Trang chủ    Thực tiễn    Những yếu tố ảnh hưởng đến việc thực hiện dân chủ cơ sở cấp xã ở Tây Nguyên
Thứ sáu, 03 Tháng 3 2017 10:14
3700 Lượt xem

Những yếu tố ảnh hưởng đến việc thực hiện dân chủ cơ sở cấp xã ở Tây Nguyên

(LLCT) Những năm gần đây, thực hiện pháp luật dân chủ cơ sở xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) ở các tỉnh Tây Nguyên đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, do đời sống kinh tế của đồng bào còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn thấp; năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ còn nhiều hạn chế… đã tác động không nhỏ đến việc nâng cao chất lượng thực hành dân chủ cơ sở cấp xã ở Tây Nguyên.

1.    Những yếu tố khách quan

Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên

Tây Nguyên có 722 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 77 phường, 47 thị trấn và 598 xã; 7.334 thôn, buôn, tổ dân phố, trong đó có 2.764 thôn, buôn, làng có đông đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống.

Địa hình rộng, bị chia cắt mạnh bởi hệ thống sông, suối dày đặc, nhiều ghềnh thác và nhiều dãy núi cao nên việc đi lại, giao lưu giữa các vùng, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới rất khó khăn.

Trình độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội

Hiện nay,Tây Nguyên vẫn là một vùng nghèo, chậm phát triển so với nhiều vùng trong cả nước. Đời sống nhân dân tuy có được cải thiện nhưng chênh lệch mức sống giữa các tầng lớp dân cư và các vùng, các địa phương còn lớn và có xu hướng gia tăng; thu nhập bình quân của 20% số hộ có mức thu nhập cao nhất so với 20% số hộ có mức thu thấp cách nhau 13 lần (trong khi mức chênh lệch của cả nước là 8,9 lần), trong đó mức thu nhập bình quân thấp phần lớn rơi vào vùng đông đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Ở Tây Nguyên, Già làng là người đặc biệt có uy trín trong buôn làng, có vai trò quan trọng trong xây dựng chính quyền. Việc phát huy vai trò già làng, trưởng buôn, người có uy tín trong cộng đồng các DTTS ở Tây Nguyên là rất cần thiết để triển khai các chủ trương, chính sách, pháp luật của Ðảng và Nhà nước đến các vùng.

Tây Nguyên là vùng đất đặc thù đa dạng nhất về thành phần dân tộc, gồm 47 dân tộc đang sinh sống và cư trú. Sự đa dạng về thành phần dân tộc, sự đan xen về địa bàn cư trú giữa các tộc người ở Tây Nguyên thể hiện khá rõ nét.

Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng (năm 1976), dân số toàn vùng Tây Nguyên là 1.225.000 người, gồm 18 dân tộc, trong đó đồng bào DTTS tại chỗ chiếm 69,7% (853.820 người). Đến nay, dân số toàn vùng đã lên đến hơn 5.280.000 người, đồng bào DTTS tại chỗ chỉ chiếm 25,5% (1.302.396 người); đồng bào Kinh chiếm 66,9% (3.416.875 người), các DTTS nơi khác đến chiếm 7,6% (388.166 người). Việc di dân tự do ở Tây Nguyên đã tạo ra sự phức tạp trong quản lý hành chính và trật tự xã hội, đồng thời dẫn đến những hệ quả như phá rừng, mua bán đất đai trái phép, phá vỡ không gian văn hoá, không gian sinh sống của đồng bào DTTS tại chỗ, phá vỡ kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, kéo theo nhiều vấn đề xã hội khác như đói nghèo, mù chữ, trộm cắp, cờ bạc, ma tuý…. Ở Tây Nguyên, hầu như không xã nào có thuần tuý một tộc người cư trú. Tính chất xen cư này khá phổ biến không chỉ địa bàn cấp xã mà còn ở thôn, buôn làng. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến xích mích, xung đột ở thôn, buôn làng. Đặc điểm này đặt ra yêu cầu chính quyền cấp xã phải luôn có sự nhanh nhạy trong hoạt động, giải quyết nhanh và có hiệu quả khi có mâu thuẫn nảy sinh trên địa bàn; có khả năng xây dựng tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc.

Mặt bằng học vấn của cư dân thấp, tỷ lệ người không biết chữ nhiều; việc tiếp cận các thông tin, kiến thức về pháp luật, sản xuất, văn hóa - xã hội, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường... của người dân còn nhiều hạn chế; tập quán sản xuất và tiêu dùng lạc hậu nên đã ảnh hưởng không nhỏ đếnviệc thực hiện phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Dân chủ trực tiếp không thể đảm bảo nếu trình độ dân trí thấp.Do đó, cần tích cực nâng cao trình độ dân trí, để người dân nhanh chóng tiếp cận với lối sống mới, cải thiện đời sống vật chất, văn hóa tinh thần.

Toàn vùng Tây Nguyên hiện có 4 tôn giáo chính đang hoạt động là: Công giáo, Phật giáo, Tin lành và Cao đài, với tổng số 1.753.761 tín đồ (chiếm 34,7% dân số), trong đó tín đồ Tin lành người DTTS là 324.135 người, chiếm 89,3% tổng số người theo đạo Tin lành của toàn vùng; tín đồ Công giáo người DTTS là 248.039 người, chiếm 30,9% tổng số người theo đạo Công giáo của toàn vùng; gần 3.500 chức sắc, nhà tu hành; khoảng 840 cơ sở thờ tự. Ngoài ra, có một số tôn giáo khác đã được công nhận nhưng số lượng tín đồ ít như Bahai, Phật giáo, Hòa Hảo. Lợi dụng sự phức tạp, đa dạng trong quan hệ dân tộc và tôn giáo ở Tây Nguyên, các thế lực phản động đã và đang sử dụng nhiều thủ đoạn thâm độc để chống phá trên các lĩnh vực, lôi kéo đồng bào DTTS vượt biên, tạo sự mất ổn định về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đây cũng là nét đặc thù, những khó khăn, phức tạp đòi hỏi đội ngũ cán bộ cơ sở, đặc biệt là cấp xã phải luôn cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Quốc phòng và an ninh

Trong 5 tỉnh Tây Nguyên, 4 tỉnh có đường biên giới giáp với Lào và Campuchia. Nằm dọc trên toàn tuyến biên giới có 29 xã với tổng số dân 124 nghìn người. Do Tây Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng nên âm mưu và các thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, của lực lượng phản động FULRO nhằm gây chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc nơi đây ngày càng gia tăng. Chúng sử dụng mọi âm mưu, thủ đoạn để lừa bịp, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, tôn giáo trong cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên, gây chia rẽ giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.

Sự phá hoại của các thế lực thù địch, phản động đã tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến việc thực hiện dân chủ cơ sở cấp xã ở Tây Nguyên, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào DTTS, vùng biên giới. Ở một số vùng còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định dân chủ, chính trị - xã hội, quốc phòng, an ninh, đặc biệt là ở những nơi mà năng lực thực hiện pháp luật về dân chủ của cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể còn yếu thì những điểm nóng luôn xảy ra bất cứ lúc nào. Thực tiễn đó đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức, đoàn thể phải có những giải pháp mang tính hệ thống, tích cực, mạnh mẽ và lâu dài để phát huy dân chủ ở cơ sở.

2. Những yếu tố chủ quan

Trình độ, năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành của đội ngũ cán bộ

Toàn vùng Tây Nguyên có hơn 22.464 cán bộ xã, phường, thị trấn được hưởng lương, trong đó cán bộ DTTS chiếm 30,02%. Ðội ngũ công chức cấp xã có hơn 83% đạt chuẩn về văn hóa; 59,1% có trình độ đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp... Tuy nhiên, trình độ cán bộ cơ sở ở Tây Nguyên còn thấp, tính kỷ luật trong công vụ của một số cán bộ hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu công việc. Vẫn còn một số ít cán bộ chưa phân biệt công việc nào đưa ra dân bàn, công việc nào để dân giám sát, kiểm tra; chưa đề cao vai trò của nhân dân; chưa phát huy vai trò của các tổ chức nhân dân tự quản và người đứng đầu các tổ chức nhân dân. Cũng có nơi cán bộ, chính quyền cấp xã còn xem nhẹ hoặc né tránh giải quyết những bức xúc của nhân dân. Một số nội dung “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” ch­ưa đ­ược triển khai cụ thể, nh­ư việc thực hiện chế độ đền bù, giải phóng mặt bằng, về thu chi ngân sách hàng năm, việc quy hoạch đất đai, về thực hiện các chương trình dự án như chương trình 134, 135... Chính quyền chư­a h­ướng dẫn kịp thời một số nội dung về xây dựng quy ước, chưa thực hiện tốt việc công khai hóa các chủ trương, chính sách, pháp luật cho dân; không nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của ng­ười dân, kiểm điểm những sai phạm trước dân còn qua loa, đại khái. Cá biệt có một số cán bộ, đảng viên giảm sút ý chí chiến đấu, thiếu trách nhiệm, không dám đấu tranh với những phần tử xấu.

Vai trò lãnh đạocủa tổ chức đảng

Mặc dù các cấp ủy đảng ở cơ sở đã chú trọng thực hiện phương châm  “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”,tuyên truyền phổ biến Quy chế dân chủ ở cơ sở đến từng hộ gia đình với nhiều hình thức; thực hiện thảo luận và lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về các lĩnh vực nhưng trong quá trình triển khai thực hiện còn bộc lộ nhiều hạn chế. Một số nơi, công tác xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng DTTS, vùng trọng điểm về an ninh, trật tự chưa được quan tâm đúng mức; nhận thức về công tác tôn giáo có nơi, có lúc chưa thống nhất; một số cấp ủy đảng cơ sở chưa thực sự tạo điều kiện cho dân thực hiện quyền dân chủ, nhất là quyền dân chủ trực tiếp. Có nơi, vai trò chỉ đạo của tổ chức đảng mờ nhạt, thậm chí còn bị tê liệt. Một số cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu trong xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư. Nguyên tắc tập trung dân chủ trong đảng ở một số nơi bị biến dạng thành tập trung quan liêu hoặc dân chủ hình thức; phương thức sinh hoạt lúng túng hoặc còn tình trạng bè phái; một bộ phận đảng viên, nhất là đảng viên có chức, có quyền bị tha hóa, chạy theo chủ nghĩa cá nhân, tham nhũng, lợi ích nhóm tranh giành quyền lực; chưa nhận thức hết ý nghĩa, tầm quan trọng của các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước về Tây Nguyên. Những hạn chế trên đây đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng và hiệu quả của việc thực hiện pháp luật về dân chủ cấp xã ở các tỉnh Tây Nguyên.

Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể

Từ năm 1998, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở Tây Nguyên đã có nhiều tích cực trong việc vận động nhân dân thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Trong những năm qua, việc thực hiện pháp luật về dân chủ cơ sở trên địa bàn Tây Nguyên ngày càng được mở rộng và có hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tuy nhiên, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, tổ chức quần chúng ở cơ sở chưa phát huy tốt vai trò là một tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn, là người đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân; tính tích cực chủ động còn hạn chế; việc tham gia xây dựng chính quyền chưa được thể hiện là nhiệm vụ hàng đầu; công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách, giám sát cơ quan dân cử và các đại biểu cơ quan dân cử, giám sát việc thực hiện pháp luật còn nhiều bất cập. Tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ còn thiếu về số lượng, yếu về năng lực và không ổn định, đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng thực hiện pháp luật về dân chủ ở xã.

Chính sách, chế độ đối với đội ngũ cán bộ, công chức

Đội ngũ cán bộ cấp xã ở Tây Nguyên được hình thành từ nhiều nguồn, một số trưởng thành qua 2 cuộc kháng chiến, đại đa số trưởng thành từ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chủ yếu là từ phong trào thực tiễn tại cơ sở. Đời sống của một bộ phận cán bộ cơ sở còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là cán bộ người DTTS. Do đó chính sách, chế độ đối với đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị cơ sở ở Tây Nguyên cần được quan tâm, đổi mới theo hướng áp dụng linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng cán bộ, công chức, đặc biệt là quy chế tuyển dụng cán bộ, công chức, chế độ thi cử, tiêu chuẩn dự tuyển đầu vào, xét tốt nghiệp đầu ra; trợ cấp cho cán bộ đi học; phụ cấp các chức danh theo quy định ở xã, phường ... phải thể hiện rõ được chế độ ưu tiên, ưu đãi đối với cán bộ cơ sở, cán bộ là người DTTS. Mặt khác, cần có sự hỗ trợ nhất định về tài chính cho những cán bộ cơ sở công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, vùng biên giới, tạo điều kiện để họ yên tâm công tác và học tập, gắn bó với thôn, buôn, phấn đấu trở thành những cán bộ tốt, có năng lực và phẩm chất tốt, được dân tin tưởng. Tại các cơ quan, đơn vị cần bố trí, sắp xếp công tác chuyên môn hợp lý, phù hợp với năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ công chức. Có chính sách hợp lý về đất đai, tạo điều kiện cho cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ DTTS ổn định cuộc sống, ổn định công tác lâu dài.

 

TS Đỗ Văn Dương

Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền