Trang chủ    Bài nổi bật    Chuẩn mực đạo đức con người Việt Nam mới - nội dung cốt lõi của tác phẩm “Đời sống mới”
Thứ năm, 11 Tháng 5 2017 12:43
5574 Lượt xem

Chuẩn mực đạo đức con người Việt Nam mới - nội dung cốt lõi của tác phẩm “Đời sống mới”

(LLCT) - Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, cùng với việc tập trung xây dựng bộ máy nhà nước của dân, do dân, vì dân; quan tâm đời sống vật chất của người dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời chủ trương xây dựng nền tảng tinh thần cho xã hội mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bài viết góp phần làm sáng tỏ những quan điểm trong xây dựng nền đạo đức mới - một nội dung cốt lõi trong tác phẩm “Đời sống mới” của Người.

1. Để thực hiện mục tiêu xây dựng xã hội mới vì con người, ngay từ tháng 1-1946, Người đã viết thư kêu gọi thanh niên và nhi đồng toàn quốc, như một lực lượng hàng đầu, “xung phong thực hành đời sống mới” để giúp họ trở nên “những công dân mới, xứng đáng với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.

Đúng ngày 1 Tết Bính Tuất, trong Thư chúc mừng năm mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào cả nước “sẽ phấn đấu cho một đời sống mới, để “ai cũng góp sức vào cuộc kháng chiến lâu dài, để làm cho nước ta được hoàn toàn tự do, độc lập”(1). Trong Thư gửi phụ nữ nhân dịp Tết này, Người cũng kêu gọi phụ nữ nước ta “Phải gắng làm sao. Gây đời sống mới”(2).

Để hiện thực hóa chủ trương trên, ngày 3-4-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 44 về thành lập “Ủy ban Trung ương vận động đời sống mới”.

Tiếp đó, nhân ngày Quốc tế lao động 1-5-1946, Người ra “Lời kêu gọi” đến đồng bào toàn quốc và anh chị em lao động toàn quốc “Đoàn kết để giữ vững tự do, dân chủ. Đoàn kết để kiến thiết nước nhà. Đoàn kết để xây dựng một đời sống mới”(3). Ngay trong chuyến thăm Pháp năm 1946, ngày 12-4, tại thủ đô Pari, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi đồng bào Việt Nam ở Pháp, kêu gọi đồng bào xa Tổ quốc cũng “Thực hành khẩu hiệu đời sống mới: cần, kiệm, liêm, chính”.

Ngày 23-10-1946, trong “Lời tuyên bố với quốc dân sau khi đi Pháp về”, khi nói về nhiệm vụ chung vào lúc này, Người chỉ rõ nhiệm vụ hàng đầu của “Chính phủ và nhân dân phải đồng tâm nhất trí, ra sức tổ chức, ra sức công tác, đoàn kết hơn nữa, mở mang kinh tế, xây dựng nước nhà, thực hành đời sống mới khắp mọi phương diện” để “Làm cho Chính phủ và nhân dân Pháp trông thấy, làm cho thế giới trông thấy rằng: dân Việt Nam đã đủ tư cách độc lập, tự do, không thừa nhận ta tự do, độc lập thì không được”(4)

Ngày 9-11-1946, trong bài phát biểu tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ hai Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi “Các đại biểu thực hiện đời sống mới khắp nơi”(5).

Tháng 3-1947, khi cuộc kháng chiến trường kỳ mới bước sang tháng thứ ba, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống mới. Người viết tác phẩm “Đời sống mới” để cụ thể hóa nội dung, phương châm, lộ trình xây dựng đời sống mới và chỉ rõ rằng: “Trong lúc kháng chiến cứu quốc, chúng ta phải đồng thời kiến quốc. Thực hành đời sống mới là điều cần kíp cho công cuộc cứu quốc và kiến quốc”(6).  

“Đời sống mới” đã trở thành cuốn cẩm nang để mọi người, từ cán bộ đến người dân, từ em nhỏ đến phụ lão và các giới đồng bào thực hành đời sống mới đúng như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh được ghi trong Lời tựa của tác phẩm: “…Tôi mong đồng bào ta mỗi người có một quyển Đời sống mới để xem, để hiểu, để thực hành đời sống mới”(7).

Có thể nói, phong trào xây dựng đời sống mới được Chủ tịch Hồ Chí Minh chuẩn bị kỹ lưỡng trên mọi phương diện, cả về đối tượng, nội dung, tổ chức, với mục tiêu có ý nghĩa hết sức to lớn. Đời sống mới được thực hiện không chỉ phục vụ cho sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc lâu dài mà còn có ý nghĩa quốc tế: xây dựng đời sống mới để cho thế giới thấy được “tư cách độc lập, tự do” của cả một dân tộc với ý chí và quyết tâm xây dựng một xã hội tiến bộ, văn minh.

2. Cốt lõi trong nội dung của tác phẩm “Đời sống mới” chính là vấn đề xây dựng những chuẩn đạo đức con người mới, từ con người cá nhân đến cộng đồng nhỏ (làng, xã, đơn vị) và tới cộng đồng dân tộc ta.

Có thể thấy nội dung cốt lõi về đạo đức trong tác phẩm “Đời sống mới” được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trước hết trong mục I khi Người viết: “thực hành đời sống mới là Cần, Kiệm, Liêm, Chính”(8). Nội dung này được Người giải thích rất cụ thể:

Cần là: “Quân đội phải siêng tập, siêng đánh. Nhân dân tăng gia sản xuất, phải siêng làm, thì kháng chiến chắc chắn thắng lợi. Thế là Cần.

Kiệm là: “Binh sĩ phải tiết kiệm đạn dược, mỗi viên đạn một tên thù. Nhân dân phải tiết kiệm vật liệu, mới giúp được bộ đội và đồng bào tản cư”

Liêm là: “mọi người trong sạch, không tham lam, không đem của công dùng vào việc tư, thì mọi việc mới chạy”.

Chính là: “Mỗi người quốc dân phải vì  nước quên nhà, hăng hái  ủng hộ kháng chiến, ra sức tăng gia sản xuất, trừ diệt bọn bán nước hại dân, quyết làm cho Tổ quốc thống nhất độc lập”(9)

Nội dung của đời sống mới biểu hiện trong chuẩn mực Cần, Kiệm, Liêm, Chính được Chủ tịch Hồ Chí Minh quy vào “hai thứ”: “Một là, đời sống mới riêng, từng người. Hai là, đời sống mới chung, từng nhóm người, như bộ đội, các nhà máy, các trường học, công sở .v.v..”(10). Theo Người, “hai thứ” đó có quan hệ biện chứng với nhau vì “Do nhiều người nhóm lại mà thành làng. Do nhiều làng nhóm lại mà thành nước. Nếu người này cũng xấu, người kia cũng xấu, thì thành làng xấu, nước hèn. Nếu mỗi người tốt, thì thành làng tốt, nước mạnh. Người là gốc của làng nước. Nếu mọi người đều cố gắng làm đúng đời sống mới, thì dân tộc nhất định sẽ phú cường”(11).

Nội dung Cần, Kiệm, Liêm, Chính của “một người chung”, “một người quốc dân Việt Nam, không kỳ giàu nghèo, già hay trẻ, gái hay trai”, được Chủ tịch Hồ Chí Minh định danh thành những nội dung cụ thể về ý thức như sau:

Về tinh thần, một là sốt sắng yêu Tổ quốc. Việc gì có lợi cho nước, phải ra sức làm. Việc gì có hại cho nước phải hết sức tránh.

Hai là sẵn lòng công ích. Bất kỳ việc to việc nhỏ, có ích chung thì phải hăng hái làm. Thí dụ: Thấy một cành gai nằm giữa đường, ta lấy vất đi, cho người khác khỏi dẫm phải. Thế cũng là công ích. Hy sinh tài sản giúp kháng chiến, đồng bào tản cư, di cư, cũng là công ích.

Ba là mình hơn người thì chớ kiêu căng.

Người hơn mình thì chớ nịnh hót.

Thấy của người thì chớ tham lam.

Đối của mình thì chớ bủn xỉn.

Cách ăn mặc phải sạch sẽ, giản đơn, chớ lượt thượt, xa xỉ lòe loẹt.

Cách làm việc, phải siêng năng, ngăn nắp, có tinh thần phụ trách, đã làm việc gì thì làm cho kỳ được, làm đến nơi đến chốn. Chớ làm dối.

Cách cư xử, đối với đồng bào thì nên thành thực, thân ái, sẵn lòng giúp đỡ”(12).

Các chuẩn mực đạo đức về Cần, Kiệm, Liêm, Chính được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rất cụ thể đối với từng loại đối tượng: từ trong một nhà, một làng, một trường học, đến đơn vị bộ đội và xưởng máy... Đặc biệt nhất là chuẩn mực đạo đức đó được Người chỉ ra chi tiết đối với “các công sở”.

Với quan niệm: một là, “Từ Chủ tịch nước đến người chạy giấy, người quét dọn trong một cơ quan nhỏ, đều là những người ăn lương của dân, làm việc cho dân, phải được dân tin cậy. Vì vậy, những người làm trong các công sở càng phải làm gương đời sống mới cho dân bắt chước”; hai là, “Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”(13). Bởi vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, những người làm ở các công sở phải có chuẩn mực đạo đức Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Nội hàm của những chuẩn mực đó là:

“1. Cần - Làm việc phải đúng giờ, chớ đến trễ, về sớm. Làm cho chóng, cho chu đáo. Việc ngày nào, nên làm xong ngày ấy, chớ để chờ ngày mai. Phải nhớ rằng: Dân đã lấy tiền mồ hôi nước mắt để trả lương cho ta trong những thì giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt dân.

2. Kiệm - Giấy bút, vật liệu, đều tốn tiền của Chính phủ, tức là của dân; ta cần phải tiết kiệm. Nếu một miếng giấy nhỏ đủ viết, thì chớ dùng một tờ to. Một cái phong bì có thể dùng hai, ba lần. Mỗi ngày công sở cả nước dùng hàng mấy vạn tờ giấy và phong bì. Nơi nào cũng tiết kiệm một chút, thì trong một năm đỡ được hàng vạn tấn giấy, tức là hàng triệu đồng bạc. Các vật liệu khác cũng vậy. Nhờ các công sở tiết kiệm mà lợi cho dân rất  nhiều.

3. Liêm - Những người ở các công sở, từ làng cho đến Chính phủ trung ương, đều dễ tìm dịp phát tài, hoặc xoay tiền của Chính phủ, hoặc khoét đục nhân dân. Đến khi lộ ra, bị phạt, thì mất hết cả danh giá, mà của phi nghĩa cũng không được hưởng. Vì vậy, những người  trong công sở phải lấy chữ Liêm làm đầu.

4. Chính - Mình là người làm việc công, phải có công tâm. Chớ đem của công dùng vào việc tư. Chớ đem người tư làm việc công. Việc gì cũng phải công bình, chính trực, không nên vì tư ân, tư huệ, hoặc tư thù, tư oán. Mình có quyền dùng người thì phải dùng những người tài năng, làm được việc. Chớ  vì bà con bầu bạn, mà kéo vào chức nọ chức kia. Phải trung thành với Chính phủ, với đồng bào. Chớ nên làm quan cách mệnh”(14).

Từ những vấn đề căn bản trên đây, có thể thấy rõ quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Đời sống mới”, từ nội dung cơ bản về chuẩn mực của đời sống mới, từ đời sống mới của con người cụ thể tới đời sống mới của con người cộng đồng, đều biểu thị và nhấn mạnh các chuẩn mực đạo đức cụ thể về Cần, Kiệm, Liêm, Chính, nhằm xây dựng “nước ta trở nên một nước mới, một nước văn minh”(15). Đây cũng là giá trị cốt lõi có ý nghĩa thực tiễn lớn lao của Tác phẩm Đời sống mới khi xác định các chuẩn mực cụ thể trên phương diện đạo đức cho con người Việt Nam hiện nay. 

_____________________   

(1) Báo Cứu quốc, số 155, ngày 5-2-1946

(2) Báo Tiếng gọi phụ nữ số Xuân Bính Tuất, năm 1946

(3) Báo Cứu quốc số 229, ngày 1-5-1946.

(4) Báo Cứu quốc, số 384, ngày 23-10-1946.

(5) Báo Cứu quốc, số 401 ngày 10-11-1946

(6), (7), (8), (9), (10), (11), (12), (13), (14), (15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia. Hà Nội, 2011, tập 5, tr 111, 112, 112, 112, 115, 117, 117-118, 122, 122-123, 118.

 

PGS, TS Phạm Hồng Chương

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

ThS Nguyễn Chí Cường

Trường Chính trị tỉnh Lai Châu

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền