Trang chủ    Thực tiễn    Giải quyết những vấn đề cấp bách của giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay
Thứ tư, 27 Tháng 5 2015 15:20
3899 Lượt xem

Giải quyết những vấn đề cấp bách của giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay

(LLCT) - Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm xây dựng giai cấp công nhân (GCCN) lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28-1-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X chỉ rõ: “Giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc, cấp bách của giai cấp công nhân, tạo được chuyển biến thật sự mạnh mẽ và rõ rệt trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của công nhân (về nhà ở tại các khu công nghiệp, tiền lương và thu nhập, bảo hiểm xã hội, nơi sinh hoạt văn hoá, cơ sở nuôi dạy trẻ...) tương xứng với những thành quả của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và những đóng góp của giai cấp công nhân”(1)

Cùng với sự phát triển của đất nước, GCCN nước ta đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trong tất cả các thành phần kinh tế. Đến nay, cả nước có khoảng 15 triệu công nhân, bình quân mỗi năm tăng khoảng 1,3 triệu người. Mặc dù chỉ chiếm khoảng 33% tổng số lao động và 17% dân số cả nước, nhưng GCCN Việt Nam đã đóng góp hơn 60% tổng sản phẩm xã hội và hơn 70% ngân sách nhà nước(2). Tuy nhiên, nhiều vấn đề  cấp bách của giai cấp công nhân như: nâng cao chất lượng đội ngũ công nhân, vấn đề nhà ở, tiền lương, thu nhập, bảo hiểm xã hội.... chậm được giải quyết. Thu nhập của công nhân chưa tương xứng với cường độ và thời gian lao động, có nơi lương công nhân không đủ để tái tạo sức lao động...

Theo kết quả điều tra dư luận xã hội của Viện Nghiên cứu Thanh niên (3-2013) cho thấy có 41,1% số công nhân bị nợ lương hoặc chậm trả lương; 37,3% không có đủ tiền để chi trả phí thuê nhà, điện, nước sinh hoạt hàng tháng; 36,3% bị cắt giảm lương, thưởng; 30,3% doanh nghiệp không có việc làm hoặc việc làm không ổn định; 29,3% có nguy cơ bị thiếu hoặc mất việc làm.  

Hiện nay, nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và ở các tỉnh, thành phố có công nghiệp tập trung là vấn đề bức xúc hàng đầu. Theo khảo sát có khoảng 80% công nhân phải thuê nhà trọ chật hẹp, không bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường. Mặc dù Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp, nhất là các khu công nghiệp tập trung xây dựng nhà ở tập thể cho công nhân. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, cung chưa đáp ứng cầu, chưa tạo được sự thoải mái, thuận tiện cho đời sống, công việc của công nhân.

Vấn đề tiền lương, thu nhập của công nhân là vấn đề đang được đặt ra cấp bách nhất hiện nay. Chính sách tiền lương tuy đã được điều chỉnh, bổ sung nhưng còn nhiều mâu thuẫn và bất hợp lý, mức lương tối thiểu thấp, chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động(3). Tiền lương trả cho người lao động được xác định trên cơ sở thoả thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động, phụ thuộc vào hiệu quả sản xuất - kinh doanh và cung - cầu trên thị trường lao động, không được thấp hơn mức tiền lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

Theo điều tra của Viện Nghiên cứu dư luận xã hội (năm 2011) về bức xúc, lo lắng trong công việc và trong cuộc sống, cho thấy có 42% công nhân bức xúc trước các tiêu chuẩn về tăng lương, tiền thưởng; 27% bức xúc về môi trường, điều kiện làm việc ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ; 17% bức xúc về chậm lương, nợ lương và 14% các quy định về trừ lương, phạt lương bất hợp lý, khó chấp hành; 30% lo lắng ốm đau không có tiền thuốc thang, chữa bệnh; 24% lo lắng điều kiện ăn ở không  bảo đảm sức khoẻ...

Việc làm và giải quyết việc làm cho công nhân cũng là vấn đề bức xúc hiện nay. Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới nên kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, hàng chục nghìn doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, phá sản, giải thể, ngừng hoạt động, làm cho hàng trăm nghìn lao động bị thiếu việc làm, thất nghiệp. Theo báo cáo của Cục việc làm, năm 2008 có 203 nghìn lao động thất nghiệp, năm 2009 có hơn 296 nghìn lao động thất nghiệp, tăng 145% so với năm 2008. Năm 2010, số lao động thất nghiệp tăng lên 375.584 người và năm 2011 tăng gần gấp 2 lần so với năm 2010 (627.480 người), năm 2012 là 557.460 người.

Theo Nghị định số 45/2013/NĐ-CP, ngày 10-5-2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về thời gianlàm việc, thời giannghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động,người lao động làm việc từ 10 giờ trở lên được nghỉ 30 phút, không được làm thêm quá 300 giờ/năm. Kết quả khảo sát cho thấy, có 46% số người lao động làm thêm giờ, trung bình 20,5 giờ/tháng; người lao động tại các doanh nghiệp dệt may, giày da, cơ khí, điện tử có số giờ làm thêm trong tháng cao hơn, trung bình 52 giờ/tháng.

Bên cạnh đó, vấn đề nợ đọng BHXH có xu hướng ngày càng tăng. Theo thống kê, tính đến hết 31-5-2013, các đơn vị sử dụng lao động trên cả nước nợ tới 9.595,5 tỷ đồng, chiếm 7,14% so với tổng số phải thu năm 2013, tăng hơn 932 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, nợ BHXH là hơn 7.140 tỷ. Vấn đề doanh nghiệp nợ BHXH, không chốt sổ BHXH, nên người lao động thanh toán chế độ gặp nhiều khó khăn và gây bức xúc kéo dài. Như vậy, hàng năm kết dư bảo hiểm thất nghiệp khá lớn, việc chi trả chiếm khoảng 10%. Theo ý kiến người lao động, việc đăng ký và làm thủ tục thanh toán tiền bảo hiểm thất nghiệp còn nhiều phiền phức, thời gian không đủ làm thủ tục. Đánh giá nhận thức của công nhân về hiểu biết chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho thấy, có 19% công nhân mới chỉ nghe nói mà chưa biết cụ thể, 56,9% công nhân chỉ biết những nội dung liên quan đến bản thân và 18,1% công nhân biết khá rõ các nội dung liên quan đến công nhân lao động(4). Đây chính là vấn đề dẫn đến doanh nghiệp nợ đọng BHXH, mà công nhân chưa biết đấu tranh đòi quyền lợi, đến khi hưởng các chế độ không kịp thời đã gây nhiều bức xúc trong công nhân.

Để giải quyết những vấn đề cấp thiết của giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, đổi mới và hoàn thiện chính sách việc làm

Tập trung xây dựng, hoàn thiện các chủ trương, chính sách, pháp luật để đẩy mạnh CNH, HĐH, hội nhập quốc tế, huy động mọi tiềm năng, nguồn lực  của toàn xã hội để đầu tư­ phát triển kinh tế - xã hội, tạo nhiều cơ hội về việc làm cho người lao động. Muốn vậy, cần có chính sách tạo điều kiện và môi trường thu hút các nguồn lực trong nhân dân, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài cho đầu tư phát triển các loại hình doanh nghiệp để thu hút lao động. Khuyến khích các vùng kinh tế trọng điểm, khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hướng vào phát triển hàng xuất khẩu.

Nâng cao trình độ học vấn, trình độ nghề nghiệp và khả năng tiếp cận công nghệ tiên tiến của công nhân, tạo điều kiện cho người lao động tìm được việc làm mới. Hoàn thiện cơ chế, chính sách về đào tạo, đào tạo lại, đáp ứng các yêu cầu cấp bách về nguồn nhân lực có chất lượng cao; có chính sách khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia giới thiệu và cung cấp thông tin về việc làm.

Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ hỗ trợ giải quyết việc làm. Hiện nay quy mô của quỹ còn nhỏ, mới chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu về giải quyết việc làm. Cần phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của quỹ, đồng thời có chính sách đẩy mạnh hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm ở cơ sở.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế thị trường lao động, tạo khung pháp lý phù hợp, bảo đảm đối xử bình đẳng giữa người sử dụng lao động và người lao động. Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển thị trường lao động là tạo điều kiện để mọi lao động có cơ hội học nghề và tìm việc làm thích hợp, có thu nhập thỏa đáng, tương xứng với sức lao động bỏ ra. Phát triển các loại hình dịch vụ và các hoạt động giới thiệu việc làm, như hội chợ việc làm, sàn giao dịch việc làm, trang thông tin điện tử việc làm.

Hoàn thiện hệ thống giao dịch của thị trường lao động bằng cách đa dạng hoá các kênh giao dịch trên thị trường lao động (thông tin, quảng cáo, trang tìm việc làm trên các báo, đài, hội chợ việc làm) tạo điều kiện cho các giao dịch trực tiếp giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Có chính sách và cơ chế huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế cho đầu tư­ phát triển sản xuất - kinh doanh, nhất là phát triển những ngành, lĩnh vực có khả năng thu hút nhiều lao động làm công, ăn lương.

Thứ hai, tiếp tục cải cách chính sách tiền lương, tiền thưởng  

Điều chỉnh mức lương tối thiểu chung tiếp cận nhu cầu mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, khắc phục chính sách tiền lương tối thiểu còn thấp hiện nay để bảo đảm tiến trình hội nhập. Việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu phải trên cơ sở tăng trưởng kinh tế, khả năng chi trả của doanh nghiệp, biến động của chỉ số giá sinh hoạt, tương quan mức sống giữa các khu vực nông thôn, thành thị, các tầng lớp dân cư.

Mở rộng quyền tự chủ của doanh nghiệp trong việc xếp lương, trả lương cho người lao động phụ thuộc vào năng lực cá nhân người lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Quy định doanh nghiệp phải xây dựng thang lương, bảng lương, quy chế trả lương, đơn giá tiền lương, định mức lao động, chính sách tiền lương theo quy định của Nhà nước và thực hiện công khai, dân chủ, minh bạch trong doanh nghiệp.

Áp dụng cơ chế thỏa thuận thực sự, định kỳ giữa các bên về tiền lương trong doanh nghiệp, bao gồm thỏa thuận về tiền lương tối thiểu, định mức lao động, đơn giá tiền lương, thang, bảng lương, làm thêm giờ, tiền thưởng, phụ cấp, tiền ăn ca… được ghi vào hợp đồng lao động cá nhân, thỏa ước lao động tập thể, quy chế trả lương của doanh nghiệp. Trong đó đặc biệt nêu cao vai trò và năng lực đối thoại, đàm phán, thỏa thuận, kiểm tra, giám sát, thương lượng của công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp.

Tăng cường quản lý nhà nước về tiền lương, tiền công theo hướng tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, xây dựng Luật tiền lương tối thiểu, xác định mức tiền lương tối thiểu đủ sống cho khu vực sản xuất - kinh doanh và công bố định kỳ để các doanh nghiệp làm căn cứ thỏa thuận về tiền lương. Thực hiện chương trình quốc gia định kỳ giám sát, đánh giá và điều chỉnh mức lương tối thiểu, tăng cường thanh tra nhà nước về tiền lương trong các doanh nghiệp.

Thứ ba, hoàn thiện chính sách nhà ở, nhà trẻ, trường học

Cần xây dựng chính sách ­ưu đãi, tạo điều kiện để phát triển nhà ở, nhà trẻ, trường học ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, trước mắt tập trung khắc phục những khó khăn về thủ tục đất đai, quy hoạch, vốn... tạo điều kiện cho các cá nhân, tập thể thuộc các thành phần kinh tế tham gia thực hiện các dự án phát triển nhà ở cho công nhân.

Có chính sách hỗ trợ đối với người lao động hưởng lương ở khu vực đô thị, đặc biệt là đối với công nhân nhập c­ư ở các khu công nghiệp tập trung, có giá thuê mua nhà hợp lý đối với người lao động thực sự có nhu cầu về nhà ở nhưng không có tiền để thuê, mua.

Quan tâm hơn nữa đến chính sách đầu tư xây dựng trường học, trạm y tế, trung tâm giáo dục sức khỏe cộng đồng ở các vùng khó khăn, các khu công nghiệp, khu chế xuất. Có chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động hưởng lương, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển nhà ở, nhất là nhà ở cho người có thu nhập thấp.

Chính sách về nhà ở cho công nhân cần quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước, người sử dụng lao động và người lao động trong phát triển nhà ở. Nhà nước cần có chính sách miễn giảm tiền sử dụng đất, miễn giảm thuế thu nhập từ tiền cho công nhân thuê nhà ở, chính sách được vay vốn ư­u đãi đầu tư­ xây dựng nhà cho công nhân và chính sách hỗ trợ về xây dựng hạ tầng; đơn giản hóa các thủ tục cấp phép xây dựng, nghiên cứu quy hoạch từng khu vực theo hướng thiết kế nhà ở phù hợp với điều kiện sống của công nhân.

Cần có quy định trách nhiệm đối với người sử dụng lao động phải dành một tỷ lệ vốn nhất định, tham gia giải quyết nhà ở cho người lao động thông qua việc đóng góp tài chính hoặc tự xây nhà ở cho người lao động. Mặt khác, cần có chính sách ư­u đãi cần thiết để khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư­ xây dựng nhà ở cho công nhân.

Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra nhằm bảo đảm việc tuân thủ nghiêm các chính sách, pháp luật về nhà ở và các điều kiện vệ sinh, giá thuê nhà hợp lý, trật tự trị an.

Thứ tư, xây dựng hệ thống Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp hoàn chỉnh

Đa dạng hóa và mở rộng loại hình, đối tượng tham gia các loại bảo hiểm, thực hiện tốt Luật BHXH và Bảo hiểm thất nghiệp. Nghiên cứu loại hình BHXH do doanh nghiệp tổ chức theo nguyên tắc tự nguyện và cơ chế thỏa thuận giữa các bên trong doanh nghiệp. Nghiên cứu phát triển loại hình BHXH tư nhân, xây dựng chính sách bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, phát triển và tiến tới BHYT toàn dân.

Bổ sung, sửa đổi các chế độ BHXH còn bất hợp lý; điều chỉnh lương hưu và trợ cấp BHXH theo cơ chế tạo nguồn, độc lập tương đối với chính sách tiền lương, giảm dần phần hỗ trợ từ NSNN; đảm bảo cân đối thu chi BHXH trên cơ sở mức “đóng - hưởng” tăng lên theo lộ trình quy định của Luật bảo hiểm xã hội, áp dụng các biện pháp đầu tư hiệu quả từ quỹ BHXH để bảo toàn và tăng trưởng bền vững quỹ.

Nghiên cứu tách BHXH đối với khu vực hành chính sự nghiệp và khu vực doanh nghiệp, để BHXH khu vực doanh nghiệp phát triển phù hợp với cơ chế thị trường, tạo cơ hội cho công nhân tham gia nhiều loại hình BHXH, nhất là bảo hiểm tự nguyện khác.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2014

(1) Ban chấp hành Trung ương khoá X: Nghị quyết số 20-NQ/TW, tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

(2) Sơ kết 5 năm Chương trình hành động của Tổng Liên đoàn thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của BCHTW Đảng khoá X về Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.

(3) Văn kiện Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI, Nxb Lao động, Hà Nội, 2013, tr.39.

(4) Báo cáo kết quả khảo sát: Thực trạng tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, pháp luật công đoàn và những quy định pháp luật khác có liên quan cho công nhân, lao động trong các doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, năm 2012 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

 

ThS Nguyễn Mạnh Thắng

Viện Công nhân và Công đoàn

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền