lênin với vận mệnh và tương lai của chủ nghĩa xã hội hiện thực”, “Học thuyết phản ánh của V.I.Lênin trước những vấn đề mới trong đời sống tinh thần ở Việt Nam hiện nay”, “Lý luận của C.Mác về phân chia lợi nhuận giữa các loại tư bản trong điều kiện của thế giới hiện nay”, “Vấn đề phép biện chứng trong một số tác phẩm chủ yếu của Mác-Ăngghen và Lênin”,v.v..

Một hướng nghiên cứu quan trọng mà Học viện tiến hành là nghiên cứu mô hình, bước đi, cách thức xây dựng CNXH ở Việt Nam theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, với các đề tài tiêu biểu như: Chương trình khoa học cấp bộ trọng điểm “Xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam những thập niên đầu thế kỷ XXI”, đề tài cấp nhà nước “Nhận thức về chủ nghĩa xã hội và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Hiện nay, Học viện đang tập trung thực hiện đề án cấp bộ trọng điểm “Nghiên cứu, tổng kết làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận về công cuộc đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” (GS, TS Tạ Ngọc Tấn làm chủ nhiệm, 2013 - 2015).

Nhiều đề tài cấp bộ của Học viện tập trung nghiên cứu sự vận dụng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin vào giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra ở Việt Nam, như: “Vận dụng mối quan hệ giữa giá trị thực dụng và giá trị thẩm mỹ vào việc định hướng phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam hiện nay”, “Triết học Mác - Lênin với việc xác định con đường và động lực đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay”, “Vận dụng học thuyết hình thái kinh tế - xã hội vào sự phân kỳ của xã hội Việt Nam. Ý nghĩa đối với việc đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam”; Đề tài KX.04.01/11-15 “Vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ở Việt Nam hiện nay” đang được triển khai, v.v..

Một số đề tài cấp bộ nghiên cứu những nhận thức mới về chủ nghĩa Mác - Lênin và sự vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin của các Đảng Cộng sản và phong trào cánh tả trên thế giới, như “Phong trào cánh tả ở Mỹ - Latinh và tác động của nó đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế những năm đầu thế kỷ XXI”, “Phong trào cộng sản quốc tế hiện nay và triển vọng”,... Tất cả các đề tài khác, dù trực tiếp hay không trực tiếp nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, nhưng trong quá trình triển khai nghiên cứu đều sử dụng phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và vận dụng quan điểm của các nhà kinh điển mácxít về các vấn đề nghiên cứu.

Học viên đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học về thân thế, sự nghiệp, những cống hiến to lớn của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác, về những tác phẩm kinh điển, sự phát triển của chủ nghĩa Mác - Lênin trong bối cảnh mới, những vấn đề thực tiễn trên thế giới và trong nước đang đặt ra đòi hỏi phải nhận thức lại và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin. 

Hoạt động nghiên cứu về chủ nghĩa Mác - Lênin của Học viện đã đạt được những thành tựu quan trọng: (i) Đã luận giải, làm sáng tỏ và nhận thức sâu sắc hơn về chủ nghĩa Mác - Lênin, khẳng định những giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin đối với sự phát triển của lịch sử nhân loại nói chung và của cách mạng Việt Nam nói riêng. Đồng thời, chỉ ra những luận điểm cụ thể chưa phù hợp hoặc lịch sử đã vượt qua. (ii) Thông qua nghiên cứu khoa học, bằng những lập luận, luận cứ khoa học xác đáng, đã bác bỏ những quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc, bóp méo chủ nghĩa Mác - Lênin; bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch. (iii) Với việc nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin gắn với các vấn đề thực tiễn của đất nước, đã góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề về con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. (iv) Thông nghiên cứu các trào lưu tư tưởng, các lý thuyết mới, những vấn đề thực tiễn trong nước và thế giới, đã góp phần bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện mới.

Cùng với việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, thông qua các hệ đào tạo, bồi dưỡng, Học viện đã thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, thật sự là công cụ tư tưởng và công cụ tổ chức sắc bén của Đảng.

Nhận thức rõ chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng và giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin phụ thuộc vào người thầy, Học viện luôn chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên của Học viện. Từ năm 2007, Học viện đã tổ chức hàng chục lớp bồi dưỡng kiến thức kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho giảng viên Học viện và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là khóa học đặc biệt (riêng có ở Học viện) học tập trung,  trong 4,5 tháng, dành cho giảng viên có trình độ từ thạc sĩ trở lên. Khóa học tập trung vào nghiên cứu các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin và của chủ tịch Hồ Chí Minh. Thông qua khóa học, giảng viên được nâng cao trình độ kiến thức về nội dung cốt lõi trong các tác phẩm kinh điển, từ đó vận dụng vào các bài giảng, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin.

Cùng với việc giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin thông qua các hệ đào tạo, bồi dưỡng, Học viện tiến hành nhiều hoạt động truyền bá các giá trị tư tưởng, lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin cho cán bộ, đảng viên, nhân dân cả nước và cả bè bạn ở nước ngoài, qua nhiều kênh, nhiều cách thức.

Qua nghiên cứu, đội ngũ cán bộ khoa học đã có nhiều công trình được xã hội hóa thành các sách chuyên khảo, tham khảo phát hành rộng rãi; đăng tải hàng nghìn bài báo khoa học mỗi năm, trong đó có nhiều bài trực tiếp luận giải về các vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin cũng như vận dụng vào giải quyết những vấn đề thực tiễn của đất nước. Các giáo trình của Học viện luôn là tài liệu được các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, các viện nghiên cứu trong cả nước sử dụng trực tiếp hoặc tham khảo để biên soạn giáo trình giáo khoa.

Đội ngũ cán bộ giảng dạy của Học viện ngoài việc thực hiện nhiệm vụ của Học viện, còn tham gia giảng dạy ở các cơ sở giáo dục, đào tạo khác. Qua đó, đã truyền bá những quan điểm khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin cho các đối tượng sinh viên, học viên.

Để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo, bồi dưỡng, trong thời gian qua, Học viện đã tiến hành tập hợp, chọn lọc, biên dịch và biên soạn nhiều công trình khoa học về chủ nghĩa Mác - Lênin của các nhà nghiên cứu trên thế giới. Học viện đã biên soạn và xuất bản sách Những tranh luận của các học giả Nga về chủ nghĩa xã hộivà Tại sao Mác đúng?được các cán bộ lão thành, cán bộ lãnh đạo quản lý và đông đảo các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu và đánh giá cao.

Học viện có hệ thống cơ quan ngôn luận khoa học khá phong phú, gồm 9 tạp chí và hàng chục bản tin khoa học và trang thông tin điện tử. Các tạp chí, bản tin luôn thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích phổ biến, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Riêng Tạp chí Lý luận chính trị - cơ quan nghiên cứu và ngôn luận khoa học của Học viện, dành chuyên mục “Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và thời đại”, nay là “Nghiên cứu, phát triển lý luận” để đăng tải nhiều bài viết chuyên sâu về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự vận dụng trong thực tiễn.

Học viện thực hiện truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin không chỉ ở trong nước mà còn cho một số đảng bạn, nước bạn. Thực hiện nhiệm vụ quốc tế, trong thời gian qua, Học viện đã tổ chức nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, đào tạo nhiều nghiên cứu sinh, học viên cao học, cử nhân chính trị, cao cấp lý luận chính trị và học viên các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho Đảng và Nhà nước Lào.

Thực hiện nhiệm vụ của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Học viện được giao nhiệm vụ phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và các cơ quan khác tổ chức các lớp nghiên cứu, trao đổi chuyên đề lý luận với cán bộ cấp cao của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, từ năm 2011 đến nay đã tổ chức được 7 lớp. Đào tạo cho Đảng Prelimô, Cộng hòa Môzămbích 1 lớp với 19 cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp Trung ương và cấp tỉnh, thành. Nội dung chương trình các khóa đào tạo, bồi dưỡng đều chú trọng trình bày những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, những kinh nghiệm của Việt Nam trong việc vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của đất nước.

Học viện phối hợp nghiên cứu, cử chuyên gia đi đào tạo, trao đổi đoàn,... Trong giai đoạn 2009-2014, Học viện đã phối hợp với Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Lào tổ chức nghiên cứu 3 đề tài khoa học: “Xây dựng Đảng cầm quyền trong quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam và Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào” (2-2011); Xây dựng Nhà nước pháp quyền trong quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam và Lào” (2011 - 2012); “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cho hệ thống chính trị ở Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến 2030” (2014 - 2015). Hằng năm, Học viện cử một số chuyên gia sang Lào giảng dạy về lý luận Mác - Lênin. Học viện đã phối hợp với Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Lào biên dịch bộ tuyển tập các tác phẩm của C.Mác, Ph.Ănghen, V.I.Lênin và Hồ Chí Minh sang tiếng Lào. Bộ sách đã được xuất bản và bàn giao cho bạn Lào năm 2014.

Học viện cử nhiều cán bộ khoa học tham gia, phát biểu trao đổi tại các hội thảo khoa học quốc tế, các diễn đàn của các Đảng Cộng sản và các lực lượng cánh tả trên thế giới về các vấn đề liên quan đến lý luận Mác - Lênin.

Nhiệm vụ nghiên cứu, giáo dục và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin đã được Học viện chú trọng và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần không nhỏ vào bảo vệ, củng cố và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng, đóng góp to lớn vào công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng XHCN. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, cũng còn những hạn chế nhất định:

Mặc dù có khá nhiều đề tài nghiên cứu về chủ nghĩa Mác - Lênin đã được thực hiện, nhưng cho đến nay vẫn còn nhiều vấn đề còn có nhận thức khác nhau, đặc biệt là trong việc đánh giá, nhìn nhận các luận điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin trong bối cảnh mới của thời đại ngày nay. Một số công trình khoa học vẫn có lối tư duy cũ, máy móc, giáo điều trong phân tích các nội dung cũng như trong nghiên cứu vận dụng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn. Chưa có công trình khoa học mang tính tầm cỡ, tạo được sự đột phá về mặt phát triển lý luận Mác - Lênin, gây được tiếng vang lớn.

Trong công tác truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, do nhiều nguyên nhân, việc xã hội hóa các sản phẩm khoa học vẫn còn hạn chế. Tỷ lệ công trình khoa học sau khi nghiệm thu được xuất bản còn thấp; số lượng các công trình về chủ nghĩa Mác - Lênin được xã hội hóa chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của đội ngũ cán bộ Học viện. Việc tổ chức lựa chọn, biên dịch các ấn phẩm khoa học về lý luận chính trị có giá trị trên thế giới còn ít; chưa tạo được các diễn đàn trao đổi học thuật về lý luận chính trị nói chung, về lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin nói riêng.

Trong bối cảnh biến động đầy phức tạp của tình hình thế giới và trước yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới đất nước đối với lĩnh vực lý luận chính trị, việc tiếp tục đổi mới công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, chú trọng các nội dung sau:

Gắn kết chặt chẽ, tạo sự thống nhất giữa nhiệm vụ nghiên cứu, giáo dục và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin. Xác định cả ba nhiệm vụ trong mối quan hệ hữu cơ, nghiên cứu là tiền đề, điều kiện để giáo dục, truyền bá và qua quá trình giáo dục, truyền bá phát hiện những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu.

Đẩy mạnh cả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, với tư duy đổi mới, phương pháp nghiên cứu hiện đại.

Nghiên cứu cơ bản đi vào nghiên cứu các quan điểm, luận điểm của các nhà kinh điển Mác - Lênin dưới các góc nhìn mới, cách tiếp cận mới và nghiên cứu trong sự so sánh, tham chiếu với sự phát triển của khoa học hiện đại để làm sáng tỏ và khẳng định những giá trị đích thực của chủ nghĩa Mác - Lênin cũng như những luận điểm đến nay không phù hợp. Đồng thời, nghiên cứu, đánh giá về sự phát triển của lý luận mácxít trong các nước theo con đường XHCN, trong lý luận của các đảng cộng sản và phong trào cánh tả trên thế giới. Nghiên cứu các quan điểm của các nhà khoa học mác xít và ngoài mác xít về lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin cũng như về các vấn đề lý luận và thực tiễn mà chủ nghĩa Mác đề cập tới. Bên cạnh đó, nghiên cứu để chống lại các quan điểm thù địch xuyên tạc, bôi nhọ đối với chủ nghĩa Mác - Lênin.

Đối với nghiên cứu ứng dụng, trước hết cần nghiên cứu sâu về tư tưởng Hồ Chí Minh để làm sáng rõ phương thức vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể nước ta. Cần gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn, sử dụng phương pháp luận biện chứng duy vật đồng thời sử dụng các phương pháp nghiên cứu hiện đại để các công trình nghiên cứu có chất lượng, thiết thực phục vụ công cuộc đổi mới đất nước.

Với nhiệm vụ giáo dục lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, cần có sự đổi mới tất cả các khâu từ nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, đội ngũ giảng viên đến cách thức tổ chức, quản lý và điều kiện cơ sở vật chất để mang lại chất lượng và hiệu quả cao nhất.

Với nhiệm vụ truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, cần phát huy sức mạnh tổng hợp, đa dạng hóa các phương thức, hình thức tuyên truyền. Chú trọng việc lựa chọn, biên dịch và xuất bản các công trình khoa học về chủ nghĩa Mác - Lênin. Biên soạn các tài liệu nghiên cứu và học tập theo chủ đề, gắn với các vấn đề thực tiễn và phổ biến rộng rãi. Đẩy mạnh việc xã hội hóa các kết quả nghiên cứu khoa học thông qua xuất bản sách và đăng tải trên các tạp chí khoa học và các phương tiện thông tin đại chúng. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, các trang thiết bị hiện đại, như xây dựng các trang mạng điện tử, xây dựng các phòng hội thảo, phòng học trực tuyến,v.v.. để mở rộng đối tượng được truyền bá và nâng cao chất lượng tuyên truyền, phổ biến chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2014

 

TS Lê Văn Lợi

Vụ trưởng Vụ quản lý khoa học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minha

Thông tin tuyên truyền