Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Văn hóa Hiến pháp trong xây dựng nhà nước pháp quyền
Thứ tư, 19 Tháng 8 2015 15:59
2433 Lượt xem

Văn hóa Hiến pháp trong xây dựng nhà nước pháp quyền

(LLCT) - Văn hóa hiến pháp là đỉnh cao của thành tựu văn hóa chính trị - pháp lý đương đại. Sử dụng hiến pháp để điều hành chính quyền trở thành giá trị văn hóa chung của nhân loại. Văn hóa hiến pháp biểu hiện cụ thể ở kiểu lựa chọn cách thức tổ chức và điều hành chính quyền, lựa chọn cách thức xây dựng hiến pháp, kiểu loại hiến pháp, cơ chế thực thi và bảo đảm thực thi hiến pháp…

Hiến pháp, với sự xuất hiện và phát triển của nó, hàm chứa những giá trị của tri thức khoa học pháp lý và những giá trị văn hóa cao đẹp. Những giá trị đó vừa phản ánh trình độ phát triển, sức sáng tạo văn hóa của nhân loại, vừa phản ánh quá trình đấu tranh của coăn người vì những mục tiêu, những giá trị nhân văn, nhân đạo. Sự xuất hiện của hiến pháp phản ánh khát vọng chính đáng của con người được sống trong một xã hội dân chủ, pháp quyền, ở đó những quyền của con người được bảo vệ, vị thế của con người với tư cách là chủ thể của quyền lực được tôn trọng và tránh được những nguy cơ xâm hại từ phía nhà nước - chủ thể được con người trao quyền quản lý xã hội. Vì vậy, văn hóa hiến pháp là đỉnh cao của những thành tựu văn hóa chính trị - pháp lý đương đại. Sử dụng hiến pháp để điều hành chính quyền trở thành giá trị văn hóa chung của nhân loại.

Văn hóa hiến pháp biểu hiện cụ thể ở kiểu lựa chọn cách thức tổ chức và điều hành chính quyền, lựa chọn cách thức xây dựng hiến pháp, kiểu loại hiến pháp, cơ chế thực thi và bảo đảm thực thi hiến pháp… Mỗi quốc gia, dân tộc dựa trên những nền tảng về kết cấu xã hội, về sự phát triển của nền kinh tế, xã hội, truyền thống văn hóa, tập quán, thói quen sinh hoạt chính trị, thái độ, mức độ tham gia của người dân với chính quyền mà lựa chọn mô hình hiến pháp cho phù hợp. Trong sự xuất hiện đa dạng của những kiểu loại hiến pháp, văn hóa hiến pháp cũng có những mô hình khác nhau.

Mỗi quốc gia có thể đạt đến một kiểu văn hóa hiến pháp đặc thù. Một dân tộc khi tiếp nhận hiến pháp như một thành tựu chung của văn hóa nhân loại, ngoài việc tiếp nhận các giá trị chung của văn hóa nhân loại cũng đã bản địa hóa những giá trị văn hóa đó cho phù hợp với đặc tính văn hóa của dân tộc, quốc gia mình nhưng đồng thời không làm mất đi những giá trị phổ quát của văn hóa hiến pháp nhân loại. Đó là kết quả tất yếu của quá trình giao thoa và tiếp biến văn hóa của các cộng đồng quốc gia, dân tộc trên thế giới. Có rất nhiều yếu tố tác động đến sự hình thành văn hóa hiến pháp của một dân tộc: truyền thống văn hóa dân tộc, kết cấu giai tầng xã hội, trình độ phát triển của cộng đồng, khả năng tiếp nhận các giá trị của văn hóa hiến pháp của cộng đồng nói chung cũng như những nhóm đối tượng chủ yếu trong xã hội, truyền thống dân chủ, chính trị,…

Với ý nghĩa như vậy, có thể hiểu: Văn hóa hiến pháp là sự phản ánh một cách tổng quát hệ thống các giá trị, truyền thống và lối sống của một cộng đồng, một quốc gia, dân tộc trong đời sống hiến pháp.

Xét ở tầm quan trọng của những yếu tố cấu thành văn hóa hiến pháp, cấu trúc của văn hóa hiến pháp có thể được phân chia như sau:

Hệ giá trị của văn hóa hiến pháp

Hệ giá trị của văn hóa hiến pháp được hun đúc qua quá trình đấu tranh hướng tới một nền pháp trị tiến bộ. Hệ giá trị, trước hết được biểu hiện khái quát trong các thành tựu khoa học của lĩnh vực hiến pháp mà cụ thể là hệ thống các tư tưởng, quan điểm, quan niệm có tính chất lý luận và khoa học về hiến pháp. Tư  tưởng về hiến pháp phản ánh trình độ nhận thức cao, có tính hệ thống các vấn đề có tính bản chất của hiến pháp, đó chính là tri thức về khoa học luật hiến pháp. Những giá trị của hệ tư tưởng luật hiến pháp chứa đựng những dấu ấn văn hóa của thời đại, mang trong mình những giá trị văn hóa của nhân loại. Những giá trị đó có thể được khái quát ở những điểm sau:

Con người là hạt nhân của xã hội, chính phủ được con người lập ra và phục vụ nhu cầu của chính con người với mong muốn được sống trong một xã hội ổn định và phát triển. Con người chỉ có thể sống trong một xã hội ổn định và phát triển khi chính phủ đó bị ràng buộc bởi hiến pháp, quản lý xã hội bằng hiến pháp.

Các quyền tự nhiên của con người cần được ghi nhận trong hiến pháp và được bảo đảm thực hiện bằng hiến pháp.

Con người có quyền thành lập nên chính phủ theo cách của mình và có quyền phế truất chính phủ đó khi nó không đảm bảo các cam kết với con người.

Quyền lực của con người trao cho chính phủ phải được kiểm soát bằng cơ chế hữu hiệu nhằm tránh lạm quyền.

Trên cơ sở những giá trị được xác lập đó, tri thức khoa học luật hiến pháp cũng xác định những chuẩn mực có tính phổ quát đối với hiến pháp.

Hiến pháp phải được con người thông qua với tư cách là một bên của chủ thể của khế ước xã hội.

Quyền lực phải được phân chia để kiểm soát một cách có hiệu quả.

Hiến pháp phải được bảo vệ bằng cơ chế bảo hiến hữu hiệu.

Bản văn hiến pháp

Với tư cách là đạo luật có giá trị pháp lý cao nhất, là đạo luật gốc mà trên cơ sở đó các đạo luật khác được ban hành, hiến pháp phải tuân thủ những đòi hỏi khắt khe cả trên phương diện kỹ thuật lập pháp lẫn phương diện nội dung của bản văn hiến pháp.

Trên phương diện kỹ thuật lập pháp, hiến pháp phải bảo đảm các yêu cầu cơ bản của kỹ thuật lập pháp như: Ngôn ngữ trong sáng dễ hiểu, ý tứ rõ ràng không gây nhầm lẫn. Thiết kế điều luật đúng với mô hình quy phạm pháp luật đảm bảo định hình được mô hình hành vi cần hướng tới. Hạn chế những quy định phải có sự hướng dẫn hoặc phải được cụ thể bằng luật khác.

Bản văn hiến pháp phải bảo đảm được những nội dung cơ bản của hiến pháp. Có nhiều mô hình về nội dung cơ bản của hiến pháp. Có quốc gia chọn mô hình hiến pháp gọn nhẹ với những nội dung cơ bản bảo đảm những giá trị cốt lõi cần ghi nhận thì hiến pháp cũng có hiến pháp dài hơn và có quy định về các quan hệ xã hội cơ bản trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Hay có những quốc gia chọn mô hình hiến pháp bất thành văn. Dù chọn hình thức nào, văn hóa hiến pháp cũng chỉ yêu cầu bản văn hiến pháp bảo đảm việc ghi nhận những giá trị cơ bản đó là quyền con người được ghi nhận, cơ chế để người dân tham gia thành lập chính phủ của mình, quyền lực phải được kiểm soát bằng một cơ chế hữu hiệu và được ghi nhận trong hiến pháp, bảo đảm tính tối thượng của hiến pháp, cơ chế và sự tham gia của người dân trong việc thông qua, sửa đổi, bãi bỏ hiến pháp.

Văn hóa hiến pháp cũng đòi hỏi bản văn hiến pháp phải đảm bảo được thiết kế phù hợp với thực trạng xã hội, kết cấu giai cấp, tương quan lực lượng xã hội và phù hợp với văn hóa của quốc gia, dân tộc đó.

Hành vi, lối sống của các chủ thể trong đời sống hiến pháp

Ở góc độ pháp lý, quan hệ hiến pháp là mối quan hệ giữa các cá nhân và nhà nước trong việc quyết định những vấn đề quan trọng nhất, cơ bản nhất của xã hội. Nói cách khác, chủ thể quan hệ hiến pháp chính là các cá nhân và các tổ chức trong xã hội.

Hành vi của các cá nhân

Hành vi của các cá nhân trong xã hội được xem là yếu tố quan trọng nhất trong quá trình thực thi và sáng tạo các giá trị văn hóa. Do đó, văn hóa hiến pháp cũng đòi hỏi ở con người với tư cách là chủ thể quan hệ luật hiến pháp, chủ thể của quá trình sáng tạo văn hóa phải có những hành vi hợp chuẩn. Hành vi hợp chuẩn ở phương diện này, thể hiện ở việc con người khi tham gia đời sống hiến pháp phải lựa chọn cho mình hành vi đúng với yêu cầu của văn hóa hiến pháp. Văn hóa hiến pháp của cá nhân được biểu hiện trên ba phương diện chủ yếu: Trình độ nhận thức và tri thức khoa học về hiến pháp; Năng lực của các cá nhân trong việc tham gia vào đời sống hiến pháp, tham gia xây dựng và hoàn thiện hiến pháp; Mức độ hoàn thiện nhân cách.

Con đường hình thành văn hóa hiến pháp của cá nhân được bắt đầu từ quá trình nhận thức và nắm bắt những tri thức của nhân loại về hiến pháp. Có tri thức đúng đắn và đầy đủ về hiến pháp, con người nảy sinh tình cảm, tâm lý, thái độ đúng đắn với các hoạt động hiến pháp. Đồng thời tri thức hiến pháp cũng giúp con người nhận thức được giá trị của hiến pháp, nhận thức được trách nhiệm của bản thân trong đời sống sinh hoạt hiến pháp qua đó có sự lựa chọn hành vi ứng xử đúng đắn và thỏa mãn những yêu cầu của hiến pháp nói riêng và văn hóa hiến pháp nói chung. Tất nhiên, cá nhân ở mỗi cương vị khác nhau trong xã hội có nhận thức khác nhau về hiến pháp và ngược lại văn hóa hiến pháp cũng yêu cầu mỗi cá nhân ở mỗi cương vị khác nhau trong xã hội phải có những tri thức, nhận thức khác nhau về hiến pháp và văn hóa hiến pháp. Chính mức độ nhận thức và tri thức của mỗi cá nhân quyết định năng lực tham gia của chính cá nhân đó vào quá trình xây dựng, hoàn thiện và thực thi hiến pháp.

Năng lực tham gia của mỗi cá nhân được quyết định bởi hai yếu tố quan trọng: Khả năng tham gia của mỗi cá nhân. Khả năng này thuần túy phụ thuộc vào nhận thức, tri thức, thái độ, tình cảm của mỗi cá nhân đối với các vấn đề của hiến pháp và các sinh hoạt của đời sống hiến pháp. Các thiết chế để đảm bảo sự tham gia của mỗi cá nhân vào quá trình xây dựng, hoàn thiện và thực thi hiến pháp.

Hành vi của các tổ chức trong xã hội

Có rất nhiều mô hình tổ chức trong xã hội, tuy nhiên, trong phạm vi nghiên cứu của văn hóa hiến pháp, có thể tạm chia các mô hình tổ chức trong xã hội thành hai loại: Các tổ chức quyền lực và các tổ chức chính trị xã hội khác. Đối với các tổ chức quyền lực, đó chính là hệ thống các cơ quan chính quyền được tổ chức nên theo quy định của hiến pháp để quản lý, điều hành xã hội. Các tổ chức đó được nhân dân ủy quyền sử dụng quyền lực nhà nước trong phạm vi hoạt động của mình. Văn hóa hiến pháp đặt ra cho những tổ chức này những yêu cầu, những chuẩn mực hành vi cao hơn đối với các cá nhân trong xã hội; đòi hỏi các cá nhân trong tổ chức này phải có nhận thức, tri thức ở mức cao về hiến pháp; các tổ chức này trong phạm vi hoạt động của mình không chỉ tuân thủ hiến pháp mà còn tuân thủ tinh thần hiến pháp.

Đối với các tổ chức chính trị xã hội khác, gồm các đảng phái chính trị và các tổ chức xã hội. Văn hóa hiến pháp đòi hỏi các tổ chức này trong phạm vi hoạt động của mình phải tuyệt đối tuân thủ hiến pháp, đồng thời có trách nhiệm giáo dục, định hướng các thành viên của tổ chức mình có những lựa chọn hành vi ứng xử đúng chuẩn mực khi tham gia các sinh hoạt hiến pháp. Các tổ chức này cũng có trách nhiệm phát hiện, đấu tranh với những hành vi vi phạm hiến pháp, giám sát quá trình thực thi hiến pháp của các tổ chức quyền lực.

Chức năng của văn hóa hiến pháp

Cũng giống như văn hóa, văn hóa hiến pháp có ba chức năng cơ bản sau đây:

Chức năng nhận thức

Chức năng nhận thức được biểu hiện ở hai phương diện cụ thể. Thứ nhất, những tri thức, hệ giá trị tư tưởng của văn hóa hiến pháp giúp cho những nhà lập hiến nhìn nhận đúng bản chất của hiến pháp, nhìn nhận được giá trị cốt lõi của hiến pháp, nhìn nhận được những yêu cầu căn bản của kỹ thuật lập hiến với mục tiêu rõ ràng để soạn thảo nên một bản hiến pháp tốt nhất trong phạm vi có thể và phù hợp nhất với những điều kiện, hoàn cảnh của mỗi quốc gia. Tri thức về văn hóa hiến pháp cũng giúp các nhà lập hiến chuyển tải được những giá trị văn hóa hiến pháp có tính phổ quát của nhân loại trong môi trường văn hóa bản địa của mỗi quốc gia, dân tộc. Thứ hai, ở chiều ngược lại, một bản văn hiến pháp tốt, phù hợp với những giá trị văn hóa hiến pháp có tính phổ quát và phù hợp với những giá trị văn hóa bản địa, đảm bảo nội dung cơ bản của hiến pháp lại trở thành một sản phẩm văn hóa chứa đựng những tri thức của nhân loại. Với giá trị đó, bản văn hiến pháp giúp cho các cá nhân nhận thức được nội dung cơ bản của hiến pháp, nhận thức được quyền và lợi ích của mình được quy định trong hiến pháp, nhận thức được trách nhiệm hiến pháp của mình đối với những sinh hoạt hiến pháp.

Chức năng giáo dục

Với tư cách là một hiện tượng văn hóa, văn hóa hiến pháp mang trong mình những tri thức của thời đại, đồng thời cũng ẩn chứa những giá trị văn hóa của nhân loại nói chung và văn hóa của mỗi cộng đồng người nói riêng. Với bản chất này, văn hóa hiến pháp có khả năng thực hiện chức năng giáo dục như những loại hình văn hóa khác. Chức năng giáo dục của văn hóa hiến pháp thể hiện ở hai phương diện. Thứ nhất, văn hóa hiến pháp truyền tải những tri thức cơ bản, quan trọng về hiến pháp, về quyền, nghĩa vụ của các chủ thể trong quan hệ hiến pháp và đời sống hiến pháp. Những tri thức này đảm bảo cho các cá nhân, tổ chức khi tiếp cận với bản văn hiến pháp nắm bắt được quyền và nghĩa vụ của mình, nắm bắt được những nội dung cơ bản của hiến pháp để có thái độ, tình cảm đúng đắn đối với hiến pháp. Thứ hai, ngoài việc ghi nhận những giá trị của văn hóa nói chung và văn hóa hiến pháp nói riêng, bản văn hiến pháp chuyển hóa những giá trị đó thành những chuẩn mực, những mô hình hành vi ứng xử của mỗi chủ thể trong quá trình tham gia các hoạt động của đời sống hiến pháp. Ở phương diện này, văn hóa hiến pháp thực hiện chức năng giáo dục hành vi. Qua đó, các chủ thể của quan hệ hiến pháp được giáo dục về thế nào là hành vi hợp chuẩn, thế nào là hành vi không hợp chuẩn, hậu quả của việc thực hiện những hành vi không hợp chuẩn đó. Trên cơ sở những quy định đó, các chủ thể trong quan hệ hiến pháp có căn cứ để lựa chọn cho mình hành vi ứng xử phù hợp trong từng mối quan hệ của đời sống hiến pháp.

Chức năng thực tiễn

 Chức năng thực tiễn của văn hóa pháp luật có mối liên hệ qua lại, mật thiết với chức năng nhận thức và chức năng giáo dục. Nói đến chức năng thực tiễn của văn hóa hiến pháp chính là nói đến sự vận dụng và phát huy các kết quả nghiên cứu văn hóa hiến pháp vào hoạch định và xây dựng một bản văn hiến pháp cụ thể. Nói cách khác, chức năng thực tiễn chính là việc đưa những giá trị tư tưởng, tri thức, chuẩn mực khoa học về hiến pháp áp dụng vào thực tiễn cụ thể. Đó chính là quá trình hiện thực hóa những giá trị văn hóa, những chuẩn mực khoa học trong đời sống làm cho những giá trị đó, chuẩn mực đó, tri thức đó trở thành những quy phạm hiến pháp cụ thể để thực hiện. Ở góc độ lý luận, đó chính là quá trình mang những giá trị tư tưởng, tri thức kiểm nghiệm trong đời sống thực tiễn. Nếu không thực hiện được chức năng thực tiễn thì mọi lý luận, mọi giá trị, mọi chuẩn mực, mọi tri thức chỉ mãi tồn tại trong môi trường học thuật nghiên cứu mà không đem lại những giá trị thiết thực cho đời sống. Ở chiều ngược lại, những lý luận, những tri thức, những giá trị, chuẩn mực kia không được kiểm nghiệm trong thực tiễn thì sẽ không thể khẳng định được chân giá trị đích thực của nó, không thể trả lời cho câu hỏi rằng, lý luận đó, giá trị đó có đúng hay không. Đúng trong môi trường nào, hoàn cảnh nào. Đồng thời, thông qua hoạt động thực tiễn, hệ thống lý luận, tri thức khoa học, hệ giá trị, chuẩn mực một lần nữa được đúc rút, bồi tụ và bổ sung để trở nên hoàn thiện hơn. Cũng thông qua hoạt động thực tiễn, hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực được sáng tạo thêm những giá trị mới theo quy luật giao thoa tiếp biến văn hóa. Ở một khía cạnh khác, chức năng nhận thức, chức năng giáo dục đóng vai trò quyết định trong việc truyền tải những lý luận, tư tưởng, hệ giá trị, chuẩn mực đến những đối tượng tham gia vào đời sống hiến pháp.

Những lý luận, tri thức đó là cơ sở để những nhà lập hiến nói riêng và cộng đồng quốc gia, dân tộc nói chung tự hoạch định cho mình con đường tiếp cận những giá trị văn hóa hiến pháp có tính phổ quát, tự hoạch định cho mình định hướng trong việc xây dựng nền hiến pháp, nền văn hóa hiến pháp phù hợp. Những tri thức đó cũng giúp cho những nhà lập hiến nói riêng và cộng đồng quốc gia dân tộc nói chung đánh giá chính xác những điều kiện khách quan, kết cấu giai tầng, nền tảng văn hóa, chính trị, truyền thống pháp lý của quốc gia, dân tộc mình qua đó có sự lựa chọn đúng đắn cách thức tiếp nhận những lý luận, những tri thức khoa học, hệ giá trị, chuẩn mực văn hóa hiến pháp có giá trị phổ quát của nhân loại.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2014

ThS Mai Hồng Quang

Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền