Trang chủ    Diễn đàn    WEF ASEAN 2018: Việt Nam cần làm gì để nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức?
Thứ tư, 24 Tháng 10 2018 12:03
3269 Lượt xem

WEF ASEAN 2018: Việt Nam cần làm gì để nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức?

(LLCTHội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018) diễn ra tại Hà Nội từ ngày 11 đến ngày 13-9-2018, với chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” đã thành công tốt đẹp,nhiều đề xuất được đưa ra nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển bền vững trong khu vực và thế giới. Vấn đề đặt ra hiện nay là Việt Nam cần làm gì và bằng cách nào để nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức do Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại?

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và các đại biểu tại Phiên thảo luận: "Tương lai việc làm ở ASEAN trong Cách mạng công nghiệp 4.0". Ảnh: Nguyễn Khang - TTXVN

1. Cơ hội thách thức từ Cách mạng công nghiệp 4.0

CMCN 4.0 mở ra cơ hội cho Việt Nam đột phá về năng suất lao động, nhất là các ngành công nghiệp lớn như điện tử, hóa chất, dầu khí, hàng tiêu dùng, thực phẩm và dược phẩm, công nghiệp giải trí. Với sự xuất hiện của robot cao cấp có trí tuệ thông minh, có khả năng ghi nhớ, học hỏi,sẽ tạo cơ hội cho con người làm việc và hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn. Sự tiến bộ của công nghệ cho phép sử dụng tiết kiệm tài nguyênthiên nhiên, hiệu suất lao động cao hơn,nền kinh tế trở nên nhẹ nhàng, tiên tiến hơn, người thu nhập thấp có khả năng tiếp cận sản phẩm, dịch vụtốt hơn.

Thế giới số, siêu kết nối thông minh tạo ra cơ hội cho người dân có thể khởi nghiệp, sáng tạo, tiếp cận các nguồn lực, thông tin mới, tri thức mới và thị trường mới. Môi trường siêu kết nối cũng tạo nên cuộc cách mạng về giao dịch,thanh toán, logistic, đồng thời mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như khu vực.

CMCN 4.0 sẽ thay đổi mô hình kinh doanh, kinh tế - xã hội một cách cơ bản và mang tính đột phá, tạo nên môi trường kinh doanh thuận lợi, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh, hướng tới tăng trưởng bền vững. Đồng thời cho phép phát huy các doanh nghiệp nhỏ và vừa,vốn là xương sống của nền kinh tế và là nơi khởi nguồn của nhiều ý tưởng mới,kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa với các thị trường xuyên quốc gia và toàn cầu, tạo ra hệ sinh thái sáng tạo và hệ sinh thái doanh nhân.

Một cơ hội quý giá được tạo ra từ CMCN 4.0 - đó là đi tắt, đón đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóađất nước. Việt Namcó thể vượt qua các giai đoạn phát triển công nghiệp truyền thống, tuần tự bằng phát triển trí tuệ nhân tạo, robot tự động, thiết bịkhông người lái, vệ tinh, hệ thống cảm biến… nâng cao năng suất, sử dụng hiệu quả nguồn lực và tài nguyên.Các chuyên gia cho rằng, lúc này khi CMCN 4.0 mới bắt đầu nên các quốc giagần như “bình đẳng” về cơ hội. Một nước đang phát triển như Việt Nam có thể đi thẳng vào nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới do các công nghệ này không phụ thuộc vào công nghệ cũ, từ đó có thể rút ngắn khoảng cách phát triển.

Tuy nhiên, CMCN 4.0 cũng đặt ra cho Việt Nam những thách thức cần phải vượt qua. Trước hết là thách thức về việclàm khi áp dụng tự động hóa. Tình trạng dư thừa lao động kỹ năng thấp sẽ xuất hiện ở một số ngành nghề, như ngành nông nghiệp, ngành dệt may, giày dép... vì sử dụng nhiều lao động ở mức độ đào tạo đơn giản. Thậm chí cả với những nhân công có tay nghề, chất lượng cao cũng sẽ bị ảnh hưởng. Tổ chức Lao động quốc tế cho biết, 86% lao động trong ngành công nghiệp dệt may và giày dép ở Việt Nam đối mặt với nguy cơ thất nghiệp cao từ sự bùng nổ nhanh chóng của ứng dụng công nghệ(1). Nhưng theo các chuyên gia, CMCN4.0 cũng sẽ tạo ra những việc làm mớitrong dài hạn, tùy theo chuyển đổi mô hình, lĩnh vực kinh doanh, phương thức đào tạo, khả năng thích ứng với điều kiện mới của người lao động và quá trình đào tạo lại của các doanh nghiệp sử dụng nhân công.

Việt Nam đang đối mặt với nhữngthách thức về nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nhân lực ngành công nghệ thông tin (CNTT).Do hệ thống giáo dục cao đẳng và đại học hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn;thiếu sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp. Hệ quả là thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, trong khi tình trạng thất nghiệp của sinh viên sau khi tốt nghiệp vẫn còn lớn (gần 50%).

Tính đến cuối năm 2017, chỉ có 21,5% lao động cả nước đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, trong đó khu vực nông thôn rất thấp, chỉ khoảng 13%(2). Cơ cấu lao động theo trình độ đào tạo còn bất hợp lý, thiếu hụt nhân lực là kỹ sư thực hành, công nhân kỹ thuật bậc cao. Kết nối cung cầu trên thị trường lao động còn nhiều bất cập. Chỉ tính riêng ngành CNTT, còn thiếu hàng chục nghìn kỹ sư phần mềm trong khi số lượng các trường đại học có thể đào tạo ra kỹ sư phần mềm tại Việt Nam rất ít, chỉ có trên dưới 10 trường.

CMCN 4.0 cũng đặt ra thách thức về thị trường và khả năng thích ứng của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã chiếm lĩnh được thị trường, có mặt trong rất nhiều ngành nghề của nền kinh tế, thậm chí bị doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm hoàn toàn như Metro hay Big C.Các chuyên gia cho rằng, nếu không nắm bắt được xu thế kinh doanh trong thời đại 4.0, doanh nghiệp Việt có khả năng thua cuộc trên chính “sân nhà” hay lùi dần xuống những bậc thấp hơn, ít lợi nhuận hơn của các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hiện nay, mặc dù CMCN 4.0 đã bắt đầu, nhưng nhận thức và chuẩn bị của nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn có những hạn chế. Theo kết quả khảo sát của VCCI cho thấy, chỉ có1/2 doanh nghiệpnhận thức rằng CMCN 4.0 đã, đang và sẽ tác động đến doanh nghiệp; khoảng 30% doanh nghiệp không biết đến CMCN 4.0 là gì. Đặc biệt, chỉ có 6,6% doanh nghiệpcho rằng đủ nguồn lực để thay đổi hoàn toàn từ hệ thống công nghệ cũ sang hệ thống công nghệ mới; 34,6% doanh nghiệpsẽ thay đổi từng bước do không đủ nguồn lực; 27,5% doanh nghiệpđang trong quá trình chuẩn bị nguồn vốn và nguồn nhân lực và có tới 31,1% doanh nghiệpvẫn chưa làm gì để theo kịp CMCN 4.0(3).

Ngoài ra, Việt Nam còn đối mặt với thách thứcvề gia tăng khoảng cách về thu nhập, các vấn đề xã hội nảy sinh, vấn đề biên giới mềm, quyền lực mềm, vấn đề an ninh mạng và an ninh phi truyền thống, tội phạm công nghệ cao xuyên quốc gia, từ đó đòi hỏi phải có sự ứng phó chủ động và kiểm soát tốt để bảo đảm chủ quyền và an ninh mạng cho người dân và đất nước.

2. Giải pháp tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức

Một là, xây dựng Chiến lược phát triển tổng thể quốc gia, Chương trình trọng điểm quốc gia về CMCN 4.0.Thiết lập cơ chế, chính sách tiếp cận CMCN 4.0, đổimớiphương thức quản lý theo hướng chính phủ kiến tạo, chính phủ hành động, tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện ý tưởng mới, tính sáng tạo của doanh nghiệpvà người dân.

Để tiếp cận có hiệu quả CMCN 4.0,cần nghiên cứu đánh giá chính xác tác động của nó đến từng ngành, lĩnh vực, sản phẩm, làm căn cứ xây dựng chiến lược phát triển tổng thể quốc gia với mục tiêu hợp lý, hiệu quả và ít lãng phí nguồn lực. Lựa chọn những phân ngành, phân khúc thật sự có tiềm lực và thế mạnh để đầu tư có trọng điểm.

Coi trọng công nghệ tạo ra giá trị gia tăng lớn, hoạt động sản xuất, kinh doanh tiết kiệm hơn, nhanh hơn, thông minh hơn, chất lượng cao hơn, bảo vệ môi trường và an toàn hơnnhư CNTT, điện tử, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, cơ khí chế tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học…

Hai là, tạo sự bứt phá về hạ tầng, ứng dụng và nhân lực CNTT; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, kết nối số, xây dựng, phát triển chính phủ điện tử, thành phố thông minh.

Ưu tiên phát triển CNTT trong nước, phát triển nhiều dự án đầu tư, cả về sản xuất phần cứng, phần mềm cũng như các dự án đầu tư, ứng dụng mạnh mẽ CNTT trên tất cả mọi lĩnh vực. Phát triển dịch vụ hạ tầng băng rộng cáp quang, 4G nhằm nâng cao cơ sở hạ tầng kết nối cả về chất lượng lẫn tính đa dạng các dịch vụ viễn thông phục vụ cho phát triển CNTT và đảm bảo được tính truy nhập, tính công bằng kết nối hạ tầng cho các nhà đầu tư và thụ hưởng đầu tư. Thực hiện chuẩn hóa hệ thống dữ liệu quốc gia để có thể kết nối và chia sẻ; đồng thời đảm bảo an toàn, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân. Thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng đến năm 2020 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt năm 2016.

Dữ liệu là một trong những nguồn lực đặc biệt quan trọng trong thời đại công nghiệp 4.0. Vì vậy, cần tập hợp tất cả nguồn dữ liệu hiện nay đang nằm rải rác ở các cơ quan nhà nước, ở tất cả các cấp, các cơ quan nghiên cứu…được tập hợp lại thành dữ liệu mở và tài nguyên chung cho tất cả cùng khai thác. Trong đó, các cơ sở dữ liệu quốc gia cần được ưu tiên thực hiện gồm đăng ký doanh nghiệp, dân cư, đất đai, tài chính, dân số, bảo hiểm.

Ba là, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực CNTT;hình thành trung tâm đổi mới sáng tạo và vườn ươm sáng tạo, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp.

Thay đổi phương thức hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, phát triển cả kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm và kỹ năng tự học suốt đời để thích ứng với đòi hỏi của CMCN 4.0. Tăng cường đầu tư, hiện đại hóa các cơ sở đào tạo, đáp ứng cao nhất yêu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, gắn kết giữa đào tạo với doanh nghiệp theo cơ chế hợp tác cùng có lợi để đưa nhanh các tiến bộ khoa học vào sản xuất và kinh doanh, khuyến khích tạo lập hệ thống vườn ươm công nghệ, các quỹ đầu tư mạo hiểm, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Mở rộng quy mô đào tạo, kể cả loại hình đào tạo ngoài công lập. Kết hợp các hình thức đào tạo chuyển giao công nghệ chuyên sâu từ các đối tác nước ngoài đảm bảo chất lượng và hướng tới tiêu chuẩn quốc tế.Đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo nghề theo hướng hiện đại, nhằm tạo ra nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ mới.

Hình thành trung tâm đổi mới sáng tạo và vườn ươm sáng tạo ở cấp quốc gia và các trường đại học, nhất là trường đại học có khối ngành kỹ thuật, đầu tư vào các ý tưởng công nghệ, kết nối cộng đồng công nghệ; tạo môi trường tốt để các chuyên gia, nhà khoa học làm việc. Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia theo hướng xây dựng các cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp để phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.Trước mắt,xây dựng một trung tâm đổi mới sáng tạo, hỗ trợ và ươm mầm cho các Start-upcó sự hỗ trợ của WEF như đề nghị của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với ông Borge Brende, Chủ tịch điều hành Diễn đàn kinh tế thế giới(4).

Bốn là, các doanh nghiệp nâng cao nhận thức và chuẩn bị các nguồn lực cho sự phát triển, nắm bắt được xu thế kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, trình độ công nghệ, chất lượng sản phẩm và hạ thấp chi phí để thích ứng với môi trường mới của CMCN 4.0.

Theo khuyến nghị của các chuyên gia,các doanh nghiệp phải nắm bắt được xu thế kinh doanhthời đại Công nghiệp4.0, có sự đổi mới và tối đa hóa ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh của mình để có thể thích nghi và đứng vững trong bối cảnh mới. Mỗi doanh nghiệp cần chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh theo khả năng và lĩnh vực hoạt động, cải tiến công nghệ theo hướng sử dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh vì mục tiêu phát triển bền vững.

Các doanh nghiệp tích cực nghiên cứu, sáng tạo những mô hình, phương thức kinh doanh mới ứng dụng công nghệ số. Gắn kết doanh nghiệp với cơ sở nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ, các cơ sở đào tạo để đưa nhanh các tiến bộ khoa học vào sản xuất và kinh doanh, tham gia hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo, tạo sân chơi cho các doanh nhân trẻ. Đồng thời, để đón nhận làn sóng CMCN 4.0, các doanh nghiệp cần có những chương trình đào tạo giúpcán bộ,nhân viên của mình tận dụng được những ưu việt mà công nghệ đem lại.

Mặt khác, các doanh nghiệp cần nhận thức về vai trò của kinh doanh thương mại điện tử trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và xu hướng phát triển của nền kinh tế số, hướng tới xây dựng một mô hình kinh doanh thương mại điện tử hiệu quả.

Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế về kết nối số, chia sẻ dữ liệu, nâng cao hiệu quả các hình thức kết nối, hỗ trợ thương mại điện tử, chính phủ điện tử; hình thành mạng lưới giáo dục ASEAN; hợp tác bảo đảm an ninh mạnggiữa các nước trong khu vựcvà thế giới.

Thực hiện sáng kiến của Việt Nam vì một ASEAN thống nhấtđược nêu trong Hội nghị WEF ASEAN 2018 với 3 ý tưởng: về “một ASEAN phẳng”(flat ASEAN), không cần có cước chuyển vùng dữ liệu để tất cả mọi người du lịch dễ dàng; Thiết lập một Đại học Công nghệ Thông tin -Truyền thông (ICT) ASEAN; Thành lập trung tâm chia sẻ thông tin về an ninh mạng trong ASEAN.

Như vậy, CMCN4.0 mang lại cơ hội vô cùng lớn và gần như “bình đẳng” đối với tất cả các quốc gia. Để tận dụng được những cơ hội, vượt qua những thách thức, phát triển thịnh vượng, cần phải có cách tiếp cận đúng đắn, tầm nhìn phù hợp và chính sách tối ưu, trong đó, con người phải là nhân tố trung tâm của CMCN4.0.Nguồn nhân lực thông minh cộng với sự sáng tạo là đầu tàu cho sự phát triển kinh tế trong cuộc CMCN 4.0”(5)

________________________

(1) https://www.24h.com.vn: Việt Nam trước thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngày 6-8-2017

(2)http://baodauthau.vn: Thách thức nâng cao năng suất lao động, ngày 1-5-2018

(3) http://thoibaotaichinhvietnam.vn: Nếu không bắt nhịp với CMCN 4.0, doanh nghiệp Việt sẽ thua trên sân nhà, ngày17-5-2018

(4) https://baomoi.com:Đề nghị WEF hỗ trợ xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, ngày13-9-2018

(5) http://nhandan.com.vn: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2018, ngày18-7-2018

Tài liệu tham khảo

1. http://phapluatxahoi.vn: Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên khai mạc WEF ASEAN 2018 ngày12/9/2018

2. https://baomoi.com: Cách mạng Công nghiệp 4.0: Doanh nghiệp cần chủ động và hiểu rõ mình, ngày12/9/2018

3. http://www.tapchicongsan.org.vn: Một số hoạt động trong khuôn khổ Diễn đàn WEF ASEAN 2018. 11/9/2018

4. https://vov.vn: WEF ASEAN 2018 lan tỏa tinh thần đổi mới, sáng tạo để phát triển, ngày 14/9/2018

Nguyễn Nhâm

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền