Trang chủ    Thực tiễn    Kết quả và kinh nghiệm trong lãnh đạo xây dựng nông thôn mới ở Ba Vì (Hà Nội)
Chủ nhật, 24 Tháng 5 2015 21:44
3215 Lượt xem

Kết quả và kinh nghiệm trong lãnh đạo xây dựng nông thôn mới ở Ba Vì (Hà Nội)

(LLCT) - Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XV) về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nhân dân giai đoạn 2011-2015”, Đảng bộ huyện Ba Vì đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng lòng chung tay xây dựng nông thôn mới, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhiều doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân.

Ba Vì là huyện thuộc vùng bán sơn địa, nằm về phía Tây Bắc thủ đô Hà Nội; tổng diện tích 424km2, dân số hơn 265 nghìn người, với 3 dân tộc (Kinh, Mường, Dao), toàn huyện có 31 xã, thị trấn, trong đó có 7 xã miền núi, một xã giữa sông Hồng.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XV) về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nhân dân giai đoạn 2011-2015”, Đảng bộ huyện Ba Vì đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng lòng chung tay xây dựng nông thôn mới, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhiều doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân.

Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, chương trìnhxây dựng nông thôn mới ở huyện Ba Vì đã đạt được những kết quả quan trọng. Tính đến quý I năm 2015, đã 30/30 xã được phê duyệt đồ án Quy hoạch, Đề án xây dựng nông thôn mới; đã có 3 xã là Cổ Đô, Tản Hồng, Thuần Mỹ, đạt tiêu chí nông thôn mới, được UBND thành phố công nhận; 10 xã (Phong Vân, Châu Sơn, Phú Phương, Phú Châu, Đồng Thái, Vạn Thắng, Cẩm Lĩnh, Thái Hòa, Phú Sơn và Vật Lại) đạt và cơ bản đạt từ 13-16 tiêu chí; 17 xã còn lại đạt từ 9-13 tiêu chí.

Một trong những điểm sáng là việc hội viên Cựu Chiến binh tham gia hiến đất làm đường, tự tháo dỡ các công trình trên đất. Trong 4 năm qua, đã có 981 hộ gia đình hội viên Cựu Chiến binh hiến đất với hơn 156 nghìn m2, tự tháo dỡ 2.068 m tường bao, chặt hơn 4 nghìn cây các loại để giải phóng mặt bằng.

Để lãnh đạo đạt hiệu quả cuộc vận động toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ huyện Ba Vì đã tiến hành đồng bộ các phương thức, giải pháp:

Đảng bộ xác định rõ xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của giai đoạn.

Đảng bộ đã quán triệt quan điểm xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ trọng yếu trong công cuộc đổi mới, CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn cần được quan tâm đầu tư. Huyện ủy Ba Vì đã kịp thời quán triệt Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XV), ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, như: Nghị quyết số 03-NQ/HU ngày 28/8/2010 về lãnh đạo xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015, định hướng đến 2030; Chương trình số 02-CTr/HU ngày 12/12/2011 về  “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011-2015”;Nghị quyết số 19-NQ/HU ngày 25/6/2012 về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đến năm 2015 và những năm tiếp theo.

Huyện ủy tập trung chỉ đạo các cấp uỷ, chính quyền trên địa bàn huyện xây dựng nghị quyết,ban hành kế hoạch hàng năm để triển khai thực hiện; lập đề án, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, kế hoạch thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình số 02-CTr/HU.

Thực hiện hiệu quả những chủ trương, chính sách đúng đắn, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Ba Vì đã đạt kết quả tích cực, mang lại một diện mạo mới cho các xã trong huyện.

Nhìn chung, sự lãnh đạo, chỉ đạo, các giải pháp của Huyện ủy bảo đảm kịp thời, sát với tình hình thực tiễn địa phương và phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo định hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh phong trào dồn điền đổi thửa, xây dựng nông thôn mới.

Đảng bộ lãnh đạo chính quyền thể chế hóa các nghị quyết, chương trình của Huyện ủy về xây dựng nông thôn mới thành kế hoạch cụ thể.

Cụ thể hóa các nghị quyết, chương trình của Huyện ủy về xây dựng nông thôn mới, Hội đồng nhân dân huyện Ba Vì đã ban hành Nghị quyết số 04/2010/NQ-HĐND, ngày 30-6-2010 về xây dựng nông thôn mới huyện Ba Vì giai đoạn 2010-2015, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐND, ngày 29-6-2012 về phê chuẩn đề án dồn điền đổi thửa gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2012-2016.

Thực hiện nghị quyết của Đảng bộ và Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện ban hành Kế hoạch số 61/KH-UBND ngày 11-4-2012 về triển khai thực hiện Chương trình “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới từng bước nâng cao đời sống nông dân, giai đoạn 2011-2015”; Đề án số 113/ĐA-UBND, ngày 6-7-2012 về việc dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Ba Vì giai đoạn 2012-2016; Kế hoạch số: 117/KH-UBND, ngày 12-7-2012 về Thực hiện dồn điền đổi thửa năm 2012 và những năm tiếp theo.

Huyện Ba Vì đã tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt toàn huyện, các xã, thị trấn để quán triệt, học tập nghị quyết, các văn bản của Trung ương, Thành ủy, của Huyện ủy về chương trình nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Tiếp đó, các xã đã triển khai quán triệt các văn bản đến toàn thể cán bộ, đảng viên và tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân.

Đảng bộ lãnh đạo xây dựng các tổ chức, lực lượng nòng cốt, chuyên trách xây dựng nông thôn mới.

Khi bắt tay vào triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, Huyện ủy Ba Vì đã xây dựng các tổ chức, lực lượng nòng cốt, chuyên trách. Huyện đã xây dựng và kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới, Phòng Nông nghiệp phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế,... với đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn, am hiểu về lĩnh vực công tác; thành lập Tổ chuyên viên giúp Hội đồng thẩm định đề án xây dựng nông thôn mới các xã; thành lập Tổ công tác hướng dẫn, thẩm định quy hoạch đồng ruộng, đề án dồn điền đổi thửa gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới; thành lập Tổ công tác làm nhiệm vụ tuyên truyền vận động về dồn điền đổi thửa gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới; mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chuyên trách về công tác xây dựng nông thôn mới.

Đảng bộ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức tốt các hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, chính sách và cách thức tiến hành xây dựng nông thôn mới đến toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Công tác tuyên truyền được tiến hành với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Đài truyền thanh huyện xây dựng chuyên đề tuyên truyền; Cổng thông tin điện tử của huyện có trang thông tin các xã, thị trấn; đưa chuyên đề xây dựng nông thôn mới vào nội dung sinh hoạt hàng tháng của các chi, đảng bộ cơ sở; tổ chức đăng ký việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với các nhiệm vụ, tiêu chí xây dựng nông thôn mới và dồn điền đổi thửa; phát động phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” từ huyện tới cơ sở với các hình thức phong phú, sáng tạo gắn với những việc làm thiết thực như hiến đất, ủng hộ ngày công, góp sức xây dựng nông thôn mới...

Qua đó đã quán triệt và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng nông thôn mới, tạo nên sức mạnh đoàn kết, cùng chung sức xây dựng nông thôn mới.

Đảng bộ lãnh đạo xây dựng tổ chức, cán bộ đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới. Xác định tổ chức, cán bộ là nhân tố quyết định sự thành công của công cuộc xây dựng nông thôn mới, khi chuẩn bị triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình, Huyện ủy đã bố trí những cán bộ có trình độ, am hiểu về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn thực hiện có hiệu quả mục tiêu đã đề ra. Để đội ngũ cán bộ thực hiện tốt hơn nữa chức trách của mình, huyện thường xuyên mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM, đặc biệt là đội ngũ cán bộ ở cơ sở - nơi trực tiếp tổ chức triển khai thực hiện Chương trình.

Qua hơn 4 năm triển khai thực hiện, huyện đã tổ chứchơn 100 hội nghị tập huấn chuyên đề,tổ chức hơn 70lớp tập huấn, với trên 5 nghìn lượt người tham dự về công tác xây dựng NTM, phần mền cơ sở dữ liệu theo dõi kết quả xây dựng NTM. Huyện chú trọng kiểm tra, giám sát thường xuyên đội ngũ cán bộ trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ, kịp thời ngăn ngừa các nguy cơ đối với cán bộ trong hoạt động thực tiễn.

Xây dựng. phát huy vai trò của các tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ đảng viên trong xây dựng nông thôn mới. Đảng bộ Ba Vì quan tâm chỉ đạo củng cố tổ chức cơ sở đảng, nhất là xây dựng chi bộ đảng vững mạnh; quan tâm giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên.

Quản lý, chỉ đạo sự phân công trách nhiệm cho đảng viên của từng chi bộ theo trình độ, khả năng và tạo điều kiện cho mọi cán bộ, đảng viên được học tập nâng cao trình độ về mọi mặt để hoàn thành nhiệm vụ, công việc được giao.

Chỉ đạo đảng bộ các xã tập trung lãnh đạo xây dựng nông thôn mới trên các mặt: đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đầu tư hoàn thiện hạ tầng, chú trọng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; giảm nghèo, an sinh xã hội;...

Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tập hợp, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, giải pháp, kế hoạch, tạo sự đồng thuận cao trong việc đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới”. Qua thực tế, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo và đạt kết quả trong xây dựng NTM.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã vận động nhân dân hưởng ứng phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”; trong đó xác định hai nhiệm vụ trọng tâm là: Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM; Giám sát việc thực hiện các chính sách, chế độ, thực hiện Quy chế dân chủ trong xây dựng NTM.Công tác tuyên truyền được quan tâm đẩy mạnh, trên cơ sở thực hiện 5 nội dung cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới”, xây dựng “Khu dân cư văn hoá” và “Gia đình văn hóa.

Làm tốt công tác kiểm tra, giám sát. Hàng năm, Huyện uỷ đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát của Huyện uỷ và kiểm tra của Uỷ ban Kiểm tra Huyện uỷ; Huyện ủy ban hành nhiều Quyết định về thành lập đoàn, tổ kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa hiệu quả và bền vững và chương trình xây dựng NTM; Kế hoạch giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM; ban hành các Thông báo về kết quả kiểm tra, giám sát đối với công tác xây dựng NTM ở một số xã. Nội dung kiểm tra, giám sát về triển khai việc tổ chức thực hiện, tháo gỡ khó khăn từ cơ sở, hoặc tiếp thu những kiến nghị từ cơ sở để nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi cơ chế, chính sách. Kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm chú trọng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng NTM. Trong kiểm tra, giám sát đã phát hiện ra những tồn tại, bất cập, đặc biệt là những vướng mắc về chính sách, cán bộ và phương thức lãnh đạo để kịp thời bổ sung, sửa đổi nhằm lãnh đạo hiệu quả hơn.

Từ thực tiễn 4 năm chung tay xây dựng nông thôn mới cho thấy, chương trình xây dựng nông thôn mới với nhiều mục tiêu bao trùm trên tất cả các lĩnh vực, để thành công, trong quá trình tổ chức thực hiện cần:

- Ban Chỉ đạo Xây dựng Nông thôn mới của huyện phải lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, cụ thể, sát sao; các phòng ban ngành của huyện có sự phối hợp và sự vào cuộc đồng bộ của cán bộ cơ sở.

- Luôn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, phát huy tinh thần trách nhiệm, tự giác của toàn xã hội.

- Phát huy dân chủ, đề cao vai trò làm chủ của người dân, tạo niềm tin để nhân dân ủng hộ và chủ động tham gia; Nêu cao vai trò tiền phong gương mẫu của cán bộ đảng viên trong thực hiện các phong trào.

- Đề án được xây dựng đúng thời điểm, phù hợp với thực tế địa phương; chú trọng công tác quy hoạch, và đảm bảo tính khả thi, bền vững.

                                                                                          Phùng Văn Hải

                                                                   Học viện Báo chí và Tuyên truyền

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền