Trang chủ    Thực tiễn    Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa gắn với sinh kế và phát triển cộng đồng dân cư tại chỗ
Thứ tư, 27 Tháng 5 2015 15:35
2554 Lượt xem

Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa gắn với sinh kế và phát triển cộng đồng dân cư tại chỗ

(LLCT) - Trong thời gian qua, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và các địa phương nói riêng đã quan tâm khai thác di sản văn hóa bằng các phương thức đa dạng, khoa học, đem lại những nguồn lợi đa dạng. Nhờ đó, di sản văn hóa của nước nhà được quảng bá rộng rãi không chỉ trong nước mà còn với bạn bè quốc tế. 

1. Vai trò của di sản văn hóa trong đời sống

Việt Nam là quốc gia có nhiều tộc người cộng cư và đa sắc thái tín ngưỡng, tôn giáo - cả bản địa và ngoại nhập. Sự đa dạng về tộc người cùng với lịch sử dựng nước, giữ nước đã làm nên sự phong phú của di sản văn hóa nước nhà. Luật Di sản văn hóa của Việt Namxác định: “Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta”. Hiện nay, nguồn tài sản quý giá này của Việt Nam rất đa dạng và phong phú. Theo thống kê của Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tính đến 2010, Việt Nam có gần 1 nghìn di sản phi vật thể được sưu tầm nghiên cứu, lưu trữ, trên 4 vạn di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh. Trong đó, có hơn 3 nghìn di tích được xếp hạng cấp quốc gia, hơn 5 nghìn di tích xếp hạng cấp tỉnh. Hiện nay, Việt Nam có 12 di sản văn hóa được công nhận là Di sản văn hóa thế giới (vật thể và phi vật thể), 2 di sản tư liệu. Không chỉ những di sản văn hóa được vinh danh mà tất cả di sản văn hóa của dân tộc vừa là niềm tự hào chính đáng, đồng thời vừa là trách nhiệm của toàn dân trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Trong thời gian dài, chúng ta nhìn nhận di sản văn hóa ở góc độ bảo tồn mà chưa quan tâm đến nguồn lợi vô giá này trong phát triển. Trong điều kiện khó khăn của những năm kháng chiến chống đế quốc và thống nhất đất nước, chúng ta mới khai thác di sản văn hóa ở các giá trị lịch sử và truyền thống yêu nước của ngàn năm văn hiến, để giáo dục, động viên, khích lệ toàn dân tộc vào công cuộc chống ngoại xâm và xây dựng đất nước, mà chưa có sự khai thác để phục vụ kinh tế(1).

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã làm tốt việc khai thác di sản văn hóa trong phát triển ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về du lịch. Xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế là cơ hội để các quốc gia đẩy mạnh phát triển kinh tế từ khai thác di sản văn hóa. Ngoài các nguồn tài nguyên khác, di sản văn hóa được đánh giá là nguồn tài nguyên đặc biệt, có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế du lịch. Di sản văn hóa của Việt Nam rất phong phú bao gồm các di tích lịch sử, quần thể kiến trúc, sự đa dạng của lễ hội các dân tộc, sự độc đáo của làng nghề, các làn điệu dân ca… Những di sản văn hóa của Việt Nam được vinh danh di sản thế giới (vật thể và phi vật thể) cùng với hệ thống di sản văn hóa khác và di sản tự nhiên của Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách trong nước và thế giới.

 Di sản văn hóa có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển của đất nước, đặc biệt là trong thời kỳ hội nhập hiện nay. Nếu khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên di sản văn hóa, không chỉ thu được nguồn lợi kinh tế trực tiếp, giải quyết vấn đề xã hội (tiêu thụ sản phẩm văn hóa, giải quyết việc làm…) mà còn góp phần quảng bá về văn hóa, con người Việt Nam với thế giới.

2. Bảo tồn di sản văn hóa trong phát triển

Muốn khai thác di sản văn hóa để phát triển thì trước hết phải làm tốt công tác bảo tồn. Trước năm 1986, trong điều kiện khó khăn chung của đất nước, và những hạn chế từ chính sách quản lý, di sản văn hóa chưa được nhận diện một cách đầy đủ, đúng nghĩa và chưa được bảo tồn đúng mức, thậm chí, nhiều loại hình di sản văn hóa dần mai một.

Từ năm 1998 đến nay, với nhiều nguồn kinh phí (nhà nước đầu tư, người dân đóng góp, xã hội hóa…và các tổ chức hoạt động văn hóa nước ngoài hỗ trợ), Việt Nam có những bước chuyển tích cực trong công tác bảo tồn di sản văn hóa. Nhiều di tích lịch sử được lập hồ sơ khoa học, công nhận ở các cấp hạng (cấp tỉnh, thành, cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa thế giới). Hoạt động trùng tu di tích lịch sử văn hóa được Trung ương và địa phương đầu tư với nguồn kinh phí khá lớn. Những làng nghề tiêu biểu được xếp hạng và quy hoạch trong mạng lưới phát triển. Chương trình bảo tồn văn hóa phi vật thể đã góp phần sưu tầm, bảo lưu, phục dựng những loại hình lễ hội của cộng đồng các dân tộc vốn đã bị mai một trong một thời gian dài. Từ nhận thức đến hành động bằng các chính sách hỗ trợ, kế hoạch đầu tư của Nhà nước và đặc biệt quá trình xã hội hóa các nguồn lực tham gia trong công tác bảo tồn di sản văn hóa, đời sống tinh thần của người dân được nâng lên, các giá trị di sản được bảo tồn và có được môi trường tồn tại trong cộng đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn không ít những yếu kém, bất cập trong quá trình quản lý, bảo tồn di sản văn hóa. Việc xếp hạng di tích quốc gia ở các địa phương vẫn còn tình trạng “chạy” theo phong trào. Thậm chí, do xã hội hóa trong kinh phí xếp hạng di tích đã xảy ra tình trạng những nơi chưa đáp ứng tiêu chí về di tích cũng đẩy mạnh việc yêu cầu xếp hạng với mục đích không phải để bảo tồn mà lấy danh hiệu, thành tích. Bên cạnh đó, việc điều tra không toàn diện, khoa học, đã bỏ sót những loại hình đáp ứng đủ tiêu chí để xếp hạng. Trong khi đó, nhiều di tích ở các địa phương bị xâm hại nghiêm trọng, xảy ra tình trạng lấn chiếm di tích, phá hoại và buông lỏng trong công tác quản lý. Một số di tích không tuân thủ quy trình, quy định, nguyên tắc khi tổ chức trùng tu, tôn tạo đã đặt di sản văn hóa trước sự đã rồi: hạ giải di tích khi chưa có giấy phép, chưa có phương án trùng tu khoa học, làm mới di tích, thậm chí tôn tạo “trẻ hóa” di tích một cách thô kệch. Ngoài tác động từ tự nhiên, yếu tố con người trong nhận thức cũng như trong cách quản lý đã làm mai một, làm mất đi giá trị của di tích lịch sử vốn là loại hình văn hóa vật thể, mang nhiều dấu ấn của các thời kỳ lịch sử của dân tộc.

Trong khi đó, một số lễ hội được khôi phục nhưng không có chọn lọc hoặc có sự can thiệp thô bạo, hành chính hóa từ cách thức quản lý, điều hành hoặc vì lợi ích cục bộ đã tạo nên tình trạng lộn xộn trong sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo và thậm chí cả mê tín, dị đoan. Nhiều lễ hội được “sân khấu hóa”, mang tính chất trình diễn, chỉ đáp ứng cho thiểu số tổ chức tham dự mà vắng bóng tham gia của cộng đồng vốn là môi trường duy trì các hình thức sinh hoạt mang tính nhân văn, gắn kết cộng đồng.

Sự đa dạng, phong phú các loại hình di sản văn hóa Việt Nam là vốn quý, nhưng để phát huy chúng trong đời sống hiện tại, thì nhất thiết phải được bảo tồn một cách khoa học tính khoa học. Công tác bảo tồn di sản văn hóa cần được chấn chỉnh, từ nhận thức đến tuyên truyền và bằng các giải pháp cụ thể để mọi người trong xã hội cùng tham gia; trong đó vai trò quản lý, điều hành của nhà nước (cơ quan chuyên môn) cần được xác định một cách cụ thể, rõ ràng, tránh tình trạng hành chính hóa.

3. Phát huy di sản văn hóa để phát triển

Trong thời gian qua, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và các địa phương nói riêng đã quan tâm khai thác di sản văn hóa bằng các phương thức đa dạng, khoa học, đem lại những nguồn lợi đa dạng. Nhờ đó, di sản văn hóa của nước nhà được quảng bá rộng rãi không chỉ trong nước mà còn với bạn bè quốc tế. Các chương trình Fetisval, chương trình gắn kết di sản của từng vùng, miền… đã trở thành thương hiệu quen thuộc, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Từ các chương trình khai thác di sản văn hóa (hoặc gắn kết với các loại hình di sản khác) đã đem lại hiệu quả kinh tế lớn: thay đổi cơ cấu kinh tế - xã hội của địa phương, tăng nguồn thu ngân sách, mở ra nhiều dịch vụ, giải quyết việc làm cho nhiều người…Đó là kết quả của việc khai thác di sản văn hóa khoa học, có định hướng phù hợp và linh hoạt, thích ứng trong môi trường, điều kiện xã hội.

Tuy nhiên, nhiều địa phương không giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, đã khai thác di sản văn hóa một cách thái quá, không quan tâm đúng mức đến công tác bảo tồn, làm biến dạng di sản văn hóa. Rất nhiều vụ việc xâm phạm di sản văn hóa như lấn chiếm, xây dựng nhà hàng, khu vui chơi giải trí…trong phạm vi di tích; tình trạng lộn xộn, chèo kéo khách, buôn bán, khấn thuê, các hoạt động mê tín dị đoan chưa được giải quyết một cách hiệu quả. Rõ ràng, nếu chỉ quan tâm nguồn lợi trước mắt mà không chú ý đến hệ lụy của việc khai thác quá mức sẽ dẫn đến hủy hoại di tích, môi trường di tích, ảnh hưởng xấu đến đời sống văn hóa, gây ra những lệch chuẩn về giá trị đạo đức thì hậu quả sẽ khôn lường.

Để khai thác di sản văn hóa có hiệu quả, đem lại nguồn lợi hữu ích, có ý nghĩa thiết thực cho xã hội cần đảm bảo sự hài hòa trong công tác bảo tồn, phát huy, đòi hỏi chính sách quản lý phải phù hợp. Tùy thuộc vào loại hình di sản văn hóa mà có cách lựa chọn phương thức phát huy, khai thác hợp lý. Hiện nay, trong hoạch định chính sách quản lý, khai thác, các cơ quan quản lý dường như chưa nhận diện được sự đa dạng, đặc thù của từng loại hình di sản, để có giải pháp khai thác, phát huy cho phù hợp. Trong khi đó, để phát huy di sản văn hóa cần phải xét đến loại hình và đặc điểm của từng vùng miền, địa phương. Trong khai thác di sản văn hóa để phát triển, các địa phương hoặc cơ quan, đơn vị được giao quản lý trực tiếp di sản văn hóa cần phải chủ động để tìm hướng đi phù hợp. Không phải tất cả các di sản văn hóa đều có thể khai thác và phát triển một cách hiệu quả. Di sản văn hóa nào phù hợp với tuyên truyền giáo dục cho từng nhóm đối tượng, phù hợp với phát triển kinh tế, xây dựng xã hội…thì cần nhận diện và đưa ra giải pháp cụ thể.

4. Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa gắn với lợi ích cộng đồng tại chỗ

Lợi ích từ bảo tồn, khai thác di sản nói chung, các loại hình di sản văn hóa nói riêng trong phát triển cần đem lại lợi ích cho chính cộng đồng của di sản đó. Trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, đặc biệt trong giáo dục, một điều dễ nhận thấy thường thiên về hình thức tuyên truyền mà bỏ quên chất lượng, hiệu quả. Thông thường, báo cáo kết quả của các nơi có trách nhiệm với di sản văn hóa thường nêu lên những con số được định lượng lần tổ chức, lượt người đến tham quan mà bỏ qua “kết quả” từ hoạt động tuyên truyền với ý nghĩa giáo dục. Vì vậy, trong tuyên truyền về di sản văn hóa, cần có sự đa dạng trong hình thức tổ chức. Thế hệ trẻ đến với di sản văn hóa cần được tham gia, trao đổi, thảo luận những vấn đề quan tâm chứ không chỉ thụ động đón nhận “nội dung tuyên truyền” được định hướng trước.

Từ năm 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã có kế hoạch liên ngành(2) phát động một hoạt động mang tính chất giáo dục từ di sản văn hóa cho thế hệ trẻ. Tuổi trẻ, trong đó học sinh tại các địa phương có điều kiện tham quan và góp phần trong công tác chăm sóc di tích lịch sử - loại hình vật thể của di sản văn hóa. Chủ trương này cần được duy trì để thế hệ trẻ được giáo dục một cách hiệu quả từ di sản văn hóa.

Trong khai thác di sản văn hóa để phát triển, ngoại trừ chức năng quản lý trực tiếp của Nhà nước, gắn liền những điều kiện thuận lợi trong môi trường nội tại, đặc biệt loại hình di tích lịch sử, danh thắng…tự thân di sản văn hóa có điều kiện được khai thác hiệu quả, có thế mạnh và đem lại nguồn lợi kinh tế. Cố đô Huế, Vịnh Hạ Long…là những minh chứng sinh động cho việc khai thác di sản văn hóa để phát triển.

Giáo dục và khai thác từ tiềm năng di sản văn hóa trong quá trình phát triển là hướng đi tích cực cho công tác quản lý di sản văn hóa. Trên mọi bình diện, bất kỳ loại hình di sản văn hóa nào khi được khai thác để phát triển, hay giáo dục đều phải chú tâm đến hiệu quả và đem lại quyền lợi thiết thực cho người dân tại chỗ. Nếu người dân tại địa phương không tôn trọng, không thấy được trách nhiệm của mình đối với di sản văn hóa của thì công tác bảo tồn khó có hiệu quả, công tác giáo dục cũng chỉ là hình thức. Nguồn lợi khai thác từ di sản văn hóa nếu không đem lại lợi ích thiết thực cho người dân tại chỗ, như tạo được thuận lợi trong sinh kế chính đáng thì di sản văn hóa đó cũng không thể “phát triển bền vững”. Sinh kế chính đáng là từ các hoạt động bảo tồn, khai thác di sản văn hóa, tạo thuận lợi để người dân tại chỗ có cơ hội tham gia như: chế tác, bán hàng lưu niệm, các dịch vụ, sản phẩm của làng nghề…Một số địa phương khi thực hiện khai thác di sản văn hóa, thu nguồn lợi lớn nhưng tập trung vào đơn vị tổ chức, cơ quan chủ quản trong khi người dân không có điều kiện cùng tham gia khai thác chính đáng. Trong khi công tác quản lý không chặt chẽ, để xảy ra tình trạng mất trật tự, làm ảnh hưởng mỹ quan, xảy ra tệ nạn xã hội, ảnh hưởng đến di sản văn hóa.

Một số chương trình bảo tồn, khai thác di sản văn hóa của cộng đồng thiểu số chưa đem lại lợi ích cho người dân tại chỗ. Từ tri thức của người dân tộc, một số sản phẩm mang tính đặc thù được hình thành, được chính họ bán cho du khách qua dịch vụ, nhưng họ không được hưởng lợi một cách hợp lý. Vì vậy, chủ thể của sản phẩm văn hóa đã không hào hứng tham gia khai thác giá trị của di sản bởi không có sự hài hòa trong lợi ích thu được.

Di sản văn hóa phải “sống” đúng nghĩa trong cộng đồng dân cư tại chỗ là một yếu tố thiết thực nhất, có ý nghĩa nhất để phát triển bền vững. Chúng ta dễ dàng nhận thấy, một số loại hình di sản văn hóa - đặc biệt là lễ hội ở các di tích, khi người dân là chủ thể văn hóa thực sự thì tự thân các sinh hoạt, hoạt động liên quan có sức sống mãnh liệt. Các lễ hội Kỳ yên ở đình làng, lễ hội Đức thánh Trần Hưng Đạo (các di tích phía Nam), lễ hội của vị anh hùng Nguyễn Trung Trực (Kiên Giang), lễ hội Bà Chúa Xứ (An Giang), lễ hội Bà Thiên Hậu (Bình Dương)…cho chúng ta thấy chính người dân đã “sống, hòa mình và làm nên” một tinh thần đúng nghĩa trong di sản văn hóa. Nó khác với những nơi tổ chức lễ hội qua các hình thức sân khấu hóa, người dân tại chỗ bị gạt ra bên lề, một số người dân tham gia với tư cách trình diễn và đa phần họ đến lễ hội với tư cách khán giả. Đó cũng là một vấn đề để các nhà quản lý, hoạch định chính sách về xây dựng, phát triển văn hóa nói chung, di sản văn hóa nói riêng cần quan tâm.

Gần đây, tại Di tích làng cổ Đường Lâm thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội, người dân làng cổ Đường Lâm xin trả lại danh hiệu Di tích quốc gia cho Nhà nước là một minh chứng về sự bất cập trong quản lý, bảo tồn và khai thác di sản văn hóa.

Những bất cập trong quản lý, khai thác, bảo tồn, trùng tu, phân phối lợi ích từ khai thác di tích giữa nhà quản lý và cộng đồng…là những vấn đề đang được đặt ra cấp bách, đòi hỏi các cấp quản lý cần tiếp tục nghiên cứu để tìm ra các giải pháp hữu hiệu, sát hợp với thực tế.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2014

(1) Xem Lê Hồng Lý (chủ biên), Giáo trình Quản lý Di sản văn hóa với phát triển du lịch, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.21, 22.

(2)  Kế hoạch liên ngành số 7575/KHLN/BGDĐT-BVHTTDL-TƯĐTN ngày 19-8-2009.

 

ThS Phan Đình Dũng

Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền