Trang chủ    Bài nổi bật    Tính quy luật và những xu hướng lớn tác động đến mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế
Thứ sáu, 22 Tháng 12 2017 11:26
2694 Lượt xem

Tính quy luật và những xu hướng lớn tác động đến mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế

(LLCT) - Từ cuối những năm 80 thế kỷ XX đến nay, thế giới đã có nhiều biến động lớn trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ kinh tế, chính trị đến quan hệ giữa các quốc gia ở phạm vi khu vực và toàn cầu. Vậy, phải chăng các biến động đó không biểu hiện một xu hướng nào hoặc không có một tính quy luật nào? Nói cách khác, liệu chúng ta có thể rút ra tính quy luật,chỉ ra các xu hướng lớncủa những biến động đó không? Liệu chúng có ảnh hưởng hay không và ảnh hưởng ở mức độ nào đến mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế của Việt Nam?

Để trả lời các câu hỏi này cần phải đứng trên quan điểm khách quan và lịch sử - cụ thể. Trước hết, phải chỉ ra được những xu hướng lớn ảnh hưởng đến các quá trình thế giới đương đại, từ đó mới có thể rút ra được tính quy luật của các xu hướng tác động đến đất nước ta xung quanh các mối quan hệ trên.

1. Quá trình toàn cầu hóa hiện nay diễn ra với tốc độ nhanh, trong đó nổi bật nhất là ở lĩnh vực kinh tế, thương thương mại quốc tế. Quá trình này đang có tác động mạnh mẽ nhất đến tất cả các nước trên thế giới. 

Quá trình toàn cầu hóa thực ra đã bắt đầu từ thế kỷ XV và đã trải qua ba giai đoạn lớn. Đặc điểm nổi bật của cả ba giai đoạn này là chúng đều gắn với các cuộc chiến tranh xâm lược, với chính sách thực dân trên mọi lĩnh vực, đồng thời là hệ quả trực tiếp của các cuộc chiến tranh và chủ nghĩa thực dân đó.

Giai đoạn đầu, sau khi Columbus (1451-1506) tìm ra châu Mỹ vào thế kỷ XV, các nước phát triển nhất châu Âu thời bấy giờ đã tiến hành các cuộc chinh phục phần thế giới mới được khám phá ấy.

Giai đoạn thứ hai, từ giữa thế kỷ XIX, châu Âu đã chinh phục nhiều nước châu Á và biến vùng đất rộng lớn giàu tài nguyên thiên nhiên này thành thuộc địa, nơi cung cấp nguyên liệu cho chính quốc và là thị trường béo bở mang lại lợi nhuận cao.

Giai đoạn thứ ba, sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, chủ nghĩa thực dân từng bước sụp đổ, nhiều nước đã giành lại được độc lập về chính trị, tham gia vào đời sống chính trị quốc tế; thế giới đã có những thay đổi lớn lao, tính chất của sự liên kết thế giới cũng mang nhiều nét mới. Sự liên kết trong nội khối tăng lên, một bên do cường quốc Mỹ đứng đầu và bên kia do cường quốc Liên Xô đứng đầu. Mức độ căng thẳng giữa các khối cũng ngày càng gia tăng, thể hiện ở cuộc chiến tranh lạnh kéo dài hàng chục năm.

Giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay, khác rất nhiều so với các giai đoạn trước. Nếu những sự liên kết trong toàn cầu hóa ở các giai đoạn trước chỉ diễn ra trên một phạm vi hạn hẹp và nhiều nước còn nằm bên lề tiến trình này, tốc độ liên kết diễn ra khá chậm chạp thì toàn cầu hóa hiện nay đang diễn ra với những khác biệt lớn.

Tính khách quan của quá trình toàn cầu hóa hiện nay phản ánh xu thế tiến lên của lịch sử nhân loại, phản ánh xu thế hợp tác và cạnh tranh để cùng phát triển. Nhu cầu được phát triển của các quốc gia đã trở thành nhu cầu mang tính thời đại. Để phát triển một cách bền vững, thì tất cả các quốc gia dù đang ở trình độ phát triển nào cũng không thể đóng cửa, đứng ngoài cộng đồng thế giới. Giờ đây, nếu một đất nước nào đó tự tách mình ra khỏi tiến trình kinh tế toàn cầu, không hội nhập với thế giới hoặc bị cộng đồng quốc tế cấm vận thì chắc chắn sẽ gặp vô vàn khó khăn trong quá trình phát triển. Trong quá trình toàn cầu hóa, thế giới đang trở thành ngôi làng toàn cầu, vì thế mọi quốc gia đều có sự liên hệ, ràng buộc và ảnh hưởng lẫn nhau.

2. Toàn cầu hóa diễn ra trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ là do sự phát triển vượt bậc của khoa học và công nghệ hiện đại, mà trước hết là công nghệ thông tin. Nhờ các phương tiện truyền thông hiện đại mà thế giới dường như đang thu nhỏ lại, khoảng cách địa lý được rút ngắn đáng kể. Bởi vậy, toàn cầu hóa hiện nay là thành quả mới của nền văn minh nhân loại; nó tác động đến nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội của thế giới.

Toàn cầu hóa đã mở ra cho tất cả các nước khả năng tiếp cận và tiếp nhận các công nghệ mới. Dân chủ hóa trong lĩnh vực công nghệ là một trong những nét nổi bật của toàn cầu hóa hiện nay, điều mà cách đây hơn nửa thế kỷ không thể có. Chính những thành tựu của khoa học và công nghệ đã tạo điều kiện cho quá trình dân chủ hóa trong lĩnh vực này, nhờ đó mà các nước dù chưa đủ khả năng để tự mình phát minh vẫn có cơ hội tiếp thu những công nghệ tiên tiến, để sớm hội nhập với thế giới. Việc một số lĩnh vực công nghệ thông tin hiện đại đã có mặt khá sớm và đang phát huy hiệu quả cao tại Việt Nam thời gian qua là một minh chứng nổi bật.

Nhờ các kỹ thuật mới như kỹ thuật thu nhỏ, kỹ thuật nén và đặc biệt là kỹ thuật số hóa mà dung lượng thông tin trong máy tính và trong các thiết bị lưu trữ tăng lên gấp bội nhưng lại gọn nhẹ hơn rất nhiều, giá thành các thiết bị này ngày càng thấp. Tương tự như vậy, nhiều máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại khác giá cả ngày càng rẻ hơn đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng rộng rãi chúng. Sự tiến bộ nhanh chóng của các công nghệ mới buộc những chủ nhân của chúng phải nhanh chóng tung ra thị trường để tránh sự thiệt hại do có thể bị lạc hậu khi có phát minh mới hơn trong cùng lĩnh vực.

Xu hướng dân chủ hóatrong lĩnh vực công nghệ đã giúp cho các quốc gia kém phát triển và đang phát triển có điều kiện tiếp thu công nghệ hiện đại nhất, nhờ chuyển giao miễn phí, mua bán hoặc hợp tác sản xuất, v.v., để rút ngắn con đường phát triển của đất nước mình. Bằng cách tiếp thu những công nghệ mới do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại, các nước chậm phát triển sẽ có cơ hội đi thẳng vào quy trình sản xuất hiện đại; nhờ đó có thể giảm bớt hoặc hoàn toàn ngừng xuất khẩu nguyên liệu thô mà tập trung vào chế biến tại chỗ để tăng giá trị hàng hóa, giảm chi phí sản xuất. Nhờ quá trình này mà những nước đi sau có thể tranh thủ cơ hội để hội nhập với thế giới nhanh hơn vì mục tiêu phát triển. Quy luật về việc các nước đi sau có thể tranh thủ cơ hội do lịch sử tạo ra để rút ngắn khoảng cách với các nước đi trước đã chứng minh.

Thực tiễn những năm gần đây cho thấy, quá trình dân chủ hóa trong lĩnh vực công nghệ đã làm cho các nước xích lại gần nhau hơn, phụ thuộc lẫn nhau nhiều hơn, các bên liên quan đến công nghệ (bán - mua, giao - nhận) đều cùng có lợi. Tuy nhiên, quy luật cạnh tranh trong kinh tế thị trường luôn nhắc nhở chúng ta rằng, cơ hội để rút ngắn quá trình phát triển của các nước nhập công nghệ không chỉ phụ thuộc vào sự khôn ngoan của chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế mà còn phụ thuộc rất đáng kể vào các nước đang là chủ công nghệ. Đó là lý do giải thích vì sao dù đã có cơ hội, song thực tế những nước nghèo vẫn gặp không ít khó khăn để có được công nghệ mới.

Một trong những lĩnh vực dân chủ hóa quan trọng nhất hiện nay là dân chủ hóa thông tin. Internet, truyền hình với các thiết bị thu gọn nhẹ, cực nhạy, v.v.. đã làm cho quá trình dân chủ hóa có tính chất bước ngoặt thực sự trong đời sống xã hội hiện đại. Mọi hành vi bưng bít thông tin, sự không minh bạch, che giấu những hành động sai trái, những tội ác chống lại loài người dễ dàng bị phanh phui, lên án. Dân chủ hóa thông tin đã góp phần không nhỏ vào quá trình dân chủ hóa quyền lực, dân chủ hóa việc hoạch định chính sách, góp phần làm trong sạch nền hành chính và quản trị quốc gia. Quyền lực và sức mạnh thông tin thậm chí có thể trở thành sức mạnh chính trị, làm khuynh đảo cả một chế độ. Đây cũng là một nét rất mới, là hệ quả của toàn cầu hóa thông tin nói riêng và toàn cầu hóa hiện nay nói chung.

Dân chủ hóa thông tin còn đặc biệt quan trọng trên lĩnh vựckinh tế. Mọi thông tin liên quan đến kinh tế, đến thị trường tài chính, tiền tệ, đến giá cả hàng hóa, v.v. đều được cập nhật thường xuyên và nhanh chóng trên mạng. Sự tiết kiệm về thời gian trở thành sự tăng thêm về lợi nhuận.

Đặc biệt, dân chủ hóa thông tin mang lại nhiều khả năng lựa chọn cho người tiêu dùng, là một bước tiến dài trên con đường thực hiện lý tưởng cao cả mà nhân loại từng mơ ước - tất cả đều vì con người. Dân chủ hóa trong lĩnh vực công nghệ cùng với dân chủ hóa thông tin, vì vậy, vừa thúc đẩy mọi người phải thường xuyên tự nâng cao trình độ chuyên môn của mình, vừa phải nâng cao khả năng cạnh tranh nếu muốn phát triển không ngừng và nếu không muốn ở một thời điểm nào đó phải cam chịu thất bại. Quy luật cạnh tranh, vì vậy sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Toàn cầu hóa hiện nay dù mang tính khách quan, nhưng cũng có không ít những khiếm khuyết và hạn chế. Dù toàn cầu hóa, về lý thuyết, tạo cơ hội cho tất cả các nước, song trên thực tế, sự thua thiệt vẫn chủ yếu thuộc về các nước chậm phát triển. Các nước kinh tế phát triển cao thường tìm mọi cách, đặt ra nhiều điều kiện khắc nghiệt, nhiều tiêu chuẩn rất ngặt nghèo, thậm chí đến mức vô lý, để hạn chế khả năng cạnh tranh của các nước chậm phát triển. Các nước phát triển luôn nói đến công bằng trong thương mại nhưng lại thường áp đặt luật lệ riêng của họ cho các nước yếu thế hơn nhằm bảo hộ sản xuất trong nước bất chấp các thông lệ quốc tế. Điều này làm cho sự độc lập và hội nhập của các nước yếu thế trong cạnh tranh kinh tế như nước ta gặp bất lợi lớn. Về mặt lý thuyết, dù thế giới đang trong quá trình toàn cầu hóa và đang hội nhập rộng rãi thì quy luật mạnh được, yếu thuavẫn có sức nặng của nó.

Tình hình cũng diễn ra tương tự trong lĩnh vực tài chính và vốn đầu tư. Mặc dù cơ hội tạo ra cho các nước chậm phát triển có thể tiếp cận nguồn đầu tư và tài chính quốc tế là có thực, song số rào cản được dựng lên là không ít, thậm chí còn có cả sự can thiệp của chính trị, của chính quyền trái với mong muốn của các nhà đầu tư có thiện chí.

Tính hai mặt và sự bất bình đẳng của toàn cầu hóa thông tin còn rõ ràng hơn nữa. Khoảng cách giữa các nước giàu và các nước nghèo trong tiếp cận Internet hiện thời là rất lớn. Điều này cản trở khả năng hội nhập của doanh nghiệp các nước chậm phát triển vào thương mại toàn cầu. Do vậy, sự bất bình đẳng chắc chắn sẽ còn kéo dài và phần thua thiệt vẫn thuộc về các nước chậm phát triển và đang phát triển.

Một hạn chế khác không thuộc bản chất của quá trình này, đó là một số thế lực lợi dụng nó để thực hiện các ý đồ riêng của họ. Bản chất của thông tin là khách quan nhưng việc sử dụng thông tin và các công cụ thông tin lại đầy tính chủ quan. Bằng những phương tiện hiện đại, các siêu cường đã sử dụng những thông tin bịa đặt không hề có trong thực tế vào các mục tiêu can thiệp quân sự, can thiệp chính trị hoặc làm rối loạn kinh tế của nước khác. Sự thật này nổi rõ qua hàng loạt cuộc chiến tranh, cuộc lật đổ những chế độ chính trị ở các nước không được họ ủng hộ.

Ý đồ chính trị mờ ám khi được sự hỗ trợ của công nghệ thông tin hiện đại thì sức mạnh và tác hại của sự dối trá, bịa đặt, bôi nhọ càng lớn. Nhân loại chắc sẽ còn phải đối mặt lâu dài với tình trạng này. Dân chủ hóa đời sống xã hội nói chung, và dân chủ hóa lĩnh vực thông tin nói riêng, chỉ thực sự có ý nghĩa khi có được sự công bằng và bình đẳng trong thực tế, khi thế độc quyền bị loại bỏ, khi mà tất cả các nước đều được tiếp cận bình đẳng với mọi thành quả chung của nhân loại.

3. Kinh tế thị trường hiện đại.

Chính kinh tế thị trường hiện đại là một động lực quan trọng thúc đẩy toàn cầu hóa. Không có kinh tế thị trường thì không thể có toàn cầu hóa kinh tế mạnh mẽ như hiện nay. Chính toàn cầu hóa kinh tế, về mặt nguyên tắc, đang tạo ra một sân chơi bình đẳng cho tất cả các quốc gia có nền kinh tế thị trường. Ai tham gia vào cuộc chơi trong kinh tế toàn cầu hóa đều phải tuân theo những luật chơi của nó, cụ thể là những luật lệ xoay quanh việc mở cửa đất nước, mở cửa thị trường, tự do cạnh tranh, loại bỏ những sự cấm đoán và can thiệp duy ý chí, để cho thị trường hoạt động theo đúng các quy luật kinh tế. Những quốc gia nào có luật pháp rõ ràng, minh bạch, chính trị ổn định, cạnh tranh bình đẳng thì sẽ có nguồn vốn đầu tư vào nhiều hơn. Nói cách khác, mọi quốc gia đều có quyền tiếp cậncác nguồn đầu tư tài chính quốc tế phục vụ cho công cuộc phát triển của quốc gia mình. Rõ ràng là toàn cầu hóa đã mở ra cơ hội mới cho những nước kém phát triển đang cần đến nguồn tài chính để phát triển.

4. Những xu hướng lớn khác ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập quốc tế.

Sức mạnh, quyền lực cùng ảnh hưởng cả tích cực lẫn tiêu cực của các tổ chức kinh tế và các định chế tài chính quốc tế lớn.Trong những thời điểm nào đó, các tổ chức và định chế này (như IMF, WB) có thể giúp đỡ khá hiệu quả các nước nhỏ, kể cả nước ta, là những nước đang cần nguồn tài chính để phát triển và để hội nhập với thế giới. Tuy nhiên, khi gặp khủng hoảng tài chính, dù là khủng hoảng trong phạm vi nội bộ một quốc gia hoặc khủng hoảng mang tính khu vực hay toàn cầu, thì các nước nghèo sẽ dễ rơi vào vòng kiềm tỏa của họ. Ngay lập tức những quốc gia có tiếng nói quyết định trong các định chế trên sẽ đưa ra các điều kiện ngặt nghèo nhằm buộc con nợ phải tuân theo quan điểm của họ về các mặt từ kinh tế đến chính trị. Khi một quốc gia rơi vào tình thế như vậy thì sự độc lập, tự chủ là vô cùng khó khăn. Chính vì thế, để hội nhập quốc tế thật sự bình đẳng thì nhất thiết chúng ta phải có thực lực, có chiến lược khôn ngoan về kinh tế, tài chính, ngoại giao chứ không thể chỉ đơn thuần vì ý chí chính trị hay mong muốn chủ quan.

Thế giới đa cực và nhiều trung tâm với những lợi ích rất khác nhau. Chính tính đa cực này dẫn đến sự đan xen lợi ích nhiều mặt rất phức tạp, từ kinh tế, chính trị đến quốc phòng, an ninh, văn hóa, v.v.. Sự đan xen lợi ích làm cho các nước xích lại gần nhau, mở rộng giao lưu, buôn bán, liên doanh, liên kết, do đó thúc đẩy hội nhập. Tuy nhiên, hiện thời, do thể chế chính trị, tôn giáo, ngôn ngữ, v.v. khác nhau giữa các nước nên rất dễ xảy ra những va chạm, thậm chí cả những xung đột khó lường. Về mặt địa chính trị, tại một số khu vực sự đan xen lợi ích đôi khi có thể giảm nhẹ khả năng xung đột, kể cả xung đột vũ trang, nhưng vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ đó.

Mặc dù có sự đan xen lợi ích nhưng vẫn không thể loại trừ được mâu thuẫn và xung đột lợi ích. Bằng chứng rõ nhất là trong mấy thập kỷ gần đây, không ít các cuộc xung đột đã xảy ra ở nhiều khu vực trên thế giới. Lò lửa Trung Đông và Bắc Phi là những điển hình về xung đột lợi ích giữa các nước trong khu vực, và giữa các cường quốc. Mâu thuẫn lợi ích giữa nhiều quốc gia liên quan đến Biển Đông và nguy cơ xung đột không những đe dọa độc lập, tự chủ của nước ta mà còn trực tiếp tác động và cản trở tiến trình hội nhập. Bởi vậy, mỗi bước hội nhập quốc tế, mỗi khi tiếp nhận hoặc cấp phép đầu tư, cần phải tính toán thận trọng, nhất là về an ninh và quốc phòng, để vừa không ảnh hưởng đến chủ quyền lãnh thổ, vừa không xảy ra mâu thuẫn về lợi ích với các quốc gia láng giềng có thể dẫn tới những hậu quả không mong muốn.

Sự đan xen lợi ích và mâu thuẫn về lợi ích rất có thể sẽ dẫn đếnsự thỏa hiệp của các nước lớnvới nhau, mà rốt cuộc sự thua thiệt lại thuộc về các nước nhỏ. Diễn biến ở Biển Đông trong tương lai có thể xảy ra theo kịch bản này nếu Mỹ và Trung Quốc thỏa thuận phân chia lợi ích với nhau mà không tính đến các nước khác. Bài học mang tính quy luật ở đây là nước nhỏ, kém phát triển một khi quáphụ thuộc hoặc chỉcó quan hệ mật thiết với một nước lớn nào đó mà không có quan hệ đúng mức, khôn khéo với các nước khác thì rất dễ rơi vào thế kẹt cứng khi xảy ra những sự biến bất ngờ. Do vậy, chính sách để giữ được sự cân bằng các quan hệ và các lợi ích với nhiều quốc gia trong thế giới đa cực hiện nay sẽ là chính sách khôn ngoan. Một chính sách như vậy sẽ luôn luôn bảo đảm được rằng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì lợi ích quốc gia được đặt lên trên hết, song không phủ nhận lợi ích của các quốc gia khác.

Chủ nghĩa bảo hộ hướng nội cực đoanđang là một xu hướng đi ngược lại với quá trình toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại, sẽ tác động đến trật tự kinh tế thế giới. Xu hướng này đang muốn phá bỏ các thỏa thuận chung mà cộng đồng nhiều nước đã đạt được sau nhiều năm đàm phán khó khăn. Điển hình nhất là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố không tham gia Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương(TPP) và sự kiện Brexit. Xu hướng này cùng với xu hướng dân tộc cực hữu, dân túy, bài ngoại đang trỗi dậy và mạnh dần lên thời gian gần đây ở nhiều nước trước các cuộc bầu cử đang đi ngược lại với sự hội nhập quốc tế rộng rãi nhiều mặt mà các nước đang hướng tới.

Xu hướng ly khai tại một số quốc gia cũng đang đặt ra những thách thức lớn. Chẳng hạn, các xung đột ở Ache (Indonesia), ở Nagornưi-Karabac, Kosovo, Tân Cương, v.v.. Các xu hướng ly khai đó không chỉ gây rối loạn trong nội bộ các quốc gia mà còn ảnh hưởng lan rộng ra các quốc gia lân cận. Tuy Việt Nam chưa phải đối mặt trực diện với xu hướng này nhưng đã từ lâu không ít các thế lực chống đối luôn ấp ủ tham vọng thành lập vương quốc của các tộc người thiểu số như “Nhà nước Mông”, “Nhà nước Đê Ga” hay “Nhà nước Khmer Krom độc lập”.

Xu hướng ly khaicó quan hệchặt chẽ với khủng bố quốc tế. Giờ đây khủng bố không còn là nguy cơ mà đã trở thành một thảm họa thực sự đối với hòa bình thế giới; là trở ngại đối với nền độc lập dân tộc, đến khả năng tự chủ và sự hội nhập quốc tế của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Trong bối cảnh thế giới phức tạp như hiện nay, để hội nhập quốc tế thật sự bình đẳng, không bị o ép và có lợi thì, như một quy luật, nhất thiết chúng ta phải có thực lực, và trước hết phải có chiến lược đúng đắn và toàn diện về kinh tế, tài chính, ngoại giao.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2017

GS, TS Nguyễn Trọng Chuẩn

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền