Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Tiêu chí và giải pháp cơ bản phát triển bền vững ở nước ta
Thứ ba, 28 Tháng 7 2015 10:03
7307 Lượt xem

Tiêu chí và giải pháp cơ bản phát triển bền vững ở nước ta

(LLCT) - Trong những năm qua, Việt Nam đã đặc biệt quan tâm đến phát triển bền vững và đã đạt được những kết quả nhất định song còn tồn tại một số hạn chế. Để phát triển bền vững cần phải phấn đấu và nỗ lực nhiều hơn nữa.

 

1. Khái niệm và chỉ tiêu đánh giá về phát triển bền vững

Phát triển bền vững là khái niệm thể hiện một nhận thức mới về phát triển của xã hội loài người. Nếu như trước đây con người chỉ chú trọng việc sản xuất, đấu tranh để có ngày càng nhiều của cải hơn, thì ngày nay, vấn đề tiến bộ và công bằng xã hội đã được coi trọng. Khi của cải vật chất được cải thiện, đời sống của người dân được nâng lên, nhiều quốc gia chuyển từ chăm lo về lượng sang chăm lo cải thiện chất lượng sống. Đồng thời với quá trình ấy, con người cũng nhận thức ra rằng: cần cải thiện các điều kiện sống, trong đó có môi trường. Nhiều nước trong quá trình phát triển chỉ quan tâm đến tăng trưởng kinh tế mà không chú trọng bảo vệ môi trường sống nên đã làm cho môi trường ô nhiễm, ảnh hưởng xấu đến đời sống con người, không chỉ trước mắt mà nhiều thế hệ mai sau. Nhiều quốc gia đã phải gánh chịu hậu quả môi trường bị ô nhiễm, chi phí xử lý môi trường, chi phí cho y tế… không ngừng tăng.

Phát triển phải đạt được: tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội trong môi trường sống xanh, sạch, đẹp, đó chính là phát triển bền vững. Đây chính là ba trụ cột bảo đảm sự phát triển của nền kinh tế, của xã hội, của một đất nước. Tăng trưởng kinh tế là điều kiện cần, tiến bộ và công bằng xã hội với môi trường sống xanh, sạch, đẹp là điều kiện đủ để bảo đảm cho tăng trưởng kinh tế cao và duy trì được thành quả của tăng trưởng kinh tế.

Phát triển bền vững đề cao tiến bộ và công bằng xã hội, giảm chênh lệch giàu nghèo, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường, thỏa mãn nhu cầu của con người.

Những chỉ tiêu đánh giá sự phát triển bền vững:

- GDP xanh. Trong một thời gian dài, các quốc gia đánh giá kết quả của các hoạt động kinh tế - xã hội trong năm đều tính tốc độ tăng trưởng GDP, nhưng chưa quan tâm đến việc để có GDP đã khai thác bao nhiêu tài nguyên, làm ô nhiễm môi trường và suy giảm sinh thái như thế nào. Do đó, GDP xanh là chỉ tiêu không chỉ phản ánh sự phát triển kinh tế mà còn phản ánh sự bền vững hay không. GDP xanh phản ảnh chính xác, đầy đủ hơn sự phát triển của quốc gia một cách toàn diện về kinh tế, xã hội, môi trường, trong đó đã trừ các chi phí do tiêu dùng tài nguyên và mất mát về môi trường do hoạt động kinh tế gây ra. (GDP xanh = GDP thuần - Chi phí tiêu dùng tài nguyên và mất mát về môi trường do các hoạt động kinh tế).

- Chỉ số phát triển con người (HDI)với 5 đặc trưng: con người là trung tâm của sự phát triển; người dân vừa là lực lượng vừa là mục tiêu của phát triển; việc nâng cao vị thế của người dân (bao gồm cả sự hưởng thụ và cống hiến); chú trọng việc tạo lập sự bình đẳng cho mọi người dân về mọi mặt: tôn giáo, dân tộc, giới tính, quốc tịch...; tạo cơ hội lựa chọn tốt nhất cho người dân về: kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa.... HDI là chỉ số so sánh, định lượng về mức thu nhập, tỷ lệ biết chữ, tuổi thọ và một số nhân tố khác của các quốc gia trên thế giới. HDI giúp tạo ra một cái nhìn tổng quát về sự phát triển bền vững của một quốc gia.

- Chỉ số bền vững môi trường (ESI). Thước đo của sự tiến bộ tổng thể về phát triển theo hướng bền vững về môi trường là ESI (Environmental Sustainable Index). Đây là chỉ số tổng hợp thể hiện sự bền vững môi trường được tính toán dựa trên các chỉ thị chọn lọc đặc trưng cho tính bền vững về mặt môi trường có giá trị dao động trong khoảng 0 - 100. Tính bền vững môi trường càng cao thì giá trị ESI càng cao.

Ngoài ba chỉ tiêu tổng hợp trên còn nhiều chỉ tiêu đánh giá sự phát triển bền vững theo các nhóm về kinh tế, xã hội và môi trường khác nhau.

2. Thực trạng phát triển bền vững ở nước ta

Trong những năm qua, Việt Nam đã đặc biệt quan tâm đến phát triển bền vững và đã đạt được những kết quả nhất định như đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong nhiều năm, giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2013 đạt 5,42%, chặn đà suy giảm tăng trưởng từ năm 2010, cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2012 và 2011, kinh tế ổn định, tỷ lệ lạm phát ở mức 6,04% năm. 

Công tác an sinh xã hội cũng đạt được một số kết quả: thực hiện chi trả trợ cấp xã hội thường xuyên cho 2,6 triệu người với hơn 7 nghìn tỷ đồng; chi trả trợ cấp ưu đãi thường xuyên, kịp thời cho 1,5 triệu người có công với cách mạng; tạo việc làm cho khoảng 1,543 triệu người; lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng 3,6% so với cuối năm 2012 và đạt hơn 10 nghìn người. Tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng 16,4% so với cuối năm 2012, đạt 156 nghìn người; mạng lưới y tế được tăng cường, chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng lên...

Trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt được một số kết quả khả quan trong phát triển bền vững: tỷ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu sử dụng năng lượng năm 2011 là 3%; nợ Chính phủ trên GDP là 45,7%; nợ nước ngoài trên GDP là 42,2%; tỷ lệ nghèo là 10%; tỷ lệ thất nghiệp 2,88%; tỷ lệ lao động đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo là 40%; hệ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập (Gini) là 0,455 lần; tỷ lệ người dân được hưởng bảo hiểm y tế là 60%; tỷ lệ che phủ rừng là 39,7%; tỷ lệ đất được bảo vệ, duy trì đa dạng sinh học là 7,6%; tỷ lệ các đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp được xử lý chất thải rắn, nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng là 50%; tỷ lệ chất thải rắn thu gom, đã xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng là 83%...

Chỉ số phát triển con người trung bình năm trong 10 năm đạt 1,24%, thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế (7,25%) cho thấy HDI của Việt Nam ở mức trung bình thấp và ít được cải thiện: năm 2001 là 0,5127, năm 2010 là 0,5721.

Hệ số tăng trưởng vì con người (GHR) giảm dần trong các năm, cụ thể năm 2001 là 0,2607, năm 2010 còn 0,1984. Trong giai đoạn 2001-2010, hệ số tăng trưởng vì con người (GHR) của Việt Nam lớn hơn 0, cho thấy phát triển con người đang được cải thiện nhờ vào tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, sự tác động cùng chiều ấy đang có xu hướng giảm dần, giá trị GHR nhỏ dần. Giai đoạn 2001-2005, giá trị bình quân của hệ số tăng trưởng vì con người là 2,272 thì giai đoạn 2006-2010 chỉ còn 0,2054. GHR năm 2010 chỉ là 0,1984, thấp hơn nhiều so với năm 2001 (0,2607).

Bên cạnh những kết quả nêu trên, để phát triển bền vững cần phải phấn đấu và nỗ lực nhiều hơn nữa. Chỉ tiêu tăng trưởng xanh đến nay cũng chưa có tính toán đầy đủ. Chỉ số ESI và nhiều chỉ tiêu khác cũng xác định chưa đầy đủ. Hơn nữa, điều kiện môi trường vẫn còn ô nhiễm, môi sinh chưa được cải thiện đáng kể, vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn đang là vấn đề nhức nhối, biến đổi khí hậu đang đe dọa, bão lụt, hạn hán vẫn là nguy cơ trước mắt, sức khỏe con người chưa được bảo đảm tốt....

3. Giải pháp phát triển bền vững ở Việt Nam

- Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế phát triển bền vững; nâng cao chất lượng quản trị quốc gia đối với phát triển bền vững đất nước. Đồng thời, đẩy mạnh đổi mới tư duy kinh tế, nhất là xây dựng thể chế kinh tế: “Đảng mạnh, Nhà nước hiệu quả, thị trường năng động” làm thước đo cho xây dựng thể chế. Cần có cơ chế giám sát các nguồn lực cho phát triển bền vững.

- Đề xuất phương châm giới hạn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Không hoạt động sản xuất, kinh doanh nếu gây hại cho môi trường sống. Tiết kiệm trong tiêu dùng và thụ hưởng, công bằng trong phân phối thu nhập, điều hòa (có nơi hạn chế tăng) dân số và nhân lực, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Phát triển bền vững hướng tới bảo đảm hài hòa các vấn đề liên quan giữa các thế hệ, giữa các quốc gia, giữa hiện tại với tương lai, trên cơ sở huy động sự tham gia đóng góp của mọi đối tượng thụ hưởng.

- Đẩy mạnh công tác giáo dục, truyền thông, nâng cao nhận thức và năng lực của toàn xã hội thực hiện phát triển bền vững. Tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý và thực hiện phát triển bền vững cho cán bộ quản lý các cấp, các tổ chức đoàn thể và cộng đồng doanh nghiệp.

- Nâng cao vai trò, trách nhiệm và tăng cường sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ và cộng đồng dân cư trong thực hiện phát triển bền vững

- Đầu tư phát triển khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững. Tăng cường năng lực cho các cơ quan nghiên cứu, xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, hệ thống giám sát, đánh giá thực hiện phát triển bền vững. Mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực trao đổi thông tin, khoa học công nghệ về phát triển bền vững; chú trọng phát triển kinh tế môi trường…

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2014

PGS, TS Lê Quốc Lý

Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền