Trang chủ    Thực tiễn    Một vài suy nghĩ về xây dựng văn hóa tiêu dùng
Thứ hai, 27 Tháng 4 2015 15:26
2582 Lượt xem

Một vài suy nghĩ về xây dựng văn hóa tiêu dùng

(LLCT) - Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" bắt đầu từ năm 2009 nhằm phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
 
Trong những năm qua, cuộc vận động đã đạt được kết quả rất khả quan về mặt kinh tế - xã hội. Theo báo Tin tức ngày 26-11-2013 đã có hơn 70% người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt Nam chất lượng cao. Ngay từ năm 2011, có đến 90% người tiêu dùng tại Thành phố Hồ Chí Minh lựa chọn hàng Việt Nam; tại Hà Nội là 83%, trong đó, gần 60% người tiêu dùng hài lòng với hàng Việt. Tại các đô thị lớn khác, hàng Việt đã "phủ sóng" rộng rãi trên thị trường. Thông qua các kênh phân phối tại Sài Gòn như: Co.op, BigC,… hàng Việt luôn chiếm 80-90%; Vinatexmart hàng Việt chiếm 100%... Trong đó, ngành hàng thực phẩm với gần 10 nghìn mặt hàng, tỷ lệ hàng Việt chiếm trên 95% và không có hàng tươi sống nhập từ Trung Quốc. Doanh thu hàng Việt năm 2013 trong cả nước ước tính đạt trên 19 nghìn tỷ đồng...(1)
Cùng với những kết quả đạt được về kinh tế - xã hội, văn hóa tiêu dùng hướng về hàng Việt trong xã hội bước đầu được hình thành. Để văn hóa đó được tiếp tục phát huy cần được nuôi dưỡng, bồi đắp trong những môi trường cần thiết, bảo đảm lâu bền gồm cả "lý" và "tình".
Văn hóa ưu tiên dùng hàng Việt là biểu đạt của tâm lý xã hội và trách nhiệm xã hội của công dân. Do vậy, "tình" đặt lên trước bởi đây là một lĩnh vực rất riêng, là "thuận mua, vừa bán", một cuộc vận động, phong trào của quần chúng "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" chứ không phải là một quyết định của cơ quan hành chính nhà nước. Hơn nữa, truyền thống phương Đông là "trọng tình". Ngày nay, "trọng tình" đúng mức, đúng lúc, đúng chỗ (tức hợp tình, hợp lý) vẫn là tiến bộ và nhân ái, hơn nữa lại là tiên tiến và văn hóa.
Trong điều kiện nhà nước pháp quyền, cái "lý" là cái được luật hóa thành các văn bản pháp quy. Việc mua sắm hàng hóa diễn ra hằng ngày để phục vụ cho cuộc sống thường nhật của con người. Có lẽ do cái nhược điểm nảy sinh từ truyền thống phương Đông nói trên là quá "trọng tình" - "duy tình", ít "duy lý" nên ít người, với tư cách là người tiêu dùng, tự hỏi: mình có quyền gì, trách nhiệm gì trước, trong và sau khi mua hàng?
Ở nước ta, "cái lý" để trả lời câu hỏi trên, về cơ bản, trực tiếp hay gián tiếp, đã có trong những văn bản của Nhà nước như: Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng... và ngay cả trong Hiến pháp. Hiến pháp ghi rõ: "Mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong sử dụng các dịch vụ y tế..."(2). Thế nhưng, người Việt Nam nào dù muốn mua hàng Việt Nam lắm cũng có thể sẽ tránh xa, nếu thực phẩm không an toàn; sẽ không tin tưởng vào bệnh viện tuyến dưới nếu máy móc thiết bị y tế xuống cấp. Cho nên, cả "cái tình, cái lý" của người tiêu dùng là điều kiện, môi trường quan trọng để những nét văn hóa tiêu dùng hàng Việt hình thành ngày càng đầy đủ và bền lâu:
 Trước hết, người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam là thể hiện lòng yêu nước, tự tôn dân tộc.
Lòng yêu nước và tự tôn dân tộc là một trong những đặc trưng và bản sắc nhất của văn hóa Việt Nam. Đây là yếu tố trước hết và cơ bản để dân tộc Việt Nam vượt mọi khó khăn mà tồn tại và phát triển trên mảnh đất đầy thiên tai và địch họa.
Người tiêu dùng có quyền lựa chọn khi mua hàng. Nhưng cái tình ở đây là không "sính ngoại", nếu hàng hóa cùng loại, tương tự một cách tương đối, thì ưu tiên dùng hàng Việt Nam sản xuất, cung ứng để góp phần xây dựng đất nước. Đó là tình yêu nước một cách cụ thể, tự tôn dân tộc một cách thiết thực, xuất phát từ tâm người tiêu dùng chứ không hề bị ép buộc.
Tuy vậy, người tiêu dùng vẫn cần được bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, đã được nêu trong luật, trước hết là: "1. Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.
2. Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng"(3).
 Người Việt Nam lựa chọn hàng Việt Nam là vì nền kinh tế nước nhà, mong mỏi và tin tưởng các nhà sản xuất trong nước tạo ra những sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, giá thành hạ, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Không phải người tiêu dùng nào cũng hiểu được khái niệm kinh tế học và sự tác động giữa cung và cầu, người sản xuất và tiêu dùng; khái niệm văn hóa với những giá trị vật thể và phi vật thể. Thế nhưng, sự mong mỏi và tin tưởng vào hàng Việt Nam có giá trị cao về thẩm mỹ và giá trị cao về sử dụng (đẹp, tiện lợi...) để "sánh vai" được với hàng hóa ngoại là đã mang tinh thần văn hóa. "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" là làm cho "cầu" và "tiêu dùng" tăng nhanh tạo cơ hội để thúc đẩy các doanh nghiệp, các nhà thương mại nói chung phát triển sản xuất, cải tiến, kỹ thuật, tái cơ cấu tổ chức...
Cung và cầu, sản xuất và tiêu dùng cũng phải trên cơ sở "có tình, có lý". Ngay trong các luật liên quan đến người tiêu dùng ở nước ta cũng ghi nhận những cái tình trong mua bán, đó là: "Thói quen trong hoạt động thương mại" và "Tập quán thương mại"(4). Đồng thời, không để ai lợi dụng vấn đề này, nên đã "có lý" khi ghi trong luật về hiện tượng: "Quấy rối người tiêu dùng"(5) và cấm hiện tượng này đồng thời với nhiều hành vi khác có hại đến người tiêu dùng như: lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác; quấy rối thông qua tiếp thị hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn người tiêu dùng từ 02 lần trở lên hoặc có hành vi khác gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng; dịch vụ ép buộc người tiêu dùng (bằng vũ lực, lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người tiêu dùng...)...(6).
Người Việt Nam lựa chọn hàng Việt Nam là thiết thực động viên, tin tưởng vào nền kinh tế nước nhà. Như vậy là đúng với câu "Ta về ta tắm ao ta", nhưng nửa sau: "Dù trong, dù đục ao nhà vẫn hơn" là giải pháp lựa chọn tình thế của người tiêu dùng phù hợp với những năm tháng khó khăn trước đây mà thôi. Còn ngày nay, các ngành sản xuất hàng tiêu dùng Việt Nam phải đưa ra thị trường những hàng hóa chất lượng ngày càng cao, giảm thiểu "hàng hóa có khuyết tật"(7), hàng kém chất lượng... mới giữ được tình yêu của người tiêu dùng đối với mình.
Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam nhưng phải phù hợp với thuần phong mỹ tục và đạo đức, lối sống mới.
Tinh thần này thể hiện rõ tính văn hóa trong tiêu dùng, mà xưa đã có câu: "Y phục xứng y đức", "Đói cho sạch, rách cho thơm". Các đồ mua sắm phải phù hợp với thuần phong, mỹ tục. Nếu là quần áo, phải nền nã, kín đáo...; đồ ăn, thức uống thì phải: "ăn chín uống sôi", cân bằng dinh dưỡng; nếu là nhà cửa, đồ dùng trong nhà thì xây cất, bày biện tính đến hướng, ánh sáng và phong thủy...
Người tiêu dùng có văn hóa là phải biết lựa chọn cái mua để phù hợp với nét đẹp truyền thống, phù hợp với đạo đức, lối sống mới, không chạy theo lối sống thực dụng, không tiêu pha bừa bãi kiểu trọc phú, "tàn bạo" hoặc a dua, học đòi...
Văn hóa tiêu dùng cũng như văn hóa nói chung, đó là "tình", đồng thời luật pháp nước ta ngày càng có đầy đủ hơn các quy định liên quan. Hiến pháp nêu rõ: "Nhà nước, xã hội, chăm lo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại"(8), điều đó cũng được thể hiện ngay trong lựa chọn mua bán của từng người chúng ta.
Để có hàng hóa phù hợp với truyền thống tốt đẹp, đạo đức và lối sống mới, thì cái gốc của vấn đề là các nhà sản xuất, các doanh nghiệp Việt Nam phải tạo ra được những sản phẩm mang đậm văn hóa Việt và thường xuyên được cải tiến để phù hợp với thời đại. Trong hoạt động thương mại phải tuân thủ quy định pháp luật về: “Hàng hóa kinh doanh”, “hàng hóa hạn chế kinh doanh”, “hàng hóa kinh doanh có điều kiện”(9). Danh mục hàng hóa này đã lạc hậu, đang từng bước được điều chỉnh lại.
Văn hóa tiêu dùng hàng Việt là tiết kiệm, hợp với hoàn cảnh của mình và xã hội.
"Tiết kiệm" không phải là đòi hỏi chỉ đối với người nghèo, nước kém phát triển mà là nét văn hóa chung của nhân loại văn minh, cả trong sản xuất và tiêu dùng. Nước ta mới ra khỏi tình trạng một nước kém phát triển, chứ chưa phải nước giàu, thì càng phải tiết kiệm. Tiết kiệm trong tiêu dùng đối lập với hoang phí, xa xỉ nhưng không phải là bủn xỉn, keo kiệt. Chúng ta khuyên nhau tiết kiệm và ở nước ta lãng phí nhiều quá, nên đã có Luật Thực hành tiết kiệm và chống lãng phí, trong đó có lãng phí ở lĩnh vực mua bán, tiêu dùng, đặc biệt là trong sử dụng ngân sách nhà nước, trong mua sắm công... Lãng phí ở nước ta lại thường đi với tham nhũng, do vậy nó đẩy mức độ và tai hại của lãng phí và tham nhũng lên ghê gớm. Vì thế, phòng, chống tham nhũng và lãng phí vừa là lương tâm vừa là trách nhiệm pháp lý hiện nay ở nước ta.
Văn hóa tiêu dùng là tiêu dùng có kế hoạch để hợp với hoàn cảnh của mình và hợp cảnh xã hội. Hợp với hoàn cảnh của mình, trước hết, là hợp "túi tiền". Nhưng đừng sai lầm mang tính tâm lý là: cứ giá cao là hàng tốt và cứ hàng ngoại là tốt hơn hàng nội. Chúng ta đã biết, nhiều mặt hàng Việt Nam chất lượng không thua hàng ngoại mà giá rẻ hơn nhiều. Người có văn hóa tiêu dùng phải sử dụng đồng tiền phù hợp với mức sống chung của gia đình, làng xóm, quê hương.
Để củng cố niềm tin vào hàng Việt, như đã nói, người tiêu dùng đòi hỏi cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ bảo đảm đúng điều luật thông tin về hàng hóa: ghi nhãn, niêm yết giá, cảnh báo khả năng hàng hóa có ảnh hưởng xấu, khả năng cung ứng linh kiện thay thế, điều kiện giao dịch...(10). Đòi hỏi các hoạt động xúc tiến thương mại (khuyến mại, quảng cáo thương mại, trưng bày và giới thiệu hàng hóa, dịch vụ và hội chợ, triển lãm thương mại...) không chỉ để cho một phía doanh nhân, thương nhân đạt lợi ích về thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ, mà còn phải thể hiện tôn trọng khách hàng - khách quan, trung thực trong các hoạt động xúc tiến thương mại này. "Treo đầu dê bán thịt chó" là "kiểu thương mại xấu", không thể chấp nhận được trong xã hội văn minh, làm xói mòn niềm tin của người Việt vào hàng Việt.
Sau nữa, người tiêu dùng Việt Nam có tinh thần lãng mạn - hướng về tương lai tiêu dùng hàng Việt.
Đã qua cái thời gian khổ, chỉ cần "ăn no, mặc ấm" nay là nhu cầu "ăn ngon, mặc đẹp", đang và sẽ: văn hóa ẩm thực được nâng lên tầm nghệ thuật trong bữa ăn của từng gia đình. Nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng là chính đáng, tiến bộ, nhưng chỉ trở thành hiện thực trong điều kiện không ngừng đẩy mạnh sản xuất, đẩy mạnh tiêu dùng phục vụ sản xuất và đời sống ngày càng đi lên. 
Câu ca: "Chồng em áo rách em thương. Chồng người áo gấm xông hương mặc người" là ca ngợi tình yêu, chung thủy, nhưng vận vào trong tiêu dùng, thì là sự ngậm ngùi của cái nghèo, nghèo bị thiệt. “Em” và người Việt nói chung có quyền mơ ước và vươn lên làm giàu để có "áo gấm xông hương" và nhiều những vật dụng tốt đẹp hơn nữa cho mình và chồng con, gia đình.
Do vậy, xây dựng văn hóa tiêu dùng đồng thời với đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", một mặt, động viên người tiêu dùng hướng vào hàng Việt, khơi dậy lòng yêu nước, tự tôn dân tộc... trong tiêu dùng; đồng thời yêu cầu: hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động; hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách bảo vệ thị trường người tiêu dùng trong nước; đổi mới công tác quản lý thị trường... Nghĩa là cả tình và lý trong phát động phong trào "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", hình thành và phát triển những nét văn hóa trong tiêu dùng của người Việt Nam hôm nay.
________________
(1) http://www.baomoi.com/Hinh-thanh-van-hoa-tieu-dung-hang-Viet/45/12515734.epi.

(2) Hiến pháp, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,2014, Điều 20, 38.

(3) Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,2010, Điều 8.

(4) Luật Thương mại, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,2009, Điều 3: "Thói quen trong hoạt động thương mại là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng được hình thành và lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài giữa các bên, được các bên mặc nhiên thừa nhận để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng thương mại" và "Tập quán thương mại là thói quen được thừa nhận rộng rãi trong hoạt động thương mại trên một vùng, miền hoặc một lĩnh vực thương mại, có nội dung rõ ràng được các bên thừa nhận để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thương mại".

(5) Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,2010, Điều 3 "Quấy rối người tiêu dùng là hành vi tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với người tiêu dùng để giới thiệu về hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hoặc đề nghị giao kết hợp đồng trái với ý muốn của người tiêu dùng, gây cản trở, ảnh hưởng để công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng".

(6) Xem: Sđd, Điều 10.

(7) Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,2010, Điều 3: "Hàng hóa có khuyết tật là hàng hóa không bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, có khả năng gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả trường hợp hàng hóa đó được sản xuất theo đúng tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật hiện hành nhưng chưa phát hiện được khuyết tật tại thời điểm hàng hóa được cung cấp cho người tiêu dùng...".

(8) Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,2014, Điều 60.

(9) Luật Thương mại, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,2009, Điều 25: "1. Căn cứ vào điều kiệnkinh tế - xã hộicủa từng thời kỳ và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Namlà thành viên, Chính phủ quy định cụ thể danh mục hàng hóa cấm kinh doanh, hàng hóa hạn chế kinh doanh, hàng hóa kinh doanh có điều kiệnvà điều kiệnđể được kinh doanh hàng hóa đó". 2. Đối với hàng hóa hạn chế kinh doanh, hàng hóa kinh doanh có điều kiện, việc mua bán chỉ được thực hiện khi hàng hóa và các bên mua bán hàng hóa đáp ứng đầy đủ các điều kiệntheo quy định của pháp luật".

(10) Xem: Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,2010, Điều 12.

PGS, TS Phan Thanh Khôi

TS Đỗ Xuân Tuất

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

 
Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền