Trang chủ    Ảnh chính    Cách mạng tháng Mười Nga và Cách mạng tháng Tám ở Việt Nam
Thứ ba, 24 Tháng 10 2017 16:32
12023 Lượt xem

Cách mạng tháng Mười Nga và Cách mạng tháng Tám ở Việt Nam

(LLCT) - Cách mạng Tháng Mười Nga là đòn giáng thứ nhất vào chính diện của chủ nghĩa đế quốc ngay trên nước Nga, khâu yếu nhất trong sợi dây chuyền của chủ nghĩa tư bản và Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam là trận tiến công thắng lợi đầu tiên chọc thủng khâu trọng yếu của hệ thống thuộc địa thế giới. Cả hai cuộc cách mạng đều có tầm vóc và ý nghĩa lớn đối với dân tộc, quốc tế. Trong đó, Cách mạng Tháng Mười đã vạch ra con đường và đã để lại những kinh nghiệm quý báu cho Đảng và nhân dân ta làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám.

Cuộc Cách mạng Tháng Mười lật đổ giai cấp phong kiến và tư sản ở Nga, xây dựng chính quyền công - nông - binh, xóa bỏ chế độ áp bức, bất công, xây dựng chế độ vì hạnh phúc của nhân dân lao động. Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, nhân dân lao động đã được ở địa vị người làm chủ đất nước là cơ sở cho việc thực hiện quyền làm chủ về chính trị, đó là chế độ công hữu về tư liệu sản xuất. Cách mạng Tháng Mười mở ra thời đại quá độ lên CNXH trên toàn thế giới, cổ vũ tinh thần đấu tranh của giai cấp bị áp bức, bóc lột, đứng lên chống lại giai cấp tư sản.

Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam “đã lật đổ nền quân chủ mấy mươi thế kỷ, đã đánh tan xiềng xích  thực dân gần 100 năm, đã đưa chính quyền lại cho nhân dân, đã xây nền tảng cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc”(1), là thắng lợi đầu tiên của một dân tộc thuộc địa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã giành chính quyền về tay nhân dân.Sau Cách mạng Tháng Tám, nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, nhà nước dân chủ nhân dân được thành lập ở Việt Nam, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc và CNXH cho nhân dân Việt Nam. Thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh của các dân tộc thuộc địa, bị phụ thuộc trong mặt trận chung chống chủ nghĩa đế quốc.

Trên mỗi thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều có dấu ấn của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga. Hồ Chí Minh khẳng định “Càng nhớ lại những ngày tủi nhục mất nước, nhớ lại mỗi bước đường đấu tranh đầy hy sinh gian khó mà cũng đầy thắng lợi vẻ vang thì giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam  càng thấm thía công ơn to lớn của Lênin và cách mạng Tháng Mười”(2).  

1. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của đường lối mà Cách mạng Tháng Mười đã vạch ra

Hồ Chí Minh khẳng định “Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã chứng minh sự đúng đắn của học thuyết Mác - Lênin, (…) đã chứng minh sự đúng đắn của con đường của cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười vĩ đại đã vạch ra”(3). Con đường mà Cách mạng Tháng Mười đã vạch ra cho các dân tộc, cho nhân dân Việt Nam đó là gắn liền độc lập dân tộc và CNXH, sau khi giành được độc lập dân tộc sẽ bắt tay vào xây dựng CNXH. Nhờ ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười mà những người cách mạng Việt Nam, trong đó người đầu tiên là Nguyễn Ái Quốc đã tiếp nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, giải quyết sự bế tắc, khủng hoảng về đường lối cứu nước của cách mạng Việt Nam. “Những người cách mạng Việt Nam đã được tiếp thu ảnh hưởng đầy sức sống của Cách mạng Tháng Mười và chủ nghĩa Mác - Lênin. Điều đó tựa như người đi đường đang khát mà có nước uống, đang đói mà có cơm ăn”(4). Khi Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra và giành thắng lợi, dù chưa biết nhiều về cuộc cách mạng ấy nhưng về cảm tính Nguyễn Ái Quốc đã thấy “có mối tình đoàn kết với các mạng Nga và người lãnh đạo cuộc cách mạng ấy”.

Tháng 7- 1920, khi đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy con đường giành độc lập và tự do cho dân tộc Việt Nam mà Người tìm kiếm bấy lâu.  Chỉ trên 3 nghìn từ với 12 luận điểm quan trọng được đăng trên báo Nhân đạo của Đảng Xã hội Pháp, bản Sơ thảo của Lênin như cánh cửa mở ra đưa Nguyễn Ái Quốc đến với “tiếng sấm cách mạng”, thúc đẩy những người Việt Nam yêu nước hướng về phía Liên Xô, hấp thụ lý luận vĩ đại của chủ nghĩa Mác - Lênin”(5). Người viết “Luận cương của Lênin đã làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi mừng đến phát khóc lên. Ngồi 1 mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo “Hỡi đồng bào bị đày đoạ đau khổ. Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”(6). Từ đó Người hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo con đường cách mạng mà Lênin đã chọn. Đó là con đường cách mạng vô sản. Cách mạng Việt Nam do giai cấp công nhân lãnh đạo phải trở thành một bộ phận của cách mạng vô sản thế giới, gắn bó với cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân ở các nước tư bản và các dân tộc bị áp bức trong một mặt trận chung chống chủ nghĩa đế quốc. Con đường cứu nước mà Người tìm thấy không phải chỉ là con đường đánh đổ chủ nghĩa thực dân đế quốc, đánh đổ giai cấp áp bức, bóc lột mà còn là con đường xây dựng xã hội mới, chế độ của quần chúng nhân dân và vì hạnh phúc của nhân dân lao động.

Tháng 6-1923, Nguyễn Ái Quốc đến Liên Xô, trực tiếp nghiên cứu Cách mạng Tháng Mười, chế độ XHCN và nhà nước Xôviết, tận mắt chứng kiến những thành tựu do cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga mang lại. Bằng trải nghiệm thực tiễn, Hồ Chí Minh rút ra kết luận “trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là cách mạng thành công và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng tự do, hạnh phúc bình đẳng thật”(7). Muốn cách mạng thành công thì phải đi theo con đường cách mạng Nga. Do đó, sau khi giành được độc lập, chúng ta phải đi lên CNXH mới mang lại hạnh phúc thật sự cho nhân dân. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga và chủ nghĩa Mác - Lênin đã đưa Nguyễn Ái Quốc đi tới sự lựa chọn dứt khoát về con đường cứu nước và giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản.

Khi xác định rõ con đường cho cách mạng Việt Nam, tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, Nguyễn Ái Quốc tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về nước thông qua tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên để chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đánh giá quá trình này, đồng chí Trường Chinh khẳng định “Chúng ta không nên quên rằng: việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã chịu ảnh hưởng sâu xa của Cách mạng Tháng Mười”(8). Việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930) đã xác định lực lượng lãnh đạo cách mạng và con đường cách mạng đúng đắn cho Việt Nam, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám.

2. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là kết quả của việc vận dụng thành công bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám chứng minh chân lý: Trong thời đại ngày nay, một dân tộc dù nhỏ bé, lạc hậu, nghèo nàn nhưng có một Đảng Cộng sản với đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, biết đoàn kết và phát huy sức mạnh toàn dân thì vẫn giành được thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc. Hồ Chí Minh khẳng định:“Cách mệnh Nga dạy chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải lấy dân chúng (công - nông) làm gốc, phải đảng vững bền, phải bền gan, phải hi sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”(9). Bài học về chuẩn bị lực lượng cách mạng, phát huy sức mạnh của quần chúng, xây dựng Đảng đã được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh học tập từ Cách mạng Tháng Mười Nga và vận dụng thành công vào cách mạng Việt Nam.

Thứ nhất, Đảng ta đã vận dụng thành công kinh nghiệm về phát huy vai trò lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản

Cách mạng Tháng Mười Nga thành công vì có sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Bônsêvích mà đứng đầu là Lênin. Đảng đã đưa ra đường lối đúng đắn cho cách mạng, đồng thời luôn linh động, sáng tạo thay đổi khẩu hiệu, biện pháp đấu tranh khi tình hình thay đổi, biết chớp thời cơ để giành thắng lợi. Vận dụng các kinh nghiệm đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã hoạch định đường lối đúng đắn, nhạy bén, kịp thời. Đảng đã xác định rõ mục tiêu cách mạng trong từng thời điểm, kịp thời đề ra khẩu hiệu đấu tranh thích hợp, tập hợp được đông đảo quần chúng nhân dân, đáp ứng nguyện vọng bức thiết của nhân dân.

Ngày 12-3-1945 khi Nhật đảo chính Pháp, Ban Thường vụ Trung ương đã ra chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta, quyết định thay khẩu hiệu “Đánh đuổi phát xít Nhật - Pháp” bằng khẩu hiệu “Đánh đuổi phát xít Nhật”.

Đảng ta đã sáng suốt dự báo thời cơ của cách mạng Việt Nam sẽ đến khi “Quân Đồng minh vào Đông Dương đánh Nhật. Phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh (…) là những dịp tốt cho nhân dân Đông Dương nổi dậy giành quyền độc lập, tự do”(10). Đảng đã nắm rõ âm mưu của quân Anh và quân Tưởng Giới Thạch trong lực lượng đồng minh vào tước vũ khí quân Nhật sau khi quân Nhật đầu hàng Đồng minh. Vì vậy, không thể chậm trễ, phải giành chính quyền sau khi Nhật đầu hàng và trước khi Đồng minh vào Việt Nam. Chúng ta phải có một chính phủ mới của nhân dân Việt Nam trước khi quân Pháp vào xâm chiếm nước ta lần nữa.

Ngày 14-8-1945, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng Đồng minh. Từ ngày 13 đến 15-8, Trung ương Đảng họp Hội nghị toàn quốc tại Tân Trào. Hội nghị nhận định cơ hội tốt cho ta giành độc lập đã tới và quyết định phát động toàn dân tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền. Tổng khởi nghĩa diễn ra và giành thắng lợi trên toàn quốc. Để thực hiện được lời chỉ dẫn của Lênin trong “Lịch sử sẽ không tha thứ cho những người cách mạng có thể thắng lợi hôm nay (và chắc chắn sẽ thắng lợi hôm nay) mà lại để chậm trễ; vì để đến ngày mai, không khéo họ sẽ mất nhiều, không khéo họ sẽ mất tất cả…Lịch sử tất cả các cuộc cách mạng đã chứng minh điều đó(11). Đảng Cộng sản Việt Nam đã tập trung chuẩn bị điều kiện mọi mặt  để tiến hành tổng khởi nghĩa vũ trang khi thời cơ đến.

Thứ hai, Đảng ta vận dụng thành công bài học về xây dựng lực lượng, phát huy sức mạnh của quần chúng, của khối đại đoàn kết toàn dân trong việc thực hiện mục tiêu của cách mạng

Lênin cho rằng, “Muốn cho một cuộc cách mạng xã hội có thể thắng lợi thì ít nhất phải có hai điều kiện: những lực lượng sản xuất phát triển cao và một giai cấp vô sản đã được chuẩn bị”(12).  Vì vậy, để cách mạng thành công, Đảng ta đã xác định rõ “bổn phận ta là gấp rút chuẩn bị lực lượng để bất cứ trong trường hợp nào cũng có thể lợi dụng khi quân Trung Quốc hay quân Anh, Mỹ vào Đông Dương mà nổi dậy giành chính quyền, tự lực xây dựng cơ đồ cho dân tộc”(13). Để xây dựng lực lượng cho cách mạng, phải tổ chức tuyên truyền, vận động đông đảo quần chúng ủng hộ và tham gia cách mạng, huy động mọi lực lượng trong nhân dân không bỏ sót một ai trong việc thực hiện mục tiêu của cách mạng, thực hiện các khẩu hiệu, đường lối mà Đảng đề ra. Đảng ta đã có sự chuẩn bị kỹ càng về mặt tổ chức để tập hợp quần chúng vào Mặt trận Việt Minh (5-1941) với các tổ chức cứu quốc như Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Tự vệ cứu quốc ... được thành lập ở nhiều tỉnh là cơ sở vận động các tầng lớp nhân dân tham gia cách mạng. Đối với bậc kỳ hào, địa chủ, tư sản, tổ chức họ vào Việt Nam cứu quốc hội, thành lập Hội văn hóa cứu quốc tập hợp giới trí thức và văn hóa… Ngày 25-10-1941, Mặt trận Việt Minh công bố Tuyên ngôn đoàn kết rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân thực hiện mục tiêu chung của cách mạng là giải phóng dân tộc “chủ trương liên hiệp tất thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn”; “Việt Minh sẵn sàng giơ tay đón tiếp những cá nhân hay đoàn thể, không cứ theo chủ nghĩa quốc tế hay quốc gia, miễn thành thực muốn đánh đuổi Nhật, Pháp để dựng nên một nước Việt Nam tự do và độc lập”(14).

Đảng chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nâng cao tinh thần dân tộc và ý chí cách mạng của quần chúng. Trong suốt quá trình chuẩn bị và tiến hành tổng khởi nghĩa, các tổ chức đảng nhiều lần sử dụng các hình thức tuyên truyền có ảnh hưởng lớn đến sự chú ý của nhân dân như lời kêu gọi, thư kêu gọi, hiệu triệu, lời tâm huyết, thông cáo, truyền đơn… Các biểu tượng con Rồng cháu Tiên, Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Bạch Đằng... được tôn vinh để cổ vũ tinh thần yêu nước và ý thức đoàn kết dân tộc.

Đảng tổ chức các phong trào đấu tranh để rèn luyện ý chí và kinh nghiệm làm cách mạng cho quần chúng. Qua đó, quần chúng được trưởng thành về mọi mặt, cả nhận thức và hành động… chuẩn bị lực lượng để thực hiện cuộc Cách mạng Tháng Tám. Đảng ta khẳng định, Cách mạng Tháng Tám “là kết quả tổng hợp của các phong trào cách mạng liên tục diễn ra trong 15 năm sau ngày thành lập Đảng, từ cao trào Xôviết Nghệ - Tĩnh, cuộc vận động dân chủ 1936 -1939 đến phong trào giải phóng dân tộc 1939 -1945, mặc dù cách mạng có những lúc bị dìm trong máu lửa”(15).

Cách mạng Tháng Mười Nga đã vạch ra con đường và cung cấp những kinh nghiệm quý báu để Đảng và nhân dân ta làm nên Cách mạng Tháng Tám long trời lở đất. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Kinh nghiệm bản thân  của Việt Nam chứng tỏ rằng chính nhờ Đảng của những người Bônsêvích và của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại mà ở Việt Nam có một đảng mác xít lêninnít và Cách mạng tháng Tám của chúng tôi đã giành được thắng lợi”(16).

Trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, Đảng ta đã “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, sử dụng các biện pháp khác nhau để thực hiện mục tiêu của cách mạng. Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954), Đại thắng mùa Xuân (1975) và những thành quả của công cuộc đổi mới đất nước đã thể hiện sự vận dụng thành công, sáng tạo tư tưởng lêninnít, bài học kinh nghiệm trong Cách mạng Tháng Mười.

_________________

 (1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.25-26.

(2), (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.305, 562.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.314.

(4), (7), (9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.304, 304, 280.

(5), (16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.173, 190.

(8) Trường Chinh: Cách mạng tháng Mười và cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1957, tr.28.

(10), (13) Trường Chinh, Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dânViệt Nam, Nxb Sự thật, 1975, t.1, tr.306, 236.

(11), (12) Lênin: Toàn tập, t.34, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, , tr.571-572, 285.

(14) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, 2000, tr.461.

(15) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.62-63.

 

ThS Trịnh Xuân Thắng

Học viện Chính trị Khu vực IV

         

 

 

                

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền