Trang chủ    Diễn đàn    Hoạt động ngân hàng trong bối cảnh CPTPP
Thứ hai, 17 Tháng 9 2018 17:29
1738 Lượt xem

Hoạt động ngân hàng trong bối cảnh CPTPP

(LLCT) - Ngày 8-3-2018 tại Santiago, Chile, 11 nước thành viên (trừ Mỹ) của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã ký kết Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership - CPTPP). Với 20 điều khoản tạm hoãn so với TPP (chủ yếu ở nhóm nghĩa vụ được tạm hoãn thực thi do Mỹ đàm phán) và chỉ được kích hoạt lại về sau với sự đồng ý của 11 nước, có thể thấy CPTPP kế thừa gần như toàn bộ nội dung của TPP.

 

Cũng như trong TPP, các cam kết thuộc lĩnh vực dịch vụ tài chính của CPTPP hướng tới đẩy mạnh sự phát triển của thị trường dịch vụ tài chính ở các nước thành viên, trong đó có Việt Nam gồm: (i) Mở rộng cam kết về mở cửa thị trường đi kèm với cơ chế minh bạch hóa,tạo cơ hội tiếp cận thị trường tốt hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài; (ii) Áp dụng cơ chế bảo hộ đầu tư nhằm bảo đảm đầy đủ lợi ích của các nhà đầu tư; (iii) Bảođảmkhông gian chính sách để thực hiện các biện pháp quản lý thận trọng nhằm xây dựng một nền tài chính vĩ mô ổn định… So với cam kết WTO, Việt Nam cam kết mở cửa bổ sung đối với một số loại hình dịch vụ mới như: mở cửa dịch vụ nhượng tái bảo hiểm qua biên giới; dành đối xử quốc gia cho các nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán nước ngoài đối với một số dịch vụ như xử lý dữ liệu tài chính qua biên giới; dịch vụ tư vấn và các dịch vụ phụ trợ qua biên giới liên quan tới giao dịch tài khoản tự doanh hoặc tài khoản của khách hàng; mở cửa dịch vụ quản lý danh mục đầu tư qua biên giới.

Tự do hóa tài chính trong khuôn khổ CPTPP rất cao. Theo đó, một nhà cung cấp dịch vụ của một nước thuộc CPTPP có thể cung cấp một dịch vụ tài chính mới tại thị trường của nước thuộc CPTPP khác nếu các công ty trong nước hoạt động tại thị trường này được phép cung cấp dịch vụ đó. Các nước thành viên của CPTPP phải ban hành quy định trường hợp ngoại lệ đối với một số quy tắc trong hai phụ lục đính kèm CPTPP phù hợp với điều kiện của từng nước: (1) các biện pháp hiện hành quy định Bên tham gia phải có nghĩa vụ không áp đặt thêm bất kỳ biện pháp chế tài nào khác trong tương lai cũng như tuân thủ thỏa thuận tự do hóa trong các hoạt động sau này; (2) các biện pháp và chính sách quy định Bên tham gia có đầy đủ quyền tự quyết trong tương lai. Các nước CPTPP được quyền chủ động thực hiện các biện pháp củng cố tính ổn định tài chính và tính thống nhất của hệ thống tài chính của mình, bao gồm những quy định ngoại lệ mà các quốc gia thành viên xem xét một cách thận trọng và những quy định ngoại lệ về các biện pháp không phân biệt đối xử trong quá trình thiết lập và thực thi các chính sách tiền tệ hay các chính sách khác. Việt Nam cũng như các nước được áp dụng các ngoại lệ cần thiết, gồm các biện pháp thận trọng bảo vệ an ninh quốc gia, quyền lợi và thông tin cá nhân; chính sách về tỷ giá, tiền tệ nhằm bảo đảm môi trường đầu tư ổn định, an toàn.Tuy nhiên, các nước thành viên phải tuân thủ nguyên tắc “chỉ tiến không lùi” trong việc điều hành chính sách đối với các ngành dịch vụ, theo đó nếu Việt Nam điều chỉnh, sửa đổi quy định pháp luật trong nước theo hướng tự do hóa hơn, thông thoáng hơn so với mức cam kết ban đầu thì sẽ tự động trở thành nghĩa vụ ràng buộc, không được ban hành chính sách quay trở lại mức cam kết ban đầu.

Thực thi CPTPP, trong đó có các cam kếtvề dịch vụ tài chính nêu trên sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về cạnh tranh tại Việt Nam, từ đó thu hút, thúc đẩy các ngân hàngcạnh tranh bình đẳng, minh bạch và không phân biệt đối xử. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng được đảm bảo khi tham gia cạnh tranh với các doanh nghiệp khác trên thị trường các thành viên khác; giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hình thành và thấm nhuần văn hóa cạnh tranh, nâng cao nhận thức về cạnh tranh lành mạnh và có ý thức tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; tạo điều kiện nâng cao trình độ và năng lực của cơ quan thực thi pháp luật cạnh tranh của Việt Nam thông qua các cơ chế về hợp tác, trao đổi thông tin, tham vấn về những vấn đề liên quan đến cạnh tranh giữa các nước thành viên trong quá trình thực thi cam kết. 

Tuy nhiên, thực thi CPTPP cũng đặt ra thách thức đối mặt với nhiều vụ việc cạnh tranh có tính chất phức tạp, hành vi phản cạnh tranh đa dạng và tinh vi trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng trong thời gian tới.Đồng thời, thách thức cũng đến từ những hạn chế của Việt Nam, như: thị trường vốn có quy mô còn quá nhỏ, thanh khoản yếu, thiếu hấp dẫn, chưa đủ khả năng thu hút mạnh các dòng vốn đầu tư nước ngoài, nhất là các dòng vốn lớn;quy mô vốn của thị trường tiền tệ còn chưa tương xứng, nhất là quy mô vốn của hệ thống ngân hàng thương mạicòn nhỏ;tình trạng mất cân đối giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ dễ dẫn đến nguy cơ mất thanh khoản của ngân hàng; quy mô của thị trường bảo hiểm còn ở mức khá nhỏ, tỷ lệ doanh thu phí trên GDP mới chỉ đạt mức xấp xỉ 2% so với mức trung bình 3,2% trong khu vực ASEAN và 6,5% trên thế giới; nợ xấu và xử lý nợ xấu còn nhiều bất cập; lòng tin vào quản trị và chất lượng dịch vụ hệ thống ngân hàng thương mại còn thấp; mất cân đối về cấu trúc giữa thị trường cổ phiếu và trái phiếu;mất cân đối giữa hoạt động tín dụng và các dịch vụ ngân hàng phi tín dụng; mất cân đối giữa thị trường vốn ngắn hạn và dài hạn; bất hợp lý về cơ cấu giữa tài chính nhà nước, tài chính doanh nghiệp và tài chính dân cư; trình độ thị trường còn ở mức thấp, ý thức tuân thủ luật pháp còn hạn chế, chế tài xử lý vi phạm chưa có tính răn đe cao.

Đặc biệt, việc cho phép các hoạt động của các tổ chức tái bảo hiểm tiền gửi nước ngoài tại Việt Nam theo tinh thần của Hiệp định CPTPPsẽ mang lại nhiều cơ hội và thách thức mới cho vấn đề bảo hiểm tiền gửi của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Một mặt, sự mở cửa cho các tổ chức tái bảo hiểm ngoại này sẽ làm tăng cơ hội lựa chọn người cung ứng dịch vụ bảo hiểm tiền gửi có chất lượng cho các ngân hàng thương mại và người dân gửi tiền; tăng khả năng bảo vệ quyền lợi và sự ổn định chung, chống sốc đổ vỡ hệ thống, duy trì lòng tin trên thị trường. Mặt khác, gia tăng sự cạnh tranh giữa các công ty bảo hiểm tiền gửi, cũng như các ngân hàng thương mại. Sự hiện diện của các tổ chức bảo hiểm tiền gửi ngoại sẽ tạo áp lực cạnh tranh trực tiếp về thị phần với công ty bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Đồng thời, đối với các ngân hàng thương mại, sự cạnh tranh giữ chân người gửi tiền bằng cách nâng mức chi trả bảo hiểm và lòng tin vào khả năng bảo vệ người gửi tiền cũng gia tăng.

Hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửicủa Việt Namso với thế giới đang thấp nhất về số tiền tuyệt đối và hầu hết các tiêu chí khác. Theo số liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), nếuquy ra USD, Thái Lan đang có mức chi trả cho người gửi tiền hơn 709.220 USD, Indonesia 153.257 USD, Malaysia 59.666 USD, Singapore 35.971 USD, Philippines 10.346 USDvà Mỹ là 250.000 USD;riêng Anh, Đức và Nhật thực hiện bảo hiểm đủ 100% tiền gửi dù bất cứ ngân hàng nào của người gửi tiền bị phá sản; còn Việt Nam chỉ khoảng3.300 USD.

Để có thể phát huy những lợi thế cũng như khắc phục những hạn chế, khó khăn của hoạt động ngân hàng trong bối cảnh Việt Nam gia nhập CPTPP, trong thời gian tới, cần thực hiện một số biện pháp sau:

Thứ nhất, đa dạng hóa và nâng cao mức chi trả bảo hiểm tiền gửi

Trước mắt, cần nghiên cứu điều chỉnh quy định của Luật Tổ chức tín dụng hiện hành, theo đó, thay vì khách hàng sẽ được Bảo hiểm tiền gửi trả 75 triệu đồng/người/tổ chức tín dụng nếu ngân hàng nơi gửi tiền phá sản, cần đưa ra các mứcchi trả vượt mức cho từng khách hàng, tùy từng thời điểm và điều kiệngửi tiền, cũng như phí mua bảo hiểm tiền gửi. Hạn mức chi trả vượt mức được tính toán, quyết định trong thời kỳ, không phải là chi trả toàn bộ trong mọi trường hợp

Ngoài ra, cần xem xét kịch bản Chính phủ quyết định mức cho vay đặc biệt, lãi suất cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. Qua đó, có căn cứ chi trả số tiền gửi của cá nhân còn lại sau khi đã được tổ chức Bảo hiểm tiền gửi chi trả theo quy định và cơ chế xử lý từ ngân sách nhà nước đối với số tiền cho vay đặc biệt không thu hồi được.Điềunàylà rất cần thiếtđể tạo lập cơ sở pháp lý cho việc áp dụng biện pháp khi cần thiếtvà tùy thuộc vào tình hình ngân sách theo từng thời kỳ và theo mức độ tác động của từng trường hợp phá sản cụ thể.

Thứ hai, tăng cường xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, cải thiện năng lực, sự lành mạnh và lòng tin vào hoạt động của các ngân hàng

Ngân hàng Nhà nướccần chỉ đạo toàn ngành tập trung triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng; Chỉ thị 32/CT-TTg và Chỉ thị 06/CT-NHNN về thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14. Theo đó, thành lập và duy trì hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng và Ban chỉ đạo cơ cấu lại các quỹ tín dụng nhân dân gắn với xử lý nợ xấu tại Ngân hàng Nhà nướcchi nhánh tại các địa phương; tiếp tục hoàn thiện các quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC, về thẩm định giá khởi điểm và xác định giá thị trường của khoản nợ xấuvàtài sản đảm bảo; phối hợp các Bộ Tài chính, Bộ Công an và Bộ Tư pháp ban hành văn bản thực hiện quyền và cơ chế hiệu lực thực tế để thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, quy trình thực hiện bán đấu tài sản tổ chức tín dụng đã thu giữ; cũng như thủ tục rút gọn trong quy trình tố tụng để giải quyết tranh chấp theo Nghị quyết số 42/2017/QH14của Quốc hội khóa 14.

Đồng thời, cùng với yêu cầu nâng cao chuẩn mực trong quản trị rủi rovà tỷ lệ an toàn vốn trong hoạt độngngân hàngtheo tiêu chuẩn Basel II, Ngân hàng Nhà nướccần tăng cườngthanh tra, giám sát phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật(nhất là về tỷ lệ sở hữu, quy mô vốn và cơ cấu tín dụng); tiếp tục xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, đặc biệt là 3 ngân hàng thương mại mua lại và các Quỹ tín dụng nhân dân yếu kém; xúc tiến cơ cấu lại các ngân hàng thương mạinhà nước nhằm duy trì vai trò là lực lượng chủ lực, chủ đạo về quy mô, thị phần, khả năng điều tiết thị trường, bảo đảm giữ ổn định chung hoạt động lành mạnh của toànhệ thống tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cần chủ động tăng cường năng lực, xây dựng đội ngũ quản lý đáp ứng yêu cầu cả về chuyên môn và đạo đức nghề nghiệpcao, nhằm phòng ngừa, hạn chế và kiểm soát nợ xấu phát sinh trong hoạt động ngân hàng, đặc biệt trong cho vay không đúng quy định và cho vayđầu tư, kinh doanh các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro,như kinh doanh bất động sản, dự án BT, BOT, cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp; chú trọng nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng và tăng cường năng lực tài chính, mở rộng quy mô, mạng lưới, phát triển các dịch vụ thanh toán, dịch vụ phi tín dụng khác...

Thứ ba, tăng cường thông tin và bảo đảm an ninh thông tin trên thị trường tài chính tiền tệ.

Cần thực hiện cung cấp định kỳ, công khai,đầy đủ và cập nhật hệ thống các thông tin chính thức về tài chính-tiền tệ theo quy định nhà nước. Bản thân ngân hàng và các tổ chức tài chính-tiền tệ cũng cần coi trọng công tác truyền thông, chủ động cung cấp thông tin tài chínhminh bạch và công khai tới khách hàng. Các ngân hàng cũng cần nâng cấp trung tâm dữ liệu dự phòng, cải thiện hệ thống bảo mật thông tin và an ninh mạng tài chính, đối phó hiệu quả với các loại tội phạm công nghệ cao và giữ vững quyền kiểm soát hệ thống của các ngân hàng quốc gia; phát triển và nâng cao sức cạnh tranh của các dịch vụ ngân hàng ngày càng đa dạng, tiện ích cao, chất lượng, củng cố thương hiệu và uy tín.

TS Nguyễn Minh Phong

Báo Nhân dân

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền